Jenny bắt đầu đi làm khi chồng cô bỏ đi, để lại cô cùng đứa con gái 4 tuổi. Kỹ năng tin học của Jenny không được tốt nhưng cô đang tiến bộ từng ngày. Jenny có một đồng nghiệp rất tử tế và chính người ấy khiến cho cuộc sống của người mẹ đơn thân như cô dễ thở hơn.
- Beth rất tốt. - Jenny nói. - Mỗi khi tôi gặp vấn đề về kỹ thuật vi tính, cô ấy đều giúp đỡ tôi rất tận tình. Beth rất kiên nhẫn mỗi khi tôi chậm hiểu. Beth là người tuyệt vời nhất! Tôi không biết mình sẽ làm thế nào nếu không có cô ấy.
Jenny đánh giá rất cao Beth vì người đồng nghiệp này đã sử dụng ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của cô: sự tận tụy.
Albert Einstein, một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử, nổi tiếng với việc đề ra thuyết tương đối vào năm 1905. Ông còn có rất nhiều cống hiến quan trọng cho khoa học. Tuy nhiên, vào cuối đời, ông đã tháo chân dung của hai nhà khoa học Maxwell và Newton xuống để thay vào đó chân dung của Schweitzer và Gandhi. Khi mọi người thắc mắc về hành động này, ông đáp: ”Đã đến lúc thay biểu tượng của khoa học bằng biểu tượng của sự phục vụ”.
Rõ ràng, Einstein đã nhận ra rằng tình yêu còn mạnh mẽ hơn cả khoa học. Một trong những cách thức thể hiện tình yêu thương chính là sự tận tụy. Hình ảnh thể hiện rõ nhất bản chất của đạo Thiên Chúa chính là cảnh Chúa Jesus rửa chân cho các tông đồ. Theo thông lệ xưa, những người hầu có nhiệm vụ rửa chân cho khách đến thăm nhà. Chúa Jesus đã từng dạy các học trò phải thương yêu con người. Và Người đã thể hiện cho họ thấy một ví dụ về tình yêu thương: Người lấy một thau nước và một cái khăn để rửa chân cho họ. Sau đó, Người khuyến khích các học trò noi theo.
Trong hầu hết các chế độ xã hội thì người vĩ đại chính là người thống trị. Nhưng Chúa Jesus lại cho rằng người vĩ đại nhất chính là người phục vụ người khác. Và Paul - một tông đồ của Người - đã tóm lại triết lý này bằng câu: “Hãy phục vụ người khác với tình yêu thương”.
Trong "Thời đại cái Tôi" của chúng ta ngày nay, ý tưởng phục vụ người khác dường như đã trở nên lạc hậu. Thế nhưng, một cuộc đời phụng sự cho người khác vẫn luôn là một cuộc đời đáng mơ ước. Trong mọi lĩnh vực, người vượt trội luôn là người mong muốn được phục vụ cho người khác. Thầy thuốc đáng kính nhất luôn xem nghề nghiệp của mình như một sứ mệnh phụng sự cho các bệnh nhân không may mắn. Nhà lãnh đạo thực thụ luôn coi mình là ”đầy tớ của nhân dân”. Nhà giáo dục vĩ đại luôn xem mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt. Với họ, phần thưởng to lớn nhất chính là được thấy người khác trở nên tốt đẹp hơn.
Phục vụ khác với phục tùng
Trước hết, hãy cho phép tôi phân biệt sự khác nhau giữa phục vụ và phục tùng. Phục tùng thường tồn tại trong những gia đình có giá trị sai lệch, nơi mà người ta phục vụ nhau do bị ép buộc chứ không phải do tự nguyện. Phục tùng sẽ trở thành gánh nặng trong trái tim con người. Nó tạo ra sự giận dữ, cay đắng và lòng thù hận.
Hãy nghe tâm sự dưới đây của một người vợ đã ly thân với chồng:
”Tôi đã phục vụ cho ông ấy hơn 20 năm qua. Tôi làm tất cả mọi việc cho ông ấy, thậm chí không hơn gì cái thảm chùi chân của ông ấy. Nhưng ông ấy lại bỏ mặc tôi, đối xử tệ với tôi, xúc phạm tôi trước mặt người thân và bạn bè. Tôi không hận ông ấy, cũng không nguyền rủa gì ông ấy. Nhưng tôi không còn muốn sống cùng ông ấy nữa”.
