Trong quá trình làm việc với các CEO và đội nhóm của họ, tôi đã nhận ra hai chân lý quan trọng. Thứ nhất, đối với đa số các tổ chức, tinh thần làm việc tập thể vẫn còn mơ hồ như nó vẫn vậy từ trước đến giờ. Thứ hai, các tổ chức không có tinh thần đồng đội bởi vì họ đã vô tình vấp phải năm lỗi thường gặp nhưng nguy hiểm, mà tôi gọi là năm điểm chết trong quá trình làm việc nhóm.
Những điểm chết này có thể bị hiểu nhầm là năm vấn đề có thể được giải quyết riêng biệt. Nhưng trong thực tế, năm điểm chết này tạo thành một mô hình gắn kết với nhau, khiến cho ngay cả một điểm chết còn tồn tại thì cũng có thể ảnh hưởng đến sự thành công của cả đội. Tôi sẽ khái quát ngắn gọn về các điểm chết và về mô hình mà chúng tạo thành, để giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn.
1. Điểm chết thứ nhất là việc thiếu sự tin tưởng giữa các thành viên trong nhóm. Về cơ bản, điểm chết này xuất phát từ việc các thành viên trong nhóm không muốn bị công kích. Họ không thật sự thoải mái chia sẻ với nhau về những sai phạm hay điểm yếu của mình, điều này khiến họ không thể xây dựng nền tảng để tin tưởng lẫn nhau.
2. Việc không thể xây dựng sự tin cậy là rất có hại vì nó dẫn đến điểm chết thứ hai: sợ xung đột. Các nhóm mà các thành viên thiếu sự tin tưởng ở nhau sẽ không thể có những cuộc tranh luận cởi mở và nhiệt tình. Thay vào đó, các thành viên thường có những cuộc thảo luận giả tạo và thường dè dặt trong việc phát biểu ý kiến.
3. Việc thiếu những xung đột lành mạnh là một vấn đề bởi vì nó dẫn đến điểm chết thứ ba của một đội nhóm: thiếu cam kết. Khi không thể phát biểu ý kiến một cách cởi mở và nhiệt tình, các thành viên trong nhóm hiếm khi, hoặc không bao giờ cảm thấy gắn bó và tận tâm thực hiện các quyết định, mặc dù họ có thể tỏ ra đồng ý trong suốt các cuộc họp.
4. Do thiếu sự cam kết thật sự, các thành viên trong đội nhóm có khuynh hướng né tránh trách nhiệm, cũng chính là điểm chết thứ tư. Khi thiếu cam kết đối với một kế hoạch hành động cụ thể, ngay cả những người chú tâm và nhiệt huyết nhất cũng thường dè dặt trong việc nhắc nhở các đồng nghiệp của mình khi họ có những hành động và cử chỉ có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhóm.
5. Việc không thể ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm sẽ tạo điều kiện cho điểm chết thứ năm xuất hiện. Sự không chú tâm vào kết quả xảy ra khi các thành viên trong đội đặt nhu cầu cá nhân (cái tôi, sự phát triển sự nghiệp hay sự công nhận cho bản thân) hoặc thậm chí là nhu cầu của phòng ban mình lên trên mục tiêu chung của tập thể.
Vì vậy, giống như một chuỗi mắt xích mà trong đó có một mắt xích không hoạt động, quá trình làm việc nhóm sẽ xấu đi nếu ta để dù chỉ một điểm chết xuất hiện.
Một cách khác để hiểu mô hình này là tiếp cận theo hướng ngược lại – hướng tích cực – và hình dung các thành viên trong một đội ngũ thật sự gắn bó cũng như hiệu quả sẽ có biểu hiện như thế nào.
Điều này nghe có vẻ đơn giản, bởi vì nó đơn giản thật, ít ra là về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này đặc biệt khó vì nó đòi hỏi mức độ kỷ luật và kiên trì mà ít đội nhóm nào đạt được.
Trước khi đi sâu vào từng điểm chết trong mô hình này và tìm hiểu các biện pháp để khắc phục, có lẽ sẽ có ích nếu bạn đánh giá lại đội nhóm của mình và xác định đâu là cơ hội để cải thiện ngay chính trong tổ chức của bạn.