Sự Tận Tụy
Jeremy vừa tìm được công việc toàn thời gian và dự định sẽ kết hôn vào mùa hè năm sau.
Nhưng đến bây giờ, cậu vẫn luôn nhớ về thời thơ ấu của mình:
- Tôi nghĩ bố mẹ rất yêu thương tôi bởi họ đã luôn chăm lo cho tôi. Tôi vẫn nhớ mãi những bữa ăn do mẹ nấu hay khi cha giúp tôi sửa chữa chiếc} xe hơi cũ kỹ mà cha đã mua cho tôi khi tôi 16 tuổi.
Chàng thanh niên 24 tuổi tiếp tục nhớ lại:
- Cha mẹ luôn giúp tôi trong mọi việc, từ nhỏ đến lớn. Ngay từ khi còn bé, tôi đã hiểu được sự khó nhọc của cha mẹ và tôi luôn biết ơn họ về điều đó. Hy vọng tôi cũng sẽ làm được điều tương tự cho các con tôi sau này.
Đối với một số trẻ em, sự tận tụy là ngôn ngữ tình yêu cơ bản của em. Khi bạn có con, bạn sẽ nhận ra rằng mình luôn sẵn sàng làm mọi thứ vì con. Vì sự tận tụy đòi hỏi bạn phải dành mọi sự quan tâm của mình cho con nên bạn cần chú ý đến sức khỏe thể chất cũng như tình cảm của bản thân mình.
Bạn phục vụ cho ai?
Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng: “Tôi phục vụ cho ai?”. Dĩ nhiên bạn không những phục vụ cho con cái mà còn chăm lo cho vợ/chồng mình để giữ cho “khoang tình cảm” của họ luôn đầy. Trẻ em cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ để có được một cuộc sống cân bằng. Chính vì thế, việc dành thời gian chăm lo cho gia đình là một trong những cách làm quan trọng để bạn trở thành một người cha/mẹ tốt.
Dĩ nhiên, mục tiêu chính của việc chăm lo cho con trẻ không phải nhằm làm cho chúng hài lòng. Điều các bậc cha mẹ hướng đến chính là mang đến cho con cái của họ những điều tốt đẹp nhất. Mang đến cho con trẻ cảm giác hài lòng trong một thời điểm nào đó chưa hẳn đã là cách tốt nhất để thể hiện tình yêu. Cho con một thanh kẹo có thể sẽ khiến con vui thích nhưng đó vẫn chưa phải là điều tốt nhất mà bạn nên làm. Mục tiêu chính của bạn - mang đến cho con điều tốt đẹp nhất - nghĩa là làm đầy “khoang tình cảm” của con. Để làm được điều đó, bạn cần phối hợp ngôn ngữ tình yêu sự tận tụy với những ngôn ngữ khác.
Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý khi sử dụng ngôn ngữ tình yêu này là đừng sử dụng nó như một phương tiện điều khiển con làm theo ý muốn của mình. Trẻ rất thích được cha mẹ tặng quà và quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, nếu bạn luôn làm mọi thứ cho con thì con bạn sẽ dễ nảy sinh tư tưởng ỷ lại và ích kỷ. Nhưng bạn cũng không cần phải lo ngại quá mức về điều này, chỉ cần bạn thể hiện sự tận tụy với con đúng cách thì mọi việc đều trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Khi tỏ ra tận tụy đúng cách, bạn sẽ dạy cho con bài học về sự cho đi. Khi đó, con bạn sẽ trở nên độc lập và giỏi giang hơn. Bạn có thể bày tỏ tình yêu của mình bằng cách làm giúp trẻ những việc trẻ chưa thể tự làm và hướng dẫn con làm theo. Nhờ đó, con bạn sẽ từ bỏ cái tôi ích kỷ để biết sống vì người khác. Và đó mới chính là mục tiêu cao nhất mà các bậc cha mẹ hướng đến.
Sự tận tụy cần phù hợp với độ tuổi của con
Những trẻ có “khoang tình cảm” tràn đầy thường dễ cảm nhận được sự tận tụy của cha mẹ hơn những trẻ khác. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên có những hành động tận tụy phù hợp với độ tuổi của con cái mình. Bạn chỉ nên làm cho con những việc mà con không thể tự làm một mình. Bạn không thể cứ mãi đút cơm cho con khi con đã được sáu tuổi nhưng có thể dạy con cách trải ga giường khi trẻ lên tám tuổi. Và tất nhiên, bạn cũng không nên đợi con vào đại học rồi mới dạy cho nó cách giặt quần áo. Những phụ huynh bận rộn đến mức không có thời gian dạy con giặt giũ quần áo hay quá cầu toàn đến mức không muốn con cái làm những việc này đều là những người không biết yêu thương con đúng cách và đã phần nào làm thui chột khả năng của con trẻ.