Người vợ này đã thực hiện hành động phục vụ trong suốt 20 năm qua nhưng đó không phải là biểu hiện của tình yêu. Chúng được thực hiện vì sự sợ hãi hoặc do cảm giác tội lỗi chi phối.
Thảm chùi chân là một vật vô tri vô giác. Bạn có thể chùi chân lên đó, đạp, đá hay làm bất cứ thứ gì bạn thích bởi nó không có ý thức. Nhưng người mà bạn yêu thương thì không như vậy. Khi bạn đối xử với họ như đồ vật, bạn đã tự đánh mất cơ hội được thể hiện tình yêu thương đối với họ. Bị khống chế vì điều kiện (”Nếu em yêu anh, em sẽ làm việc này cho anh”) không phải là sự yêu thương. Bị ép buộc (”Có làm không thì bảo? Nếu cô không làm, cô sẽ phải hối hận đấy!”) thì không thể tồn tại tình yêu.
Không ai đáng bị đối xử như một tấm thảm chùi chân cả. Con người là những sinh vật có suy nghĩ, cảm xúc và ước mơ. Chúng ta có khả năng quyết định và làm theo ý thích của mình. Lợi dụng hoặc khống chế người khác không phải là biểu hiện của tình yêu thương. Thực chất, đó là một hành động phản bội. Nếu bạn cho phép người khác khống chế mình, nghĩa là bạn đang tạo điều kiện để họ hình thành thói quen vô nhân tính. Tình yêu thực sự sẽ nói rằng: “Em quá yêu anh nên không thể để anh đối xử với em như thế. Điều đó không tốt cho cả hai chúng ta”. Tình yêu thực sự sẽ không bao giờ cho phép bạn bị khống chế.
Mặt khác, tình yêu thực sự thường được thể hiện bằng sự tận tụy. Đó là sự phục vụ tự nguyện, xuất phát từ sự tự lựa chọn chứ không phải do sợ hãi. Nó xuất phát từ suy nghĩ: ”Trao đi là hạnh phúc hơn nhận lại”. Tất cả chúng ta đều có một khả năng hay trình độ nhất định nào đó. Hãy dùng những thứ đó để thể hiện tình yêu thương của bạn, như Beth đã dùng khả năng tin học của mình để thể hiện tình yêu thương đối với Jenny.
Những biểu hiện của Sự tận tụy
Tất nhiên, sự tận tụy không đòi hỏi bạn phải có kỹ năng công nghệ nào cả. Nhiều năm trước, vào mỗi chiều tối thứ Sáu, vợ chồng tôi đều mở cửa chào đón những người độc thân mới đến hoặc đã từng ghé thăm nhà thờ của chúng tôi. Điều này cũng không có gì to tát lắm; chúng tôi muốn tạo ra một nơi để các bạn trẻ trong vùng có thể giải tỏa thắc mắc, gặp gỡ và tạo lập mối quan hệ mới. Một hôm, sau khi thảo luận, một chàng trai đã nán lại nói với tôi rằng: “Những cuộc gặp gỡ này thật thú vị và bổ ích với chúng tôi. Tôi rất muốn làm gì đó để thể hiện sự biết ơn của tôi đối với ông bà. Liệu tôi có thể ghé qua lau chùi lò nướng giúp ông bà vào một ngày nào đó được chăng?”.
Cả Karolyn và tôi đều ghét công việc chùi rửa này. Vì thế, tôi nói ngay, không chút do dự: ”Như thế thì thật tuyệt”. Và mấy ngày sau, cậu ấy đến chùi rửa bếp lò cho chúng tôi.
Chuyện đó xảy ra cách đây hơn 30 năm. Người thanh niên đó đã rời khỏi khu này từ lâu nhưng vợ chồng tôi vẫn không quên con người và hành động tốt đẹp của cậu ấy.
