Mike và Jenna đã hẹn hò với nhau được 6 tháng nhưng Mike đang cảm thấy rất chán nản với mối quan hệ của họ. ”Tôi thực lòng rất thích Jenna. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có được một mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng vấn đề là cô ấy không khi nào rảnh cả. Cô ấy bận rộn đến mức không bao giờ có thời gian dành cho tôi. Tôi đã quá mệt mỏi với việc phải ngồi nhà chờ đợi trong khi cô ấy đi công tác hết lần này tới lần khác”.
Mike đã nói đến khao khát có được quãng thời gian chia sẻ của mình. Mục đích lớn nhất của ngôn ngữ yêu thương Thời gian chia sẻ là cả hai được ở bên nhau. Tôi không nói đến khoảng cách về không gian. Hai người ngồi chung trong một căn phòng dĩ nhiên là gần nhau về mặt không gian, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã thực sự bên nhau. Việc ở bên nhau đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Nhu cầu cơ bản của con người là được nối kết với người khác. Ta có thể nhìn thấy một người suốt cả ngày nhưng chưa chắc ta đã cảm thấy kết nối với họ.
Bác sĩ Albert Schweitzer từng nói: ”Con người ở bên cạnh nhau rất nhiều nhưng tất cả đều chết trong nỗi cô đơn”. Giáo sư Leo Buscaglia thì cho rằng: “Tất cả chúng ta đều có nhu cầu bẩm sinh được ở bên cạnh nhau, tương tác với nhau và yêu thương nhau. Việc thiếu vắng những mối liên hệ mật thiết với người khác sẽ khiến cho một đứa bé sơ sinh phát triển ngược, mất ý thức, ngu đần và có thể chết đi”.
Thời gian chia sẻ là một công cụ giao tiếp cảm xúc hữu hiệu. Người mẹ đơn thân ngồi trên sàn nhà chơi bóng với đứa con 2 tuổi của mình chính là một ví dụ về ngôn ngữ yêu thương này. Dù khoảnh khắc đó kéo dài bao lâu thì họ cũng đã ở bên nhau. Tuy nhiên, nếu như người mẹ vừa nói chuyện điện thoại vừa chơi với con thì lúc đó người mẹ đã phân tán sự chú ý của mình. Đứa trẻ không còn nhận được sự quan tâm tuyệt đối nữa.
Thời gian chia sẻ không có nghĩa là ta cứ ngồi bên nhau và nhìn chằm chằm vào mắt nhau. Một trong những cách thức thể hiện của ngôn ngữ yêu thương này chính là hai người cùng làm một việc gì đó mà cả hai đều yêu thích. Hoạt động đó chỉ là cách thức để tạo ra môi trường và không khí cả hai bên nhau. Điều quan trọng trong việc bà mẹ ngồi chơi bóng với đứa con 2 tuổi không phải là hành động chơi bóng mà chính là cảm xúc của người mẹ và đứa con. Tương tự, một cặp đôi đang cùng chơi tennis, nếu đó đích thực là thời gian chia sẻ thì họ sẽ không tập trung hoàn toàn vào việc chơi bóng mà sẽ chú tâm vào việc dành thời gian cho nhau. Những biến chuyển về mặt cảm xúc mới là điều quan trọng. Việc dành thời gian cho nhau thường xuyên chứng tỏ họ quan tâm đến nhau và thích được ở cạnh nhau.
Tuy nhiên, nếu người đang hẹn hò với bạn thể hiện mong muốn được học chơi tennis, và nếu bạn chơi tốt hơn thì hãy tập trung hướng dẫn người đó phát triển kỹ năng chơi bóng. Đây có thể cũng là một biểu hiện của tình yêu, nhưng không phải ngôn ngữ yêu thương “thời gian chia sẻ” mà là “sự tận tụy”. Bạn đang đáp ứng nhu cầu của đối phương và người ấy có thể cảm nhận được tình yêu chân thành từ phía bạn thông qua việc làm này, nhất là khi ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của người ấy là sự tận tụy. Trong trường hợp này, bạn cũng có thể sử dụng ngôn ngữ yêu thương Thời gian chia sẻ nếu sau buổi tập luyện, cả hai ngồi xuống uống một cốc nước chanh mát lạnh và cùng nhau trò chuyện.
