Sự giận dữ và tình yêu có mối liên hệ gần gũi với nhau hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta thường dễ tỏ ra tức giận với những người mà ta yêu thương. Có thể bạn cảm thấy ngạc nhiên khi đọc về chương mô tả sự giận dữ trong cuốn sách nói về tình yêu này. Tuy nhiên, sự thật thì cảm giác yêu thương và tức giận thường song hành cùng nhau.
Giận dữ là một trong những cảm giác tạo ra nhiều sóng gió nhất trong cuộc sống gia đình. Nó có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có và khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng, ngột ngạt. Và phần lớn các khó khăn trong cuộc sống của chúng ta đều bắt nguồn từ việc ta không biết cách kiềm chế sự giận dữ của mình. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng đôi khi sự giận dữ có một vai trò tích cực trong đời sống của chúng ta cũng như trong việc nuôi dạy con cái. Không phải mọi sự giận dữ đều gây hại. Có thể bạn cảm thấy giận dữ bởi bạn mong muốn mang lại sự công bằng và tốt đẹp cho ai đó (bao gồm con bạn). Mục đích tối cao và chính đáng của cơn giận dữ chính là động viên chúng ta làm những việc đúng đắn và sửa chữa những điều sai trái. Ở Mỹ, các bà mẹ đã thành lập hiệp hội MADD (Hội các bà mẹ phản đối những tài xế say rượu) sau khi một tài xế say rượu gây ra cái chết của một em nhỏ. Đây là hành động giận dữ mang ý nghĩa tích cực bởi các bà mẹ này đã gây sức ép để chính phủ đưa ra các bộ luật nghiêm khắc hơn đối với những người lái xe say rượu.
Tuy nhiên, thông thường, sự giận dữ tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết được vấn đề. Giống như những cảm xúc khác, sự giận dữ thường bộc phát bất ngờ và khó kiểm soát. Chúng ta rất khó kiềm chế được cơn giận dữ mà nó thường khống chế chúng ta. Khi giận dữ, ta không đánh giá được điều gì đúng đối với bản thân cũng như những người xung quanh, hoặc ta cố gắng tìm cách sửa chữa sai lầm bằng những hành động ích kỷ.
Mối nguy hại của sự giận dữ đối với trẻ
Chúng ta thường ít am hiểu về sự giận dữ, chẳng hạn như tại sao ta lại cảm thấy tức giận, ta thể hiện chúng ra sao hay làm thế nào để xử lý chúng. Nếu không hiểu rõ được cơn giận dữ của mình và xử lý nó đúng đắn, chúng ta sẽ không thể dạy cho trẻ cách xử lý cơn giận dữ của trẻ. Thực tế là cả cha mẹ và con cái đều tức giận hàng ngày.
Có thể bạn cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng mối hiểm nguy lớn nhất đối với con trẻ chính là sự giận dữ. Nếu không biết cách xử lý tốt cơn giận của mình, trẻ sẽ gặp nhiều rắc rối và cảm thấy bị tổn thương. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của trẻ - từ việc học tập cho đến các mối quan hệ xung quanh. Vì vậy, điều bạn cần làm là hãy cố gắng bảo vệ trẻ, cả trong hiện tại lẫn tương lai.
Tuy nhiên, tin mừng là nếu con bạn biết cách xử lý cơn giận dữ thì cuộc sống của trẻ sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Khi đó, phần lớn rắc rối sẽ được ngăn chặn và con bạn có thể điều chỉnh cơn giận dữ theo hướng tích cực hơn.
Người trưởng thành và cơn giận dữ
Các bậc phụ huynh cần phải học cách xử lý cơn giận dữ của bản thân khi trò chuyện với con cái. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người trưởng thành biết cách xử lý tốt cơn giận dữ của mình. Nguyên nhân là do phần lớn các cơn giận được thể hiện trong tiềm thức và nằm ngoài nhận thức của chúng ta. Ít người trưởng thành biết chuyển cách thức xử lý cơn giận từ bồng bột sang chín chắn. Trong khi đó điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ của người ấy với vợ/chồng và con cái họ.
Hãy cùng tìm hiểu cách xử lý cơn giận dữ thông thường của một gia đình dưới đây.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, Jeff Jackson ngồi xem ti-vi trong phòng khách. Vợ anh – Ellen, cũng vô cùng mệt mỏi rửa chén trong bếp. Không khí gia đình rất nặng nề. Một lúc sau, cậu con trai của họ bước xuống hỏi xin mẹ một ít bánh quy. Vì đang không vui nên Ellen đáp:
- Tối nay con không ăn hết phần ăn của con. Vì thế con sẽ không được ăn bất kỳ thứ gì nữa.
Cậu bé thất vọng bước vào phòng khách và lấy một thanh kẹo ở đó. Cha em hỏi:
- Con làm gì đó? Con không nghe mẹ nói không được ăn gì cả sao? Con không được ăn kẹo!
