Theo bạn, từ nào trong các từ sau đây mang nghĩa tiêu cực: tình yêu, sự nồng thắm, tiếng cười, kỷ luật? Câu trả lời là không từ nào cả. Trái với suy nghĩ của nhiều người, “kỷ luật” không phải là một từ tiêu cực. Trong tiếng Anh, từ “kỷ luật” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “huấn luyện”. “Kỷ luật” là một trong những nhiệm vụ lâu dài và cần thiết mà các bậc phụ huynh cần thực hiện khi nuôi dạy con trẻ từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Mục tiêu của việc kỷ luật là giúp trẻ đạt đến sự trưởng thành cần thiết để sống có trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Như vậy, từ “kỷ luật” mang ý nghĩa tích cực chứ không phải tiêu cực.
Việc nuôi dạy trẻ để trẻ phát triển về tinh thần, tính cách và trở thành một người biết tự chủ đòi hỏi bạn phải dùng mọi phương cách giao tiếp với trẻ. Bạn sẽ phải hướng dẫn cho trẻ thông qua việc làm gương, dạy bảo, uốn nắn hành vi sai trái của trẻ, giúp trẻ rút ra bài học kinh nghiệm và nhiều điều khác nữa. Kỷ luật là một trong những cách thức giúp bạn hoàn thành mục tiêu này. Kỷ luật có vai trò nhất định của nó nhưng trong nhiều gia đình, việc áp dụng hình phạt đối với trẻ thường bị lạm dụng quá mức. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh cho rằng “kỷ luật’ và “hình phạt” đồng nghĩa với nhau. Thậm chí một số người còn cho rằng kỷ luật chính là hình phạt. Đúng ra, hình phạt là một dạng của kỷ luật và đó là hình thức kỷ luật tiêu cực nhất.
Một số phụ huynh, đặc biệt là những người không nhận được tình yêu thương của bố mẹ ngày bé, có khuynh hướng xem nhẹ việc nuôi dạy con. Họ thích áp dụng hình phạt với con thay vì sử dụng một hình thức kỷ luật nào đó có ý nghĩa tích cực hơn. Các bậc phụ huynh cần giữ cho “khoang tình cảm” của trẻ đầy ắp trước khi áp dụng hình thức kỷ luật. Nếu không, việc bạn áp dụng hình thức kỷ luật với con cũng giống như việc bạn chạy một chiếc máy không bôi dầu vậy. Nó có thể hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định rồi chết máy một cách thảm hại.
Vì có sự nhầm lẫn về từ “kỷ luật” như thế nên trong chương này, chúng ta sẽ chỉ tập trung bàn về ý nghĩa của từ này. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ đề cập đến những khía cạnh của hình thức kỷ luật. Hy vọng hai chương sách này sẽ giúp bạn tìm ra được hình thức kỷ luật phù hợp nhất đối với con em mình dựa trên ngôn ngữ tình yêu của trẻ.
Dạy con hành động chín chắn
Thông thường, “kỷ luật” được hiểu là việc các bậc phụ huynh thiết lập quyền hành, xây dựng các chuẩn mực về cách hành xử và giúp trẻ sống theo những chuẩn mực đó. Tất nhiên, những tiêu chuẩn này thay đổi theo từng nền văn hóa và từng giai đoạn lịch sử. Ngày nay, một số người cho rằng việc nuôi dạy con trẻ không cần đến các hình thức kỷ luật nữa. Thế nhưng, phương thức giáo dục “lơi lỏng” cho phép trẻ làm bất kỳ điều gì chúng muốn đã không giúp trẻ có được hạnh phúc cũng như sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Trong lịch sử, tất cả các xã hội đều đề cao đạo đức của con người. Mỗi xã hội có những chuẩn mực đạo đức và hệ thống luật pháp riêng. Một cách hành xử có thể được chấp nhận ở xã hội này nhưng không được chấp nhận ở xã hội khác. Tuy nhiên, khi một người nào đó hành xử trái đạo đức, người đó không những khiến bản thân họ bị tổn thương mà còn gây thiệt hại cho cả xã hội.
Các bậc phụ huynh phải là người thực hiện các hình thức kỷ luật đối với con trẻ bởi họ chính là người dạy bảo cho trẻ những chuẩn mực xã hội. Ở lứa tuổi này, trẻ không thể quyết định được cách sống của mình. Chính vì thế, nếu không có sự dạy bảo dìu dắt của cha mẹ, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình khôn lớn, trưởng thành.
Khi con còn bé, các bậc phụ huynh phải đề ra những quy định để kiểm soát hành động của con. Điều này có nghĩa là họ không cho phép con làm mọi thứ chúng muốn nhằm bảo vệ con trước những hiểm nguy của cuộc sống. Đây là giai đoạn các bậc phụ huynh phải quản lý con nghiêm ngặt, tuyệt đối.
Sau giai đoạn này, các bậc phụ huynh phải dành một thời gian dài để dạy con tính kỷ luật. Trưởng thành là quá trình mà mọi trẻ em đều phải trải qua. Mỗi giai đoạn, các bậc phụ huynh đều có những nhiệm vụ tương ứng cần phải thực hiện. Đó là một quá trình khó khăn, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải tỏ ra khéo léo, kiên nhẫn và thật sự yêu thương con.