Vì vậy, sự tận tụy là một bước trung gian. Chúng ta chăm lo cho con cái đến khi trẻ đủ độ chín để tự lập. Khi ấy, ta sẽ dạy cho con cách chăm lo cho bản thân cũng như quan tâm đến những người xung quanh. Tất nhiên, việc làm này đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn và mất nhiều thời gian. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của bạn là có được một bữa ăn ngon thì bạn có thể tự tay chuẩn bị bữa ăn đó. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là yêu thương con cái và giúp con tự lập về sau, bạn sẽ dạy con cách nấu nướng. Nguồn động viên lớn nhất của con bạn trong suốt quá trình học hỏi chính là việc được chứng kiến những hành động yêu thương thực sự của bạn dành cho gia đình.
Bạn cũng cần nhớ rằng một số hành động tận tụy xuất phát từ những kỹ năng riêng biệt của bạn. Mỗi người đều có một năng khiếu riêng và chúng ta có thể chăm sóc nhau bằng khả năng độc đáo đó của mình. Trong vai trò người dẫn đường, các bậc cha mẹ nên cẩn trọng để không biến con trẻ thành những bản sao của mình hoặc bắt trẻ phải hoàn thành những ước mơ mà bạn chưa đạt được. Tốt hơn hết, các bậc cha mẹ cần giúp con trẻ phát triển những năng khiếu đặc biệt, theo đuổi đam mê riêng và trở thành người tốt nhất trong khả năng của trẻ.
Một số bậc phụ huynh, vì muốn con cái phát triển các kỹ năng và sự độc lập, nên đã để con tự giải quyết mọi việc. Will và Kathy là điển hình của các bậc phụ huynh như thế. Vợ chồng Will rất coi trọng tinh thần độc lập nên quyết định nuôi dạy hai đứa con trai của mình theo quan điểm đó. Một lần, vợ chồng họ tham dự buổi hội thảo về hôn nhân của tôi và được nghe về năm ngôn ngữ tình yêu. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng Will đều cho rằng hành động tận tụy không thể là một ngôn ngữ tình yêu được. Will nói:
- Tôi không nghĩ các bậc phụ huynh nên làm mọi việc cho con cái trong khi chúng có thể tự làm những việc đó.
Họ hỏi vặn tôi:
- Làm thế nào ông dạy cho con mình tính tự lập nếu ông cứ làm giúp chúng mọi việc? Bọn trẻ phải học cách tự lèo lái con thuyền cuộc đời chúng.
Tôi bèn hỏi:
- Các con trai anh có thể tự nấu ăn mỗi ngày không?
Kathy đáp:
- Việc đó thì tôi vẫn làm. Nhưng hai đứa nhỏ có thể làm được nhiều việc khác.
Will nói đầy vẻ tự hào:
- Hai con chúng tôi có thể nấu ăn khi chúng đi chơi xa nhà và luôn làm rất tốt việc đó.
- Vậy sau khi nghe phần trình bày của tôi về năm ngôn ngữ tình yêu, anh chị có biết ngôn ngữ tình yêu cơ bản của các con mình là gì không?
Will lắc đầu:
- Tôi không biết.
- Anh có nghĩ rằng các con mình cảm nhận được tình yêu thương của anh chị không?
- Chắc là có. Chúng tôi nghĩ thế.
- Anh chị có can đảm hỏi các con mình về điều đó không?
- Ý ông là sao?
- Ý tôi là anh có thể gặp riêng từng con trai của mình và hỏi cháu: “Con trai của cha! Cha muốn hỏi con một câu mà trước đây cha chưa từng hỏi. Điều này rất quan trọng đối với cha. Con có cảm thấy cha yêu con không? Con cứ thẳng thắn nhé. Cha thực sự muốn biết con cảm thấy như thế nào”.
Will yên lặng một lúc lâu, rồi anh nói:
- Tôi cho rằng việc này rất khó. Nhưng liệu điều đó có cần thiết không?