Cậu bé rời khỏi phòng và năm phút sau thì quay lại với quả bóng rổ trên tay. Cậu hỏi:
- Con đến nhà bạn Bobby chơi được không ạ?
- Không, con không được đến nhà bạn Bobby.
- Jeff trả lời con, giọng gay gắt. - Con chưa làm xong bài tập về nhà. Mà con ngưng ngay việc tâng bóng đi!
Cậu con trai ôm quả bóng đi xuống nhà bếp:
- Mẹ ơi, con quên mang sách bài tập về nhà rồi. Con có thể đến nhà bạn Bobby mượn sách không ạ?
Vừa nói, cậu vừa tâng bóng. Ngay lúc đó, quả bóng rơi xuống bàn ăn làm chiếc cốc rơi xuống nền nhà, vỡ tan tành.
Jeff nghe thấy tiếng vỡ vội bước ngay vào bếp}:
- Cha đã bảo con đừng tâng bóng cơ mà! Ngay sau đó, anh nắm lấy cánh tay con trai, lôi xềnh xệch vào phòng khách và đẩy con ngồi vật xuống nền nhà, hét lên:
- Cha đã nói bao nhiêu lần rồi hả? Con có nghe lời cha nói không?
Ellen chạy đến ôm con, bật khóc:
- Anh thôi ngay đi. Anh làm con chết mất! Jeff tức giận ngả lưng xuống ghế, tiếp tục xem ti-vi. Cậu con trai chạy vào phòng mình khóc to lên còn Ellen cũng bỏ vào phòng. Không khí gia đình thậm chí còn nặng nề hơn trước.
Như vậy, trạng thái cảm xúc bao trùm trong gia đình Jeff lúc này chính là tức giận. Ellen tức giận với Jeff vì anh không giúp chị rửa chén bát. Jeff giận dữ với con trai vì cậu bé không chịu nghe lời anh. Trong khi đó, cậu con trai lại cảm thấy giận dữ nhất vì cha đã kỷ luật mình quá nặng. Và Ellen tiếp tục giận chồng vì anh đã hành xử thô bạo với con.
Hành động bộc phát của Jeff chẳng những không giải quyết được vấn đề gì mà còn làm cho mọi thứ trở nên tệ hại hơn. Chúng ta chưa biết cậu con trai sẽ làm gì với cơn giận dữ của mình. Có thể sau đó, dù cậu bé vẫn vâng lời cha và hành động như thể mọi việc đều ổn thỏa chăng nữa thì cơn giận dữ của em vẫn có nguy cơ xuất hiện về sau.
Và bây giờ, chúng ta hãy thử tìm hiểu không khí gia đình Jeff trong một hoạt cảnh khác.
Sau bữa tối, Ellen dọn chén vào bồn rồi bước vào ngồi cạnh chồng. Sau một lúc trò chuyện với chồng bằng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của anh, chị nói:
- Em có một việc muốn trao đổi với anh. Nhưng em muốn biết lúc này anh có sẵn sàng trò chuyện hay không, hay là em sẽ đợi cho đến khi chương trình tivi kết thúc.
Sau đó, Ellen quay trở vào bếp hoặc đi qua một phòng khác ngồi nghỉ ngơi. Khi chồng đã sẵn sàng trò chuyện, Ellen có thể bình tĩnh chia sẻ cảm giác không công bằng khi anh không giúp chị dọn dẹp và rửa chén bát sau bữa tối, trong khi chị cũng đã phải làm việc cả ngày và còn phải chuẩn bị bữa tối nữa. Ellen nói với chồng rằng chị mong đợi ở anh nhiều hơn nữa trong thời gian sắp tới. Nếu Ellen và Jeff trao đổi như vậy thì có lẽ lời đề ngh}ị ăn bánh quy của cậu con trai của họ đã được xử lý theo cách khác hẳn. Và khi cậu bé tâng bóng trong nhà bếp lần thứ hai, Jeff có thể bước vào, thu trái banh của con và giải thích với con về hành động sai trái đó bằng ngôn ngữ yêu thương cơ bản của cậu bé. Sau khi đưa ra hình phạt, anh có thể tiếp tục dùng ngôn ngữ tình yêu của con trai thêm một chút nữa. Nếu Jeff làm được như vậy thì không khí trong gia đình anh đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn rất nhiều.
Như bạn thấy đó, việc dạy con biết kiểm soát cơn giận là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Những bậc phụ huynh không thể kiểm soát cơn giận dữ của mình sẽ không thể dạy con làm được điều đó. Hãy tìm kiếm thông tin hỗ trợ nếu bạn chưa bao giờ học cách kiểm soát cơn giận dữ của bản thân. Khi đó, bạn có thể dạy con xử lý cơn giận dữ bằng những ví dụ thực tế và bổ ích.