Tình yêu và kỷ luật
Mục đích của tình yêu là mang đến cho người khác điều tốt đẹp nhất, và kỷ luật cũng vậy. Chính vì thế, kỷ luật là một hành động thể hiện tình yêu thương. Khi cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, trẻ sẽ dễ chấp nhận các hình thức kỷ luật của họ hơn. Trẻ sẽ tiếp nhận sự dạy dỗ của cha mẹ mà không có thái độ thù nghịch ngấm ngầm. Điều này có nghĩa là các bậc phụ huynh phải giữ cho “khoang tình cảm” của con luôn đầy trước khi áp dụng kỷ luật đối với con.
Nếu không hiểu được ý nghĩa hành động giáo huấn của cha mẹ, trẻ sẽ xem đó là gánh nặng đầy phiền toái và dần căm ghét nó. Thậm chí, trong một số trường hợp, trẻ sẽ hành động theo yêu cầu của cha mẹ nhưng kết quả thì nhận thức của trẻ lại hoàn toàn ngược lại với điều cha mẹ mong đợi. Đây là điều rất phổ biến ngày nay.
Cha của Jason - một cậu bé mười tuổi - là một thương nhân. Vì tính chất công việc nên cha Jason thường xuyên vắng nhà. Vào những ngày cuối tuần, ông cắt cỏ và làm những công việc lặt vặt khác trong gia đình. Trong khi đó, vào những ngày này, Jason lại ra ngoài chơi đá bóng với các bạn. Vì ngôn ngữ tình yêu chính của Jason là thời gian chia sẻ nên cậu bé không cảm nhận được tình yêu của cha. Ông thường mệt lả khi về đến nhà nên hiếm khi dành thời gian cho Jason và thường nổi cáu trước những trò nghịch ngợm của con. Hình phạt của ông dành cho Jason luôn đi kèm với những từ ngữ nặng nề và giận dữ. Ông cho rằng hình thức kỷ luật này sẽ giúp Jason trở thành một chàng trai sống có trách nhiệm.
Tuy nhiên, trên thực tế, Jason vô cùng căm ghét hình thức kỷ luật đó và hoàn toàn không muốn tuân lời cha. Vì rất sợ cha nên cậu bé luôn tìm cách lẩn tránh ông.
Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra vấn đề trong mối quan hệ giữa cha con Jason. Rõ ràng, Jason thiếu hụt tình yêu của cha nên em cũng không mấy kính trọng cha. Chỉ khi cảm thấy an toàn trong tình yêu của cha, Jason mới có thể chấp nhận những lời dạy dỗ có phần nặng nề của ông. Do “khoang tình cảm” của Jason trống rỗng nên hình thức kỷ luật của cha chỉ tạo ra sự bất mãn và chống đối ở cậu bé hơn là dạy cho cậu ý thức trách nhiệm. Dần dần, cậu bé thấy mình là gánh nặng của cha và ý nghĩ này đã tác động xấu đến lòng tự trọng của cậu.
Bạn sẽ dạy dỗ con cái mình hiệu quả hơn nếu bạn có thể sử dụng cả năm ngôn ngữ tình yêu.
Tình yêu vô điều kiện của bạn sẽ giữ cho “khoang tình cảm” của trẻ luôn tràn đầy. Chỉ khi làm được điều đó, bạn mới có thể đạt được kết quả tốt đẹp nhất khi áp dụng hình thức kỷ luật với con. Các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng việc gì cần thì làm trước. Hãy mang đến cho con tình yêu vô điều kiện trước khi áp dụng hình phạt đối với con.
Trẻ yêu thương như thế nào
Để áp dụng các hình thức kỷ luật với con một cách hiệu quả, trước tiên bạn cần tự hỏi mình hai câu hỏi sau:
1. Trẻ yêu thương như thế nào?
2. Con tôi cần gì khi cháu hành xử sai lệch?
Với câu hỏi đầu tiên: “Trẻ yêu thương như thế nào?” thì câu trả lời là: Trẻ yêu thương theo cách thức bồng bột, không chín chắn. Trong khi đó, những người trưởng thành tìm kiếm tình yêu} thương vô điều kiện. Tuy nhiên, chúng ta thường thất bại trong việc tìm kiếm này và rơi vào tình yêu có điều kiện. Chẳng hạn, John có tình cảm đặc biệt với Marcia. Vì muốn tình cảm đôi bên tiến triển tốt đẹp nên anh luôn hành xử hòa nhã, tử tế, tôn trọng và chăm sóc tận tình Marcia. Đây chính là tình yêu có điều kiện.
Thế nhưng, trẻ thường không yêu thương theo kiểu tình yêu vô điều kiện mà có khuynh hướng vì bản thân mình. Theo bản năng, trẻ ý thức được nhu cầu yêu thương của bản thân cũng như nhu cầu giữ “khoang tình cảm” của mình luôn đầy. Nhưng trẻ không biết rằng bố mẹ mình cũng có “khoang tình cảm” cần được làm đầy. Khi “khoang tình cảm” của trẻ sắp cạn kiệt hoặc đã trống rỗng, trẻ sẽ lo sợ hỏi: “Bố mẹ có yêu con không?”. Cách trả lời của bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn hành vi của trẻ bởi nguyên nhân chính dẫn đến hành vi sai trái ở trẻ chính là “khoang tình cảm” của em bị trống rỗng.