Cuộc sống luôn mang đến cho bạn cơ hội để thể hiện tình yêu bằng sự tận tụy của mình. Có thể đó là lúc bạn cùng người đồng nghiệp ra bãi đỗ xe và phát hiện ra bánh xe trước của cô ấy bị xì hơi; là khi một người lớn tuổi cần quá giang xe bạn đến chỗ bác sĩ hay nhà thờ…
Đối với một số người độc thân, ngôn ngữ yêu thương này được thể hiện rất dễ dàng. Họ lớn lên trong những gia đình mà ”hành động thể hiện nhiều hơn là lời nói”.
Họ được khen ngợi khi tận tụy phục vụ người khác. Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều cố gắng phục vụ cho người già hay những ai đang cần sự giúp đỡ của họ. Họ cảm nhận được một cách sâu sắc rằng yêu thương có nghĩa là tận tụy. Kết quả là họ luôn chú ý đến những cơ hội phục vụ người khác.
Với một số người, đây là loại ngôn ngữ khó học
Tuy nhiên, có những người lại tỏ ra rất lúng túng khi sử dụng ngôn ngữ yêu thương này. Họ lớn lên trong một gia đình mà tất cả mọi người đều phải tự lo cho mình. ”Bố mẹ sẽ không chăm lo cho con mãi đâu” là thông điệp mà họ thường xuyên nghe. Kết quả là họ chỉ chăm chăm tìm cách đáp ứng nhu cầu của bản thân. Và họ cũng nghĩ mọi người đều phải như thế: “Tại sao mình phải làm giúp người khác trong khi họ có thể tự làm được?”. Họ cũng thường nói: ”Đương nhiên là tôi sẽ giúp đỡ các cụ già khi họ đang gặp khó khăn” nhưng thực tế thì hiếm khi họ làm thế.
Nếu bạn ở chung nhà hay làm cùng chỗ với những người có khuynh hướng như trên thì tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến của họ trước khi tỏ ra tận tụy với họ. Nếu bạn lau chùi đồ đạc cho người bạn cùng phòng trong lúc cô ấy đi vắng, có thể cô ấy sẽ cảm thấy khó chịu. Khi ấy, cô ấy sẽ nghĩ: “Cô ta nghĩ mình không làm nhiệm vụ của mình”. Đối với bạn, hành động lau chùi kia được dùng để thể hiện tình yêu thương nhưng đối với cô bạn ấy, đó lại là hành động thể hiện sự xúc phạm.
Vì thế, tốt nhất là bạn nên hỏi: “Cậu có vui khi tớ làm________ giúp cậu không?” trước khi có ý định giúp đỡ người bạn ấy. Suy cho cùng, mục đích của bạn chính là mang lại hạnh phúc cho người khác bằng cách thể hiện tình yêu thương của mình. Nếu phản ứng của cô ấy là: ”Không, tớ tự làm được” thì đừng nghĩ là cô ấy chối bỏ bạn. Chỉ là ngay thời điểm đó, cô ấy chưa muốn nhận cách thể hiện tình yêu thương của bạn mà thôi.
Dù bạn không thể thể hiện tình yêu thương của mình với người bạn ấy thông qua hành động phục vụ thì đó vẫn là một ngôn ngữ yêu thương mà bạn cần sử dụng thường xuyên. Đó là cách thể hiện trách nhiệm của bạn với lợi ích của người khác. Bác sĩ Albert Schweitzer từng nói: ”Chỉ cần còn một người trên đời này đói khát, bệnh tật, cô đơn hay sống trong sợ hãi thì người đó vẫn thuộc về trách nhiệm của tôi”. Giúp đỡ người khác là một cách thể hiện tình yêu phổ biến và được sử dụng khắp nơi.
Một cái ô rất lớn
Leah là một trong số ít người độc thân đã tham gia buổi hội thảo về hôn nhân của tôi tại Cleveland. Cô ấy nói với tôi về mục đích của mình: “Tôi chỉ muốn tìm hiểu thêm về hôn nhân để sau này còn biết nên làm gì”. Tôi ước sao những người độc thân cũng có thái độ như Leah trước hôn nhân. Sau giờ ăn trưa, cô ấy hỏi liệu có thể nói chuyện với tôi một lát không.
- Tôi không muốn làm mất thời gian của ông
- cô nói, - nhưng tôi đang gặp một rắc rối.
Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu ý và cô ấy nói tiếp.
