Chúng tôi vừa giới thiệu đến bạn năm ngôn ngữ tình yêu của trẻ. Hẳn bạn đã nhận ra vai trò của các ngôn ngữ này đối với đời sống tinh thần, tình cảm của trẻ. Vậy bạn đã bao giờ tự hỏ}i bản thân: “Ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con mình là gì nhỉ? Mình có biết gì về nó hay không?”. Trên thực tế, việc tìm ra ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ có thể khiến bạn mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng bởi luôn có những dấu hiệu giúp bạn phát hiện ra điều đó.
Biết tận dụng những điều tốt đẹp nhất của tình yêu
Điều gì sẽ xảy ra khi ta sử dụng cả năm ngôn ngữ tình yêu của trẻ? Câu trả lời là khi đó, ta đã dạy cho trẻ cách yêu thương và thể hiện tình yêu thương mọi người qua cả năm ngôn ngữ. Khi ấy, trẻ sẽ hiểu và tôn trọng nhu cầu tình cảm của người khác hơn.
Cũng như chúng ta - những người trưởng thành, mọi trẻ em đều có nhu cầu được yêu thương bằng tất cả các ngôn ngữ tình yêu. Khi nhu cầu này được đáp ứng, trẻ sẽ có cuộc sống tình cảm cân bằng và hòa nhập tốt với xã hội. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, do bị tư tưởng vị kỷ chi phối nên trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết lập và phát triển các mối quan hệ. Chẳng hạn, trẻ có thể cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ quà tặng hoặc đồ chơi với bạn mình. Hoặc những trẻ có tính rụt rè sẽ khó thích nghi với ngôn ngữ tình yêu thời gian chia sẻ của bố mẹ. Một số trẻ lại có khuynh hướng thể hiện tình cảm bằng hành động nên trẻ sẽ cảm thấy khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ lời khen tặng. Chính vì thế, việc giúp trẻ tự tin trong giao tiếp và hòa đồng hơn với mọi người là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của các bậc phụ huynh.
Khi học cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu của con, các bậc cha mẹ đã dạy cho trẻ cách sống cống hiến và cho đi. Hãy tưởng tượng, nếu tất cả con cái chúng ta đều hiểu và trân trọng ý nghĩa của ngôn ngữ tình yêu sự tận tụy thì chắc hẳn các tổ chức xã hội sẽ có rất nhiều tình nguyện viên muốn cống hiến cho cộng đồng.
Nhưng bạn phải cần thời gian
Hẳn bạn đã biết tầm quan trọng của việc hiểu được năm ngôn ngữ tình yêu của con trẻ cũng như học cách sử dụng các ngôn ngữ đó. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Làm thế nào để biết được ngôn ngữ tình yêu của trẻ?”.
Dĩ nhiên, việc làm này đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian và tâm sức. Với những trẻ nhỏ, bạn cần} thể hiện tình yêu bằng cả năm ngôn ngữ để giúp trẻ phát triển toàn diện. Có thể lúc này, bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu thể hiện ngôn ngữ tình yêu của con bạn. Chẳng hạn, một số em bé đặc biệt yêu mến giọng nói của mẹ nhưng cũng có nhiều em lại tỏ ra khá hờ hững với điều đó; có em bé cảm thấy rất an toàn khi ở bên người lớn trong khi có em khác lại không chú ý đến điều này cho lắm.
Khi con bạn lớn khôn hơn, bạn sẽ thấy cách thể hiện tình yêu của trẻ dần thay đổi. Khi ấy, một trong năm ngôn ngữ tình yêu sẽ được thể hiện rõ nét và đóng vai trò quan trọng hơn so với các ngôn ngữ còn lại. Nếu bạn sử dụng ngôn ngữ tình yêu không đúng cách, trẻ sẽ bị tổn thương. Vì thế, bạn cần lưu ý điều này khi thể hiện tình yêu với trẻ đồng thời giảm thiểu việc làm tổn thương trẻ khi bạn giận dữ.