Dạy con rèn luyện tính cách
Việc học cách xử lý cơn giận dữ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tính trung thực của trẻ - vốn là một trong những tính cách quan trọng nhất của con người.
Nếu trẻ không học được cách xử lý cơn giận dữ, chắc chắn quá trình phát triển tính cách của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Và điều này sẽ thể hiện qua sự thiếu trung thực ở trẻ khi lớn lên. Càng xử lý kém cơn giận dữ của mình, em càng có thái độ thù nghịch đối với người lớn. Và đây chính là nguyên nhân khiến trẻ khước từ những giá trị tinh thần mà bố mẹ mang đến. Trong khi đó, bằng cách rèn luyện cho con cách kiểm soát sự giận dữ, bạn sẽ giúp trẻ phát triển một nhân cách tốt đẹp.
Về bản chất, giận dữ là một phản ứng bình thường của con người. Chính vì thế, ta không thể nói là nó tốt hay xấu hoàn toàn. Vấn đề không phải là sự giận dữ, mà chính là cách kiểm soát cơn giận dữ đó.
Giúp trẻ xử lý sự chống đối ngấm ngầm
Điều đáng buồn là không phải ai cũng biết cách kiểm soát được sự giận dữ của mình. Một hình thức xử lý cơn giận dữ khá phổ biến và nguy hại chính là sự chống đối ngấm ngầm.
Chống đối ngấm ngầm xảy ra khi ta thể hiện sự giận dữ của mình một cách gián tiếp, “thụ động”. Đó là thái độ cương quyết làm ngược lại mong muốn của những người có quyền lực. D}ĩ nhiên, người có quyền lực đối với trẻ chính là cha mẹ.
Chuck - một cậu bé 15 tuổi - khá thông minh và thường đạt điểm cao trong học tập. Mỗi ngày, em đều chuẩn bị bài rất kỹ lưỡng trước khi đến lớp. Tuy nhiên, mỗi khi giận cha mẹ, Chuck đều không chịu học bài và cố tình bị điểm kém. Hành vi của Chuck là một sự chống đối ngấm ngầm phổ biến.
Cách nhận ra sự chống đối ngấm ngầm của trẻ
Có nhiều cách giúp các bậc phụ huynh nhận biết sự chống đối ngấm ngầm của con. Việc nhận diện được điều này có vai trò rất quan trọng vì nó sẽ giúp các bậc phụ huynh biết được nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai trái ở trẻ.
Trước tiên, khi chống đối ngấm ngầm, trẻ sẽ có những biểu hiện bất thường. Chẳng hạn, với khả năng của Chuck, việc cậu bé bị điểm số thấp là điều rất vô lý.
Thứ hai, bạn có thể nghi ngờ con cái mình đang có hành vi chống đối ngấm ngầm nếu thấy mọi nỗ lực của bạn đều không hề thay đổi được con. Mục đích của sự chống đối ngấm ngầm của trẻ chính là khiến cho bạn tức giận. Chính vì thế, dù cho bạn có làm gì chăng nữa thì trẻ cũng không bao giờ chịu thay đổi.
Mọi nỗ lực của cha mẹ và thầy cô giáo cũng chẳng thể giúp Chuck cải thiện điểm số của em. Họ giúp Chuck làm bài tập về nhà, hứa thưởng cho cậu bé nếu cậu đạt điểm tốt. Thậm chí họ còn áp dụng hình phạt đối với cậu bé. Thế nhưng, mỗi biện pháp đều chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian ngắn. Như vậy, các bậc phụ huynh rất khó ứng phó với sự chống đối ngấm ngầm của trẻ. Trong tiềm thức, Chuck muốn phá hỏng mọi biện pháp của cha mẹ và thầy cô bởi mục tiêu sâu xa của em chính là làm cho họ tức giận.
Thứ ba, dù mục đích của hành vi này là nhằm khiến cho cha mẹ và thầy cô tức giận nhưng chính trẻ mới là người bị gánh chịu hậu quả nặng nề nhất bởi các mối quan hệ trong hiện tại cũng như tương lai của em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sự chống đối ngấm ngầm trong giai đoạn thiếu niên
Chỉ có một giai đoạn trong cuộc đời mà hành vi chống đối ngấm ngầm được coi là bình thường, đó là giai đoạn trẻ bước vào tuổi thiếu niên, tức là khoảng 13 đến 15 tuổi. Ở giai đoạn này, hành vi chống đối ngấm ngầm ở trẻ có thể được xem là bình thường nếu nó không gây ra thiệt hại cho ai.
Điều quan trọng là trẻ học được cách xử lý cơn giận dữ theo cách chín chắn và vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Nếu trẻ không làm được điều đó, hành vi này sẽ trở thành một phần vĩnh viễn trong tính cách của em. Khi lớn lên, trẻ sẽ sử dụng hành vi này để chống đối lại sếp, bạn bè, vợ/chồng, con cái.
