Cách đây 60 năm, tuổi vị thành niên gần như không tồn tại với tư cách là một lớp người riêng biệt như ngày nay. Cụm từ "vị thành niên" chỉ trở nên thông dụng vào khoảng Thế chiến thứ II. (Xem phần phụ lục để biết thêm về lịch sử của cụm từ này). Tuy nhiên, dù chỉ về cùng một lứa tuổi, nhưng khái niệm "vị thành niên" đã có nhiều thay đổi kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trong nhận thức xã hội vào những năm 40 của thế kỷ trước.
Một vấn đề luôn được nhiều người quan tâm là nhu cầu độc lập và ý muốn khẳng định bản thân của trẻ em ở độ tuổi này. Càng ngày, trẻ vị thành niên càng năng động trong việc khẳng định bản thân cũng như trở nên độc lập hơn trong mối quan hệ với cha mẹ. Đây là một trong những khác biệt cơ bản giữa các thế hệ trẻ vị thành niên.
Trước thời đại công nghiệp, trẻ vị thành niên thường làm việc trong nông trại của cha mẹ cho đến khi kết hôn và được cho, hoặc thừa kế, một mảnh đất của riêng mình. Tính cách bản thân không phải là điều mà trẻ vị thành niên lúc bấy giờ tìm kiếm; họ trở thành người nông dân khi đủ lớn để làm việc đồng áng. Và họ vẫn là trẻ con cho đến khi đủ tuổi kết hôn.
Cuộc tìm kiếm sự độc lập và định hình tính cách
Với sự xuất hiện của công nghiệp hóa, tính cách đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với một người. Một thiếu niên có thể sớm học nghề để trở thành thợ máy, thợ dệt… và làm việc trong các nhà máy. Với số tiền kiếm được, họ có thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình, chuyển ra ở riêng và khẳng định được sự độc lập của bản thân.
Như vậy, những thay đổi của nền văn hóa lớn đã trở thành nền tảng cho văn hóa tuổi vị thành niên nảy sinh và phát triển.
Từ thập niên 40 của thế kỷ 20, các bạn trẻ vị thành niên đã đi theo mô hình phát triển độc lập và định hình tính cách riêng. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật với sự ra đời của máy bay, điện thoại, máy vi tính, truyền hình cáp… đã mở rộng khả năng tìm kiếm sự độc lập, phát triển tính khí cũng như định hình những phong cách mới của trẻ. Ngày nay, trẻ vị thành niên đang sống trong một thế giới mở và một xã hội toàn cầu thật sự. Nhưng điều thú vị là họ vẫn tiếp tục tập trung vào bản thân để khẳng định tính cách và sự độc lập của mình.
Những biểu hiện thể hiện sự độc lập và tính cách của trẻ cũng thay đổi qua thời gian, nhưng về cơ bản, vẫn tựu trung trong các lĩnh vực như: âm nhạc, nhảy múa, thời trang, sở thích lập dị, ngôn ngữ và các mối quan hệ xung quanh. Chẳng hạn, thể loại nhạc luôn được mở rộng qua thời gian, từ jazz cho đến nhạc blue, rock & roll, dân gian, đồng quê, rap, và nhiều thể loại khác nữa. Trẻ vị thành niên có rất nhiều chọn lựa và một điều chắc chắn là sở thích âm nhạc của họ sẽ khác biệt với sở thích của cha mẹ và các thế hệ đi trước. Quy tắc này cũng đúng với tất cả các lĩnh vực khác trong văn hóa và nhận thức của trẻ vị thành niên.
Vậy điều gì là tiêu biểu cho văn hóa của tuổi vị thành niên ngày nay? Tuổi vị thành niên ngày nay giống và khác nhau như thế nào với tuổi vị thành niên của những thế hệ trước?