Phát hiện ngôn ngữ tình yêu của con trẻ là cả một quá trình. Chính vì vậy, bạn cần tỏ ra kiên nhẫn với con, đặc biệt khi con còn bé. Ở giai đoạn này, trẻ chỉ mới bắt đầu học cách tiếp nhận và thể hiện tình yêu. Điều đó có nghĩa là trẻ sẽ nhận thức về tình yêu thông qua hành động, lời nói và cử chỉ của cha mẹ. Bạn nên lưu ý rằng việc trẻ phản hồi đặc biệt đối với một ngôn ngữ tình yêu nào đó cũng không có nghĩa đó là ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ. Có thể vài tháng sau, trẻ sẽ quan tâm đến một ngôn ngữ tình yêu khác.
Hãy xem Cami đã lớn lên như thế nào
Cả gia đình Campbell đều thích theo dõi bé Cami giao tiếp với những người già ở viện dưỡng lão nơi bà cố của em đang sống. Thậm chí, ngay từ khi mới lên hai hay ba tuổi, Cami đã rất thích vẽ tranh tặng cho từng cụ già trong viện. Cami luôn tặng thiệp và quà cho bà cố vào những dịp Giáng sinh hay sinh nhật của bà, dù bà cố của bé bị mất trí nhớ và không nhớ được bé là ai. Chúng ta có thể dễ dàng đoán được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Cami là sự tận tụy. Tuy nhiên, có thể chúng ta dự đoán nhầm vì lúc này, Cami còn quá bé để chúng ta có thể đánh giá chính xác ngôn ngữ tình yêu của bé. Mọi người trong gia đình quan sát và nhận thấy rằng Cami rất cần tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ, đặc biệt là qua cử chỉ âu yếm, lời khen ngợi và thời gian chia sẻ.
Các giai đoạn phát triển
Gia đình Campbell quan sát cách bé Cami thể hiện và tiếp nhận tình yêu trong từng giai đoạn phát triển của em. Họ hiểu rằng Cami sẽ trải qua nhiều thay đổi trong cách biểu hiện tình yêu, đặc} biệt là trong giai đoạn niên thiếu.
Không phải lúc nào ngôn ngữ tình yêu của trẻ cũng cố định. Trong quá trình tìm kiếm ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con, bạn nên nhớ rằng trẻ sẽ trải qua nhiều giai đoạn phát triển tình cảm khác nhau, cũng giống như những đam mê về giải trí và học tập của em. Nhiều trẻ có khuynh hướng dùng một ngôn ngữ để tiếp nhận tình yêu và một ngôn ngữ khác để san sẻ tình yêu đó. Hẳn bạn không muốn cản trở quá trình phát triển của con em mình, phải không?
Dù trong chương này, chúng tôi nhấn mạnh đến một ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ nhưng bạn cũng đừng vì thế mà xao nhãng bốn ngôn ngữ tình yêu còn lại. Con bạn cần học cách san sẻ và tiếp nhận tình yêu bằng tất cả năm loại ngôn ngữ. Điều này rất quan trọng vì khi lớn lên, trẻ sẽ tiếp xúc với nhiều người có ngôn ngữ tình yêu cơ bản khác với ngôn ngữ tình yêu của em. Càng có khả năng thể hiện tình yêu bằng tất cả các ngôn ngữ, trẻ càng có cơ hội thể hiện được sự quan tâm và lòng biết ơn đối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình.
Giá trị tối cao của việc phát hiện ra ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ chính là việc bạn tìm ra phương pháp truyền tải tình yêu đến con cái mình hiệu quả nhất và luôn làm đầy “khoang tình cảm” của con.
