Ngôn ngữ Tâm lý học là ngành chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của ngôn ngữ đến tính cách con người. Hầu như tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng từ những gì ta thường nghe hàng ngày. Nhiều người may mắn được trưởng thành trong môi trường ngôn ngữ lành mạnh; được nghe những ngôn từ vui tươi và êm đẹp. Nhưng một số khác thì lại lớn lên trong môi trường ngôn ngữ tiêu cực. Khi ấy, giữa hai nhóm người này sẽ có sự khác biệt lớn trong tính cách cũng như cách thức hành động. Thành ngữ của người Do Thái không nói quá khi cho rằng: “Cái lưỡi có sức mạnh định đoạt sống chết”.
Chính vì vậy, việc “lời khen ngợi” trở thành một trong năm ngôn ngữ yêu thương là điều hoàn toàn dễ hiểu. Những người lớn lên trong môi trường ngôn ngữ tiêu cực sẽ gặp nhiều khó khăn khi học cách bày tỏ tình yêu thương và nói những lời khen ngợi. Đối với nhiều người, điều này đồng nghĩa với việc họ phải học cả một hệ thống từ ngữ mới đồng thời xóa bỏ những từ ngữ không tốt cứ chực tuôn ra khỏi miệng. Việc này còn đòi hỏi họ phải học cách lắng nghe những lời khen ngợi của người khác.
Có thể đó không phải là ngôn ngữ tình yêu chủ yếu của bạn, nhưng hãy nhớ rằng tất cả mọi người đều thích được nghe những lời khen ngợi. Vậy thì làm thế nào để sử dụng ngôn ngữ này hiệu quả nhất?
Đối với nhiều người, đây được xem như là “tiếng mẹ đẻ” của họ. Họ lớn lên trong môi trường ngôn ngữ lành mạnh, được nghe nhiều lời khen ngợi ngay từ khi còn nhỏ. Với họ, việc sử dụng ngôn ngữ tình yêu này tương đối dễ vì họ đã được thực hành nó từ trước đó nhiều năm. Những người này được xem là người ủng hộ bởi họ đã không ngừng cổ vũ, khích lệ và thể hiện lòng biết ơn của mình đối với người khác.
Nhưng đối với nhiều người, “lời khen ngợi” xa lạ như một ngoại ngữ vậy. Họ chưa từng nói hay nghe những lời như thế. Vì thế trong chương này, tôi sẽ đưa ra một số gợi ý về cách thức sử dụng loại ngôn ngữ yêu thương này. Hãy theo dõi câu chuyện của Brian dưới đây để hiểu được bản chất của ngôn ngữ tình yêu Lời khen ngợi và tác động của nó đến các mối quan hệ.
Tôi gặp Brian tại một cuộc hội thảo của những người độc thân. Brian là một anh chàng cao lớn và đẹp trai – mẫu người lý tưởng của nhiều cô gái. Tuy nhiên, Brian lại không may mắn trong việc tạo lập mối quan hệ với các bạn gái. Và đó là lý do anh muốn nói chuyện với tôi.
Brian: người hùng trên sân bóng và kẻ thất bại trong các mối quan hệ
Brian là cầu thủ bóng bầu dục suốt thời học phổ thông và đại học. Anh đã đối mặt với nhiều khó khăn nhưng dường như tất cả đều không phải là trở ngại với anh.
- Việc chơi bóng đòi hỏi ở bạn những điều gì?
- Brian tự hỏi rồi tự trả lời. - Một cơ thể khỏe mạnh, một cái đầu thông minh và sự khổ luyện. Nhưng điều khiến tôi đau đầu hơn cả lại chính là “các mối quan hệ”. Quả thật, việc này còn gian nan hơn mọi thử thách mà tôi từng gặp trong môn bóng bầu dục.
Với ánh mắt buồn bã và tuyệt vọng, Brian nói tiếp:
- Sự nghiệp của tôi đã ổn định và đã đến lúc tôi phải nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nhưng hiện nay tôi chẳng có cô bạn gái nào. Dường như tôi không thể thân thiết với ai được. Tôi cũng đã từng hẹn hò nhưng mọi chuyện chẳng đi tới đâu cả.
Nhận thấy Brian đang rất hoang mang và nghiêm túc nên tôi đi thẳng vào chuyện của anh:
- Quãng thời gian dài nhất anh từng hẹn hò với một cô gái là bao lâu?
- Khoảng 4 tháng. - Anh đáp. - Thực ra, tôi từng quen với một cô được hơn 3 tháng, một cô được 4 tháng, còn những người khác thì kết thúc sớm hơn.
- Ai là người chủ động chấm dứt mối quan hệ? Các cô gái ấy hay là anh? - Tôi hỏi.
- Thường thì là các cô ấy. - Anh nói. – Nhưng cũng có vài lần tôi hẹn hò với người tôi không thực sự hứng thú lắm nên tôi chủ động dừng lại.
- Những người con gái đó có nói cho anh biết vì sao họ không muốn tiếp tục quen với anh nữa không?
- Cô gái mà tôi quen được hơn 3 tháng nói rằng chúng tôi không có nhiều điểm chung, còn người kia thì nói rằng chúng tôi không hợp nhau.
- Rồi anh nói thêm. - Tôi không biết lý do thật sự là gì nữa, nhưng tôi nghĩ vấn đề này liên quan tới việc tôi không phải là người giỏi nói chuyện.
“Khi đề cập đến những chuyện riêng tư...”
