Khi mới được sinh ra, con người đã có nhu cầu được yêu thương. Những nghiên cứu về sự phát triển của trẻ đã kết luận rằng: những trẻ thường được ẵm bồng và nâng niu sẽ có đời sống tinh thần lành mạnh hơn những trẻ không được âu yếm thường xuyên. Người già cũng thế. Nếu có dịp, bạn hãy đến thăm các viện dưỡng lão và bạn sẽ nhận ra rằng những người nào thường nhận được sự quan tâm âu yếm sẽ có đời sống tinh thần lạc quan và khỏe mạnh hơn những người còn lại. Cử chỉ âu yếm nhẹ nhàng là một trong các ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con người.
Điều này cũng đúng với người độc thân. Một cô gái trẻ tuổi từng nói với tôi: ”Thật buồn cười khi người ta có thể thoải mái bế một đứa bé hay ôm một chú chó lạ nào đó nhưng lại không thể làm điều đó cho nhau. Tôi đã ngồi đây mòn mỏi mà chẳng có ai chạm vào người tôi cả”. Cô nói tiếp: ”Có lẽ do chúng ta không tin tưởng nhau và cũng không dám thể hiện cho mọi người thấy nhu cầu được ôm ấp của mình. Có lẽ chúng ta sợ bị hiểu nhầm nên rốt cuộc, ta cứ lặng im trong nỗi cô đơn và cô lập về thể chất”. Theo quan sát của tôi, hàng ngàn người trưởng thành độc thân cũng có cảm giác giống cô gái này.
Chúng ta sinh ra để được nâng niu. Trong năm giác quan của con người, xúc giác không giống với bốn giác quan còn lại bởi nó không bị giới hạn ở một phạm vi cụ thể nào. Những dây thần kinh xúc giác nằm rải rác khắp cơ thể. Khi có sự tác động, các dây thần kinh đó sẽ truyền xung động lên não, não phân tích những xung động đó và ta hiểu được thứ vừa tiếp xúc với mình là nóng hay lạnh, mềm hay cứng. Nó gây ra cảm giác đau đớn hay dễ chịu. Ta còn có thể hiểu được đó là tiếp xúc yêu thương hay thù địch.
Có một số điểm trên cơ thể ta nhạy cảm hơn những vùng khác. Đầu ngón tay và đầu mũi là vùng rất nhạy cảm. Ngược lại, sau vai lại là khu vực ít nhạy cảm nhất. Sự khác biệt này là do những dây thần kinh cảm nhận xúc giác không rải đều khắp cơ thể ta mà nằm theo từng cụm. Tuy nhiên, mục đích của chúng ta không phải là tìm hiểu cấu trúc dây thần kinh trên cơ thể mà là tìm hiểu về mặt tác động tâm lý của những tiếp xúc thân thể.
Cử chỉ âu yếm có thể củng cố hay phá hủy mối quan hệ. Nó thể hiện tình yêu hoặc sự gượng ép, thậm chí là căm ghét. Nếu ngôn ngữ yêu thương cơ bản của một người nào đó là cử chỉ âu yếm thì việc bạn chạm vào họ có giá trị gấp nhiều lần những lời nói suông: ”Tôi yêu bạn” hay “Tôi ghét bạn”. Nếu bạn không có những cử chỉ âu yếm với người bạn thương yêu, có thể bạn đã tự cô lập mình và khiến họ nghi ngờ về tình yêu của bạn. Một cái ôm dịu dàng có thể truyền tải được tình yêu đến mọi đứa trẻ nhưng nó tỏ ra hữu dụng nhất đối với những trẻ có ngôn ngữ yêu thương cơ bản là cử chỉ âu yếm. Những người trưởng thành cũng vậy. Khi trò chuyện với một người bạn đang gặp chuyện buồn, việc bạn vỗ vai hoặc ôm họ vào lòng sẽ thể hiện rằng: ”Tôi yêu bạn. Tôi quan tâm đến bạn. Và bạn không bao giờ cô độc”.
Khi ai đó chạm vào cơ thể bạn, bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều hơn là chỉ những tiếp xúc đơn thuần về thể chất. Trong xã hội ngày nay, bắt tay được xem là một cách thể hiện sự cởi mở và thân thiện đối với người đối diện. Nó quan trọng đến mức, việc một người từ chối bắt tay với người khác đồng nghĩa với việc mối quan hệ giữa họ đã có vấn đề.