Phát hiện ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ
Khi tìm kiếm ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con, bạn không nên trao đổi về mục tiêu này với trẻ, đặc biệt là khi trẻ ở vào lứa tuổi vị thành niên. Trong thời kỳ này, nếu biết được mục tiêu của bạn, có thể trẻ sẽ lợi dụng điều đó để bắt bạn đáp ứng những mong muốn tạm thời của mình. Và thường thì mong muốn tạm thời đó chẳng liên quan gì đến nhu cầu tình cảm thực sự của trẻ cả. Chẳng hạn, nếu con bạn đang mong muốn có được một đôi giày thể thao đắt tiền và biết được ý định của bạn, có thể trẻ sẽ đòi bạn mua bằng được đôi giày đó. Trẻ sẽ bảo với bạn rằng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của mình là quà tặng và nếu bạn yêu em, bạn phải mua cho em đôi giày đắt tiền đó.
Với mong muốn biết được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con, rất có thể bạn sẽ mua đôi giày đó cho con trước khi nhận ra mình đã bị gạt. Vì vậy, bạn hãy nhớ rằng làm cha mẹ tốt không có nghĩa là phải đáp ứng mọi yêu cầu của con.
Bạn có thể tham khảo một số cách thức dướ}i đây để nhận biết được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con em mình:
1. Quan sát cách trẻ thể hiện tình yêu đối với bạn
Hãy quan sát cách trẻ thể hiện tình yêu bởi có thể khi ấy, trẻ đang sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của em. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ nhỏ tuổi bởi ở lứa tuổi này, trẻ thường thể hiện tình yêu của mình thông qua cách trẻ muốn nhận lại nhất. Vì vậy, nếu đứa con lên năm tuổi của bạn nói với bạn những ngôn từ động viên yêu thương như “Mẹ ơi, mẹ nấu ăn thật ngon”, “Cảm ơn bố đã giúp con làm bài tập về nhà”, “Con yêu mẹ lắm, mẹ ơi” hoặc “Bố ơi, con chúc bố một ngày thật tuyệt nhé”, thì ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ chính là lời khen ngợi. Tuy nhiên, phương pháp này lại không hiệu quả đối với những trẻ mười lăm tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ đã biết rút kinh nghiệm từ những lần vòi vĩnh cha mẹ bằng cách sử dụng lời yêu thương. Chính vì vậy, phương pháp này tốt nhất nên được áp dụng với trẻ từ năm đến mười tuổi.
2. Quan sát cách trẻ thể hiện tình yêu
Nếu con bạn muốn tặng quà cho những người thân xung quanh bé thì có thể ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ chính là quà tặng. Tuy nhiên, bạn không được gợi ý con tặng quà cho mọi người. Nếu không, trẻ sẽ chỉ làm theo sự chỉ đạo của bạn và khi đó, quà tặng không còn là cách thể hiện tình yêu thực sự của trẻ nữa.
Khi ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ là quà tặng, trẻ sẽ tỏ ra vô cùng thích thú khi nhận được quà và mong muốn mọi người cũng có được niềm vui như mình. Trẻ sẽ có xu hướng cho rằng mọi người đều cảm thấy vui như em khi nhận được quà.
3. Lắng nghe yêu cầu thường xuyên nhất của trẻ
Hãy dành thời gian chơi đùa cùng con hoặc ở bên con khi bạn thường nhận được đề nghị bạn chơi chung của con. Lúc này, con bạn đang yêu cầu bạn dành cho chúng thời gian chia sẻ và sự chú ý trọn vẹn. Dĩ nhiên, mọi em bé đều cần sự chú ý của cha mẹ nhưng với những trẻ có ngôn ngữ yêu thương thời gian chia sẻ thì nhu cầu này sẽ vượt trội hơn.
Nếu con bạn thường xuyên hỏi bạn về bức tranh bé mới vẽ, có thể ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ chính là lời khen ngợi. Những câu như: “Mẹ ơi, mẹ thấy bức tranh con vẽ đẹp không?” hoặc “Con có làm bài tập về nhà tốt không mẹ?”, “Con mặc chiếc áo đầm này có xinh không hả mẹ?”… đều là những cách thể hiện nhu cầu được nghe những lời khen ngợi, động viên của trẻ. Tất nhiên, mọi trẻ em đều cần những ngôn từ động viên như vậy. Nhưng nếu yêu cầu của con bạn thường tập trung vào cách thức này thì rất có thể đó là biểu hiện quan trọng về ngôn ngữ tình yêu cơ bản của bé: lời khen ngợi.
