Cách đây không lâu, tôi ghé thăm một góa phụ mới chuyển tới trung tâm an dưỡng.
Trong lúc nói chuyện, tôi hỏi bà có thích chỗ ở mới của mình không.
- Ở đây hơi chật. - Bà nói. - Tôi phải dẹp đi một số thứ.
- Bọn trẻ không muốn tôi đem theo cái ghế đu đó. - Bà nói và chỉ vào cái ghế để ở góc nhà. - Nhưng đó là thứ mà Marvin đã tặng tôi, và tôi không thể bỏ nó được.
- Marvin có thường tặng quà cho bà không? - Tôi hỏi.
- Đây là một trong số những món quà ít ỏi mà Marvin tặng tôi. Khi tôi sinh đứa con đầu lòng, tôi nói với Marvin rằng nếu có được cái ghế như thế để ngồi cho con bú thì tốt biết mấy. Và tôi vô cùng bất ngờ khi một tuần sau, ông ấy mang cái ghế này về. Tôi đã cho cả hai đứa con của chúng tôi bú trên cái ghế đó. Vì thế với tôi, việc mang theo cái ghế này cũng giống như mang theo một phần hình ảnh của Marvin và hai đứa con của mình vậy.
- Tôi rất mừng vì bà đã giữ nó. - Tôi nói. - Và hy vọng bà sẽ giữ nó mãi mãi.
Một lúc sau, khi chuẩn bị ra về, tôi liếc nhìn lại chiếc ghế trong góc nhà. Tôi biết mình đang nhìn thấy một món quà đã truyền tải thông điệp tình yêu trong hơn 40 năm qua. Một món quà này còn sống thọ hơn cả người tặng quà nữa.
Ý nghĩa của quà tặng
Món quà thích hợp
Quà tặng là một vật hữu hình dùng để chuyển tải thông điệp: ”Tôi nghĩ về bạn. Tôi muốn bạn giữ món quà này. Tôi yêu bạn”. Tôi từng theo học ngành nhân loại học – một ngành nghiên cứu về văn hóa. Theo nghiên cứu của các nhà nhân loại học thì chưa từng có nền văn hóa nào không coi quà tặng như một cách thức thể hiện tình cảm. Tặng quà là một trong những ngôn ngữ yêu thương cơ bản nhất và nó được sử dụng khắp mọi nơi.
Có những món quà chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, chẳng hạn như đóa bồ công anh của một đứa trẻ hái tặng mẹ. Món quà ấy sẽ mất đi nhưng kỷ niệm về nó sẽ còn đọng lại trong trái tim người mẹ suốt thời gian dài. Nhưng có nhiều món quà khác, như chiếc ghế đu, có thể tồn tại cả đời. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là món quà mà chính là tình yêu thể hiện qua món quà đó. Một món quà thích hợp, dù lớn hay nhỏ, đều là kỷ vật thể hiện tình yêu.
Ý nghĩa sai
Bản chất của quà tặng không phải là vật để đền đáp lại một hành động phục vụ nào đó. Khi một người nói: ”Anh sẽ cho em... nếu em...” thì người đó không phải đang tặng quà hay thể hiện tình yêu, anh ta chỉ đang mặc cả với bạn một điều gì đó mà thôi. Quà tặng phải được cho đi mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào; nếu không, nó không còn là quà tặng nữa.
Quà tặng sẽ không còn mang ý nghĩa đích thực của nó khi được dùng để dàn xếp mâu thuẫn. Nhiều người cho rằng việc tặng quà sẽ giúp họ đền bù được phần nào lỗi lầm mà họ đã gây ra. Nhiều ông bố dạy con trai của mình rằng: ”Nếu con làm điều gì đó sai trái với bạn gái của mình thì con cứ tặng hoa cho cô ấy. Hoa có thể chuộc được vô số lỗi lầm đấy”. Tuy nhiên, sau một vài lần, có thể cô gái kia sẽ vứt thẳng hoa vào mặt anh chàng. Quà tặng chỉ thực sự là quà tặng khi được trao đi với sự biểu lộ tình cảm chân thành chứ không phải là cố gắng để lấp liếm những sai lầm trong quá khứ.