Khi ở tuổi con cái mình bây giờ, chúng ta có rất ít hành vi chống đối ngấm ngầm. Ở nông thôn, một cậu bé giận cha có thể chỉ dắt con bò cái nhà mình lên đầu lán trại. Ở thành phố, một số cậu bé thỉnh thoảng tụ tập thành một nhóm nghịch ngợm để lấy bugi xe của ai đó rồi len lén trả lại cho người chủ xe kém may mắn ấy. Trong khi đó ngày nay, trẻ có nhiều lựa chọn để thực hiện các hành vi chống đối ngấm ngầm của mình hơn. Đôi khi, những hành vi này hết sức nguy hiểm: học hành sa sút, hút thuốc, ma túy, bạo lực, phạm tội… Và khi các em đã đi qua giai đoạn này thì những tổn thất nghiêm trọng đối với cả đời em cũng đã xảy ra.
Trong vai trò cha mẹ, bạn cần phân biệt giữa hành vi chống đối ngấm ngầm vô hại với hành vi bất thường có hại của trẻ. Chẳng hạn, việc quấn giấy vệ sinh lên trên cành cây hay không dọn dẹp phòng ốc là những hành động thể hiện sự chống đối ngấm ngầm của trẻ trong giai đoạn niên thiếu. Tuy nhiên, đây là những hành vi hoàn toàn vô hại. Tương tự, những hoạt động như leo núi, đạp xe đường dài… có thể giúp trẻ thỏa mãn khao khát mạo hiểm của mình và vượt qua khó khăn này một cách suôn sẻ.
Hãy nhớ mục tiêu của bạn khi tìm cách giúp con vượt qua giai đoạn này chính là dạy trẻ kiểm soát được cơn giận dữ trước khi trẻ bước qua tuổi 17. Trẻ chỉ vượt qua giai đoạn có sự chống đối ngấm ngầm một cách dễ dàng khi học được cách thức xử lý cơn giận dữ của mình thật chín chắn.
Rất nhiều người trưởng thành chưa vượt qua được giai đoạn này nên họ cũng có những hành vi chống đối ngấm ngầm. Đa số chúng ta không hiểu được bản chất của sự giận dữ cũng như cách thức kiểm soát nó. Nhiều bậc phụ huynh đã mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng mọi hành vi giận dỗi ở con trẻ đều là sai trái và cần được triệt tiêu bằng kỷ luật. Phương pháp này không hề mang lại tác dụng bởi nó không dạy cho trẻ cách xử lý cơn giận dữ theo hướng tích cực. Và kết quả là trẻ sẽ tiếp tục mắc sai lầm cho đến khi bước vào tuổi trưởng thành, giống như điều cha mẹ em đã trải qua trước đây. Hành vi chống đối ngấm ngầm cũng là nguyên nhân của những thất bại trong trường đại học, trong công sở và trong gia đình riêng của trẻ về sau. Chính vì thế, điều mà các bậc phụ huynh} cần làm là hướng dẫn trẻ cách kiểm soát cơn giận dữ một cách đúng đắn.
Sớm dạy con cách phản hồi đúng đắn
Rõ ràng, bạn không thể đợi cho đến khi con bước vào tuổi thiếu niên mới dạy con cách xử lý cơn giận dữ. Dù không mong đợi con có khả năng kiểm soát cơn giận dữ ở thời điểm sáu hay bảy tuổi nhưng bạn cần phải bắt đầu dạy con ngay từ giai đoạn này.
Dạy con kiểm soát cơn giận dữ là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của các bậc phụ huynh. Trẻ thường thể hiện sự giận dữ của mình qua lời nói hoặc hành động, và cả hai cách này đều rất khó xử lý. Các bậc phụ huynh thường không hiểu được cách biểu hiện cơn giận dữ của trẻ cũng như cách kiềm chế chúng. Kết quả là họ không biết cách phản hồi lại cơn giận dỗi của trẻ và mắc phải sai lầm.
Hãy nhớ rằng trẻ thường thể hiện sự giận dữ của mình bằng lời nói nhiều hơn hành động. Vì thế, khi con nói ra những lời giận dỗi, bạn hãy hướng dẫn con kiểm soát cơn giận một cách chín chắn.
