Cuộc sống của Amanda không dễ dàng chút nào. Cô là một người mẹ đơn thân với hai
đứa con đang ở tuổi vị thành niên, Marc - mười lăm tuổi, và Julie - mười ba tuổi. Cô đã nuôi dạy chúng một mình kể từ lúc chồng cô bỏ đi khi Marc lên mười.
Amanda hiểu rõ những tổn thương sau khi ly hôn và đã cố gắng vượt qua cảm giác bị chối bỏ của bản thân. Cô sống có trách nhiệm với bản thân mình. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, Amanda đã hoàn tất chương trình huấn luyện y tá và vào làm việc tại một bệnh viện địa phương. Amanda phải làm việc toàn thời gian ở bệnh viện bởi số tiền mà chồng cũ của cô đóng góp để nuôi dạy lũ trẻ rất ít ỏi và không đều đặn.
Dù đã đạt được nhiều thành công đáng khích lệ nhưng lúc nào Amanda cũng sống trong cảm giác day dứt thầm lặng. Vì yêu cầu của công việc, cô không thể dành nhiều thời gian cho các con như cô mong muốn. Không phải lúc nào cô cũng tham dự được những hoạt động ngoại khóa của con. Cô cảm thấy Julie và Marc đang lớn lên và dần rời xa vòng tay của mình. Cô tự hỏi liệu chúng đã chuẩn bị sẵn sàng cho những khó khăn đang chờ đợi phía trước hay chưa. Gần đây, Marc thường hay tranh cãi và phê phán cô trong khi Julie thì bắt đầu muốn hẹn hò nhưng cô lại cho rằng nó vẫn còn bé quá.
Trong văn phòng của tôi, Amanda nói: “Tôi không chắc là mình có làm đúng hay không. Tôi đã rất cố gắng nhưng đến thời điểm này, tôi không biết mình nên làm gì trong giai đoạn tuổi vị thành niên của các con nữa”.
Tâm sự của Amanda cũng chính là tâm sự của hàng trăm bậc cha mẹ đơn thân mà tôi đã được nghe trong nhiều năm qua. Dưới đây, tôi sẽ tập trung giúp các bạn đáp ứng được nhu cầu thương yêu của con một cách hiệu quả.
Trong xã hội không ngừng xoay chuyển này, đôi lúc ta cảm thấy đơn độc khi chỉ có một mình. Mục đích tôi viết cuốn sách này là để động viên và giúp đỡ hàng ngàn cha mẹ đơn thân như Amanda. Có thể bạn cũng là một người cha, người mẹ đơn thân hoặc quen biết một phụ huynh đơn thân nào đó đang cần sự động viên, giúp đỡ. Dù là ai chăng nữa thì bạn cũng nên nhớ rằng việc khám phá ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con trẻ là việc làm vô cùng cần thiết. Nó sẽ giúp bạn đầu tư tốt nhất lượng thời gian ít ỏi của mình cho việc đáp ứng nhu cầu tình cảm của con. Trẻ cần được trải nghiệm cả năm ngôn ngữ tình yêu nhưng nếu không nhận được đầy đủ ngôn ngữ yêu thương cơ bản của mình, khoang chứa tình cảm của trẻ cũng sẽ vơi cạn.
Kevin đã trải qua một ngày cuối tuần với cậu con trai Matt của mình. Hai người đã cùng xem bóng đá, rửa xe và chơi golf với nhau. Kevin cảm thấy rất tuyệt vời khi được ở bên con như thế. Chính vì vậy, có lẽ anh sẽ rất sửng sốt khi nghe được những lời Matt tâm sự với chuyên viên tư vấn vào thứ Ba tuần sau đó. Khi được hỏi: “Cháu cảm thấy thế nào về quãng thời gian ở bên cha cuối tuần vừa rồi?”, Matt đáp:
- Cha cháu và cháu làm rất nhiều việc với nhau. Nhưng cháu không nghĩ là cha thương cháu.
