Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất đối với trẻ. Ngày nay các nhà nghiên cứu đều cho rằng độ tuổi lý tưởng nhất để khuyến khích khả năng học hỏi cơ bản ở trẻ là trước sáu tuổi. Tiến sĩ Burton White - nhà sáng lập kiêm giám đốc Dự án Mẫu giáo của Đại học} Harvard từng nói: “Nhiều dấu hiệu cho thấy, để phát huy một cách tối đa tiềm năng của bản thân, trẻ cần được tiếp thu nền giáo dục hàng đầu trong ba năm học đầu đời”. Các nhà xã hội học và nhà giáo dục cũng cho rằng việc khuyến khích tạo động lực cho trẻ sẽ giúp nâng cao khả năng học tập của trẻ. Xuất phát từ quan điểm đó, họ đã xây dựng nhiều chương trình giúp đỡ trẻ bất hạnh và trẻ em thuộc các vùng dân tộc thiểu số. Chương trình đã góp phần bù đắp những thiếu hụt về đời sống tình cảm cũng như môi trường sống cho các em.
Là người thầy của trẻ, cha mẹ còn phải biết kỷ luật trẻ khi cần. Hình thức kỷ luật phù hợp, cộng với cách thể hiện tình yêu thương thật sự cũng có thể phát triển khả năng học tập ở trẻ. Trong chương 8, chúng ta đã xem kỷ luật như một sự định hướng song hành cùng quá trình nuôi dạy trẻ cho đến khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành. Ở chương này, chúng ta sẽ xem xét phần còn lại của hình thức kỷ luật: việc dạy dỗ. Kỷ luật thật sự có thể giúp trẻ nâng cao khả năng tiếp nhận tri thức và kỹ năng xã hội có ích trong suốt cuộc đời.
Trong những năm gần đây, nhận thức về vai trò của việc giáo dục con cái từ tuổi ấu thơ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ huynh đối với sự phát triển trí thông minh của trẻ. Điều này không có nghĩa là bạn phải có những bài giảng nghiêm túc với trẻ mà chính là bạn hãy nỗ lực tìm hiểu động cơ học tập thực sự của con, đáp ứng nhu cầu khám phá của não bộ đang phát triển của trẻ.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ cần được chơi đùa và việc học tập nên bắt đầu khi em vào lớp một. Nhưng thực tế, trẻ luôn thích học hỏi.
Trẻ lớn lên với niềm khao khát tự nhiên được học hỏi, trừ phi người lớn làm trẻ chán nản, hoặc vì bị trừng phạt bằng đòn roi khiến em sợ hãi và mất hứng thú.
Quan sát những em bé bắt đầu chập chững biết đi, người ta thấy rằng phần lớn các hoạt động của em không chỉ dừng lại ở việc vui chơi. Thực tế, trẻ không ngừng học hỏi những kỹ năng mới và quan sát thế giới xung quanh bằng những trò chơi như bò, trườn, đi đứng, đụng chạm, nô đùa…
Khi bắt đầu học nói, trẻ luôn có vô số câu hỏi. Khi lên ba hoặc bốn tuổi, trẻ có thể hỏi hàng chục câu hỏi mỗi ngày. Khi trẻ biết bắt chước và giả vai người lớn, chúng hiếm khi bắt chước cách chơi đùa của người trưởng thành mà sẽ làm theo những hoạt động của người lớn như rửa chén, lái xe, làm bác sĩ, chăm sóc em bé, nấu ăn và nhiều hoạt động khác nữa. Nếu bạn quan sát hoạt động của trẻ trong vòng một ngày và tự hỏi: “Điều gì có vẻ khiến bé hạnh phúc nhất?” và “Điều gì thu hút sự chú ý của bé lâu nhất?”, thì chắc chắn câu trả lời mà bạn tìm được sẽ là việc học hỏi.