- Không phải là tôi không thể nói. Thực tế là tôi nói nhiều lắm nhưng chung quy lại cũng chỉ là chuyện về công việc và gia đình của tôi hoặc của cô ấy. Còn khi đề cập đến những chuyện riêng tư thì tôi không biết nói gì nữa.
Cảm thấy Brian đã đi đúng hướng nên tôi nói:
- Xưa nay mối quan hệ của anh với bố mình ra sao?
Anh suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Khá căng thẳng. Bố tôi nghiện rượu. Ông rất ít khi đến xem tôi thi đấu khi tôi còn đi học. Nếu có đến xem thì ông cũng chỉ phê bình cách chơi của tôi mà thôi. Tôi còn nhớ một lần ông nói với tôi rằng: “Con chơi như thế thì không bao giờ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp được đâu”.
Brian nói tiếp:
- Tôi thật sự chán nản khi nghe những lời đó. Tôi đã uống say để cố quên những lời bố đã nói nhưng không tài nào quên được. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến tôi không bao giờ nghĩ tới việc chơi bóng bầu dục chuyên nghiệp nữa.
- Khi anh còn bé, bố anh có như thế không? - Tôi hỏi.
- Có, đặc biệt là khi ông say xỉn. - Brian nói. - Những lúc ấy, chẳng có thứ gì là tốt đẹp trong mắt ông cả. Lúc nào ông cũng chê trách mẹ con tôi.
- Còn mẹ anh? - Tôi hỏi. - Mối quan hệ giữa anh và mẹ thế nào?
- Mẹ tôi mắc chứng suy nhược. - Anh nói. - Cuộc sống của bà khá bận rộn và vất vả. Lúc nào bà cũng phải nấu nướng, giặt giũ hoặc chăm lo cho tôi. Tuy nhiên, mẹ con tôi lại không thân với nhau lắm, đặc biệt là khi tôi bắt đầu lớn. Bà luôn tỏ ra lo lắng thái quá đến việc học hành của tôi và luôn bắt tôi phải về nhà đúng giờ. Hồi tôi học phổ thông, lúc nào mẹ cũng nhắc nhở tôi không nên để bóng bầu dục ảnh hưởng đến việc học của mình.
Một môi trường ngôn ngữ tiêu cực
Rõ ràng, Brian đã lớn lên trong một môi trường ngôn ngữ tiêu cực. Hầu hết những lời anh được nghe từ bố mẹ mình đều là những lời chê trách, chán nản. Khi nghe tôi hỏi: ”Khi anh quen Courtney và Amy, anh thích nhất ở họ điểm nào?”, Brian tỏ ra khá bất ngờ. Suy nghĩ một lúc, anh trả lời:
- Ừ thì… cả hai đều xinh đẹp. Courtney khá vui tính còn Amy thì đằm tính nhưng rất chân thành. Điều tôi thích nhất ở Amy chính là sự quyết tâm. Cô ấy là một con chiên ngoan đạo và tôi thích điều ấy. Tôi cũng mến gia đình của cô ấy nữa. Gia đình họ sống khá hạnh phúc và bố mẹ cô ấy có vẻ thích tôi. Courtney thì thích đi xem phim và chạy xe đạp. Tôi chưa từng thích đạp xe nhưng thực sự việc này khá thú vị. Chúng tôi từng có đi những chuyến dài ngày cùng nhau. Cả Courtney và Amy đều đã tốt nghiệp đại học và rất thông minh. Tôi thích điều đó ở họ.
- Anh đã từng bao giờ khen cách họ ăn mặc chưa?
Brian suy nghĩ một hồi lâu rồi đáp:
- Tôi không nhớ nhiều về cách ăn mặc của họ. Cả hai đều ăn mặc rất bình thường nhưng lúc nào trông cũng xinh xắn.
- Vậy nghĩa là anh chưa từng khen họ “Hôm nay trông em rất đẹp”?
- Chắc là vậy.
- Đã bao giờ anh nói với Courtney rằng: “Em chọn phim rất hay. Anh rất thích” chưa?
- Tôi thích hầu hết những bộ phim cô ấy chọn. Chỉ một hai lần tôi không thích vì nội dung phim mà thôi.
Tôi lặp lại câu hỏi của mình một lần nữa:
- Anh có từng nói với cô ấy rằng anh thích những bộ phim cô ấy chọn không?
Brian không trả lời trực tiếp câu hỏi này của tôi mà nói theo ý khác:
- Tôi nghĩ cô ấy phải biết tôi thích những bộ phim đó.
Vậy là tôi đã rõ mọi chuyện. Thế nhưng, dường như Brian không nhận ra vấn đề của mình. Từ trước đến giờ, anh chưa hề sử dụng ngôn ngữ khen ngợi.
Dù không chắc một lần nói chuyện có thể giúp Brian hiểu ra vấn đề nhưng tôi vẫn thử:
- Brian này! Tôi muốn chia sẻ với anh những cảm nhận của tôi bởi tôi nghĩ điều này có thể giúp anh cải thiện các mối quan hệ trong tương lai. Anh lớn lên trong một gia đình mà mọi người hiếm khi nói với nhau những lời yêu thương và khen ngợi. Anh thường phải nghe những lời phê bình, chê trách. Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ đến những lời đó là vì chúng đã khiến anh tổn thương rất nhiều. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bố mẹ anh là người xấu hay họ không yêu anh. Vấn đề nằm ở chỗ anh không cảm nhận được tình yêu của họ.