- Sao cháu lại nói thế?
- Vì cha chẳng bao giờ hỏi cháu về những suy nghĩ hay cảm nhận của cháu cả.
Việc cha con bất đồng trong cách nhìn nhận về quan hệ giữa đôi bên không có gì là lạ. Một nghiên cứu cho thấy nhiều bậc làm cha thường cho rằng mình đã quan tâm, yêu thương con trong khi con cái của họ vẫn cảm thấy bị bỏ rơi và chẳng có ý nghĩa gì đối với bố chúng cả.
Việc này cũng đúng với quan hệ giữa con cái và bậc cha mẹ đang sống cùng với trẻ. Tyler, 10 tuổi, nói: “Mẹ cháu đã làm việc rất vất vả. Cháu biết là mẹ yêu cháu nhưng ước gì mẹ đừng suốt ngày trách mắng cháu như thế”.
Gúp con bạn cảm nhận được tình thương...
Câu hỏi được đặt ra ở đây không phải là: “Bạn - với tư cách là một phụ huynh đơn thân - có yêu thương con bạn không?” mà là: “Con bạn có cảm nhận được tình yêu của bạn không?”. Chỉ có sự chân thành thì chưa đủ, ta phải học cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con nữa. Tôi tin rằng nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai trái của trẻ đa số bắt nguồn từ việc chúng không cảm nhận được tình thương yêu của cha mẹ và những người lớn quan trọng trong đời chúng. Mỗi đứa trẻ có một ngôn ngữ yêu thương cơ bản - loại ngôn ngữ có thể truyền tải và đáp ứng được nhu cầu tình cảm của trẻ nhiều nhất. Nếu các bậc phụ huynh không tìm được và sử dụng đúng ngôn ngữ tình yêu cơ bản đó thì trẻ sẽ vẫn không cảm nhận được tình cảm của bố mẹ, dù họ có sử dụng hết bốn ngôn ngữ còn lại chăng nữa.
Dưới đây, tôi sẽ tóm tắt lại năm ngôn ngữ yêu thương và ta sẽ cùng bàn về cách áp dụng chúng đối với con trẻ.
. . . Bằng những lời khen ngợi
Ngôn ngữ này giúp bạn khẳng định lại giá trị của con bạn thông qua lời nói. “Mẹ yêu con”, “Con mặc bộ váy đó đẹp lắm”, “Con xếp chăn ngay ngắn lắm”, “Con bắt bóng tuyệt lắm!”, “Cám ơn con đã rửa xe giúp cha”, “Cha rất tự hào về con"… là những lời ghi nhận.
Ba từ “Mẹ yêu con” cũng giống như một cơn mưa tưới mát tâm hồn trẻ. Ngược lại, những lời cay nghiệt có thể phá vỡ lòng tự trọng của trẻ và khiến chúng ghi nhớ suốt đời.
Với câu nói: “Mẹ cháu đã làm việc rất vất vả. Cháu biết là mẹ yêu cháu nhưng ước gì mẹ đừng suốt ngày trách mắng cháu như thế”, cậu bé Tyler đã tiết lộ ngôn ngữ yêu thương chính của mình là lời khen ngợi. Tyler cũng đã cho ta thấy một thực tế: Việc sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của trẻ theo hướng tiêu cực chỉ khiến trẻ tổn thương nhiều hơn mà thôi. Vì ngôn ngữ yêu thương của Tyler là lời khen ngợi nên những lời tiêu cực của mẹ càng khiến trái tim cậu bé bị tổn thương nhiều hơn.