4. Lắng nghe xem trẻ thường than phiền về điều gì nhất
Phương pháp này cũng tương tự như phương pháp thứ ba. Tuy nhiên, ở đây, thay vì đề nghị trực tiếp, con bạn lại than phiền về việc trẻ đã không nhận được điều gì đó từ bạn. Nếu con bạn than phiền: “Bố chưa bao giờ dành thời gian cho con”, “Mẹ chỉ chăm sóc cho em mà không chú ý gì tới con”, “Cha con mình chưa bao giờ đi chơi công viên với nhau”… thì có thể trẻ đang tiết lộ nhiều hơn là sự bực bội của em đối với đứa em vừa chào đời. Có thể trẻ muốn nói với bạn rằng từ khi có em, trẻ không còn nhận được tình yêu thương của bạn như trước. Trong lời than phiền của trẻ, rõ ràng trẻ muốn bạn dành nhiều thời gian chia sẻ với em hơn.
Tuy nhiên, nếu thỉnh thoảng trẻ mới than phiền về việc thiếu thời gian chia sẻ với cha mẹ thì đó không phải là dấu hiệu cho thấy ngôn ngữ tình yêu cơ bản của em. Chẳng hạn, khi trẻ hỏi bạn: “Bố ơi, bố làm việc nhiều quá à!” thì rất có thể trẻ đang lặp lại câu nói của mẹ. Hay khi trẻ bảo: “Con ước gì gia đình mình đi nghỉ hè giống như gia đình của Ben” thì có thể chỉ là trẻ đang mong muốn được giống như Ben.
Hầu như mọi trẻ em đều có lúc than phiền về những điều khiến em không hài lòng. Tuy nhiên, đa số những lời than phiền này lại liên quan đến khao khát tức thì của trẻ. Vì vậy, đây không hẳn là dấu hiệu giúp bạn nhận biết ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ. Nhưng nếu những lời than phiền này xảy ra thường xuyên thì rất có thể chúng chính là dấu hiệu thể hiện ngôn ngữ tình yêu cơ bản của em. Vì vậy, mức độ thường xuyên của những lời than phiền chính là chìa khóa giúp bạn phát hiện ra ngôn ngữ tình yêu của con em mình.
5. Cho con được chọn lựa giữa hai ngôn ngữ tình yêu
Hãy tạo điều kiện để con bạn được chọn lựa giữa hai ngôn ngữ tình yêu.
Chẳng hạn, một người cha có thể nói với con trai lên mười tuổi của mình rằng: “Eric à, bố được nghỉ vào buổi chiều ngày thứ năm. Chúng ta có thể cùng đi câu cá hoặc bố sẽ dẫn con đi mua một đôi giày thể thao mới. Vậy con thích cái nào hơn?”. Trong trường hợp này, cậu bé Eric được quyền lựa chọn giữa thời gian chia sẻ và quà tặng. Hoặc một người mẹ có thể nói với con gái của mình: “Tối nay mẹ rảnh. Vậy con thích chúng ta cùng đi bộ với nhau hay mẹ sẽ ở nhà may cho con chiếc áo đầm mới?”. Như vậy, con gái chị sẽ có quyền được chọn lựa giữa thời gian chia sẻ và sự tận tụy.
Hãy ghi lại quyết định của con bạn trong những lần chọn lựa này. Nếu phần lớn chọn lựa của con bạn xoay quanh một trong năm ngôn ngữ tình yêu thì có thể bạn đã tìm ra được cách thức khiến con bạn cảm thấy được yêu thương nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng có khi con bạn không thích điều gì trong hai chọn lựa đó và đề nghị một điều khác. Hãy ghi lại yêu cầu này của trẻ vì có thể đây chính là gợi ý quan trọng giúp bạn phát hiện ra ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con.