Một cách tự nhiên, trẻ em có khuynh hướng muốn kiểm tra tình yêu của bố mẹ bằng hành động của mình. Khi con trẻ hỏi bạn: “Bố mẹ có yêu con không?” và câu trả lời của bạn là: “Có chứ, bố mẹ yêu con” đồng thời bạn có những hành động làm đầy “khoang tình cảm” của con thì bạn đã loại bỏ được cảm giác bất an trong lòng trẻ. Khi ấy, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh hành vi của con hơn. Tuy nhiên, nếu bạn yêu thương con bằng tình yêu có điều kiện, bạn sẽ bực tức khi con mắc sai lầm mà không nhận ra nhu cầu tình cảm của con.
Có thể bạn không thích câu hỏi: “Bố/Mẹ có yêu con không?” của trẻ. Nếu không khéo, có thể bạn sẽ khiến trẻ thất vọng và có những hành động không đúng đắn. Thật bất công nếu ta đòi hỏi trẻ phải hành xử đúng mực trong khi bản thân ta lại không mang đến cho trẻ cảm giác được yêu thương. Việc giữ cho “khoang tình cảm” của con luôn tràn đầy là trách nhiệm của cha mẹ. Và bạn sẽ làm được điều này bằng cách sử dụng tất cả các ngôn ngữ tình yêu, đồng thời tập trung vào ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con.
Câu hỏi thứ hai mà chúng ta cần đặt ra khi dạy dỗ con cái là: “Con tôi cần gì khi cháu hành xử sai lệch?”. Thực tế, khi con trẻ hành động sai trái, các bậc phụ huynh lại đặt ra câu hỏi: “Tôi có thể làm gì để điều chỉnh hành vi của con?”. Câu trả lời mà nhiều người thường nghĩ đến ngay sau đó là: “Áp dụng hình phạt”. Đây chính là lý do dẫn đến việc ngày nay, nhiều người lạm dụng hình phạt trong việc nuôi dạy con. Nếu ngay từ đầu, ta đã sử dụng hình phạt thì về sau, ta sẽ khó hiểu được nhu cầu tình cảm thật sự của con. Trẻ sẽ không cảm} nhận được tình yêu thương của ta nếu ta xử lý hành động sai trái của trẻ theo cách này.
Câu trả lời cho vấn đề “Trẻ cần gì?” là các bậc phụ huynh hãy tìm ra phương pháp giáo dục hợp lý nhất với con em mình và có những hành động đúng đắn. Sở dĩ trẻ có hành động sai trái là do một nhu cầu nào đó của trẻ chưa được đáp ứng. Nếu không nhận ra nhu cầu thực sự ẩn sau hành động sai trái của con, chúng ta sẽ khó giáo dục con đúng đắn. Câu hỏi: “Tôi có thể làm gì để sửa chữa hành vi sai trái của con?” thường dẫn đến những hình thức trừng phạt tiêu cực và thiếu suy nghĩ.
Vì thế, hãy thay câu hỏi trên bằng câu hỏi: “Con tôi đang cần gì?” để có thể đưa ra những hành động đúng đắn và giải quyết vấn đề của trẻ một cách tốt đẹp.
Nguyên nhân của hành vi sai trái ở trẻ: “Khoang tình cảm” trống rỗng
Khi trẻ hành xử sai trái, bạn hãy tự hỏi bản thân: “Con mình đang cần gì?” và “Mình có cần làm đầy “khoang tình cảm” của con hay không?”. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu được nhu cầu yêu thương của con trẻ cũng như dễ đưa ra hình thức kỷ luật hơn. Khi đó, hãy làm đầy “khoang cảm xúc” của trẻ bằng cách áp dụng các ngôn ngữ tình yêu, đặc biệt là cử chỉ âu yếm, thời gian chia sẻ và hành động tận tụy cho trẻ.
Tất nhiên, ta không nên bỏ qua hành vi sai trái rõ ràng của trẻ. Nhưng nếu ta xử lý không đúng cách - nghĩa là quá nghiêm khắc hoặc quá nuông chiều - ta sẽ gặp nhiều rắc rối về sau trong việc dạy trẻ. Chính vì thế, điều chúng ta cần làm là hướng dẫn con cách hành xử đúng đắn và quá trình này không bắt đầu bằng hình phạt.
Ở lứa tuổi này, trẻ chưa tinh tế trong việc thể hiện yêu cầu tình cảm của mình với cha mẹ. Các em thường tỏ ra ồn ào và đôi khi còn có những hành động không phù hợp với quan điểm của người lớn. Thông qua những hành động này, trẻ thể hiện mong muốn được cha mẹ dành cho thời gian chia sẻ, ôm ấp yêu thương và quan tâm chăm sóc. Hãy nhớ rằng dù sao con bạn vẫn là trẻ con và bạn phải có trách nhiệm làm đầy “khoang tình cảm” của con rồi mới dạy dỗ để con có được sự phát triển đúng đắn.
Những nguyên nhân khác: các vấn đề liên quan đến thể chất
Thật dễ chịu khi cho rằng tất cả hành vi sai trái của con trẻ xuất phát từ “khoang tình cảm” của trẻ trống rỗng. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng đúng. Vậy ta nên làm gì khi hành vi sai trái của con em mình không phải do “khoang tình cảm” của trẻ trống rỗng?