Tôi đáp lại:
- Cũng không nhất thiết phải làm thế. Tuy nhiên, anh chị sẽ không bao giờ biết được ngôn ngữ tình yêu của con nếu không hỏi cháu.
Will trở về nhà, suy nghĩ mãi về cuộc trò chuyện với tôi. Câu nói: “Anh chị sẽ không bao giờ biết ngôn ngữ tình yêu của con mình nếu không hỏi cháu” cứ vang lên trong đầu anh. Và thế là anh quyết định nói chuyện với đứa con trai nhỏ của mình, Buck. Anh hỏi con khi chỉ có hai cha con ở nhà. Và câu trả lời của con trai anh là:
- Tất nhiên rồi cha ạ. Con biết là cha yêu con. Cha luôn dành thời gian cho con. Khi xuống phố, cha luôn dắt con theo. Dọc đường cha lại dành thời gian nói chuyện với con. Con luôn nghĩ rằng thật là đặc biệt lắm con mới được một người bận rộn như cha quan tâm đến thế.
Rồi với giọng nghẹn ngào, Buck hỏi tiếp:
- Có việc gì không hay hở cha? Cha sẽ không bỏ con đi chứ?
Will xúc động trả lời:
- Không, cha sẽ không đi đâu cả. Cha chỉ muốn con biết rằng cha yêu con.
Đó thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ đối với Will. Mãi đến một tuần sau anh mới đủ can đảm để nói chuyện với Jake, cậu con trai 17 tuổi của anh. Tối hôm đó, anh đến phòng Jake và hỏi:
- Jake à, cha muốn hỏi con một câu hỏi rất quan trọng với cha, nhưng cũng là điều cha chưa từng hỏi con trước đây. Cha biết câu hỏi này có thể sẽ rất khó khăn đối với con nhưng cha thật sự mong nhận được câu trả lời của con. Cha thật sự muốn biết con có cảm thấy rằng cha yêu con không?
Sau một lúc lâu im lặng, Jake nói:
- Con không biết mình nên diễn tả như thế nào cho chính xác cha ạ. Con nghĩ rằng cha yêu con nhưng đôi khi con lại không cảm nhận được điều đó. Thậm chí có lúc con cảm thấy cha chẳng hề yêu con nữa.
- Khi nào vậy con trai? - Will hỏi.
- Khi con cần cha nhưng cha lại chẳng làm gì giúp con cả. Chẳng hạn, hồi con lên mười tuổi, con đã nhờ cha giúp con môn toán nhưng cha lại bảo rằng con có thể tự làm vì con rất thông minh. Con biết cha muốn con tự lập nhưng lúc ấy con chỉ cần cha giải thích giúp con một chút là được rồi. Hồi đó, con cảm thấy thất vọng ghê gớm. Một} lần khác, khi chiếc xe ngựa nhà mình bị kẹt dưới rãnh và con đã nhờ cha giúp con kéo nó lên. Nhưng hôm đó, cha nói rằng vì con đã làm cho chiếc xe bị kẹt nên con cũng sẽ biết cách kéo nó lên. Con có thể làm được việc đó nhưng vấn đề là con muốn được cha giúp đỡ. Những lúc ấy, con cảm thấy cha chẳng hề yêu con.
Những lời nói của Jake khiến cho Will suýt khóc. Anh nói với con:
- Jake ơi, cha xin lỗi con. Cha không biết là mình đã làm con buồn đến vậy. Lẽ ra cha nên hỏi con điều này sớm hơn mới phải. Tự đáy lòng mình, cha luôn mong muốn con sống độc lập và tự tin - và đó là điều con đang làm được. Cha rất tự hào về con, nhưng cha cũng muốn con biết rằng cha rất yêu con. Từ nay về sau, cha sẽ hỗ trợ con mỗi khi con cần. Cha mong con sẽ cho cha cơ hội đó.
Sau đó, hai cha con Will đã ôm lấy nhau và cùng chia sẻ mối đồng cảm yêu thương.