Nếu trẻ băn khoăn về hành động của bạn, bạn có thể giải thích với con rằng: “Mẹ muốn gia đình ta có được những khoảng thời gian bên nhau thật hạnh phúc. Chính vì thế, mẹ muốn biết suy nghĩ và cảm giác của con để có thể thực hiện điều đó tốt hơn. Suy nghĩ của con rất có ý nghĩa đối với mẹ. Vậy con nghĩ thế nào về điều này?”. Tuy nhiên, bạn có thể tùy vào hoàn cảnh của mình mà giải thích đơn giản hoặc chi tiết với con. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải nói với con những lời chân thật.
Dùng nhiều lựa chọn để phát hiện ngôn ngữ tình yêu của trẻ
Các lựa chọn cho trẻ năm tuổi
Những lựa chọn này phụ thuộc vào lứa tuổi và sở thích của con bạn. Dưới đây là một số ví dụ mà bạn có thể tham khảo. Đối với trẻ học lớp một, bạn có thể nói với con:
“Con muốn mẹ nướng cho con món bánh táo (sự tận tụy) hay chúng ta cùng đi dạo trong công viên (thời gian chia sẻ)?”
“Con thích bố con ta cùng chơi trò vật lộn (cử chỉ âu yếm) hay bố đọc truyện cho con nghe nè (thời gian chia sẻ)?”
“Bố có việc phải ra thành phố trong vài ngày, con muốn bố mua cho con một món quà (quà tặng) hay sẽ viết cho con một lá thư vì con là một cậu bé tuyệt vời (lời khen ngợi)?”
“Con có muốn cùng chơi trò chơi này với bố không? Trò chơi của chúng ta sẽ bắt đầu “Bố yêu con vì…” (lời khen ngợi) hay con muốn bố sửa cho con món đồ chơi bị hỏng (sự tận tụy)?”
Trò chơi “Bố yêu con vì….” là trò chơi mà cha} mẹ và con cái có thể thay phiên nhau hoàn thành câu nói đó. Chẳng hạn, bạn có thể nói với con: “Bố yêu con vì con có một nụ cười đẹp tuyệt vời”. Con bạn có thể nói: “Con yêu bố vì bố thường đọc truyện cho con nghe”. Bạn lại nói tiếp “Bố yêu con vì con rất yêu thương em gái con”…
Đây là một trò chơi thú vị mà các bậc cha mẹ dùng lời khen ngợi để thể hiện tình yêu thương với con và dạy con sử dụng nó với mình. Trò chơi cũng có thể bắt đầu bằng mẫu tự ABC sau cụm từ “vì…”, chẳng hạn như: “Bố yêu con vì con ăn nói rất lễ phép với người lớn” được tiếp tục với: “Con yêu bố vì bố luôn bênh vực người yếu đuối”…
Lựa chọn dành cho trẻ mười tuổi
Nếu con bạn gần mười tuổi, bạn có thể hỏi trẻ những câu hỏi như:
“Sinh nhật sắp tới của con, con muốn được bố mẹ tặng một chiếc xe đạp mới (quà tặng) hay du lịch cùng cha mẹ (thời gian chia sẻ)?”
“Con muốn cha sửa máy vi tính cho con tối nay (sự tận tụy) hay chúng ta cùng chơi bóng rổ (thời gian chia sẻ và cử chỉ âu yếm)?”
“Khi chúng ta đến thăm bà vào cuối tuần này, con muốn bố kể với bà về thành tích học tập xuất sắc của con trong học kỳ này (lời khen ngợi) hay con muốn bố mua cho con một món quà (quà tặng)?”
“Con muốn bố mẹ đến xem con biểu diễn môn thể dục (thời gian chia sẻ) hay mua cho con bộ đồ thể thao mới (quà tặng)?”