Không phải sự tiếp xúc nào cũng giống như nhau
Cử chỉ âu yếm có thể được biểu hiện qua nhiều cách thức khác nhau. Do các dây thần kinh xúc giác có mặt khắp cơ thể con người nên mọi tiếp xúc thân thể đều có thể được coi là một biểu hiện tình yêu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không phải tiếp xúc nào cũng giống nhau. Hãy rút kinh nghiệm từ những lần tiếp xúc của bạn với người bạn quan tâm để biết họ coi tiếp xúc nào mới thể hiện được tình yêu thương.
Thích hợp và không thích hợp
Mỗi xã hội đều có những cách thích hợp và không thích hợp để tiếp xúc thể chất với người khác giới. Gần đây, vấn đề quấy rối tình dục đã khiến nhiều người quan tâm hơn đến những va chạm bị xem là không thích hợp về mặt giới tính. Cách tiếp xúc này không những không truyền tải được tình yêu mà còn dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Đương nhiên, bạo hành thể chất cũng là cách tiếp xúc không thích hợp. Theo điều tra, tỷ lệ bạo hành giữa các cặp sống chung trước hôn nhân cao gấp 5 lần những cặp vợ chồng đã chính thức kết hôn. (Chúng ta sẽ bàn về bản chất của nạn bạo hành thể chất cũng như cách thức ứng phó ở cuối chương này).
Kín đáo và phơi bày
Những cử chỉ âu yếm có thể được thể hiện một cách kín đáo và tế nhị, đôi lúc nó chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc. Chẳng hạn, Jen thường đặt tay lên vai mẹ khi bà châm trà hoặc ôm mẹ khi cô chuẩn bị đi đâu đó. Trong khi đó, những việc làm như đấm lưng hay bóp chân đòi hỏi chúng ta phải đầu tư nhiều thời gian hơn, không chỉ trong lúc ta thực sự chạm vào người khác mà cả còn trong lúc bạn tìm hiểu làm sao để truyền đạt cảm xúc của mình đến họ nữa. Nếu đấm lưng có thể truyền tải được thông điệp tình yêu của bạn đến người mà bạn quan tâm thì việc bạn bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để học massage chính là một sự đầu tư khôn ngoan.
Dù cách tiếp xúc kín đáo cần ít thời gian hơn nhưng bạn cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là khi ngôn ngữ yêu thương cơ bản của bạn không phải là cử chỉ âu yếm hay khi bạn không lớn lên trong một môi trường như thế. Là một người trưởng thành, bạn vẫn có thể thể hiện tình cảm của mình với bố mẹ, anh chị em bằng những cử chỉ âu yếm, chẳng hạn như cùng ngồi trên ghế xem ti-vi. Việc bạn khẽ chạm vào một người thân của mình khi đi ngang qua phòng người ấy chỉ tốn vài giây nhưng có thể sẽ rất ý nghĩa.
Ý nghĩa nâng đỡ về tinh thần
Gần như theo bản năng, trong những lúc khó khăn, ta luôn muốn ôm hoặc được ai đó ôm vào lòng. Vì sao? Đó là vì tiếp xúc thân thể là một phương tiện truyền tải tình yêu rất mạnh mẽ. Khi gặp khó khăn, con người cần được yêu thương hơn bao giờ hết. Có thể ta không thay đổi được chuyện đã xảy ra nhưng việc cảm nhận được tình yêu thương của người khác sẽ giúp ta vượt qua được đau buồn.
Tất cả chúng ta đều có lúc phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn của cuộc sống, và người độc thân cũng không ngoại lệ. Bố mẹ, người thân qua đời là điều không thể tránh khỏi. Tai nạn giao thông, bệnh tật có thể đến bất ngờ và cướp đi tính mạng của hàng nghìn người. Thất vọng là một phần của cuộc sống. Điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm cho người đang trong hoàn cảnh khó khăn là yêu thương họ. Nếu ngôn ngữ yêu thương cơ bản của người đó là cử chỉ âu yếm thì không gì quan trọng bằng việc ôm chặt họ lúc họ khóc. Lời nói của bạn có thể giúp họ cảm thấy được an ủi đôi chút nhưng một cái ôm có thể truyền tải được thông điệp tình yêu rất mạnh mẽ. Những cử chỉ dịu dàng của bạn sẽ được họ ghi nhớ mãi, ngay cả sau khi họ đã vượt qua được khó khăn. Và họ cũng sẽ ghi nhớ thái độ thờ ơ của bạn trong những lúc họ khốn cùng.
Một cái vỗ lưng nhè nhẹ, một nụ hôn ngọt ngào, một cái nắm tay dịu dàng, một vòng tay rộng mở đều là những cách thức thể hiện khác nhau của ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm. Julia đã nói về ngôn ngữ yêu thương cơ bản của mình như sau: “Một trong những điều tôi thích nhất về nhà thờ nơi mình sinh hoạt là mọi người ở đó rất thường xuyên ôm nhau. Mỗi khi ra về, tôi đều cảm thấy tình cảm của mình được đong đầy. Chính tình cảm của mọi người ở nhà thờ đã giúp tôi vượt qua được một tuần làm việc đầy vất vả”.