Bảy tháng sau, Will có cơ hội bày tỏ sự quan tâm của mình với hai cậu con trai khi chiếc xe ngựa một lần nữa rơi xuống rãnh nước sau nhà. Hai cậu con trai của anh đã mất hơn hai giờ để cố kéo chiếc xe lên nhưng không làm được. Cuối cùng, Jake bảo em trai về nhà cầu cứu. Buck hết sức ngạc nhiên khi thấy cha vội vã lấy đồ đạc chạy theo mình. Cậu bé càng ngạc nhiên hơn khi thấy lúc chiếc xe được kéo lên, cha ôm hôn anh Jake và nói: “Cảm ơn con trai của cha, cảm ơn vì con đã báo tin cho cha biết”. Nỗ lực của Will nhằm xoa dịu vết thương lòng của đứa con trai lớn đã thành công. Hôm ấy, Will đã học một bài học sâu sắc về việc nuôi dạy con.
Sự tận tụy yêu thương
Cha mẹ dành sự quan tâm chăm lo cho con cái qua nhiều tháng năm và được thể hiện dưới hình thức trách nhiệm. Điều đó khiến nhiều người quên rằng những hành động rất đỗi bình thường mỗi ngày họ làm cho con đều là những biểu hiện tình yêu. Họ cảm thấy mình chăm lo cho con cái vì trách nhiệm hơn là vì tình yêu thương. Thái độ đó khiến trẻ thấy mình trở thành gánh nặng đồng thời không thể cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ qua những hành động tận tụy đó.
Tận tụy vì con không có nghĩa là bạn phải làm nô bộc cho con như nhiều người lo ngại. Sự chăm sóc này xuất phát khao khát bên trong mỗi người làm cha làm mẹ. Vì vậy, tận tụy phục vụ là một quà tặng chứ không phải là sự bắt buộc. Khi các bậc phụ huynh chăm lo cho con trong tâm trạng bức bối hay tức giận, nhu cầu vật chất của trẻ có thể được đáp ứng nhưng tâm hồn trẻ sẽ trở nên trống rỗng và khô cằn.
Dù việc chăm lo cho con trẻ diễn ra hàng ngày nhưng thỉnh thoảng, các bậc phụ huynh cũng nên kiểm tra thái độ của mình để đảm bảo rằng sự tận tụy đó truyền đạt đến trẻ thông điệp yêu thương thực sự.
Mục đích tối thượng của sự tận tụy
Mục đích tối thượng của sự tận tụy vì con cái là giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần để có thể phục vụ lại người khác. Qua sự tận tụy của cha mẹ, trẻ sẽ học cách giúp đỡ những người thân yêu lẫn những người xa lạ.
Kinh Thánh có nói rằng hành động phục vụ là một trong những cách làm đẹp lòng Chúa. Kinh Thánh kể rằng trong một buổi tiệc, Chúa Jesus đã nói với vị chủ nhà: “Mỗi khi ngài tổ chức một bữa tiệc nào đó, đừng mời bạn bè, anh em, họ hàng hay những người hàng xóm giàu có. Nếu không, họ sẽ đáp lại ngài bằng cách mời lại ngài. Khi ngài tổ chức tiệc tùng, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, mù lòa, khổ hạnh. Đó mới là hành động quý báu nhất và ngài sẽ được hưởng phúc đức từ đó…”. Đó cũng chính là điều chúng ta nên dạy cho con cái mình – phục vụ người khác với thái độ yêu thương.
Dù sao, con cái chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ nên điều tất yếu là trẻ sẽ có khuynh hướng sống vị kỷ. Trẻ luôn muốn được tưởng thưởng từ những hành động tốt đẹp của mình. Do đó, bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian mới có thể dạy trẻ biết cách sống và cho đi tình yêu thương một cách bất vụ lợi.
Làm gương cho con cái
Các bậc phụ huynh cần làm gương cho con cái noi theo. Trước tiên, bạn cần đảm bảo rằng con cái thực sự cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn phải tìm cách giữ cho “khoang tình cảm” của trẻ luôn tràn đầy. Thông qua hành động của cha mẹ, trẻ sẽ hiểu được sống vì người khác là như thế nào. Bạn hãy nhớ rằng yêu cầu hoàn toàn khác với ra lệnh. Trẻ sẽ khó cảm thấy trân trọng và biết ơn bạn khi bạn ra lệnh cho chúng phải làm điều gì đó. Đưa ra một yêu cầu nhẹ nhàng và biết kiềm chế cơn giận dữ sẽ giúp ta cư xử với con trẻ một cách dịu dàng.