Lựa chọn dành cho trẻ mười lăm tuổi
Đối với trẻ mười lăm tuổi, bạn có thể đưa ra cho con một số lựa chọn sau:
“Con có thích mẹ mua cho con một cái áo khoác mới vào cuối tuần này (quà tặng) hay hai mẹ con ta sẽ ở nhà với nhau trong thời gian bố đi công tác (thời gian chia sẻ)?”
“Tối nay chỉ có hai mẹ con ta ở nhà, vậy con muốn hai mẹ con ta ăn ngoài (thời gian chia sẻ) hay mẹ sẽ làm cho con món pizza con thích nhất (sự tận tụy)?
“Khi con nản chí và bố muốn vực dậy tinh thần của con, con thích hành động nào của bố hơn - một là bố sẽ ngồi xuống bên con, nói với con rằng bố yêu con và kể cho con nghe những ưu điểm vượt trội của con (lời khen ngợi), hay con chỉ cần bố ôm con thật chặt và nói với con rằng: “Bố luôn ở bên con, con trai à” (cử chỉ âu yếm)?”.
Việc đưa ra nhiều lựa chọn chỉ hữu ích khi bạn thường xuyên thể hiện tình yêu của mình với con. Có thể bạn sẽ cần từ 20 đến 30 câu hỏi như thế này mới xác định được ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con. Những chọn lựa rải rác sẽ thể hiện nhu cầu tình cảm của trẻ trong một giai đoạn nào đó mà thôi.
Nếu có thể, bạn hãy nghĩ ra khoảng 30 lựa chọn trong mỗi ngôn ngữ tình yêu. Sau đó, bạn hãy tổng hợp chúng lại thành một bản danh sách và đề nghị con lựa chọn. Trẻ thường thích hợp tác với cha mẹ trong những việc như thế này nên nhờ đó, bạn có thể hiểu rõ hơn về ngôn ngữ tình yêu của con.
Thử nghiệm 15 tuần
Nếu cách làm trên vẫn không giúp bạn tìm ra được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con thì phương pháp dưới đây có thể sẽ hữu ích với bạn. Tuy nhiên, để kế hoạch này thành công, bạn cần phải thực hiện nó liên tục trong vòng 15 tuần.
Đầu tiên, bạn hãy chọn một trong năm ngôn ngữ tình yêu và tập trung sử dụng nó trong vòng hai tuần lễ. Chẳng hạn, nếu bạn chọn thời gian chia sẻ thì hãy thể hiện tình yêu của mình với con bằng cách dành cho con ít nhất là ba mươi phút trọn vẹn mỗi ngày. Ví dụ, ngày đầu tiên, bạn có thể đưa con đi ăn sáng. Ngày hôm sau, bạn chơi đùa hoặc đọc sách cho con nghe. Trong thời gian dành cho con sự chú ý tuyệt đối đó, hãy quan sát phản ứng của trẻ. Nếu sau hai tuần, con bạn xin phép được tự do làm điều cháu muốn thì bạn cần thể hiện tình cảm yêu thương của mình bằng ngôn ngữ khác. Ngược lại, nếu con bạn có những thay đổi đáng khích lệ, nghĩa là trẻ rất thích được ở cùng bạn thì đây chính là điều bạn đang tìm kiếm.
Sau hai tuần lễ đó, bạn hãy tạm dừng trong tuần kế tiếp. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn ngừng hoàn toàn việc thể hiện tình cảm yêu thương của mình với con mà là bạn chỉ dành cho con một phần ba thời gian trước đây. Sau đó, bạn chọn một ngôn ngữ tình yêu khác và tập trung sử dụng ngôn ngữ này trong suốt hai tuần lễ tiếp theo. Chẳng hạn, nếu bạn chọn cử chỉ âu yếm là ngôn ngữ tình yêu của con, bạn nên có những tiếp xúc yêu thương với con ít nhất bốn lần mỗi ngày. Chẳng hạn, trước khi con đi học, bạn hãy ôm hôn con thật âu yếm. Khi con đi học về, hãy chào đón con bằng một cái ôm thật chặt. Khi con ngồi ăn cơm tối, hãy xoa nhẹ lên lưng con trong khoảng một phút. Và khi con xem ti-vi, bạn hãy vỗ nhẹ âu yếm lên lưng con. Hãy lặp lại quá trình này mỗi ngày với những cách thể hiện âu yếm khác nhau.
