Becky, bà mẹ của hai đứa con đang chuẩn bị bước vào tuổi vị thành niên, đã tâm sự với tôi bằng giọng lo lắng: "Tiến sĩ Chapman, tôi lo quá! Con trai tôi năm nay 13 tuổi và con gái tôi đã được 11 tuổi. Tôi thường xuyên đọc những cuốn sách nói về tuổi vị thành niên và cảm thấy lo lắng hết sức. Có vẻ như ngày nay, hầu hết trẻ vị thành niên đều quan hệ tình dục và sử dụng chất kích thích. Chẳng lẽ mọi chuyện tồi tệ đến như vậy sao?". Trong suốt buổi nói chuyện, Becky không ngừng đặt câu hỏi về vấn đề tâm sinh lý của giới trẻ. Cuối cùng, cô nói: "Trước đây, tôi đã nghĩ mình sẽ tự dạy cho các con về vấn đề tâm sinh lý tuổi dậy thì, nhưng giờ đây tôi đang băn khoăn về quyết định đó. Tôi không biết liệu mình có khả năng để làm việc đó hay không nữa".
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp tương tự như Becky. Sau khi đọc sách báo, xem truyền hình về đề tài nuôi dạy trẻ vị thành niên, rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra băn khoăn và sợ hãi. Nếu bạn cũng đang có cùng cảm giác như họ thì tôi tin chương này sẽ giúp bạn giảm thiểu sự lo lắng và đủ tự tin để chủ động giúp đỡ con em mình.
Tin tức tốt lành
Điều đầu tiên tôi muốn nói với các bạn là một tin tốt, đó là không phải tất cả những gì thuộc về lứa tuổi vị thành niên đều xấu cả. Theo thống kê, ở Mỹ hiện nay chỉ có 57% trẻ vị thành niên sống cùng cha mẹ, nhưng điều đáng mừng là có đến 87% trong số các em còn giữ liên lạc với cha hoặc mẹ ngay cả khi họ không sống cùng nhau nữa. Phần đông giới trẻ (khoảng 70%) nói rằng họ cảm thấy "cực kỳ" hoặc "rất" gần gũi với cha mẹ. Và một cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa số trẻ vị thành niên từ 13 đến 17 tuổi nói rằng chúng cảm thấy thoải mái khi đến trường. Hai con số thống kê sau có thể làm ấm lòng các bậc phụ huynh quan tâm đến việc học hành của con em, đó là có đến 97% trẻ vị thành niên sẽ tốt nghiệp phổ thông, và 83% trong số đó coi việc vào học đại học là mục tiêu rất quan trọng trong giai đoạn này.
Sau khi xem xét số liệu thống kê này, George Gallup Jr. đã mô tả đặc điểm của giới trẻ ngày nay là được thúc đẩy bởi chủ nghĩa lý tưởng, sự lạc quan, tính tự chủ và cởi mở. "Giới trẻ ngày nay luôn tỏ ra nhiệt tình trong việc giúp đỡ mọi người, sẵn sàng cống hiến vì hòa bình thế giới". Và Gallup cũng đã đưa ra kết luận về quan điểm của giới vị thành niên về tương lai như sau: "Phần lớn giới trẻ nói rằng họ hạnh phúc và phấn chấn về tương lai, cảm thấy hài lòng với cuộc sống của bản thân, gần gũi với gia đình và khao khát chinh phục đỉnh cao trên con đường mình đã chọn".
Lawrence Steinberg, giáo sư môn tâm lý học trường Đại học Temple, cộng tác viên Trung tâm Nghiên cứu giáo dục và sự phát triển con người, đã lưu ý: "Tuổi dậy thì vốn không phải là một giai đoạn khó khăn. Những vấn đề về tâm lý, suy nghĩ, hành vi và xung đột gia đình là điều phổ biến trong mọi lứa tuổi chứ không riêng gì giai đoạn này. Nhưng chắc chắn đây là giai đoạn mà rất nhiều bạn trẻ luôn cảm thấy lo lắng và gặp nhiều rắc rối không mong đợi". Steinberg còn nói thêm:
"Những vấn đề mà chúng ta coi như là một phần ‘bình thường’ trong sự phát triển của trẻ vị thành niên - nghiện ngập, phạm pháp, quan niệm tình dục thoáng - thực ra không bình thường chút nào. Tất cả đều có thể được ngăn ngừa và xử lý. Và điều chắc chắn là một đứa trẻ tốt không thể đột nhiên trở nên xấu trong giai đoạn vị thành niên được".