Học ở nhà
Giai đoạn đầu tiên trong việc phát triển trí thông minh ở trẻ nên diễn ra trong môi trường gia đình. Trẻ em khám phá cuộc sống qua năm giác quan. Môi trường sinh hoạt gia đình có rất nhiều yếu tố kích thích sự phát triển thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác ở trẻ, đồng thời góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng đam mê khám phá và học hỏi của chúng. Việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ phụ thuộc rất lớn vào quá trình giao tiếp bằng lời mà trẻ nhận được từ người lớn trong những năm đầu đời. Vì vậy, việc trò chuyện và khuyến khích trẻ nói thành câu chữ sẽ tạo động lực để em học tập về sau. Khen ngợi khi trẻ tập nói và đưa ra những phản hồi tích cực giúp trẻ sửa sai cũng là một phần của quá trình này. Sống trong môi trường có ngôn ngữ giao tiếp phong phú sẽ giúp trẻ tích lũy được vốn từ và phát triển khả năng sử dụng câu từ. Dần dần trẻ sẽ học được kỹ năng thể hiện tình cảm, suy nghĩ và khát vọng của bản thân.
Khả năng phát triển ngôn ngữ ở trẻ diễn ra tương tự như ở những lĩnh vực phát triển trí thông minh khác. Nếu gia đình không biết khuyến khích trí thông minh cơ bản này, rất có thể nó sẽ bị thui chột trong giai đoạn học tập về sau. Các chương trình học ở trường chỉ có thể bù đắp phần nhỏ cho môi trường kém động lực học tập ở nhà.
Mọi hoạt động cũng như cách cư xử của trẻ thường tuân theo xúc cảm hơn là nhận thức. Điều này có nghĩa là trẻ có thể dễ dàng nhớ cảm xúc của mình trong một sự kiện cụ thể nào đó hơn là nhớ các chi tiết của sự kiện. Chẳng hạn, khi được nghe kể chuyện, trẻ sẽ nhớ chính xác cảm giác của mình lúc ấy nhưng lại quên mất bài học rút ra qua câu chuyện ấy.
Trẻ có thể quên mất bài học nhưng luôn nhớ người thầy của em. Vì vậy, khi dạy con học tập, bạn cần tỏ ra tôn trọng, ân cần và quan tâm đúng mực đến em. Điều đó có nghĩa là bạn phải tìm cách để trẻ tự tin vào bản thân thay vì phê phán và chê bai trẻ. Nếu cách dạy của cha mẹ quá nhàm chán, trẻ sẽ không còn hứng thú tiếp thu nữa. Khi bạn tôn trọng trẻ, trẻ sẽ kính trọng bạn cũng như quan điểm của bạn.
Chìa khóa then chốt đối với việc học của trẻ chính là các bậc cha mẹ. Học tập là một quá trình chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố này là sự tận tình dạy dỗ con của cha mẹ.
Giúp trẻ phát triển đời sống tình cảm
Điều quan trọng nhất bạn có thể làm để phát triển khả năng học tập ở trẻ chính là giúp trẻ trưởng thành về mặt tình cảm đúng theo độ tuổi của chúng. Khả năng tư duy sẽ tăng dần cùng với quá trình lớn lên của trẻ. Đây chính là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự trưởng thành về mặt tình cảm. Càng trưởng thành về mặt tình cảm, trẻ càng có khả năng học tập tốt hơn. Và cha mẹ là những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển tình cảm của trẻ.
Điều này không có nghĩa rằng mọi vấn đề rắc rối mà trẻ mắc phải trong học tập đều là do lỗi của bố mẹ. Tuy nhiên, sự phát triển về tình cảm ở trẻ có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong quá trình học tập và tinh thần học hỏi ở các em. Đây cũng là khía cạnh mà các bậc phụ huynh có thể hỗ trợ được nhiều nhất. Chúng ta có thể “tiếp lửa” học tập cho con bằng cách liên tục làm đầy “khoang cảm xúc” của trẻ.