Sau khi bạn tự đặt câu hỏi: “Con mình cần điều gì?” và biết chắc rằng “khoang tình cảm” của trẻ không hề cạn kiệt, hãy hỏi tiếp: “Đây có thuộc về vấn đề thể chất của con hay không?”. Nguyên nhân thứ hai của những hành vi sai trái ở trẻ liên quan đến thể chất của trẻ. Càng bé, hành vi của trẻ càng chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thể chất. Vì vậy, bạn cần đặt ra câu hỏi: “Con mình có bị đau đớn gì không? Cháu có khát, đói, mệt mỏi hay bệnh tật gì không?”. Hành vi sai trái của trẻ sẽ được giải quyết nhanh chóng nếu nó xuất phát từ vấn đề thể chất.
Sự hối hận của trẻ và sự tha thứ của cha mẹ
Nếu hành vi sai trái của con không liên quan đến những lý do thể chất thì bạn sẽ làm gì tiếp theo? Theo tôi, đây là lúc bạn tự hỏi mình rằng: “Liệu con mình có hối hận về những điều đã làm hay không?”. Nếu trẻ tỏ ra hối lỗi, bạn không cần phải tiến xa hơn nữa. Lúc này, trẻ đã rút ra bài học kinh nghiệm và cảm thấy hối tiếc về việc mình làm nên việc áp dụng hình phạt có thể sẽ gây ra nhiều tác hại. Hãy vui mừng nếu con bạn thực sự tỏ ra ăn năn, hối hận bởi điều này có nghĩa là lương tâm trẻ vẫn đang vận hành tốt.
Điều gì khống chế hành vi của trẻ (và của tất cả mọi người) khi em có hành vi sai lệch? Đó chính là lương tâm của trẻ. Vậy điều gì dưỡng nuôi lương tâm? Đó chính là sự hối hận. Sự hối hận là yếu tố cần thiết để dưỡng nuôi một lương tâm tốt đẹp. Việc trừng phạt trẻ khi trẻ đã thật sự hối hận sẽ ngăn cản việc phát triển lương tâm của trẻ. Trong trường hợp đó, hình phạt đối với trẻ sẽ chỉ tạo ra sự giận dữ và bất mãn mà thôi.
Hãy tha thứ khi trẻ đã biết hối hận. Với sự tha thứ của mình, bạn dạy cho trẻ bài học tuyệt vời về lòng khoan dung và sự vị tha. Việc được cha mẹ tha thứ cho những lỗi lầm là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời trẻ. Khi ấy, trái tim trẻ sẽ ngập tràn cảm giác yêu thương.
Bên cạnh đó, bạn có thể dạy con bài học về sự tha thứ bằng cách xin lỗi khi bạn làm điều gì đó không phải với con. Tuy nhiên, bạn hãy hạn chế việc lặp lại sai lầm đó. Nếu không, trẻ sẽ chẳng học được điều gì từ việc hối lỗi của bạn đâu.
Để giáo dục hiệu quả hành vi của con
Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề xảy ra với con cái mình. Tuy nhiên, chú́ng ta có thể học cách giúp trẻ điều chỉnh hành vi cũng như tránh những sai lầm đáng tiếc. Sau đây là năm phương pháp đơn giản mà nhiều người chọn áp dụng để nuôi dạy con. Trong số này có hai phương pháp mang ý nghĩa tích cực, hai phương pháp tiêu cực và một phương pháp trung tính.
Nếu áp dụng những cách thức này, bạn có thể thay đổi hoặc bổ sung để phù hợp với hoàn cảnh của mình.
1. Đưa ra yêu cầu
Đưa ra yêu cầu là phương pháp quan trọng, tích cực có thể giúp bạn điều chỉnh hành vi của trẻ. Với những yêu cầu nhẹ nhàng, các bậc phụ huynh sẽ dạy dỗ con cái hiệu quả hơn rất nhiều. Vì vậy, bạn cần nhớ: “Nhẹ nhàng nhưng cương quyết”.
Khi đưa ra yêu cầu với con, bạn đã gửi đến con ba thông điệp không lời. Thông điệp thứ nhất là bạn tôn trọng cảm xúc của trẻ: “Bố mẹ tôn trọng cảm xúc của con, đặc biệt là cảm xúc về vấn đề này”. Thông điệp thứ hai là bạn công nhận suy nghĩ và ý kiến riêng của con: “Bố mẹ tôn trọng ý kiến của con về vấn đề đó”. Thông điệp thứ ba cũng là thông điệp có giá trị nhất: “Bố mẹ mong con có trách nhiệm với hành vi của mình”. Con bạn có thể trở thành một người có trách nhiệm khi bạn trao cho trẻ cơ hội thực hiện điều đó. Hãy dìu dắt và động viên con sống có trách nhiệm bằng chính những yêu cầu hợp lý của bạn.
Khi được dạy dỗ theo cách này, trẻ sẽ cảm nhận được mối quan hệ hỗ tương với cha mẹ trong quá trình hình thành nhân cách của em. Phương pháp này không làm mất đi uy quyền của các bậc phụ huynh hay sự tôn trọng của con trẻ. Ngược lại, trẻ sẽ tôn trọng cha mẹ hơn khi cảm nhận được tình yêu và sự chỉ dạy tận tình của họ.
Vì vậy, đặt ra yêu cầu cho con cái là một trong những cách thức tốt nhất để giáo dục con. Lời yêu cầu thường thể hiện sự quan tâm hơn nhiều so với mệnh lệnh. Bạn có thể thường xuyên áp dụng phương pháp này để việc nuôi dạy con của mình đạt được hiệu quả cao nhất.