Sự thật là hầu hết những thông tin chúng ta biết đến qua sách báo hay các phương tiện thông tin đại chúng chỉ đề cập đến 10% trẻ vị thành niên nổi loạn, và thật sự phần lớn trong số đó là những đứa trẻ nổi loạn. Xây dựng mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái không chỉ là mong muốn của các bậc phụ huynh mà cũng là khao khát của trẻ vị thành niên. Tôi sẽ đề cập đến khía cạnh quan trọng nhất trong mối quan hệ này, đó là nhu cầu tình cảm của con trẻ. Nếu nhu cầu này được đáp ứng, trẻ vị thành niên sẽ vượt qua được những thử thách mà chúng ta đã đề cập đến trong Chương 1.
Khi được bảo vệ vững chắc trong tình yêu thương của cha mẹ, trẻ vị thành niên sẽ tự tin đối mặt với thách thức cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc sống. Ngược lại, nếu không có tình yêu thương của cha mẹ, có nhiều khả năng trẻ vị thành niên sẽ không thể kháng cự lại sự cám dỗ của chất gây nghiện, tình dục trụy lạc và bạo lực. Theo tôi, không có gì quan trọng hơn việc các bậc cha mẹ học được cách đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ một cách hiệu quả.
Vậy "nhu cầu tình cảm" mà tôi muốn nói đến ở đây là gì? Sâu trong tâm hồn mỗi đứa trẻ nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng đều có một khát khao là được cha mẹ chấp nhận và quan tâm. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình. Khi không cảm nhận được những điều này, trẻ sẽ cảm thấy trống rỗng - và sự trống rỗng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của chúng. Hãy để tôi giải thích sâu hơn về điều này.
Khao khát được gắn kết
Sự hiện diện của cha mẹ
Có rất nhiều bài viết đã nói đến tầm quan trọng của việc "gắn kết" giữa con cái với cha mẹ. Các nhà tâm lý học về trẻ em đều cho rằng nếu không có sự gắn kết này, trẻ sẽ cảm thấy bất ổn trong giai đoạn phát triển tâm lý tuổi dậy thì. Trái với cảm giác gắn kết là cảm giác bị ruồng bỏ. Nếu cha mẹ đã mất, đã ly dị, hoặc bỏ rơi trẻ thì cảm xúc gắn kết này sẽ không thể có được.
Điều kiện tiên quyết cho sự gắn kết này chính là sự hiện diện của cha mẹ vì nó đòi hỏi cả hai phải có thời gian ở bên nhau. Những bậc cha mẹ ít có thời gian ở bên trẻ vì những lý do như ly dị hoặc bận rộn... sẽ hủy hoại cảm giác được gắn bó với cha mẹ của trẻ. Khi cảm thấy bị bỏ rơi, trẻ sẽ bị ám ảnh bởi câu hỏi: "Mình đã làm gì sai để cha mẹ không quan tâm đến mình như vậy?". Vì thế, nếu các bậc cha mẹ muốn cho con mình cảm nhận được tình yêu thương, nhất thiết họ phải dành thời gian ở bên chúng.
Sức mạnh của sự gắn kết trong giao tiếp
Tất nhiên, không phải bao giờ sự có mặt của cha mẹ cũng tạo ra được sự gắn kết với trẻ. Quan hệ tình cảm luôn đòi hỏi sự giao tiếp. Bạn có thể thường xuyên ở nhà nhưng vẫn không có sự nối kết với con cái của mình nếu như cả hai ít giao tiếp với nhau.
