C
uốn tiểu thuyết này kể lại những gì đã xảy ra xung quanh hai nhân vật: một thanh niên người Nhật vừa mới bước sang tuổi hai mươi và một người đàn ông trung niên không rõ danh tính thật, hay còn gọi là Frank, trong 3 ngày từ ngày 29 tháng 12 đến đêm Giao thừa. Con người, trong một khoảng thời gian rất ngắn thôi mà đã có được trải nghiệm mang màu sắc văn hóa và đặc trưng xã hội của bản thân. Trong bối cảnh Kenji gặp Frank lần đầu, tác giả đã mào đầu câu chuyện như sau:
“Tên tớ là Kenji. Tên tôi là Kenji. Tôi là Kenji. Mình là Kenji. Tôi tự hỏi sao trong tiếng Nhật lại có nhiều cách nói như thế làm gì? Tôi đã quyết định nói với ông khách người Mỹ bằng câu tiếng Anh “My name is Kenji”. Người khách Mỹ đó đã nhìn tôi rất vui vẻ và nhắc lại tên tôi một cách thích thú.”
Nếu dịch đoạn này sang tiếng Anh thì sẽ thế nào nhỉ? “Tớ”, “tôi”, “mình”… trong tiếng Anh đều là “I”. Một đằng là văn hóa sử dụng nhiều đại từ nhân xưng trong từng tình huống khác nhau, một đằng là văn hóa dùng đúng một đại từ nhân xưng là “I” trong tất cả các tình huống. Ở đây, đoạn văn đó đã chỉ ra việc người Nhật gặp người Mỹ rồi để thực sự hiểu nhau sẽ khó khăn tới mức nào.
Dù nói vậy nhưng giữa Kenji và Frank đã hình thành ngay cái gọi là “thương lượng”? Theo như giao ước thì Kenji sẽ hướng dẫn cho Frank trong 3 ngày vòng quanh Kabukicho. Chỉ cần trao đổi hoặc giao ước như thế chứ không cần phải dài dòng về mặt bất đồng văn hóa hay suy nghĩ. Vậy là hai người đã thành công trong việc hiểu nhau. Kenji cũng không hề cảm nhận được sẽ khó khăn như thế nào khi hướng dẫn cho Frank. Nhưng dần dần Kenji bắt đầu thấy có một chút lo lắng. Không phải là do sự bất đồng về văn hóa mà vì những cử chỉ, hành động khó hiểu của con người có cái tên là Frank đó. Chỉ vì một việc hết sức nhỏ thôi Frank đã thay đổi sắc mặt hay “những biểu hiện mang tính người đã biến mất trong đôi mắt”. Và trên tờ tiền 10.000 yên của ông ta có dính vết màu đen “giống như là vết máu đã khô”. Có những lúc lại nhìn thấy như kiểu “khuôn mặt đó và cả hình dáng có vẻ đượm buồn một cách lạ thường”. Vào đúng ngày hôm đó, Kenji đọc một tờ báo nói về “một nữ sinh cấp III bị giết, bị cắt rời tay, chân và cổ rồi bị vứt ở bãi rác của Kabukicho”. Khi đó cậu đã nghĩ thủ phạm chính là Frank.
Không hề có một chứng cứ nào vậy mà càng ngày Kenji càng khẳng định chắc chắn hơn rằng Frank đúng là thủ phạm, nhưng cậu không thể hủy giao ước được nữa. Cuối cùng, cậu đã quyết định vẫn đi cùng Frank trong buổi tối thứ hai và cố gắng giữ liên lạc qua điện thoại với cô bạn gái tên là Jun.
Kenji đã nhờ Jun. Điểm chung của hai người bạn trẻ này chính là đều có tuổi thơ với ký ức bố mẹ ly hôn. Cả hai đều “ôm ấp sự lo lắng, đau khổ, sợ hãi và chỉ muốn có ai đó bên cạnh chứ tuyệt đối không giãi bày; những chuyện kiểu như thế đã trải qua không biết bao lần, không thể đếm nổi”. Và Kenji còn nghĩ rằng “tuýp người như tôi và Jun sẽ trở thành một trào lưu mới ở đất nước này”.
Những linh cảm của Kenji là đúng. Sang ngày thứ hai, Frank bắt đầu mới bộc lộ những bất thường. Đầu tiên là “những vết tích của việc tự sát” ở trên cổ tay trái của ông ta đập vào mắt Kenji làm cho cậu phải sửng sốt, sau đó là việc ông ta biểu diễn thuật thôi miên. Thế nhưng, điều cuối cùng lại là sự sợ hãi vượt qua cả sự linh cảm.
Frank lần lượt lần lượt giết hết người này đến người khác. Dù vậy, giữa chừng, ông ta mấy lần vừa ngáp vừa giết. Tôi muốn độc giả tự đọc để cảm nhận được cái máu lạnh của ông ta đến mức nào. Ngay cả Kenji nhìn thấy cảnh đó mà người cứng đờ, bất động. Kenji đã tự ngộ nhận rằng mình cũng sẽ bị giết. Thế nhưng, Frank đã không giết mà cùng cậu ra khỏi hiện trường. Frank, người mà từ đầu tới giờ chỉ toàn nói dối đã bắt đầu nói sự thực với Kenji. Ông ta nói, bản thân mình chính là một kẻ sát nhân, “con người tồn tại trong cơ thể tôi không phải là một mà là nhiều người, nó hoàn toàn không gắn kết lại thành một, tôi nghĩ con người mà đang nói với cậu đây mới là con người thật của tôi… những gì mà tôi đã làm ban nãy ở trong quán ấy đến bản thân tôi, tức là tôi, người đang nói với cậu đây cũng không thể lý giải được. Nếu tôi nói tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác thì có lẽ thật đáng xấu hổ, thực ra là tôi có cảm giác tôi có một em trai sinh đôi giống hệt tôi”.