. . . Bằng quà tặng
Một món quà mang đến thông điệp rằng: “Có người đang nghĩ đến mình. Hãy xem người đó đã cho mình món gì đây này”. Quà tặng không cần đắt tiền. Đôi lúc, quà tặng chỉ đơn giản là một hòn đá bạn nhặt dọc đường hay một bông hoa được hái trong vườn. Để tăng thêm giá trị cho món quà của mình, bạn hãy gói nó cẩn thận. Dù là đồng phục hay các vật dụng học tập chăng nữa thì khi được tặng theo cách này, nó cũng có thể trở thành một món quà rất ý nghĩa dành cho trẻ.
Bạn không nên tặng quà cho con bạn chỉ vì trẻ đã xếp giường hay dọn phòng. Những món quà như thế chỉ giống như một sự trao đổi vì trẻ đã hoàn thành một công việc nào đó chứ không phải một món quà theo đúng nghĩa. Quà tặng xuất phát từ tình yêu thương của bố mẹ chứ không phải là do trẻ đáng được tặng.
Nếu bạn đi công tác và đem về cho hai cô con gái hai con gấu bông thì đừng bất ngờ khi một đứa nhảy lên reo hò: “Cám ơn bố, cám ơn bố” rồi đặt tên cho con gấu và đặt nó vào vị trí đặc biệt trong phòng; còn đứa thứ hai chỉ nói “Cám ơn bố” rồi để con gấu sang một bên và bắt đầu hỏi bạn về chuyến đi. Trong khi ngôn ngữ yêu thương cơ bản của cô con gái thứ nhất của bạn là quà tặng thì với cô con gái thứ hai, thời gian chia sẻ mới chính là điều khiến cô bé hạnh phúc. Cô bé thích nhận được sự quan tâm của bạn hơn việc nhận được con gấu bông.
. . . Bằng sự tận tụy
Hãy thể hiện tình yêu thương của bạn bằng cách làm giúp trẻ những việc mà trẻ không thể tự làm. Chúng ta đã sử dụng thứ ngôn ngữ này từ rất sớm bằng cách thay tã, cho ăn và đáp ứng lại những nhu cầu thể chất của trẻ lúc mới chào đời. Trong
18 năm kế tiếp, cuộc sống của người làm cha mẹ sẽ có vô số những lần nấu ăn, giặt đồ, dán băng cá nhân, sửa xe đạp và hàng ngàn việc không tên khác.
Khi con lớn dần, chúng ta thể hiện tình yêu thương của mình bằng cách dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết để chúng tự chăm sóc bản thân, chẳng hạn thay vì nấu ăn cho chúng, ta sẽ dạy chúng cách chế biến một bữa ăn.
Sự tận tụy là một trong những cách thức thể hiện tình cảm với trẻ hiệu quả nhất. Mandy, 10 tuổi, tâm sự: “Cháu biết mẹ yêu cháu vì mẹ luôn giúp cháu làm bài tập, đặc biệt là môn toán”.
. . . Bằng thời gian chia sẻ
Thời gian chia sẻ có nghĩa là dành cho con bạn sự chú ý tuyệt đối. Đối với trẻ nhỏ, đó là khi được chơi bóng cùng bạn hoặc được nghe bạn đọc sách. Với trẻ lớn hơn, đó là khi được cùng bạn đi dạo trong rừng, vừa ngắm cảnh vừa trò chuyện. Mỗi trẻ có mức độ chín chắn khác nhau nên ta phải nương theo trẻ khi muốn dành thời gian chia sẻ cho chúng. Chúng ta phải dành thời gian tìm hiểu sở thích và thâm nhập vào thế giới của trẻ.
Việc ở bên cạnh nhau chưa hẳn đã tạo ra thời gian chia sẻ. Hai cha con cùng xem bóng đá nhưng đứa con chỉ cảm thấy đó là thời gian chia sẻ khi người cha tập trung tuyệt đối vào con mình. Nếu người cha chỉ tập trung vào trận bóng thì có thể đứa con sẽ cảm thấy bị chối bỏ, như lời cậu bé Matt đã nói ở trên. Hai cha con họ đã làm nhiều việc cùng nhau, nhưng Matt lại cảm thấy trống rỗng: “Vì bố chẳng bao giờ hỏi về những suy nghĩ và cảm nhận của cháu cả”.