Khi bạn sử dụng được đồng bộ năm ngôn ngữ tình yêu - cử chỉ âu yếm, lời khen ngợi, thời gian chia sẻ, quà tặng và sự tận tụy - cũng là lúc bạn đang mang đến cho con những yếu tố kích thích trí tuệ. Trong những năm đầu đời, khi chưa biết được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con, bạn nên dành cho con cả năm ngôn ngữ tình yêu. Khi làm được điều đó, bạn không những đã đáp ứng nhu cầu được yêu thương của con mà còn mang đến cho con động lực để phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nếu cha mẹ không dành thời gian giao tiếp với con bằng năm ngôn ngữ tình yêu mà đơn thuần chỉ tìm cách đáp ứng nhu cầu ăn - mặc - ở và sự an toàn của trẻ thì họ sẽ không thể tạo được động lực giúp trẻ phát triển trí thông minh và quan hệ xã hội. Con cái họ vẫn phát triển thể chất bình thường nhưng khả năng tư duy và quan hệ xã hội của trẻ sẽ bị thui chột. Việc thiếu thốn tình yêu và sự cổ vũ của cha mẹ sẽ làm hạn chế khả năng vượt khó của trẻ, cả trong học tập lẫn trong cuộc sống. Ngược lại, việc có được mối quan hệ nồng ấm và đầy yêu thương với cha mẹ sẽ trở} thành nền tảng vững chắc giúp trẻ phát triển lòng tự hào và có thêm động lực học tập, phát huy tối đa năng lực của mình.
Phần lớn các bậc phụ huynh không nhận ra nguy cơ tụt hậu về mặt tình cảm của con em. Sự trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác trong đời sống của trẻ, chẳng hạn như lòng tự hào, cảm giác an toàn, khả năng vượt qua sự thay đổi, hòa nhập xã hội và năng lực học tập.
Mối liên hệ giữa tình yêu và khả năng học tập của trẻ thể hiện rõ ràng nhất ở những trẻ có cha mẹ ly thân hoặc ly hôn. Khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, trẻ bị tổn thương và theo đó, cảm hứng học tập ở em cũng cạn kiệt. Trẻ rơi vào cảm giác hoang mang, sợ hãi và không thể tập trung cho việc học tập. Kết quả học tập của trẻ sẽ bị giảm sút cho đến khi em tìm lại được cảm giác an toàn và tình yêu thương. Nhưng trong thực tế, rất nhiều trẻ không bao giờ hồi phục lại được hoàn toàn khả năng học tập của mình.
Hãy nhớ rằng chúng ta có ảnh hưởng rất sâu sắc đến cuộc đời con cái. Nếu bạn nuôi con một mình thì việc sử dụng các ngôn ngữ tình yêu của con sẽ giúp bạn khôi phục được cảm giác an toàn cho con (Việc nhận được sự hợp tác của vợ/chồng cũ sẽ giúp bạn thực hiện việc này dễ dàng hơn). Cha mẹ và những người lớn có vai trò quan trọng đối với trẻ cần giữ cho “khoang tình cảm” của em luôn đầy để từ đó, trẻ có thể đạt đến mức phát triển tình cảm cần thiết và vươn xa hơn nữa trên con đường học tập.
Phụ huynh biết quan tâm và không quan tâm đến con cái
Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ Richard Riley từng cho rằng: “Cha mẹ chính là mắt xích trong sự phát triển của nền giáo dục Mỹ”. Một nghiên cứu thực hiện năm 1996 nhằm kiểm tra khả năng đọc hiểu của học sinh cho thấy những em được cha mẹ quan tâm thực sự luôn đạt điểm cao hơn những em khác. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu tổng quát trên toàn nước Mỹ lại chẳng khả quan chút nào: “Năng lực học tập của học sinh tốt nghiệp trung học ở Mỹ thấp nhất trong số các nước công nghiệp”. Nhà báo Laurence Steinberg của tạp chí Beyond the Classroom đặt ra câu hỏi: “Tại sao việc cải tổ học đường ở Mỹ lại thất bại và các bậc phụ huynh cần làm gì?”. Steinberg, giáo sư tâm lý của Đại học Tem- ple, tin rằng đây chính là sự chống đối lại nền giáo dục của một bộ phận giới trẻ như một cách phản kháng lại xã hội và các thế hệ đi trước.
Sự quan tâm ít ỏi
Nghiên cứu của giáo sư Steinberg thực hiện trên 20.000 học sinh đã phát hiện ra nhiều điều khiến người Mỹ kinh ngạc. Hai phần ba học sinh trung học không nói chuyện với cha mẹ các em mỗi ngày. Phân nửa số này nói rằng dù các em bị điểm kém thì cha mẹ của các em cũng không hề tức giận. Một phần ba học sinh cho biết cha mẹ không hề quan tâm đến việc học tập của các em ở trường. Và phần còn lại tỏ ra vô cùng chán nản với việc đến trường mỗi ngày.