Tôi thấy mắt Brian ươn ướt và tôi biết anh đang rất chăm chú lắng nghe. Thế rồi Brian bật khóc và nói:
- Tôi nghĩ mọi đứa con trai đều muốn nghe bố nói rằng ông tự hào về mình. Nhưng tôi chưa từng nghe và cũng chưa từng cảm nhận được điều đó từ bố tôi. Bây giờ tôi đã lớn và sẽ không thể để chuyện đó ảnh hưởng đến mình nữa. Tại sao tôi lại khóc như thế này chứ?
Brian cười và đưa tay gạt nước mắt. Có lẽ anh cảm thấy xấu hổ.
Tôi đáp:
- Anh khóc vì điều chúng ta đang nói chính là điều đã làm anh tổn thương. Chúng ta đều muốn cảm nhận được tình yêu thương và sự trân trọng từ cha mẹ mình. Một trong những cách giúp ta cảm nhận được điều đó chính là thông qua lời khen ngợi. Đó là điều anh muốn nghe từ cha mẹ anh. Thế nhưng, điều anh nghe được lại chỉ là lời chỉ trích. Những lời đó chỉ khiến anh bị tổn thương rất nhiều. Tôi nghĩ chúng ta cần làm điều gì đó để chữa lành vết thương trong quá khứ của anh. Nhưng trước hết, tôi muốn tập trung vào mối quan hệ của anh với các cô gái. Có thể những điều tôi sắp nói đây sẽ khiến anh buồn bã hơn. Tôi nghĩ một trong những lý do khiến anh gặp khó khăn trong các mối quan hệ là anh chưa từng nghe nói đến ngôn ngữ yêu thương Lời khen ngợi nên không biết sử dụng nó.
Anh không nhớ có từng nói “Em mặc cái áo này trông rất đẹp” hay "Em chọn phim hay lắm. Anh rất thích” với Courtney và Amy hay không. Anh bảo rằng khi bắt đầu đề cập đến những chuyện riêng tư, anh không biết phải “nói về chúng ta” như thế nào trong khi anh có thể nói rất tốt về những đề tài như bóng đá, nghề nghiệp, gia đình, chính trị, thời tiết, thể thao...
Phụ nữ rất thích được nghe những lời khen ngợi. Vì thế, họ có xu hướng tránh xa những đối tượng hẹn hò không biết nói những lời ngọt ngào. Đối với họ, thiếu lời khen ngợi là thiếu tình yêu.
Khám phá của Brian
Brian ngồi im một lát rồi gật đầu nói:
- Sao tôi lại có thể vô ý như thế nhỉ? Ông nói đúng; tôi chưa khen ngợi người khác bao giờ. Thậm chí tôi còn hay phê bình họ nữa. Một lần Courtney trễ hẹn và tôi nói rằng cô ấy là người vô trách nhiệm. Không những thế, nhiều lần tôi còn góp ý với cả Courtney lẫn Amy những điều họ cần khắc phục. Thì ra tôi cũng là người thích chỉ trích người khác, chẳng khác gì bố tôi cả. Sao tôi lại không nhận ra điều này trước đây nhỉ?
Tôi biết đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Brian nên chỉ im lặng đặt tay lên vai anh. Sau vài phút, anh hỏi:
- Liệu tôi có thể sửa đổi chúng không? Làm sao tôi có thể trao đi thứ mình chưa từng nhận được chứ?
Có lẽ Brian không ngờ cuộc nói chuyện lại mở ra nhiều vấn đề đến thế. Tôi hiểu tâm trạng của Brian nhưng không thể dừng cuộc nói chuyện lại được. Tôi nói:
- Tất nhiên là có, Brian ạ! Chúng ta luôn có hy vọng. Chúng ta có thể thay đổi tương lai thay vì cứ làm nô lệ của quá khứ. Chúng ta có thể học cách cho đi yêu thương dù không nhận được nó.
Thực ra, cho đi tình yêu thương chính là cách nhanh nhất để nhận được tình yêu.
Đã đến lúc hành động
Brian là người rất sùng đạo nên tôi nhắc lại lời của Chúa Jesus: ”Hãy trao đi và rồi con sẽ được nhận lại”. Tôi cũng nhắc anh nhớ rằng trong Kinh Thánh có viết: “Chúng ta yêu Người vì Người đã yêu ta”.
- Điều này cũng đúng trong quan hệ của con người. Nếu ta muốn nhận được tình yêu thương (hầu như ai cũng muốn được như thế), trước hết ta phải thể hiện tình yêu của mình đối với người khác. - Tôi nói.
- Ông có thể giúp tôi không? - Brian hỏi.
- Tất nhiên là có thể, nhưng chưa phải bây giờ. Năm phút nữa tôi có một cuộc hẹn. Nếu có thể thì 9 giờ tối nay anh hãy chờ tôi ở hành lang. Có thể tôi sẽ cho anh vài ý tưởng về cách thức sử dụng ngôn ngữ yêu thương Lời khen ngợi đấy. Nhớ mang theo một cuốn sổ nhé.
- Tôi sẽ tới. - Anh nói.
Tôi ôm Brian rồi bước đi, tin rằng hôm nay sẽ trở thành một trong những ngày quan trọng nhất đời anh.
Mở sổ ra
Chín giờ tối hôm đó, khi tôi ra hành lang thì Brian đã chờ tôi ở đó với cuốn sổ trên tay.