. . . Bằng cử chỉ âu yếm
Cử chỉ âu yếm bao gồm việc ôm hôn, vỗ vai, nắm tay khi qua đường và thậm chí là vật nhau trên sàn.
Tôi hỏi cậu bé Jason, 11 tuổi:
- Theo thang điểm từ 0 tới 10, cháu cảm thấy cha cháu yêu thương cháu được tới đâu?
Không cần suy nghĩ, cậu bé đáp ngay:
- 10 điểm ạ!
Rồi khi tôi hỏi vì sao cậu bé lại cảm thấy như thế, cậu đáp:
- Cha thường đụng vào cháu mỗi khi đi ngang qua cháu, và đôi lúc cha còn vật lộn với cháu trên sàn nữa.
Hãy nhớ rằng, ngôn ngữ cử chỉ âu yếm là phương tiện truyền tải tình cảm rất hữu hiệu.
Tôn trọng ngôn ngữ yêu thương đặc trưng của trẻ
Có thể bạn đang nghĩ: “Tôi đã làm vài thứ cho con tôi, vậy là bây giờ con tôi đã cảm thấy được yêu thương rồi đúng không?”. Chưa hẳn. Một nguyên tắc thì không thể nào đúng với tất cả mọi người, vậy nên một ngôn ngữ yêu thương thì không thể đúng với mọi đứa trẻ. Mỗi trẻ có một ngôn ngữ yêu thương cơ bản riêng, khác biệt với ngôn ngữ yêu thương của những người anh em còn lại trong gia đình. Nếu muốn đáp ứng thành công nhu cầu tình cảm của trẻ, ta phải khám phá được ngôn ngữ yêu thương cơ bản của trẻ và thường xuyên sử dụng nó. Đó chính là cách hữu hiệu nhất để đong đầy khoang chứa tình cảm của trẻ.
Tôi không khuyên bạn chỉ nên sử dụng một ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con mình. Trẻ cần nhận được tình yêu thương thông qua cả năm ngôn ngữ, nhưng cần nhiều nhất vẫn là loại ngôn ngữ chính.
Một người cha đơn thân nói: “Tôi có hai đứa con gái sinh đôi. Tôi và vợ đã ly hôn . Ban đầu, tôi không biết cách giao tiếp với các con. Khi chúng bắt đầu lớn hơn, tôi biết mình phải cải thiện khả năng làm cha. Có người tặng tôi cuốn ‘Năm ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em’, và tôi đã đọc nó. Tôi rất bất ngờ khi phát hiện hai đứa con sinh đôi của tôi lại có ngôn ngữ yêu thương khác nhau như vậy. Một đứa là thời gian chia sẻ còn một đứa là cử chỉ âu yếm. Bây giờ, khi đã học được cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của chúng, tôi thấy mối quan hệ của ba cha con tôi trở nên gần gũi hơn rất nhiều”.
làm sao để khám phá ra ngôn ngữ yêu thương của con bạn?
Vậy làm thế nào để khám phá ra ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con bạn? Hãy xem lại những nguyên tắc ta đã bàn trước đây:
1. quan sát cách trẻ thể hiện tình cảm với bạn: Nếu con gái bạn luôn mong muốn được bạn ôm vào lòng thì có thể ngôn ngữ yêu thương cơ bản của cô bé là cử chỉ âu yếm. Nếu con trai bạn luôn khen hay cám ơn: "Mẹ, bữa ăn hôm nay rất ngon" thì ngôn ngữ yêu thương cơ bản của cậu bé có thể là lời khen ngợi.
