T
ên tớ là Kenji. Tên tôi là Kenji. Tôi là Kenji. Mình là Kenji. Tôi tự hỏi sao trong tiếng Nhật lại có nhiều cách nói như thế làm gì? Tôi đã quyết định nói với ông khách người Mỹ bằng câu tiếng Anh: “My name is Kenji”. Người khách Mỹ đó đã nhìn tôi rất vui vẻ và nhắc lại tên tôi một cách thích thú. Sau đó tôi cũng đã bắt tay người khách du lịch đến từ Mỹ có vóc dáng hơi mập ấy. Ông ta ở khách sạn nằm ngay gần nhà ga Seibu-Shinjuku, đạt tiêu chuẩn giữa hai sao và ba sao. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Frank. Sau này tôi nhớ mãi không quên.
Tôi vừa tròn hai mươi tuổi nên trình độ tiếng Anh chưa thể coi là thành thạo nhưng cũng đủ để có thể làm hướng dẫn viên du lịch. Với lại, làm hướng dẫn viên du lịch fuzoku1 nên cũng không cần tiếng Anh phải siêu sao cho lắm. Từ sau đại dịch AIDS, ở các fuzoku, gaijin2 không được chào đón, hay nói một cách khác nặng nề hơn là bị tẩy chay. Tuy vậy, người nước ngoài đến với mục đích du lịch hay vui chơi lành mạnh vẫn rất đông. Tôi thường giới thiệu cho họ địa chỉ hộp đêm, phòng mát xa, quán bar SM có độ an toàn cao. Và mỗi lần như vậy tôi lại kiếm được chút ít. Tôi không trực tiếp đi làm thuê cho một ai mà cũng không có cả văn phòng riêng, thực ra là tôi chỉ đăng những mẩu tin “tự quảng cáo” trên các tạp chí du lịch dành cho người nước ngoài. Chỉ thế thôi mà tôi cũng đã có thể vừa trả được tiền thuê một căn hộ nhỏ ở quận Meguro, vừa dẫn được bạn gái đi ăn thịt nướng, mua những bản nhạc tôi thích, hay những cuốn sách tôi mê mẩn. Mẹ tôi, hiện đang làm việc tại một cửa hàng bán âu phục tại tỉnh Shizuoka, vẫn cứ tưởng rằng tôi đang học dự bị ở một trường nào đó. Bà đã phải một thân một mình nuôi tôi kể từ khi bố tôi mất, hồi đó tôi đang học lớp Sáu. Mấy đứa bạn tôi thường cãi lại hay thậm chí còn đánh cả mẹ chúng, nhưng tôi thì không bao giờ. Tôi biết bà rất buồn khi tôi không có ý định vào đại học. Tôi không đủ khả năng để tìm được việc liên quan tới khoa học hay toán học, còn nếu học mỗi ngữ văn thì ra trường chỉ đi làm những việc đơn thuần là làm công ăn lương tẻ nhạt. Không biết có thực hiện được hay không nhưng tôi vẫn muốn kiếm thật nhiều tiền để có thể sang Mỹ.
1 Fuzoku: Ở Nhật từ này dùng để chỉ nơi và khách mua bán dâm.
2 Gaijin: Người nước ngoài mua dâm.
“Văn phòng của Kenji phải không? Tôi là Frank, đến từ Mỹ.”
Ngày 29 tháng 12 năm ngoái, lúc đã rất khuya, tôi nhận được một cú điện thoại với câu giới thiệu đó. Khi ấy, tôi đang đọc tờ báo có đăng tin một nữ sinh cấp III bị sát hại. Chân và tay của cô gái bị cắt rời, rồi bị vứt vào một bãi rác ở Kabukicho1. Nạn nhân thuộc một nhóm nữ sinh thường “tìm việc” ở trung tâm quận Shinjuku và cũng là một gương mặt khá quen thuộc ở khu phố sát khách sạn Tình yêu. Nơi xảy ra vụ án cũng là nơi ít người qua lại nên không có nhân chứng và cảnh sát vẫn đang điều tra. Tờ báo cũng cho hay, sự việc này không biết có là một bài học cảnh tỉnh cho các nữ sinh cấp III hay không, nhưng nó đã khiến cho các cô gái cùng nhóm với nạn nhân phải tuyên bố rằng họ sẽ không hành nghề “bán xuân” nữa.
1 Kabukicho: Một trong những khu ăn chơi giải trí nổi tiếng ở Tokyo, còn có tên gọi khác là Khu Đèn đỏ.
“Vâng! Chào ông, Frank! Tôi có thể giúp được gì cho ông?”
Tôi đặt tờ báo lên bàn và đáp lại.
“Tôi đọc được cuốn tạp chí hướng dẫn du lịch cho người nước ngoài, thấy có phần quảng cáo của cậu nên gọi điện nhờ cậu làm hướng dẫn viên cho tôi.”
“Có phải là cuốn Tokyo Pink Guide không?”
“Đúng là cuốn đó đấy! Sao cậu biết nhỉ?”
“Là vì chỉ ở cuốn đó tôi mới đăng quảng cáo mà.” “À, ra vậy! Thế cậu có thể làm cho tôi trong 3 ngày, tính từ tối nay luôn được không?”
“Tôi muốn biết ông đi một mình hay theo đoàn?” “Tôi đi một mình. Thế phải đi theo đoàn mới được à?”
“Không phải vậy. Nếu ông đi một mình thì tiền công sẽ rất cao. Ba tiếng từ 6 giờ tối đến 9 giờ tối là 10.000 yên, cũng ba tiếng nhưng lại từ 9 giờ tối đến 12 giờ đêm thì là 20.000 yên, còn qua 12 giờ đêm, mỗi tiếng là 20.000 yên. Ông không phải đóng tiền thuế nhưng nếu có ăn tối hay vào các quán bar thì ông phải trả tiền.”
“OK! Không vấn đề gì. Tôi chọn thời gian từ 9 giờ đến 12 giờ trong 3 ngày, bắt đầu từ tối nay luôn. Không biết có được không?”
3 ngày nữa là tới Giao thừa, chỉ có một vấn đề duy nhất khiến tôi băn khoăn. Đó là tôi đã lỡ hẹn với cô bạn gái tên là Jun trong dịp Giáng sinh. Tôi cũng đã ngoắc tay hứa nhất định sẽ ở bên cô ấy trong đêm Giao thừa. Tôi biết sẽ rất khó làm lành một khi cô ấy nổi cáu, nhưng tôi lại đang rất cần tiền. Tôi làm công việc này đã gần hai năm rồi nhưng vẫn chưa thể tích cóp được số tiền như mong đợi. Phải rồi, tôi sẽ lấy cớ có việc quan trọng nào đó để có thể chuồn vào đêm Giao thừa. Nghĩ xong, tôi quyết định nhận lời Frank.
“OK! Tôi sẽ đến khách sạn của ông lúc 9 giờ kém 10 phút!”
Frank vừa uống bia vừa chờ tôi ở quán cà phê nằm cuối sảnh khách sạn. Frank có miêu tả đặc điểm để tôi có thể nhận ra: da trắng, dáng người mập mạp, mặt nhìn nghiêng trông hơi giống Ed Harris1, đeo cà vạt có in hình chim thiên nga. Nhưng tôi cũng chẳng cần phải dựa vào những đặc điểm trên để tìm bởi ở đó chỉ có mỗi mình Frank là người nước ngoài. Sau khi bắt tay chào hỏi xong, tôi nhìn kỹ lại mặt Frank, dù thẳng hay nghiêng cũng hoàn toàn chẳng có nét gì giống Ed Harris cả.
1 Ed Harris (1950): Diễn viên nổi tiếng người Mỹ.
“Chúng ta đi ngay chứ?”
“Tùy ông thôi, Frank! Các tạp chí không phản ánh hết được cuộc sống về đêm ở Tokyo nên tôi cần có nhiều thời gian. Chúng ta nên bắt đầu ngay thì tốt hơn.”
“Ồ, tôi rất thích cụm từ đó.” “Cụm từ nào cơ?”
“Cuộc sống về đêm ở Tokyo. Chẳng phải khiến cho người ta tò mò hay sao?”
Tôi đã nghĩ, Frank chắc không phải là các nhân vật mà Ed Harris hay đóng như bộ đội hay phi hành gia mà là nhân viên của công ty chứng khoán. Thật ra tôi cũng chưa bao giờ thấy tận mắt một nhân viên công ty chứng khoán. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, hễ ai có nét mặt phổ biến hay mặc quần âu, áo sơ mi “đóng thùng” thì là nhân viên của một công ty chứng khoán thôi.
“Kenji, cậu năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?” “Hai mươi tuổi.”
“Tôi nghe nói người Nhật nhìn thường trẻ hơn so với tuổi nhưng tôi nhìn cậu lại đoán ra ngay cậu chỉ tầm hai mươi tuổi, chứ không thể là hai lăm hay ba mươi.”
Tôi đã mua hai áo sơ mi tại cửa hàng quần áo nam giá rẻ ở ngoại thành chỉ để mặc mỗi khi đi làm. Mùa đông, tôi có mặc thêm một cái áo khoác và quàng khăn ở cổ. Tôi để tóc dài, không nhuộm mà cũng chẳng đeo khuyên tai. Nói chung, các khu fuzoku đều không ưa những gì khác thường.
“Thế còn ông, Frank?” “Tôi năm nay ba lăm rồi!”
Frank vừa nhoẻn cười vừa trả lời. Khi đó, tôi đã để ý tới điểm hơi đặc biệt của ông ta. Đó là, khuôn mặt của Frank cũng bình thường thôi nhưng khó mà đoán được độ tuổi. Frank nói là ba lăm tuổi nhưng dưới ánh đèn, tôi nhìn thì lại chỉ khoảng tầm hai mươi tuổi, mà nếu như Frank có nói trong khoảng từ bốn mươi tuổi thậm chí đến năm mươi tuổi cũng vẫn có thể tin được. Trong số gần 200 người nước ngoài mà tôi gặp thì tới hơn một nửa là người Mỹ, vậy mà tôi chưa từng gặp ai có khuôn mặt giống như Frank. Bất chợt, tôi nhận ra một đặc điểm rất lạ nữa trên khuôn mặt của Frank. Đó là da mặt của ông ta không phải là da tự nhiên mà là da nhân tạo. Trông cứ như thể mặt ông ta bị bỏng nên bác sĩ đã rất khéo léo đắp lên đó một lớp da nhân tạo. Đúng lúc ấy trong đầu tôi lại hiện lên mẩu tin nói về cô nữ sinh bị giết ở tờ báo tôi đã đọc.
“Ông tới Nhật Bản khi nào?”
Tôi vừa uống cà phê vừa hỏi Frank. Ông ta trả lời là vừa mới tới tối ngày hôm trước. Frank nhấm nháp từng ngụm bia. Đầu tiên, ông ta để cốc bia sát môi, nhìn thật lâu những bọt trắng của bia, giống như đang uống một cốc trà nóng vậy. Sau đó, lại như thể đang uống một loại thuốc đắng, ông ta chỉ uống một ngụm rất ít. Tôi nghĩ ông ta là kiểu người bủn xỉn. Trong sách hướng dẫn du lịch Nhật Bản mà người Mỹ hay đọc có khuyên:
Tuyệt đối không ăn ở các nhà hàng của khách sạn, vì chắc chắn ở gần khách sạn sẽ có các cửa hàng ăn nhanh, nên ăn hamburger ở đó. Chỉ nên uống bia ở nhà hàng hay quán bar của khách sạn. Nếu uống những thứ khác, bạn sẽ phải trả một khoản tiền cao ngất ngưởng không thể tưởng tượng nổi. Nếu ai muốn “cảm nhận” cái giá “cực kỳ vô lý” của nhà hàng hay khách sạn hàng đầu ở Tokyo, hãy thử gọi một ly chanh vắt hay một cốc nước cam tươi được giới thiệu trong thực đơn thì sẽ rõ nhất. Chỉ một quả cam được bảo quản trong hộp kính lạnh vắt ra cũng khiến bạn mất ít nhất là 8 đô la, thậm chí có khi lên tới 15 đô la. Chúng ta đang bị bắt “uống” thuế của chính phủ Nhật Bản.
“Ông đến đây vì công việc à?” “Đúng vậy!”
“Tất cả đều thuận lợi chứ?”
“Rất thuận lợi. Tôi nhập một số xe Toyota từ các nước trong khu vực Đông Nam Á nên đến Nhật để lấy một số giấy phép, do tôi đã gửi qua thư điện tử một số văn bản trước nên đã giải quyết hết công việc chỉ trong một ngày. Nói thế nào nhỉ? Công việc đã rất hoàn hảo!”
Quái lạ! Tôi chợt nghĩ như vậy. Hầu hết các doanh nghiệp của Nhật Bản đều nghỉ ngày hôm nay, tức ngày 29, mà ở Mỹ, mọi người còn được nghỉ từ dịp Giáng sinh. Thế mà ông Frank này lại ăn mặc chẳng giống như đang đi làm việc, lại nói về việc nhập xe Toyota, giấy phép hay cả chuyện gửi thư điện tử. Vô lý thật. Theo như kinh nghiệm của tôi từ trước tới giờ, những doanh nhân người Mỹ tới quận Shinjuku thường chọn một trong bốn khách sạn sang trọng để đặt phòng như: Park Hyatt, Century Hyatt, Hilton, Keio Plaza. Nếu có các hợp đồng quan trọng thì họ càng chú ý trang phục. Trong khi đó, áo của ông Frank này đang mặc trông còn rẻ hơn cả bộ “Smart Young Businessman’s Three-piece” có khuyến mãi thêm một đôi quần đùi giá 29.800 yên của tôi. Màu thì như cháo lòng mà ở phần đùi thì chật ních đến nỗi như sợi chỉ sắp bục ra đến nơi.
“Công việc mà thuận lợi thì không gì bằng rồi. Thế tối nay, ông muốn làm gì nhỉ?”
“Sex.”
Frank vừa cười bẽn lẽn vừa trả lời. Nói thực là từ trước tới giờ tôi chưa từng gặp một người Mỹ nào lại có kiểu cười bẽn lẽn như vậy.
Không chỉ người Mỹ mà ở bất kỳ quốc gia nào, chắc chắn không có ai là hoàn hảo cả. Nhất định ai cũng có mặt này mặt nọ. Điều này tôi đã đúc kết được qua “trường đời”. Tôi nghĩ, nói chung, người Mỹ thường có cùng một ưu điểm chính là họ rất cởi mở và vô tư. Còn nhược điểm là họ không thể tưởng tượng ra bất kỳ thế giới nào khác ngoài nước Mỹ của họ hay không biết ai khác ngoài bản thân họ. Điều này cũng hơi giống với người Nhật. Nhưng có điều, người Mỹ lại còn có điểm tiêu cực hơn, họ thường bắt bằng được người khác phải làm những điều mà họ cho là đúng. Chính vì vậy, trước mặt họ, tôi hầu như không được hút thuốc lá và buộc phải quen với việc chạy bộ. Có thể tổng quát về người Mỹ bằng hai từ “trẻ con”. Chính đặc điểm đó mà nụ cười của họ dễ gây được thiện cảm. Đặc biệt, tôi thấy những nụ cười bẽn lẽn rất đáng yêu. Những tài tử điện ảnh của Mỹ như Robert De Niro, Kevin Costner hay Brad Pitt có những nụ cười bẽn lẽn rất quyến rũ. Khi nhìn, ta thấy nụ cười đó toát lên vẻ đặc trưng của một quốc gia. Còn nụ cười bẽn lẽn kia của Frank tôi chẳng thấy “dễ thương” chút nào. Chưa kể, bản thân tôi còn thấy đáng sợ. Tôi nhìn thấy rõ những nếp nhăn chằng chịt trên lớp da nhân tạo, nét mặt bỗng chốc đã bị phá vỡ.
“Những gì viết trong Tokyo Pink Guide đều là thật chứ?”
“Frank này, ông đã đọc tạp chí Tokyo Pink Guide chứ gì?”
“Đúng vậy! Tôi cũng đọc cả sách nữa. Nhưng ở trong sách, tôi không thấy in trang quảng cáo của cậu.”