2. Đưa ra mệnh lệnh
Đưa ra mệnh lệnh là việc làm cần thiết và phù hợp trong một số thời điểm nhất định. Dĩ nhiên, lời yêu cầu bao giờ cũng tích cực hơn mệnh lệnh. Thế nhưng, nếu yêu cầu của bạn thất bại, bạn hãy sử dụng biện pháp mạnh hơn, đó là mệnh lệnh.
Mệnh lệnh đòi hỏi bạn phải dùng giọng điệu nghiêm khắc và nhấn giọng ở cuối câu. Mệnh lệnh là một phương pháp giáo dục tiêu cực bởi nó gây ra sự giận dỗi ở trẻ, đặc biệt là khi bạn sử dụng thường xuyên. Theo đó, những thông điệp không lời đi kèm với mệnh lệnh thường có ý nghĩa tiêu cực. Trẻ không có sự chọn lựa hoặc cơ hội để phản hồi, tranh luận trước mệnh lệnh của bạn. Khi ấy, bạn truyền đến trẻ thông điệp rằng cảm giác và ý kiến của trẻ không quan trọng với bạn: “Bố mẹ không quan tâm đến cảm giác hay ý kiến của con về vấn đề này. Bố mẹ cũng không mong đợi con gánh vác trách nhiệm về hành vi của con. Bố mẹ chỉ muốn con làm theo yêu cầu của bố mẹ mà thôi”.
Bạn càng dùng những biện pháp độc đoán như ra lệnh, rầy la hay đay nghiến thì việc dạy dỗ con cái của bạn càng kém hiệu quả. Ngược lại, việc sử dụng lời yêu cầu nhẹ nhàng sẽ giúp bạn dạy con hiệu quả hơn.
Các bậc phụ huynh luôn rất có uy quyền đối với con cái. Nhưng nếu không sử dụng nó đúng cách, bạn sẽ hoang phí quyền hành đó và không thể áp dụng trong những thời điểm cần thiết. Bạn hãy nhớ: Việc dạy dỗ con trẻ một cách dịu dàng nhưng cương quyết không những giúp bạn gìn giữ quyền hành của mình mà còn gia tăng quyền hành đó bởi khi ấy, bạn đã thành công trong việc hình thành nên ở con lòng kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc.
Trẻ em là những nhà quan sát tuyệt vời. Trẻ sẽ nhận ra mọi cung bậc cảm xúc trong cách trò chuyện của cha mẹ. Vì vậy, khi bạn đối xử dịu dàng nhưng cương quyết với con trẻ, trẻ sẽ quý trọng và biết ơn bạn rất nhiều về cách hành xử đó!
3. Khuyến dụ con cái làm điều bạn mong muốn
Việc khuyến dụ con cái làm điều bạn mong muốn có thể giúp bạn điều chỉnh và hướng con cái làm theo hướng bạn muốn. Đây là phương pháp tích cực thứ hai có thể giúp bạn điều chỉnh hành vi của trẻ. Nó đặc biệt tỏ ra hữu dụng với những trẻ nhỏ khi hành động của trẻ không sai nhưng không đúng với mong đợi của bạn.
Chẳng hạn, hành động tiêu cực ở trẻ lên hai tuổi có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với việc nói “không” đầy thách thức của trẻ. Con bạn có thể nói “Không” với bạn nhưng sau đó cháu sẽ làm theo yêu cầu của bạn. Đôi lúc trẻ ngừng thực hiện điều bạn mong muốn nhưng sau đó lại tiếp tục thực hiện nó. Trẻ có thể tỏ vẻ “cứng đầu” trước lời yêu cầu của bạn, nhưng thực chất không phải vậy. Những biểu hiện tiêu cực ở trẻ lên hai tuổi là một bước phát triển tâm lý bình thường, nhằm} giúp trẻ hình thành nên tính độc lập.
Việc nói “Không” này có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Nếu bạn phạt con vì điều này, bạn không những làm tổn thương trẻ mà còn trực tiếp chen ngang vào quá trình phát triển bình thường của trẻ. Vì vậy, hãy cẩn thận để không nhầm lẫn giữa sự tiêu cực ở trẻ và việc không tuân theo mệnh lệnh cha mẹ. Đây là hai phạm trù hoàn toàn độc lập với nhau.
Giả sử bạn muốn đứa con ba tuổi của mình đến bên bạn, bạn có thể bắt đầu bằng lời yêu cầu: “Tới đây nào, con yêu”. Con bạn đáp lại rằng: “Không” và bạn tiếp tục bằng câu ra lệnh: “Tới với mẹ ngay nào!”. Và một lần nữa con bạn lại trả lời: “Không”. Đến đây, có thể bạn cảm thấy rất bực tức và muốn phạt con, nhưng hãy kìm lại. Thay vì chuốc lấy rủi ro và làm tổn thương con, bạn hãy tìm cách khuyến dụ con thực hiện điều bạn muốn. Nếu trẻ tiếp tục không chịu thực hiện thì đó chính là sự ương bướng của trẻ và khi đó, bạn cần dùng đến những hình thức phù hợp để giáo dục con. Nhưng trong phần lớn trường hợp, bạn sẽ thấy rằng trẻ không hề muốn thách thức lời nói của bạn, bé chỉ muốn nói “Không” mà thôi.