2. Lắng nghe yêu cầu của con: Những yêu cầu của trẻ thường thể hiện ngôn ngữ yêu thương của chúng: “Bố ơi, mình ra công viên chơi đi”; “Mẹ ơi, đọc truyện cho con nghe nhé”. Khi đó, trẻ đang đòi hỏi thời gian chia sẻ và rất có thể đó cũng chính là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của chúng.
3. Lắng nghe những lời phàn nàn: “sao bố không mang quà về cho con?” có thể là cách con bạn cho bạn biết ngôn ngữ yêu thương cơ bản của nó là quà tặng. Hay khi con bạn nói: “Từ khi bố đi rồi mình chẳng còn tới bãi biển nữa” có thể là dấu hiệu chứng tỏ rằng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của trẻ là thời gian chia sẻ.
Nếu những cách này vẫn không giúp bạn khám phá ra ngôn ngữ yêu thương của con thì bạn có thể thử nghiệm bằng cách mỗi tuần sử dụng thử một ngôn ngữ yêu thương và quan sát phản ứng của con bạn. Khi bạn dùng đúng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con trẻ, thái độ của trẻ sẽ thay đổi hẳn.
Kathy miêu tả bản thân mình là “một người mẹ đơn thân vất vả, tha thiết mong nuôi con lớn lên trong tình yêu thương”. Sau khi ly dị, cô đã gặp rất nhiều vấn đề với các con của mình. Khi tìm hiểu cách giải quyết vấn đề, cô đã đọc Năm ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em và nhận ra rằng mỗi đứa có một ngôn ngữ yêu thương khác nhau.
- Tôi nhận thấy quà tặng là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của đứa con lớn - Miranda. Nó rạng rỡ hẳn lên khi nhận được một món quà nào đó. Không nhất thiết phải là quà tặng đắt giá; đôi lúc chỉ cần một vật lưu niệm nho nhỏ thể hiện tình cảm là được rồi. Nó thường khoe với bạn bè về những món quà mà tôi đã tặng. Điều đó đã thay đổi thái độ của nó đối với tôi. Còn cậu con trai Jordan 10 tuổi lại có ngôn ngữ yêu thương cơ bản là thời gian chia sẻ. Nó thích ở cùng tôi. Chúng tôi cùng đọc sách mỗi đêm và tôi bắt đầu thích xem thằng bé chơi game. Nó cũng thích sự hiện diện của tôi. Đôi lúc tôi phải rất cố gắng mới có thể dành cho thằng bé sự chú ý tuyệt đối. Nhưng một khi tôi đã dành được thời gian để ở bên cạnh Jodan thì thằng bé rất thích.
Tôi khuyên bạn không chỉ sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của trẻ mà còn nói cho ông bà, cô dì chú bác hay những người lớn quan trọng khác trong cuộc sống của trẻ như giáo viên chủ nhiệm của con biết điều này. Trẻ cần cảm nhận được tình yêu thương từ những người họ hàng, bạn bè, thầy cô giáo chứ không chỉ mỗi người chăm sóc chính.
Trừng phạt và ngôn ngữ yêu thương
Patti đã tham dự một buổi nói chuyện dành cho những phụ huynh đơn thân của tôi và cô nhận ra rằng lời khen ngợi chính là ngôn ngữ yêu thương của đứa con trai Phillip 11 tuổi của cô. Patti cũng nhận ra rằng suốt 6 tháng qua, cô đã nói rất nhiều lời tiêu cực với con mình về chuyện bài vở ở trường cũng như cách nó đối xử với em gái. Cô quyết tâm trong vài tuần tới, cô sẽ nói với con những lời tích cực hơn.
- Thật khó tin được những điều vừa xảy ra. - Patti nói. - Chưa tới một tuần, Phillip đã có thái độ khác hẳn. Bây giờ, công việc đầu tiên mà Phillip làm mỗi buổi chiều là hoàn thành bài tập về nhà mà không cần tôi phải nhắc nhở. Và tôi thấy thái độ của thằng bé với em gái cũng khác đi. Thật khó tin là chỉ cần sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Phillip là có thể khiến thằng bé thay đổi nhiều đến vậy.
