Tất cả chúng ta đều mong muốn mình sẽ thành công trong cuộc sống, và những người độc thân cũng vậy. Nhưng làm sao để thành công?
Tỷ phú J. Paul Getty đã trả lời câu hỏi trên như sau: “Hãy dậy sớm, làm việc thêm giờ và kinh doanh dầu mỏ!”. Có thể công thức này đúng đối với Getty nhưng với nhiều người khác thì không. Một người bạn của tôi lại cho rằng: “Thành công là làm hết sức mình với những gì bạn có”. Tôi thích định nghĩa này.
Mọi người đều có khả năng làm được một điều gì đó tốt đẹp cho đời. Thành công không được đo bằng số tiền bạn sở hữu hay chức tước bạn đang nắm giữ mà chính là từ những gì bạn đã làm được. Chức tước và tiền bạc có thể bị tiêu xài một cách hoang phí và mất đi nhưng nó cũng có thể trở thành công cụ đắc lực dùng để giúp đỡ người khác.
Chúng ta thường dùng từ “thành công” trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, chẳng hạn như học vấn, sự nghiệp, gia đình, tín ngưỡng, các mối quan hệ… Khi ta xem xét một người thành công ở một lĩnh vực, nghĩa là khi đó, ta đang nói đến việc họ đã đạt được mục tiêu nào đó trong đời họ.
Dù trong lĩnh vực nào và quan điểm về thành công của bạn là gì chăng nữa thì chắc chắn bạn sẽ được thành công dễ dàng hơn nếu biết bày tỏ tình cảm yêu thương của mình một cách hiệu quả.
Thành công trong kinh doanh
Hãy suy nghĩ một chút về thành công trong kinh doanh. Tom Peters, tác giả cuốn Thriving on Chaos, đã từng nói rằng: “Chỉ có những công ty luôn theo sát khách hàng mới có thể tồn tại và thành công được”. Rõ ràng, Peters đang nói về vai trò quan trọng của các mối quan hệ. Thành công thực sự trong kinh doanh bao giờ cũng được xây dựng trên nền tảng những mối quan hệ.
Nhà tâm lý Kevin Leman, tác giả cuốn Winning the Rat Race Without Becoming a Rat, đã nêu ra ba quy luật để thành công trong kinh doanh:
Thứ nhất: Tất cả mọi người đều có thể mua mọi món hàng nếu họ thích người bán món hàng đó.
Thứ hai: Mỗi lần nói chuyện là bạn lại xây dựng được thêm một mối quan hệ.
Thứ ba: Chỉ cần hiểu được khách hàng là bạn sẽ bán được hàng.
Leman kết luận rằng Quy luật Vàng: “Hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử” chính là chìa khóa để thành công trong kinh doanh. Như vậy, tất cả các quy luật trong kinh doanh đều đòi hỏi bạn phải biết yêu thương, và sẽ hiệu quả hơn nếu bạn biết sử dụng được ngôn ngữ yêu thương cơ bản của đối tác.
Thành công trong các mối quan hệ
Những nguyên tắc để thành công trong kinh doanh cũng chính là những quy tắc để thành công trong quan hệ nhân sự. Nhiều công ty danh tiếng cho biết tài sản quý giá nhất chính là nguồn nhân viên đang làm việc cho họ. Họ hiểu rằng môi trường làm việc không tốt sẽ gây ra căng thẳng trong công sở và làm giảm hiệu suất lao động. Và theo tôi, cách tốt nhất để thay đổi không khí nơi công sở chính là hiểu và sử dụng khái niệm Năm ngôn ngữ tình yêu.
Trở lại chuyện của Becky và Lauren
Quay lại chuyện của Lauren, người chúng ta đã gặp ở chương 12. Lauren không thích người đồng nghiệp Becky vì cô cảm thấy Becky không làm tròn phận sự. Cô quyết định sẽ khám phá ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Becky để xem chuyện gì sẽ xảy ra khi cô thể hiện tình cảm và sự trân trọng của mình đối với Becky. Lauren lên kế hoạch sẽ làm ít nhất một việc gì đó cho mỗi đồng nghiệp để khiến cuộc sống của họ trở nên tốt hơn trong năm tới. Vì vậy, cô đã hỏi ý kiến Becky và những người khác trong phòng.