Có nhiều người trưởng thành không phản ứng tích cực lắm đối với những cử chỉ âu yếm. Nếu khi bạn vỗ vai người đồng nghiệp của mình nhưng thấy người ấy sững người lại và né tránh thì có nghĩa cử chỉ âu yếm không phải là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của họ. Tuy nhiên, cũng một số đồng nghiệp khác của bạn cảm thấy tự tin hơn khi nhận được cái vỗ vai của bạn. Mục đích của tình yêu thương là để củng cố niềm tin cho người khác chứ không phải để đáp ứng nhu cầu yêu thương của bản thân bạn. Do đó, học cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người khác là cách yêu thương họ hiệu quả nhất.
Tiếp xúc thể chất và bản năng giới tính
Chúng ta không thể bàn tới cử chỉ âu yếm với vai trò một trong năm ngôn ngữ yêu thương mà không bàn tới ảnh hưởng của nó đến bản năng giới tính của con người, cũng như ảnh hưởng của những quy định giới tính thế kỷ XXI đến cách thức giao tiếp của chúng ta. Ngày nay, những người độc thân đang phải sống với những hậu quả văn hóa của cuộc cách mạng tình dục diễn ra cách đây nửa thế kỷ.
Freud và cuộc cách mạng tình dục
Cuộc cách mạng này manh nha từ những năm 1900 với những ghi chép của Sigmund Freud, cha đẻ ngành phân tâm học. Freud nhấn mạnh về tác dụng của tình dục lên hành vi. Theo Freud, sự thỏa mãn trọn vẹn những khao khát bản năng sẽ khiến tinh thần phấn chấn và mang lại niềm vui. Dù khái niệm về bản năng giới tính của Freud được công nhận rộng rãi nhưng mãi đến tận 50 năm sau, nó mới được khoa học chứng minh.
Một thập niên trước khi cuộc cách mạng tình dục bùng nổ vào những năm 1960, Erich Fromm, một học trò của Freud, đã phản bác lại lời thầy mình. Trong tác phẩm kinh điển “The Art of Loving” (Nghệ thuật yêu), Fromm viết: ”Những bằng chứng bệnh sử đã cho thấy rằng những người đàn ông và đàn bà nào có đời sống tình dục quá thỏa mãn không những không có được hạnh phúc mà còn mang một số triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng nghiêm trọng. Việc thỏa mãn tất cả những nhu cầu bản năng không phải là nền tảng của hạnh phúc mà thậm chí còn không bảo đảm cho con người có một tinh thần ổn định”.
Pitirim Sorokin, một nhà xã hội học hàng đầu của thời kỳ này, dự đoán rằng nếu ý kiến của Freud được áp dụng vào xã hội, nó sẽ hủy hoại ý nghĩa tình dục của con người:
“Một xã hội luôn bị tình dục ám ảnh không chỉ phá vỡ những quy luật của cả thiên nhiên lẫn của con người mà còn đập tan mọi giá trị vốn có của cuộc sống. Giống như một cơn lốc, nó để lại trên đường nó đi qua đầy rẫy xác người, những cuộc đời quặt què, vô số nỗi khổ đau và những mảnh vụn xấu xí của các tiêu chuẩn đã bị phá vỡ. Nó sẽ hủy hoại sự tự do thực sự của tình yêu bình thường. Và thay vì làm cho niềm đam mê giới tính thêm cao quý, nó khiến cho điều đó chỉ đơn thuần là việc giao hợp”.
Kết quả của cuộc cách mạng
40 năm nghiên cứu vừa qua lại càng khẳng định lời tiên đoán của Sorokin là đúng đắn. Số lượng người độc thân lẫn đã kết hôn mắc phải các chứng bệnh lây lan qua đường tình dục tăng cao chưa từng thấy. Glenn Stanton, một nhà phân tích nghiên cứu xã hội nói rằng: “Với cuộc chia ly vĩ đại giữa hôn nhân và tình dục, ước mơ có được một cuộc sống tình dục thỏa mãn đang ngày càng trở nên xa vời với con người hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử”. Kết luận của ông là: ”Tình dục không cần được giải phóng, hay nói đúng hơn là nó cần được giới hạn xuống phạm vi thích hợp và lành mạnh nhất. sau nhiều thập niên nghiên cứu, chúng ta đã thấy rằng phạm vi đó chính là cuộc hôn nhân một vợ một chồng lâu dài”.