Đong đầy tình yêu thương
Đong đầy tình cảm của trẻ không có nghĩa là sẽ loại bỏ được mọi hành vi không tốt của trẻ. Điều này chỉ có nghĩa là trẻ sẽ có hành vi tốt hơn nếu khoang chứa tình cảm của chúng được đong đầy.
Khi con bạn mắc lỗi và bạn cần phạt cháu, hãy đong đầy khoang chứa tình cảm của trẻ trước khi đưa ra hình phạt. Khi bị phạt mà không cảm nhận được tình cảm yêu thương từ bố mẹ mình, trẻ sẽ rất dễ nổi loạn.
Thể hiện tình thương trước và sau khi trừng phạt
Chính vì thế, tôi đề nghị các bậc phụ huynh hãy sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con mình một cách có ý thức, cả trước lẫn sau khi áp dụng hình phạt đối với chúng.
Chẳng hạn, bạn quy ước với trẻ là không được chơi bóng đá trong nhà và nếu vi phạm, quả bóng sẽ bị tịch thu cất giữ trong vòng 2 ngày. Thêm vào đó, nếu có đồ vật gì đó bị vỡ, trẻ sẽ phải đền bằng tiền quà vặt của chúng. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi con bạn vi phạm quy ước? Cả hai người đều đã biết hình phạt là gì. Tuy nhiên, cách bạn thực hiện hình phạt ấy ra sao mới chính là điều quan trọng. Giả sử ngôn ngữ yêu thương của con bạn là lời khen ngợi thì bạn có thể thực hiện hình phạt theo cách sau:
Bạn bước vào nhà và nói với con: “Một trong những điều mẹ thích nhất ở con đó là con luôn thực hiện đúng những quy định của mẹ con mình. Đối với mẹ, đó là một đức tính rất tốt và là dấu hiệu cho thấy con đã trưởng thành hơn. Nhưng hôm nay, con đã chơi bóng trong nhà và làm vỡ cửa kính. Như vậy, quả bóng của con sẽ phải nằm trong rương hai ngày và con sẽ phải lấy tiền quà vặt của con ra đền lại tấm kính vỡ. Nhưng dù sao thì mẹ vẫn tự hào là con ít khi để xảy ra việc này. Và mẹ lấy làm vui mừng vì điều đó”.
Khi làm như thế, bạn đã thực hiện việc trừng phạt trẻ trong tình yêu thương. Có thể con bạn sẽ đón nhận hình phạt này với thái độ tích cực.
Nhưng nếu bạn bước vào phòng và chỉ nói với trẻ rằng: “Con biết là con không được ném bóng trong nhà mà. Nhưng hãy xem hôm nay con đã làm gì nào. Con làm vỡ kính rồi. Con biết kết quả là sao rồi, đúng không? Đem bóng vào trong rương cất đi; và tiền quà vặt tuần này của con sẽ được dành để mua kính thay đấy”. Sau đó bạn bước thẳng ra khỏi phòng. Trong trường hợp này, rất có thể con bạn vừa cất quả bóng vừa nghĩ: “Mình đã cố làm theo quy định rồi. Chỉ mới vi phạm có một lần mà mẹ đã la mắng mình đến thế ”.
Trẻ không nổi loạn vì hình phạt mà là với cách bạn thực hiện hình phạt bởi khi ấy, chúng cảm thấy bị chối bỏ nhiều hơn là được yêu thương.