Ý nghĩa thiêng liêng
Quà tặng là biểu tượng hữu hình của tình yêu. Trong hầu hết các hôn lễ, cô dâu chú rể đều trao cho nhau nhẫn cưới. Đó không phải là một biểu tượng hình thức, mà là một quà tặng mang giá trị cảm xúc đặc biệt thiêng liêng của tình yêu và sự cam kết thủy chung. Khi người chồng hay người vợ không còn thiết tha với việc đeo nhẫn cưới nữa thì đó là dấu hiệu cho thấy cuộc hôn nhân của họ đang gặp vấn đề. Một người chồng tâm sự với tôi rằng: ”Khi cô ấy ném chiếc nhẫn cưới vào người tôi và giận dữ bước ra khỏi nhà, đóng sầm cửa lại, tôi biết cuộc hôn nhân của mình đang gặp rắc rối lớn. Tôi để mặc chiếc nhẫn ở đó hai ngày. Khi nhặt nó lên, tôi đã bật khóc mà không sao kiềm chế được”. Chiếc nhẫn tượng trưng cho những gì tốt đẹp nhất của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vì thế, việc chiếc nhẫn đang nằm trên tay người chồng chứ không phải trên ngón tay người vợ trở thành dấu hiệu cho thấy cuộc hôn nhân của họ đã rạn nứt.
Chiếc nhẫn đã gợi lên những cảm xúc sâu kín nhất trong lòng người chồng. Và đây cũng là cảm giác mà nhiều người từng ly hôn đã trải qua.
Quà tặng có thể mang đủ kích cỡ, hình dáng, màu sắc và giá trị. Nó có thể được mua, tìm thấy hoặc tự tay làm. Đối với những người có ngôn ngữ tình yêu là quà tặng thì giá cả của món quà không thành vấn đề. Chỉ một tấm thiệp nhỏ bạn tự tay làm cũng đủ khiến họ hạnh phúc. Quà tặng không nhất thiết phải đắt tiền mới có ý nghĩa.
Phát triển ngôn ngữ yêu thương “quà tặng"
Vậy còn những người nói rằng: ”Tôi không có thói quen tặng quà. Từ nhỏ đến lớn tôi không mấy khi được nhận quà. Tôi không biết cách chọn quà” thì sao? Nếu bạn cũng có suy nghĩ này thì tôi xin được chúc mừng bạn. Đây là bước đầu tiên trong quá trình tìm kiếm cách thức để trở thành một người đáng yêu. Tình yêu đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực không ngừng, trong đó có việc học ngôn ngữ tình yêu mà ta chưa từng sử dụng trước đó. Điều may mắn ở đây là ngôn ngữ yêu thương quà tặng rất dễ học.
Ta học được thứ ngôn ngữ này bắt đầu từ việc quan sát và lắng nghe để tìm hiểu sở thích của những người mà bạn quan tâm.
Tìm hiểu sở thích
Rất nhiều người có sở thích sưu tầm đồ vật. Trước đây, tôi từng gặp một phụ nữ có bộ sưu tập cả nghìn lọ đựng muối tiêu. Hầu hết chúng đều là quà tặng của người thân, bạn bè hoặc những người biết sở thích của cô.
Thư ký của Bob là một người mẹ đơn thân. Một hôm, anh nghe nói đứa con trai 12 tuổi của cô ấy có sở thích thu thập thẻ bóng chày. Anh hỏi cô về loại thẻ mà thằng bé thích. Một lần, Bob đi công tác và phát hiện ra có một tiệm thẻ bóng chày gần khách sạn anh ở. Và chỉ 5 phút sau, anh đã tìm ra được một tấm thẻ có trong danh sách của thằng bé. Bob mang tấm thẻ đó về tặng cho người thư ký để cô mang về tặng lại con trai. Sau này, Bob kể với tôi rằng: ”Nếu có mặt ở đó, hẳn ông tưởng tôi vừa cho cô ấy cả triệu đô-la”.
Bạn cần đầu tư thời gian lắng nghe và phải biết chọn lựa các thông tin thu thập được. Với nhiều người, điều này đồng nghĩa với việc phải lập một danh sách về sở thích của người mà họ yêu thương trước khi quên mất món đó. Nhiều người thích những món quà cổ điển, chẳng hạn như những món mua ở các tiệm quà lưu niệm. Nhưng cũng có nhiều người không thích những thứ ấy. Nếu nhận được món quà như thế, trước sau gì họ cũng cho chúng vào tủ hay bỏ vào nhà kho. Nếu muốn món quà của mình truyền tải được tình yêu, bạn hãy tìm hiểu sở thích của người mà bạn thương yêu.