Becky đã lật ngược tình thế bằng cách nói với Lauren: “Tôi sẽ làm việc gì đó cho chị nếu chị cũng làm điều gì đó cho tôi”. Sau khi suy nghĩ, Lauren đã đồng ý. Cô yêu cầu Becky chia sẻ với cô nhiệm vụ pha cà phê cho mọi người trong văn phòng mỗi sáng. Becky đồng ý và đề nghị Lauren hãy nói ra những lời ghi nhận với việc cô đã làm: “Những lời động viên có ý nghĩa lớn đối với tôi. Nhưng tôi có cảm giác lúc nào mình cũng chỉ nhận được những lời phê bình. Tôi chỉ muốn cảm nhận được rằng có người ghi nhận sự cố gắng của tôi". Lauren nhận ra ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Becky chính là lời khen ngợi. Và phần sau của câu chuyện đã diễn ra như thế này:
Lauren đã rất vất vả khi thực hiện yêu cầu của Becky. Làm sao Lauren có thể nói được những lời khen ngợi Becky trong khi cô hoàn toàn không ưa người đồng nghiệp ấy? Lauren quyết định sẽ bắt đầu nói những lời khen ngợi với Becky từ việc Becky pha cà phê mỗi tuần. Ngày thứ tư của tuần đầu tiên, Lauren nói với Becky: “Thật không biết phải cảm ơn cô thế nào về việc cô đã giúp tôi pha cà phê cho mọi người trong tuần này. Thật tuyệt vời khi được nghỉ ngơi một bữa. Tôi rất biết ơn cô vì cô đã giúp tôi”.
“Nếu như tôi còn giúp được gì khác. . .”
- Tôi rất vui vì có thể giúp chị. - Becky nói. - Tôi cũng rất biết ơn chị vì chị đã cho tôi cơ hội để làm những việc này. Nếu như tôi còn giúp được gì khác thì chị cứ nói cho tôi biết. Đừng ngại nhé!
Lauren quay về bàn và cảm thấy hết sức bất ngờ trước những lời nói của Becky. Lần đầu tiên Lauren thấy Becky tự nguyện xin giúp đỡ người khác. “Tại sao mình lại không phát hiện ra ngôn ngữ yêu thương này sớm hơn nhỉ?” - Lauren tự nhủ. -
“Giờ mình sẽ nhờ cô ấy làm điều gì tiếp đây? Nhưng mình không thể làm được điều này nếu không ghi nhận ở Becky một việc nào đó. Vấn đề là ghi nhận việc gì bây giờ?”.
Lauren tạm gác suy nghĩ này qua một bên và tiếp tục làm việc. Ngay hôm sau, cô thấy tóc Becky có chút thay đổi. Nếu là trước đây, có lẽ Lauren đã không màng nói đến chuyện này; nhưng bây giờ thì khác. Cô nói với Becky một cách tự nhiên:
- Tôi rất thích kiểu tóc của cô hôm nay. Trông rất hợp với cô.
- Cám ơn chị. - Becky nói. - Tôi muốn đổi lâu lắm rồi nhưng mãi đến hôm nay mới có đủ can đảm.
- Nhìn đẹp lắm mà. - Lauren nói. Hai ngày sau, Lauren nói với Becky:
- Tối qua, lúc ra về tôi thấy cô vẫn còn làm việc. Cô ở lại làm thêm có lâu lắm không?
- Khoảng 20 phút. - Becky nói. - Tôi muốn làm cho xong phần việc đang dở dang.
- Việc đó còn nằm ngoài nhiệm vụ của cô. Tôi sẽ nói với Ray để anh ấy biết sự chăm chỉ của cô.
- Cám ơn chị. - Becky nói.
Lauren ngồi vào bàn làm việc và nghĩ: “Mình bắt đầu quen với việc này rồi”.
“Tôi sẽ rất hạnh phúc khi được…”
Tuần sau đó, Lauren đến gặp Becky và nói:
- Có phải hôm trước cô nói nếu có việc gì cần thì cô có thể giúp tôi, phải không?
- Vâng. - Becky trả lời.
- Tôi biết lát nữa cô sẽ tới nhà in. Vậy cô có thể lấy giùm tôi một ít giấy in không?
- Tôi rất sẵn lòng. - Becky nói.
- Thực ra nếu cô muốn, - Lauren nói, - chúng ta cũng có thể thay phiên nhau làm việc này giống như việc pha cà phê vậy. Ít nhất thì nó cũng giúp ta không lặp lại việc làm của mình trong tuần.