- Tôi rất biết ơn ông đã dành thời gian để gặp tôi như thế này. - Anh nói. - Tôi đã suy nghĩ về những điều chúng ta nói trưa nay. Chúng hoàn toàn có lý. Không hiểu sao bao nhiêu năm qua tôi lại không nhận ra được điều này.
- Vấn đề bây giờ là ta phải làm gì đó. Anh chuẩn bị sẵn sàng chưa?
- Rồi. - Brian vừa nói vừa mở cuốn sổ ra.
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng đề tài về bố mẹ Brian. Theo lời Brian, vài năm gần đây, bố anh đã ít uống rượu hơn. Vì tính chất công việc nên ba tháng anh mới gặp cha mẹ một lần.
- Anh có thường gọi điện hay viết e-mail cho họ không? - Tôi hỏi.
- Cả hai người đều không dùng e-mail, nhưng mỗi tuần tôi đều gọi về nhà một lần.
- Được rồi. - Tôi nói. - Nguyên tắc đầu tiên là:
“Hãy bắt đầu tại vị trí anh đang đứng”.
Brian viết vào sổ: ”Bắt đầu tại vị trí đang đứng”.
Tôi biết anh đã sẵn sàng.
- Để tôi phân tích về vị trí hiện tại của anh nhé: Hiện giờ anh đã là người trưởng thành nhưng chưa từng nghe bố mình nói: “Bố yêu con, bố tự hào về con, con trai” và cũng chưa khi nào nghe mẹ nói điều gì đó tích cực, đúng không?
Brian gật đầu.
- Trong suốt những năm qua, anh luôn cố gắng quên đi nỗi đau trong trái tim mình và tự nhủ chuyện đó chẳng có gì đáng ngại. Nhưng như anh thấy đấy, những gì chúng ta đã nói sáng nay thì chuyện này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời anh. Nguyên tắc thứ hai: “Hãy chủ động” .
Brian lại viết vào sổ.
- Cho tới bây giờ, cách thức tiếp cận của anh hoàn toàn bị động. Anh luôn chịu đựng trong im lặng. Kể từ hôm nay, tôi muốn anh hãy hành động nhiều hơn. Chọn con đường yêu thương tức là chọn sự chủ động: chủ động nói hoặc làm những điều có lợi cho người khác, khiến họ cảm thấy yêu mến cuộc sống hơn.
Nói lời yêu thương với cha mẹ
- Nguyên tắc thứ ba liên quan đến cách thức thể hiện lời khen ngợi: “Chọn chiến lược thể hiện tình yêu thương”. Tôi muốn anh thực hành nguyên tắc này trong lần gọi điện về nhà sắp tới. Khi chuẩn bị cúp máy, anh hãy nói: ”Con yêu mẹ” hoặc ”Con yêu bố”, được không? Việc bố mẹ anh đáp lại như thế nào không quan trọng. Quan trọng là anh đã chủ động thể hiện tình yêu thương của mình với họ.
Tất nhiên, lần đầu tiên nói những lời này thật khó. Nhưng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn trong những lần sau. Trong vòng ba tháng tới, anh hãy liên tục nói câu: ”Con yêu bố mẹ” vào mỗi cuối cuộc điện thoại nhé. Sau đó, ngoài câu ”Con yêu bố”, anh hãy nói thêm "Con cảm ơn những gì bố đã làm cho con trong suốt những năm qua”. Hãy nói điều đó với cả mẹ anh nữa. Anh cần nói câu này trong 3 tháng tiếp đó nữa. Anh thấy mình có làm được việc này không?
- Tôi nghĩ là có thể. - Brian nói. - Nhưng lần đầu tiên có lẽ sẽ rất khó khăn.
- Bây giờ, hãy để tôi hỏi anh câu này: Anh có cho rằng câu nói ”Con yêu bố mẹ” là câu nói đúng đắn không? Hãy nhớ rằng yêu thương chính là mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người kia. Anh có mong những điều tốt nhất sẽ đến với cha mẹ mình trong suốt quãng đời còn lại của họ không?
- Tất nhiên là có. - Brian nói.
- Vậy thì “Con yêu bố mẹ” là một câu nói chính xác?
- Đúng vậy.
- Vậy còn câu: “Con cảm ơn những gì bố mẹ đã làm cho con trong suốt những năm qua” có đúng không? Tôi nghĩ chắc mẹ anh cũng đã làm nhiều việc cho anh.
- Đúng. - Brian nói.
- Còn bố anh thì đã phải làm việc vất vả để trang trải chi phí sinh hoạt cho cả nhà, phải không?
- Đúng. - Brian đồng ý.
- Vậy thì cả hai câu nói này “Con yêu bố mẹ” và “Con cảm ơn những gì bố mẹ đã làm cho con trong suốt những năm qua” đều đúng, phải không?
- Đúng thế. - Brian đáp.
- Vậy thì bây giờ, tôi muốn anh thể hiện những sự thật đó bằng lời nói. Lời ghi nhận chẳng qua chỉ là những lời nói đúng sự thật. Nó khẳng định lại giá trị của người khác. Nếu anh thử làm theo cách này, tôi có thể bảo đảm rằng trong vòng
6 tháng tới, bố mẹ anh sẽ bắt đầu nói những lời yêu thương với anh. Tất nhiên, anh không làm việc này để nhận lại những lời đó. Anh làm vì anh đã chủ động chọn lựa yêu thương họ. Nhưng tình yêu sẽ kích thích tình yêu, và anh sẽ nhận được
điều anh đã cho đi.