Quan điểm cho rằng việc chung sống trước hôn nhân sẽ dẫn đến một cuộc hôn nhân lành mạnh đã bị nhiều nhà nghiên cứu phản bác. Các cuộc nghiên cứu diễn ra ở nhiều quốc gia phương Tây như Canada, Thụy Điển, New Zealand và Mỹ cho thấy rằng những cặp từng sống chung trước hôn nhân có tỷ lệ ly hôn cao hơn những cặp không sống chung trước đó. Nhiều nơi tỷ lệ này cao hơn tới 50%, thậm chí là 100%.
Jan Stets - giáo sư của trường Đại học Washington, một trong những chuyên gia nghiên cứu về vấn đề sống thử trước hôn nhân - đã kết luận rằng: “Những cặp sống thử với nhau có mối quan hệ kém lành mạnh hơn những cặp đã kết hôn. Mối quan hệ của họ kém ổn định và chứa nhiều bất đồng hơn”.
Đi tìm ý nghĩa đích thực của tình dục
Một quan điểm về tình dục được nhiều người biết đến đó là tình dục cũng là một nhu cầu sinh lý giống như những nhu cầu khác. Khi khát, bạn uống. Khi đói, bạn ăn. Khi bạn có nhu cầu tình dục, bạn tìm cách thỏa mãn nó. Dự đoán của giáo sư Sorokin đã thành sự thật: ý nghĩa của tình dục đã bị giảm xuống đến mức chỉ còn đơn thuần là việc giao hợp. Nhưng chúng ta lại không chịu thừa nhận sự thật đó. Chúng ta có thể ăn uống no say ở bất kỳ nhà hàng nào trong thành phố nhưng không thể đáp ứng được mong ước sâu thẳm trong tâm mình về một mối quan hệ riêng biệt nếu quan hệ tình dục với mọi đối tượng.
Phần lớn những cuộc điều tra do Đại học Chicago tiến hành đều cho thấy đến 95% người sống chung trước hôn nhân và 99% cặp đã kết hôn đều hy vọng bạn đời của họ chung thủy. Từ sâu thẳm lòng mình, con người luôn cho rằng: “Tình dục là điều riêng tư và chỉ nên làm điều đó với người mà ta có một mối quan hệ ràng buộc sâu sắc”.
Thực tế, những người đàn ông đã kết hôn thường chung thủy hơn những người chỉ sống với bạn đời mà không có sự ràng buộc. Nghiên cứu cho thấy những người đàn ông sống chung mà không kết hôn có nguy cơ ngoại tình cao gấp 4 lần so với những người đã kết hôn, còn phụ nữ có nguy cơ phản bội ”người yêu” của mình cao gấp 8 lần so với những người đã kết hôn.
Ngày nay, những người độc thân trưởng thành phải chọn lựa giữa quan điểm của Freud với thực tế được bày tỏ nhu cầu về mặt tình dục và quan hệ một cách có suy nghĩ với người mà họ sẵn sàng ràng buộc cả đời. Đây không phải là một lựa chọn đơn giản. Nó ảnh hưởng cả sức khỏe thể chất và tinh thần của họ trong tương lai.
Tiếp xúc thích hợp - đồng giới và khác giới
Chúng ta đã hơi lạc đề khi bàn sang một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong khi đề cập đến ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm. Bây giờ, tôi xin được phép quay lại chủ đề chính và xin nói ngay rằng, vẫn có rất nhiều cách thích hợp để truyền đạt được ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm đến người khác giới. Chúng có thể được thực hiện trong mối quan hệ hẹn hò, bạn bè hay đồng nghiệp.
Ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm còn được dùng để bày tỏ tình cảm yêu thương đến những người đồng giới. Tất nhiên, việc này không liên quan gì đến hiện tượng đồng tính cả. Đây chỉ là một cách thể hiện tình cảm cũng như sự biết ơn của bạn đến người bạn sống cùng nhà hay một đồng nghiệp nào đó. Chương này và loại ngôn ngữ yêu thương này không nhấn mạnh vào vấn đề bản năng giới tính mà chủ yếu xoay quanh cách thức thể hiện tình cảm với người khác thông qua tiếp xúc thân thể.
Học cách tiếp xúc
Với một số người độc thân, việc trao và nhận tình cảm thông qua tiếp xúc thân thể không phải là việc dễ dàng. Nếu ngày bé họ bị lạm dụng tình dục hoặc bị bạo hành thể chất thì khi lớn lên, những ký ức đó vẫn không ngừng ám ảnh họ. Những người này cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn để vượt qua ký ức đau buồn trong quá khứ. Nếu không chữa lành vết thương lòng này, họ sẽ khó có được những mối quan hệ lâu dài và lành mạnh.