Gần đây, tôi tiến hành một nghiên cứu và thu được một kết quả đáng mừng khi có đến 71% trẻ vị thành niên được hỏi đã cho biết chúng dùng ít nhất một bữa ăn trong ngày với gia đình. Nhưng niềm vui của tôi không kéo dài được lâu khi tôi khám phá ra rằng hơn một nửa trong số này cho biết họ đã xem truyền hình trong lúc dùng bữa tối với cha mẹ. Thêm vào đó, một phần tư trong số đó nói rằng họ vừa ăn vừa nghe radio và 15% đọc sách báo trong khi đang ăn. Điều đó có nghĩa rằng hầu hết các bậc cha mẹ đều không sử dụng bữa ăn để xây dựng sự gắn kết với con mình.
Theo tôi, bàn ăn là một trong những nơi tốt nhất để xây dựng quan hệ tình cảm với con trẻ. Vì thế, tôi khuyến khích các bậc phụ huynh nên thực hiện theo ý tưởng này nếu gia đình các bạn vẫn thường xuyên dùng bữa cùng nhau. Còn nếu gia đình bạn không có được bữa ăn chung thì nên nhanh chóng tạo lập thói quen này và tạo ra không khí thân mật bằng cách thực hiện một vài nguyên tắc trong bữa ăn gia đình. Chẳng hạn, hãy yêu cầu các con bạn nói lời cảm ơn đến những người đã chuẩn bị bữa ăn trước khi cho phép chúng xem ti-vi, nghe radio hay đọc sách báo. Sau đó, hãy yêu cầu từng thành viên chia sẻ với cả gia đình ba điều đã xảy ra với họ trong ngày hôm đó cũng như cảm nhận của họ về chúng. Điều cần thiết là các thành viên còn lại phải chú ý lắng nghe và có thể hỏi lại nếu chưa rõ. Nhưng điều quan trọng là các bạn không được xét đoán hoặc đưa ra lời khuyên, trừ khi người đang nói muốn được như thế.
Truyền thống mới này sẽ giúp bạn tạo nên và duy trì được sự gắn kết cảm xúc với các con của mình.
Khao khát được chấp nhận
Sức mạnh của cảm giác được chấp nhận hoặc bị từ chối
Yếu tố thứ hai của tình cảm yêu thương là cảm giác được chấp nhận và yêu thương vô điều kiện. Một cậu bé 14 tuổi đã nói với tôi: "Điều tuyệt vời nhất ở cha mẹ cháu chính là việc họ luôn chấp nhận cháu là chính cháu chứ không bắt cháu phải giống như chị cháu". Rõ ràng, chính sự chấp nhận của cha mẹ đã giúp cậu bé này có cảm giác là mình luôn được yêu thương vô điều kiện.
"Cha mẹ thích mình như thế này và mình cảm thấy ổn" là suy nghĩ thường trực của những trẻ cảm thấy mình được công nhận. Trái ngược với sự chấp nhận là sự từ chối. Thông điệp của nó là: "Cha mẹ không yêu thương mình. Mình không giỏi giang như họ mong muốn. Họ muốn mình phải tài ba hơn". Và chắc chắn rằng một đứa trẻ cho rằng mình bị hắt hủi sẽ không bao giờ cảm nhận được tình yêu thương.
Ronald Rohner, nhà nhân loại học, đã tiến hành tìm hiểu về sự từ chối ở hơn một trăm quốc gia khác nhau trên khắp thế giới. Cuộc nghiên cứu của ông đã cho thấy, dù mỗi nền văn hóa bộc lộ sự từ chối khác nhau nhưng hậu quả mà nó để lại đối với giới trẻ không khác biệt bao nhiêu. Những đứa trẻ bị hắt hủi đều có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tâm lý, cảm thấy thiếu hụt chỗ dựa về mặt tinh thần và thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân. Ảnh hưởng của việc bị từ chối này mạnh đến mức Rohner đã ví nó là "một khối u tâm lý có thể bao trùm lên cả hệ thống cảm xúc của trẻ, và chúng luôn phải chịu đựng sự hành hạ đó".