Khi trưởng thành, con trẻ sẽ hiểu rõ sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ. Dĩ nhiên, trẻ sẽ không thể nhớ được ai đã thay tã hay cho chúng ăn. Nhưng khi chứng kiến các bậc cha mẹ khác chăm sóc con họ, trẻ sẽ nhận ra rằng mình cũng đã từng được chăm lo và yêu thương như thế. Khi đó, trẻ sẽ biết trân trọng hơn những gì chúng đã nhận được từ cha mẹ.
Và cuối cùng, từ tấm gương của cha mẹ, trẻ sẽ học được bài học giúp đỡ người khác như săn sóc người bệnh, giúp đỡ người nghèo khổ. Có thể trẻ sẽ tham gia các tổ chức từ thiện hoặc những hoạt động vì cộng đồng. Trẻ không cần phải đi xa mới nhận ra những người kém may mắn hơn mình. Bạn cũng có thể giúp con hiểu được điều này bằng cách cùng con tham gia những hoạt động tình nguyện. Khi cha mẹ và con cái cùng nhau hoạt động vì mục tiêu giúp đỡ những người kém may mắn, cả hai sẽ có những giờ phút ý nghĩa bên nhau. Các hoạt động này sẽ trở thành một bài học có ý nghĩa sâu sắc đối với trẻ.
Một năm nọ, cả gia đình tôi tham gia các hoạt động tình nguyện của tổ chức các tác giả theo đạo Thiên Chúa ở Bolivia. Tại đó, chúng tôi đã giúp một em bé ba tuổi bị gãy chân. Các con tôi đã làm những việc thiết thực và đáng quý để giúp đỡ em bé ấy. Và tôi thực sự ngạc nhiên khi đến lễ Giáng sinh sau đó, cậu con trai Carey tám tuổi của tôi đã dành tặng cho chị gái món quà Giáng sinh quý giá nhất của mình - một con búp bê mới toanh.
Thay đổi hành vi của con
Trọng tâm của các hoạt động xã hội chính là lòng thành tâm giúp đỡ người khác. Thế nhưng đôi khi hành động của các bậc phụ huynh lại thể hiện thông điệp khác, khiến trẻ hoài nghi về bài học cho đi một cách bất vụ lợi. Đó là khi các bậc phụ huynh yêu thương con bằng tình yêu có điều kiện, tức là chỉ thể hiện sự quan tâm với con khi con đạt được một thành tích nào đó. Điều này khiến trẻ nảy sinh tư tưởng chỉ nên giúp đỡ người khác khi điều đó có lợi cho mình. Vì vậy, hành động tận tụy của các bậc cha mẹ cần chuyển tải được thông điệp tình yêu và không vì lý do nào khác. Khi làm được điều đó, các bậc phụ huynh đã tạo nên động lực giúp trẻ thay đổi hành vi của mình.
Trong xã hội ngày nay, lối suy nghĩ: “Tôi được gì từ việc này?” đã trở nên phổ biến. Suy nghĩ này hoàn toàn đi ngược với hành động chăm lo cho con cái của cha mẹ. Mục tiêu mà các bậc cha mẹ hướng đến chính là nuôi dạy con cái mình trở thành người tử tế và nhân hậu.
Có thể bạn băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này trong xã hội đầy toan tính như hiện nay.
Mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được}, nhưng nó phụ thuộc rất nhiều ở bạn. Bạn cần giúp con hiểu rõ ý nghĩa của hành động tận tụy và cùng con tham gia chăm sóc những người kém may mắn. Bạn cũng có thể dạy con bằng cách nêu ra những tấm gương người tốt việc tốt để trẻ tự nhận thức và giúp đỡ những người xung quanh một cách bất vụ lợi.
Lòng hiếu khách
Lòng hiếu khách là nền tảng giúp bạn thiết lập được các mối quan hệ vững bền. Một trong những cách thức giúp bạn thể hiện lòng hiếu khách của mình là tổ chức một buổi tiệc và mời mọi người đến dự.
Khi bạn mở rộng cửa chào đón bạn bè, khách khứa, con bạn sẽ học được cách san sẻ tình yêu với mọi người. Dù ngày nay xu hướng đãi tiệc ở nhà hàng đang thịnh hành nhưng không khí ấm áp và thân mật của những bữa tiệc tại nhà vẫn có ý nghĩa đặc biệt. Việc thiết lập các mối quan hệ vững bền sẽ dễ thực hiện hơn trong không khí gia đình.