- Ồ, tôi rất sẵn lòng làm mà. - Becky nói. - Tôi muốn đi tới nhà in bởi tôi đang thích một anh chàng ở đó. Bây giờ thì chưa có gì nhưng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tiến triển tốt hơn.
Hai người cười chào nhau và Lauren bước đi.
Trong mấy tháng sau đó, Lauren tiếp tục nói những lời khen ngợi với Becky và Becky vẫn tiếp tục đáp lại những yêu cầu giúp đỡ của Lauren.
Chưa hết năm, cả hai đã cùng nhau đi ăn trưa, điều chưa từng xảy ra trước đó.
- Chúng tôi đã thực sự trở thành bạn bè. - Lauren nói. - Nó đã cho tôi thấy sức mạnh của tình yêu, đặc biệt là khi ta sử dụng đúng ngôn ngữ yêu thương của ai đó. Điều này đã làm thay đổi hẳn bầu không khí làm việc trong văn phòng của chúng tôi, chứ không chỉ là quan hệ giữa tôi với Becky.
Lauren rất thích cách mà cô đã dùng để có được mối quan hệ tốt đẹp với Becky.
Tình yêu có phải là giả tạo?
Làm như thể bạn yêu người đó
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ ý tưởng yêu thương cả những người mà ta ghét: “Việc yêu thương như thế có phải là sự giả tạo không? Ta không có được những cảm xúc tốt đẹp trong khi lại nói và làm những điều tốt đẹp”. Câu hỏi đó khiến tôi nhớ đến lời của C. S. Lewis - một học giả người Anh:
“Một quy tắc cực kỳ đơn giản có thể áp dụng cho tất cả chúng ta là: Đừng phí thời gian xem bạn có “yêu” người hàng xóm không, hãy cứ làm như thể bạn yêu họ đi. Khi đó, bạn sẽ có cơ hội khám phá nhiều bí mật to lớn của cuộc sống. Khi bạn làm như thể mình yêu ai đó, bạn sẽ dần dần yêu người đó thật. Ngược lại, nếu bạn làm tổn thương người mình ghét, bạn sẽ chỉ cảm thấy căm ghét người đó hơn mà thôi”.
Cảm giác của bạn không phải lúc nào cũng đúng
Đôi lúc, tình yêu là một lựa chọn trái với cảm xúc của bạn. Nó tương tự như việc tôi phải thức dậy vào mỗi buổi sáng vậy. Nếu được lựa chọn thì chắc chẳng bao giờ tôi chọn việc thức dậy vào buổi sáng cả. Gần như sáng nào tôi cũng làm ngược lại cảm xúc của mình - thức dậy và làm một việc gì đó có ý nghĩa với mình. Nhưng tới cuối ngày, tôi luôn cảm thấy dễ chịu vì mình đã làm điều đó. Tình yêu không phải là cảm xúc; nó là một cách hành xử. Cảm xúc thay đổi theo cách hành xử. Chính vì thế, cảm xúc yêu thương thường đi theo hành động yêu thương. Khi tôi có những hành động yêu thương người khác, tôi cũng đã mang lại cho bản thân mình nhiều điều tốt đẹp. Nếu ta sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của người kia thì ta sẽ kích thích được thêm nhiều cảm giác tích cực trong lòng họ.
Việc yêu thương người khác luôn đòi hỏi bạn phải nỗ lực không ngừng, nhưng lợi ích mà nó đem lại là vô cùng lớn lao.
Con đường dẫn đến một mối quan hệ thành công
Học cách khám phá và sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người khác chính là một bước tiến khổng lồ trên con đường dẫn đến thành công.
Tim - một người có tính cách hướng ngoại - đã dành nhiều thời gian ở nhà với mẹ mình hơn sau khi biết được ngôn ngữ yêu thương cơ bản của bà. Anh đã đề nghị mẹ chuyển về sống chung với anh khi nghe nói bà muốn bán căn nhà cũ.
- Mẹ tôi đã 73 tuổi rồi và đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Khi tôi biết đến khái niệm Năm ngôn ngữ tình yêu, tôi nhận ra rằng ngôn ngữ yêu thương của mẹ là thời gian chia sẻ. Vì vậy, mỗi ngày, tôi đều dành thời gian nói chuyện với bà. Trước đó tôi cứ nghĩ đơn giản là mẹ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của tôi khi tôi đều đặn chu cấp cho bà mọi thứ. Nhưng tôi nhận ra vẻ mặt mẹ đã thay đổi hẳn khi tôi dành thời gian nói chuyện với bà. Tôi muốn tiếp tục tìm hiểu và áp dụng Năm ngôn ngữ tình yêu trong quan hệ giữa tôi với mẹ, cũng như với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè và có lẽ là cả trong mối quan hệ yêu đương của mình sau này nữa.