Matt và Anna đã hẹn hò với nhau được 2 tháng. Khi đi ăn cùng nhau, Anna để ý thấy Matt thường gọi món tráng miệng là bánh táo. Một tối nọ, cô hỏi Matt:
- Anh thích bánh táo à?
- Món khoái khẩu của anh đấy. - Matt nói. - Anh thích bánh táo này từ nhỏ.
Nếu Anna muốn tặng Matt một món quà thì đây có thể xem là một manh mối cực kỳ quan trọng.
Một buổi chiều nọ, khi đang ngồi trò chuyện với Matt, Anna kể với anh rằng: ”Mẹ em bị bệnh, em đang cố dành thời gian về thăm mẹ nhiều hơn. Tiền đổ xăng bắt đầu tăng nhanh khủng khiếp rồi”.
Nếu là người nhạy cảm, Mark sẽ biết rằng một phiếu đổ xăng trả trước sẽ là một món quà tuyệt vời dành cho Anna.
Con người thường có xu hướng nói về những sở thích, nhu cầu của mình. Nếu chú ý lắng nghe, ta sẽ có được nhiều ý tưởng để trao tặng những món quà thích hợp, mang nhiều ý nghĩa đối với người nhận.
Nhạy cảm với bản chất của một số món quà
Khi tặng quà, bạn còn phải hiểu và nắm bắt được phản ứng của người nhận quà. Có một số món quà, vì giá trị hoặc ý nghĩa nhạy cảm nên nó không được người ấy đón nhận. Trong một buổi hội nghị cho những người độc thân ở vùng núi phía Bắc Carolina, Josh đã đến gặp riêng tôi sau buổi thảo luận về Năm ngôn ngữ tình yêu. Anh hỏi tôi về điều đã khiến anh cảm thấy bối rối lâu nay.
- Tôi tin vào Năm ngôn ngữ tình yêu này. Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi ta sử dụng một loại ngôn ngữ mà đối phương không đón nhận?
- Anh có thể cho tôi ví dụ?
- Tôi đã hẹn hò với Samantha được 3 tháng. Tôi rất thích cô ấy. Samantha là cô gái tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp. Vì muốn cô ấy biết được tình cảm của mình nên tôi đã tặng cho cô ấy một món quà thật đắt tiền. Nhưng khi tôi tặng, cô ấy lại nói rằng “Em không nhận được. Em thấy thật không phải”. Tôi cảm thấy hết sức thất vọng.
Anh im lặng một lát rồi tiếp tục:
- Tôi vẫn không hiểu. Tôi thật lòng muốn cô ấy nhận món quà đó.
- Tôi nghĩ là tôi biết lý do vì sao cô ấy từ chối.
- Tôi nói. - Nhưng không biết anh có muốn nghe hay không.
- Tất nhiên là có. - Josh nói. - Tôi thật sự muốn nghe.
- Vậy thì được. - Tôi nói. - Tôi nghĩ hai người đã có chút khác biệt trong quan điểm về mức độ thân thiết của cả hai. Thông qua lời nói và việc làm của anh, tôi biết anh rất thích Samantha.
Josh gật đầu đồng ý. Tôi nói tiếp.
- Vấn đề là cảm nhận của Samantha về mối quan hệ giữa anh và cô ấy. Rõ ràng là Samantha cũng có tình cảm với anh, nếu không thì cô ấy đã không hẹn hò với anh làm gì. Tuy nhiên, cô ấy lại không có cảm giác sâu đậm như anh. Chính vì thế cô ấy cho rằng việc nhận những món quà đắt giá như vậy là quá sớm. Cô ấy không muốn anh hiểu nhầm. Việc anh cần làm lúc này là học cách chấp nhận điều này và tôn trọng ý muốn của cô ấy.