Những biểu hiện tiêu cực ở trẻ thường bắt đầu từ lúc trẻ lên hai tuổi và thể hiện ở những lứa tuổi khác. Khi không chắc về cách xử lý một tình huống như vậy, bạn có thể dùng biện pháp khuyến dụ nhẹ nhàng với con. Điều này đặc biệt hữu dụng khi trẻ “trái tính trái nết” ở nơi đông người. Thay vì bất lực và tức giận trước hành vi của con, bạn có thể dễ dàng xử lý điều đó bằng cách khuyến dụ trẻ.
4. Hình phạt
Hình phạt là cách thứ tư để điều chỉnh hành vi của trẻ. Đây là hình thức tiêu cực nhất và cũng là biện pháp khó thực hiện nhất khi dạy dỗ con cái.
Trước tiên, trẻ ý thức rất rõ về sự công bằng nên hình phạt của bạn phải đúng với tội danh của trẻ. Trẻ biết được mức độ của hình phạt cũng như thái độ hành xử không nhất quán của cha mẹ đối với các anh chị em của mình.
Thứ hai, một hình phạt có thể không phù hợp đối với nhiều trẻ em khác nhau. Chẳng hạn, phạt trẻ bằng cách cô lập trẻ một mình trong phòng có thể là hình phạt quá nghiêm khắc đối với trẻ này có khi lại rất dễ chịu đối với trẻ khác.
Thứ ba, các bậc phụ huynh thường đưa ra hình phạt dựa vào cảm xúc của họ lúc ấy. Khi tâm trạng thoải mái, họ có khuynh hướng nhẹ tay hơn. Còn vào những ngày không vui, hình phạt sẽ nặng hơn. Vì vậy, bạn cần phải đưa ra những hình phạt phù hợp với từng sai phạm của trẻ. Để thực hiện điều này, bạn hãy lên kế hoạch trước để tránh được “cái bẫy hình phạt”. Điều đó có nghĩa là bạn hãy ngồi lại bàn bạc với vợ/chồng mình hay một người bạn thân để quyết định đưa hình phạt phù hợp cho nhiều “tội danh” khác nhau của trẻ. Việc lên kế hoạch đó sẽ giúp bạn kiểm soát được cơn giận dữ của mình khi con làm điều sai trái.
Bên cạnh những hành động trên, bạn nên tự hỏi thêm câu hỏi này: “Con mình có cứng đầu không?”. Cứng đầu chính là thái độ trẻ công khai chống đối và thách thức quyền hành của cha mẹ.
Dĩ nhiên, cứng đầu là thái độ mà trẻ không được có và hành vi này phải được chỉnh đốn nghiêm túc. Nhưng việc chỉnh đốn sự cứng đầu ở trẻ không nhất thiết phải dùng đến hình phạt. Hãy cố gắng tránh sự hấp dẫn của “cái bẫy hình phạt”. Nếu việc yêu cầu có thể khiến trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn (và thường là như vậy) thì đây là điều bạn nên thực hiện. Nếu hành động khuyến dụ nhẹ nhàng hay mệnh lệnh tỏ ra phù hợp thì bạn cũng nên áp dụng chúng. Trong trường hợp phải áp dụng hình phạt thì bạn hãy thật cẩn thận.
Cuối cùng, bạn đừng dùng hình phạt như một cách chính để dạy dỗ con cái mình. Bạn sẽ gây ra sự giận dữ không đáng có ở trẻ. Khi kiềm chế cơn giận dữ của mình quá lâu, trẻ sẽ trở nên tiêu cực và có những hành vi chống đối ngấm ngầm.
5. Tạo áp lực
Cách làm này cũng có thể giúp bạn điều chỉnh được hành vi của trẻ. Nó sử dụng biện pháp tạo áp lực tích cực (nghĩa là đưa thêm một yếu tố tích cực vào môi trường sống của trẻ), tạo áp lực tiêu cực (rút bớt một yếu tố tích cực từ môi trường sống của trẻ) và trừng phạt (đưa một yếu tố tiêu cực vào môi trường sống của trẻ). Một ví dụ về biện pháp tạo áp lực tích cực là thưởng một thanh kẹo khi trẻ đã hành động đúng đắn. Biện pháp tạo áp lực tiêu cực là rút đi quyền xem ti-vi khi trẻ làm điều sai trái. Ví dụ về hình phạt là bắt trẻ ở trong phòng một mình.
Việc sửa đổi hành vi của trẻ là việc làm rất hữu ích, đặc biệt là đối với những thói tật cụ thể, thường lặp đi lặp lại mà trẻ không hề tỏ ra hối hận. Nhưng chúng tôi khuyên bạn không nên áp dụng biện pháp này thường xuyên. Nếu các phụ huynh liên tục sử dụng biện pháp này, trẻ sẽ không cảm thấy mình được yêu thương. Nguyên nhân thứ nhất là do nền tảng của việc sửa đổi hành vi của trẻ là có điều kiện - trẻ chỉ nhận được phần} thưởng nếu hành động theo cách đó. Thứ hai, việc chỉnh sửa hành vi của trẻ không liên quan đến cảm giác cũng như nhu cầu tình cảm của trẻ đồng thời nó cũng không thể hiện được tình yêu vô điều kiện. Nếu các bậc phụ huynh cố giáo dục hành vi của con theo cách này, trẻ sẽ phát triển lối suy nghĩ vụ lợi rằng em làm mọi việc chỉ vì muốn được phần thưởng. Lúc ấy, câu hỏi thường trực của trẻ chính là: “Mình được gì từ đó nhỉ?”.