- Tôi đã hẹn hò với một người được 6 tháng nay. Đó là người đàn ông rất tuyệt vời, nhưng điều đáng nói là tôi lại không có cảm giác gì với anh ấy cả. Tôi ước gì mình yêu được người đàn ông đó vì thực sự anh ấy rất tuyệt vời.
- Điều gì làm cô nghĩ anh ta tuyệt vời đến thế?
- Tôi hỏi.
- Anh ấy là người đàn ông tử tế nhất mà tôi từng gặp. Chưa có người nào chăm lo cho tôi nhiều đến thế.
- Anh ấy đã làm gì cho cô. - Tôi hỏi.
- Mọi chuyện bắt đầu vào cái đêm tôi tham dự buổi sinh hoạt dành cho những người độc thân ở nhà thờ. - Leah kể. - Khi tôi chuẩn bị ra về thì trời đổ mưa to. Một người đàn ông bước lại chỗ tôi với một cái ô rất lớn và ngỏ ý đưa tôi ra xe. Tôi không nhớ mình đã gặp anh ấy bao giờ chưa nhưng anh ấy nói đã tham gia buổi sinh hoạt này ba tuần trước. Đương nhiên là tôi nhận lời đề nghị của anh ấy. Anh đưa tôi ra xe và chúc tôi một buổi tối an lành. Tôi cám ơn anh; anh đóng cửa xe lại rồi đi về phía xe mình. Mọi chuyện lúc đó chưa có gì đặc biệt cả.
Tôi cũng chẳng hề nghĩ đến người đàn ông ấy cho đến lúc tôi gặp lại anh trong buổi sinh hoạt hai tuần sau đó. Sau khi buổi sinh hoạt kết thúc, anh hỏi liệu tôi có muốn dùng một cốc sữa lắc không. Tôi gật đầu đồng ý. Chúng tôi băng qua đường và đi tới tiệm kem. Sau đó, tôi biết thêm một số thông tin về anh ấy, chẳng hạn như anh chưa từng kết hôn, hiện đang là kỹ sư điện làm việc cho một công ty địa phương và đã sống ở Cleveland được khoảng 2 năm. Cuộc nói chuyện với anh ấy diễn ra rất thoải mái và vui vẻ. Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, trời lại đổ mưa. Anh bảo tôi hãy chờ anh đi lấy xe rồi anh sẽ chở tôi ra bãi đậu xe. Vì không muốn bị ướt tóc nên tôi đã đồng ý.
Anh ấy chạy băng qua đường rồi nhanh chóng lái xe quay lại đón tôi ở cửa với cái ô trong tay. Người anh ướt nhẹp khi đưa tôi ra xe. Khi lái xe về, tôi nghĩ anh ấy thật tốt nhưng không hề nghĩ sẽ hẹn hò với anh ấy.
Ba tuần sau, tôi lại gặp anh ấy ở một buổi hội thảo của những người độc thân. Trưa hôm đó, máy vi tính của tôi bị trục trặc. Anh bảo với tôi rằng anh có thể sửa được nó nhanh chóng. Nếu tôi muốn, anh có thể về nhà sửa máy giùm tôi. Và tôi đã đồng ý. Anh nhanh chóng tìm ra nguyên nhân nhưng anh bảo cần một vài phụ kiện gì đó. Thế là anh chạy về nhà và 45 phút sau, anh quay lại, mang theo những thứ cần thiết. Chỉ mất 5 phút sau, anh đã sửa xong máy tính cho tôi.
Tôi mời anh một ly nước ngọt và chúng tôi nói chuyện về máy vi tính thêm độ vài phút. Tôi cảm ơn anh và ngỏ ý muốn trả tiền công cho anh. Nhưng anh từ chối và nói rằng rất vui vì có thể giúp được tôi.
Giống như chàng trai bước ra từ truyện cổ tích, người đàn ông đó luôn hết lòng giúp đỡ Leah. Tại buổi họp sau, anh giới thiệu cho Leah một chương trình vi tính mà anh nghĩ thích hợp với cô. “Tôi có thể ghé qua và cài đặt cho cô nếu cô muốn”. Sau khi nghe anh giải thích về chương trình đó, Leah đồng ý và mời anh về nhà.