Các biểu hiện quan trọng của Thời gian chia sẻ
Đối thoại chất lượng
Cũng như lời khen ngợi, ngôn ngữ yêu thương Thời gian chia sẻ cũng có rất nhiều cách thể hiện khác nhau. Một trong những cách thể hiện phổ biến nhất đó là đối thoại chất lượng. “Đối thoại chất lượng” có nghĩa là cuộc đối thoại mà trong đó hai người cùng chia sẻ kinh nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc và mơ ước với nhau, trong bầu không khí thân thiện và không bị chi phối.
Lắng nghe...
Đối thoại chất lượng có nhiều điểm khác biệt so với lời khen ngợi. Lời khen ngợi tập trung vào những điều ta nói trong khi đối thoại chất lượng lại dựa vào khả năng lắng nghe và thấu hiểu của ta. Nếu tôi thể hiện tình yêu thương của mình dành cho bạn bằng thời gian chia sẻ và chọn cách đối thoại chất lượng, điều đó có nghĩa là tôi sẽ hiểu bạn hơn thông qua việc lắng nghe và đồng cảm với những điều bạn nói. Tôi sẽ hỏi, nhưng không phải bằng giọng điệu tò mò mà là với ý định chân thành, để hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của bạn.
Nếu tôi dành ra 30 phút như thế để nói chuyện với bạn, nghĩa là tôi đã dành ra 30 phút của đời tôi cho bạn. Đối thoại chất lượng chuyển tải thông điệp rằng tôi quan tâm đến bạn và cuộc sống của bạn. Điều này đặc biệt tỏ ra tác dụng nếu ngôn ngữ yêu thương cơ bản của bạn là thời gian chia sẻ.
. . .và Trò chuyện
Đương nhiên đối thoại còn có cả phần nói nữa. Nhiều người độc thân (và cả những người đã kết hôn) không có những kỹ năng giao tiếp cần thiết cho một cuộc đối thoại chất lượng. Sarah, một phụ nữ gần 30 tuổi, tìm đến văn phòng của tôi khi cô gặp rắc rối trong chuyện tình cảm. Bạn trai hiện thời của cô gần đây đã nói rằng anh ta cảm thấy đã đến lúc hai người “nên xa nhau” bởi vì tính cách của hai người ”quá khác biệt”.
- Anh ấy phàn nàn nhiều nhất về việc tôi nói quá ít. - Sarah nói. - Tôi biết mình khá nhút nhát. Từ khi còn bé, tôi đã nghe bố tôi nói rằng: “Trẻ con sinh ra chỉ để ngắm chứ không phải để lắng nghe”.
Ông không bao giờ dành thời gian cho anh em tôi. Mẹ tôi thì luôn bận rộn trong khi tôi và anh trai lại không hợp nhau. Kết quả là chúng tôi chẳng nói chuyện nhiều với nhau. Suốt ngày tôi loanh quanh một mình. Thời trung học và đại học thì tôi chỉ tập trung vào chuyện học hành và đã đạt kết quả rất tốt. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm công việc của một kế toán kiểm toán - công việc cũng đòi hỏi tôi phải làm một mình là chủ yếu. Tôi không nhận thấy mình có vấn đề gì cho tới khi bắt đầu hẹn hò. Robert là người thứ 4 chia tay với tôi vì tôi nói quá ít. Vậy nên tôi nghĩ rằng đúng là mình có vấn đề thật.
Tôi biết Sarah còn phải vượt qua cả một chặng đường đầy thử thách phía trước. Cảm giác cô độc mà Sarah mô tả không thể nào loại bỏ chỉ trong vài ba ngày. Vì cô không sống cùng thành phố với tôi nên tôi đã đề nghị cô ấy nên tìm một chuyên viên tư vấn tại địa phương và kể cho người ấy nghe những điều cô đã nói với tôi. Tôi bảo đảm với Sarah rằng cô sẽ học được cách giao tiếp với người khác nếu cô chịu lắng nghe và làm theo những lời tư vấn.