Nơi để bắt đầu
- Được rồi. - Brian nói. - Tôi sẽ làm theo lời ông. Nhưng nó sẽ giúp gì cho các cuộc hẹn hò của tôi sau này chứ?
- Đó là bước đầu tiên. - Tôi nói. - Nếu anh học được cách thể hiện tình yêu với cha mẹ bằng những lời khen ngợi thì anh cũng sẽ biết cách thể hiện điều đó với các cô gái. Nhưng đó không phải là bước kế tiếp bởi bây giờ anh không có bạn gái, đúng không?
- Đúng thế! - Brian nói.
- Vậy thì tôi muốn anh áp dụng nguyên tắc này vào những mối quan hệ trong công việc của anh. Tôi muốn anh đặt ra mục tiêu là sẽ nói lời khen ngợi với một người nào đó ít nhất mỗi tuần một lần và liên tục trong 3 tháng tiếp theo.
Lập danh sách
Tôi đưa cho Brian danh sách những lời nói khen ngợi để anh tham khảo. Bản danh sách này bao gồm những câu sau:
• Cám ơn anh đã nghe giúp điện thoại. Tôi không có thời gian nói chuyện với ông ấy và anh đã giải quyết vấn đề rất tốt.
• Anh luôn có một thái độ rất tích cực. Điều này thật đáng quý.
• Anh đã làm rất tốt. Cám ơn anh rất nhiều.
• Sếp vừa mới kể với tôi những việc anh đã làm. Cám ơn anh đã giúp tôi.
• Anh luôn làm tốt mọi việc. Thật tuyệt vời!
- Anh có bao giờ gặp nhân viên lao công chỗ anh làm không? - Tôi hỏi Brian.
- Không thường xuyên lắm, nhưng mỗi khi tăng ca tôi đều gặp chị ấy.
- Vậy anh thấy nói câu: “Cám ơn chị đã luôn đổ rác mỗi tối. Nếu không có chị thì chúng tôi không biết phải làm sao cả” thế nào?
Brian thêm câu nói này vào tờ danh sách mà tôi đã đưa. Anh còn nghĩ ra một số câu khác khiến tôi bật cười.
- Tôi có thể cám ơn cái cậu pha cà phê mỗi sáng.
- Anh tính nói gì với anh ta? - Tôi hỏi.
- Tôi sẽ nói là: “Dan, cám ơn anh vì sáng nào cũng pha cà phê cho mọi người. Dù không uống nhưng tôi rất thích mùi thơm của cà phê đấy”.
- Tuyệt! Trong những tuần tới đây, anh hãy tiếp tục hoàn chỉnh danh sách này. Mỗi tuần hãy nói một lời khen ngợi với các đồng nghiệp của anh nhé.
Brian cười nói:
- Được rồi, nhưng còn những cuộc hẹn hò của tôi thì sao?
- Anh có vẻ lo lắng cho cái vụ hẹn hò này nhỉ?
- Tôi mỉm cười hỏi.
- Tôi cũng lớn tuổi rồi mà. Tôi muốn lập gia đình và ông biết đấy, trước khi kết hôn thì người ta cần phải hẹn hò.
Brian vừa nói vừa cười nhưng tôi có thể nhận thấy sự nghiêm túc của anh.
- Được rồi. - Tôi nói. - Bây giờ anh hãy lật cuốn sổ của mình sang trang mới đi nào. Tôi muốn anh viết vào đó những câu anh định nói với các cô gái anh hẹn hò - những câu nói khẳng định giá trị của cô ấy. Thậm chí, anh có thể nghĩ về những người anh đã từng hẹn hò và tự ngẫm: ”Mình đã có thể nói gì để khen ngợi họ?”. Hãy nhớ lại những câu nói mà chúng ta đã nói lúc sáng như “Em mặc bộ đồ này đẹp lắm” hay “Em chọn phim này hay lắm, anh rất thích”.
Brian cắm cúi viết vào cuốn sổ những điều chúng tôi đã nói.
- Bây giờ anh còn có thể nói gì với Courtney nữa?
Suy nghĩ một lúc, Brian nói:
- Có lẽ tôi nên nói với cô ấy là: “Em có đôi mắt thật đẹp”.
- Điều này có đúng không? - Tôi hỏi.
- Đúng. Đó chính là một trong những điểm ở cô ấy đã thu hút tôi. Đôi mắt cô ấy cứ long lanh như pha lê vậy.
- Vậy thì hãy viết vào danh sách của anh: “Em có đôi mắt thật đẹp. Chúng long lanh như pha lê vậy”.
- Ôi trời! Nhưng chuyện này riêng tư quá. Tôi không biết có làm được không nữa.
- Tôi không đề nghị anh làm điều đó ngay trong cuộc hẹn đầu tiên, Brian ạ. Khi anh đã hẹn hò được một thời gian thì mọi chuyện sẽ trở nên riêng tư như thế.
- Tôi biết. - Brian nói. - Và đó chính là vấn đề của tôi.
- Và anh đang học cách vượt qua vấn đề ấy. Tôi nghĩ khi anh gặp người bạn gái kế tiếp thì ít nhất anh cũng đã có sáu tháng kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ tình yêu với bố mẹ và ba tháng sử dụng chúng với đồng nghiệp. Chắc chắn lúc đó anh sẽ nói được những câu như thế này với bạn gái của anh.
Chúng tôi tiếp tục viết thêm vào danh sách những điều sau:
• Anh thích cách ứng xử của em với mẹ. Em yêu thương và tôn trọng mẹ nhưng không để bà kiểm soát cuộc đời mình.