- Anh ấy chỉ cho tôi cách dùng phần mềm đó và tôi thấy nó sẽ giúp ích cho mình rất nhiều. - Leah giải thích. - Sau khi xong việc, tôi lại bày tỏ thành ý được trả công cho anh để tỏ lòng biết ơn. Nhưng một lần nữa, anh lại từ chối và nói rằng anh rất vui khi giúp được tôi.
- Nói tóm lại là, - Leah nói (và lần này tôi thật mừng khi nghe mấy từ này) - chúng tôi bắt đầu hẹn mỗi tuần một lần. Sau đó, anh ấy thường xuyên ghé nhà tôi giúp tôi sửa chữa này nọ. Anh chỉnh lại cửa tủ để tôi đóng mở dễ dàng hơn. Anh cài một cái khóa lên cửa ra vào; giúp tôi gỡ cánh cửa sổ bị kẹt. Anh giúp tôi thay bộ lọc trong lò sưởi; hướng dẫn tôi cách sử dụng một vài tính năng trong chiếc điện thoại mới. Anh còn giúp tôi sửa máy nướng bánh mì để nó không làm khét bánh nữa.
Anh ấy là người đàn ông tuyệt vời! Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại không hề cảm thấy lãng mạn khi ở bên anh ấy. Tôi cũng không bị hấp dẫn về mặt thể xác với anh ấy. Tôi nghĩ mình không nên kết hôn với anh ấy nhưng tôi lại rất thích có anh ấy bên cạnh mình.
- Cô nghĩ anh ta có cảm giác gì với cô không?
- Tôi hỏi.
- Tôi không biết. - Leah trả lời. - Chúng tôi chưa từng nói về việc ấy. Anh ấy chưa từng thử hôn tôi, cũng chưa choàng vai hay nắm tay tôi. Anh ấy giống như là một người bạn cực kỳ tốt bụng vậy. Nhưng tôi muốn hẹn hò, không phải với người cụ thể nào mà là tôi muốn có cảm giác yêu đương với một ai đó. Làm sao điều này có thể xảy ra nếu tôi cứ tiếp tục đi lại với anh ấy như thế này? Nhưng tôi cũng không muốn làm tổn thương anh ấy. Anh ấy đã đối xử với tôi rất tốt. Tôi không biết phải làm gì nữa.
Bố của leah
Tôi có cảm giác Leah đang nhờ đến sự trợ giúp từ sự thông thái của Solomon. Nhưng vì không phải là Solomon nên tôi tiếp tục hỏi cô:
- Tôi đổi đề tài một chút nhé? Leah gật đầu và tôi nói tiếp:
- Cô thấy bố cô có phải là người tháo vát không?
- Có! Bố tôi sửa chữa mọi thứ trong nhà. Không những thế, bố còn giúp nhiều gia đình hàng xóm khác. Tôi nhớ lúc tôi có chiếc xe đầu tiên, bố tôi luôn sửa chữa nó mỗi khi nó trục trặc. Khi tôi học đại học, một lần, hệ thống điện của tôi trong ký túc xá có vấn đề nhưng tôi không gọi được thợ điện. Cuối cùng thì cũng chính bố tới sửa giúp tôi.
- Quan hệ giữa hai bố con cô thế nào? - Tôi hỏi.
- Chúng tôi rất thân thiết với nhau. Tôi thật may mắn khi có được người bố yêu thương mình như thế.
- Làm sao cô biết bố thương mình?
- Như tôi đã kể, tất cả mọi việc bố làm đều vì tôi. Bố luôn có mặt mỗi khi tôi cần.
- Cô có thấy giữa bố cô với người cô đang hẹn hò có gì giống nhau không? - Tôi hỏi.
Leah suy nghĩ một lát rồi nói:
- Có, ông nói tôi mới để ý. Thực ra Mark làm tất cả những việc mà trước đây bố tôi vẫn thường làm. Anh ấy là một người đàn ông tốt, cũng giống như bố tôi vậy. Nhưng tôi không muốn kết hôn với bố của mình. - Leah nói, vừa cười vừa quệt nước mắt.