Điểm giống nhau giữa các thế hệ trẻ vị thành niên
1. Đối mặt với những thay đổi về thể chất và tâm lý
Những thử thách cơ bản mà tuổi vị thành niên ngày nay đang đối mặt cũng chính là điều mà trẻ vị thành niên thế hệ trước đã phải đối mặt. Đầu tiên là thử thách trong việc chấp nhận và thích nghi với những thay đổi diễn ra bên trong cơ thể của mình. Tay chân trẻ phát triển không cân xứng, tạo ra hiện tượng "vụng về của tuổi vị thành niên" khiến trẻ cảm thấy rất xấu hổ. Tiếp theo, những đặc điểm giới tính cũng đang dần phát triển và đem đến cho họ cả sự phấn khích lẫn lo âu.
Những thay đổi sinh lý này tạo ra vô số câu hỏi trong tâm trí của các trẻ vị thành niên. "Mình sẽ trông như thế nào khi trở thành người lớn nhỉ? Liệu mình có trở nên quá cao hoặc quá lùn không? Liệu tai của mình có nhô ra quá nhiều hay không? Liệu ngực của mình có quá nhỏ không? Còn mũi của mình thì sao nhỉ? Hình như bàn chân của mình to quá thì phải? Mình có quá mập hay quá gầy không?". Cứ như vậy, một loạt những câu hỏi dần xuất hiện trong suy nghĩ của các bạn trẻ tuổi vị thành niên. Cách thức trả lời những câu hỏi này sẽ dựa vào ý thức và cá tính của mỗi bạn trẻ.
Sự phát triển về thể chất sẽ đi kèm với "sự bộc phát đang đến gần" về trí tuệ. Tuổi vị thành niên là giai đoạn hình thành và phát triển một cách suy nghĩ mới. Khi còn bé, suy nghĩ của trẻ chỉ giới hạn trong các sự kiện và hành động cụ thể. Đến lứa tuổi này, suy nghĩ của trẻ bắt đầu mở rộng ra những ý niệm trừu tượng như sự chân thật, lòng trung thành, công lý… Cách nghĩ trừu tượng này sẽ mở ra một thế giới mới với những khả năng vô hạn. Lúc này, trẻ đã có khả năng suy nghĩ về sự khác nhau của các vấn đề xảy ra trong cuộc sống, chẳng hạn như thế giới sẽ ra sao nếu không có chiến tranh hay các bậc cha mẹ biết thông cảm sẽ đối xử với con cái họ như thế nào… Cuộc sống sẽ mở mọi cánh cửa dẫn đến ý thức cá tính bản thân của trẻ. Và trẻ sẽ nhận ra rằng: "Mình có thể trở thành bác sĩ phẫu thuật, một phi công, và cũng có thể là một người thu gom rác". Khả năng của con người là vô hạn, và trẻ sẽ mường tượng ra vô số nghề nghiệp khác nhau cho mình trong tương lai.
2. Thời kỳ của những nguyên do
Tuổi vị thành niên cũng chính là thời kỳ của những nguyên do. Lứa tuổi này đã có khả năng suy nghĩ hợp lý và nhìn nhận hậu quả của các quan điểm khác nhau. Trẻ không chỉ áp dụng khả năng này trong việc lập luận của bản thân mà còn cả trong lập luận của các bậc phụ huynh. Đó là một trong những lý do khiến trẻ vị thành niên "thích tranh cãi". Trong thực tế, đây là giai đoạn trẻ đang phát triển tâm lý. Nếu hiểu được điều này, các bậc cha mẹ có thể tạo ra những buổi trò chuyện ý nghĩa và thú vị với con em mình. Ngược lại, họ có thể tạo ra một mối quan hệ đầy căng thẳng. Với sự phát triển nhanh chóng về mặt trí tuệ cùng việc tiếp thu những thông tin mới, trẻ thường cho rằng mình thông minh hơn cha mẹ, và trong một số lĩnh vực, điều đó là đúng.