Kết quả của cuộc khảo sát về quan điểm của các bậc phụ huynh và các em thiếu niên đối với ma túy được thực hiện lần đầu tiên trên toàn nước Mỹ vào năm 1996 đã cho thấy một thực tế đau lòng. Hai phần ba các bậc phụ huynh từng thử qua chất cần sa cảm thấy bất lực trong việc ngăn chặn con cái mình dính líu đến chất gây nghiện đó. Trước thực tế đáng buồn này, Joseph Califano - đại diện Trung tâm Nghiên cứu của Đại học Columbia về sự nghiện ngập - nói rằng: “Thái độ không cương quyết của các phụ huynh này thật đáng chê trách. Đáng lý họ phải tỏ ra giận dữ trước thực tế này thì họ lại bàng quan nói rằng họ chẳng làm được gì”.
Những bậc phụ huynh này cần hiểu được vai trò to lớn của mình trong quá trình phát triển của trẻ. Thái độ chống đối của trẻ xuất phát từ hai nguyên nhân: “khoang tình cảm” của em trống rỗng và em không được cha mẹ dạy dỗ cách kiểm soát cơn giận dữ. Những vấn đề này tác động trực tiếp đến khả năng học tập của trẻ. Và hành vi cư xử tồi tệ nhất ảnh hưởng đến việc học của em chính là thái độ chống đối ngầm.
Trong vai trò làm cha làm mẹ, chúng ta phải giữ cho “khoang tình cảm” của con mình luôn đầy và dạy con kiểm soát cơn giận dữ. Khi làm được điều này, chúng ta có quyền mong đợi ở trẻ thái độ sống tích cực và những hành động chín chắn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự quan tâm của cha mẹ sẽ cải thiện được khả năng học tập của trẻ và ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập ở trường cũng như những khía cạnh khác trong cuộc đời trẻ.
Sự quan tâm của người cha
Ngày nay, người cha ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Một nghiên cứu kéo dài 11 năm của các nhà xã hội học thuộc trường Đại học North Carolina cho thấy sự quan tâm của người cha có khả năng làm giảm hành vi sai trái ở trẻ và tăng cường khả năng học tập của các em. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng nguyên nhân của những hành vi sai trái ở trẻ là do cha em đã hành xử không đúng đắn với em.
Cuộc nghiên cứu này được thực hiện trên 584 gia đình bắt đầu khi trẻ lên 7 - 11 tuổi và kết thúc khi các em được 18 - 22 tuổi. Kathleen M. Harris - một trong những người tham gia nghiên cứu - nhận thấy rằng càng gần gũi với cha bao nhiêu, khả năng học tập của trẻ càng cao bấy nhiêu. Ngoài ra, việc xây dựng mối quan hệ thắm thiết với cha sẽ giúp trẻ tránh xa những cám dỗ bên ngoài và loại bỏ những hành vi sai trái.
Chính vì thế, những người cha hãy dành thời gian để làm đầy “khoang tình cảm” của con mình bằng cả năm ngôn ngữ tình yêu. Hãy tận dụng lợi thế của bạn - biết và hiểu được con em mình đồng thời có thể tạo ra môi trường thuận lợi để đáp ứng nhu cầu yêu thương của con. Hãy nhớ rằng bạn chính là chìa khóa then chốt giúp con trẻ thành công trong học tập cũng như mọi phương diện khác.
Giúp đỡ trẻ hay lo âu
Những trẻ nào có cuộc sống tình cảm lành mạnh sẽ có động lực và năng lượng cần thiết để phát huy tối đa khả năng của bản thân. Trái lại, khi bị căng thẳng, buồn bực hoặc cảm thấy mình không được yêu thương, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung và năng lượng trong em ngày càng cạn kiệt. Khi ấy, việc học sẽ trở thành gánh nặng thực sự của trẻ.