Có nhiều người độc thân lại rơi vào hoàn cảnh khác. Họ không bị ám ảnh vì nạn bạo hành nhưng lại lớn lên trong một gia đình mà các thành viên hiếm khi dành cho nhau những cử chỉ âu yếm. Vì thế ý tưởng về tiếp xúc thân thể hoàn toàn xa lạ đối với họ. Với những người này, điều họ cần làm là học cách sử dụng một loại ngôn ngữ yêu thương mới.
“Tôi không thoải mái trong việc tiếp xúc thể chất”
Marti, một cô gái độc thân 24 tuổi, nói với tôi rằng:
- Tôi cảm thấy không thoải mái với những cử chỉ âu yếm cho lắm. Tôi không thích được người khác ôm và cũng không chủ động ôm ai đó. Từ nhỏ tôi đã không thích điều đó rồi. Mọi người trong gia đình tôi đều rất yêu thương nhau nhưng chúng tôi hiếm khi ôm hay chạm vào nhau. Hiện giờ tôi đang hẹn hò với một anh chàng. Vấn đề là anh ấy đang phàn nàn vì tôi thường tỏ ra không hứng thú mấy với chuyện ôm hay hôn nhau. Tất nhiên, tôi không ngại mấy chuyện đó nhưng nếu cứ ôm nhau mỗi khi gặp mặt hay nắm tay giữa nơi công cộng thì tôi cảm thấy không tự nhiên chút nào.
Tôi biết Marti phải vượt qua cả một chặng đường dài khá gập ghềnh phía trước. Nhưng tôi hy vọng rằng mong muốn duy trì mối quan hệ này sẽ trở thành động lực để cô học được cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm. Sau khi tôi giải thích cho Marti nghe về Năm ngôn ngữ tình yêu và nói rằng ai cũng có ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của họ, cô thốt lên:
- Nếu thế thì ngôn ngữ yêu thương cơ bản của tôi không phải Cử chỉ âu yếm rồi!
- Vậy thì ngôn ngữ yêu thương cơ bản của cô là gì? - Tôi hỏi.
- Tôi nghĩ chắc là Lời khen ngợi. - Marti nói. - Tôi thực sự cảm thấy vui mỗi khi John khen tôi đáng yêu hay khen bộ quần áo tôi mặc ngày hôm đó. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến tôi cảm thấy tổn thương rất nhiều khi John phàn nàn về việc tôi không bao giờ chủ động ôm hôn anh ấy cả. Tôi thấy có vẻ như John quá chú trọng đến việc âu yếm, như thể với anh ấy, mối quan hệ của chúng tôi chỉ có mỗi chuyện đó vậy. Nhưng cũng có thể Cử chỉ âu yếm là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của John.
Tôi biết Marti đã nắm được vấn đề nên nói tiếp:
- Nếu Cử chỉ âu yếm là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của John, cô có muốn học cách sử dụng nó không?
- Có! - Cô nói. - Nhưng tôi không chắc liệu mình có thể trở thành một người thoải mái trong việc tiếp xúc thân thể với người khác hay không.
- Cô không cần phải thay đổi con người thật của mình. - Tôi nói. - Nhưng cô có thể học mọi ngôn ngữ yêu thương và chắc chắn cô sẽ học được ngôn ngữ Cử chỉ âu yếm này.
- Bằng cách nào?
- Cố gắng. Học một loại ngôn ngữ có nghĩa là học từng chữ từng chữ một và trong trường hợp này là từng chút va chạm một. Sao cô không bắt đầu bằng cách thử chủ động ôm bố mẹ khi gặp họ lần tới? - Tôi đề nghị.
- Ý ông là cứ bước tới ôm đại như vậy à? - Cô hỏi.
- Đúng. Cô nghĩ mình làm được không?
- Chắc là được. - Cô nói. - Nhưng tôi không biết họ sẽ phản ứng thế nào đây.
"Học bằng cách thực hành"
- Việc đó không quan trọng. - Tôi nói. - Cô đang cố học ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm và cô phải học bằng cách thực hành. Tôi đề nghị trong 2 tháng tới, cứ mỗi lần gặp bố mẹ, cô hãy ôm họ hai lần, lúc vừa gặp và khi nói lời tạm biệt. Việc này chẳng những không gây hại gì mà còn có thể giúp cô cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng ngôn ngữ Cử chỉ âu yếm.