Josh im lặng một lúc lâu, rồi nói:
- Dù không muốn nghe điều ông vừa nói nhưng tôi phải thừa nhận là ông đã nói đúng. Tôi yêu Samantha rất nhiều và tôi muốn tặng cô ấy một thứ gì đó thật giá trị. Nhưng tôi nghĩ mình cần chờ một thời gian nữa. Hy vọng sau này cô ấy cũng sẽ yêu tôi nhiều như tôi yêu cô ấy.
Tôi gật đầu và nói:
- Tôi nghĩ 6 tháng nữa, vào dịp Giáng sinh, anh hãy hỏi thử ý kiến Samantha trước khi mua quà. Anh có thể nói với cô ấy rằng: “Anh muốn tặng em một món quà thật giá trị trong dịp này, nhưng anh không muốn em bị bất ngờ. Em có chấp nhận (tên món quà) như một sự thể hiện tình yêu của anh dành cho em không? Không có điều kiện nào đi kèm với món quà đó cả; anh chỉ muốn em biết rằng anh yêu em rất nhiều”. Nếu cô ấy đồng ý, nghĩa là mối quan hệ giữa hai người đã chín muồi. Còn nếu cô ấy vẫn nói không thì mối quan hệ của hai người đã có vấn đề.
- Tôi sẽ làm theo lời ông. - Anh nói. - Và hy vọng cô ấy sẽ đồng ý.
Josh đã học được một bài học quan trọng về ngôn ngữ yêu thương này. Bạn không thể ép người khác phải nhận cách thức thể hiện tình yêu của bạn. Bạn chỉ có thể trao nó đi mà thôi. Và nếu nó không được đối phương đón nhận, bạn phải tôn trọng quyết định của người ấy.
Quà tặng và tiền bạc
Nếu bạn muốn trở thành một người giỏi tặng quà, bạn sẽ phải thay đổi quan điểm về tiền bạc của mình. Mỗi chúng ta đều có quan điểm riêng về mục đích của tiền bạc cũng như cách thức sử dụng nó. Nếu bạn có xu hướng xài tiền rộng rãi, bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi bỏ ra một khoản tiền nào đó. Nhưng nếu bạn có thói quen tiết kiệm hoặc thích đầu tư, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi dành dụm hoặc dùng tiền bạc của mình một cách sáng suốt.
Nếu bạn là người tiết kiệm, cảm xúc của bạn sẽ từ chối quan điểm chi tiền như một cách thức biểu hiện tình yêu thương. Khi ấy, bạn sẽ nghĩ: “Tôi còn không mua quà cho mình, sao tôi lại phải mua quà cho người khác?”. Thái độ đó lại khiến bạn không nhận ra được sự thật: Bằng cách tiết kiệm và đầu tư tiền bạc một cách sáng suốt, bạn đang tạo cho mình những giá trị bản thân và cảm giác an toàn. Bạn chăm lo cho cảm xúc của bản thân thông qua việc quản lý tiền bạc. Nếu bạn phát hiện ra người mà bạn quan tâm có ngôn ngữ yêu thương cơ bản là nhận quà tặng thì bạn cần hiểu rằng việc tặng quà cho người ấy là cách đầu tư tốt nhất. Bạn đầu tư vào mối quan hệ này và đong đầy tình cảm của người kia bằng cách tặng quà cho người ấy.
Tình yêu, tiền bạc và các bậc phụ huynh đơn thân
Hãy nhớ rằng, mục đích của quà tặng là nhằm thể hiện tình yêu và sự quan tâm của bạn dành cho người nhận. Đây là điều rất quan trọng mà các bậc phụ huynh cần ghi nhớ. Không nên tặng quà cho con cái bạn chỉ vì chúng đòi hỏi điều đó. Hãy tự hỏi: ”Món quà này có thực sự hữu ích cho con mình hay không?”.
Hiện nay, nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ có xu hướng tặng xe cho con khi trẻ bước sang tuổi 16. Tất nhiên, tôi không nói rằng việc này là xấu. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là các bậc phụ huynh cần cân nhắc: ”Tặng xe cho con mình lúc này có phải là một điều đúng đắn?”.