Steven Langhorne Clemens là tác giả của cuốn tạp chí có tên như trên. Từ quán bar dành cho nữ, quán bar dành cho nam, phòng nozoki1, quán thoát y vũ, dịch vụ đưa đón ở khách sạn, đến cả dân gay2, hay dân lesbian3 cũng đều được tác giả miêu tả rất sinh động khiến người đọc có thể hình dung về các fuzoku ở Tokyo một cách dễ dàng. Chỉ có điều, những thông tin đăng trên đó đều đã cũ. Ba tháng một lại có nhiều fuzoku mới mọc lên và cũng không ít fuzoku cũ biến mất. Tôi đã đăng phần quảng cáo của tôi trên tạp chí này. Nhưng cứ nửa năm nó mới phát hành một số nên những thông tin liên quan tới các fuzoku đó ắt hẳn sẽ không được cập nhật. Mà nếu trên tạp chí đã đăng hết các thông tin rồi thì những người hướng dẫn viên như tôi còn có việc gì để làm nữa chứ. Còn những tạp chí khác dành cho người nước ngoài như PIA hay Tokyo Walker được xuất bản ở Nhật Bản là điều không tưởng. Ở đất nước này, về cơ bản, người dân thường lạnh lùng với người nước ngoài, hễ có rắc rối gì xảy ra, ngay lập tức, họ biệt lập với người nước ngoài. Cũng nhờ đó mới xuất hiện những loại công việc như tôi đang làm đây. Nghề nghiệp của người Nhật cũng mang tính bộc phát, nhất là từ sau đại dịch AIDS, hầu hết các fuzoku hoàn toàn biệt lập với người nước ngoài.
1 Phòng nozoki: Giải thích ở trang 28.
2 Đồng tính nam.
3 Đồng tính nữ.
“Có vẻ có rất nhiều điều thú vị đây! Tôi muốn đi tới thật nhiều nơi!”
Nói xong, Frank lại cười bẽn lẽn. Vô tình tôi ngoảnh mặt đi.
“Theo như trong sách hay trong tạp chí thì đúng là có nhiều chỗ thật đấy, cứ như là một khu dành riêng cho sex ấy nhỉ?”
Frank lấy cuốn Tokyo Pink Guide từ chiếc ba lô màu xám ở sau thành ghế rồi đặt lên bàn. Đó không phải sách mà là một cuốn tạp chí thì đúng hơn. Số trang thì ít, chất lượng ảnh in trên giấy thì xấu. Vừa nhìn tôi đã nghĩ ngay rằng nội dung viết trong đó cũng chẳng ra gì. Tác giả cuốn tạp chí đó là bác Yokoyama, chừng năm mươi tuổi, từng làm việc tại phòng Tin tức của Đài truyền hình. Bác ấy rất tốt với tôi. Chắc bác không phải là kẻ hám lợi vì bác không hề lấy một đồng phí đăng quảng cáo của tôi. Bác Yokoyama thường tâm sự rằng, người Nhật phải cung cấp nhiều hơn nữa cho các nước khác cũng như cho các đối tượng là người nước ngoài những thông tin mang tính quốc tế như thể thao, âm nhạc và cả sex nữa, trong đó sex đóng vai trò như một phương tiện giải quyết mặt “thú tính” của con người. Bác vừa là một tình nguyện viên, vừa là nhà xuất bản cuốn tạp chí đó. Nhưng suy cho cùng, bác ta là một con người hám dục.
“Đất nước này làm thỏa mãn mọi mong muốn về sex nhỉ? Nhất định tôi phải đến Kabukicho bằng được. Ban nãy, tranh thủ lúc đang đợi cậu đến, tôi đã thử nhìn trong bản đồ thì thấy Kabukicho ở ngay gần đây. Cậu xem này, nhìn vào bản đồ khu sex, Kabukicho này có chi chít những cửa hàng sex, trông như chòm sao Tiên nữ vậy!”
Trên bản đồ của cuốn tạp chí đó có in cả Roppongi, Shibuya, Kinshicho, Yoshiwara, Shinjuku Ni-chome, Yokohama Koganecho, Chiba Sakaemachi, Kawasaki Horinouchi… Tất cả đều được ký hiệu bằng hình ảnh đôi gò bồng đảo để ám chỉ các fuzoku. Nhưng có lẽ trong số đó chỉ có Kabukicho là nổi hơn hẳn. Từ nhà hát kịch Koma đến đại lộ Kuyakusho, những hình ảnh đôi gò bồng đảo được chăng lên san sát y như những chùm nho trong vườn.
“Kenji, chúng ta nên tới đâu trước đây?”
“Ừm… Frank này, ông muốn đi tới những chỗ có nhiều fuzoku chứ gì?”
“Đúng vậy.”
“Ông có thể ngủ với một cô gái bất kỳ lúc nào kể cả ngay bây giờ cũng được mà. Thậm chí ông cũng có thể gọi một cô gái đến tận khách sạn. Tôi biết là ông muốn được tận mắt chứng kiến những fuzoku ở Kabukicho, nhưng giá cả ở đó cao ngất ngưởng.”
Quán cà phê chúng tôi đang ngồi không rộng lắm. Giọng nói của Frank cứ sang sảng nên mọi người ngồi xung quanh đều quay sang nhìn chúng tôi với vẻ mặt khó chịu vì bị làm phiền. Ngay cả những người không rành tiếng Anh lắm cũng như đoán được câu chuyện của chúng tôi.
“Ồ, tiền nong không thành vấn đề!” Frank nói. Sắp tới thời điểm chuyển giao sang năm mới, vậy mà không khí ở Kabukicho vẫn không hề mất đi sự sôi động. Ở thập kỷ trước, fuzoku thường dành cho những người tuổi trung niên nhưng bây giờ cả hội choai choai cũng rất nhiều. Có vẻ như ngày càng có nhiều thanh niên trẻ nghĩ rằng việc yêu hay tìm người yêu, tìm bạn tình qua đêm thật là chán. Nếu ở nước ngoài, hội này chắc chắn sẽ trở thành gay còn ở Nhật lại có fuzoku.
Khi nhìn vào ánh đèn neon đặc trưng của Kabukicho, dáng vẻ hào nhoáng của hội nam chào khách, những ánh mắt dõi theo tôi và Frank của những cô gái đứng đường, Frank đã vỗ vào vai tôi và thốt lên:
“Tuyệt đấy!”
Ở trong quán cà phê không thể gọi là thuộc hạng sang ấy, Frank mặc rất phong phanh, ra tới ngoài, dù thấp hơn một người cao 1 mét 72 như tôi, vẫn không hề mặc thêm áo khoác, cứ thế lao thẳng vào dòng người trên các dãy phố của Kabukicho.
Để chào mời khách vào “Show pub” chuyên có các tiết mục múa của người nước ngoài mới được khai trương, có một nhóm thanh niên da đen vừa đứng đưa tờ rơi cho khách đi qua vừa nói bằng tiếng Nhật rất lưu loát.
“Chỉ mất 7.000 yên cho một giờ xem những cô gái vừa nhảy vừa trút bỏ bộ đồ lót gợi cảm màu đỏ. Xin mời, xin mời! Quý vị đừng chần chừ, đừng bỏ lỡ cơ hội này!”
Nhưng khi Frank giơ tay ra lấy thì họ lại không đưa mà lại chuyển số tờ rơi đó cho nhóm người Nhật ở phía sau. Tôi không nghĩ rằng mấy thanh niên da đen này có ác ý gì. Có lẽ họ có một cách đối xử đặc biệt với người da trắng như Frank. Hay có thể chủ quán quy định là phải ưu tiên người Nhật hơn người nước ngoài bình dân. Thái độ đó hoàn toàn không hề bất lịch sự chút nào. Thế nhưng, sắc mặt của Frank bỗng thay đổi hẳn. Tôi rất bất ngờ khi nhìn gần khuôn mặt ông ta lúc đó. Da mặt nhân tạo của Frank hơi giật giật, ánh mắt không còn là ánh mắt của con người nữa. Con ngươi không còn sáng mà trắng đục như tấm kính bị hấp hơi. Tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc. Đám thanh niên da đen dường như không nhận ra sự thay đổi đó của Frank, vừa nói một câu tiếng Anh gì đó vừa đưa tờ rơi. Vì xung quanh rất ồn nên tôi không nghe rõ họ nói gì nhưng hình như là giải thích rằng vũ nữ ở quán không phải là người Mỹ mà là người Úc và Nam Mỹ. Sắc mặt của Frank đã trở lại bình thường.
Tất cả đều diễn ra rất nhanh mà cũng biến mất rất nhanh. Frank cầm lấy tờ rơi và hỏi họ:
“Tiếng Nhật của mấy cậu khá nhỉ? Từ đâu đến vậy?”
Khi nghe thấy họ trả lời là New York, Frank vừa cười vừa thân mật nói:
“Knicks đang chiến thắng vang dội đấy.” “Chúng tôi có biết.”
Mấy người da đen ấy vẫn vừa phát tờ rơi vừa đáp.
“Ở đây chúng tôi vẫn theo dõi đều đặn NBA. Tôi còn biết Micheal Jordan chơi golf trong những ngày nghỉ, thậm chí, tôi còn rõ anh ta ghi được bao nhiêu điểm.”
Frank lại vỗ vai họ và ồ lên một tiếng bày tỏ sự ngạc nhiên.
Rồi ông ta quàng tay qua vai tôi, bắt đầu bước đi và nói:
“Những anh chàng đó được đấy! Quá được là đằng khác!”
Sau đó, Frank dừng lại trước một tấm biển vẽ một đôi mắt rất to.
“Tôi cũng biết cái này. Là peep show đúng không nhỉ?”
Tôi đã nói rằng ở Nhật được gọi là “phòng nozoki” và giải thích nó hoạt động như thế nào. “Khách hàng có thể xem màn thoát y vũ của các cô gái ở trong một cái lều nhỏ có gắn gương phản chiếu hai chiều. Có một cái lỗ hình bán nguyệt, nếu khách cho dương vật vào đó sẽ được các cô phục vụ “bằng tay”. Cách đây không lâu, phòng nozoki này rất phổ biến, nhưng hiện tại chẳng được mấy ai ưa chuộng.”
“Tại sao vậy?”
“Giá tiền để vào phòng nozoki rất rẻ nên khách hàng phải thật đông thì mới thu được lợi nhuận. Những cô gái trình diễn không được trả tiền công cao. Chính vì thế, khi không có được nhiều tiền, những cô còn trẻ, vẫn còn chút nhan sắc đã bỏ đi kiếm công việc khác. Khi khách hàng biết được chỉ còn những cô tuổi không son mà sắc cũng phai thì họ cũng chẳng tới nữa. Đó là quy luật rồi.”
“Thế à. Để tôi xem, ở đây có ghi mức giá là 3.000 yên, tức là khoảng 25 đô. Này, Kenji! Trả 3.000 yên để vừa được xem peep show lại vừa được các cô gái phục vụ bằng tay là rẻ đấy chứ?”
“Vé vào cửa là 3.000 yên. Muốn phục vụ bằng tay phải bỏ thêm 20 đô đến 30 đô.”
“Thế hả! Nhưng thế vẫn là rẻ. Vì khách hàng sẽ được chính cô gái đã trình diễn phục vụ cơ mà?”
“Nhiều khi khách hàng cũng chẳng biết ai đang phục vụ mình. Nghe đồn là, cái lỗ để nhét “của quý” vào rất bé chẳng đủ để nhìn rõ phía bên kia bức tường nên có khi bị các “bà già” hay những tên đồng tính phục vụ mà không biết. Vì thế, “tiết mục” này không còn được ưa chuộng nữa.”
“Thế thì còn có ai muốn vào thử nữa nhỉ?”
“Chính vì nó rẻ nên lại cũng khá thu hút. Hơn nữa, chẳng cần tới phiên dịch trong phòng nozoki này nên tôi thường chờ ở quán giải khát. Thế là đỡ mất tiền thêm cho một người.”
Trong lúc chúng tôi đang nói đến đó thì có một đám thanh niên chào mời khách đến vây quanh chúng tôi. Họ là người của lingerie pub1 và không biết tôi là ai. Những ai làm việc này lâu năm rồi thì mới quá quen mặt tôi. Chỉ riêng trên khu phố này, có tới một phần năm trong số hai trăm người thường xuyên qua lại là những người chuyên chào mời khách. Về cơ bản, họ đều là những người mới vào nghề. Họ là những người vì một lý do nào đó không thể lao động hay cần có tiền trong thời gian ngắn nhất. Vì thế, đội quân này thường xuyên thay đổi. Chỉ có những người làm công việc này lâu năm thì mới có thể tin cậy được.
“Kenji, họ vừa nói gì thế?”
1 Lingerie pub: Quán rượu có nữ tiếp viên mặc đồ lót.
Tôi đành dịch sơ sơ cho Frank:
“Ông không thể thấy một giá nào rẻ hơn thế này đâu. Bình thường là 9.000 yên nhưng cửa hàng tôi mới khai trương, lại vào dịp cuối năm nên chúng tôi giảm xuống giá đặc biệt chỉ còn 5.000 yên. Tôi không nói đùa đâu. Các cô gái còn rất trẻ đẹp. Ông cứ thử ghé vào một lần mà xem. Cửa hàng chúng tôi luôn chào đón những khách Tây như ông. Ông không phải đi xa đâu, chỉ ngay đây thôi. Nếu ông không hài lòng về chất lượng của các cô gái, về cảnh quan của cửa hàng hay cảm thấy điều tôi nói không đúng thì ông có thể đi bất cứ lúc nào mà không cần phải trả tiền. Sang năm mới là giá sẽ lại như cũ ngay. Nên đây là cơ hội ngàn năm có một. À mà chúng tôi có cả phòng karaoke trực tuyến với rất nhiều bài hát tiếng Anh nữa đấy!”
“Tôi nghe nói người Nhật rất thân thiện. Quả đúng là vậy!”
Frank vừa nói vừa cùng tôi thoát khỏi hội chào mời khách vẫn đang nói không ngớt trong khi vẫn không ngừng ngoái cổ về phía người thanh niên đang đứng trước phòng nozoki. Người chào khách ấy cũng đang mặc chiếc áo sơ mi gần giống của tôi. Đây là Kabukicho chứ không phải là Roppongi1 nên kể cả khách hàng đi trên khu phố này cũng hầu như chẳng mấy ai ăn mặc quần áo hàng hiệu. Những người bước đi trên phố là khách hàng còn những người chào mời khách thường đứng một chỗ ngó nghiêng. Đó là cách duy nhất để chúng ta phân biệt hai loại người này. Đôi mắt của những người chào mời khách lúc nào trông cũng đượm buồn, cứ như đang nhìn về một nơi xa xăm. Phần lớn những người làm lâu năm mà tôi biết, trông không đến mức bị ốm hay bị bệnh nặng, nhưng người họ “mỏng” đến nỗi nếu giáp mặt nói chuyện với họ, có cảm giác những lời ta nói có thể xuyên qua được cơ thể gầy yếu ấy. Tôi nghĩ, họ như những người tàng hình vậy. Tôi cũng không hiểu tại sao lại vậy nữa.
1 Roppongi: Một khu ăn chơi nổi tiếng ở Tokyo, dành cho giới thượng lưu.
“Ở Mỹ cũng có những người chào mời khách như vậy, nhưng không lịch sự bằng họ. Họ cứ như là người lớn hướng dẫn cho trẻ con cách buộc một sợi dây thừng. Họ lấy đâu ra sức để trụ được qua đêm nhỉ?”
“Chỉ cần thuyết phục được một khách thì họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.”
“Ra vậy. Có thể tin những lời họ nói không?” “Nếu họ nói mức giá quá rẻ thì ta nên thận trọng.” Frank để mắt tới một lingerie pub.
“Trước tiên, chúng ta tới xem một cô gái Nhật mặc đồ lót nhé?”
“Nhưng ông sẽ không qua đêm với cô ấy được đâu.”
“Tôi biết. Tôi chỉ muốn lấy cảm hứng dần dần thôi mà. Cô gái với bộ đồ lót sẽ là sự khởi đầu tốt nhất.”
“Vào giờ này, tiền phục vụ sẽ là 7.000 yên một người một giờ. Hầu hết các cô gái không biết nói tiếng Anh nên ông sẽ phải mất thêm tiền dịch cho tôi nữa. Có quán cho phép khách chạm vào nhân viên, có quán thì không. Ngoài ra còn có cả quán, nhân viên trình diễn hoặc nhảy ở trên bàn nữa. Giá tiền vẫn không thay đổi.”
Frank nói với tôi rằng ông ta muốn đến quán rượu theo kiểu truyền thống, tức là các cô gái phục vụ chỉ ngồi bên cạnh tiếp chuyện. Ông ta cũng nói thêm, nếu có nhiều kiểu phục vụ mà giá tiền không đổi thì chắc các cô gái ở quán rượu theo kiểu chính thống hẳn vẫn đẹp hơn.