Sau đó, cô có thể chuyển hướng sang John. Hãy thử nắm tay anh ấy khi hai người đi mua sắm. Có thể lúc đầu việc này sẽ khó khăn đấy, nhưng những lần sau thì sẽ dễ dàng hơn. Buổi tối, khi chuẩn bị nói lời tạm biệt, cô hãy chủ động ôm John và ít nhất là hôn lên má anh ấy một cái.
Thoáng chút do dự nhưng Marti vẫn nói:
- Được rồi, tôi sẽ thử làm theo lời khuyên của ông, để xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi dừng lại ở đó. Tôi hy vọng mong muốn củng cố quan hệ với John sẽ giúp Marti đủ quyết tâm để thực hiện những điều tôi đề nghị.
Trong lần gặp nhau tiếp theo, Marti nói với tôi:
- Cách làm của ông thật hiệu quả. Nó đã giúp tôi cải thiện mối quan hệ với cha mẹ mình. Lần đầu tôi ôm mẹ mình mà giống như ôm một cái cột cờ vậy. Nhưng bây giờ thì bà đã ôm lại tôi rồi.
- Còn quan hệ của cô với John thì sao? - Tôi hỏi.
- Rất tuyệt. Tôi nghĩ John cũng rất trân trọng việc tôi chủ động nắm tay và ôm hôn anh ấy. Bây giờ tôi đã cảm thấy thoải mái hơn rồi. John là một chàng trai tuyệt vời.
- Tôi nghĩ chắc anh ấy cũng đã nói với cô những lời khen ngợi, phải không? - Tôi nói.
- À, có chứ, và đặc biệt là anh ấy không còn phàn nàn nữa.
Một tin vui về Năm ngôn ngữ tình yêu là tất cả chúng ta đều có thể học được cách sử dụng chúng. Vì vậy, bạn có thể củng cố mọi mối quan hệ của mình bằng cách học và sử dụng ngôn ngữ yêu thương của đối phương. Việc sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm còn đòi hỏi bạn phải nhạy cảm với mong muốn của người đó. Thời gian, địa điểm và cách thức thể hiện đều rất quan trọng.
Thời điểm quyết định tất cả
Thời điểm thể hiện cử chỉ âu yếm tùy thuộc vào tâm trạng và ý muốn của đối phương. Một người mẹ đơn thân đã chia sẻ với tôi: “Tôi có thể đoán biết con trai mình có muốn được chạm vào hay không bằng cách nhìn nó đóng cửa khi vào nhà. Nếu nó đóng sập mạnh cửa thì có nghĩa là nó đang trong trạng thái ’Đừng có đụng vào con’. Nếu nó đóng cửa từ từ thì có nghĩa là ’Con sẵn sàng để được mẹ âu yếm’”. Một người mẹ khác lại cho biết: “Tôi có thể biết được khi nào thì con gái mình không muốn bị đụng đến bằng khoảng cách nó đứng nói chuyện với tôi. Nếu nó đứng xa nghĩa là nó không muốn bị chạm vào. Nhưng nếu nó tiến lại gần thì có nghĩa là nó sẵn sàng đón nhận một vòng tay ôm”.
Con người thường thể hiện tâm trạng thông qua ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn bạn có thể hiểu được tâm trạng của một người nào đó bằng cách quan sát xem họ đứng cách bạn bao xa hay có khoanh tay lại không. Việc quan sát ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp bạn biết khi nào là thời điểm thích hợp để chạm vào người khác. Đừng cố gắng ôm ai đó khi họ đang giận dữ. Lúc này, khả năng bạn bị khước từ sẽ rất cao bởi một vòng ôm có thể bị coi như nỗ lực khống chế, chống lại nhu cầu độc lập của người ấy. Và điều tất yếu là họ sẽ né tránh sự quan tâm của bạn.
Lúc thích hợp nhất để tỏ ra quan tâm âu yếm một người là lúc họ vừa đạt được một thành quả nào đó. Đây cũng được xem là một cách để chúc mừng chiến thắng. Điều này thường diễn ra trên các sân đấu thể thao; nhưng bạn cũng sẽ thấy điều tương tự trong văn phòng làm việc hay giữa các mối quan hệ hẹn hò. Tương tự, lúc thất bại cũng được xem là thời điểm thích hợp để bạn thể hiện tình cảm của mình dành cho người khác thông qua những cử chỉ âu yếm. Khi người ấy buồn vì không đạt được điều họ mong muốn, một vòng ôm có thể thể hiện được tình cảm chân thành cùng sự quan tâm của bạn.