Để trả lời câu hỏi này, các bậc phụ huynh cần phải xem xét một vài yếu tố. Thứ nhất, mức độ chín chắn và tinh thần trách nhiệm của đứa con mới lớn của bạn. Luật pháp Mỹ thừa nhận 16 tuổi có thể lái xe, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi đứa trẻ ở tuổi này đều sẵn sàng để đón nhận việc sở hữu một chiếc xe. Nhiều trẻ tỏ ra không đủ bản lĩnh và trách nhiệm để có thể làm chủ một chiếc xe.
Yếu tố thứ hai chính là khả năng tài chính của các bậc phụ huynh. Việc tặng cho trẻ một món quà vượt quá khả năng chi trả của bạn không hẳn là điều tốt, cho cả bản thân bạn lẫn cho trẻ.
Dù đang nói về những người phụ huynh đơn thân nhưng tôi xin được nói thêm với tất cả các bậc phụ huynh khác đôi điều. Thông thường, các ông bố luôn lấy quà tặng ra đền bù và khỏa lấp cho những sai lầm của mình. Trẻ không bao giờ cần đến những món quà mà tôi gọi là ”quà giả tạo” đó. Đây là những món quà được cho đi nhằm thay thế tình cảm chân thật. Những món quà này thường được các bậc phụ huynh bận rộn đến mức không có thời gian gặp con cái thường xuyên, không thể sử dụng ngôn ngữ yêu thương Lời khen tặng hay ba loại ngôn ngữ còn lại là Thời gian chia sẻ, sự tận tụy và Cử chỉ âu yếm. Chính vì thế, họ cố gắng đền bù thiếu sót của mình bằng cách tặng cho con những món quà xa xỉ.
Một người mẹ tâm sự với tôi: ”Mỗi khi đến thăm bố, đứa con gái 16 tuổi của tôi đều mang về cả túi quà. Ông ấy không bao giờ hỗ trợ tôi chi trả các khoản phí y tế hay nha khoa cho con bé nhưng lúc nào cũng có tiền mua quà tặng nó. Ông ấy hiếm khi gọi điện cho con bé và chỉ sống cùng với nó mỗi năm 2 tuần vào kỳ nghỉ hè. Có vẻ những món quà ấy được dùng để khiến mọi chuyện bình thường trở lại vậy”.
Ngày nay, kiểu tặng quà này dần trở nên phổ biến. Con cái sẽ nhận quà, cám ơn theo phép lịch sự rồi về nhà và cảm thấy trống rỗng. Nếu bạn tặng quà cho con như một cách thay thế tình yêu chân thành, trẻ sẽ chẳng coi tình yêu của bạn hơn những món quà giả tạo và hời hợt kia là bao nhiêu.
Cách nhận diện ngôn ngữ yêu thương quà tặng
Đối với nhiều người, quà tặng chính là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của họ. Chính vì thế, họ sẽ cảm nhận được tình yêu thương mà người khác dành cho mình tốt hơn nếu nhận được quà tặng. Amanda đã hẹn hò với Ben được 9 tháng và cô từng chia sẻ với anh rằng: ”sinh nhật và những dịp lễ rất quan trọng đối với em. Em đã từng khóc lóc 2 ngày vì bố không nhớ ngày sinh nhật lần thứ 16 của em. Em biết bố không yêu mẹ nên mới bỏ mẹ ra đi. Nhưng sau ngày sinh nhật đó, em còn biết thêm rằng bố không hề yêu em”.
Nếu chú tâm lắng nghe, Ben sẽ phát hiện ra rằng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Amanda là quà tặng. Nếu muốn Amanda cảm nhận được tình yêu của mình, Ben không chỉ tặng quà vào sinh nhật cô hay những ngày lễ mà còn phải tặng quà vào những ngày bình thường khác, không cần lý do. Những món quà “không bắt buộc” này thường có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn.
Một người cha đơn thân đi leo núi và nhặt về một hòn đá tặng cho cậu con trai 10 tuổi của mình. Nếu ngôn ngữ yêu thương cơ bản của cậu bé là quà tặng thì có thể hơn 10 năm sau, hòn đá đó vẫn còn nằm trong ngăn tủ của cậu. Món quà ấy mang thông điệp rằng: ”Bố luôn nghĩ tới con”. Mỗi khi nhìn thấy hòn đá, cậu con trai sẽ nhớ đến bố và cảm nhận được tình yêu thương ông dành cho cậu.