Tôi tìm một cậu bạn chào mời khách để nhờ đưa chúng tôi đến một quán rượu. Cậu ta tên là Satoshi, cũng trạc tuổi tôi, tầm hai mươi tuổi. Năm mười tám tuổi, ngay sau khi Satoshi rời quê Yamanashi hay Nagano gì đó, tôi không nhớ rõ, để lên Tokyo học trường dự bị thì mắc chứng loạn thần kinh. Lúc đó tôi chưa hề quen Satoshi nhưng có lần cậu ta rủ tôi đến nhà chơi vào buổi sáng sớm và cho tôi xem một thứ. Đó là các khối gỗ xếp hình đồ chơi. Hình như cả ngày cậu ta đi tàu tuyến Yamate rồi xếp các khối gỗ ấy ở trên sàn tàu. Tôi có hỏi cậu ta vì sao lại làm như vậy thì nhận được câu trả lời: “Tớ cũng chẳng biết nữa. Tớ nhặt được những khối gỗ này ở Kiddy Land và muốn mua thêm để chơi. Tớ thấy con tàu lúc chạy thường hay lắc lư nên tớ thích lên tàu chơi trò xếp hình. Nói thế nào nhỉ? Có thể gọi đó là một niềm đam mê chăng? Mà cũng có thể vì tớ rất thích làm những việc mà chẳng cần phải suy nghĩ. Tớ nghĩ, nếu chẳng may lỡ tay chọc những đồ vật vừa nhọn lại vừa nhỏ như cái kim, cái tăm hay kim tiêm vào mắt một cô bạn gái thì thật là đáng sợ. Vì thế tớ chọn cách chơi xếp hình trên sàn tàu. Và tớ đã thoát khỏi những suy nghĩ vẩn vơ kia. Xếp hình trên một con tàu lắc lư quả là một việc không đơn giản chút nào. Hơn nữa, tuyến Yamanote có rất nhiều khúc ngoặt, nhất là đoạn từ Harajuku tới công viên Yoyogi, chuyển lái rất khó. Và tất nhiên tớ đã rất phải cố gắng lấy hai tay giữ khối hình của mình khỏi bị rơi. Những lúc đó, tớ thấy mình như một bà mẹ cố gắng bảo vệ đứa con vừa mới sinh của mình. Lần nào tớ cũng bị nhân viên nhà ga hay nhân viên bán vé nhắc nhở và cũng không biết bao lần tớ bị cảnh sát bắt giữ. Tớ không xếp hình vào giờ tan tầm. Phải đến nửa năm tớ hay chơi trò xếp hình kiểu đó. Từ hồi đến Kabukicho này tớ mới không chơi nữa. Không phải vì tớ yêu Kabukicho này hơn. Mà có lẽ chẳng có ai lại nói yêu khu phố đó cả.
Chỉ đơn giản là vui chơi mà thôi. Và chắc hẳn chẳng ai lại muốn chọc những vật nhọn vào mắt cô bạn gái ở nơi vừa có thể đi làm vừa có thể đi học đại học chứ”.
“Có một cô biết chút ít tiếng Anh đấy. Nếu cô ấy đang rảnh thì tôi sẽ không lấy tiền chỉ đường đâu!”
Satoshi dẫn tôi và Frank vào một quán có cửa ra vào sơn màu xanh lá cây nằm ở ngay dưới tầng một đường hầm tàu điện ngầm. Không biết bao nhiêu lần tôi tới quán này rồi nhưng chẳng bao giờ nhớ nổi tên quán. Có rất nhiều quán có tên hao hao giống nhau nhưng ở Kabukicho này, chẳng có khách hàng nào vào chỉ vì tên quán hay nên chẳng mấy ai để ý tới việc đặt tên cho thật ấn tượng.
Trong lingerie pub, đâu đâu nhìn cũng giống nhau cả. Không phải là giống nhau ở cách bài trí mà chỉ vì nội thất của những quán kiểu này không dùng đồ cao cấp nên nhìn đều hao hao giống nhau.
Frank đưa mắt nhìn một cô gái mặc đồ lót đang dựa lưng trên ghế sofa rồi lại tỏ ra bẽn lẽn.
Cô gái biết một chút tiếng Anh đó tự giới thiệu tên là Reika. Tóc cô buộc cao, mặc bộ đồ lót có viền đăng ten màu đỏ tía trông có vẻ đắt tiền. Ngoài chiếc mũi tẹt và nước da hơi sần sùi ra thì cô gái đó không có điểm nào phải chê cả.
Reika cùng với một cô gái khác có tên là Rie đi tới chiếc bàn. Rie là một cô gái có khuôn mặt to, bắp thịt giống vận động viên bóng chuyền, rất thích bộ đồ lót màu trắng và cũng rất hay cười. Thế nhưng, trong thế giới fuzoku, lúc nào cũng cười như vậy không có nghĩa đó là một cô gái tốt tính. Cô gái tiến sát đến chiếc bàn. Và khi chai rượu Whisky được mang tới, Satoshi nói “Cảm ơn nhé”, rồi tiếp tục trở lại công việc ở các con phố. Trong quán, chỉ có chúng tôi và một cặp thanh niên đang ngồi bên cạnh là khách mà thôi. Tôi không biết Satoshi đã được nhận bao nhiêu tiền khi giới thiệu chúng tôi đến quán. Dù tôi là người quen, nhưng cậu ta không bao giờ đả động đến chuyện đó trước mặt tôi. “Không được có ý định biết những gì liên quan đến tiền bạc của người khác.” Đó là một trong những điều luật bất thành văn rất quan trọng để có thể tồn tại ở Kabukicho này.
Frank nhìn Reika và Rie, mặt hơi đỏ, rồi lại cười bẽn lẽn y như lúc mới bước vào quán. Mặt của Frank đỏ lên không phải là do nhiệt của lò sưởi. Những khách hàng lần đầu tiên hay kể cả những khách hàng đến với lingerie pub thường xuyên không thể “thư giãn” ngay từ đầu khi có một cô gái mặc bộ đồ lót ở trước mặt. Tất cả hoàn toàn không giống với việc nhìn những cô gái mặc bộ bikini ở bãi biển. Có thể thấy rõ đôi gò bồng đảo nhô cao cùng “khe suối” gợi cảm từ chiếc áo nịt ngực của các cô gái. Nhưng khó mà nhìn trực diện các vết lằn hằn trên bụng các cô gái do mặc quần lót chật quá lâu hay “cái bóng đen đen” lấp ló bên trong chiếc quần lót màu trắng. Cảm giác như có điều gì đó thật cay nghiệt. Tôi rời mắt khỏi nụ cười bẽn lẽn của Frank, hướng sang nhìn đôi cá thần tiên nhiệt đới đa sắc điện tử được treo trên tường. Nếu ai không biết, nhìn vào dễ nhầm đó là cá thật. Hình ảnh con cá vừa bơi vừa đớp mồi trông thật sống động. Thực ra, tôi nhận ra chúng là cá giả không phải do am hiểu về loài cá này mà là vì tôi thấy rõ những vết giật giật trên màn hình. Phải tinh lắm mới nhận ra được. Giống hệt mặt lúc Frank cười bẽn lẽn vậy.
“Cho phép tôi pha thêm nước vào Whisky nhé?” Reika hỏi xong, thấy tôi và Frank gật đầu liền rót luôn chai rượu không rõ tên vào cốc rồi mở vòi ở bình nước khoáng để lấy thêm nước làm cho rượu nhẹ bớt.
“Ông đây là người Mỹ phải không?”
Rie vừa áp sát người vào Frank vừa hỏi. Ở quán rượu này, khách hàng không được phép chạm vào người các cô gái. Thế nhưng, những khách hàng nghiêm chỉnh thực hiện quy định đó vẫn có cơ hội được các nhân viên chủ động chạm vào người. Dường như Frank nghe được từ “người Mỹ” nên khẽ trả lời Rie bằng tiếng Anh:
“Yes.”
Tôi nghĩ Frank sẽ lại nhấp nhấp từng chút từng chút rượu một nên đã dặn Frank rằng ở những quán rượu như thế này, giá tiền tính theo thời gian nên muốn uống bao nhiêu cốc cũng được không sợ bị tính tiền. Thế nhưng Frank vẫn chỉ uống từng giọt từng giọt một. Mà tôi cũng không biết đó có phải là hành động uống không, hay chỉ đơn thuần là chạm môi vào miệng cốc. Nhìn cách uống đó tôi thấy sốt cả ruột. Reika ở ngồi cạnh Frank, còn Rie ngồi ở giữa tôi và Frank. Reika đặt tay lên đùi Frank rồi toét miệng cười.
“Tên em là gì?”
Frank hỏi. Reika tự giới thiệu luôn. “Reika à?”
“Đúng rồi.”
“Cái tên đẹp đấy!” “Thật chứ?”
“À, tôi nghĩ là rất đẹp.” “Cám ơn ông!”
Trình độ tiếng Anh của Reika chắc chỉ tương đương với học sinh lớp Bảy. Giống như tôi vậy. Nhưng có khác một chút là tôi nói lưu loát hơn mà thôi.
“Người Mỹ có hay tới đây không?”
“Thỉnh thoảng cũng có.”
“Em nói tiếng Anh tốt ghê!”
“Ông cứ nói quá! Em muốn nói thành thạo hơn nữa cơ nhưng công nhận tiếng Anh khó thật. Em còn muốn kiếm thật nhiều tiền để được sang Mỹ cơ!”
“Ồ! Vậy sao? Sang Mỹ để du học ư?”
“Học á? Không đâu! Em không đủ sức! Em muốn tới Niketown.”
“Niketown ư?”
“Ông có thích hãng Nike không?”
“Hãng Nike? Hãng chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến thể thao ư?”
“Đúng, ông cũng thích chứ?”
“À, thì tôi cũng có mấy đôi giày đế mềm… để xem nào, hình như là của Converse. Mà sao em lại thích hãng Nike đến vậy?”
“Chẳng có lý do gì cả. Đơn giản chỉ là thích thôi. Ông đã đến Niketown chưa?”
“Tôi cũng chẳng biết cái nơi được gọi là Niketown ấy. Kenji, cậu có biết không?” “Tôi chỉ nghe tới thôi!” Tôi đáp.
Reika vừa kéo dây áo nịt ngực vừa nói thêm: “Có một tòa nhà rất lớn toàn là cửa hàng của Nike thôi. Đứa bạn em có kể vào những khoảng thời gian nhất định, mọi người có thể đứng nhìn các đoạn phim quảng cáo của hãng Nike chiếu trên màn hình vô tuyến cực lớn. Nó đã mua tới năm đôi giày đế mềm cơ đấy. Em cũng đang ước ao được đến đó để có thể tha hồ mua sắm.”
“Ao ước ư? Ao ước được đến một cửa hàng của hãng Nike sao?”
Frank tỏ ra rất ngạc nhiên và lẩm bẩm liên tục từ “ao ước”.
Reika nhắc lại: “Đúng thế, đó là niềm ao ước của em.” Rồi lại hỏi Frank: “Mà ông sống ở đâu vậy?”
Frank đáp: “Ở New York.”
Reika trố mắt hỏi: “Sao kỳ vậy? Niketown ở ngay New York chứ đâu?”
Frank thay đổi hẳn sắc mặt. Dĩ nhiên là theo phản ứng tự nhiên, Reika cảm thấy rất khó hiểu trước việc Frank ở ngay New York mà không biết Niketown. Tôi nhìn lại thì không hẳn là Frank thay đổi sắc mặt. Tôi nhận ra khi nhìn nghiêng, có thể thấy rõ lớp da nhân tạo của Frank giật giật, đường gân trên cổ nổi lên giống như lớp sơn loang lổ, lềnh phềnh trên mặt nước. Lúc đầu mặt còn xanh xanh, ngay sau đó chuyển hẳn sang đỏ. Tôi chợt có cảm giác rờn rợn. Sau đó tôi quay sang Reika giải thích bằng tiếng Nhật rồi dịch sang tiếng Anh:
“Chỉ có người Nhật mới hay mua ở Niketown thôi. Rất nhiều người Mỹ không biết đâu. Tôi nghe nói hình như hơn một nửa số khách mua hàng là người Nhật rồi. Hơn nữa, New York rất rộng, không phải như Manhattan.”
Thấy Reika gật đầu, mặt Frank mới dần dần trở lại bình thường. Tôi đoán Frank đã nói dối là ông ta ở New York, và tôi quyết định sau này cũng sẽ không nhắc lại chuyện này nữa. Tôi không biết lý do tại sao nhưng nếu tôi nhắc lại, Frank sẽ nổi giận. Và khi ấy, một kẻ không có giấy phép hành nghề như tôi sẽ gặp rắc rối to.
“Chúng ta hát karaoke chứ?”
Reika vừa cầm micro, nhìn về phía đám khách khác đang hát rất say sưa vừa nói với Frank như vậy. Đám khách đó gồm một người ở độ tuổi trung niên có vẻ là dân công chức và một thanh niên, có vẻ là cấp dưới của ông ta, đang mặt đỏ tưng bừng vừa ngân nga hát vừa vỗ tay nghe lẹt đẹt. Người đàn ông trung niên một tay cầm micro hát, một tay nắm chặt tay cô gái phục vụ mặc bộ đồ lót màu hồng. Trông cô gái đó tựa như cô gái Hy Lạp đang rước đuốc ở thánh đường. Tôi đoán mấy người khách này đến từ tỉnh khác. Ở Kabukicho này, có rất nhiều người là dân công chức ở các tỉnh đến Tokyo công tác. Những người ngoại tỉnh này có đặc điểm hễ cứ uống vào là mặt đỏ gay gắt nên tôi nhận ra ngay. Họ rất hay bị các catch bar1 ở đây lừa. Tôi có thể kiếm một món rất hời mỗi khi hướng dẫn cho họ nhưng tôi không tài nào nhớ nổi từ địa phương nên đành bỏ qua.
1 Catch bar: Quán rượu có nhân viên đứng chào mời khách ở ngoài cửa.
“Không! Bỏ qua karaoke đi. Thay vào đó tôi muốn học thêm một chút tiếng Nhật, nhất là học từ việc nói chuyện bằng tiếng Nhật với các cô gái mặc bộ đồ lót.”
Nói xong, Frank lấy cuốn Tokyo Pink Guide từ trong túi ra.
Ở ngay bìa đầu cuốn sách có ghi câu tiếng Anh: “Cuốn sách này sẽ giải tỏa mọi áp lực của chính bạn.” Đó là câu trực dịch. Ta có thể hiểu như sau: “Chỉ cần đọc cuốn sách này là bạn có ngay cảm hứng tình dục.” Ở dưới câu đó còn ghi: “Có cái gì, ở đâu, và chi phí hết bao nhiêu? Tất cả những thông tin về các điểm hoan lạc mà bạn cần đều có trong cuốn này.” Tôi cũng có một cuốn tương tự thuộc lĩnh vực kinh doanh, khi nào có thời gian rảnh rỗi tôi lại lấy ra để tranh thủ học tiếng Anh. Cũng khá thú vị. Chẳng hạn như ở chương 9, có viết về dân gay. Từ việc miêu tả chế độ cấm nữ giới của Phật giáo hay thói Shounenai (đồng dâm nam) ở xã hội của các Samurai cho đến thời hiện đại, khi mà cả giới fuzoku của Nhật Bản chìm trong nỗi ám ảnh người nước ngoài do sự lan truyền của đại dịch AIDS, hay ở Shinjuku Ni-chome1, dân gay đến từ các nước phát triển vẫn được chào đón, và thậm chí cả việc nói rõ khách đến cửa hàng như thế nào… Tất cả đều được miêu tả chi tiết.
1 Sinjuku Ni-chome: Khu vực của dân đồng tính.
Frank mở cuốn sách có bìa màu hồng ấy nhìn Reika và Rie rồi nói:
“Nào, chúng ta bắt đầu bài tập tiếng Nhật thôi!” Sau đó, Frank phát âm rất to từ bắt đầu bằng chữ cái A đầu tiên trong bảng chữ cái alphabet:
“Aho.”
Frank có giải thích luôn cho mọi người từ đó nghĩa là “ngốc nghếch”. Ở sau cuốn sách có đính kèm phần từ điển tra nhanh Nhật - Anh và Anh - Nhật. Rie hỏi tôi ông ta vừa nói gì thì tôi có phát âm chuẩn lại bằng tiếng Nhật. Ngay lập tức Rie vừa vỗ đầu gối vừa thốt lên: “Ái chà! Đúng là dễ thương quá!”.
Frank được thể nói tiếp:
“Aijin, Aijin bank. Ai shiteru, Aitai, Akagai, Ana, Ana de yaritai, Anal sex, Asoko, Asoko, Asoko, Asoko, Asoko, Asoko.”
Nghe thật ngộ khi người nước ngoài cố gắng nói tiếng Nhật. Ta thường tập trung lắng nghe để có thể hiểu hơn những điều họ cố gắng lắp bắp diễn tả.