Khi con lên sáu hoặc bảy tuổi, bạn cần tìm cách ngăn cản và loại bỏ những hành vi chống đối ngấm ngầm để chúng không ăn sâu vào tiềm thức của trẻ. Cách đầu tiên và cũng là cách quan trọng nhất chính là bạn hãy giữ cho “khoang tình cảm” của trẻ luôn tràn đầy. Nguyên nhân chính khiến trẻ tỏ ra giận dữ và có những hành vi sai trái là “khoang tình cảm” của em trống rỗng. Khi bạn thường xuyên sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con, bạn sẽ làm đầy “khoang tình cảm” đó và ngăn chặn được những hành vi chống đối ngấm ngầm đang đâm chồi bén rễ trong tiềm thức của trẻ. Lúc ấy, trẻ sẽ không còn hỏi cha mẹ câu hỏi: “Cha mẹ có yêu con không?” nữa. Dĩ nhiên, “khoang tình cảm” trống rỗng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hành vi sai trái hay sự giận dữ ở trẻ, nhưng đó là nguyên nhân phổ biến nhất.
Tiếp đến, bạn nên nhớ rằng con trẻ không có́ cách nào bảo vệ mình trước những cơn giận dữ của cha mẹ. Khi bạn trút sự giận dữ của mình lên con, cơn giận đó sẽ ngấm vào trẻ ngay lập tức. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, trẻ sẽ thể hiện cơn giận dữ của mình bằng những hành vi chống đối ngấm ngầm. Vì vậy, bạn cần bình tĩnh trò chuyện với con để con có cơ hội bộc bạch tâm sự. Có thể việc làm chẳng mấy dễ chịu nhưng đó là điều bạn cần phải thực hiện. Thế nhưng, điều đáng nói là khi nghe con trẻ tâm sự, phần lớn các bậc} phụ huynh lại tỏ ra giận dữ với con: “Sao con dám ăn nói như thế với cha mẹ vậy hả? Con không được nói với cha mẹ như thế, hiểu chưa?”. Trong trường hợp này, trẻ chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc vâng lời và không nói ra sự giận dữ của mình, hoặc không còn tuân lời cha mẹ nữa. Và cả hai điều này bạn đều không hề mong đợi, phải không?
Giúp trẻ vượt qua cơn giận dữ
Rất nhiều bậc phụ huynh đã hiểu được cơn giận dữ của con em mình bằng cách sử dụng mô hình Chiếc thang Giận dữ dưới đây. Trong quá trình dạy dỗ con cái, bạn sẽ phải tìm cách giúp cho con vượt qua từng nấc một của Chiếc thang Giận dữ, tránh mọi biểu hiệ̣n tiêu cực. Mục tiêu của việc làm này là giúp trẻ chuyển từ hành vi chống đối ngấm ngầm hoặc những ngôn từ nặng nề sang cách phản hồi bình tĩnh để tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất. Đây là một quá trình dài đòi hỏi các bậc cha mẹ phải không ngừng dạy dỗ, làm gương và kiên nhẫn. Do quá trình chuyển biến ở trẻ diễn ra khá chậm chạp nên các bậc phụ huynh thường khó nhận ra sự thay đổi ở trẻ.
TÍCH CỰC
1. Dễ CHịu - TìM GIảI PHáP - TậP TRuNG VÀo Sự GIậN Dữ - KìM NéN Để KHÔNG THAN PHIềN - SuY NGHĩ LÔ-GIC.
2. Dễ CHịu - TậP TRuNG VÀo Sự GIậN Dữ - KìM NéN Để KHÔNG THAN PHIềN - SuY NGHĩ LÔ-GIC.
NỬA TÍCH CỰC NỬA TIÊU CỰC
3. TậP TRuNG VÀo Sự GIậN Dữ - KìM NéN Để KHÔNG THAN PHIềN - SuY NGHĩ LÔ-GIC - Bắt đầu khó chịu, to tiếng.
4. KìM NéN Để KHÔNG THAN PHIềN - SuY NGHĩ LÔ-GIC - Khó chịu, to tiếng - Thay thế sự tức giận bằng những cảm xúc tiêu cực khác.
5. TậP TRuNG VÀo Sự GIậN Dữ - KìM NéN Để KHÔNG THAN PHIềN - SuY NGHĩ LÔ-GIC - Khó chịu, to tiếng - Dùng ngôn từ để chống trả.
6. SuY NGHĩ Có LÔ-GIC - Khó chịu, to tiếng - Thay thế sự tức giận bằng những cảm giác tiêu cực khác – Bắt đầu oán trách.
BẮT ĐẦU TIÊU CỰC
7. Khó chịu, to tiếng - Thay thế sự tức giận bằng những cảm xúc tiêu cực khác - Bắt đầu oán trách - Cư xử lỗ mãng.
8. Khó chịu, to tiếng - Thay thế sự tức giận bằng những cảm xúc tiêu cực khác - Bắt đầu oán trách - Dùng ngôn từ để chống trả - Cư xử lỗ mãng.
9. Khó chịu, to tiếng - Chửi thề - Thay thế sự tức giận bằng những cảm giác tiêu cực khác - Bắt đầu oán trách - Dùng ngôn từ để chống trả - Cư xử lỗ mãng.