Sau nhiều năm nghiên cứu về tâm lý của những đứa trẻ thường sử dụng bạo lực, James Garbarino, giáo sư trường Đại học Cornell, kết luận rằng cảm giác bị hắt hủi là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra một đứa trẻ hung bạo. Một lần, Garbarino có dịp phỏng vấn một chàng trai 18 tuổi bị kết án chung thân vì tội giết người. Garbarino đặt hai bình đựng nước trên bàn và nói với người tù trẻ: "Hãy tưởng tượng rằng cả chiếc bàn này là tình yêu thương của mẹ cậu. Bây giờ, bình nước này là cậu, còn chiếc bình kia là anh trai cậu. Tình yêu thương của mẹ cậu như thế nào trong mỗi chiếc bình?".
Người tù trẻ chỉ vào bình nước của cậu và nói rằng mình chỉ nhận được 20% tình yêu thương của mẹ, còn anh trai mình được 80%.
"Bây giờ, hãy sử dụng cái bàn này để chỉ việc được chấp nhận và bị hắt hủi". Garbarino chỉ về phía đầu bàn bên này. "Đầu này có nghĩa là hoàn toàn được chấp nhận; đầu bên kia là hoàn toàn bị hắt hủi. Hãy chọn vị trí cho hai bình nước này để thấy mẹ cậu đã tin cậy cậu và anh cậu như thế nào".
Chàng trai đặt chiếc bình của mình gần sát phía đầu bàn của bên bị hắt hủi và để chiếc bình được ví là anh cậu về phía đầu bàn bên kia, nghĩa là hoàn toàn tin cậy.
"90% hắt hủi cậu và 100% tin cậy anh cậu à?" - Garbarino hỏi.
"Vâng!" - Chàng trai đáp lại.
Hiển nhiên, những đứa trẻ bị hắt hủi không bao giờ cảm thấy mình được yêu thương.
Tin cậy trẻ và sửa chữa hành vi sai trái của trẻ
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng biểu lộ sự tán thành của mình đối với trẻ là việc làm sai lầm. Bob, một người cha rất tận tâm với các con, đã nói với tôi: "Thưa tiến sĩ, tôi không hiểu làm thế nào ông có thể chấp nhận được hành động rất đáng chê trách của trẻ. Tôi không muốn các con của tôi cảm thấy bị hắt hủi, nhưng thẳng thắn mà nói, tôi không thích những hành động của chúng. Có thể chúng cho rằng tôi không tin tưởng chúng, nhưng thật lòng, tôi rất yêu thương và lo lắng cho chúng. Tôi không muốn chúng tự hủy hoại cuộc sống của mình".
Tâm sự của Bob cũng chính là tâm sự của rất nhiều bậc phụ huynh khác. Họ là những người chưa học được cách truyền đạt sự tin cậy trong lúc sửa chữa những hành vi sai trái của trẻ. Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này khi đề cập đến tính kỷ luật ở phần sau.
Còn bây giờ, hãy để tôi làm rõ mục đích của chúng ta bằng một minh họa mang yếu tố thần học. Thánh Paul, một tông đồ Cơ Đốc giáo ở thế kỷ đầu tiên, đã nói đến học thuyết trung tâm của đạo Cơ Đốc là Chúa đã chấp nhận chúng ta, những con người phàm tục, bởi Người đã xem chúng ta như một phần cuộc sống của Người. Ý tưởng của Paul là: Mặc dù không phải lúc nào Chúa cũng hài lòng với những hành động của chúng ta, nhưng Người vẫn luôn hài lòng về chúng ta, vì chúng ta là những đứa con của Người. Hãy học tập Chúa. Hãy nói với con bạn rằng bạn thật hạnh phúc khi được làm cha mẹ của chúng mà không cần lưu tâm đến hành động của chúng. Đó chính là tình yêu vô điều kiện.