Nếu sự lo lắng này diễn ra liên tục thì hậu quả của nó sẽ ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi trẻ tiếp cận một phương pháp học tập mới đòi hỏi ở em nhiều nỗ lực hơn. Sự lo lắng này thường xuất hiện trong giai đoạn trẻ phải đối mặt với những thay đổi về nội dung và phương pháp học tập, chẳng hạn như chuyển đổi từ khả năng suy nghĩ và học tập hữu hình sang trừu tượng. Đây là một bước chuyển đổi lớn và không phải trẻ nào cũng có thể vượt qua một cách nhanh chóng.
Khi không theo kịp bước chuyển này, trẻ sẽ gặp khó khăn ở nhiều khía cạnh khác. Em không thể hiểu trọn vẹn nội dung bài học và cảm thấy mình bị tụt lại phía sau. Điều này sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến lòng tự trọng của trẻ vì em cảm thấy mình thua kém bạn bè đồng trang lứa. Nếu việc này không được khắc phục nhanh chóng, trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng, lo lắng và thất bại hoàn toàn. Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý khi con trẻ bước vào giai đoạn chuyển tiếp này}. Điều tạo nên sự khác biệt đối với con bạn trong thời kỳ khủng hoảng chính là sự trưởng thành về mặt tình cảm của em. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến khả năng khống chế âu lo, chịu đựng căng thẳng và duy trì sự cân bằng khi đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống. Và cách tốt nhất để giúp trẻ làm được điều này là giữ cho “khoang tình cảm” của em luôn đầy.
Một dấu hiệu cho thấy trẻ đang lo lắng, căng thẳng chính là trẻ không có khả năng giao tiếp bằng mắt. Trẻ sẽ không thấy thoải mái khi trò chuyện với người lớn và bạn bè. Tuy nhiên, khi nhận được sự giúp đỡ kịp thời của cha mẹ, thầy cô giáo, nỗi lo sợ của trẻ sẽ giảm bớt và cảm giác an toàn cùng lòng tự tin sẽ gia tăng. Khi đó, trẻ sẽ học tập tốt hơn.
Động viên con cái
Một câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh thường băn khoăn là: “Làm thế nào để động viên con cái?”.
Chúng ta chỉ có thể động viên được con trẻ sau khi đã làm đầy “khoang tình cảm” của trẻ và dạy cho trẻ cách kiểm soát cơn giận dữ. Nếu thất bại trong việc thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng này, chúng ta sẽ không thể động viên được con trẻ. (Bạn sẽ hiểu rõ hơn về cơn giận dữ và thái độ chống đối ngầm của trẻ trong chương tiếp theo). Việc động viên con cái là một nhiệm vụ rất khó thực hiện, trừ phi trẻ cảm thấy được yêu thương thực sự. Nếu “khoang tình cảm” trống rỗng, trẻ sẽ có thái độ chống đối ngấm ngầm, nghĩa là trẻ sẽ làm ngược lại điều cha mẹ mong muốn.
Một bí quyết khác có thể giúp bạn động viên được con trẻ là để trẻ chịu trách nhiệm về hành động của bản thân. Nếu không biết sống trách nhiệm, trẻ sẽ khó có động lực để làm tốt một việc gì đó.
Khuyến khích sở thích của trẻ
Bạn có thể giúp cho con sống có tinh thần trách nhiệm (và nhờ đó có động lực cần thiết) bằng hai cách. Cách thứ nhất là kiên nhẫn quan sát để tìm hiểu sở thích của con. Sau đó, bạn hãy động viên khích lệ con đi theo hướng đó. Chẳng hạn, nếu bạn thấy con thích thú với âm nhạc, hãy động viên con đi theo sở thích đó. Tuy nhiên, điều then chốt là bạn hãy để con tự đưa ra ý kiến. Nếu bạn chủ động đề nghị trẻ học âm nhạc, có thể trẻ sẽ chẳng còn thích thú với điều đó nữa.
Để con chịu trách nhiệm về sáng kiến của mình
Cách thứ hai để tạo động lực cho con là để} con chịu trách nhiệm về hành động của mình. Bạn cần nhớ rằng bạn và con không thể chịu trách nhiệm cho cùng một vấn đề ở cùng một thời điểm. Nếu bạn cho phép con đưa ra sáng kiến và thực hiện nó, con bạn sẽ có động lực để thực hiện điều này vì trẻ chính là người chịu trách nhiệm về điều đó. Nhưng nếu bạn đưa ra gợi ý và cố gắng thuyết phục con làm điều đó thì chính bạn sẽ phải đảm nhận trách nhiệm. Và trẻ sẽ khó có động lực thực hiện.