Tất nhiên, người nước ngoài cũng có cảm giác như vậy khi người Nhật nói tiếng của họ. Trình độ tiếng Anh của tôi chỉ tương đương với trình độ lớp Bảy. Tôi không có thói quen bắt chước giọng của người Mỹ bản ngữ như các DJ trên đài phát thanh, mà tôi thường nói dõng dạc từng từ từng từ một nên có vẻ như rất gây được thiện cảm đối với khách hàng. Frank phát âm liên tục từ Asoko khiến cho Reika và Rie cười không ngớt đến nỗi đám nhân viên ở bàn bên cạnh quay ra nhìn với gương mặt không hiểu vì lý do gì mà lại vui đến vậy. Frank không hề tỏ ra xấu hổ hay khó chịu, mà vẫn kiên trì nói Asoko với vẻ mặt rất nghiêm chỉnh như một tài tử đang diễn ở trường quay.
“Daisuki, Dame, Daikon, Danna san, Dare demo iidesu, Dechatta, Debu, Dendo kokeshi, Desou desu, Doko demo dotei, Doko demo dotei dakara desou desu, Boku doko demo dotei dakara desou desu, Doko demo dakara desou desu.”
Frank quan sát rất kỹ xem Reika và Rie phản ứng mạnh nhất với cụm từ nào, trong khi miệng liên tục nhắc đi nhắc lại những cụm từ được kết hợp bởi những từ tiếng Nhật mà ông ta biết. Những nhân viên khác đang chờ khách ngồi ở ghế sofa gần cửa phía bàn tiếp tân cũng đứng hết lên để nghe Frank “trình diễn”. Reika và Rie phấn khích đến nỗi ngửa cả đầu ra sau, suýt nữa thì ngã khỏi ghế ngồi. Còn hai người khách đang hát karaoke thì dừng hát, đến cả nhân viên chạy bàn cũng nhìn sang phía chúng tôi rồi cười tỏ vẻ rất thích thú. Và cả tôi cũng cười đến nỗi nước mắt chảy không ngớt.
Chỉ có một người duy nhất không hề cười, đó là Frank.
“Sawaranai, Sawaritai, Seibyou, Seiko, Seiyoku, Senzuri, Shakuhachi, Shasei, Shaseisangyo, Sigoku, Shigoite kudasai, Shigoite kudasai, Sukebe, Sukebe jijii, Suki desuka, Suki desu, Sukebe jijii, Suki desuka, Watashi sukebe jijii suki desu, Watashi sukebe jijii suki desu.”
Frank lạnh lùng “trình diễn” trước tiếng cười không ngớt của những người xung quanh. Chúng tôi càng cười, mặt Frank càng đanh lại, chỉ có tiếng nói là càng to hơn.
Cả Reika và Rie đều lấm tấm mồ hôi trên mũi, thái dương và ngực, nước mắt thì giàn giụa, vừa ho vừa cười ngặt nghẽo. Hai khách ngoại tỉnh cũng thôi hẳn không hát nữa, nhạc hát karaoke trên ti vi vang khắp quán nhưng vẫn không át được tiếng cười của mọi người. Frank, “diễn viên kịch” vẫn không hề mở miệng cười, nhìn như đang cố tuân thủ theo một quy tắc khắt khe nào đó. Thế mà chẳng mấy chốc một tiếng cũng đã trôi qua.
Có hai khách khác đi vào quán; hai khách ngoại tỉnh lại hát tiếp. Hình như một người khách khác ra hiệu cho Rie ra tiếp chuyện nên cô bắt tay Frank nói rằng lâu lắm mới có dịp được cười vui đến thế rồi nhanh chóng rời sang chiếc bàn khác. Còn Reika thì nói:
“Ông quả là một nghệ sĩ vĩ đại, em thực sự rất vui.”
Sau đó, cô lấy tay lau mồ hôi, đứng dậy đi về phía toilet. Người tôi cũng đẫm mồ hôi, chiếc áo sơ mi trắng dính chặt vào lưng rất khó chịu. Vì trong quán có máy sưởi nên cười một lúc lâu như vậy, mồ hôi ra đầm đìa là chuyện đương nhiên. Tôi gọi một nhân viên chạy bàn tới để thanh toán. Nhân viên đó nhã nhặn nói với tôi:
“Ông Tây này thú vị thật đấy.”
Ở Kabukicho này không hẳn toàn là những gương mặt tối tăm, mà ai cũng giữ một quá khứ hay hiện tại riêng của chính mình. Hầu như chẳng bao giờ có chuyện toàn bộ nhân viên trong một quán bar lại cùng cười sảng khoái đến vậy. Trong lúc chờ hóa đơn thanh toán được đưa đến, Frank vừa lấy ví tiền vừa hỏi tôi:
“Kenji, mọi người có vẻ đã rất vui nhỉ? Người
Nhật yêu thích nhất chỗ nào ở Niketown vậy?”
Frank không hề lau mồ hôi. Tôi vừa nghĩ, “Tại sao ông ta lại đả động đến chuyện đó vào lúc này nhỉ?”, vừa trả lời Frank:
“Bất kỳ cái gì được yêu thích ở Mỹ thì người Nhật cũng đều thích cả.”
“Tôi không hề biết Niketown mà cũng chẳng biết lại có những thứ đó!”
“Tôi cũng nghĩ vậy. Mà tôi thấy chỉ có đất nước này mới có kiểu mọi người đều cười to đến thế.”
Hóa đơn thanh toán được mang ra, Frank rút trong ví ra hai tờ 10.000 yên, tôi để ý thấy trong đó có một tờ có dính vết đen to bằng đồng xu 500 yên. Nhìn vết đen đó giống như vết máu đã khô.
“Frank, đã lâu rồi tôi không được cười xả láng như thế đấy!”
“Vậy à? Các cô gái ở đây cũng có một trận cười ra trò nhỉ?”
“Ông có hay làm vậy không?” “Làm vậy là làm gì?”
“Làm cho mọi người cười ấy! Như tán dóc gây cười chẳng hạn.”
“Vừa rồi tôi đâu có ý diễn hài cho mọi người cười, tôi chỉ muốn học tiếng Nhật thôi mà. Mọi người không hiểu nên vô tình sự việc lại trở nên như vậy.
Đến bây giờ tôi cũng chẳng biết tại sao lại thế.” Chúng tôi rời quán, đi về phía đường ở sau nhà hát kịch Koma. Lúc này là khoảng 10 giờ 30 phút, Frank vẫn chưa yêu cầu tôi phải làm gì. Tôi cũng muốn đi bộ một chút cho người đỡ nóng do cười lâu và do ánh đèn trong quán chiếu vào. Từ lúc rời khỏi quán, tôi không ngừng nghĩ về tờ tiền có dính vết máu của Frank. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại cứ mãi băn khoăn như vậy.
Phía sau nhà hát kịch Koma, trong ngõ hẹp gần ga Shinjuku có một hẻm rất đặc biệt. Các quán bar, quán giải khát, quán chơi mạt chược xếp san sát cứ như đang lạc vào một bộ phim thời Chiêu hòa năm thứ 301.
1 Chiêu hòa năm thứ 30: Ở Nhật, người ta thường tính năm theo các thời vua. Thời Chiêu hòa bắt đầu từ năm 1926 đến năm 1989. Ở đây, Chiêu hòa năm thứ 30 tức là năm 1955.
“Nhưng tôi thấy vai diễn vừa rồi ông đóng rất đạt, ông đã bao giờ đóng kịch hay gì đó tương tự chưa?”
“Chưa từng, nhưng hồi còn bé, mỗi khi tổ chức tiệc ở nhà, hai chị gái của tôi đều rất thích diễn hài nên tôi cũng thường góp vui.”
Tôi và Frank tới con hẻm đặc biệt ấy. Ở một số quán bar nho nhỏ hay ở cửa ra vào có rất nhiều bụi cây thường xuân, có thể nghe thấy tiếng nhạc cổ điển vọng ra từ bên trong, cả biển quảng cáo của một số quán giải khát cũng mang vẻ cổ xưa. Dường như Frank cũng hiểu rõ nét cổ kính đó nên đi chậm dần, mắt hướng về con hẻm khá hẹp đó.
Frank dừng lại trước quán bar có tên là Auger, mắt lại hướng về con hẻm vẫn còn nguyên dáng vẻ của thời Chiêu hòa năm thứ 30. Frank quay sang nói với tôi:
“Ở đây không có người chào mời khách nhỉ?” Đúng là ở đây không hề nghe thấy tiếng mời chào khách nào cả. Khách đến với con hẻm này chỉ toàn là những khách quen. Ta cũng không hề thấy bóng dáng vị khách nào cố gắng tìm cô gái có thể ôm một cách dễ dàng hay đang say xỉn, vịn vai đồng nghiệp tìm quán bar bước vào con đường này. Cũng có cả cửa hàng bày chậu hoa ở trước cửa. Bông hoa màu trắng vừa nở trong bình gốm rung rinh trước cơn gió của Kabukicho trong tháng Mười hai có pha lẫn mùi rượu, mùi mồ hôi, mùi rác, được chiếu sáng bởi ánh hồng và ánh vàng trên tường nhà hát kịch Koma.
“Ở đây vẫn còn giữ được các dãy phố cổ đấy.” “Vậy sao? Tôi tưởng ở đâu cũng có dãy phố như thế chứ?”
Nói xong, Frank lại tiếp tục bước đi.
“Quảng trường Thời Đại ở New York cũng vậy đấy, không hề có quán sex nào mà chỉ toàn các quán bar thuần túy thôi.”
Frank vừa nói vừa như đang nhớ lại một thời đã qua nên tôi càng nghĩ Frank là người New York thật. Vậy, nếu thế thì đúng là cũng có người ở New York mà không biết Niketown.
“Nói đến Quảng trường Times Square (Thời Đại) tôi nhớ, ở tòa nhà cao tầng trước nhà ga Shinjuku có vẽ hình Times Square, có phải đó chỉ là đùa không?”
“Không, không phải là đùa đâu, đó là tên một cửa hàng bách hóa.”
“Thế nhưng do tòa nhà cao tầng của tờ Times ở đó nên người ta đặt là Times Square, còn ở đó đâu có tòa nhà cao tầng của tờ Times nhỉ?”
“À! Chỉ vì người Nhật thấy cái tên đó hay nên đặt vậy thôi!”
“Thật là đáng xấu hổ. Sao lại chẳng có người hiểu biết nào hay nhà báo chẳng hạn chặn ý nghĩ đó nhỉ? Việc thua trận trong chiến tranh đã là chuyện của quá khứ, bây giờ Nhật Bản đâu cần phải bắt chước Mỹ nữa?”
Nghe xong, tôi hỏi Frank muốn tới đâu nữa thì ông ta đáp muốn đến phòng nozoki để xem các cô gái không mặc cả đồ lót.
Để tới phòng nozoki, chúng tôi phải đi ngược lại một chút. Ở hai bên đại lộ Kuyakusho hay ở quanh quanh đó chỉ có câu lạc bộ Trung Hoa, hộp đêm, quán giải khát và khách sạn Tình yêu chứ không hề có phòng nozoki. Chúng tôi rẽ vào một con hẻm phía khách sạn Tình yêu, định quay trở về ga của Seibu-Shinjuku thì lại tình cờ đi ngang qua một công ty cho thuê ô tô. Tôi tự hỏi tại sao lại có công ty cho thuê ô tô ở một nơi như thế này nhỉ, mà ai lại có thể biết mà rẽ vào đây để thuê ô tô cơ chứ? Đó là chưa kể ở nơi mà các nhà cao tầng mọc san sát, hẹp đến nỗi chẳng có nổi một chỗ trống để đỗ xe. Tấm biển quảng cáo ghi chữ “Toyota Rent” và lá cờ bay trước cơn gió của tháng Mười hai. Có khoảng mười mấy chiếc xe ô tô được nhồi sin sít nhau trong một văn phòng vốn là một căn nhà tiền chế1. Cả xe đẩy và xe mui kín đều bị phủ một lớp bụi dày. Tôi nghĩ thà đi bộ còn hơn là mất công đi thuê những chiếc xe như thế này. Frank dựng cao cổ áo, vừa đi vừa cho hai tay vào túi quần. Nhiệt tỏa ra từ ánh đèn của các quán rượu dường như cũng lạnh hơn. Vì Frank không mặc áo khoác, cũng chẳng quàng khăn nên mũi và mặt đều đỏ ửng lên, hình như rất lạnh. Khi nhìn Frank đi qua đoạn gần công ty cho thuê xe ô tô, đột nhiên tôi thoáng thấy rùng mình. Đó là vì khuôn mặt, bộ dạng của ông ta mang vẻ cô đơn khác lạ. Tất cả người Mỹ đều thể hiện sự cô đơn ở một điểm nào đó. Tôi không biết lý do tại sao, nhưng có lẽ không có gì phù hợp hơn cho lời giải thích đó là vì họ là con cháu của những người di cư. Thế nhưng Frank lại có điều gì đó rất đặc biệt. Quần áo ông ta mặc toàn là đồ rẻ tiền, trông nhếch nhác, luộm thuộm. Có thể ông ta thấp hơn chiều cao 1 mét 72 của tôi một chút thôi nhưng nhìn dáng người ông ta trông thấp thấp, mập mập, tóc thì lơ thơ, mặt trông già già. Nhưng, không chỉ có thế. Tôi không rõ nữa, tôi có cảm giác Frank đang nói dối một điều gì đó. Ở nơi đó, nơi chúng tôi đi qua là khu để rác mà người ta đã phát hiện ra thi thể cô nữ sinh bị giết. Cảnh sát vẫn đang điều tra nên quanh đó vẫn còn bị giăng dải băng phân cách. Tự dưng trong đầu tôi nhớ lại và liên kết các sự kiện với nhau. Ban đầu là việc tôi đọc được bài báo vào sáng ngày hôm đó. Tiền trong ví của cô nữ sinh bị giết đã bị lấy hết. Tờ tiền 10.000 yên dính máu mà Frank đã lấy ra khi ở quán bar. Sau đó là việc Frank nói đang nhập một số linh kiện xe ô tô Toyota. Thế mà ông ta không hề tỏ ý quan tâm gì tới dãy xe Toyota bày ở trong phòng chúng tôi vừa đi qua.
1 Nhà tiền chế (prefabricated house): Nhà được làm sẵn hoặc đúc sẵn.
“Tất cả sự việc trên đều là ngẫu nhiên thôi.” Tôi tự nhủ trong đầu như vậy. Nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn không thể không đặt dấu hỏi đối với Frank. “Hãy bình tĩnh!” Tôi liên tục lẩm nhẩm trong miệng. Tôi muốn nói với một ai đó rằng người khách của tôi có tờ tiền giấy dính vết trông như vết máu khô, lại nói dối về công việc nên tôi đang nghi ngờ rằng ông ta chính là thủ phạm của một vụ giết người. Rồi tôi lại tự giải thích: Hay là vì ông ta chỉ nhập các linh kiện ô tô Toyota thôi nên đương nhiên là không quan tâm tới ô tô đã lắp ráp hoàn chỉnh. “Kenji à, cậu suy nghĩ hơi quá rồi.” Tôi muốn được nghe ai đó nói với tôi như vậy, kể cả qua điện thoại cũng được, để tôi có thể thoát khỏi những nghi ngờ đang luẩn quẩn trong đầu tôi. Phải rồi, người tôi có thể chia sẻ chỉ có thể là Jun.
“Ông Frank này! Đã 12 giờ đêm rồi đấy!” Tôi vừa giơ đồng hồ lên vừa nói.
“Tôi muốn xác nhận lại đã là sang 12 giờ đêm, tức là đã hết ba tiếng!”
“À, ừ nhỉ. Đêm nay vui quá nên tôi quên bẵng đi mất. Nhưng mà tôi vẫn còn muốn đi thưởng thức ở nhiều nơi khác nữa cơ. Làm thế nào bây giờ? Hay là cậu cứ đi cùng tôi thêm hai tiếng nữa nhé?”
Khi tôi giải thích rằng tôi có hẹn với cô bạn gái thì Frank cau mày lại. Trông khuôn mặt ông ta lúc đó rất đáng sợ giống hệt với khuôn mặt khi ở quán bar bị Reika hỏi rằng có đúng ông ở New York thật không.
“Công việc bao giờ cũng quan trọng hơn rồi. Nhưng để tôi gọi điện thoại thử xem thế nào đã.”