Đánh giá lại những điều đã xảy ra
Chúng ta luôn được lợi khi tự xem xét, đánh giá lại bản thân mình. Hãy suy nghĩ đến tình huống bạn nói chuyện với một người bạn, đồng nghiệp hay một người thân nào đó của mình và bảo với họ rằng: “Tôi có thể làm gì để khiến cuộc sống của bạn tốt hơn?”. Nếu bạn đủ mạnh dạn để hỏi thì hãy đủ can đảm và kiên nhẫn để lắng nghe. Những gì bạn nghe được chính là điều bạn cần làm để cải thiện quan hệ với người đó.
Nếu bạn thắc mắc: “Nhưng lỡ họ đòi hỏi điều quá sức với tôi thì sao?”; thì câu trả lời của tôi sẽ là: “Tình yêu là thế - làm thứ có ích cho người khác!”. Ta sẽ không bao giờ thành công nếu chỉ chọn làm những việc dễ dàng. Có một cách để biết chắc bạn có đang đi đúng hướng hay không – đó là hãy ghi nhớ: “Con đường thành công bao giờ cũng gập ghềnh”.
Yêu cả những người không yêu ta
Hầu như tất cả chúng ta đều thoải mái khi bày tỏ sự quan tâm với những người yêu thương mình. Chính vì thế, thử thách mà Chúa Jesus dành cho các tông đồ của Người hết sức khó khăn: “Các người đã nghe nói rằng: ‘Yêu hàng xóm và ghét kẻ thù’, nhưng ta thì nói rằng: ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người làm khổ ta’”.
Điều thú vị là Chúa Jesus đã dùng hình ảnh Thượng đế như một tấm gương để ta noi theo: “Cha của các người trên thiên đường... đã cho mặt trời tỏa sáng trên cả những người xấu lẫn người tốt, cho mưa rơi trên cả những người ngay thẳng lẫn gian ác”.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng: “Chỉ có Chúa mới làm được như thế. Còn tôi, tôi không phải Chúa nên không thể yêu được cả những người đã đối xử tệ với mình”. Điều này hoàn toàn hợp lý. Nhưng Kinh thánh cũng dạy rằng: “Thiên Chúa đã ban tình yêu của Ngài cho ta trong phép Thánh Thể”. Tất cả chúng ta đều tha thiết nhận được tình yêu. Và những người trao đi tình yêu chính là những người thành công.
Mẹ Teresa là người đã thấm nhuần chân lý này. Khi được hỏi: “Bà cảm thấy mình đã thành công ra sao?”, Mẹ bối rối một lúc mới trả lời: “Tôi không nhớ Chúa đã từng nói đến thành công. Tôi chỉ nhớ Người có nói đến sự thành khẩn trong tình yêu. Đó là thành công duy nhất có giá trị”. Mẹ Teresa đã mang đến tình yêu rộng lớn cho nhân loại. Mẹ đã mở rộng trái tim để làm cầu nối chuyển tải tình yêu của Chúa đến mọi người.
Cống hiến lớn lao nhất của người độc thân là trở thành cầu nối của tình yêu thương. Và tôi mong cuốn sách này có thể giúp bạn làm được điều đó một cách hiệu quả.
Những điều cần suy ngẫm
1. Bạn cảm thấy những mối quan hệ với đồng nghiệp của mình ra sao? Nếu muốn cải thiện một quan hệ của mình, bạn sẽ chọn ai?
2. Nếu bạn đã biết được ngôn ngữ yêu thương cơ bản của đồng nghiệp thì bạn sẽ nói hay làm gì để thể hiện tình cảm của mình một cách hiệu quả?
3. Bạn có thù ghét ai không? Tại sao bạn lại cảm thấy như thế? Bạn sẽ làm gì để cải thiện mối quan hệ này?
4. Hiện tại, mối quan hệ nào của bạn căng thẳng nhất? Bạn có sẵn sàng lập kế hoạch để cải thiện mối quan hệ này bằng cách học sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người đó không?