Bạn hãy thử áp dụng điều này khi giúp đỡ con làm bài tập về nhà. Phần lớn trẻ em đều trải qua giai đoạn mà việc làm bài tập về nhà thật sự là gánh nặng. Điều này đặc biệt đúng khi trẻ có các biểu hiện chống đối ngấm ngầm. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng đối với trẻ từ 13 đến 15 tuổi thì một số hành vi chống đối ngấm ngầm được xem là bình thường.
Hành vi chống đối ngấm ngầm ở trẻ thường nhằm mục đích làm cho các bậc phụ huynh bực mình. Ở đa số gia đình, mối quan tâm chính của cha mẹ chính là điểm số. Và trẻ thể hiện hành vi chống đối ngấm ngầm của mình bằng cách không chịu làm bài tập về nhà. Cha mẹ càng chú trọng đến việc học của trẻ, trẻ lại càng có khuynh hướng chống lại điều đó. Và bạn hãy ghi nhớ điều này: Bạn không được làm bài tập về nhà giùm con vì nếu không, trẻ sẽ không có trách nhiệm với chính bài tập về nhà của mình. Và càng không cảm nhận được trách nhiệm của mình, trẻ càng ít có động lực để hoàn thành bài tập.
Nếu muốn nâng cao trách nhiệm và động lực học tập của con cái, bạn phải thừa nhận một thực tế rằng làm bài tập về nhà là trách nhiệm của con, chứ không phải của bạn. Làm sao bạn làm được điều này? Hãy thể hiện để con bạn biết rằng bạn rất vui được giúp đỡ con làm bài tập về nhà. Nhưng để trẻ có trách nhiệm đối với việc học của mình, bạn không làm bài tập giùm con mà hãy để con tự làm.
Chẳng hạn, nếu con bạn đang bế tắc trước một bài toán khó, bạn không nên làm hộ con mà hãy giảng giải để con hiểu cách xử lý dạng bài tập này. Sau đó, hãy để con tự nghiền ngẫm và tìm ra cách giải bài toán đó.
Dĩ nhiên, sẽ có lúc bạn phải làm sáng tỏ những điểm mà con bạn chưa hiểu hoặc cho con thêm thông tin. Điều này là cần thiết, miễn sao bạn không nhận lãnh trách nhiệm mà con bạn phải gánh vác. Nếu bạn thấy mình tham gia quá nhiều vào việc giải bài tập về nhà của con, hãy tìm cách chuyển trách nhiệm này sang cho con. Có thể điểm số của con bạn tạm thời bị sụt giảm nhưng điều đáng quý chính là khả năng nhận lãnh trách nhiệm và sự tự lập của trẻ sẽ tăng lên. Khi đó, bạn có thể cùng con khám phá những điều thú vị khác trong cuộc sống thay vì chỉ tập trung vào việc học hành.
Cho đến nay, việc động viên trẻ bằng cách để em đưa ra sáng kiến và chịu trách nhiệm về hành vi của mình dường như vẫn còn là một điều xa lạ đối với nhiều bậc phụ huynh. Phần lớn trẻ đều được đặt vào tình huống là bố mẹ hoặc thầy cô giáo đưa ra sáng kiến và đảm nhận luôn trách nhiệm học tập của em. Chúng ta làm điều này vì ta thực sự quan tâm chăm sóc trẻ và tin tưởng rằng điều đó sẽ giúp con em mình nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Áp dụng ngôn ngữ tình yêu của trẻ
Trẻ sẽ có động lực và đạt được thành tích cao nhất ở trường khi cảm thấy an toàn trong tình yêu của cha mẹ. Bạn có thể giúp con tăng cường khả năng trải nghiệm cuộc sống nếu thường xuyên sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con vào buổi sáng trước khi con đi học và buổi chiều khi con trở về nhà. Đây là hai thời điểm quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Sự quan tâm của bố mẹ sẽ mang đến cho trẻ cảm giác an toàn và trẻ sẽ can đảm đối đầu với mọi thử thách trong ngày.