Suốt những năm 70, gia đình tôi luôn trở thành điểm đến của sinh viên các trường đại học trong vùng, đặc biệt là trường Đại học Wake Forest. Chương trình sinh hoạt thường rất đơn giản. Từ 8 đến 10 giờ tối thứ sáu, tất cả cùng thảo luận những vấn đề về phát triển mối quan hệ, đạo đức, xã hội... Sau đó, mọi người cùng thư giãn và chuyện phiếm cho đến nửa đêm.
Ngày đó, các con của tôi - Shelley và Derek - vẫn còn rất bé. Chúng luôn hào hứng chạy tới lui giữa mọi người, trò chuyện hoặc sẽ ngủ trong lòng một sinh viên nào đó. Những sinh viên này đã mang đến cho chúng tôi không khí của một đại gia đình và các con tôi luôn mong chờ những tối thứ sáu như thế.
Vào sáng thứ bảy, một số sinh viên sẽ đến nhà tôi để thực hiện “Những dự án công ích”. Chúng tôi đi khắp vùng, chia nhau dọn dẹp nhà cửa giúp các gia đình neo đơn, thông cống rãnh hay quét lá cây trong công viên. Shelley và Derek cũng tham gia với chúng tôi. Niềm vui lớn nhất của cả hai là đùa nghịch trên những đống lá được vun lại sau khi quét xong.
Khi trưởng thành, Shelley và Derek luôn ghi nhớ những kỷ niệm về các anh chị sinh viên. Cả Shelley và Derek đều sống có trách nhiệm với bản thân và quan tâm đến mọi người. Shelley - giờ trở thành bác sĩ sản khoa - cho biết việc trò chuyện với các anh chị sinh viên đến từ Đại học Y Bowman Gray ngày trước đã ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của con bé. Trong khi đó, Derek đã từng mời những người vô gia cư về sống trong căn hộ của mình suốt mùa đông. Từ trường hợp các con mình, tôi tin rằng việc mở rộng cửa chào đón mọi người cũng như việc cả gia đình cùng tham gia các dự án công ích sẽ có ảnh hưởng sâu sắc và tích cực đối với con trẻ.
Hãy đặt ra mục tiêu rằng con bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi giúp ích người khác. Dĩ nhiên, con bạn sẽ không dễ dàng cảm thấy như thế. Trẻ sẽ học được điều đó qua việc quan sát cách bạn chăm sóc, giúp đỡ chính bản thân trẻ và những người xung quanh hay khi cùng bạn làm điều gì đó hữu ích cho mọi người. Khi lớn lên, con bạn sẽ làm nhiều hơn những việc làm tốt đẹp ngày hôm nay.
Khi ngôn ngữ yêu thương chính của con bạn là sự tận tụy
Sự tận tụy của cha mẹ tác động rất lớn đến đời sống tinh thần, tình cảm của trẻ. Nếu đây chính là ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con bạn thì việc bạn chăm lo cho trẻ sẽ truyền đạt đến bé thông điệp đầy yêu thương. Khi nhờ bạn sửa chiếc xe đạp, vá chiếc áo đầm cho búp bê, trẻ không chỉ muốn bạn thực hiện những điều đó mà còn muốn nhận được tình yêu thương của bạn. Đó chính là điều cậu bé Jake mong muốn ở bố mình trong câu chuyện trên.
Khi các bậc phụ huynh hiểu và phản hồi lại những yêu cầu này bằng thái độ yêu thương, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc và “khoang tình cảm” của trẻ lại được làm đầy, như trường hợp của Jake. Nhưng khi các bậc phụ huynh từ chối yêu cầu hoặc thực hiện nó với thái độ khó chịu, trẻ sẽ bị tổn thương rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cần làm theo mọi yêu cầu của trẻ. Điều bạn nên làm là tỏ ra nhanh nhạy với yêu cầu của con và hiểu được rằng sự phản hồi của mình có thể làm đầy hoặc rút cạn “khoang tình cảm” của chúng. Bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng và có thái độ phản hồi đầy yêu thương trước những yêu cầu của con.
Trẻ nói gì về ngôn ngữ yêu thương “sự tận tụy”?
Hãy lắng nghe tâm sự của những trẻ có ngôn ngữ yêu thương cơ bản là sự tận tụy dưới đây để hiểu hơn về sức mạnh của loại ngôn ngữ này.