Quan niệm về tình yêu vô điều kiện là: "Cha mẹ yêu con, quan tâm đến con, chăm lo cho con vì con là con của cha mẹ. Không phải lúc nào cha mẹ cũng thích những điều con làm, nhưng cha mẹ luôn yêu và quan tâm đến con. Con là con của cha mẹ và không ai hắt hủi con cả. Cha mẹ sẽ ở đây và làm những gì mà cha mẹ tin là tốt nhất cho con, luôn yêu thương con dù việc gì xảy ra chăng nữa".
Ken Canfield, chủ tịch Trung tâm Quốc gia về tình yêu - hôn nhân - gia đình, đã nói: "Đừng bao giờ quên câu hỏi lớn nhất của tuổi vị thành niên là: ‘Tôi là ai?’. Con của bạn phải tự tìm câu trả lời cho mình. Và điều mà chúng cần nghe từ bạn là: ‘Bất kể con có trở nên như thế nào, thì cha vẫn yêu con’". Và Canfield cũng nói thêm: "Đừng bao giờ quên nỗi sợ hãi nhất của tuổi vị thành niên là: ‘Tôi có bình thường không?’. Và câu trả lời mà trẻ muốn nghe từ cha của chúng là: ‘Ngay cả khi con khác thường thì cha vẫn yêu con’".
Canfield đang nói về sự chấp nhận và tình yêu vô điều kiện. Ở đây, tôi sẽ đưa ra một vài phương pháp đơn giản có thể tác động hiệu quả đến trẻ vị thành niên để chúng biết đón nhận lời nhắc nhở hoặc hướng dẫn của bạn. Trước khi nói về điều mà bạn mong muốn ở trẻ, hãy mở đầu câu chuyện giữa đôi bên bằng những câu như sau: "Cha/mẹ yêu con rất nhiều, và vẫn sẽ yêu con ngay cả khi con không làm theo những lời khuyên của cha/mẹ. Nhưng vì yêu con nên cha/mẹ vẫn phải đưa ra lời khuyên này của mình". Và sau đó, hãy chia sẻ những lời khuyên khôn ngoan, sâu sắc của bạn với trẻ.
Con của bạn cần biết rằng bạn sẽ vẫn hoan nghênh, tin tưởng chúng ngay cả khi bạn không chấp nhận những hành động của chúng. Hãy tìm cách nói mà bạn cảm thấy dễ chịu nhất để nói điều đó, và nói thật thường xuyên.
Khao khát được chăm sóc
Khía cạnh thứ ba của tình yêu thương mà bạn dành cho các con của mình chính là việc chăm sóc chúng. Chăm sóc ở đây bao hàm cả việc nuôi dưỡng tâm hồn. Chúng ta chăm sóc cây trồng bằng cách cải thiện đất đai nơi chúng mọc. Vậy nên hãy chăm sóc trẻ vị thành niên bằng cách cải thiện môi trường chúng đang lớn lên. Khi được lớn lên trong sự quan tâm, khuyến khích và môi trường lành mạnh, trẻ vị thành niên sẽ cho ra thành quả là những bông hoa tươi đẹp, những trái chín ngọt lành khi chúng trưởng thành.
Tránh ngược đãi trẻ
Trái ngược với việc nuôi dưỡng trong tình yêu thương chính là sự ngược đãi. Việc ngược đãi trẻ vị thành niên cũng giống như đang phun thuốc độc vào tâm hồn trẻ. Những trẻ vị thành niên lớn lên trong sự oán ghét, cay nghiệt hoặc luôn phải lắng nghe những từ ngữ thô tục từ cha mẹ thì về sau, những vết thương lòng ấy sẽ ám ảnh trẻ đến suốt cuộc đời. Việc dạy dỗ trẻ bằng roi vọt sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn trẻ. Và khi trưởng thành, điều đó sẽ làm cuộc sống của trẻ khó khăn hơn rất nhiều.