Quà tặng không cần đắt tiền bởi suy cho cùng thì ”quan trọng vẫn là tấm lòng”.
Những chú gấu bông của Bridget
Chris và Bridget đã hẹn hò với nhau được 6 tháng. Một ngày nọ, Chris đến gặp tôi với thắc mắc:
- Bridget và tôi đã hẹn hò với nhau được 6 tháng và mọi thứ đều diễn ra rất tốt đẹp. Tôi rất thích Bridget. Nhưng có một chuyện khiến tôi cảm thấy không yên lòng. Bridget có ít nhất 50 con gấu bông trong phòng ngủ và hơn một nửa số đó nằm ngay trên giường cô ấy. Cô ấy ngủ với chúng. Tôi có thể hiểu được chuyện này nếu cô ấy vẫn là một bé gái 6 tuổi. Nhưng năm nay cô ấy đã 26 tuổi rồi. Cô ấy còn đặt tên cho từng con gấu bông kia nữa, cứ như thể chúng là con cô ấy vậy. Việc này thật lạ lùng đối với tôi và tôi không biết liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng tôi sau này không. Tôi không thích ngủ chung với gấu bông. Vì vậy, điều tôi muốn biết là liệu tôi có bỏ lỡ mất điều gì đó không, hay là chuyện này đối với một người con gái 26 tuổi có phải là hoàn toàn bình thường?
Chris cười, tôi cũng cười đáp lại và quyết định pha trò thêm một chút:
- Theo ý anh, “bình thường” có nghĩa là “có phải người con gái 26 tuổi nào cũng ngủ trong một căn phòng có đầy gấu bông không”, đúng vậy không? Nếu vậy thì câu trả lời là “Không”. Có người ngủ với chú cún cưng, có người thì nuôi cá trong phòng ngủ. Thậm chí tôi còn biết một cô gái nuôi rắn trong phòng ngủ nữa kìa. Anh đừng lo, con rắn đó được nhốt trong chuồng. Nhưng dù sao cũng vẫn là rắn trong phòng ngủ.
- Tôi sẽ hẹn hò với cô gái ấy.
Chris nói và hai chúng tôi cùng phá lên cười. Sau đó, tôi bắt đầu nói nghiêm túc:
- Điều quan trọng không phải là Bridget chứa thứ gì trong phòng, Chris ạ, mà chính là tầm quan trọng của những thứ đó đối với cô ấy.
Tôi thấy dấu chấm hỏi hiện lên trong mắt Chris.
- Vậy thì chuyện này nghiêm trọng hơn tôi nghĩ. - Anh nói.
- Cũng chưa hẳn. - Tôi đáp. - Cho tôi hỏi anh vài câu. Anh nói rằng Bridget đặt tên cho hầu hết các con gấu bông đó. Vậy anh có biết xuất xứ của những con gấu bông đó không?
- Hầu hết là quà tặng. Cô ấy thậm chí còn nhớ được chính xác ai tặng con gấu nào và vào dịp nào nữa kia. Một nửa số gấu bông đó là của bố mẹ Bridget tặng cho cô ấy vào mỗi lần sinh nhật. Số còn lại là do cô dì chú bác của cô ấy tặng, một vài con do cậu em trai tặng. Hai trong số đó là quà tặng của hai người bạn trai cũ. Và nói thật, điều này khiến tôi khó chịu.
Tôi gật đầu tỏ vẻ thông cảm. Rõ ràng Chris bày tỏ cảm xúc khá mạnh với hai con gấu bông đó.
- Tôi nghĩ là tôi đã hiểu ra vấn đề rồi.
- Nó như thế nào? - Anh hỏi lại.
- Một tin khá tốt.
- Vậy thì nói cho tôi biết đi nào. - Chris nói.
- Có vẻ như ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Bridget là quà tặng. Quà tặng có ý nghĩa rất lớn với cô ấy. Anh nghĩ ngôn ngữ yêu thương cơ bản của mình là gì? Điều gì khiến anh cảm thấy mình được yêu thương nhiều nhất?
- Lời khen ngợi. - Chris nói nhanh. - Bridget luôn nói với tôi những lời khen ngợi và có lẽ đó là lý do khiến tôi yêu Bridget đến vậy.