- Tôi nghĩ mình có thể lý giải mọi chuyện cho cô hiểu. - Tôi nói. - Cô có nhớ những gì tôi nói về Năm ngôn ngữ tình yêu trước giờ nghỉ trưa không?
- Có. Những điều ông nói rất sáng suốt.
- Tôi đoán là ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của cô là sự tận tụy. Cô cảm nhận được tình yêu thương của bố do ông đã sử dụng ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của cô.
Leah gật đầu.
- Và cô cũng cảm thấy được tình yêu của Mark do anh ta cũng sử dụng ngôn ngữ yêu thương đó.
- Nhưng còn về cảm giác thì sao? - Leah cắt ngang.
- Tôi sẽ nói đến nó ngay sau đây. Nhưng trước hết, tôi muốn giải thích cho cô hiểu vì sao cô cảm thấy gần gũi với Mark, trân trọng tình bạn với anh ấy và cảm thấy anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời.
Khi một người nào đó sử dụng ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của ta, ta sẽ cảm thấy thân thiết với họ. Ta sẽ đánh giá cao người đó và muốn làm điều gì đó có ích cho cuộc sống của họ, để đền đáp lại tình cảm mà họ dành cho ta. Đó là lý do cô bắt đầu hẹn hò với Mark dù không có tình cảm gì đặc biệt với anh ấy. Cả hai đã có được một tình bạn rất đáng quý và cô không muốn làm tổn thương Mark. Nhưng giờ đây, cô lại muốn có quan hệ yêu đương thật sự và chính điều đó đã khiến cô rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Gợi ý cho leah
- Đúng vậy. Thế bây giờ tôi phải làm sao?
- Tôi không thể khuyên cô nên làm thế nào trong hoàn cảnh này được. Nhưng tôi có thể chia sẻ với cô vài ý tưởng có thể giúp cô tự quyết định vấn đề của mình.
Đầu tiên, cô phải thành thực với chính mình. Cô đã nói với tôi những điều cô suy nghĩ nhưng cô còn phải nói với bản thân mình nữa. Cô đang có một tình bạn rất đáng quý với Mark nhưng nó không phải là thứ tình cảm có thể dẫn đến hôn nhân. Sau này, nếu cô yêu một người nào đó không phải Mark thì tình bạn này sẽ giảm đi hoặc thậm chí không tồn tại nữa.
Leah gật đầu đồng ý. Tôi lại tiếp tục.
- Thứ hai là... - Tôi nhận thấy Leah đang khá căng thẳng. Có lẽ cô sẽ không nhớ được điều tôi đã nói nên tôi hỏi. - Cô có muốn ghi lại không?
Tôi nói và đưa cho Leah một cây viết.
- À, vâng! - Cô trả lời và cho tay vào túi tìm quyển sổ.
- Thứ hai là, - tôi lặp lại, - cô nên tìm hiểu xem Mark đang nghĩ gì về mối quan hệ giữa hai người, hay anh ấy có tình cảm gì đặc biệt với cô không. Tôi nghĩ cô khó đưa ra được quyết định sáng suốt nếu không biết được suy nghĩ của Mark.
- Nhưng làm sao tôi biết được những điều đó?
- Cách tốt nhất là hỏi thẳng anh ấy. - Tôi đáp.
- Nhưng tôi đâu thể hỏi Mark rằng: “Anh có tình cảm gì với em không?” được.
- Nhưng cô có thể nói với Mark thế này: “Mark, em đã suy nghĩ về mối quan hệ của chúng ta và em muốn biết chúng ta có cùng suy nghĩ không. Vì thế, em sẽ nói với anh suy nghĩ của em và em mong anh cũng chia sẻ với em những điều anh nghĩ. Anh thấy bây giờ chúng mình nói chuyện về điều đó được không?”. Nếu Mark đồng ý thì cô hãy tiếp tục. Cô có thể nói với anh ấy những điều như: “Trước hết, em phải thừa nhận là em rất quý tình bạn giữa chúng ta. Em hy vọng nó có thể kéo dài. Anh đối xử với em rất tốt và em cảm thấy rất vui khi được ở bên cạnh anh. Nhưng em lại không thấy đây là tình yêu nam nữ”.
- Chờ chút, để tôi ghi lại đã. - Leah nói và cắm cúi ghi.