10. TậP TRuNG VÀo CảM GIáC GIậN Dữ - Khó chịu, to tiếng - Chửi thề - Thay thế sự tức giận bằng những cảm xúc tiêu cực khác - Ném đồ đạc - Cư xử lỗ mãng.
11. Khó chịu, to tiếng - Chửi thề - Thay thế sự giận dữ bằng những cảm giác tiêu cực khác - Ném đồ đạc - Cư xử lỗ mãng.
TIÊU CỰC
12. TậP TRuNG VÀo CảM GIáC GIậN Dữ - Khó chịu, to tiếng - Chửi thề - Đập phá đồ - Dùng ngôn từ để chống trả - Cư xử lỗ mãng.
13. Khó chịu, to tiếng - Chửi thề - Thay thế sự giận dữ bằng những cảm xúc tiêu cực khác - Đập phá đồ đạc - Dùng ngôn từ để chống trả - Cư xử lỗ mãng.
14. Khó chịu, to tiếng - Chửi thề - Thay thế sự giận dữ bằng những cảm xúc tiêu cực khác - Đập phá đồ - Dùng ngôn từ để chống trả - Dùng tay chân để chống trả - Cư xử lỗ mãng.
15. Có hành vi gây hấn tiêu cực.
Nguồn: Cuốn “How to Really Love Your Angry
Child”, tác giả Ross Campbell (Colorado Springs: Cook, 2003).
Bạn sẽ nhận ra rằng hành vi chống đối ngấm ngầm nằm ở nấc thấp nhất của bậc thang. Nó đại diện cho sự giận dữ không kiểm soát được. Vì hành vi này rất phổ biến trong suốt những năm niên thiếu của trẻ nên bạn sẽ phải xử lý nó để trẻ không ở nguyên vị trí đó. Nếu không làm được điều này, trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại về sau. Hãy nhắc nhở bản thân rằng con bạn chỉ có thể vượt qua từng nấc một. Nếu mong muốn quá trình này kết thúc sớm, có thể bạn sẽ cảm thấy nản lòng. Đôi lúc, bạn sẽ phải chờ đợi một thời gian trước khi con bạn sẵn sàng bước sang nấc kế tiếp. Điều này đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn và khôn ngoan, nhưng kết quả đạt được luôn xứng đáng với sự chờ đợi của bạn. Khi quan sát sự giận dữ của con, bạn cần xác định xem trẻ đang ở đâu trên Chiếc thang Giận dữ để biết mình nên làm gì tiếp theo.
Tôi vẫn còn nhớ kinh nghiệm chẳng mấy hay ho về những lần giận dữ của David - con trai chúng tôi, khi nó 13 tuổi. Đôi khi thằng bé thể hiện sự tức giận theo những cách thức mà tôi không muốn chứng kiến. Tôi phải thực hiện một số bước với chính mình. Tôi biết rằng việc để David thể hiện cơn giận dữ của nó sẽ giúp tôi biết được nó đang ở đâu trên Chiếc thang Giận dữ. Tôi tự nhủ: “Nào David, hãy để cho cơn giận dữ đó bộc phát ra ngoài, bởi vì khi đó, cha mới có thể hiểu được con”. Dĩ nhiên, tôi đã không nói ra điều này với David.
Một lý do khác khiến tôi muốn David bộc lộ sự giận dữ là khi thằng bé vẫn còn giữ cho riêng mình thì cơn giận dữ đó sẽ chi phối gia đình tôi. Thế nhưng, khi bộc lộ cơn giận ra ngoài, thằng bé sẽ tự hỏi bản thân: “Bây giờ mình nên làm gì đây”. Lúc ấy, tôi sẽ ở vào một vị trí thuận lợi để dạy bảo con.
Việc để David nói ra những lời nói giận dữ có thể sẽ giúp ích thằng bé nhiều hơn. Khi đó, thằng bé sẽ ít có khả năng nói dối hay có những biểu hiện không tốt khác như chống đối ngấm ngầm, kết bạn với những người xấu, tham gia các trò bạo lực… Điều này cũng sẽ có ích cho con bạn. Hãy để cho trẻ thể hiện sự giận dữ của mình bằng lời nói và bạn sẽ biết được trẻ đang ở đâu trên Chiếc thang Giận dữ. Nhờ đó, bạn có thể loại bỏ được những hành vi chống đối ngấm ngầm của con.
Cho phép con thể hiện sự giận dữ bằng lời
Có lẽ bạn cảm thấy rằng cách dạy con này thật khó chấp nhận. Việc cho phép trẻ nói ra những lời giận dữ dường như là quá nuông chiều trẻ. Tuy nhiên, suy nghĩ này không đúng. Bạn hãy nhớ rằng ở bất kỳ độ tuổi nào, con trẻ chúng ta cũng thể hiện sự giận dữ một cách tự nhiên, bộc phát. Bạn không thể dạy con cách thể hiện sự giận dữ chín chắn hơn nếu chỉ buộc trẻ ngưng ngay cơn giận dữ đó. Nếu bạn làm như vậy, cơn giận của trẻ càng bị đè nén và trẻ sẽ có hành vi chống đối ngầm ngầm.