Sau đó, bạn hãy quan sát phản hồi của con.
Nếu sau hai tuần lễ, trẻ thu người lại và nói với bạn rằng: “Cha/Mẹ đừng đụng đến con nữa” thì chắc chắn đây không phải là ngôn ngữ tình yêu cơ bản của em. Nhưng nếu trẻ tiếp tục tỏ ra hào hứng khi đón nhận cử chỉ âu yếm của bạn thì có nghĩa bạn đã đi đúng hướng rồi.
Tuần lễ tiếp theo bạn hãy giảm cường độ quan tâm và theo dõi phản ứng của con. Sau đó, hãy chọn một ngôn ngữ tình yêu khác và tiếp tục thực hiện theo cách trên.
Bạn hãy tiếp tục quan sát thái độ của con khi chuyển qua ngôn ngữ tình yêu kế tiếp. Có thể con bạn lại mong chờ cách thể hiện tình yêu mà bạn đã sử dụng trước đây. Điều đó có nghĩa là con bạn đang cho bạn một gợi ý về ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ. Hoặc nếu con bạn than phiền về việc bạn không còn quan tâm đến trẻ theo cách thức mà bạn đã làm hai tuần trước đó, thì nghĩa là trẻ cũng đã cho bạn một gợi ý quan trọng. Nếu con bạn thắc mắc về hành động của bạn, bạn có thể trả lời con rằng: “Cha/Mẹ muốn quan tâm đến con theo mọi cách để con biết được rằng cha/ mẹ rất yêu thương con”. Bạn đừng nói gì với con về những khái niệm của ngôn ngữ tình yêu. Và khi bạn thực hiện những thử nghiệm này, hãy nhớ rằng con bạn vẫn cần tình yêu của bạn bằng cả năm ngôn ngữ tình yêu - lời khen ngợi, thời gian chia sẻ, sự tận tụy, quà tặng và cử chỉ âu yếm.
Nếu con bạn bước vào tuổi vị thành niên
. . .
Việc nuôi dạy trẻ ở độ tuổi vị thành niên là một công việc khác thường và đòi hỏi bạn phải hết sức kiên nhẫn. Trong giai đoạn này, những thay đổi về tâm sinh lý sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách cho và nhận tình yêu của trẻ.
Đa số trẻ vị thành niên đều trải qua giai đoạn phát triển được mô tả là “thời kỳ cộc cằn”. Lúc này, bạn sẽ thường nghe được những đoạn trao đổi như sau:
Mẹ: “Chào con yêu. Con có khỏe không?”.
Tim: “Cũng bình thường”.
Mẹ: “Sáng nay ở trường có việc gì đó vui lắm phải không con?”.
Tim: “Chẳng có gì”.
Trong giai đoạn khó khăn này, nhiều trẻ không chịu nhận ngôn ngữ tình yêu nào ngoại trừ cử chỉ âu yếm. Đôi lúc, trẻ vị thành niên có những biểu hiện gây khó khăn cho bạn trong việc làm đầy “khoang tình cảm” của em. Đó là lúc trẻ} muốn kiểm tra liệu bạn có thực sự yêu thương em hay không. Trẻ sẽ có những hành động khiến bạn khó chịu, hoặc làm mọi thứ rối lên, hoặc tỏ ra lầm lì với thái độ khiêu khích. Những hành vi đó ngụ ý rằng: “Cha/Mẹ có thực sự yêu thương con không?”.
Đây thực sự là một thử thách đối với các bậc phụ huynh. Nếu bạn giữ được điềm tĩnh và tỏ ra dễ chịu (cứng rắn nhưng dễ chịu), bạn sẽ vượt qua được thử thách này. Khi ấy, đứa con đang độ tuổi vị thành niên của bạn sẽ vượt qua được giai đoạn phát triển khó khăn này và sớm trưởng thành.