Cách giải quyết vấn đề cho Sarah cũng như những người như cô ấy là họ phải bắt đầu bằng việc tiếp cận với những cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của chính bản thân họ. Đây là điều hết sức quan trọng. Tiếp theo, ta phải học cách diễn đạt thành lời tất cả những trải nghiệm của mình, đầu tiên là với bản thân và sau đó là với những người xung quanh. Đây chính là quá trình tái hòa nhập: thay thế những khuôn mẫu giao tiếp sai lầm trong quá khứ bằng những khuôn mẫu lành mạnh hơn. Tất nhiên, việc này không hề dễ dàng nhưng nó thật sự cần thiết nếu bạn muốn học được ngôn ngữ yêu thương Thời gian chia sẻ.
lắng nghe chất lượng
Những người quá thoải mái khi nói chuyện cũng gặp phải một vấn đề to lớn khác. Họ là những người cực kỳ kém cỏi trong việc lắng nghe. Họ chỉ lắng nghe đủ lâu để vừa hiểu được chủ đề của cuộc trò chuyện rồi lập tức nói những gì họ nghĩ về chủ đề đó. Nếu bạn chia sẻ với họ khó khăn của bạn, họ sẽ nhanh chóng nói cho bạn biết nên làm gì trong tình huống đó. Họ rất nhanh nhạy trong việc phân tích vấn đề và đưa ra giải pháp nhưng họ lại không biết cách lắng nghe để thấu hiểu người khác.
Nỗi lo sợ của Carol
Carol đã ly hôn 5 năm. Cô hết lòng chăm sóc cho hai đứa con của mình. Nhưng 6 tháng trước, Carol gặp Eric và theo lời cô là “mọi việc đã tiến triển quá nhanh”.
- Vấn đề là, - Carol nói, - tôi bắt đầu nhận ra Eric rất giống với chồng cũ của tôi. Và điều này khiến tôi lo sợ.
- Anh ấy giống chồng cũ của chị ở điểm nào?
- Tôi hỏi.
- Daniel, chồng cũ của tôi, là người mà tôi gọi là “ông biết tuốt”. Anh ấy luôn có câu trả lời cho mọi vấn đề. Dù tôi nói về điều gì chăng nữa, anh ấy cũng có thể đưa ra giải pháp cho tôi. Chẳng hạn, khi tôi kể cho anh ấy nghe rắc rối xảy ra tại chỗ làm của tôi, anh ấy bảo tôi hãy nói chuyện với sếp. Nếu tôi muốn tiếp tục nói về vấn đề đó vào tối hôm sau, anh ấy sẽ hỏi tôi đã nói chuyện với sếp chưa. Nếu tôi nói chưa, anh ấy sẽ nói: “Vậy thì anh không muốn nói về chuyện đó nữa. Khi em nghe theo lời khuyên của anh thì anh mới muốn nói tiếp”. Cứ như thể anh ấy là “ông biết tuốt” vậy! Tôi cần sự ủng hộ và động viên của anh ấy, chứ không phải là thái độ “biết tuốt” đó. Bây giờ, khi mối quan hệ giữa tôi và Eric đã thân thiết hơn, tôi phát hiện ra Eric cũng có khuynh hướng như thế. Có phải người đàn ông nào cũng như vậy không?
Tôi có thể nhận ra rằng Carol đang cân nhắc liệu mình có nên tiếp tục mối quan hệ với Eric hay không.
- Không! - Tôi trả lời. - Không phải người đàn ông nào cũng giống như Daniel hay Eric. Nhưng tôi mừng vì chị đã thành thật với chính mình về những điều chị nhận thấy ở Eric. Chị có còn khúc mắc nào trong mối quan hệ với Eric không?
- Không! - Carol trả lời. - Ở những mặt khác thì anh ấy tuyệt vời. Chính vì thế mà nó khiến tôi bận tâm nhiều như vậy. Tôi biết nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống hôn nhân của mình sau này.
- Vì chị rất trân trọng mối quan hệ này nên tôi nghĩ chúng ta cần nghiêm túc xem xét liệu Eric có thể trở thành một người biết lắng nghe không, hay chỉ là một anh chàng “biết tuốt”.
Liệu bạn có thể trở thành một người biết lắng nghe và đồng cảm?
Tôi nói với Carol về khóa học kéo dài 2 tuần xoay quanh đề tài ”sức mạnh tuyệt diệu của việc lắng nghe” mà tôi sắp mở. Tôi đề nghị cô và Eric cùng tham gia, coi như đó là bước đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề.
Sau đây là một số ý tưởng thực tiễn mà tôi đã chia sẻ trong khóa học đó. Những ý tưởng này có thể giúp bạn trở thành một người biết lắng nghe.
1. Hãy nhìn vào mắt đối phương khi bạn lắng nghe họ nói. Việc này sẽ giúp bạn không phân tán tư tưởng và tập trung tuyệt đối vào người đối diện. Tránh trợn mắt, nhắm mắt, nhìn qua đầu người ấy hoặc nhìn xuống giày khi người ấy đang nói chuyện.