Điều này đã mang đến cho trẻ vị thành niên những thách thức mới từ các mối quan hệ xã hội. Sự tranh luận và lắng nghe quan điểm của người khác có thể dẫn trẻ đến với một mối quan hệ thân mật hơn nhưng cũng có thể tạo ra mối quan hệ thù địch. Theo đó, sự phát triển của những nhóm xã hội nhỏ trong giới trẻ vị thành niên hiện nay chủ yếu dựa trên sự đồng thuận về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống nhiều hơn là dựa vào cách ăn mặc và màu tóc. Cũng như những người trưởng thành, trẻ vị thành niên luôn cảm thấy thoải mái khi sống gần những người có cùng sở thích hoặc tán đồng suy nghĩ và hành động của chúng, và trẻ thường dành nhiều thời gian để giao tiếp với họ hơn.
3. Đối mặt với những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức và các giá trị cá nhân
Những khả năng trên đã đặt ra một thử thách khác đối với trẻ vị thành niên; cụ thể là việc nhìn nhận lại vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng mà mình đã được nuôi dạy cũng như quyết định liệu có nên theo nó hay không. "Liệu quan điểm của cha mẹ về Chúa, về đạo đức có đúng không?" là câu hỏi mà mọi trẻ vị thành niên đều từng đặt ra. Nếu không hiểu được điều này, các bậc cha mẹ sẽ đưa ra những tác động không tốt và tệ hơn là ngày càng đẩy con em họ xa lòng tin và các giá trị mà họ đã dạy cho chúng trước đó.
Khi nhận được câu hỏi về đức tin của các con đang ở độ tuổi vị thành niên, những bậc cha mẹ sáng suốt luôn chào đón chúng và cố gắng đưa ra những câu trả lời chân thành với một thái độ cởi mở cũng như khuyến khích các con tiếp tục tìm hiểu về vấn đề đó. Nói cách khác, họ hân hoan tiếp nhận cơ hội được đối thoại với con em mình về vấn đề đức tin. Ngược lại, nếu bị chỉ trích hoặc gán tội vì sự hoài nghi này của mình, bọn trẻ sẽ tìm đến nơi nào đó để chia sẻ thắc mắc.
4. Suy nghĩ về bản năng giới tính và hôn nhân
Một thách thức quan trọng khác đối với trẻ vị thành niên là nhu cầu hiểu biết về giới tính và tiếp thu vai trò xã hội của nam giới và nữ giới; tìm hiểu xem điều gì là thích hợp và không thích hợp trong mối quan hệ với những người khác giới; điều gì là đúng và sai trong cách suy nghĩ và cảm xúc tình dục của bản thân. Các bậc cha mẹ thường bỏ qua những câu hỏi này, nhưng các bạn trẻ thì không.
Bản năng giới tính xuất hiện ở trẻ vị thành niên và trở thành một phần của chính con người trẻ. Mối quan hệ với những người khác giới đang trở thành đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của trẻ. Hầu hết trẻ vị thành niên đều mơ sẽ kết hôn vào một ngày nào đó. Trong một cuộc khảo sát,
86% các bạn trẻ cho rằng "có được một gia đình ổn định là điều quan trọng nhất trong kế hoạch cuộc sống tương lai của họ".
Các bậc cha mẹ muốn giúp đỡ con em mình thường dùng những buổi trò chuyện thân mật trong gia đình để nói về những vấn đề liên quan đến tình dục, việc hẹn hò và hôn nhân. Họ sẽ đưa ra những thông tin phù hợp và hữu ích cho con em của mình. Nhà trường và các tổ chức xã hội cũng thường xuyên mở những buổi trò chuyện liên quan đến vấn đề này. Những buổi trò chuyện này có thể giúp trẻ có được những thông tin cần thiết để xem xét vấn đề một cách cởi mở và thấu đáo.
5. Đặt vấn đề về tương lai
Có một câu hỏi mà trẻ vị thành niên luôn trăn trở, đó là: "Mình sẽ phải làm gì với cuộc đời của mình?". Câu hỏi này không những bao hàm việc lựa chọn nghề nghiệp mà còn là một câu hỏi mang tính trách nhiệm: "Mình nên đầu tư thời gian vào đâu? Mình sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc lớn lao nhất ở nơi nào?". Đây là những câu hỏi rất thực tế đối với trẻ vị thành niên. Để trả lời những câu hỏi này, trẻ buộc phải trả lời những câu hỏi xoay quanh nó, chẳng hạn như: "Liệu mình có nên học đại học không? Nếu học thì mình nên chọn trường nào? Mình có nên đi tìm việc làm? Nếu có thì mình sẽ tìm công việc gì?". Dĩ nhiên, trẻ luôn hiểu được rằng mỗi lựa chọn sẽ dẫn mình đến một con đường. Và mỗi bước đi sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của bản thân trẻ.
