Có người từng nói rằng: “Cách tốt nhất để yêu thương con cái của mình là hãy yêu người sinh thành ra chúng”. Điều này hoàn toàn đúng. Cuộc sống hôn nhân ảnh hưởng rất lớn đến cách cư xử của bạn với con cái cũng như cách trẻ tiếp nhận tình yêu thương đó. Nếu bạn có một cuộc hôn nhân tốt đẹp - cả hai vợ chồng đối xử với nhau tử tế, tôn trọng và toàn vẹn - thì khi đó, bạn và người bạn đời của bạn sẽ cảm nhận được tình yêu của nhau và cùng phối hợp trong việc nuôi dạy con cái. Ngược lại, nếu các bạn thường chỉ trích và không yêu thương nhau thì cả hai sẽ khó có thể nuôi dạy con cái tốt. Và các con của bạn - vốn rất nhạy cảm - sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó.
Tình yêu là nền tảng quan trọng nhất của mọi cuộc hôn nhân hạnh phúc và vững bền. Mỗi đứa trẻ đều có “khoang tình cảm” riêng, và người lớn chúng ta cũng vậy. Khi “khoang tình cảm” của ta tràn đầy, ta cảm thấy thế giới này thật tươi đẹp biết bao. Ngược lại, khi “khoang tình cảm” của ta trống rỗng, ta cảm thấy vô cùng đau khổ: “Vợ/Chồng tôi chẳng hề yêu thương tôi” và cuộc sống của ta trở nên thật u ám. Đa số rắc rối và sai lầm trong hôn nhân đều bắt nguồn từ “khoang tình cảm” trống rỗng.
Để cảm thấy được yêu thương và nuôi dạy con cái tốt hơn, bạn cần sử dụng đúng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của vợ/chồng mình. Chúng tôi muốn kết thúc cuốn sách Năm ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em bằng chương viết về ngôn ngữ tình yêu của các bậc cha mẹ. Hẳn bạn cũng nhận ra rằng một trong năm ngôn ngữ tình yêu có ý nghĩa sâu sắc đối với bạn hơn những ngôn ngữ còn lại. Khi vợ/chồng bạn thể hiện tình yêu đối với bạn bằng loại ngôn ngữ này, bạn thực sự cảm thấy được yêu thương. Dĩ nhiên, bạn thích tất cả năm ngôn ngữ tình yêu, nhưng loại ngôn ngữ này có ý nghĩa đặc biệt đối với bạn.
Hiếm có cặp vợ chồng nào lại có chung ngôn ngữ tình yêu với nhau. Bạn đừng áp dụng kinh nghiệm của bố mẹ cho vợ/chồng mình. Đây là lỗi lầm cơ bản mà chúng ta thường mắc phải. Có thể cha bạn khuyên bạn: “Con trai à, hãy tặng hoa cho người phụ nữ mà con thương yêu nhé. Họ rất thích được tặng hoa”. Và thế là bạn cứ tặng hoa cho vợ mỗi ngày trong khi cô ấy lại tỏ ra không mấy thích thú trước điều đó. Vấn đề nằm ở chỗ bạn đã không sử dụng đúng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của vợ bạn. Dĩ nhiên, vợ bạn trân trọng bó hoa bạn tặng nhưng có một loại ngôn ngữ tình yêu có ý nghĩa sâu sắc hơn đối với cô ấy.
Nếu vợ chồng bạn không sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của nhau thì “khoang tình cảm” của cả hai sẽ dần cạn kiệt. Khi vợ chồng không còn yêu thương nhau mặn nồng như thuở ban đầu nữa thì sự khác biệt giữa cả hai sẽ ngày càng gia tăng. Cả hai sẽ nhớ lại những phút giây hạnh phúc mà mình đã từng trải qua và mong muốn có được nó một lần nữa. Thế nhưng họ lại không biết làm thế nào để đạt được điều đó. Càng ngày, cuộc sống} gia đình của họ càng trở nên tẻ nhạt và nhàm chán.
“Đang yêu” hay biết yêu thương?