2. Đừng làm việc khác khi đang lắng nghe ai đó nói. Hãy nhớ rằng, thời gian chia sẻ có nghĩa là dành cho ai đó sự chú ý tuyệt đối của bạn. Nếu như bạn đang xem phim, đọc báo hay làm một việc gì đó dở dang và không thể dành cho người đó sự chú ý tuyệt đối ngay lập tức thì hãy nói điều này với họ. Bạn có thể nói với người đó rằng: ”Tôi biết bạn đang muốn nói chuyện với tôi. Tôi cũng rất muốn nghe điều đó. Nhưng bây giờ tôi chưa thể trò chuyện với bạn được. Bạn có thể chờ tôi thêm 10 phút nữa không, khi giải quyết xong việc, tôi sẽ ngồi xuống và lắng nghe bạn nói”. Hầu như mọi người đều tôn trọng yêu cầu này.
3. Hãy lắng nghe cảm xúc. Hãy tự hỏi mình:
”Người này đang cảm thấy như thế nào?”. Khi đã có câu trả lời, bạn hãy khẳng định lại điều đó bằng cách nêu ra câu hỏi trực tiếp với người đối thoại.
Khi ấy, người kia sẽ có cơ hội để nói rõ cảm xúc của họ. Điều đó thể hiện bạn đang lắng nghe và nắm rõ vấn đề mà người nói đang đề cập.
4. quan sát ngôn ngữ cơ thể. Nắm chặt tay, ngước mắt, cau mày, hướng nhìn… là những dấu hiệu có thể giúp bạn nắm bắt cảm xúc của người đối diện. Đôi khi ngôn ngữ cơ thể chuyển tải một thông điệp khác, chính xác hơn là thông điệp mà từ ngữ mang lại. Hãy hỏi lại người đối diện để biết chắc suy nghĩ và cảm giác thực sự của họ. Chẳng hạn, bạn có thể nói với người ấy rằng: ”Tớ thấy cậu khóc trong khi cậu lại bảo rằng cậu mong người ấy đừng bao giờ trở về nữa. Có phải cảm giác của cậu lúc này rất mâu thuẫn không? Có phải một phần cậu muốn gặp người ấy nhưng một phần lại không bao giờ muốn nhìn thấy mặt anh ta nữa không?”.
5. Đừng chen ngang. Đừng bao giờ cắt ngang lời người khác để nêu ý kiến của cá nhân bạn. Sự chen ngang này có thể sẽ khiến cuộc đối thoại dừng lại trước khi nó thực sự diễn ra. Đây không phải là thời điểm để bạn tự biện hộ hay sửa sai cho người khác. Đây là lúc bạn cần hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của đối phương. Nếu bạn vội vàng chen ngang vào cuộc nói chuyện, có thể bạn sẽ không bao giờ khám phá được điều người kia thật sự muốn nói với bạn là gì.
6. Hỏi những câu phản ánh lại suy nghĩ. Khi bạn cho rằng mình đã hiểu người kia nói gì, hãy kiểm tra điều đó bằng cách hỏi lại những điều bạn đã hiểu dưới dạng sau: ”Tôi đang nghe bạn nói là ............ đúng không?” hay ”Có phải bạn đang nói là.............. ?”. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn loại bỏ những hiểu lầm và tái khẳng định điều mà người kia đã nói.
7. Thể hiện sự thấu hiểu. Người đối diện cần biết rằng bạn đang lắng nghe và hiểu được họ. Chẳng hạn, xét trường hợp Carol tâm sự với Eric về vấn đề công việc. Eric có thể nói với Carol rằng:
”Có phải em cảm thấy mình bị sếp lợi dụng; ông ta muốn em làm thêm giờ nhưng không trả lương và không trân trọng sự tận tụy của em đối với công việc, phải thế không?”. Nếu Carol đáp là: ”Đúng là như thế” thì Eric có thể thể hiện sự thông cảm của mình bằng cách nói với cô rằng: “Anh có thể hiểu vì sao em cảm thấy như thế. Nếu như anh ở vào vị trí của em thì chắc anh cũng sẽ thấy thế thôi”. Bằng cách này, Eric đã thể hiện sự thấu hiểu của mình cũng như khẳng định lại giá trị của Carol.