Tôi nói xong liền đi đến bốt điện thoại công cộng nằm ngay cạnh nhà hát kịch Koma. Tôi không muốn dùng điện thoại di động. Tôi không nghĩ là Frank sẽ hiểu tiếng Nhật nhưng tôi không muốn ông ta nghe thấy tôi nói chuyện. Tôi nhẹ cả người khi đóng được chiếc cửa kính của bốt điện thoại. Tôi đoán tầm này chắc Jun đang ở trong phòng của tôi. Không phải là để chờ tôi về mà vì cô ấy không có khoảng trống riêng nào ở nhà nên muốn ở chỗ tôi tự do một mình đọc sách hay nghe nhạc. Bố mẹ của Jun ly dị nhau từ lúc Jun còn nhỏ, hiện Jun đang sống với mẹ và em trai. Hình như mẹ của Jun không có ý kiến gì khi cô ấy nói sang nhà bạn học và sẽ về trước 12 giờ đêm.
“Alô, anh Kenji à?”
Jun mới mười sáu tuổi. Tôi càng thở phào nhẹ nhõm hơn khi nghe thấy tiếng nói khe khẽ của Jun.
“Em đang làm gì thế?”
“À, em đang nghe nhạc trên sóng FM.”
Mẹ của Jun đang làm ở công ty bảo hiểm. Jun có vẻ như rất khâm phục mẹ mình và thường xuyên kể với tôi về mẹ với một thái độ rất biết ơn mẹ đã dạy cô ấy khôn lớn. Căn hộ ở Takaido không đủ rộng để cô ấy có một phòng riêng. Thế nhưng, mẹ của Jun thường đi làm về muộn nên cô ấy không thể nói với mẹ là muốn dọn tới nơi rộng rãi hơn. Tôi đã gặp Jun ở ngay Kabukicho này. Cô ấy không tham gia “bán xuân” nhưng thường cùng các “ông già” đi hát karaoke, ăn uống. Mỗi lần như vậy Jun lại được nhận khoảng 5.000 yên. Chúng tôi thường không hay nói với nhau về những chuyện như thế. “Anh vẫn chưa xong việc đâu.”
“Trời lạnh thế mà anh vẫn phải vất vả nhỉ! Em đã nấu sẵn cơm bằng chảo rồi đấy.”
“Nấu cơm bằng chảo? Sao kỳ vậy?” “Hi hi, em nói đùa ấy mà!”
“Ông ta không đưa tiền cho anh à?”
“Không phải là chuyện đó. Mà anh nghĩ ông ta là một người rất đáng nghi.”
Tôi đã kể qua cho Jun nghe về chuyện tờ tiền giấy dính máu và cả chuyện xe Toyota nữa.
“Sao? Chỉ thế mà anh đã nghĩ ông ta là thủ phạm giết người ư?”
“Ừ. Thế mới lạ chứ!”
“Em không thấy gì cả nên không dám nói điều gì. Nhưng…”
“Nhưng sao cơ?”
“Nhưng em có biết một chút.” “Biết gì?”
“Biết cô gái bị giết theo cách nào ấy. Không phải theo kiểu của người Nhật. Ông ta đang làm gì vậy anh?”
Tôi quay sang nhìn Frank. Ông ta chắc đã nhìn về phía tôi một hồi lâu, còn bây giờ đang ngó ngơ trước quán game nằm đối diện với bốt điện thoại.
“Ông ta đang định chụp ảnh.” “Sao cơ?”
“Ông ta đang định chụp ở máy chụp tự động. Nhưng có vẻ đang rất lúng túng không biết sử dụng như thế nào. Hình như ông ta đang nhìn chằm chằm vào màn hình có hiện lên hình ảnh của ông ta.”
“Thế thì anh yên tâm đi. Có thủ phạm nào lại đi chụp ảnh ở máy chụp tự động không?”
Nghe Jun nói thế tôi cũng có một chút ngờ ngợ. “Anh Kenji! Anh cứ ra chụp với ông ta đi. Em muốn biết mặt mũi ông ta thế nào!”
Tôi nói đồng ý rồi dập máy.
“Kenji, cái này là gì vậy? Các cô gái đã cười rất tươi khi đứng trước nó, hình như là để chụp ảnh thì phải. Đây có phải là máy chụp ảnh thẻ không?”
Tôi định giải thích nhưng lại có đám nhân viên đang say lướt khướt đứng xếp hàng ở đằng sau léo nhéo giục chúng tôi. Họ đi cùng một cô bạn gái có khuôn mặt thật dữ tợn. Như bình thường tôi chẳng ngại ngần văng tục với đám nhân viên này, nhưng để có thể chụp mặt Frank cho Jun xem, với lại ở bên ngoài trời cũng lạnh nữa nên tôi nói: “Biết rồi! Xong ngay đây, chờ chút nữa đi!” Tôi không giải thích mà tiến hành chụp luôn cho Frank xem. Frank không mang tiền lẻ nên tôi dùng tiền của tôi. Tôi bảo Frank đứng chính giữa chiếc máy và nói thêm tôi sẽ chọn nền là khung cảnh mang đặc trưng của Nhật Bản: Một quán thịt nướng. Frank nói ngay:
“Ban nãy mấy cô gái đều đứng sát nhau để cùng chụp. Cậu cũng đứng gần tôi để cùng chụp một kiểu kỷ niệm nhé!”
Khi tôi ấn nút chọn kiểu chụp hai người, tôi đã không ghé sát mặt mình vào mặt của Frank. Không hẳn là do tôi ghét Frank mà chỉ vì tôi không thích. Tôi thấy đàn ông, con trai ai lại kề sát mặt nhau trông kỳ kỳ. Hơn nữa, da mặt của Frank lại hơi khác thường một chút. Đó là da mặt của một người quá ba mươi nhưng lại không hề thấy một nếp nhăn. Nói là không có nếp nhăn không có nghĩa là da mặt đó căng, nhẵn mịn mà nó cứ bóng mượt của kiểu da nhân tạo. Thế nhưng tôi lại vẫn có cảm giác đó là da của một người đã đứng tuổi. Tôi không hề muốn chạm vào khuôn mặt như thế nhưng Frank đã kéo mạnh vai tôi rồi hướng về màn hình và nói:
“Nào! Đã xong! Kenji, cậu ấn nút chụp được rồi đấy!”
Tôi thấy như mình đang chạm vào mặt nạ làm bằng silicon. Tôi chợt nổi da gà.
“Tớ nghe nói ông Tây này rất hóm hỉnh!”
Khi chúng tôi đang đi về phía phòng nozoki thì gặp Satoshi trên đoạn đường có các quán bar. Cậu ta đang luôn miệng nhắc đi nhắc lại với những người đang say khướt: “Vào giờ này mỗi quý vị chỉ phải trả 7.000 yên thôi. Không thể có cái giá nào thấp hơn được nữa đâu.”
Nghe thế, ta hiểu ngay hàm ý những lời nói đó của Satoshi: Kabukicho này rất thú vị. Frank dừng lại và xem bức ảnh đã chụp.
“Bọn nhân viên đã nói gì về ông Tây này? Có phải là chuyện về tờ tiền ông ta đã trả không?” Tôi hỏi Satoshi.
Cậu ta bảo là họ bàn tán về chuyện khác. Hình như chỉ có tôi để ý rằng tờ tiền 10.000 yên đó có dính máu thì phải. Tôi quyết định quên chuyện Frank đã rút tờ 10.000 yên ở quán bar. Jun nói đúng, do tôi nhạy cảm quá. Tôi đã tự nhủ chắc là tất cả những sự kiện như việc đi qua hiện trường vụ án cô nữ sinh bị sát hại hay cảnh vắng lặng ở khu vực quanh nơi cho thuê xe ô tô đều vô tình lọt vào mắt của một kẻ non gan như tôi.
“Ông này đang muốn tới phòng nozoki. Cậu biết có nơi nào được thì chỉ cho tớ!”
Nghe tôi hỏi vậy, Satoshi nhìn về phía Frank cười, bảo: “Ở đâu cũng giống nhau cả thôi”, rồi lại quay sang phía tôi nói: “Cậu cũng khá mệt đấy nhỉ”.
Ý cậu ta muốn nói: Cậu vớ phải ông khách bèo quá nhỉ. Phòng nozoki gần nhất ở tầng 6 của tòa nhà cao tầng ngay phía trước mặt.
“Kenji này, cậu sẽ vào trong cùng tôi.”
Khi tôi dẫn ông ta đến trước cửa phòng nozoki và giải thích rằng nếu tôi vào cùng thì sẽ phải trả tiền cho suất hai người nên tôi sẽ ở bên ngoài chờ, Frank vội lắc đầu và nói như vậy. Frank đã trả tiền cho cả hai chúng tôi. 5.000 yên. Vừa có một sô diễn mới bắt đầu nên tôi và Frank phải ngồi chờ ở ghế sofa hai chỗ cạnh quầy tiếp tân. Không được vào phòng nozoki khi đang có sô diễn. Nhưng hầu như các sô đều không diễn hết thời gian quy định nên chúng tôi chắc cũng không phải đợi lâu. Trên tường có dán chi chít các tấm ảnh chụp khi phòng nozoki này được chiếu trong chương trình fuzoku trên truyền hình. Chúng khá cũ, đã bạc hết màu, và cũng không còn nhìn thấy chữ ký của người dẫn chương trình đã ký trực tiếp trên đó nữa.
“À, phải rồi! Bạn gái của cậu có phàn nàn gì về chuyện cậu phải kéo dài thời gian đi với tôi không?”
Frank hỏi tôi trong khi mắt vẫn nhìn tờ quảng cáo có dòng chữ ghi bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật: Quán chúng tôi có các peep show hay nhất từng được đưa lên ti vi.
“À, không sao.”
“Vậy tốt quá rồi. Này, không biết các sô diễn ở quán này diễn ra thế nào nhỉ?”
Tiếng nhạc của sô diễn vang tới cả chỗ chúng tôi. Tôi không nhớ rõ tên bài hát nhưng biết tên ca sĩ là Diana Ross.
“Sô diễn sẽ kết thúc sau khoảng ba đến bốn bài hát. Có một cô gái đi ra, ban đầu sẽ múa thoát y, khi sô diễn bắt đầu, một cô gái khác mở cửa phòng ra hỏi có cần phục vụ đặc biệt không?”
“Phục vụ đặc biệt là gì?” Frank hỏi tôi. Tôi giải thích đó là các cô gái sẽ phục vụ “bằng tay”.
“Nếu đồng ý được phục vụ bằng tay thì ta sẽ phải trả thêm 3.000 yên.”
Frank phản ứng lại với từ “phục vụ bằng tay”. Rồi như đang nhìn xa xăm hay đang nghĩ tới một điều gì đó kỳ lạ, Frank liên tục lẩm nhẩm từ “phục vụ bằng tay”. Lần đầu tiên tôi thấy có một người phản ứng với từ đó mạnh đến vậy. Tôi cố nói thêm:
“Không phải chỉ là chạm không thôi đâu. Đích đến sẽ vẫn là sex nên phần phục vụ bằng tay đó là khúc dạo đầu ấy mà.”
Frank nhìn tôi rồi nói: “À! Có thế chứ!”
“Mặt sinh lý của tôi rất khỏe, thực tế là rất khỏe!”
Tôi hiểu ý của Frank muốn nói là ông ta rất khỏe khi sex.
“Khi sô diễn bắt đầu, hễ thấy có cô gái nào bước ra và nói câu gì đó, ông chỉ cần nói “Yes” là được. Đơn giản thôi!”
“Thế hả! Vậy là tôi chỉ cần nói “Yes” phải không? Hồi hộp thật.”
Frank nói là hồi hộp nhưng trông mặt ông ta thì lại rõ là đang nhàm chán. Cạnh ghế sofa có một cuốn tạp chí phát hành miễn phí hằng tuần. Ngay trang đầu tiên có in ảnh chụp Nomo của đội bóng chày Dodger. Bên cạnh là bài báo nói về việc hợp đồng năm thứ hai vẫn chưa kết thúc. Frank lấy ngón tay trỏ chỉ vào bức ảnh rồi nói:
“Ở nước Nhật, môn bóng chày được ưa chuộng nhất nhỉ?”
Ban đầu tôi nghĩ Frank đang nói đùa. Không có một người Mỹ nào tới Nhật Bản làm việc là không biết Nomo. Một trăm phần trăm là không có. Nomo là người Nhật nổi tiếng ở Mỹ đến nỗi để có thể nói chuyện kinh doanh được thuận lợi hơn họ thường mở đầu bằng việc nói về Nomo. Frank nhầm Nomo là cầu thủ đang thi đấu ở Nhật Bản. Hay là những người nhập linh kiện xe Toyota không hề biết tới Nomo chăng?
“Đó là bức ảnh chụp cầu thủ của đội bóng chày Dodger đấy.”
Nghe tôi nói xong, Frank ngạc nhiên nhìn lại bức chụp.
“Ừ đúng! Cầu thủ này đang mặc bộ đồng phục của Los Angeles Dodger.”
Tôi nghĩ Frank không hề biết tẹo nào về bóng chày. Nếu là một người không biết về bóng chày thì việc không biết Nomo có thể chấp nhận được. Nhưng câu tiếp theo của Frank càng làm tôi thấy khó hiểu:
“Ồ! No hit, no run! Tôi rất thích cụm từ này! Tôi là út trong gia đình chỉ toàn anh em trai. Các anh của tôi đều chơi bóng chày. Chúng tôi ở quê nên các anh toàn chơi bóng chày ở cánh đồng ngô rộng ngút tầm mắt. Bố tôi cũng là một người rất nghiền bóng chày. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh mùa hè năm tôi lên tám, anh trai thứ hai của tôi hét to từ No hit, no run ấy!”
Cách đây khoảng một tiếng đồng hồ, Frank nói là có hai người chị gái. Frank cũng nói nghe rất thật rằng họ hay diễn kịch hay diễn hài gì đó trong các buổi tiệc. Còn bây giờ thì ông ta lại nói là em út trong gia đình toàn anh em trai. Tôi thấy lạ là Frank đâu cần phải nói dối trong tình huống này và nhất là đây chỉ là nơi ngồi chờ của một quán bar, chứ đâu phải là phòng họp? Ông ta không biết bóng chày thì thôi, chứ sao phải nói dối một “hướng dẫn viên đêm” như tôi mà không phải là một khách hàng làm ăn quan trọng? Ông ta chỉ cần nói thẳng luôn là chẳng biết gì về bóng chày thì tôi cũng đâu có ý kiến gì.
“Quê tôi chẳng có gì hấp dẫn, chỉ có bia là ngon nhất. Chơi bóng chày xong là mọi người cùng nhau uống bia, tôi còn bé nhưng cũng bị bắt uống vì nếu không uống thì không được coi là đàn ông. Miền đồng quê của nước Mỹ đâu đâu cũng thế. Đâu đâu cũng thấy cánh đồng ngô ngút ngàn. Bầu trời xanh đến mức chóng mặt, mùa hè thì cực nóng, như có cảm giác đang bị mặt trời tát vào mặt, đứng một lúc là có cảm giác hoa mắt, muốn xỉu ngay. Nhưng thật kỳ lạ là khi chơi bóng chày thì lại chẳng sao nữa. Chẳng ai nghĩ tới cái nóng khi đánh bóng chày cả.”
Frank nói liền một mạch về bóng chày cho tôi nghe. Tôi cũng chăm chú nghe không bỏ sót một từ nào. Lúc đó trong đầu tôi cũng hiện lên những kỷ niệm xa xưa. Hồi còn là một cậu học sinh cấp II, tôi cũng có chơi bóng chày. Mặc dù chơi ở đội bóng không xuất sắc lắm nhưng tôi đã không bỏ lỡ một buổi tập hay một trận đấu nào. Giống như Frank nói, vào những ngày hè nóng đến mức chỉ cần đứng thôi cũng muốn xỉu thì chúng tôi vẫn cứ chơi bóng chày như không. Mùa hè, bóng chày, chỉ cần nhắc tới hai từ đó thôi, nếu ai đã từng có kỷ niệm thật sự với nó thì phải liên tưởng ngay tới mùi của cỏ, mùi đất và mùi hôi của chiếc găng tay, thậm chí cả mùi của than lẫn trên mặt đất. Tôi bị cuốn vào dòng hồi tưởng đó và quên đi việc Frank đã nói dối.
“Khi ghi điểm dẫn trước và phòng thủ lúc lấp hết các lũy, dù rất vất vả nhưng chẳng hề có giọt mồ hôi nào, quên cả cái nắng, cái nóng. Thế nhưng, khi đi làm như thế này, chỉ cần nhắm mắt một lúc là nhớ lại được ngay cái nóng khủng khiếp. Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ có cái nóng đến như vậy. Không có cái nóng nào bằng cái nóng bóng chày mùa hè, và không có cái nào bằng hoài niệm về bóng chày mùa hè.”