Năm lên mười ba tuổi, Dan bắt đầu “thử thách” bố mẹ mình. Lúc đầu, Jim - bố của Dan - cảm thấy bực bội với những hành động của con trai. Nhưng sau đó, Jim nhận ra rằng mình đã để cho “khoang tình cảm” của con trai cạn kiệt. Vì biết rằng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Dan là thời gian chia sẻ nên Jim quyết định dành ra cả ngày cuối tuần để làm đầy lại “khoang tình cảm” của con. Đó thật sự là một thách thức lớn đối với anh bởi nhu cầu tình cảm của con trai anh rất lớn. Sau khi trải qua ngày nghỉ cuối tuần bên nhau, Jim đã đạt được mục tiêu mình đề ra. Và từ đó về sau, anh không bao giờ để cho “khoang tình cảm” của Dan cạn kiệt nữa.
Buổi tối hôm đó, Jim có một cuộc họp rất quan trọng, và Dan cũng biết điều đó. Khi Jim sắp ra khỏi nhà, Dan đã gọi:
- Bố ơi! Bố dành cho con một phút được không?
Và với giọng nghiêm túc, Dan hỏi:
- Bố ơi! Bố có thực sự yêu con không?
Rất nhiều bậc phụ huynh không biết cách xử lý tình huống này bởi nó quá bất ngờ. May thay, Jim hiểu được mong muốn của Dan lúc này nên anh nói:
- Bây giờ bố phải đi họp ngay, nhưng bố có thể trò chuyện với con ngay sau khi bố về nhà, khoảng 9 giờ 30 phút nhé.
Nếu lúc đó Jim mất kiên nhẫn với Dan và nói với con rằng: “Bố vừa dành cho con cả ngày hôm nay rồi đấy thôi! Con còn đòi hỏi gì nữa?” thì có lẽ anh đã chọc thủng “khoang tình cảm” của con trai mà anh vừa mới dành 24 giờ để làm đầy.
Trở thành chuyên gia đa ngôn ngữ
Dù ngôn ngữ tình yêu của con bạn là gì chăng nữa thì hãy nhớ rằng việc sử dụng được cả năm ngôn ngữ là điều rất quan trọng. Nhiều bậc phụ huynh chỉ chú trọng việc sử dụng một ngôn ngữ tình yêu mà quên đi các ngôn ngữ còn lại. Điều} này thường xảy ra với ngôn ngữ tình yêu quà tặng. Có lẽ do việc sử dụng ngôn ngữ này ít tốn thời gian và tâm sức nên nhiều người đã rơi vào cái bẫy của việc tặng quà. Khi tặng cho con quá nhiều quà, chúng ta chẳng những không thể làm đầy “khoang tình cảm” của con trẻ mà còn có thể hình thành ở trẻ tính thực dụng.
Không chỉ hữu ích trong quá trình nuôi dạy con cái, việc học cách sử dụng năm ngôn ngữ tình yêu còn giúp các bậc phụ huynh biết cách thể hiện sự quan tâm của mình đến tất cả mọi người.
Hãy ghi nhớ rằng việc học cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu là một quá trình dài đòi hỏi bạn phải đầu tư cả thời gian lẫn tâm sức của mình. Quá trình trưởng thành của con cái là một quá trình chậm rãi, phức tạp với vô vàn khó khăn. Hãy dạy cho trẻ cách cho đi và đón nhận tình yêu bằng cả năm loại ngôn ngữ. Khi bạn đặt niềm tin vào tình yêu và trở thành tấm gương cho con cái noi theo, bạn sẽ định hướng cho trẻ phát triển lành mạnh và biết quan tâm đến mọi người xung quanh bằng nhiều cách khác nhau. Làm được điều đó, con cái bạn sẽ trở thành những người xuất sắc!