8. Hỏi xem bạn có thể giúp gì. Hãy ghi nhớ rằng bạn đang hỏi chứ không phải khuyên nhủ đối phương nên làm gì. Nếu Eric hỏi Carol: ”Anh có thể giúp gì?” thì có thể cô ấy sẽ đáp rằng: ”Ôm em một cái là đủ”. Carol không muốn Eric cho cô một đáp án ”hãy-khắc-phục-đi” bởi bản thân cô đã biết câu trả lời rồi. Cô chỉ muốn anh ủng hộ cô. Tuy nhiên, nếu cô ấy nói: ”Anh nghĩ em nên làm gì?” thì Eric có thể chia sẻ ý kiến của mình. Đừng bao giờ cho lời khuyên cho tới khi người khác muốn nghe bạn nói về nó.
Rõ ràng, những cuộc đối thoại chất lượng như thế thường cần rất nhiều thời gian và sự nỗ lực của chúng ta. Đôi lúc thời gian lắng nghe nhiều gấp đôi thời gian nói. Tuy nhiên, lợi ích mà việc lắng nghe mang lại thường rất to lớn. Người đối diện sẽ cảm thấy được tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương. Và đó cũng là mục đích chính của đối thoại chất lượng.
Sau khóa học, tôi đã gặp Eric. Sau đó, chúng tôi có thêm 4 buổi trò chuyện và tư vấn nữa. Khi buổi tư vấn cuối cùng kết thúc, anh nói với tôi:
”Tôi cảm ơn ông vì ông đã giúp tôi trở thành một người biết lắng nghe. Tôi thậm chí còn không nhận ra mình có vấn đề cho tới khi gặp được ông. Trước đây tôi cứ nghĩ mình đang giúp người khác khi cho họ lời khuyên một cách thoải mái. Giờ thì tôi hiểu rằng những lời khuyên đó khiến người khác khó chịu, trừ khi nó được họ mong đợi. Điều này sẽ giúp tôi cải thiện mối quan hệ giữa mình với Carol cũng như những mối quan hệ khác của tôi”. Bài học mà Eric học được cũng chính là bài học mà rất nhiều người độc thân khác cần học.
Hoạt động chất lượng
Ngôn ngữ yêu thương thời gian chia sẻ còn có một cách thức thể hiện khác, đó là hoạt động chất lượng. Tại một sự kiện dành cho những người độc thân gần đây, tôi đã đề nghị những người có mặt ở đó hoàn tất câu sau: “Tôi cảm thấy được yêu thương và trân trọng nhất bởi _________ khi _________ ”. Họ có thể điền vào đó tên của bất cứ ai, từ bố mẹ, bạn ở chung nhà, đồng nghiệp hay bạn bè.
Một chàng trai 27 tuổi đã điền tên người bạn gái của mình vào chỗ còn trống và hoàn tất câu đó như sau: ”Tôi cảm thấy mình được yêu thương và trân trọng nhất bởi Megan khi cô ấy và tôi cùng làm những việc cả hai thích làm. Chúng tôi trò chuyện với nhau nhiều hơn khi cùng làm những việc ấy. Trước khi chúng tôi gặp nhau, tôi chưa từng cưỡi ngựa còn cô ấy thì chưa từng đi thuyền. Tôi luôn thích cùng Megan làm điều gì đó. Thật thú vị khi hẹn hò với một người luôn sẵn sàng cùng mình trải nghiệm những điều mới lạ”.
Qua chia sẻ này, ta có thể thấy ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của chàng trai trên chính là Thời gian chia sẻ. Trọng tâm câu nói của anh nằm ở chỗ “bên cạnh nhau”: làm việc cùng nhau và dành sự chú ý tuyệt đối cho nhau.
Hoạt động chất lượng bao gồm tất cả những việc làm mà một trong hai hoặc cả hai người đều cảm thấy hứng thú. Quan trọng không phải các bạn làm gì mà là tại sao các bạn lại làm điều đó. Mục đích của hoạt động đó là nhằm giúp các bạn cùng nhau trải nghiệm một điều gì đó và cùng có cảm giác “Người ấy quan tâm đến mình, người ấy sẵn sàng cùng mình làm những việc mình yêu thích và với một thái độ tích cực”. Đó là tình yêu; và đối với một số người, đó chính là biểu hiện rõ nhất của tình yêu.
Hòa nhập vào sở thích của người khác
Rick lớn lên cùng với nhạc đồng quê. Dù anh chưa tham gia bất cứ buổi biểu diễn nào nhưng radio nhà anh luôn bật và chỉnh tới kênh nhạc đồng quê. Ước mơ của Rick là được tham gia sự kiện Grand Ole Opry(*). Sau khi tốt nghiệp trung học, anh thi vào một trường công nghệ tại địa phương và học ngành phân tích điện toán. Và đây cũng chính là thời điểm anh gặp Jill. Jill mới từ Detroit dọn đến khu Rick sống. Jill chưa bao giờ thích nhạc đồng quê nhưng cô đã nhanh chóng thích Rick.