Tự dưng tôi lại nói một tràng như vậy với tâm trạng rất bồi hồi. Tôi nói rất trôi chảy những câu tiếng Anh có sử dụng động từ chia ở thời hiện tại hoàn thành và phép so sánh.
“Kenji, có phải cậu cũng từng chơi bóng chày đúng không?”
Frank hỏi tôi với giọng điệu chẳng vui cho lắm. “À, tôi đã từng chơi!”
Tôi trả lời Frank với tâm trạng rất vui. Tôi vừa trả lời vừa nghĩ rằng chắc chắn Frank sống trong môi trường gia đình phức tạp mà một người Nhật như tôi không thể hiểu nổi. Trên các tạp chí ra hằng tuần thường có các bài viết nói về việc ở Mỹ khoảng năm mươi phần trăm các đôi vợ chồng ly hôn, một tỷ lệ rất cao. Chúng tôi chỉ đọc thôi chứ không phải là người trong cuộc nên chỉ thốt lên đúng một câu: “Trời! Cao vậy sao?” Từ trước tới giờ tôi đã làm hướng dẫn viên được 92 đêm cho khoảng gần 200 người Mỹ nhưng ít khi có khách nào lúc chia tay, vừa say khướt vừa nói về tuổi thơ của mình. Chỉ có số ít những ông khách không thể tìm thấy cô gái mình ưng hay không có được sự thỏa mãn ở sex mới bắt đầu có ý nói về chuyện đó. Hầu như là không phải ai tới một nơi đất khách quê người chỉ trong 2, 3 ngày đã có thể tìm thấy một cô gái ưng ý, “tâm đầu ý hợp” trong chuyện sex nên thường sau khi đi lang thang quanh Tokyo xong, trong lúc say khướt, mệt mỏi họ mới giãi bày nỗi buồn với tôi.
“Bố tôi cũng mất từ năm tôi học lớp Bảy nên tôi cũng có thể hiểu một phần những tổn thương về tình cảm mà họ đã kể. Có lần, một người đã nói với tôi là bố ông ấy đã bỏ đi và không bao giờ quay về. Và rồi vào mùa Giáng sinh năm ấy, mẹ ông ấy dẫn một người đàn ông lạ hoắc về, nói từ giờ ông ta sẽ là bố của ông ấy. Một thằng bé mới lên sáu như ông ấy chỉ biết chấp nhận chứ biết gì hơn đâu. Ông ấy mất tới hai năm, rồi ba năm để chấp nhận việc đó. Ông bố mới của ông ấy bắt đầu đánh ông ấy. Quê ông ở Bắc Carolina nơi có phong tục là để cỏ dại mọc dài cho đến tận tháng Năm. Và vì người bố dượng là một lái buôn đến từ vùng biển miền Tây nên không hề biết phong tục đó, cứ thế giẫm chân vào chỗ đám cỏ trước cửa nhà ông ấy. Mà vì chính bố đẻ ông ấy đã trồng đám cỏ đó nên ông ấy càng không thể bỏ qua và đã nhắc nhở ông bố dượng nhưng vô ích, càng nói ông ta càng giẫm. Ông ấy văng tục với ông bố dượng và kết quả là bị ăn đấm. Dĩ nhiên là lại mất một khoảng thời gian để ông ấy có thể chấp nhận.”
Một người đàn ông Mỹ đã kể cho tôi câu chuyện này và hình như sử dụng từ “chấp nhận” rất miễn cưỡng. Ông ta không dùng từ “chịu đựng”. Từ “chịu đựng” mang tính “Nhật Bản” mà lại bao trùm nhiều nghĩa. Khi nghe ông ấy kể xong câu chuyện đó, tôi cảm thấy bản năng của sự đơn độc có khác nhau. Tôi nhận ra mình thật may mắn khi là người Nhật. Sự đơn độc cần đến những nỗ lực để có thể chấp nhận thực tế hay hoàn cảnh khác với sự đơn độc vốn chỉ cần nhẫn nhịn là có thể giải quyết hết mọi chuyện. Tôi không đủ tự tin để chịu đựng nỗi đơn độc theo kiểu người Mỹ.
Tôi đoán chắc Frank cũng ở trong trường hợp giống như người Mỹ đã kể cho tôi câu chuyện trên. Có lẽ, có thời gian Frank lớn lên trong một gia đình toàn chị em gái, có thời gian Frank lại ở trong một gia đình toàn là anh em trai.
“Tôi có chơi bóng chày hồi học cấp II. Tôi phòng thủ ở lũy hai. Tôi chơi thân với một anh bạn chuyên đánh bóng. Cả hai đều có đôi vai rất khỏe. Chúng tôi đã chơi rất thân với nhau và thường thành cặp mỗi khi tập đánh bóng. Luôn cùng nhau chia sẻ niềm vui khi thắng, nỗi buồn khi thua.”
Kể xong tôi lại hỏi Frank:
“Thế ông đã chơi ở vị trí nào trong đội bóng?” Đúng lúc ấy, sô diễn trước kết thúc, có tiếng loa thông báo mời khách vào xem sô diễn tiếp theo. Frank đứng dậy và nói với tôi:
“Nào, đến lượt chúng ta rồi, Kenji, đi vào thôi.” Tôi cũng đứng dậy đi về phía cửa vào nhưng trong lòng vẫn mang một dấu hỏi lớn về Frank. Ông ta nói rất say sưa về bóng chày nhưng khi tôi nói rằng tôi cũng có chơi bóng chày thì lại chẳng mảy may quan tâm, hưởng ứng. Thậm chí tôi còn có cảm giác như Frank cố tình lảng tránh không muốn nói về đề tài bóng chày nữa.
Có một người đàn ông dẫn chúng tôi vào một phòng khá riêng biệt. Frank nói là mình rất khỏe về mặt sinh lý vậy mà khi bước vào phòng ông ta chẳng tỏ vẻ gì là háo hức cả. Cũng chẳng thấy như đang hồi hộp chờ đợi một điều gì thú vị. Trông lại có vẻ như đang khó chịu, chán chường. Nơi chúng tôi vào gọi là phòng nhưng chỉ giống như một túp lều rất nhỏ bên trong có một chiếc ghế và một hộp giấy thôi, vậy mà Frank tỏ ra như một người mắc bệnh sợ bị giam giữ.
Tôi lẩm bẩm: “Đúng là một người kỳ quặc.”
Sô diễn bắt đầu luôn. Sân khấu có hình bán nguyệt, thực ra đó là một khoảng trống rộng chỉ bằng 4,5 tatami1 mà thôi. Những túp lều nhỏ được xếp cạnh nhau, ở dưới gắn gương. Từ chỗ các vũ nữ sẽ không nhìn thấy gì ở trong lều. Thế nhưng, nhìn vào ánh đèn hắt ra, họ sẽ biết lều nào đang có khách. Âm nhạc đã cất lên từ thiết bị nghe rất rẻ tiền, cánh cửa ở bên phải sân khấu mở ra, một cô gái mặc bộ váy ngủ dáng người mảnh, thấp bước tới. Bản nhạc đang được bật là của Micheal Jackson.
1 Tatami: Ở Nhật, người ta thường lấy loại chiếu tatami để làm đơn vị đo diện tích.
“Xin hỏi quý khách có muốn phục vụ đặc biệt không ạ?”
Cô gái mở cửa lều và hỏi tôi như vậy. Rồi cô ấy lại nhìn tôi lần nữa, miệng thốt lên ngạc nhiên:
“Ô, ai như Kenji thế này?”
Tôi chợt nhận ra hình như đó là cô gái khoảng nửa năm trước đã làm việc tại quán bar ở khu Roppongi có tên là Asami.
“Asami đấy phải không?” Tôi hỏi.
Cô gái cười và đáp: “Không, là Madoka.”
Tôi bảo với Madoka: “Có ông Tây này muốn được phục vụ đặc biệt đấy.”
Cô gái có tên là Asami ở khu Roppongi, còn ở đây tên là Madoka, khi nghe tôi nói tới từ “ông Tây” là nhíu mày luôn. Điều này có nghĩa là trong ngành công nghiệp sex, người nước ngoài không còn được ưa chuộng.
“Đừng vậy mà! Tôi muốn biết ông ta có thể xuất tinh nhiều hay không ấy mà!”
“Sao cơ? Các anh đang thách đố nhau à?” “Không phải! Đơn giản là tôi muốn biết thôi!
Làm ơn đi! Tôi sẽ khao cô một chầu thịt nướng!”
Madoka gật đầu rồi đóng cửa lều.
Bài báo hôm trước tôi đọc có viết, cô nữ sinh bị cắt rời từng bộ phận đã bị hãm hiếp. Tôi đã nghĩ nếu Frank có hiếp cô gái ấy thì sau khi được phục vụ bằng tay, lượng tinh dịch của ông ta nhất định sẽ không nhiều. Trong đầu tôi vẫn cứ luẩn quẩn ý nghĩ Frank và cô nữ sinh cấp III có liên quan tới nhau. Chắc hẳn nếu là Jun, cô ấy sẽ nói rằng tôi nghĩ hơi quá. Tôi không hẳn là cố quy kết thủ phạm là Frank nhưng kinh nghiệm hai năm làm việc ở khu fuzoku của Tokyo này như mách bảo tôi rằng không được tin một người như Frank. Ai cũng có lúc nói dối. Thế nhưng, kiểu người luôn miệng nói dối, tức là nói dối trở thành chuyện thường ngày sẽ khó ý thức được là mình đang nói dối và thậm chí tới một lúc nào đó còn quên luôn là mình đang nói dối. Tôi cũng biết một số người như vậy và không bao giờ dính dáng đến họ. Trong thế giới này, kiểu người ấy rất nguy hiểm.
Trên sân khấu, cô gái có thân hình mỏng mảnh bắt đầu múa thoát y vũ. Bụng cũng uốn éo nhưng không phải là một vũ công chuyên nghiệp mà là một gái fuzoku1 nên nhìn các động tác chẳng có gì là gợi tình. Trông lố bịch nhưng lại rất đáng thương. Chẳng ai hy vọng sẽ được chiêm ngưỡng những màn thoát y vũ chuyên nghiệp ở những chốn như thế này. Cô gái ghé sát vào khách hàng đang ở trong lều và cởi bỏ dần chiếc áo ngủ, mân mê hai bầu ngực, rồi đưa cả tay vào chiếc quần lót. Cô trang điểm nhẹ nhàng, hơn nữa da cũng trắng nên có thể nhìn thấy cả gân xanh nổi ở mặt và chân. Dưới ánh đèn sân khấu, khi nhìn thấy những cái gân xanh ấy, tôi có cảm giác có gì đó rất cay nghiệt. Đúng lúc đó, Madoka từ trong lều bước ra.
1 Gái fuzoku: Gái điếm.
“Sao? Thế nào?” Tôi cất tiếng hỏi khẽ. Mùi nước hoa nồng nặc trong căn lều nhỏ. Madoka đặt thùng rác làm bằng nhựa đựng khăn lau tay và bao cao su xuống, trên người đang mặc bộ váy ngủ có diềm đăng ten. Trông dáng người như đang chuẩn bị đi tìm một “con chim xanh2 may mắn” nào đó.
2 Con chim xanh: Tên một vở kịch nổi tiếng của nhà thơ người Bỉ, Maeterlinck (1862 – 1949), đã trở thành một điển cố văn học, biểu tượng cho hạnh phúc tình yêu.
“Vị khách ở lều số 5 là một ông Tây à?”
“Tôi cũng chẳng nhớ đó là lều số 5 hay số mấy nữa. Ngoài ông ta, ở đây làm gì còn khách Tây nào nữa thì phải.”
Trong lều, vì bị ngược sáng nên Madoka không nhìn thấy rõ mặt. Cô ấy nói như thể đang gặp rắc rối hay bị vào nhầm cửa.
“Ông ta không muốn được phục vụ đặc biệt ư?” Nghe tôi hỏi xong, Madoka lắc đầu nói là ông ta có yêu cầu phục vụ.
“Thế có điều gì bất thường à?”
“Đúng! Tôi đang làm thì giữa chừng ông ta bảo dừng lại.”
“Thế có nghĩa là chưa cho vào được à?” “Chưa cho vào là sao?”
“Tức là to quá hay sao?”
“Về độ lớn thì tôi nghĩ là bình thường nhưng tôi thấy lạ lắm. Lần đầu tiên tôi bị một người có cái mặt như thế cọ sát. Hơn nữa, cái của quý của ông ta, tôi thấy… nói thế nào nhỉ, cảm giác rất khó chịu.”
“Cảm giác rất khó chịu á?”
“Đúng! Ở từng chỗ tôi lại thấy độ cứng khác nhau.”
“Có phải là silicon không?”
“Nếu là silicon hay ngọc trai thì tôi biết ngay. Không phải đâu. Lúc đầu do tối nên tôi không nhìn rõ mặt, nhưng khi được nửa thời gian do có ánh đèn chiếu vào tôi có thể thấy khuôn mặt ông ta, ông ta cũng đang nhìn tôi. À mà thôi, tôi đi được chưa? Tôi sẽ bị mắng vì tội buôn chuyện với khách mất.”
“À, được rồi. Tôi đã phiền cô nhiều quá.”
Tôi đáp. Rồi Madoka nói “không sao” và đi luôn. Tôi có cảm giác như cô ấy không muốn nói thêm điều gì nữa về Frank. Trên sân khấu, một cô gái trần truồng, quần lót tụt xuống tận mắt cá chân đang uốn éo thủ dâm… Không biết có phải là diễn hay là cũng có một chút cảm giác thật, mà cũng không biết có phải là làm cho người khác khi nhìn thấy sẽ bị kích dục hay không, ngoài người trong cuộc ra sẽ chẳng ai biết được. Tôi không biết, nhưng biểu lộ rõ nhất của việc bị kích thích đó là nét mặt và tiếng nói. Cho dù là con trai thì cũng không có nhiều cách biểu lộ cho lắm. Chắc chắn Madoka từ trước tới giờ đã nhìn thấy hàng trăm, hàng nghìn khuôn mặt với trạng thái như thế. Không biết khuôn mặt của Frank như thế nào khi được phục vụ đặc biệt.
Từ lúc ra khỏi phòng nozoki, Frank không nói một câu nào, tôi cũng chẳng buồn bắt chuyện. Chúng tôi cứ đi mãi, đi xa dần ánh đèn neon và tiếng chào mời khách và khi để ý thì đã đứng trước trung tâm tập đánh bóng chày cách xa khách sạn Tình yêu tự bao giờ. Đã 1 giờ đêm, nhưng tôi vẫn nghe thấy rõ tiếng đánh bóng vọng ra từ trong sân tập đánh bóng chày có lưới sắt bao quanh. Frank dừng bước, nghe tiếng vọng đó một hồi lâu, rồi nhìn về phía lưới sắt với vẻ mặt rất ngạc nhiên. Có vẻ như ở Mỹ không có một trung tâm tập bóng chày hay sân golf có lưới sắt nào bao quanh như thế. Tôi nghĩ kiểu trung tâm này đều có ở khắp nơi trên thế giới. Giống như máy bán đồ uống hoặc thuốc lá tự động phổ biến khắp toàn cầu. Tức là máy bán hàng tự động cũng có nhiều ở các nước ngoài Nhật Bản này. Những người khách hiếu kỳ thường hay hỏi tôi như: “Kenji, tại sao lại cần có nhiều máy bán hàng tự động thế này? Các cửa hàng tiện ích mở cửa suốt 24 giờ nhiều nhan nhản thế đâu cần để các loại máy như thế chứ? Tại sao lại cần nhiều loại lon cà phê, nước ngọt hay nước tăng lực đến vậy? Nhà sản xuất làm ra nhiều loại như vậy thì lấy đâu ra lợi nhuận?”. Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể trả lời nổi những câu hỏi đó. Ban đầu tôi cũng không hiểu tại sao người Mỹ lại có thắc mắc kiểu ấy. Ở đất nước này có rất nhiều điều mà người nước ngoài nhìn vào sẽ thấy rất bất thường. Và tôi cũng không biết giải thích với họ thế nào nữa. Nước Nhật cũng là nước thuộc loại giàu có trên thế giới mà tại sao mọi người lại phải làm việc đến kiệt quệ sức lực? Những cô gái trẻ ở các nước châu Á nghèo khác thì rõ rồi nhưng không hiểu lý do gì mà có nhiều nữ sinh của nước Nhật, một nước giàu có lại đi “bán xuân”? Ở các nước, mọi người thường cố gắng làm việc vì hạnh phúc gia đình, còn ở Nhật tại sao lại không có ai lên tiếng thắc mắc khi mọi người có xu hướng sống và làm việc một mình? Tôi không thể giải thích nổi. Những điều đó không thấy nói trên báo hay tạp chí và cả trên vô tuyến nữa. Không ai giải thích cho tôi biết tại sao ở đất nước này lại tồn tại kiểu làm việc quá sức hay sống và làm việc một mình.