- Có lý lắm. - Tôi nói. - Quay lại vấn đề của Bridget. Ngôn ngữ yêu thương cơ bản của Bridget có thể là quà tặng. Chính vì thế, cô ấy luôn ghi nhớ người nào tặng con gấu bông nào và đặt tên cho chúng. Đó là lý do cô ấy giữ chúng trong phòng ngủ. Mỗi chú gấu đều nói với Bridget rằng: “Tôi yêu bạn”.
- Vâng, tôi hiểu. Nhưng hai con gấu bông từ bạn trai cũ của cô ấy, chúng nên biến đi mới đúng chứ. Ý tôi là tôi không muốn mình hẹn hò với cô gái mà mỗi tối đều có hai chàng trai nói với cô ấy rằng: “Anh yêu em”.
Tôi cười nhưng vẫn nhận ra sự nghiêm túc của Chris.
- Đúng! - Tôi đáp. - Nếu quan hệ giữa anh và Bridget kéo dài thì chắc chắn sẽ có lúc hai con gấu đó phải dọn đi nơi khác. Nhưng nếu anh muốn tiếp tục hẹn hò với Bridget thì việc đầu tiên anh cần làm là phải yêu cả hai con gấu đó. Thực ra tôi nghĩ bây giờ anh đã biết phải tặng gì cho cô ấy vào ngày kỷ niệm một năm quen nhau hay sinh nhật của cô ấy rồi, phải không?
Bắt Bridget phải bỏ những con gấu ấy đi cũng giống như bắt cô ấy vứt bỏ tình cảm của bố mẹ, cô dì chú bác và em trai. Việc này cũng giống như bắt anh phải nói những lời miệt thị đối với bố mẹ và những người quan trọng trong đời anh vậy. Đó là điều không thể. Anh cũng đâu muốn cưới một cô gái quay lưng lại với tình yêu của bố mẹ và người thân của mình, đúng không?
Chris gật đầu; tôi lại tiếp tục:
- Anh thấy đó, Chris, vấn đề không phải Bridget bị dính chặt với những con gấu bông mà chính là tình cảm ẩn chứa trong những chú gấu đó. Thay vì tặng gấu bông, có thể bố mẹ cô ấy tặng thỏ nhồi bông hay ếch nhồi bông.
- Tôi lấy làm mừng là họ đã không tặng rắn. - Chris nói.
- Gấu bông cũng khá dễ chịu. - Tôi nói.
- Vâng! Bây giờ tôi cũng bắt đầu yêu gấu bông rồi đấy. - Chris vừa nói vừa cười.
- Nhưng đừng có nghe lời tôi một cách máy móc và lần kỷ niệm nào cũng tặng gấu bông đấy nhé. Một con gấu bông từ anh là đủ rồi. Sau đó anh có thể mở rộng phạm vi những món quà mình có thể tặng cho cô ấy. Điều tôi muốn nói ở đây là quà tặng đóng vai trò rất quan trọng đối với Bridget. Đó là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của cô ấy. Món quà sẽ nói với cô ấy rằng “Anh luôn nghĩ đến em. Anh yêu em”.
Tôi nhắc Chris rằng quà tặng không cần phải đắt tiền. Đôi khi chỉ cần một cành hồng hay một hộp kẹo cũng đủ nói lên rất nhiều điều.
- Nhưng tôi không phải là người thích tặng quà. - Chris nói. - Thường thì quà tặng đối với tôi không quan trọng lắm.
- Vậy thì anh sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức để học ngôn ngữ yêu thương này đấy. Nhưng đây là việc làm cần thiết nếu anh muốn quan hệ giữa mình với Bridget tiến triển tốt đẹp. Tất cả mọi người đều rạng ngời khi được yêu thương và héo tàn khi không cảm nhận được tình yêu. Sở dĩ Bridget luôn sống rất lạc quan là do cô ấy cảm nhận được tình yêu thương từ những người quan trọng trong cuộc đời cô ấy. Anh không muốn điều đó giảm đi, đúng không?
Hai tháng sau tôi gặp Bridget vào ngày lễ Quốc khánh. Chris giới thiệu với Bridget. Cô ấy nói:
- Tôi muốn cám ơn ông vì ông đã dành thời gian cho Chris. Anh ấy đã kể cho tôi nghe những điều ông nói với anh ấy. Tôi chưa từng nghĩ như thế. Tôi không biết ngôn ngữ yêu thương cơ bản của mình là quà tặng, nhưng đúng là thế thật.