(*) Grand Ole Opry: Chương trình truyền thanh nổi tiếng và lâu đời ở Mỹ với cuộc thi biểu diễn nhạc đồng quê trên sóng phát thanh.
Bố của Jill hâm mộ cuồng nhiệt môn đua xe và ngay từ nhỏ, Jill cũng đã rất thích môn thể thao này. Jill thu hết can đảm rủ Rick cùng với hai bố con cô đi xem một trận đua. Cô thật sự vui mừng khi anh đồng ý. Rick đã từng xem đua xe trên ti-vi nhưng anh chưa bao giờ xem trực tiếp một trận đua trên sân thể thao.
Một hôm, tôi gặp Rick ở một tiệm tạp hóa. Anh hào hứng kể cho tôi nghe về lần đi xem đua xe cùng với Jill và bố cô ấy. Anh nói thêm:
- Nhưng điều thú vị nhất về cuộc đua đó là được ở bên cạnh Jill.
Tôi thấy mắt Rick long lanh niềm hạnh phúc.
Nhiều tháng sau, Rick và Jill đến gặp tôi để nhờ được tư vấn tiền hôn nhân. Và điều đầu tiên họ kể cho tôi nghe là cả hai đã cùng nhau tham gia Grand Ole Opry cuối tuần vừa qua. Rick kể về những người nổi tiếng anh đã gặp tại sự kiện đó trong khi Jill thì nói: ”Điều tôi thích nhất đó là được ở bên Rick”. Mối quan hệ giữa Rick và Jill là minh họa cho một nguyên tắc căn bản: Khi cả hai cùng tham gia vào một hoạt động thì điều quan trọng nhất không phải là hoạt động đó mà chính là việc được ở bên cạnh nhau. Tôi thật sự vui mừng khi thấy cả hai sẵn sàng hòa nhập vào sở thích của nhau để ở bên nhau. Tôi hy vọng cách thể hiện tình yêu này sẽ không chấm dứt sau khi họ đã kết hôn.
Kỷ niệm cho những năm về sau
Một lợi ích khác của hoạt động chất lượng là nó làm nảy sinh những kỷ niệm đẹp để cả hai cùng ghi nhớ. Những buổi sáng cùng nhau đi dạo dọc bờ biển, cùng trồng hoa trong vườn mỗi khi mùa xuân về, lần đầu tiên cùng đi xem bóng chày, lần duy nhất cùng nhau trượt tuyết, công viên giải trí, những buổi hòa nhạc hay cảm giác choáng ngợp khi đứng bên thác nước… đều trở thành những ký ức tình yêu, đặc biệt là đối với những người có ngôn ngữ yêu thương chủ yếu là Thời gian chia sẻ.
Thật không dễ dàng để có được những hoạt động chất lượng như thế. Bạn phải lên kế hoạch tỉ mỉ và đôi lúc còn phải hy sinh một vài hoạt động cá nhân của mình. Điều này cũng có nghĩa bạn sẽ phải làm những việc mà bạn không thực sự thích thú lắm. Tuy nhiên, nó sẽ đem lại cho bạn niềm vui khi được yêu thương, hòa mình vào thế giới của người khác và học cách nói ngôn ngữ yêu thương Thời gian chia sẻ.
Những điều cần suy ngẫm
1. Bố mẹ bạn có thường sử dụng ngôn ngữ yêu thương Thời gian chia sẻ với nhau và với bạn không?
2. Bạn có thấy khỏe khoắn hơn khi dành thời gian chia sẻ cho người khác, hay là điều đó khiến bạn cảm thấy kiệt quệ về mặt cảm xúc?
3. Bạn đã dành thời gian chia sẻ cho ai trong tuần này? Và khi hai người ở cùng nhau thì đó chủ yếu là đối thoại chất lượng hay hoạt động chất lượng?
4. Bạn có định dành thời gian chia sẻ cho bố hoặc mẹ hoặc cả hai trong tuần này hay tháng này không? Nếu có, bạn đã lên kế hoạch chưa?
5. Trong số bạn bè của bạn, ai là người có vẻ cần thời gian chia sẻ nhất? Đó có phải là mối quan hệ bạn muốn củng cố không?