Frank nhìn không chớp mắt về phía sân tập bóng chày. Tôi nghĩ chắc ông ta cũng muốn chơi thì phải. Khi tôi gợi ý rủ chơi thì Frank ngạc nhiên, nhưng lại gật gật cái đầu. Ở tầng một là khu trò chơi, lên tầng hai chúng tôi mới phát hiện ra một khoảng sân rất rộng có đèn pha chiếu sáng trưng. Treo ngay giữa tấm lưới là tấm biển ghi dòng chữ: Ở đây rất nguy hiểm, quý khách nào không chơi bóng thì không nên đứng ở khu vực đánh bóng. Tất cả có bảy lần đánh, tốc độ bóng mỗi lần đánh là khác nhau. Chiếc máy bên trái có thể phát bóng đạt tốc độ tối đa là 135 km/h, máy bên phải chỉ đạt tốc độ tối đa là 80 km/h. Chỉ thấy một khách đang lặng lẽ đánh bóng trong khu vực tập đánh và một cặp trai gái đang say rượu. Chàng trai ở bên trong đang đánh bóng, còn cô gái cổ vũ ở ngoài tấm lưới. Chàng trai vì đang say nên toàn đánh bóng lên trên không. Còn cô gái thì hò hét không ngớt: “Không được thua, không được thua”. Tôi cũng chẳng hiểu cô ta nói là không được thua với cái gì? Nơi cô gái đang đứng có lợp mỗi cái mái, còn xung quanh trống không, giống hệt như sân ga xe lửa ở tỉnh lẻ. Nhân viên bảo vệ đang gác chân lên ghế ngủ trong một căn phòng vừa nhỏ vừa hẹp trông chẳng khác gì trạm thu phí giao thông. Bên cạnh có lò sưởi, lửa vẫn đang cháy trông có vẻ rất ấm áp. Ông ta mặc một chiếc áo phông. Có cả một người vô gia cư đang trú nhờ ngay cạnh tường. Ông ta nửa nằm nửa ngồi trên một tấm bìa giấy các tông vừa uống rượu trong chiếc cốc mì ăn liền vừa đọc báo.
“Ở Mỹ không có những nơi như thế này.” Frank nói.
Tôi cũng đáp: “Ở Nhật cũng có ít thôi”.
Nơi để các máy phát bóng rất tối. Ánh đèn màu xanh lá cây nhấp nháy trên cánh tay đòn của chiếc máy đang hoạt động. Tiếng băng chuyền thu hồi bóng và lò xo nghe lẫn trong bài hát của Yuki Uchida phát ra từ một cái loa cổ lỗ sĩ. Cậu thanh niên đang vã mồ hôi đánh bóng cũng khá chuẩn. Nói là chuẩn nhưng bóng chỉ bay được khoảng 30 mét là cùng. Phía trên cao của tấm lưới có treo một tấm bảng hình elip dán dòng chữ home run1, nhưng vì bị rách nên không nhìn thấy chữ “m” đâu nữa. “Ông có muốn đánh thử không?” Tôi hỏi Frank. “Không! Tôi hơi mệt nên muốn nghỉ một chút.
1 Home run: Thuật ngữ dùng trong môn bóng chày, chỉ cú đánh cho phép người đánh chạy quanh ghi điểm mà không phải dừng lại.
Cậu muốn đánh thì cứ đánh đi, tôi ở đây xem cậu đánh cũng được.”
Nói xong, Frank kéo chiếc ghế ở trước phòng của nhân viên bảo vệ lại gần để ngồi. Lúc Frank lấy chiếc ghế, người vô gia cư quay sang nhìn Frank. Frank có hỏi bằng tiếng Anh rằng chiếc ghế này có ai dùng không nhưng ông ta không trả lời mà nuốt ực một ngụm rượu trắng không biết là Vodka hay Sochu. Tay phải ông ta vẫn cầm cốc rượu. Mùi bốc đến tận chỗ tôi. Đó là mùi đặc trưng của một người Nhật vô gia cư.
“Ông ta lúc nào cũng sống ở đây à?” Frank vừa ngồi vừa hỏi.
“Không hẳn là sống.”
Tôi vừa trả lời vừa nghĩ: “Trời lạnh thế này, mình cũng muốn đánh một chút nhưng khó mà nói với Frank về việc trả tiền mua vé vào cửa”. Tiền vé cho một lần chơi là 300 yên, tôi có thể trả được nhưng không thích phát bóng một mình. Tôi không thích đi lòng vòng, bởi vậy khi thấy Frank nói có các anh trai
đã từng chơi bóng chày thì đã có ý dẫn Frank tới đây. Đây là công việc, việc nào ra việc nấy. Lúc chụp ảnh, tôi cũng đã phải trả 300 yên. Số tiền đó không phải là nhiều nhưng tôi đã nói ngay từ đầu, nếu có phát sinh gì ngoài việc đi hướng dẫn ra thì khách vẫn phải chi tiền hết, vậy mà ông Frank này lại đưa tôi vào tình huống thật khó xử. Có lẽ cũng do mệt mỏi mà tôi cũng không thể nói với Frank rằng: “Ông đưa cho tôi mấy đồng xu”. Thực sự tôi bắt đầu hơi mệt.
“Ông ta là người vô gia cư.” “À! Vậy hả?”
Ở nơi gió lùa rét như thế này tôi chẳng có hứng thú nói chuyện nữa. Sau lưng chúng tôi có bãi đỗ xe của nhà cao tầng. Có thể nhìn thấy đèn neon của khách sạn Tình yêu cao hơn tấm lưới của sân tập bóng chày. Vì quá lạnh nên mũi của Frank đỏ lựng. Ông ta ngồi dựa lưng vào ghế và người cứng đơ không hề nhúc nhích, mắt thì vẫn đang nhìn người vô gia cư kia nốc rượu.
“Sao không ai đuổi người này đi nhỉ?” “Rắc rối lắm!”
“Có nhiều người vô gia cư ở nhà ga và công viên nhỉ! Tôi không biết là ở Nhật lại có nhiều người vô gia cư đến vậy. Ở Nhật có hội thanh niên choai choai nào tấn công họ không vậy?”
Tôi vừa trả lời là có, vừa nghĩ ông này có lẽ không hề thấy lạnh.
“Có ư? Kenji, cậu nghĩ sao về hội đó?”
“Tôi không dám dây! Tụi đó bẩn và cũng không bao giờ có ý định kết thân với ai cả!”
“Mùi à? Mùi chính là yếu tố để có thể yêu hay ghét một con người. Ở New York, có bọn đầu gấu chuyên tấn công những người vô gia cư. Những người vô gia cư này không có tiền hay của cải gì đáng giá nên chúng thường đánh họ như một thú vui. Nhất là đối với những người già, chúng bẻ từng chiếc từng chiếc răng một, hay thậm chí còn bạo hành tình dục.”
Tôi tự hỏi tại sao Frank lại nói những điều như thế ở nơi này và đúng giờ này?
Cô gái vẫn hò hét không ngớt rồi ôm lấy cậu thanh niên cũng đang lảo đảo khi đánh bóng xong. Cả hai cùng ra cổng đi về. Còn người khách kia vẫn cần mẫn tập đánh bóng. Ở đây lạnh đến mức hai chân cóng lại như khi nửa thân dưới không mặc gì. Hầu như cửa sổ nào của khách sạn Tình yêu cũng sáng đèn. Khi nhìn thấy ánh đèn mờ mờ đó tôi lại nhớ tới những điều mà Madoka đã nói ở phòng nozoki là mình chưa bao giờ thấy một người khi cọ xát dương vật lại có khuôn mặt như thế. Tôi quên không hỏi cô ấy là Frank đã xuất tinh chưa. Không biết khuôn mặt của Frank lúc đó như thế nào nữa.
“Chuyện kiểu này chán nhỉ?”
Tôi lắc đầu.
“Tại sao lại chán? Tại sao khi nghe việc hội thanh niên thường gây gổ với những gã có mùi hôi bốc lên khủng khiếp lại thấy chán? Tại sao những hình ảnh như thế lại làm cho người ta khó chịu? Tại sao một đứa trẻ sơ sinh khi nhìn thấy sữa là lập tức nhoẻn cười một cách vô thức? Tại sao mọi người lại có phản ứng giống nhau với mùi hôi đó nhỉ? Tức là tại sao không ai lại vô thức muốn thơm vào má của những người vô gia cư hay không có ai lại vô thức giết một đứa trẻ sơ sinh? Nhưng Kenji à, tôi vẫn cứ có cảm giác có người kiểu như thế đang ở một nơi nào đó.”
Tôi thấy khó chịu khi nghe Frank nói. “Tôi đi đánh bóng đây.” Nói xong tôi đi về phía trong khu đánh bóng có quây tấm lưới.
Tôi đã vào hẳn bên trong. Mặt sàn hơi nghiêng nghiêng để những quả bóng bị đánh hỏng lăn xuống dưới. Mặt sàn bê tông được sơn màu trắng, lại còn bị ánh sáng đèn pha chiếu nên nhìn trông càng trắng xóa. Ánh đèn neon và ánh đèn từ cửa sổ của khách sạn Tình yêu chiếu hắt vào tấm luới. Cảnh tượng này dễ gây cho người ta cảm giác lạnh lẽo. Vừa nghĩ vậy, tôi bèn giơ tay giơ chân khởi động qua qua, rồi chọn một chiếc gậy nhẹ nhất trong ba chiếc gậy được đặt sẵn. Tôi nhét ba đồng xu vào máy, ngay lập tức bảng chữ có đèn màu xanh lá cây hiện lên dòng chữ: tốc độ bóng là 100km/h. Tôi có thể nghe thấy tiếng máy khe khẽ khởi động. Sau đó, một quả bóng được tung bật ra bay trên không. Bóng bay rất nhanh, tới 100km/h, mà tôi cũng chưa kịp chuẩn bị vung gậy đúng tư thế nên bóng bị bay bật lại trên không.
Frank nhìn chằm chằm vào tôi khi tôi không đánh trúng bóng. Ông ta đứng dậy và đi về phía tôi.
Ông ta nói: “Này Kenji! Cậu sao lại đánh tồi đến thế nhỉ?”
Không hiểu sao tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi không muốn bị một người như Frank nói như thế.
“Kenji, cậu nhìn ông kia kìa!”
Frank chỉ sang người khách đang đánh bóng ở bên cạnh.
“Người đó đánh siêu thật! Quả nào cũng đánh vừa mạnh vừa nhanh.”
Đúng là ông ta đều đánh trúng hầu hết các quả bóng lao tới với tốc độ 120km/h. Tốc độ vung gậy cũng không phải là thường. Tôi đoán chắc ông ta là một cầu thủ chuyên nghiệp chơi để kiếm tiền ở các đội bóng chày buổi sáng. Tôi cũng có nghe nói cũng có các cầu thủ như thế sống ở quanh khu này. Họ thường là những người đã học hết cấp III hoặc làm ăn thua lỗ, lao vào gái gú, cờ bạc, nghiện hút không biết cách kiếm sống nào khác nên đành đi làm những việc như phụ giúp trong các trận bóng chày nghiệp dư. Một cú home run được 2.000 yên, một quả đánh trúng được 500 yên. Một khoản khá hời nên họ rất cố gắng tập luyện.
“Tôi đã quan sát rất kỹ từ nãy tới giờ. Kenji ạ! Cậu vẫn chưa đánh trúng một quả nào cả. Mà bóng ở đây bay chậm hơn so với ở bên kia cơ đấy.”
“Tôi biết rồi.” Tôi hơi cao giọng một chút rồi lấy hết sức đánh quả bóng đang lao tới liền sau đó. Frank lại lắc đầu:
“Lạy Chúa tôi! Gì thế kia! Quả bóng đi chậm thế mà…”
Tôi tức lộn ruột, nhưng vẫn giơ gậy tập trung đánh quả khác. Vậy mà Frank vẫn luôn miệng lải nhải điều gì đó đại loại như là: Đánh thế thì ma cũng chê, quỷ cũng phải hờn.
“Ông có thể không nói nữa được không? Nếu không tôi không thể tập trung đánh nổi!”
Tôi hét tướng lên như vậy. Frank vẫn lại tiếp tục thở dài và lắc đầu.
“Kenji! Cậu có biết Jack Nickclaus không? Khi đánh quả bóng quyết định ông ta đã tập trung đến mức dù có cơn gió mạnh thổi qua bay cả mũ cũng không mảy may bị phân tán tư tưởng. Đấy mới là sự tập trung cao độ!”
“Tôi xin ông đấy! Ông đừng nói nữa được không? Tôi sẽ ghi được điểm cho xem!” Frank lạnh lùng lắc đầu và nói: “Hừm! Cá cược hử?”
Tôi thấy khó chịu với kiểu nói đó. Tôi nghĩ chắc là Frank rất hay cá cược. “Hừm! Cá cược hử?” Chắc chắn Frank đã tính toán rất kỹ trước khi đưa ra câu “mồi chài” đó. Quả là một con người xảo quyệt. Tôi chợt có ý nghĩ thoáng qua trong đầu như thế khi nhìn khuôn mặt vô cảm của Frank. Nhưng tất cả đã muộn vì tôi đã lỡ nói:
“Được. Cá thì cá!”
Tất cả những kinh nghiệm từ trước tới nay của một chàng thanh niên mới vào đời đều bị tiêu tan hết.
“Kenji! Thế này nhé! Tất cả sẽ có 20 cú đánh. Chỉ cần cậu đánh trúng một lần vào bảng home run là cậu thắng rồi. Tôi sẽ trả gấp đôi tiền công hôm nay cho cậu. Còn nếu cậu không đánh trúng phát nào thì tôi sẽ thắng và tiền công hôm nay tôi sẽ không phải trả cho cậu. Nghe ổn chứ?”
Frank vừa nói vừa tỏ ý như kiểu cá cược đó là rất hợp lý.
“Frank này! Tôi thấy bất công quá!”
“Tại sao?”
“Nếu ông thắng thì tiền thù lao của tôi sẽ là zero, công sức của tôi bỏ ra hôm nay sẽ là zero. Còn nếu tôi thắng thì ông chỉ phải trả gấp đôi tiền thôi! Thế không công bằng chút nào!”
“Vậy làm thế nào đây?”
“Nếu ông thắng thì ông chỉ trả một nửa, nếu tôi thắng tôi sẽ được gấp đôi tiền thù lao. Như thế nghe xuôi tai hơn!”
“Vậy có nghĩa là nếu cậu thắng, tôi sẽ phải trả 20.000 yên cho hai tiếng, cộng thêm 20.000 yên cho hai tiếng làm thêm, tổng là 40.000 yên, nhân đôi số đó là 80.000 yên á?”
Tôi vừa gật đầu vừa bất ngờ trước phần tính toán cộng trừ tiền nong đó của Frank. Về điểm này thì Frank đúng là một người Mỹ không lẫn đi đâu được. Người Mỹ không bao giờ quên phần thỏa thuận đã được thống nhất ngay từ đầu. Dù họ có say đến mấy hay đang mê mẩn ngắm nghía, sờ soạng các cô gái khỏa thân thì họ cũng vẫn có trí nhớ cực kỳ chuẩn.
“Thế cũng không công bằng! Nếu cậu thắng, cậu sẽ được 40.000 yên, còn nếu tôi thắng thì tôi vẫn chỉ được 20.000 yên.”
Frank vừa nói vừa nhìn tôi chằm chằm. Rồi lại nói tiếp:
“Cậu chặt chẽ thật đấy!”
Tôi không biết có phải là Frank đã nổi cáu hay không. Và tôi lại nói luôn:
“Tôi hiểu rồi! Cứ theo cách của ông vậy!” Nghe tôi nói vậy, Frank nhoẻn cười.
“Kenji, tôi sẽ trả tiền cho phần chơi này. Vừa nói Frank vừa lấy ra ba đồng xu 100 yên từ trong túi áo jacket bằng đầu ngón tay để móng trông rất khó ưa. Tôi vừa cầm mấy đồng xu vừa thắc mắc tại sao Frank có mang theo tiền lẻ mà lại không lấy ra lúc chụp ảnh ban nãy.
“Nhét 300 yên thì đánh được mấy quả?” “30 quả.”
“Vậy thì 10 quả đầu coi như là thử. Bắt đầu tính từ quả thứ 11 nhé?”