Bridget đưa tay lên.
- Đây là chiếc nhẫn mà Chris tặng tôi tuần trước.
- Ồ, Chris học nhanh thật.
- Tôi không biết mình học nhanh cỡ nào. - Chris nói. - Nhưng tôi biết mình yêu Bridget và muốn cô ấy cảm nhận được tình yêu của mình.
Pháo hoa... tuyệt vời
- Vậy Bridget có sử dụng ngôn ngữ yêu thương của anh không? - Tôi hỏi.
- Có chứ! Lúc nào cô ấy cũng nói những lời yêu thương với tôi. - Chris nói.
- Tôi nghĩ mình là người rất may mắn.
Bridget nói. - Việc nói lời khen ngợi khá dễ dàng đối với tôi. Tôi nghĩ có lẽ là do mình đã học được điều này từ khi còn nhỏ. Bố mẹ lúc nào cũng khen ngợi những điều tốt đẹp ở tôi.
- Tôi nghĩ có lẽ lời khen ngợi là ngôn ngữ yêu thương thứ hai của cô. - Tôi nói với Bridget. - Cô có thích nghe lời khen ngợi và yêu thương không?
- Có chứ. - Bridget nói. - Và Chris sử dụng thứ ngôn ngữ đó rất tài.
- Tôi tin mối quan hệ của hai người sẽ lâu bền và cả hai sẽ hạnh phúc bên nhau đấy. - Tôi nói và pháo hoa cũng bắt đầu được bắn lên bầu trời cao.
Khi Chris chuẩn bị quay đi, anh đưa hai ngón tay lên và nói nhỏ với tôi:
- Hai con gấu đó biến rồi! Tôi cười và gật đầu. Bridget cũng nghe được điều Chris vừa nói nên quay lại nhìn tôi, nói:
- Tôi tặng chúng cho quỹ từ thiện rồi. Hy vọng một người nào đó cũng sẽ cảm nhận được tình yêu khi nhận chúng.
Chris và Bridget là minh chứng cho dạng mâu thuẫn sẽ nảy sinh khi hai người yêu nhau nhưng không hiểu được ngôn ngữ yêu thương của nhau.
Chris thấy kỳ lạ khi một cô gái 26 tuổi lại để đầy gấu bông trong phòng ngủ. Theo Chris, việc này là bất bình thường. Tuy nhiên, khi Chris hiểu được quà tặng cũng là một trong năm ngôn ngữ yêu thương và những con gấu bông kia là quà tặng từ những người quan trọng trong đời Bridget thì mọi thứ đều trở nên có lý đối với anh.
Tất nhiên, tôi không khuyên bạn chỉ sử dụng duy nhất một ngôn ngữ yêu thương cơ bản của người mà bạn quan tâm. Tình yêu có thể được cho và nhận bằng cả năm ngôn ngữ. Nhưng nếu bạn không sử dụng đúng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của một người thì người đó khó có thể cảm nhận được tình yêu của bạn. Một khi bạn đã thuần thục loại ngôn ngữ yêu thương cơ bản của người đó, bạn có thể thêm vào bốn loại ngôn ngữ còn lại. Và chúng sẽ góp phần làm cho tình cảm giữa hai người trở nên sâu đậm hơn.
Những điều cần suy ngẫm
1. Ngôn ngữ yêu thương quà tặng đã được bố mẹ bạn sử dụng như thế nào?
2. Bạn có thường xuyên tặng quà cho những người bạn yêu thương và quan tâm không?
3. Món quà cuối cùng bạn tặng cho người khác là khi nào, và cho ai?
4. Bạn cảm thấy việc sử dụng ngôn ngữ yêu thương quà tặng có khó không? Hay việc này rất tự nhiên đối với bạn? Tại sao?
5. Khi nói chuyện với người khác, bạn có chú ý lắng nghe để lấy ý tưởng cho những món quà mà bạn có thể tặng họ không? Liệu việc ghi một danh sách quà tặng có hữu ích cho bạn?
6. Nếu bạn thích được tặng quà, bạn thích được nhận từ ai nhất?