Đáp ứng nhu cầu yêu thương của riêng bạn
Tôi đã nói rất nhiều về những việc mà các phụ huynh cần làm để đáp ứng nhu cầu tình cảm của con mình. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng các bậc phụ huynh cũng có nhu cầu tình cảm tương tự như con cái họ. Trong cuốn Năm ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em, tôi có đề cập đến vấn đề này và đã nhắc nhở các bậc phụ huynh đơn thân cần nhận ra nhu cầu của bản thân mình:
“Khi trẻ cảm thấy hối hận, sợ hãi, giận dữ và không an toàn, có thể một trong hai hoặc cả hai phụ huynh của trẻ cũng đang trải qua những cảm xúc đó. Chẳng hạn như người mẹ đã từng bị chồng bỏ rơi hoặc đánh đập trong quá khứ vẫn đang phải sống trong cảm giác tổn thương, cô đơn và giận dữ. Cha mẹ đơn thân cũng có nhu cầu tình cảm như tất cả mọi người. Khi những nhu cầu đó không được người chồng/vợ cũ hay con cái đáp ứng, họ thường tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè. Đây là cách rất hữu hiệu có thể giúp họ được đong đầy tình cảm.
Tuy nhiên, bởi vì nhu cầu tình cảm của phụ huynh đơn thân quá lớn nên họ có nguy cơ bị người khác phái lợi dụng về mặt tình dục, tài chính hay tình cảm. Họ cần cẩn thận khi làm quen với những người bạn mới. Nguồn cung cấp tình cảm an toàn nhất chính là từ bạn bè lâu năm hay người thân. Nếu cứ cố tìm cách thỏa mãn nhu cầu tình cảm của mình một cách thiếu trách nhiệm, họ chỉ càng khiến bi kịch đời mình chất chồng mà thôi”.
Nếu đã ly hôn hay chồng/vợ của bạn qua đời, bạn hãy cho mình thời gian để đau buồn, và rồi sau đó mọi chuyện sẽ dần nguôi ngoai. Một cách giải tỏa tích cực là thường xuyên nói chuyện với người thân hoặc bạn bè về cảm giác của bạn, từ sự đau khổ, giận dữ, chán nản cũng như cả những nỗ lực vượt qua niềm đau đó. Nếu có thể, bạn hãy dành thời gian tham gia những khóa học hoặc những nhóm xã hội dành cho các bậc cha mẹ đơn thân.
Nếu biết cách đấu tranh theo chiều hướng tích cực, bạn sẽ trở thành tấm gương tốt cho con cái noi theo. Nhà tâm lý học Sherill và Prudence Tippins đã nói: “Món quà tốt nhất bạn có thể tặng cho con mình đó là sự khỏe mạnh về cảm xúc, thể chất, tinh thần và tri thức của chính bạn”. Có một sự thật là có thể bạn sẽ phải làm một phụ huynh đơn thân trong nhiều năm nữa. Chính vì thế, hãy cố gắng trở thành tấm gương về sự chính trực và trách nhiệm để các con bạn noi theo. Hy vọng rằng việc hiểu được Năm ngôn ngữ tình yêu này sẽ giúp bạn đạt được mục đích này.
Những điều cần suy ngẫm
1. Nếu bạn không biết ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con bạn là gì thì hãy trả lời những câu sau:
• Con bạn thể hiện tình cảm với mọi người bằng cách nào nhiều nhất?
• Con bạn hay phàn nàn về điều gì nhất?
• Con bạn hay đòi hỏi điều gì nhất?
2. Bạn có thể cải thiện cách thức trừng phạt con trẻ bằng cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của chúng không?
3. Bạn sử dụng ngôn ngữ yêu thương chính của con mình để giảm nhẹ nỗi đau trong lòng con bạn như thế nào?
4. Nếu là một phụ huynh đơn thân, bạn đáp ứng nhu cầu tình cảm cá nhân của mình như thế nào? Ai là người mà bạn có thể tìm đến nương tựa khi gặp chuyện đau buồn?
5. Bạn có tham gia vào các khóa học hoặc các nhóm dành cho phụ huynh đơn thân tại địa phương mình không? Nếu không, bạn có thể tự tổ chức các nhóm hoặc khóa học cho những người có hoàn cảnh như bạn.