Tôi đoán chắc chắn là Frank đã tính toán rất kỹ. Tôi hiểu ra Frank là một người rất thâm. Có lẽ, ông ta đã quan sát rất kỹ người đàn ông chơi bóng chày bán chuyên nghiệp đang tập đánh bóng bên cạnh từ nãy tới giờ, dù động tác có rất chuẩn nhưng vẫn chưa có quả nào trúng bảng home run.
Hồi tôi mới từ quê Shizuoka lên Tokyo, trong bốn tháng đầu, tôi vừa đi chở hàng vừa đi học ở trường dự bị, vào những hôm đẹp trời, tôi thường vào đánh bóng ở trung tâm tập bóng chày nằm trên phố Tamagawa cách nhà tôi hai ga. Ở đó cũng có bảng home run và nếu ai đánh trúng sẽ được nhận những món quà nhỏ. Lúc thì là con gấu bông, lúc là vé uống bia miễn phí. Một ngày tôi đánh hơn 100 quả nhưng chưa lần nào đánh trúng vạch đó. Chỉ duy nhất một lần tôi thấy có người đã đánh trúng. Từ chỗ đánh bóng cho đến lưới là 20 mét, tấm bảng hình elíp ghi chữ home run to bằng một tatami được treo trên độ cao khoảng 15 mét. Đến dân chuyên nghiệp cũng khó mà đánh trúng. Thỉnh thoảng, có các bà già may mắn đánh lung tung thế nào tình cờ bóng lại bay trúng bảng home run và được nhận một con gấu bông.
Tiếng máy bắt đầu rít lên, và 10 quả bóng đánh thử cũng đã hết. Tôi đã từng chọn cách dồn hết sức vào vai để đánh. “Dồn hết sức vào vai như thế thì không bao giờ đánh trúng bóng đâu.” Bố tôi đã dạy tôi như thế khi tôi mới bắt đầu tập bóng chày. Lúc ấy tôi chỉ khoảng bảy, tám tuổi. Bố tôi làm nghề thiết kế máy dành cho nghề mộc. Ông cũng thường đi công tác, chủ yếu ở Đông Nam Á. Ông không cường tráng, nhưng ông rất thích xem và chơi thể thao. “Hãy nhìn theo quả bóng!” Bố tôi đã nói thế khi mua cho tôi chiếc găng tay để tập bắt bóng. Quả đánh thử đầu tiên tôi đánh rất dứt khoát. Quả bóng đập thẳng vào tấm lưới. Tôi nghe thấy Frank ồ lên một tiếng. Quả bóng ở ngay dưới tấm bảng home run đúng 2 mét. Đến quả đánh thử lần hai tôi cũng đã đánh rất tốt nhưng bóng lại bay thấp hơn, đập trúng vào tấm lưới của máy ném bóng. Tôi cứ nhẩm lại câu: “Hãy nhìn theo quả bóng!”. Và những hình ảnh về bố lại hiện rõ trong tôi. Tôi không có nhiều kỷ niệm vui chơi với bố. Vì bố tôi chẳng mấy khi ở nhà. Ông hay phải sang Malaysia để làm cầu đường. Thế mà đến tận bây giờ tôi vẫn nằm mơ thấy bố cùng tôi tập bắt bóng.
Sang lần thử thứ ba, bóng cũng vẫn ở dưới. Dù có trúng vạch chỉ lũy 3 nhưng vẫn không phải là home run. Quả thứ tư và thứ năm thì đi sát đất. Đến quả thứ mười tôi tập trung vào việc nhìn thật kỹ quả bóng đang bay tới, trong đầu không còn nghĩ gì tới Frank nữa mà chỉ ngập tràn ký ức về bố. Trước khi mất vì căn bệnh liên quan đến dạ dày, ông đã nói rằng ông là một người bố vô trách nhiệm, có hai việc mà ông vẫn chưa kịp làm. Một là chưa kịp nhìn cây cầu lúc hoàn thành và chưa kịp dạy cho Kenji tập bơi. Hình như là từ lúc tôi ra đời, trong thâm tâm bố tôi đã rất muốn dành nhiều thời gian để chơi, để tập bắt bóng hay bơi lội cùng với đứa con trai của mình nhưng vì quá bận bịu ông đã không làm được điều đó. Tôi nghĩ, tôi mê nước Mỹ cũng là do ảnh hưởng của bố. Thỉnh thoảng bố tôi có về nhà nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn rồi lại đi. Mỗi lần chuẩn bị sang Malaysia là mặt ông lại rất tươi vui. Mẹ tôi nói bóng nói gió là bởi ông có người phụ nữ khác ở đó. Tôi thì nghĩ rằng không chỉ vậy mà ông có một niềm đam mê công việc rất lớn ở Malaysia. Tất nhiên là tôi rất buồn nhưng lại rất thích hình ảnh ông xách chiếc va li rồi nói với tôi: “Chào con nhé!”. Và tôi cũng muốn có một ngày tôi cũng sẽ nói giống như thế rồi đi tới một nơi nào đó.
Đến lần đánh thử quả thứ 14, tôi đã gồng hết sức để có tư thế vung tay cao nhất. Bóng bật cao, bay rất mạnh. Tôi nghe rõ tiếng Frank thốt lên: “No!” Tôi cũng đã hét: “Cố lên!” nhưng bóng vẫn chỉ đập vào chỗ dưới bảng home run đúng 1 mét. Đó là cú đánh tốt nhất của tôi từ trước tới giờ. Nếu không đánh trúng thì công sức cả tối nay sẽ đi tong. Nghĩ vậy nên tôi nóng vội giơ cao tay đánh mà không ngắm kỹ. Và kết quả, bóng vẫn lăn lông lốc dưới mặt đất. Đến quả thứ 17, nghe thấy tiếng cười khả ố của Frank khiến tôi càng thêm nóng mặt và trong ba lần đánh sau, bóng chỉ bay về phía trước chứ chẳng chạm tới lưới.
“Chán ghê! Thật là đáng tiếc! Chờ mãi mà không thấy trúng quả nào!”
Frank vừa tỏ vẻ nuối tiếc vừa nói. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó. Không thể để gã này bóc lột công sức người khác một cách dễ dàng như vậy. Tôi ra khỏi sân tập, vừa cởi chiếc áo khoác vừa đưa gậy cho Frank và nói:
“Đến lượt ông đấy, Frank!”
Frank không hề có ý muốn đón lấy chiếc gậy.
“Thế này tức là sao?” Frank giả bộ hỏi.
“Đến lượt ông đánh đó! Điều kiện vẫn vậy!” “Khoan đã! Tôi đâu có nói là sẽ đánh?”
“Ông đã từng đánh bóng rồi đúng không? Tôi đã đánh rồi, bây giờ ông cũng phải đánh chứ!”
“Tôi đã nói từ nãy rồi, tôi đang mệt nên không giơ gậy lên nổi.”
“Ông là kẻ nói dối!”
Nghe tôi nói vậy Frank thay đổi hẳn sắc mặt. Cũng giống như lúc bị mấy thanh niên da đen chào khách phớt lờ hay lúc bị hỏi là có đúng là người New York hay không khi ở quán bar; trên da mặt của Frank cứ nổi các mao mạch màu xanh, đỏ, mắt thì cũng không thấy sáng nữa. Đuôi mắt, sống mũi, và khóe môi cứ giật giật. Lần đầu tiên tôi nhìn mặt Frank ở cự ly gần đến vậy. Trông vừa như đang nổi cáu lại vừa như đang hoảng sợ.
“Cậu vừa nói gì cơ?”
Frank nhìn tôi hỏi với ánh mắt tối sầm.
“Tôi không hiểu cậu vừa nói gì. Cậu nói tôi đã nói dối á? Sao cậu lại nói thế? Tôi đã nói dối cậu khi nào?”
Tôi cúi mặt. Tôi không muốn nhìn mặt Frank nữa. Hình như Frank đang tỏ vẻ rất buồn thì phải. Tôi nghĩ, nếu nhìn thì tôi sẽ lại thấy khuôn mặt đó thật đáng thương.
“Khi ngồi chờ ở ngoài phòng nozoki, ông nói với tôi là đã chơi bóng chày lúc còn nhỏ. Cả các anh trai của ông nữa, họ không có trò khác để chơi nên chỉ toàn chơi bóng chày còn gì!”
“Thì đúng là tôi đã nói vậy thì phải. Nhưng tại sao cậu đã quy cho tôi tội nói dối?”
“Đối với một người mà đã trải qua một tuổi thơ như thế thì sẽ phải coi bóng chày như một cái gì đó rất thiêng liêng chứ? Không phải vậy sao?”
“Tôi vẫn chưa rõ lắm!”
“Tức là không có gì quý giá hơn điều thiêng liêng ấy.”
“Kenji à! Tôi bắt đầu hiểu ý cậu muốn nói rồi. Nếu những điều tôi đã nói trong lúc chờ ở phòng nozoki ban nãy là đúng thì bây giờ tôi phải đánh bóng chứ gì? Được rồi!” Nói xong, Frank cầm lấy chiếc gậy.
“Thế vẫn cá cược hử!”
Frank vừa vào sân vừa hỏi tôi như vậy. Người đàn ông tập đánh ở bên cạnh đã ra về. Quanh khu vực này, ngoài nhân viên bảo vệ và gã vô gia cư ra chỉ còn tôi và Frank.
“Ông chỉ cần đánh trúng home run một lần thì tiền công tối mai ông cũng không phải trả cho tôi. Còn nếu không đánh trúng thì tôi vẫn được nhận tiền công tối nay.”
Frank gật đầu, nhưng trước khi cho tiền vào máy lại gọi tôi rồi bảo:
“Thực ra, chính tôi cũng không hiểu tại sao lại thành ra thế này!”
Ban đầu tôi vẫn chưa hiểu ý của Frank.
“Không phải là vì tôi thấy cậu có vẻ khó chịu mà cầm gậy đâu. Mà tôi muốn cùng cậu chinh phục vạch home run mà thôi. Nói thế cậu có hiểu cho tôi không nhỉ?”
“Tôi hiểu.” Tôi đáp.
“Ờ... Nói thế nào nhỉ? Về chuyện ban nãy ấy mà, tôi đã làm cậu phải nổi cáu, rồi khiến cậu phải tham gia trò cá cược để khỏi phải trả tiền công cho cậu… Tôi không phải là kiểu người như thế. Chỉ là chơi thôi mà. Tôi muốn nhớ lại cảm xúc lúc còn nhỏ thôi mà. Tôi có rất nhiều tiền. Ờ… trông tôi có vẻ không giống một người giàu có cho lắm nhưng không có nghĩa là tôi không có tiền. Cậu có muốn xem bên trong ví của tôi không?”
Tôi chưa kịp trả lời thì Frank đã lấy chiếc ví từ trong túi áo jacket. Chiếc ví đó khác với chiếc ví lúc Frank lấy để trả tiền ở quán bar. Đó là chiếc ví da màu đen đã khá cũ sờn nhưng bên trong có đựng một tập tiền loại 10.000 yên dày khoảng 1 milimet và một tập tiền loại 100 đô dày khoảng 3 milimet. Frank vừa nhe răng cười vừa nói:
“Ê! Đây này!”
“Có gì mà ê ê chứ?” Tôi nghĩ. Cái ví Frank lấy ra khi ở quán bar là chiếc ví giả da. Hơn nữa, những người giàu có thực sự không bao giờ mang nhiều tiền mặt đến vậy. Mà trong chiếc ví da đen tôi không hề nhìn thấy một tấm thẻ tín dụng nào.
“Tôi có cả thảy là 4.000 đô và 280.000 yên. Rõ ràng là tôi rất giàu. Cậu có hiểu không?”
“Tôi hiểu rồi.”
Nghe tôi đáp vậy, Frank phấn khởi ra mặt. Nhưng da mặt của Frank lại méo mó một cách lạ thường. Tôi sợ đến rợn tóc gáy.
“Nào! Tôi bắt đầu đánh đây!”
Frank bỏ 300 yên tiền xu vào máy, rồi sau đó không đứng trên tấm đệm nhân tạo mà đứng ở chính giữa lũy hình ngũ giác ở trên sàn bê tông. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao ông ta lại chọn vị trí đó để đứng. Không biết chừng, khi đứng ở trên đó lại đánh trúng quả bóng đang lao tới mất. Chiếc đèn màu xanh đã sáng, và chiếc máy bắt đầu khởi động. Ở trong, Frank đứng ở trên lũy với tư thế cúi người đến nỗi như đang ngồi xổm vậy. Tay cầm gậy giơ ra ngay trước mặt. Nhưng lại hơi ngược, tức là tay phải lại ở phía dưới. Tôi nghĩ chắc là Frank muốn nghịch một chút chăng? Hay đó là cách riêng của Frank, giống như đang thực hiện một nghi lễ trước khi đánh bóng. Có tiếng như tiếng lò xo bật ra rồi đột nhiên lại như có gì đó bị ép vào, sau đó quả bóng bay thẳng ra. Thế nhưng Frank vẫn không hề nhúc nhích. Quả bóng đi với tốc độ 100km/h bay sượt qua tai Frank. Chỉ sau khi bóng ở sau lưng, Frank phát ra thứ âm thanh không rõ là gì rồi mới gồng hết sức vung chiếc gậy trông như đang đánh xuống mặt đất chứ không phải là đánh bóng. Vì cầm ngược nên chiếc gậy bằng sắt bị bật ra khỏi tay của Frank, rơi xuống nền xi măng tạo ra âm thanh nghe như tiếng chuông đồng đang kêu. Quả bóng tiếp theo lại đang bay tới. Frank vẫn ở trên phía lũy và vẫn giữ tư thế như trước. Tôi không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Một người Mỹ trung niên không có gậy trên tay đang ở tư thế như ngồi xổm, đứng ở ngay trên khu vực đánh bóng. Nơi đánh bóng như đã trở thành một nơi hoàn toàn khác. Tư thế của Frank cũng không phải là tư thế của người đánh bóng chày, mà cũng chẳng phải tư thế của người chơi một môn thể thao nào đó. Hơn nửa người của Frank chúi về phía trước, còn mặt thì hướng xuống phía dưới, cánh tay thì vẫn thế, hệt như khi chiếc gậy bay đi. Cả hai tay giơ cao đẩy mạnh về phía trước, hơi chếch sang bên trái. Trông ông ta cứng đơ như một tảng băng. Tôi vừa gọi: “Này Frank!”, thì quả bóng đã bay sượt qua người Frank. Frank vẫn không hề nhúc nhích. Ông ta vẫn nhìn chằm chằm sàn bê tông trắng xóa với ánh đèn pha rọi vào. Gió vẫn đang thổi mạnh qua tấm lưới, có một vật như miếng vải rách đang bay phần phật trên cao. Bài hát đang phát ra từ chiếc loa bây giờ lại là một bài hát dân ca. Frank nhìn không hề chớp mắt. Trông như thể một cái xác không hồn. Và tôi chợt có cảm giác như không còn ở thế giới thực tại nữa mà đang lạc trong một cơn ác mộng. Những quả bóng vẫn cứ đều đặn bay ra rồi sượt qua người Frank. Bỗng chốc quả bóng, vật vô tri vô giác ấy trở nên lạc lõng như đang ở một thế giới hoàn toàn khác. Quả bóng thứ sáu sượt qua hông của Frank nhưng ông ta vẫn không có động tĩnh gì, chỉ chăm chăm nhìn vào hai tay đang giơ trước mặt. Trông giống như một tên tội phạm đang ăn năn, hối lỗi cúi mặt nhận án phạt. Tôi có cảm giác như mình đang cưỡng ép Frank nên đã đi hẳn vào bên trong sân để chấm dứt tình trạng này. Tôi vỗ vào vai Frank, chỉ kịp nói “nguy hiểm lắm” thì nhận thấy người Frank lạnh cứng như sắt vậy. Tôi vừa nhắc Frank một lần nữa vừa lay người Frank. Frank đang nhìn vào tay, chuyển sang nhìn tôi rồi gật đầu. Mặt thì hướng về phía tôi nhưng ánh mắt vẫn hướng ra chỗ khác.
Mắt Frank vẫn u tối. Khi bước ra khỏi sân tập, Frank vấp phải quả bóng rồi trượt ngã. Tôi cứ luôn miệng xin lỗi Frank. Tôi rơi vào tâm trạng của một kẻ đã trót phạm phải điều gì đó không thể cứu vãn được.
“Thôi được rồi Kenji! Tôi không sao mà!”
Sau khi tôi đỡ Frank ngồi vào ghế, Frank bắt đầu như hoàn hồn rồi nói với tôi như vậy.
“Chúng ta đi uống cà phê nhé?”
Nghe tôi hỏi vậy, Frank gật đầu rồi lại cười nói: “Ở đây lâu quá rồi!”
Trong lúc đó, mấy người vô gia cư vẫn không hề rời mắt khỏi chúng tôi.