Rất nhiều người bước vào tình yêu thông qua việc “phải lòng” ai đó. Và suốt giai đoạn đầu yêu đương, họ cảm thấy tình yêu của mình thật hoàn hảo. Họ không nhận ra những thói tật của người mình yêu thương. Họ cho rằng trải nghiệm yêu đương của mình là duy nhất và mình là người đầu tiên biết thương yêu ai đó thật sâu sắc. Dĩ nhiên, theo thời gian, họ sẽ đối mặt với thực tế phũ phàng và nhận ra những điểm yếu ở người bạn đời của mình. Phần lớn trải nghiệm “đang yêu” của chúng ta đều kết thúc như thế.
Rõ ràng, giữa tình yêu thật sự và cảm giác “đang yêu” có sự khác biệt. “Đang yêu” là một dạng cảm xúc tạm thời và có ít cơ sở vững bền. Tình yêu thật sự lại khác hẳn. Đó là dạng cảm xúc mà ta đặt nhu cầu của người mình yêu thương lên trên hết và mong muốn người ấy được hạnh phúc, thăng hoa. Tất cả chúng ta đều mong muốn được người bạn đời của mình yêu thương thật sự. Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ hạnh phúc tiếp nhận tình yêu của người ấy và nỗ lực đáp trả lại tình yêu của họ.
Tình yêu thật sự đòi hỏi chúng ta biết hy sinh cho người mình yêu thương. Phần lớn các cặp vợ chồng trải qua thời kỳ mất đi cảm xúc “rộn ràng” của thời “đang yêu” và tự hỏi liệu mình có còn yêu người bạn đời của mình hay không. Đó là thời điểm họ phải lựa chọn giữa nỗ lực vun đắp cho cuộc hôn nhân của mình hoặc để nó đến đâu thì đến.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng: “Có vẻ tình yêu sau hôn nhân khô khan quá nhỉ? Chẳng lẽ nó chỉ được thể hiện bằng hành vi phù hợp thôi sao?”. Một số người vợ/chồng thật sự mong muốn được nhìn ngắm pháo hoa. Vậy còn những ngôi sao băng hay những quả bong bóng đầy màu sắc thì sao? Cảm giác hồi hộp, ánh mắt lấp lánh, nụ hôn nồng ấm hay sự đồng điệu trong quan hệ đôi lứa? Và cảm giác an toàn khi biết mình đứng vị trí số một trong lòng người bạn đời của mình thì sao?
Dĩ nhiên, những cảm giác này không có gì sai trái. Thỉnh thoảng chúng trở thành sợi dây gắn kết mối quan hệ lứa đôi. Tuy nhiên, chúng ta lại mong muốn người bạn đời biết cách làm đầy “khoang tình cảm” của mình. Và người bạn đời của ta chỉ có thể làm được điều đó nếu người ấy học được cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của ta.
Đây chính là điều Carla cảm thấy thiếu trong hôn nhân của cô. Một ngày, cô tâm sự với chị gái của mình:
- Em cảm thấy anh Rick không còn yêu em nữa. Mối quan hệ của chúng em thật nhàm chán và em thấy rất cô đơn. Em đã từng là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của anh ấy. Nhưng bây giờ, có lẽ em đã rơi xuống vị trí thứ 20 - sau công việc, đánh golf, bóng đá, các hướng đạo sinh, bố mẹ, xe hơi và nhiều thứ khác. Có thể Rick vui trước những điều em làm nhưng dường như anh ấy xem điều đó là chuyện hiển nhiên. Anh ấy cũng mua cho em những món quà dễ thương hoặc gửi hoa tặng em vào dịp quan trọng như lễ tình nhân, sinh nhật của em, kỷ niệm ngày cưới… Nhưng những món quà này chẳng nghĩa lý gì đối với em hết.
Cô nói tiếp:
- Anh Rick chưa bao giờ dành thời gian cho em. Chúng em chưa bao giờ đi chơi cùng nhau, chưa bao giờ cùng làm việc chung và rất ít khi trò chuyện cùng nhau. Chỉ nghĩ đến điều đó là em đã cảm thấy tức giận. Một lần, em yêu cầu Rick dành cho em thời gian chia sẻ thì anh ấy lại bảo rằng em đang phê phán anh ấy. Thậm chí Rick còn bảo em hãy để anh ấy được yên. Anh ấy nói rằng lẽ ra em phải biết ơn vì anh ấy làm việc chăm chỉ, không rượu chè và cũng không lừa dối em bất cứ điều gì. Nhưng với em, điều đó vẫn chưa đủ. Em muốn có một người chồng thương yêu em thật sự và dành thời gian chăm sóc em.