Krystal, 7 tuổi, gặp trục trặc về sức khỏe liên tục trong ba năm qua: “Cháu biết mẹ yêu cháu vì mẹ luôn giúp đỡ cháu mỗi khi cháu cần. Khi cháu phải đi khám bệnh, mẹ luôn nghỉ việc để đưa cháu đi. Khi cháu bị bệnh nặng, mẹ tự tay nấu món cháo mà cháu thích nhất”.
Bradley, 12 tuổi, sống cùng mẹ và em trai. Cha Bradley đã bỏ mẹ con cô bé khi cô bé mới lên sáu. “Cháu biết là mẹ yêu cháu vì mẹ đã khâu lại cho cháu những chiếc áo bị đứt cúc và còn giúp cháu làm bài tập về nhà vào mỗi tối. Mẹ cháu là y tá và mẹ đã phải làm việc cật lực để chăm lo cho chị em cháu.
Cháu nghĩ là cha cũng thương cháu nhưng cha đã chẳng làm gì để giúp mẹ con cháu cả”.
Jodi, 14 tuổi, là học sinh của trường dành cho trẻ khiếm khuyết, hiện đang sống với mẹ, cho biết: “Cháu biết mẹ yêu cháu là vì mẹ luôn giúp cháu giặt quần áo và dọn dẹp phòng ốc. Buổi tối mẹ thường giúp cháu làm bài tập về nhà, nhất là môn vẽ”.
Melanie, 14 tuổi, là con cả trong gia đình bốn anh em. “Cháu biết bố mẹ thương yêu cháu vì bố mẹ làm rất nhiều việc cho cháu. Mẹ may trang phục cho cháu khi cháu đóng kịch ở trường. Thậm chí mẹ còn may cả cho hai người bạn khác của cháu nữa. Điều đó khiến cháu rất tự hào về mẹ. Còn bố thì luôn giúp cháu làm bài tập về nhà. Năm nay bố còn dành thời gian dạy cháu môn đại số nữa. Cháu không thể tin được là bố có thể giải được tất cả những bài tập rất khó đó”.
Đối với những em nhỏ này, sự tận tụy xuất phát từ tình thương yêu thực sự của cha mẹ rất quan trọng. Phục vụ nghĩa là yêu thương. Vì vậy bạn hãy tận tụy chăm lo cho con, dạy con biết giúp đỡ người khác - và con bạn sẽ học tập bạn để trở thành một người có ích cho xã hội.
Một số gợi ý
Dưới đây là một số gợi ý dành cho các bậc phụ huynh. Bạn hãy thử chọn trong số những gợi ý này để áp dụng với con cái bạn:
• Dạy con chơi một số môn thể thao như bóng đá, bóng chày…
• Hướng dẫn con làm bài tập.
• Nấu cho con một món ăn ngon khi con phải trải qua một ngày khó khăn.
• Thay vì bảo con: “Đi ngủ đi”, hãy nhẹ nhàng bế con vào giường và đắp chăn cho con.
• Đối với trẻ đã đến tuổi đi học, hãy giúp con chọn quần áo đi học vào mỗi buổi sáng khi con thức dậy.
• Dạy cho con biết tầm quan trọng của việc} giúp đỡ người khác thông qua những hoạt động cộng đồng.
• Hãy chuẩn bị cho con những món đồ chơi mà con thích nhất để trẻ có thể chơi khi thức dậy hoặc đi học về (dĩ nhiên là bạn phải tham gia cùng con).
• Khi bạn sắp trễ một cuộc hẹn hay buổi họp, hãy giúp con hoàn thành những việc con đang làm để cả hai thu xếp nhanh hơn thay vì để con làm một mình và hối thúc con.
• Khi con bị ốm, hãy cùng con xem bộ phim con yêu thích, đọc truyện cho con nghe hoặc nấu món ăn bổ dưỡng mà con thích nhất.
• Giúp con phát triển các mối quan hệ với những người lớn xung quanh để trẻ có thể học hỏi được nhiều lĩnh vực như khiêu vũ, bóng chày, âm nhạc…
• Chuẩn bị tiệc sinh nhật với những món ăn con thích nhất.
• Lên danh sách những việc con thích làm cùng với bạn. Thỉnh thoảng hãy thực hiện một trong số chúng một cách bất ngờ.
• Chuẩn bị một món ăn đặc biệt cho con, chẳng hạn như một chiếc bánh có hình dạng kỳ lạ hoặc có khắc tên con trên đó.
• Giúp con sửa chữa một món đồ chơi hoặc vật dụng con thích nhất.