Khi muốn giúp đỡ con em của mình, các bậc cha mẹ thường chia sẻ với chúng tất cả những khó khăn, niềm vui cũng như nỗi thất vọng mà mình đã trải qua. Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là không nên đưa ra những câu trả lời sẵn mà hãy tư vấn để con em bạn tìm kiếm những ngành nghề thích hợp với cháu hoặc khuyến khích cháu trò chuyện với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp ở trường. Hoặc bạn cũng có thể khuyến khích con mình noi theo gương của Samuel, một nhà tiên tri người Do Thái. Khi ở tuổi vị thành niên, ông đã kêu gọi sự chỉ đường của Thượng Đế và nói rằng: "Xin hãy nói, vì con chiên của Ngài đang lắng nghe". Có thể thấy, những người làm nên nghiệp lớn chính là những người có thể cảm nhận được tiếng gọi của thần thánh và đi theo tiếng gọi đó.
Trên đây là những thử thách mà bất kỳ thế hệ trẻ vị thành niên nào cũng phải đối mặt. Nhưng ngày nay, trẻ ở độ tuổi này đang sống trong một thế giới rất khác so với thế giới mà cha mẹ họ đã sống. Theo đó, giữa những thế hệ tồn tại một hố sâu ngăn cách lớn. Hố sâu ngăn cách đó chính là bối cảnh văn hóa hiện đại. Nhưng những khác biệt văn hóa này là gì?
Năm khác biệt cơ bản
1. Công nghệ
Một trong những khó khăn mà trẻ vị thành niên ngày nay phải đối mặt chính là việc họ đã lớn lên trong một thế giới của công nghệ cao. Có thể trước đây, cha mẹ của họ đã lớn lên với điện thoại, radio và truyền hình, nhưng ngày nay, với sự xuất hiện của truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp, thế giới đã mở rộng ra trước mắt trẻ và tạo nên sự kết nối toàn cầu với rất nhiều loại hình giải trí đặc biệt. Tuy vậy, trẻ vị thành niên ngày nay không bị giới hạn bởi những phương tiện và chương trình cố định. Với những chiếc máy nghe nhạc tiện lợi bên mình, họ có thể nghe mọi bài hát mà họ yêu thích, bất kể lúc nào hay ở đâu.
Giới trẻ ngày nay lớn lên cùng những chiếc máy vi tính. Internet đã kết nối trẻ với thế giới bên ngoài cùng những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực. Bên cạnh việc giúp trẻ nắm bắt nhanh chóng những thông tin giải trí, nó còn cho phép trẻ giao tiếp với bạn bè một cách thuận tiện, nhất là trong việc thảo luận các ý tưởng. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy thời gian trẻ vị thành niên sử dụng mạng internet để tán gẫu và tìm kiếm thông tin nhiều hơn rất nhiều lần so với thời gian chúng làm bài tập ở nhà. Trên thực tế, những thiết bị công nghệ này đã kết nối giới trẻ với thế giới và đặt trẻ vào một môi trường văn hóa vượt xa những gì cha mẹ họ từng mơ đến.
