Năm 2020 đã đánh dấu cột mốc 20 năm thành lập của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai mươi năm không phải là quãng thời gian quá dài, tuy nhiên cũng không quá ngắn cho hành trình phát triển của một thị trường.
Trong thời gian đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng doanh nghiệp niêm yết. Ban đầu, thị trường bắt đầu chỉ với vài doanh nghiệp thì hiện nay con số này đã hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết trên cả ba sàn chứng khoán. Bắt đầu với giá trị vốn hóa rất nhỏ thì thị trường chứng khoán Việt Nam giờ đây có mức vốn hóa lên đến hàng trăm tỷ đô la. Thị trường chứng khoán ra đời đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam. Khi các hoạt động kinh tế ngày càng mở rộng thì yêu cầu thị trường tài chính phải có một sự phát triển tương ứng.
Nền kinh tế Việt Nam giống như nhiều nền kinh tế khác ở Châu Á, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn ngân hàng trong quá trình phát triển. Từ sau giai đoạn đổi mới, hệ thống ngân hàng cung cấp nguồn vốn chính yếu cho nền kinh tế để tạo động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, khi quy mô ngày càng tăng đã dẫn đến việc hệ thống ngân hàng đang phải gồng mình và không đủ để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng đa dạng của các doanh nghiệp. Khi đó, sự ra đời của thị trường chứng khoán sẽ giúp giảm tải áp lực trong nguồn vốn của ngân hàng, vốn thường chỉ được tài trợ trong nhu cầu vốn ngắn hạn. Những nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp có thể được hỗ trợ qua kênh huy động thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán mang lại rất nhiều cơ hội gia tăng giá trị tài sản cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đó cũng là nơi chứng kiến rất nhiều nước mắt của bao nhà đầu tư cá nhân bị thua lỗ từ thị trường chứng khoán. Nơi đó cũng chứng kiến các doanh nghiệp đã từng rất huy hoàng và từng sụp đổ như thế nào theo thời gian. Sự biến động thị trường rất lớn đã để lại nhiều bài học cho những nhà đầu tư trên thị trường. Nói cách khác, thị trường chứng khoán không khác gì cuốn nhật ký ghi lại hành trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua. Những vấn đề về lịch sử khá khô khan và không dễ để truyền đạt một cách sinh động cho người đọc.
Về cách viết của cuốn sách này, tác giả dựa trên những nền tảng lý thuyết kinh tế liên quan đến dòng vốn của doanh nghiệp niêm yết trong 20 năm qua để đánh giá xu hướng của từng cổ phiếu riêng lẻ, nhóm ngành nghề và cả toàn thị trường. Thị trường chứng khoán và nền kinh tế luôn luôn có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong dài hạn. Mặc dù có thể trong ngắn hạn giữa hai thị trường có sự mất kết nối nhất định, tuy nhiên, trong dài hạn thì những sự cải thiện trong hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các ngành nghề hoặc nền kinh tế luôn luôn được phản ánh vào giá cổ phiếu. Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta sẽ dựa trên việc các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã thu hút dòng vốn qua từng năm, tập hợp dòng vốn huy động của các doanh nghiệp chính là dòng vốn huy động của các ngành. Tổng thể hơn là nền kinh tế đã huy động vốn như thế nào qua từng năm để giải thích sự biến động của thị trường qua từng giai đoạn. Những biến động trên thị trường vốn sẽ thể hiện những quyết định tài chính của doanh nghiệp qua từng năm và các quyết định này sẽ mang đến thành công hoặc thất bại cho doanh nghiệp trong tương lai.
Đối tượng độc giả chính của cuốn sách là những nhà đầu tư cá nhân, và cho cả nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, những đơn vị quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả dành sự lưu tâm đặc biệt cho nhóm đối tượng nhà đầu tư cá nhân. Trên thị trường chứng khoán, nếu so sánh giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thì nhà đầu tư tổ chức có một lợi thế hơn hẳn cả về nguồn lực, năng lực phân tích và cả nền tảng của đội ngũ quản lý.
Với những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường thì lịch sử chỉ là những con số khô khan, về các lần thị trường tăng giảm cũng như sự biến động của các ngành nghề. Nhưng cuốn sách sẽ kết nối các nền tảng lý luận chặt chẽ về những vấn đề cơ bản tác động đến thị trường chứng khoán, qua đó sẽ giúp cho nhà đầu tư cá nhân nắm bắt được những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán trong suốt 20 năm qua. Đặc biệt, việc nhìn nhận vấn đề tổng thể theo một chuỗi cơ sở lý luận rõ ràng sẽ giúp cho nhà đầu tư cá nhân cân bằng về lợi thế với những nhà đầu tư tổ chức trong quá trình giao dịch chứng khoán. Việc có một phương pháp phân tích tốt cùng với việc nhìn nhận lại hoặc đánh giá hiệu nghiệm của phương pháp sẽ giúp họ nhanh chóng cập nhật lại kiến thức thị trường và hình thành những kinh nghiệm về đầu tư cho mình trong một thời gian ngắn. Cấu trúc cuốn sách sẽ chia ra ba phần:
Phần 1: Chúng ta sẽ nói về vấn đề tổng quan của thị trường chứng khoán. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận và trả lời câu hỏi cách tiếp cận phân tích phù hợp với những gì đã thảo luận ở trên, thông qua đó chúng ta có thể phân tích và diễn giải phân tích những vấn đề của thị trường. Những nội dung này sẽ được thảo luận trong hai chương đầu tiên.
Phần 2: Đây cũng là phần chính của sách, chúng ta sẽ đi qua từng năm của thị trường từ năm 2000-2019 để đánh giá lại vấn đề phát triển thị trường qua từng giai đoạn. Nội dung 14 chương tiếp theo sẽ thảo luận về vấn đề trên.
Phần 3: Sau khi đã điểm qua lịch sử, với cách phân tích trên chúng ta sẽ nhìn về thị trường trong giai đoạn tới dựa trên việc phân tích những biến động kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực kết hợp những xu hướng thay đổi và tái cấu trúc trong nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam.
Cuốn sách này được kỳ vọng là cẩm nang cho những nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường đang tìm kiếm một phương pháp phân tích đánh giá thị trường cho riêng mình trong điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp nhiệt tình từ bạn bè độc giả gần xa để cuốn sách hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ xin gởi về địa chỉ email [email protected]. Cuốn sách này sẽ trở thành cầu nối để tác giả kết nối với cộng đồng nhà đầu tư gần xa, để những câu chuyện tiếp theo của chúng ta sẽ giúp cuốn sách có nhiều thông tin chiều sâu hơn trong những lần tái bản sau.