Từ những lý do trên, hẳn bạn không còn ngạc nhiên tại sao chúng tôi lại không đề nghị bạn sử dụng thường xuyên biện pháp này. Rõ ràng, phương pháp này chỉ hữu ích trong từng trường hợp cụ thể và với những trẻ không chịu vâng lời.
Phối hợp kỷ luật với ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ
Vì kỷ luật tỏ ra hiệu quả nhất khi được áp dụng trong tình yêu nên điều bạn cần làm là thể hiện tình yêu thương với con cả trước và sau khi áp dụng hình phạt. Và bạn nên lưu ý rằng biện pháp hiệu quả nhất để truyền đạt tình yêu đến con trẻ là sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con. Vì vậy, bạn hãy sử dụng ngôn ngữ tình yêu đó trong cả trong trường hợp chỉnh sửa hay kỷ luật trẻ.
Larry - một kỹ sư điện - tính tình khá cứng rắn. Anh rất nghiêm khắc với con cái và thường áp dụng hình thức kỷ luật đối với con khi thằng bé làm điều sai trái. Sau khi học được năm ngôn ngữ tình yêu của trẻ, anh nhận ra ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con anh chính là cử chỉ âu yếm. Anh đã kể lại cách áp dụng ngôn ngữ này trong việc kỷ luật con trai mình như sau:
“Kevin đã làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm khi chơi bóng chày ở sân sau. Thằng bé biết mình không được phép chơi bóng chày ở sân nhà bởi công viên và sân chơi bóng chỉ cách nhà có một dãy phố. Vợ chồng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở thằng bé về những nguy cơ có thể xảy ra nếu chơi bóng trong sân sau. Người hàng xóm đã trông thấy Kevin đánh bóng bay thẳng vào nhà ông và làm vỡ cửa sổ. Ông đã gọi cho vợ tôi để thông báo việc đó.
Sau khi trở về nhà, tôi bình tĩnh đi vào phòng của Kevin. Lúc này, thằng bé đang chơi game trên máy vi tính. Tôi tới bên Kevin, xoa nhẹ tay lên vai thằng bé. Kevin ngước nhìn tôi, ngạc nhiên. “Kevin, bố muốn ôm con một chút,” - tôi bảo với thằng bé. Tôi ôm trọn Kevin trong tay và tiếp tục:
“Trước hết, bố muốn con biết rằng bố yêu con hơn mọ}i thứ trên đời”. Tôi tiếp tục ôm thằng bé trong vòng một phút, cảm thấy yêu thương và gần gũi với nó biết bao. Sau đó, tôi buông Kevin ra và nói: “Lúc nãy, mẹ đã kể với bố về chuyện con làm vỡ cửa sổ nhà ông Scott. Bố biết đó là một sự cố nhưng chắc con biết về quy định không được chơi bóng chày trong sân nhà, phải không? Vì vậy, dù không muốn nhưng bố vẫn phải phạt con vì con đã vi phạm quy định đó. Con không được chơi bóng chày trong vòng hai tuần lễ tới. Và con phải dùng tiền tiết kiệm của mình để trả tiền sửa chữa cửa sổ nhà ông Scott”.
Sau đó tôi lại ôm chặt Kevin một lần nữa. Với giọng nghẹn ngào, tôi nói: “Bố yêu con, con trai ạ!”. Kevin đáp lại rằng: “Con cũng yêu bố lắm, bố ơi”. Sau đó, tôi rời khỏi phòng Kevin và biết rằng mình đã làm đúng. Tôi đã thể hiện được tình yêu của mình với Kevin trước và sau khi xử phạt thằng bé. Nhờ biết được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Kevin nên tôi đã có cách áp dụng hình thức kỷ luật thích hợp và giúp thằng bé tiếp nhận nó một cách tích cực. Trước đây, tôi thường nói ra những lời nặng nề, thậm chí là đánh thằng bé trong cơn giận dữ khi nó làm sai điều gì đó. Thật may là bây giờ tôi đã biết cách dạy dỗ con trai mình tốt hơn.”
Nếu ngôn ngữ tình yêu của Kevin là lời khen ngợi thì cuộc gặp gỡ giữa Larry và con trai có thể bắt đầu bằng những câu nói như: “Kevin, bố cần nói chuyện với con trong vài phút. Trước hết, bố muốn con biết rằng bố rất yêu thương con và đánh giá cao việc học tập chăm chỉ của con. Bố biết rằng khi đi học về, con rất muốn được nghỉ ngơi và vui chơi giải trí. Con thường tuân thủ tốt các quy định của bố mẹ khi chơi bóng chày và bố rất vui về điều đó. Nhưng thật buồn là chúng ta sắp sửa phải nói về sự việc đáng tiếc đã xảy ra hôm nay và bố mong điều này sẽ không xảy ra lần nữa.
Hẳn con biết ông Scott đã gọi cho mẹ con chiều nay để báo tin con đã đánh bóng làm vỡ cửa sổ nhà ông. Bố biết đó chỉ là một sự cố nhưng con cũng biết quy định không được chơi bóng trong sân sau của bố mẹ rồi phải không? Bố không muốn phạt con, nhưng vì con không vâng lời bên bố bắt buộc phải làm điều đó. Con sẽ không được chơi bóng chày trong hai tuần lễ nữa. Bên cạnh đó, con phải dùng tiền tiết kiệm của mình để sửa lại cửa sổ nhà ông Scott.