2. Sự hiểu biết và tiếp cận trực tiếp với vấn đề bạo lực
Khác biệt văn hóa thứ hai chính là việc ngày nay, giới trẻ lớn lên với quá nhiều hiểu biết về các hành vi bạo lực. Điều đáng nói là một phần sự hiểu biết này lại đến từ những tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ. Thật vậy, bạo lực xuất hiện trên phương tiện truyền thông ngày một nhiều. Phim ảnh, truyện tranh… chứa đầy những cảnh bạo lực. Theo kết quả một cuộc khảo sát của tổ chức Gallup, 36% trẻ vị thành niên đã từng xem phim hoặc đọc những cuốn truyện có nhiều nội dung bạo lực; 8/10 trẻ vị thành niên đã nói với tổ chức Gallup rằng chúng "không gặp rắc rối gì khi xem những bộ phim hay đọc những cuốn truyện bạo lực". Tuy nhiên, 53% trong số trẻ đó đồng ý rằng "bạo lực trên truyền hình và phim ảnh đã truyền tải những thông điệp sai trái đến giới trẻ". Cũng trong cuộc khảo sát đó, 65% trẻ vị thành niên cho rằng "phim ảnh và truyền hình có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm của giới trẻ ngày nay".
Điều đáng lo ngại là ngày nay, vấn đề bạo lực không chỉ tồn tại trên các phương tiện truyền thông mà đã trở thành vấn đề đáng báo động trong giới trẻ. Nhiều trẻ vị thành niên đã từng là nạn nhân và thậm chí là thủ phạm trực tiếp gây ra các cảnh bạo lực, kể cả giết người. Trong vòng 30 năm qua, trong khi tỷ lệ phạm tội trên toàn nước Mỹ không mấy thay đổi thì tỷ lệ phạm tội ở giới trẻ ngày càng có xu hướng gia tăng. Giai đoạn tăng mạnh nhất là từ giữa thập niên 80 đến giữa thập niên 90, khi mà số vụ phạm tội ở giới trẻ tăng đến
168%. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm đi trong những năm gần đây nhưng ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác, vấn đề bạo lực trong giới trẻ vẫn còn là một thách thức lớn.
3. Gia đình tan vỡ
Yếu tố văn hóa thứ ba có ảnh hưởng đến giới trẻ ngày nay chính là sự tan vỡ gia đình. Sau nhiều năm điều tra nghiên cứu, các nhà xã hội học đã kết luận rằng: "Ngày nay, các mô hình gia đình trong xã hội đã trở nên đa dạng: có những gia đình có người cha đi làm khi người mẹ ở nhà làm nội trợ; có những gia đình cả người cha lẫn người mẹ đều đi làm; có gia đình chỉ có cha hoặc mẹ; có gia đình thì người cha và người mẹ không có đăng ký kết hôn với nhau… Bên cạnh đó, những cuộc hôn nhân thứ hai đã mang những đứa trẻ xa lạ lại với nhau; hay những cặp không có con quyết định xin con nuôi... Chúng ta đang sống trong thời kỳ có nhiều thay đổi về cuộc sống gia đình".
Thực tế là phần lớn trẻ vị thành niên ngày nay đều lớn lên trong gia đình hạt nhân chỉ bao gồm cha mẹ và con cái - chứ không phải trong đại gia đình có cả ông, bà, cô, chú, và những người họ hàng khác như các thế hệ trước. Với tính lưu động của mình, ngày càng nhiều gia đình hạt nhân sống xa đại gia đình. Và nếu trước kia các gia đình láng giềng thường luân phiên trông chừng con cái cho nhau thì ngày nay, cuộc sống bận rộn khiến họ hiếm khi có cơ hội làm điều đó. Những ảnh hưởng tích cực bên ngoài gia đình đối với trẻ ngày càng ít dần.
James Comer, giám đốc Trung tâm Trẻ em Yale, nhìn nhận tác động tiêu cực của sự thu hẹp này. Khi nhắc về thời niên thiếu của mình, Comer đã nói: "Thường có ít nhất năm người bạn thân của cha mẹ tôi biết về những việc làm sai trái của tôi và sẵn sàng báo cho cha mẹ tôi. Nhưng ngày nay, các bạn trẻ không còn nhận được những sự quan tâm như vậy nữa". Nếu như trước đây, tuổi vị thành niên có thể tin cậy vào đại gia đình, vào những người hàng xóm tốt, vào nhà trường và các nhóm hoạt động cộng đồng, thì ngày nay, trẻ vị thành niên thường không có được những mạng lưới hỗ trợ này.