Vì vậy nếu bạn muốn dạy con kiểm soát cơn giận dữ một cách chín chắn, bạn phải cho phép con thể hiện cơn giận bằng lời nói. Sau đó, hãy dìu dắt con bước từng nấc trên Chiếc thang Giận dữ. Bạn nên nhớ rằng mọi sự giận dữ đều cần được bộc bạch ra thành lời hoặc thông qua hành động. Nếu không làm được điều đó, hậu quả tất yếu là trẻ sẽ có hành vi chống đối ngấm ngầm.
Khi con bạn nói ra những lời giận dữ, điều đó không có nghĩa là trẻ bất kính với bạn. Để biết trẻ có tôn kính mình hay không, bạn hãy tự hỏi câu hỏi sau: “Thái độ của con đối với những mệnh lệnh của mình ra sao?”. Đa số trẻ em đều thể hiện sự tôn kính của mình với cha mẹ đến 90% thời gian của chúng. Nếu điều này đúng đối với con bạn thì khi trẻ thốt ra những lời giận dữ, bạn nên xem đó là một cơ hội thuận lợi để dạy bảo con tốt hơn.
Có thể bạn tự hỏi: “Chẳng phải là quá bất công nếu tôi phải tỏ ra vui mừng khi con tôi thể hiện cơn giận của nó bằng lời, còn bản thân tôi thì phải tự kiềm chế chính mình?”. Chúng ta đều biết rằng việc làm này chẳng hề dễ dàng. Tuy nhiên, khi bạn hành động theo cách này, bạn đã buộc mình phải hành động chín chắn. Lúc ấy, bạn đang giúp bản thân và gia đình mình thoát khỏi những hậu quả tệ hại về sau.
Vậy chúng ta phải làm thế nào đối với những trẻ thường thể hiện cơn giận dữ bằng lời, hoặc khi chúng không cảm thấy tức giận về một sự kiện hay mối quan hệ đặc biệt nào đó? Đúng vậy, một số trẻ thể hiện sự giận dữ của mình để gây áp lực với cha mẹ hoặc vòi vĩnh điều gì đó. Đây là điều không phù hợp và phải được chấn chỉnh. Bạn cần chỉnh sửa trẻ ngay khi trẻ có những ngôn từ hoặc hành vi sai trái. Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ quy tắc làm cha mẹ cơ bản: nhẹ nhàng nhưng cương quyết.
Điều này nghe có vẻ khó hiểu nhưng thực tế là việc bạn để cho con thể hiện sự giận dữ của mình bằng lời nói sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp bạn dạy dỗ con tốt hơn. Chúng ta sẽ thảo luận về điều này ngay sau đây. Điều bạn nên làm là hãy kiềm chế bản thân khi con trẻ nói ra những lời giận dỗi. Dĩ nhiên, nếu cơn tức giận của trẻ chỉ nhằm mục đích tạo áp lực cho bạn thì bạn cần nghiêm trị nó giống như mọi hành vi sai trái khác. Dù vậy, bạn cần sử dụng hình thức kỷ luật phù hợp chứ không trút sự giận dữ của mình lên con. Bạn hãy nhẹ nhàng nhưng luôn cương quyết với con.
Thời điểm dạy con
Hãy nhớ rằng, thời điểm trẻ thể hiện sự giận dỗi cũng chính là thời điểm thích hợp để dạy dỗ trẻ. Vì vậy, hãy dạy con khi cả hai đều đã bình tĩnh và thiết lập được trạng thái cảm xúc tốt đẹp. Tuy nhiên, bạn đừng đợi quá lâu, nếu không, bạn sẽ không tận dụng được cơ hội vừa xảy ra. Ngay khi mọi việc giữa bạn và con đã ổn định, bạn hãy ngồi xuống bên cạnh con và thực hiện ba điều sau. Những điều này sẽ giúp bạn dạy dỗ con biết cách xử lý cơn giận của em theo hướng tích cực.
1. Hãy nói với con rằng bạn sẽ không la mắng chúng. Đặc biệt, nếu con bạn thường phản ứng tốt trước mệnh lệnh của cha mẹ thì có thể trẻ sẽ cảm thấy hối hận về những hành động của mình. Nếu bạn la rầy trẻ, trẻ sẽ không bao giờ thể hiện cơn giận dữ của mình nữa và khi đó, bạn sẽ không có cơ hội giúp con vượt qua Chiếc thang Giận dữ. Việc dạy dỗ con cũng bao gồm cả việc bạn chấp nhận con người của trẻ và luôn muốn biết cảm xúc của con, dù con đang vui, buồn hay giận dữ.