Hoàn cảnh thích hợp
Việc nắm bắt được hoàn cảnh thích hợp để thể hiện ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm cũng rất quan trọng. Đây là vấn đề hoàn cảnh chứ không phải giới tính. Một cậu bé 10 tuổi sẽ đón mừng những cái ôm cùng lời khen ngợi của mẹ sau khi trận đấu kết thúc. Nhưng khi trở thành một chàng trai 16 tuổi thì khi trận đấu kết thúc, cậu sẽ không đi tìm mẹ và cũng hy vọng mẹ sẽ không tìm mình. Những bậc bố mẹ đơn thân sẽ tìm ra hoàn cảnh thích hợp để thể hiện với các con tình cảm của mình thông qua ngôn ngữ yêu thương này.
Trong chuyện hẹn hò đôi lứa, điều này cũng xảy ra tương tự như vậy. Việc hai người hôn nhau ở nơi chốn riêng tư sẽ khác xa với việc ôm hôn ngay giữa một trung tâm thương mại đông đúc. Hành động thích hợp tại nơi này có khi lại không thích hợp ở nơi khác. Điều quan trọng nhất chính là tôn trọng ý muốn của đối phương. Việc ép buộc người khác có cử chỉ thân mật ở nơi mà họ cảm thấy không thoải mái không phải là cách thức thể hiện tình yêu. Nó chỉ thể hiện sự ích kỷ của bạn mà thôi. Những cử chỉ âu yếm của ta có thể nói cho đối phương biết ta là người có tính cách thế nào.
Cách thể hiện
Cách thức bày tỏ ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Có vô số cách thể hiện tình cảm thông qua ngôn ngữ yêu thương này, chẳng hạn như ôm, hôn, đấm lưng, vỗ nhẹ, mát-xa hay thậm chí vật tay. Tuy nhiên quá trình thực hiện chúng lại không hề đơn giản. Mỗi người thích được quan tâm theo một kiểu khác nhau. Có người thích nhận được một cái vỗ vai thân tình trong khi nhiều người khác lại không muốn thế. Mỗi con người là một tiểu vũ trụ. Nếu bạn muốn thành công trong giao tiếp, bạn phải học cả ngôn ngữ yêu thương lẫn cách thức mà đối phương muốn tiếp nhận tình cảm của bạn.
Bạn không được áp đặt ngôn ngữ yêu thương của mình lên người khác mà phải học ngôn ngữ yêu thương của họ. Nếu người mà bạn đang hẹn hò nói: “Em không thích như thế” trước những cử chỉ âu yếm thì bạn hãy dừng lại và tìm một cách thức thể hiện tình cảm khác. Nếu cứ tiếp tục hành động này, bạn đã tỏ ra không tôn trọng người ấy.
Đừng cho rằng điều bạn thích cũng là điều mà những người xung quanh bạn quan tâm. Yêu cầu chung của cả Năm ngôn ngữ tình yêu là hãy học ngôn ngữ yêu thương của người khác chứ không chỉ tìm hiểu ngôn ngữ của riêng bạn. Làm thế nào để người bạn quan tâm cảm nhận được tình yêu của bạn mới là vấn đề quan trọng nhất. Nếu Cử chỉ âu yếm là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của người ấy, bạn phải tìm ra cách thức âu yếm cụ thể để truyền tải được tình cảm đến anh ấy/cô ấy nhiều nhất. Chuyện yêu đương sẽ trở nên dễ dàng và nhàm chán biết bao nhiêu nếu như tất cả mọi người đều cảm nhận tình yêu theo cùng một cách. Quá trình yêu đương luôn phức tạp là do mỗi người đều có ý muốn riêng trong chuyện tình cảm.
Đương nhiên, việc cảm xúc của bạn được truyền tải như thế nào qua cử chỉ âu yếm cũng là điều bạn cần quan tâm. Nếu bạn vỗ vào vai một người nào đó vì hành vi của anh ta khiến bạn bực mình, người đó sẽ không cảm nhận được thông điệp yêu thương của bạn. Tuy nhiên, nếu cái vỗ vai đó được sử dụng trong một hoàn cảnh khác thì tình cảm chân thành của bạn sẽ được người kia cảm nhận một cách trọn vẹn.
Tiếp xúc thân thể không thích hợp
Tôi thật lòng không muốn viết ra những cụm từ như bạo hành thể chất và lạm dụng tình dục nếu như chúng không quá phổ biến trong xã hội chúng ta ngày nay. Trên thực tế, có không ít người độc thân đang là nạn nhân của nạn bạo hành khi hẹn hò hay chung sống không kết hôn. Báo chí và các phương tiện truyền thông đã phản ánh nhiều về những trường hợp này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người đang âm thầm chịu đựng mà gia đình, bạn bè của họ không hề hay biết.