Rõ ràng, Rick chưa sử dụng đúng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Carla. Trong khi anh sử dụng ngôn ngữ tình yêu “quà tặng” thì Carla lại khao khát có được “thời gian chia sẻ” của anh. Sau khi kết hôn, Carla nhận được nhiều quà tặng từ chồng và cảm nhận được tình yêu của anh. Nhưng do chồng cứ phớt lờ ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Carla nên “khoang tình cảm” của cô dần trở nên trống rỗng. Lúc ấy, những quà tặng của anh không còn có ý nghĩa nhiều đối với cô nữa.
Nếu Carla và Rick có thể khám phá được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của nhau và học cách sử dụng chúng thì cảm xúc nồng ấm trong tình yêu của họ có thể quay trở lại. Tất nhiên, đó không phải là cảm giác đam mê của giai đoạn “đang yêu” nữa, mà đó là một cảm xúc khác quan trọng hơn rất nhiều - cảm giác sâu lắng được chồng/vợ yêu thương. Họ sẽ biết rằng người bạn đời của mình thật sự yêu thương và tôn trọng mình. Đây là cuộc hôn nhân mà tất cả chúng ta đều mơ ước, và nó có thể trở thành hiện thực kh}i cả hai vợ chồng cùng học cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu chính của nhau một cách thường xuyên. Làm được điều này, các cặp vợ chồng có thể nuôi dạy con cái tốt hơn, cùng nhau hợp tác để mang đến cho con cảm giác an toàn và được yêu thương trọn vẹn.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem điều này xảy ra như thế nào với từng ngôn ngữ tình yêu nhé.
Ngôn từ động viên yêu thương
Mark tâm sự:
- Tôi làm việc rất chăm chỉ và khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi nghĩ mình là một người cha, người chồng tốt. Tất cả những gì tôi mong đợi ở vợ mình là cô ấy hãy trân trọng những điều tôi đã làm. Thế nhưng, điều tôi nhận được từ vợ chỉ là những lời chỉ trích. Bất kể tôi làm việc mệt nhọc đến mức nào hay tôi phấn đấu ra sao, vợ tôi cũng không hài lòng. Tôi thật sự không hiểu Jane mong đợi điều ở tôi nữa. Tôi nghĩ phần lớn phụ nữ đều vui khi lấy được người chồng như tôi. Vì sao vợ tôi lại hay phê phán như vậy nhỉ?
Rõ ràng, thông điệp của Mark là: “Ngôn ngữ tình yêu của tôi là lời khen ngợi. Có ai nói lời yêu thương với tôi không?”.
Nhưng Jane lại không biết gì về ngôn ngữ tình yêu của Mark. Cô không hiểu được thông điệp của Mark cũng như lý do tại sao chồng cô cảm thấy không được yêu thương. Cô lập luận: “Mình là người vợ đảm đang. Mình chăm sóc các con cẩn thận, công ăn việc làm ổn định và luôn chăm chút bản thân để lúc nào cũng trông hấp dẫn. Vậy anh Mark còn muốn gì hơn nữa? Đa số đàn ông đều cảm thấy hạnh phúc khi được trở về căn nhà sạch sẽ và có được những bữa ăn đầm ấm bên vợ con”.
Thậm chí Jane còn không biết được tâm sự của Mark. Cô chỉ biết thỉnh thoảng chồng mình nổi đóa lên và yêu cầu cô ngừng ngay việc chỉ trích anh. Nếu được vợ hỏi, có thể Mark sẽ thừa nhận rằng anh thích những bữa ăn ngon và nhà cửa sạch sẽ. Tuy nhiên, những điều này không đáp ứng đầy đủ nhu cầu được yêu thương của anh. Ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Mark là lời khen ngợi và nếu thiếu những ngôn từ này, “khoang tình cảm” của anh sẽ không bao giờ đầy.
Đối với những người vợ/chồng có ngôn ngữ tình yêu chính là lời khen ngợi, cách thể hiện sự trân trọng bằng lời hay thư từ giống như những giọt mưa rơi trên khu vườn đang khô cạn.