2. Khen ngợi con về những điều con đã làm đúng. Bạn có thể nói với con rằng: “Con đã cho cha mẹ biết rằng con đang giận dữ. Con đã không trút cơn giận lên em con hay chú cún nhà mình. Con cũng không ném đi đồ đạc hay tự gây thương tích cho mình. Và đó là điều rất tốt”. Bạn cần nêu ra mọi điều đúng đắn ở trẻ. Khi trẻ nói ra những lời giận dỗi, nghĩa là em đã làm điều đúng đắn và tránh được sai lầm.
3. Giúp con vượt lên từng nấc của Chiếc thang Giận dữ. Mục tiêu của việc làm này là nhằm giúp con tiến gần đến những biểu hiện giận dỗi theo hướng tích cực. Bạn nên đưa ra cho con một yêu cầu hơn là một lời cấm đoán. Thay vì nói: “Đừng bao giờ nói với mẹ bằng cái giọng đó nữa nhé”, bạn có thể nói: “Con trai à, từ giờ trở đi, con đừng nói với mẹ bằng cái giọng đó nữa, được không?”. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa rằng con bạn sẽ không bao giờ tái phạm nữa nhưng nó sẽ tạo điều kiện để khi đủ khôn lớn, trẻ sẽ tự từ bỏ điều đó.
Dạy con là một quá trình dài và đầy khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự dìu dắt của bạn, con trẻ sẽ tự động làm những điều đúng đắn mà không đợi nhắc nhở. Phối hợp giữa việc dạy bảo con với việc nêu gương tốt sẽ giúp con bạn tự rèn luyện bản thân tốt hơn.
Tình yêu và sự giận dữ
Một lần nữa, tình yêu thương vô điều kiện chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc dạy dỗ trẻ kiểm soát cơn giận dữ. Khi biết rằng mình được yêu thương vô điều kiện, trẻ sẽ phản hồi tốt hơn đối với sự dạy bảo của cha mẹ. Và khi ấy, bạn sẽ có khả năng đạt được mục tiêu giúp trẻ đạt đến độ chín về mặt cảm xúc khi trẻ bước vào tuổi 17.
Ở đây, chúng tôi định nghĩa tình yêu là việc tìm hiểu nhu cầu của người khác và tìm cách đáp ứng nhu cầu đó. Với định nghĩa này, mọi ngôn từ và hành động sai trái đều bắt nguồn từ việc thiếu vắng tình yêu. Chúng ta không thể yêu thương một đứa trẻ mà lại đối xử tệ bạc với nó được. Vì vậy, nếu chúng ta cứ khăng khăng rằng mình vẫn yêu thương con trong khi lại đối xử với chúng không ra gì thì lời “yêu thương” ở đây sẽ trở thành vô nghĩa. Khi ấy, trẻ không những không cảm nhận được yêu thương mà còn cảm thấy giận dữ vì nghĩ rằng mình không được quan tâm.
Chúng ta đều biết rằng nguyên nhân khiến nhiều người trưởng thành giận dữ là vì họ cảm thấy không được cha mẹ yêu thương. Họ có thể viện nhiều lý do để lý giải cho sự giận dữ của mình nhưng nguyên nhân sâu xa chính là sự thiếu hụt tình yêu. Nhiều người cho rằng: “Nếu cha mẹ yêu thương mình, họ đã không đối xử với mình theo cách đó”.
Tất nhiên, chúng tôi cũng không cho rằng việc nhận được tình yêu vô điều kiện sẽ giúp trẻ loại bỏ mọi cảm giác tức giận. Tất cả chúng ta đều có lúc giận dữ bởi ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo. Và chúng tôi cũng không nói rằng để giải quyết cơn giận dữ của con, bạn cần phải đồng ý với mọi quan điểm của chúng. Tuy nhiên, bạn phải lắng nghe quan điểm của con để có thể hiểu được nhu cầu của trẻ. Sau đó, bạn có thể đánh giá rằng trẻ mắc sai lầm hay đang bị hiểu nhầm. Đôi lúc, có thể bạn cần phải xin lỗi con. Thỉnh thoảng, bạn cần phải giải thích với trẻ lý do vì sao bạn lại đưa ra quyết định nào đó vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Thậm chí, nếu con bạn không thích quyết định của bạn chăng nữa thì trẻ vẫn rất cảm kích trước việc bạn dành thời gian để lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của chúng.
Xử lý cơn giận dữ của bản thân và dạy con xử lý cơn giận dữ theo hướng tích cực là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của các bậc cha mẹ. Nhưng phần thưởng mà chúng ta đạt được thật to lớn. Bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ này bằng cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của con trẻ và giữ cho “khoang tình cảm” của con luôn đầy. Khi đó, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến thấy trẻ trưởng thành và sống có trách nhiệm.