Thế nhưng những người mà đã bị Frank giết rốt cuộc là những loại người như thế nào? Cả nam và nữ đều vì muốn giải sầu, lảng tránh sự cô đơn mà tới Kabukicho. “Tất cả đều như tuân theo sự ra lệnh của ai đó mà đảm nhiệm những vai diễn khác nhau. Khi tôi chạm vào người của họ, tôi cảm thấy đó không phải là da thịt mà có cảm giác như là con thú được nhồi mùn cưa hay mảnh vụn nylon làm tôi khó chịu.”
Frank có những lời miệt thị rất gay gắt về những người vô gia cư. Ông ta nói: “Ở các nước nghèo đều có dân tị nạn nhưng lại không hề có người vô gia cư. Thực tế là người vô gia cư vẫn đang sống cực kỳ vui vẻ. Nếu họ khước từ cuộc sống xã hội thì họ nên tới một nơi nào đó khác, gánh một sự mạo hiểm nào đó mới phải. Chí ít thì tôi cũng đã làm thế khi tới đây. Bọn họ thậm chí cũng không thể phạm tội, nhưng họ đang thoái hóa. Và tôi đã giết những kiểu người đang thoái hóa ấy”.
Nói thế không có nghĩa là ủng hộ việc giết người nhưng lời Frank nói cũng có phần đúng. Khi lực lượng phá hủy siêu cường như Frank xâm nhập vào xã hội của Nhật Bản thì không hiểu ai sẽ có thể kháng cự lại? Đó trở thành một nỗi băn khoăn. Nhìn từ con mắt của Frank thì hơn một nửa người Nhật là thú nhồi, lảng tránh việc “gánh lấy mạo hiểm”, nhìn giống như kiểu tất cả họ đang sống một cuộc sống rất an nhàn.
Những người mà bị Frank giết đều cùng ở một nơi nhưng từng người từng người một lại hướng về một phía khác nhau. Họ đã tới để giải sầu. Nhưng từng người trong họ không hề có ý chí mạnh mẽ của riêng mình. Họ đều cười nhạt nhẽo trước Frank. Tôi nghĩ rằng, lý do mà Frank không giết Kenji chính là vì trong quán bar đó chỉ có Kenji thể hiện được rõ ràng ý chí của mình đối với Frank.
“Không!
Tôi nói khi chất nôn mửa vẫn đọng ở lưỡi. Tiếng Anh có nghĩa là “No!”. Tôi tưởng tượng và nhìn thấy rõ chữ N và chữ O. Tôi có thể mường tượng ra mình đang nói là KHÔNG… Tôi nghĩ tôi phải truyền đạt ý chí tới ông Tây này. Lần đầu tiên tôi biết việc nói và việc truyền đạt là khác nhau.”
Mỗi người đều hướng về một phía khác nhau nhưng lại cùng có một cuộc sống nhàn cư. Frank trút tức giận lên những kẻ như thế và loại bỏ họ. Để kháng cự lại người Mỹ như Frank, chúng ta phải có sức mạnh “truyền đạt ý chí” và có cả khả năng biểu cảm nữa. Nếu không có thì cũng sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.
Theo đó thì tất cả người Nhật nên ra khỏi cuộc sống nhàn cư. Không hẳn là nói điều đó với một giọng nói to một cách đơn giản thế được. Thế còn những người của “bát xúp Miso” như đang làm vẩn đục “bát nước ấm” thì ra sao? Tôi nghĩ rằng nói người Nhật đang “chấm nước xúp Miso” thì sát với thực tế hơn là nói người Nhật đang “ngâm mình trong nước nóng1”.
1 Ý chỉ cuộc sống nhàn cư (Mọi chú thích đều của người dịch).
Thế nhưng, lúc chia tay với Kenji, Frank có nói còn một việc chưa làm được đó là: “Tôi đã rất muốn cùng cậu đi uống xúp Miso” và Frank lại nói về xúp Miso như sau: “Tôi không cần phải uống nó nữa, giờ tôi đã ở ngay chính giữa bát xúp Miso rồi!… đang được trộn lẫn trong bát xúp Miso khổng lồ. Thế là tôi mãn nguyện lắm rồi!”, rồi bắt tay chào tạm biệt Kenji.
Ông ta hy vọng rằng nhờ tiếng chuông Giao thừa, mọi thứ đáng ghét trong người của ông ta sẽ tan biến đi. Ông ta, người đã tiêu diệt những thứ mang “tính Nhật Bản” một cách dã man ấy lại đang ở chính giữa bát xúp Miso, đang hy vọng rằng sẽ được thanh thản nhờ tiếng chuông Giao thừa mang bản sắc văn hóa của đất nước Nhật Bản.
Chính vì thế, rõ ràng nói rằng văn hóa của Nhật Bản là tuyệt vời. Người Nhật mà không kết nối, cứ mỗi người một hướng, ngâm mình trong nước ấm, không có khả năng truyền đạt ý chí của mình thì nếu lực lượng mạnh mẽ như Frank xâm nhập vào sẽ bị giết dễ như không. Xúp Miso được cho thêm rất nhiều rau và nhiều thứ khác nữa nhưng quả thực đó là một món rất ngon. Cuối cùng Frank đã đưa cho Kenji cả “cánh của con thiên nga”. Có vẻ như cái mà Frank nhận được không đơn giản hòa tan vào văn hóa Nhật Bản một cách dễ dàng. Vẫn còn nhiều điều còn đang bỏ ngỏ.
Nhà tâm lý học lâm sàng