Bố không giận con, Kevin ạ. Bố biết con không hề có ý định làm hỏng cửa sổ nhà ông Scott. Kevin, bố rất yêu và tự hào về con. Bố biết rằng con sẽ học được một bài học bổ ích từ kinh nghiệm này”.
Cuộc trao đổi giữa hai bố con có thể kết thúc bằng cái ôm thật chặt, nhưng điều quan trọng là Larry thể hiện được tình yêu thương của mình vớ}i con thông qua những lời yêu thương trước và sau khi kỷ luật con.
Sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con trẻ không có nghĩa là bạn bỏ qua các ngôn ngữ còn lại. Điều đó có nghĩa là bạn hãy thể hiện tình yêu với con theo cách hiệu quả nhất, vào lúc trước và sau khi áp dụng hình thức kỷ luật. Khi thể hiện tình yêu đối với con, bạn sẽ cẩn thận hơn khi quyết định hình thức xử phạt con.
Tôn trọng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con
Hiểu được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con sẽ giúp bạn chọn được hình thức kỷ luật tốt nhất. Trong đa số trường hợp, bạn không nên sử dụng hình thức kỷ luật có liên quan trực tiếp đến ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con. Hãy tôn trọng ngôn ngữ tình yêu của con bằng cách tránh sử dụng nó cho việc kỷ luật con. Hình thức kỷ luật đó không những không mang lại kết quả như mong muốn mà còn gây ra những tổn thương to lớn trong lòng trẻ. Thông điệp mà con bạn nhận được không phải là tình yêu thương của cha mẹ mà chỉ là sự xa lánh đáng tiếc.
Chẳng hạn, nếu ngôn ngữ tình yêu của con bạn là lời khen ngợi mà bạn lại dùng những lời lẽ nặng nề để kết tội con thì điều đó không những cho thấy bạn đang không hài lòng vì một hành vi nào đó của trẻ mà còn thể hiện bạn không hề yêu thương em. Ngôn từ phê phán có thể làm đau lòng mọi đứa trẻ, nhưng với những trẻ có ngôn ngữ tình yêu là lời khen ngợi thì nó gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Đó là trường hợp của Ben, mười sáu tuổi. Cậu bé cho rằng cha chẳng hề yêu em khi ông la mắng em bằng những ngôn từ cay nghiệt:
- Nếu cháu lỡ làm việc gì đó mà cha cho là sai trái, cha có thể la mắng cháu hàng giờ liền. Cháu còn nhớ một lần, cha bảo rằng cháu không phải là con của ông vì ông không thể tin rằng con trai ông lại có thể làm bất kỳ điều kinh khủng như thế. Cháu cũng không biết mình có phải là con ông hay không. Nhưng một điều cháu biết chắc là cha chẳng hề yêu cháu.
Khi nghe Ben kể chuyện, tôi nhận ra rằng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của em là lời khen ngợi. Chính vì thế, khi người cha sử dụng những lời lẽ nặng nề đối với Ben, điều đó đã khiến cậu bé ngh}ĩ cha không hề yêu thương mình.
Vì vậy bạn hãy cẩn thận khi quyết định áp dụng hình thức kỷ luật con. Nếu ngôn ngữ tình yêu chính của con bạn là thời gian chia sẻ thì bạn đừng bao giờ phạt con bằng cách cách ly con một mình trong phòng. Nếu ngôn ngữ tình yêu của con bạn là cử chỉ âu yếm thì bạn đừng kỷ luật con bằng cách hạn chế những vòng ôm.
Đó là trường hợp của Eric - cậu bé mười tuổi có ngôn ngữ tình yêu cơ bản là cử chỉ âu yếm. Eric thường vòng tay ôm lấy mẹ và mẹ em cũng thường thể hiện tình yêu đối với con bằng cử chỉ âu yếm. Trong khi đó, cha của Eric lại lớn lên trong một gia đình mà đòn roi là hình thức kỷ luật được áp dụng thường xuyên. Chính vì thế, ông đã áp dụng biện pháp phạt này mỗi khi Eric không vâng lời.
Tuy đòn roi của cha không nặng tay nhưng nó đã khiến Eric cảm thấy tổn thương ghê gớm. Có lần, Eric đã khóc suốt ba giờ liền sau khi bị cha đánh đòn. Điều mà cha Eric không hiểu là ông đã sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Eric - cử chỉ âu yếm - theo hướng tiêu cực. Kết quả là Eric không những thấy mình bị phạt mà còn không được cha yêu thương. Cha Eric chưa bao giờ ôm con vào lòng sau khi đánh đòn con bởi ông cho rằng hành động đó chẳng phù hợp chút nào.
Rõ ràng, cha Eric đã dạy dỗ con theo cách thức mà ông cho là tốt nhất nhưng ông đã không nhận ra khoảng cách về mặt tình cảm giữa hai cha con.
Trong vai trò làm cha làm mẹ, chúng ta phải ghi nhớ mục đích của hình phạt chính là để sửa đổi những hành vi sai trái của trẻ và giúp cho trẻ phát triển tính tự kỷ luật. Nếu không áp dụng ngôn ngữ tình yêu, rất có thể ta sẽ hủy hoại cảm giác được yêu thương ở trẻ. Việc hiểu được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ có thể giúp ta áp dụng các hình thức kỷ luật hiệu quả hơn.