Thế nhưng, có một yếu tố gây tổn thương cho tâm hồn trẻ vị thành niên nhiều hơn cả việc bị ngược đãi, đó là việc trẻ rút ra kết luận tiêu cực dựa trên những gì mình đã quan sát và trải nghiệm từ cha mẹ. Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ đi vào con đường bạo lực thường đã bị ngược đãi hoặc thiếu thốn tình yêu thương. Garbarino miêu tả về hành động của những đứa trẻ hung bạo như sau: "Chúng sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác. Chúng có thể đánh nhau, trộm cắp, sống buông thả nhưng khi không còn ai xung quanh, chúng khóc cho đến khi ngủ thiếp đi. Đằng sau những đứa trẻ hung bạo đó là những người cha, người mẹ đã ngược đãi chúng. Hãy giúp đỡ chúng bằng tình yêu thương. Tình yêu thương không hành hạ ai cả. Tình yêu chỉ bồi đắp, nuôi dưỡng con người mà thôi".
Hãy là những bậc cha mẹ biết cách chăm sóc con trẻ
Để nuôi dạy một trẻ vị thành niên, trước hết bạn cần phải biết cách nuôi dưỡng chính bản thân mình. Sự thật là có rất nhiều người không được lớn lên trong sự nuôi dưỡng tích cực của gia đình nên về sau, khi trở thành cha mẹ, họ đã áp dụng cách thức nuôi dạy đó cho con cái của mình. Nếu bạn cũng đang rơi vào tình trạng này thì việc đầu tiên là bạn phải đối mặt với nỗi đau của bản thân và học cách kiểm soát cơn giận của mình.
Bạn có thể thực hiện được điều này thông qua việc đọc những cuốn sách viết về cách đối mặt với cơn giận dữ, tham gia vào các hoạt động tập thể, đến những trung tâm văn hóa hoặc tìm đến các nhà tư vấn tâm lý. Không bao giờ là quá muộn để đối mặt và loại bỏ những ký ức tăm tối. Các con bạn xứng đáng được nhận những gì tốt đẹp nhất và bạn sẽ không thể mang đến cho chúng những điều đó nếu không xử lý được quá khứ của mình.
Các bậc phụ huynh biết cách nuôi dạy con luôn cố gắng hình thành cho mình những quan điểm tích cực trong cuộc sống. Họ không phủ nhận những gì đã qua nhưng họ biết chọn con đường lạc quan nhất. Họ tìm kiếm ánh mặt trời sau những đám mây để soi sáng tâm hồn con trẻ cũng như phát hiện những điều tích cực trong hành động, lời nói của con trẻ để khích lệ và khen ngợi chúng. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu năm ngôn ngữ yêu thương của trẻ vị thành niên. Sử dụng nhuần nhuyễn năm ngôn ngữ này sẽ giúp bạn nuôi dưỡng được tâm hồn trẻ và nâng cao giá trị cuộc sống của chúng.
Nhận ra được tác động của việc chăm sóc trẻ
Sở dĩ tình cảm yêu thương trở nên quan trọng đối với tuổi vị thành niên là vì nó tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng. Khi không cảm nhận được tình yêu thương, trẻ sẽ cho rằng: "Không ai thực sự quan tâm đến mình cả". Khi đó, mọi động lực để trẻ học hỏi và vươn lên sẽ tiêu tan. Chúng sẽ tự hỏi: "Tại sao mình phải đi học chứ? Dù sao thì có ai quan tâm đến mình đâu".
Cảm giác không được yêu thương cũng tác động lớn đến khả năng đồng cảm của trẻ. Khi đó, trẻ sẽ khó khăn hơn trong việc hiểu và đánh giá đúng tác hại của những hành vi sai trái của chúng đối với mọi người. Một nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội liên quan đến bạo lực thường ít có khả năng đồng cảm và chia sẻ. Theo Daniel Goleman, "cảm xúc tinh tế" bắt nguồn từ khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác, cùng họ vượt qua những thử thách và chờ đợi những điều tốt đẹp của cuộc sống. Vì thế, nếu thiếu đi cảm xúc tinh tế này, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc liên kết tích cực với mọi người xung quanh.