Tôi tiếp tục:
- ”Em không bao giờ muốn làm tổn thương anh nhưng em nghĩ anh có quyền được biết sự thật. Có lẽ em thật ngốc nghếch khi nói ra điều này nhưng em muốn chúng mình hiểu nhau. Anh thấy có được không?”. Sau đó, cô hãy nghe cho kỹ những gì Mark nói và hỏi những câu hỏi có tính chất khẳng định lại để bảo đảm mình hiểu đúng ý anh ấy.
Tôi lại nói tiếp:
- Nếu Mark có cùng suy nghĩ như cô thì nghĩa là hai người có một tình bạn bình thường. Khi đó, hai người có thể làm bạn và cô sẽ thoải mái hẹn hò với người khác. Nhưng nếu Mark có tình ý với cô thì việc cô vừa hẹn hò với người khác lại vừa giữ được tình bạn với anh ấy như hiện nay là điều rất khó. Tuy nhiên, dù sao thì cô cũng biết được sự thật và có thể đưa ra quyết định của mình. Khi nghe cô nói như vậy, có thể Mark sẽ chọn cách chấm dứt mối quan hệ với cô nhưng cũng có thể anh ấy sẽ đề nghị tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa hai người cho tới khi cô gặp được người cô yêu. Nếu Mark cũng không có tình ý gì với cô thì anh ấy sẽ vui vẻ để cô quen với người khác trong khi vẫn làm một người bạn tốt của cô.
Đã đến giờ tôi tiếp tục bài thuyết giảng mới, Leah cảm ơn tôi và quay lại chỗ ngồi cũ để tiếp tục tham gia phần sau của buổi hội thảo. Khi buổi hội thảo kết thúc, Leah đến gặp tôi để cảm ơn thêm lần nữa.
Tôi tiếp nhận lời cảm ơn của cô ấy và nói:
- Tôi có thêm một điều muốn chia sẻ với cô. Tôi hy vọng chồng của cô sau này sẽ biết cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương sự tận tụy. Nếu không, cô hãy nói cho anh ấy biết trước khi hai người kết hôn để anh ấy hiểu vì sao điều đó lại quan trọng đến thế.
- Tôi sẽ đưa anh ấy đến những buổi hội thảo của ông. Tôi sẽ điều chỉnh anh ấy trước khi tổ chức đám cưới mà. - Leah mỉm cười trả lời rồi quay đi.
Tôi không còn gặp lại Leah sau buổi hội thảo ấy nữa nhưng tôi biết cô ấy đã nhận ra ngôn ngữ yêu thương cơ bản của mình cũng như tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, hầu như mọi người đều không thật sự hiểu được tầm quan trọng của Năm ngôn ngữ yêu thương nói chung và ngôn ngữ yêu thương cơ bản của bản thân họ trước khi kết hôn. Họ kết hôn với cảm giác hào hứng của thời "đang yêu" và nghĩ rằng tình yêu ấy sẽ tồn tại mãi mãi. Họ bị vỡ mộng khi rơi từ đỉnh cao hạnh phúc xuống và tự hỏi điều gì đã xảy đến với tình yêu của mình. Khi ta học được cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người khác, ta có thể tiếp tục đong đầy tình cảm của họ về sau này.
Những điều suy ngẫm
1. Bố bạn có sử dụng ngôn ngữ yêu thương sự tận tụy giống như bố của Leah không? Còn mẹ bạn thì sao?
2. Bạn thể hiện sự tận tụy của mình đối với người khác như thế nào?
3. Trong vòng 3 tháng qua, bạn đã thực hiện hành động phục vụ nào với cha mẹ mình?
4. Bạn đã thực hiện hành động tận tụy nào đối với bạn bè hay người bạn đang hẹn hò?
5. Gần đây, bạn có được mọi người quan tâm tận tụy không?
6. Theo thang điểm từ 0 dến 10, bạn cảm thấy mình được yêu thương đến đâu khi người khác tỏ ra tận tụy với bạn?
7. Bạn có sẵn sàng đặt mục tiêu sẽ sử dụng ngôn ngữ yêu thương sự tận tụy ít nhất mỗi tuần một lần đối với những người mà bạn quan tâm không?