• Cám ơn em đã nhận lời đi chơi với anh tối nay. Anh cảm thấy rất vui.
• Sự dẻo dai của em khiến anh cảm thấy nể phục quá. Anh phải tập đạp xe nhiều hơn trước khi đi cùng em lần sau.
• Anh thích món bánh táo này lắm. Cám ơn em đã bỏ công sức làm nó.
Tôi không rõ Brian sẽ làm gì với cuốn sổ này nhưng tôi biết anh đã có kế hoạch để củng cố mối quan hệ của anh với các bạn gái. Một năm sau, tôi gặp lại Brian cũng trong một buổi nói chuyện dành cho người độc thân. Anh hào hứng giới thiệu bạn gái mới của anh - Rachel - với tôi.
- Chúng tôi đã quen nhau được 5 tháng và Rachel là người tuyệt vời nhất trên đời này.
Rachel cười, và tôi cũng cười.
Brian và bố mẹ
Mẹ anh
Hôm đó, tôi và Brian đã có cuộc nói chuyện riêng với nhau. Brian đã kể tôi nghe về chuyện của bố mẹ anh. Lần đầu khi anh nói “Con yêu mẹ” trước khi cúp máy, mẹ anh đã nói “Mẹ cũng yêu con”.
- Tôi không thể tin vào tai mình. - Brian nói. - Tôi cứ nghĩ sẽ phải mất hai tháng trước khi bà bắt đầu nói những lời yêu thương với mình cơ đấy. Mọi chuyện tiến triển tốt đến mức chỉ sau 2 tháng tôi đã nói: “Con yêu mẹ. Con rất biết ơn những gì mẹ đã làm cho con trong suốt những năm qua”. Và mẹ tôi đã nói lại rằng: “Brian, ước gì mẹ làm được nhiều hơn cho con. Khi con còn nhỏ, lúc nào mẹ cũng trong tâm trạng chán nản nên mẹ sợ rằng mình đã không quan tâm đủ đến con”.
Tôi không biết nói gì nên chỉ nói với mẹ rằng: “Con rất biết ơn những gì mẹ đã làm và con yêu mẹ”; và mẹ tôi nói: “Mẹ cũng yêu con”.
Sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ về những điều mẹ đã làm cho tôi và viết ra một danh sách. Sau đó, mỗi lần nói chuyện với mẹ, tôi đều nói về một điều tốt đẹp mà mẹ đã làm cho tôi cũng như việc tôi biết ơn bà đến mức nào. Chưa tới thời hạn sáu tháng thì mẹ con tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều. Mẹ mong tôi tha thứ vì đã không trở thành một người mẹ tốt hơn, còn tôi thì nói với mẹ rằng thực sự tôi rất biết ơn bà.
Bố anh
Câu chuyện giữa Brian và bố có chút khác biệt. Lần đầu Brian nói: “Con yêu bố”, bố anh đã hỏi: “Cái gì?”.
Brian nhắc lại: “Con yêu bố”.
”Ừ, được rồi.” - Ông nói.
Lần tiếp theo Brian nói chuyện lại với bố mình là khoảng 3 tuần sau đó. Trước khi cúp máy, anh lặp lại câu: “Con yêu bố”. Và lần này, bố anh lại đáp: “Ừ!”.
Brian nói chuyện với mẹ nhiều hơn vì bà là người thường trả lời điện thoại. Chính vì thế, phải đến 3 tháng sau bố Brian mới nói với anh rằng: “Bố cũng yêu con”.
- Dường như có cả đợt sóng cảm xúc trào dâng trong lòng khi tôi cúp máy. - Brian nói. - Trong đầu tôi luôn biết bố yêu mình nhưng tôi chưa từng nghe bố nói ra câu đó. Cảm giác ấy thật tuyệt vời.
Sau đó, mỗi lần tôi nói: “Con yêu bố” thì ông đều đáp lại rằng: “Bố cũng yêu con”. Khi tôi nói thêm: “Con rất biết ơn những gì bố đã làm cho con trong suốt những năm qua”, bố tôi đáp: “Bấy nhiêu đó có đáng là bao”.
”Nhưng con muốn bố biết con rất biết ơn những gì bố đã làm, và con yêu bố”.
”Bố cũng yêu con”.
Brian cho biết anh đã nói với bố về những việc mà ông đã làm cho anh.
- Sau một thời gian, bố tôi nói rằng ông rất hối hận vì đã không đến xem tôi thi đấu cũng như quan tâm đến cuộc sống của tôi nhiều hơn. Ông nói ông đã học được về sự tha thứ từ nhà thờ và ông hỏi liệu tôi có chịu tha thứ cho ông hay không. Tôi đáp lại rằng: “Dĩ nhiên là có. Bố biết con sẽ luôn yêu và tha thứ cho bố mà”.
Một dịp cuối tuần nọ, Brian về thăm cha mẹ mình. Hôm đó, anh nói với bố rằng: “Bố ơi! Con rất tự hào vì bố đã đến nhà thờ, tìm hiểu thêm nhiều điều về Chúa và cuộc đời của Người. Con thực sự tự hào về điều đó”. Và bố anh đã đáp lại: ”Bố cũng tự hào về con, con trai. Bố không thể tưởng tượng được là bố sẽ có đứa con nào tốt hơn con đâu”.
Brian dang tay ôm lấy bố mình và ông cũng ôm lấy anh.
- Tôi không biết bố mình có khóc không, nhưng tôi đã khóc. Từ đó quan hệ của bố con tôi đã khác hẳn.