Không những thế, thiếu sự thấu hiểu sẽ tác động đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách và tâm hồn trẻ. Trong độ tuổi vị thành niên, các tiêu chuẩn về nhân cách của một con người sẽ được hình thành. Nếu như trước đây, những tiêu chuẩn này được đặt ra từ cha mẹ thì bây giờ, trẻ sẽ tự hình thành những khái niệm cơ bản của riêng mình về phạm trù đạo đức. Nếu thiếu đi xúc cảm yêu thương, chúng sẽ không thể thấu hiểu được người khác cũng như ít khi có cảm giác hối hận khi làm tổn thương những người xung quanh. Còn về khía cạnh tinh thần, nếu nhu cầu yêu thương không được đáp ứng, trẻ vị thành niên sẽ hoài nghi về đức tin và tín ngưỡng. Điều này lý giải tại sao nhiều trẻ vị thành niên thiếu vắng tình yêu thương đã quay lưng lại với tín ngưỡng và bộc lộ sự chống đối với cha mẹ.
Nói tóm lại, sự phát triển về tri thức, ý thức xã hội, tinh thần và tâm hồn của trẻ vị thành niên sẽ được nâng cao một cách đáng kể nếu giai đoạn này trẻ nhận được nhiều tình yêu thương. Ngược lại, trẻ vị thành niên sẽ trở nên hư hỏng và khô khan về mặt cảm xúc nếu những nhu cầu yêu thương của trẻ không được đáp ứng.
Nhu cầu cơ bản nhất: Cảm nhận được yêu thương
Theo các nhà xã hội học, tâm lý học, nhu cầu cơ bản của trẻ vị thành niên chính là cảm nhận được yêu thương từ những người có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời chúng. David Popenoe, giáo sư xã hội học Đại học Rutgers và là cộng tác viên của Hội Gia đình ở Mỹ, đã cho biết: "Trẻ em được phát triển tốt nhất khi chúng có được những mối quan hệ ấm áp, thân mật, liên tục và dài lâu với cả cha và mẹ chúng". Nhà tâm lý học Henry Cloud và John Townsend bổ sung: "Không có gì tuyệt vời đối với sự phát triển của trẻ vị thành niên hơn là tình yêu thương".
Tìm kiếm tình yêu thương sai chỗ
Có một sự thật rằng nếu cha mẹ hoặc những người lớn quan trọng trong cuộc đời trẻ vị thành niên không đáp ứng được nhu cầu yêu thương của chúng, chúng sẽ tìm kiếm tình yêu ở những nơi khác. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi trẻ tìm đến những người xấu. Sau khi phạm tội, Luke Woodham - một cậu bé 16 tuổi – đã cho biết cậu bị cô lập và ngược đãi trong gia đình và trường học. Sau đó, cậu bé đã dễ dàng bị lôi kéo vào một nhóm trẻ hư hỏng trong khu phố. Cậu cho biết: "Tôi đã bị bỏ rơi và luôn cảm thấy cô đơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng tôi cũng đã tìm được một vài người muốn trở thành bạn tôi". Garbarino đã kết luận: "Những đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương và bị ngược đãi luôn là mục tiêu đầu tiên của những thành phần bất hảo trong xã hội".
Sau nhiều năm tìm hiểu về trẻ vị thành niên bạo hành và lầm lỗi, Garbarino kết luận: "Không có gì đe dọa tâm hồn của con người hơn sự ngược đãi và thiếu thốn tình yêu thương".
Nhiệm vụ quan trọng của các bậc phụ huynh là học cách đáp ứng nhu cầu yêu thương của con trẻ một cách hiệu quả. Trong năm chương kế tiếp, tôi sẽ lần lượt giới thiệu năm ngôn ngữ yêu thương cơ bản - năm cách thức hiệu quả nhất để giữ đầy chiếc bình cảm xúc của trẻ vị thành niên. Trước đây, tôi đã nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm này trong các bài diễn thuyết về cách dạy dỗ trẻ và nhận được phản ứng tích cực từ nhiều phụ huynh. Và tôi mong bạn sẽ đạt được kết quả như mong muốn sau khi áp dụng chúng.