Chúng ta hãy cùng xem xét trường hợp của bé Leigh Ann - 9 tuổi. Sau khi biết về năm ngôn ngữ tình yêu, mẹ cô bé đã thay đổi một số sinh hoạt thường ngày của hai mẹ con. Chị tâm sự:
- Thật khó tin là điều này lại có thể làm thay đổi cuộc sống của Leigh đến vậy. Một người bạn của tôi đã cho biết hiệu quả của việc sử dụng ngôn ngữ tình yêu của con trước khi con đến trường và sau khi con trở về nhà. Tôi áp dụng theo bí quyết của chị ấy và gần như nó hiệu quả ngay tức thì.
Chị kể lại:
- Buổi sáng là thời điểm bận rộn của gia đình tôi. Chồng tôi ra khỏi nhà lúc 7 giờ, xe buýt đón Leigh đi học vào lúc 7 giờ 30 phút, còn tôi thì đi làm khoảng 7 giờ 50 phút. Mỗi người tự làm phần việc của mình và sự giao tiếp ý nghĩa duy nhất trước khi chúng tôi rời khỏi nhà là chào tạm biệt nhau.
Biết bé Leigh Ann đánh giá cao hành động tận tụy của cha mẹ nên chị đã hỏi con gái:
- Nếu mẹ có thể làm một việc gì đó vào buổi sáng để giúp con cảm thấy vui vẻ hơn thì con muốn đó là gì nào?
- Mẹ ơi, con muốn được mẹ chuẩn bị cho con bữa sáng mà con thích nhất. Thật là tuyệt nếu mẹ có thể làm được điều đó cho con.
Dù rất ngạc nhiên với đề nghị này của con nhưng chị đồng ý ngay. Buổi sáng hôm sau, chị chuẩn bị cho con bữa ăn sáng thật ngon lành.
Ngay lập tức chị nhận ra sự khác biệt trong thái độ của Leigh. Con bé cảm ơn mẹ liên tục và đi học trong tâm trạng rất vui vẻ.
“Ba ngày sau, tôi thực hiện những hành động tận tụy đó vào buổi chiều khi cháu đi học về. Ngày đầu tiên, tôi làm một ít bánh quy. Khi Leigh về đến nhà, tôi nói với cháu: “Leigh à, mẹ có làm cho con một ít bánh quy. Con có muốn nghỉ ngơi và ăn một ít bánh không?”. Sau đó, tôi mang đến cho cháu một ly sữa và cả hai cùng trò chuyện về những việc xảy ra trong ngày. Buổi chiều hôm sau, tôi sửa chiếc áo đầm mới cho Leigh. Khi con bé bước vào phòng, tôi nói: “Con yêu, hôm nay mẹ đã sửa lại cho con chiếc áo đầm. Con hãy mặc thử vào xem có vừa với con không nhé”. Hôm đó, con bé ôm hôn tôi và bảo rằng: “Con cảm ơn mẹ rất nhiều”.
Tôi đã lắng nghe những yêu cầu của Leigh, ghi vào trong một quyển sổ và dần thực hiện chúng để thể hiện tình yêu của mình đối với con.
Tôi đã thực hiện những điều này cách đây bốn tháng. Khác biệt lớn nhất mà tôi nhận ra là Leigh học hành tích cực hơn. Tôi thấy con bé vui vẻ hơn và mối quan hệ giữa hai mẹ con cũng trở nên gần gũi hơn.”
Nếu ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Leigh Ann là cử chỉ âu yếm yêu thương thì một cái ôm hôn âu yếm khi cô bé đi học vào mỗi buổi sáng và vòng tay yêu thương khi cô bé trở về nhà cũng mang đến tác dụng tương tự.
Nếu bạn không thể có mặt ở nhà khi con đi học về thì hãy thể hiện tình yêu thương của mình với con ngay khi bạn bước chân vào nhà. Việc bạn thể hiện tình yêu thương với con vào buổi sáng và buổi tối đồng nghĩa với việc bạn đã làm được điều ý nghĩa nhất trong việc giáo dục con cái mỗi ngày. Và điều này sẽ mang đến động lực tích cực cho con trẻ cả trong học tập lẫn trong cuộc sống.