- Tôi rất cám ơn ông đã dành thời gian cho tôi năm ngoái. - Brian nói. - Tôi không biết nó lại có thể thay đổi cuộc đời tôi đến như vậy. Với Rachel thì mọi việc diễn ra từ từ thôi, nhưng tôi có thể nói chắc với ông rằng tôi cũng thường nói lời khen ngợi với cô ấy. Ông muốn xem cuốn sổ của tôi chứ?
- Có chứ, dĩ nhiên rồi. - Tôi đáp.
Anh mở tập ra và cho tôi xem 4 trang toàn là những lời khen ngợi anh đã nói với Rachel. Brian đã học được cách sử dụng lời khen ngợi.
Những biểu hiện khác của lời khen ngợi
Lời động viên
Lời khen ngợi là một trong năm ngôn ngữ tình yêu cơ bản. Tuy nhiên, ngôn ngữ này có rất nhiều cách thức biểu hiện khác nhau. Trong trường hợp của Brian, chúng ta tập trung chủ yếu vào lời cảm ơn: thể hiện thái độ biết ơn chân thành đối với sự tận tụy người khác dành cho mình. Nhưng ngoài ra, ngôn ngữ yêu thương này còn có lời động viên. Từ “động viên” có nghĩa là ”truyền cảm hứng để người khác có thêm lòng dũng cảm”. Cuộc sống của mỗi người đều có những mặt bất an. Nếu không đủ dũng khí để vượt qua, chúng ta sẽ không thể đạt được điều mình mong muốn.
Trong mỗi người đều tiềm ẩn một số khả năng đặc biệt chờ được đánh thức bởi lời động viên từ người thân hoặc bạn bè họ. Nếu một người quen nào đó của bạn muốn trở thành diễn viên và bạn thấy họ có tiềm năng, vậy tại sao bạn không khuyến khích họ khám phá niềm đam mê đó? Hãy nói với họ rằng bạn đang nghĩ đến ngày họ làm được điều đó. Nếu họ không có kinh nghiệm, hãy khuyến khích họ tham gia vào khóa học nào đó. Nếu họ đã có chút kinh nghiệm diễn xuất, hãy khuyến khích họ tham gia thử vai trong một nhà hát nhỏ. Lời động viên chân thành từ một người bạn có thể tạo ra những khác biệt vô cùng lớn lao.
Lời ghi nhận
Kế tiếp là lời ghi nhận: Công nhận thành quả của người khác. Dù ít dù nhiều thì mỗi người đều đã từng đạt được thành công. Chúng ta luôn đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể. Khi đạt được mục tiêu đó, nhu cầu cơ bản của chúng ta là được người khác công nhận. Các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc có giải thưởng như Oscar, Grammy, Dove hay Country Music…; những sự kiện thể thao thì có cúp hoặc huy chương; các doanh nghiệp thì có bằng khen. Đó đều là những giải thưởng mang tính chất ghi nhận và tôn vinh các thành quả mà những người nhận giải đã đạt được.
Chúng ta thích được nghe ai đó nói rằng: ”Tuyệt lắm, tôi rất thích điều đó. Bạn làm tốt lắm”. Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi ngày chúng ta đều khen ngợi nhau một cách chân thành thay vì chỉ trích sai lầm của người khác một cách thiếu xây dựng?
Thế giới của những người độc thân luôn có rất nhiều cá nhân xuất sắc đáng được khen ngợi. Đó là những người mẹ đơn thân đã hoàn thành tuyệt vời vai trò trụ cột gia đình; những người vượt qua nỗi đau đổ vỡ và vẫn tin yêu cuộc sống; những người đang chiến đấu với bệnh ung thư nhưng vẫn giữ được thái độ tích cực; những người chưa từng kết hôn dành thời gian và sức lực giúp đỡ những người bất hạnh. Họ đã không ngừng nỗ lực để giúp đỡ người khác. Và họ xứng đáng được ghi nhận.
Lời tử tế
Một biểu hiện khác của lời khen ngợi là lời tử tế. Điều này không chỉ liên quan đến điều bạn muốn nói mà cả cách bạn diễn đạt nữa. Cùng một câu nhưng tùy vào cách nói của bạn có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, khi câu ”Tôi yêu bạn” được nói với thái độ dịu dàng thì nó sẽ chuyển tải thông điệp yêu thương thật sự. Trong khi đó, với câu ”Tôi yêu anh?” lại mang hàm ý khác. Dấu chấm hỏi đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của câu nói này.
Đôi lúc, lời nói của ta mang một nghĩa nhưng cách nói của ta lại làm cho người khác hiểu theo nghĩa khác. Lời nói của ta luôn chuyển tải những thông điệp kép. Người nghe sẽ hiểu thông điệp của ta thông qua giọng nói chứ không phải qua từ ngữ mà ta sử dụng.
Khi bạn nói với người chung phòng của mình bằng một giọng càu nhàu: ”Tối nay tôi rửa bát cũng được” thì câu nói này sẽ không được đón nhận như một biểu hiện của tình yêu thương. Nhưng khi ta chia sẻ niềm đau hoặc thậm chí cả sự giận dữ của mình bằng thái độ nhẹ nhàng thì đó vẫn được xem là một biểu hiện của tình yêu. Người nói muốn người nghe hiểu được ý của mình để từng bước xây dựng nền tảng cho mối quan hệ của hai người. Nếu những lời này được nói với âm lượng lớn cùng ngữ điệu khắc nghiệt thì nó sẽ được xem như một biểu hiện của sự kết tội và chỉ trích.