Bạo hành thể chất
Trong cuốn Năm ngôn ngữ tình yêu dành cho các bạn trẻ, tôi đã viết về bạo hành thể chất như sau:
Bạo hành không những gây ra tổn hại về mặt thể chất mà còn để lại những ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng cho tinh thần trẻ. Thông thường, những hành động bạo hành này bắt nguồn từ sự giận dữ. Một điều thường thấy là nhiều phụ huynh không biết cách xử lý cơn giận của mình theo hướng tích cực. Và bạo lực tất yếu sẽ xảy đến khi họ không biết cách kiềm chế bản thân trước những sai phạm của con. Khi việc này xảy ra, ta có thể đoán chắc rằng chẳng những tình cảm của trẻ bị khô cạn mà sẽ còn gây nên những lỗ hổng trong tâm hồn trẻ. Nó sẽ khiến trẻ hoài nghi về mức độ chân thật trong những lời ngợi khen và sự âu yếm mà bạn đã thể hiện trước đó. Trái tim của trẻ vị thành niên không dễ hồi phục sau những lần bạo hành như vậy.
Điều này cũng xảy ra tương tự với những người độc thân. Một lời xin lỗi thành khẩn vẫn chưa đủ để xóa bỏ sai lầm của bạn. Người bạo hành phải học cách kiểm soát cơn giận dữ và thay đổi cách hành xử của mình. Những cơn giận dữ bùng nổ sẽ không đơn giản mất đi theo thời gian. Nếu đang hẹn hò với một đối tượng có thói quen gây bạo hành thể chất, bạn hãy chấm dứt ngay mối quan hệ này. Nếu bạn không đủ mạnh mẽ để chấm dứt mối quan hệ đó, hãy đến gặp chuyên gia tư vấn để có được sức mạnh và kiến thức cần thiết cho việc bảo vệ bản thân trước nạn bạo hành. Và nếu có thể, bạn hãy tìm cách giúp đối phương điều chỉnh hành vi của họ dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn.
Lạm dụng tình dục
Lạm dụng tình dục xảy ra khi một người nào đó lợi dụng những mối quan hệ xung quanh để thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân. Lạm dụng tình dục không chỉ diễn ra trong quan hệ hẹn hò mà còn trong nhiều hoàn cảnh và mối quan hệ khác.
Vì quá khao khát tình cảm nên nhiều người độc thân đã để người khác đối xử với mình như một công cụ tình dục. Một lần nữa, tôi khuyên bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn để có được sức mạnh tinh thần cùng lòng tự tôn nhằm chấm dứt ngay những hành vi lạm dụng đó. Mọi sự lạm dụng tình dục đều không phải là biểu hiện của tình yêu. Nó chỉ nhằm mục đích thỏa mãn dục vọng của bản thân người thực hiện hành vi đó mà thôi.
Lạm dụng tình dục trong một thời gian dài có thể gây ra cảm giác đau đớn, căm ghét và thậm chí là tuyệt vọng. Đôi khi, cảm giác đó có thể bùng phát thành hành vi bạo lực.
Để thoát khỏi tình trạng bị lạm dụng tình dục, bạn phải ý thức được rằng hành vi đó là sai trái. Bước thứ hai, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn, chia sẻ và bắt đầu quá trình điều trị. Có thể bước đi táo bạo này sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại của bạn và tạo căng thẳng cho bản thân bạn. Nhưng nếu không làm như thế thì về lâu dài, cái giá mà bạn phải trả sẽ còn đắt hơn nhiều lần.
Ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm không bao giờ hàm chứa sự ép buộc mà luôn tìm kiếm thời điểm, không gian và cách thức thích hợp để thể hiện. Cử chỉ âu yếm là một trong 5 ngôn ngữ tình yêu cơ bản và nó rất đáng để bạn bỏ thời gian, công sức và nỗ lực để học cách sử dụng thành thạo.
Những việc cần suy ngẫm
1. Đối với bạn, những cử chỉ âu yếm nào được xem là biểu hiện của tình cảm yêu thương?
2. Những kiểu tiếp xúc nào khiến bạn cảm thấy khó chịu?
3. Bố mẹ bạn có thường sử dụng ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm với bạn và những người khác không?
4. Trong số bạn bè của bạn, ai là người có ngôn ngữ yêu thương Cử chỉ âu yếm? Bạn thường đáp lại nhu cầu tình cảm của họ bằng cách nào?
5. Bạn đã thể hiện tình cảm của mình qua cử chỉ âu yếm ra sao? Và người tiếp nhận đã phản ứng thế nào?
6. Bạn đã gặp người nào hay né tránh những tiếp xúc thân thể chưa?