4. Sự hiểu biết và tiếp cận trực tiếp với vấn đề tình dục
Một khác biệt nữa là ngày nay, vấn đề tình dục công khai đang trở nên phổ biến trong giới trẻ. Nếu trước đây, các thế hệ trẻ dù chống đối lại quan điểm cổ hủ của cha mẹ về tình dục và hôn nhân thì họ vẫn nhớ những quy tắc của vấn đề này và cảm thấy tội lỗi khi vi phạm chúng. Nhưng giới trẻ ngày nay lớn lên trong một thế giới mở và phim ảnh, sách báo, truyền thông … đều đề cập đến đề tài này một cách công khai và thẳng thắn. Do đó, phần lớn trẻ vị thành niên đều có kiến thức về vấn đề này hoặc đã biết đến việc quan hệ tình dục. Điều đáng nói là những bạn trẻ từng làm việc này thường cảm thấy mình bị lạm dụng và trống rỗng. Trong khi đó, những trẻ không biết đến tình dục lại bị giày vò với những suy nghĩ như: "Liệu mình có đang bỏ lỡ một điều gì đó quan trọng hay không? Liệu mình có vấn đề gì không?".
Ngoài ra, ngày nay, vấn đề sống thử và quan hệ đồng tính cũng trở thành đề tài phổ biến trong giới trẻ. Vì thế, có thể nói, đây thật sự là một thách thức lớn mà trẻ vị thành niên phải trải qua.
5. Các giá trị đạo đức và tôn giáo
Khác biệt cuối cùng mà trẻ vị thành niên ngày nay phải đối mặt chính là việc họ đang lớn lên trong một thế giới có nhiều biến động về tôn giáo và đạo đức. Trong một cuộc khảo sát vào những năm 1990, nhóm Nghiên cứu Barna nhận thấy rằng 91% trẻ vị thành niên đồng ý với quan điểm: "Có thể điều này đúng với người này nhưng lại không đúng với người khác trong trường hợp tương tự". Và 80% đồng ý với quan niệm: "Chân lý của mỗi người là khác nhau; và không ai có thể chắc chắn rằng điều họ biết là hoàn toàn đúng cả". Điều đáng nói là có đến 57% trẻ vị thành niên đã tin rằng "nói dối đôi khi là cần thiết".
Tuổi vị thành niên luôn là giai đoạn tìm hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng cùng những vấn đề về đạo đức. Các trẻ vị thành niên thường đặt nhiều câu hỏi xoay quanh đề tài này.
Cha mẹ CÓ THỂ hướng dẫn
Một điều đáng mừng là ngày nay, trẻ vị thành niên luôn biết tìm kiếm sự chỉ dẫn và hỗ trợ từ phía cha mẹ. Trong một cuộc khảo sát gần đây, nhiều trẻ đã cho biết cha mẹ có ảnh hưởng đến họ trong những vấn đề sau: làm bài tập về nhà, tham dự lễ hội, tham gia tiệc tùng với bạn bè. Ngoài ra, cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng tương lai hay nghề nghiệp của các em. Trong khi đó, bạn bè lại có ảnh hưởng đến các em trong quyết định liên quan đến các vấn đề trước mắt như việc cúp học, hẹn hò, kiểu tóc, quần áo…
Trong cuộc khảo sát, khi được hỏi: "Ai là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định của bạn? Cha mẹ hay bạn bè?", thì câu trả lời mà các nhà nghiên cứu nhận được nhiều nhất từ phía các bạn trẻ chính là cha mẹ. Quả thật, dù giai đoạn này trẻ vị thành niên chịu nhiều ảnh hưởng của bạn bè trong một số vấn đề cá nhân, nhưng xét một cách toàn diện, cha mẹ vẫn có ảnh hưởng chủ yếu đến suy nghĩ, hành động của trẻ. Và những chương sau của cuốn sách sẽ giúp các bậc cha mẹ học cách đáp ứng nhu cầu tình cảm của con em, từ đó tạo ra tầm ảnh hưởng tích cực trong những lĩnh vực khác của cuộc sống trẻ vị thành niên.