Thái độ khi nói đóng vai trò rất quan trọng trong giao tiếp. Một nhà hiền triết cổ đại từng nói rằng: ”Lời đáp dịu dàng có thể xóa tan sự giận dữ”. Khi một đồng nghiệp của bạn giận dữ và nói ra những lời cay độc, nếu bạn chọn cách yêu thương họ thì bạn sẽ không đáp lại bằng những lời nóng nảy. Khi đó, bạn sẽ dùng thái độ bình tĩnh để tiếp nhận thông tin trong lời nói cũng như cảm xúc của người ấy. Bạn sẽ đặt mình vào vị trí của họ, nhìn sự việc theo cách của họ rồi nhẹ nhàng bày tỏ sự cảm thông của mình. Nếu bạn làm sai, bạn hãy sẵn sàng đón nhận sự thật ấy và xin người đó tha thứ. Nếu quan điểm của người ấy khác với bạn, bạn hãy từ tốn diễn đạt cách nhìn của mình. Bạn nên tìm kiếm sự thấu hiểu và hòa giải chứ không phải khăng khăng chứng minh tính đúng đắn trong cách nhìn nhận của mình. Và đó chính là tình yêu chín chắn.
Sự tha thứ
Giải quyết tổn thương và giận dữ theo chiều hướng tích cực là điều vô cùng cần thiết khi sử dụng ngôn ngữ yêu thương Lời khen ngợi. Thông thường, lời nói sẽ thể hiện cảm xúc của ta. Nếu không khéo léo giải quyết vấn đề khi bị tổn thương và giận dữ, ta có thể sẽ gây gổ với người khác và nói ra những lời nói gây bất hòa nhiều hơn.
Con người không ai hoàn hảo cả. Chính vì thế, đôi lúc ta sẽ nói hoặc làm những việc khiến người khác bị tổn thương. Chúng ta không thể xóa bỏ quá khứ mà chỉ có thể thừa nhận sai lầm của mình và cố gắng khắc phục nó. Chúng ta có thể cầu xin sự tha thứ của người đã bị ta làm tổn thương. Và một khi đã được tha thứ, hãy cố gắng bù đắp lại sai lầm của mình. ”Tôi có thể làm gì để bù đắp nỗi đau tôi đã gây ra cho anh?” là một câu hỏi rất đáng trân trọng.
Khi một ai đó có lỗi với tôi, nếu người đó thừa nhận sai lầm và xin được tha thứ, tôi sẽ phải chọn lựa giữa việc tha thứ và đòi hỏi công bằng. Nếu tôi chọn công bằng và có hành động trả đũa lại người ấy thì tôi đã tự biến mình thành quan tòa còn người kia là phạm nhân. Nếu tôi chọn tha thứ thì cả hai sẽ có thể hòa giải.
Rất nhiều người phá hỏng ngày mới của mình chỉ vì luôn nghĩ đến những điều đã xảy ra ngày hôm trước. Họ mang thất bại của ngày hôm qua sang ngày hôm nay và vô tình bôi đen một ngày mà lẽ ra có thể là rất tuyệt vời. Một khi sự thù hận còn hiện diện trong trái tim con người thì họ sẽ không thể nói ra những lời khen ngợi với người khác được. Điều tốt nhất ta có thể làm với những thất bại trong quá khứ là hãy bỏ lại chúng phía sau.
Có thể điều gì đó xảy ra khiến tôi đau đớn và sẽ còn tiếp tục đau đớn. Nhưng, hoặc là người đó nhận ra lỗi lầm và tôi chọn cách tha thứ; hoặc là họ vẫn tiếp tục hành vi sai trái ấy và tôi buộc phải để họ cho Thượng đế phán xét. Nhưng chắc chắn là tôi không thể để hành vi của người đó phá hỏng cuộc đời tôi được.
Bỏ mặc người đó không phải là tha thứ. Tha thứ là đáp lại một lời thú nhận. Nó giải phóng con người khỏi cảm giác tổn thương và giận dữ. Đó là sự chọn lựa yêu thương người khác dù họ có đối xử không công bằng với ta. Có thể điều này không giúp cứu vãn mối quan hệ nhưng nó sẽ mang đến cho ta một cuộc sống bình yên và đầy tình yêu thương.
Nếu muốn thương yêu người khác, bạn cần phải cẩn trọng khi nói chuyện với họ. Điều bạn muốn nói và cách bạn nói sẽ ảnh hưởng đến những mối quan hệ mà bạn đang có. Lời khen ngợi sẽ giúp bạn củng cố các mối quan hệ của mình, còn lời chỉ trích chỉ phá hỏng chúng mà thôi.
Hãy nhớ, tình yêu là một sự lựa chọn. Đó là chọn yêu thương người khác.
Những điều cần suy ngẫm
1. Bạn có nhận được nhiều lời khen ngợi từ bố mẹ không?
2. Bạn có thấy dễ dàng nói lời yêu thương với bố mẹ không? Vì sao?
3. Nếu bạn cảm thấy khó khăn, bạn có nghĩ đây là lúc nên chủ động nói những lời yêu thương với bố mẹ không?
4. Bạn có thể nói lời khen ngợi một cách thoải mái với mọi người không?
5. Có mối quan hệ nào bạn muốn cải thiện không? Bạn có nghĩ việc nói lời khen ngợi sẽ giúp bạn làm được điều đó không?