“Em rất tự hào về anh và cách xử lý tuyệt vời của anh trong tình huống với Robert.”
“Thật là một bữa ăn tuyệt vời. Em xứng đáng lọt vào bảng xếp hạng những đầu bếp tài ba nhất thế giới!”
“Bãi cỏ nhà mình trông thật tuyệt. Cảm ơn anh đã vất vả chăm chút cho nó như vậy.”
“Ồ, tối nay em mới ngọt ngào làm sao!”
“Lâu rồi em không nói ra điều này, nhưng em biết anh đã rất vất vả để chăm lo cho cả gia đình ta như thế này. Em rất cảm ơn anh về điều đó.”
“Em yêu anh biết bao. Anh là người chồng tuyệt vời nhất trên thế gian này!”
Lời khen ngợi có thể được nói hoặc viết ra. Khi yêu nhau, nhiều người đã viết thư hoặc làm thơ tình tặng nhau. Vậy tại sao chúng ta lại không tiếp tục hoặc làm sống lại cách thể hiện tình yêu này sau khi đã kết hôn? Nếu bạn thấy việc viết thư hoặc làm thơ là quá khó khăn, bạn có thể mua một tấm thiệp và gạch dưới những từ ngữ thể hiện cảm xúc của bạn đồng thời có thể thêm một vài dòng ngắn ở dưới.
Việc nói ra những ngôn từ động viên trước mặt các thành viên trong gia đình hay bạn bè sẽ mang đến cho bạn thêm một lợi ích khác. Không những người chồng/vợ bạn cảm thấy được yêu thương mà bạn còn giúp cho những người xung quanh học hỏi cách nói những lời động viên, khen ngợi.
Những lời động viên yêu thương sẽ mang lại hiệu quả rất lớn đối với những người có ngôn ngữ tình yêu cơ bản là lời khen ngợi.
Thời gian chia sẻ
Jim đã viết thư cho tôi sau khi đọc quyển sách Năm ngôn ngữ tình yêu: “Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng Doris đã phàn nàn rất nhiều về việc chúng tôi không dành thời gian cho nhau - bởi ngôn ngữ tình yêu cơ bản của cô ấy là thời gian chia sẻ.
Trước đây, tôi luôn kết tội cô ấy là chỉ suy nghĩ tiêu cực và không biết trân trọng những gì tôi đã làm. Tôi vốn là người thích lao động nên tôi luôn dọn dẹp nhà cửa và sắp xếp mọi thứ thật ngăn nắp. Tôi rửa xe hơi, dọn sân vườn và còn hút bụi trong nhà nữa. Nhưng tôi không hiểu được tại sao Doris lại không đánh giá cao những điều đó mà lại luôn phàn nàn rằng chúng tôi không dành thời gian cho nhau.
Rồi khi đọc xong cuốn sách của ông, tôi nhận ra rằng cô ấy thực sự đánh giá cao tất cả những việc tôi làm. Nhưng điều đó không mang lại cho Doris cảm giác được yêu bởi sự tận tụy không phải là ngôn ngữ} tình yêu cơ bản của cô ấy. Vì vậy, điều đầu tiên mà tôi làm là lên kế hoạch một kỳ nghỉ cuối tuần dành riêng cho hai vợ chồng. Chúng tôi đã không có những kỳ nghỉ cùng nhau trong suốt nhiều năm liền. Khi Doris biết được điều này, cô ấy đã vui mừng như một đứa trẻ sắp được đi nghỉ hè cùng cha mẹ vậy”.
Sau tuần lễ đặc biệt đó, Jim xem xét lại tình hình tài chính của hai vợ chồng và quyết định sẽ đi chơi với nhau vài tháng một lần vào dịp cuối tuần. Họ cùng đi du lịch, thăm viếng nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Bức thư của Jim tiếp tục: “Tôi cũng nói với Doris rằng tôi muốn vợ chồng chúng tôi dành 15 phút mỗi tối để chia sẻ với nhau những việc xảy ra trong ngày. Vợ tôi nhiệt liệt hoan nghênh và tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi đưa ra đề xuất này.
Từ sau tuần lễ đi chơi đầu tiên, thái độ của Doris đã hoàn toàn thay đổi. Vợ tôi luôn vui vẻ, suy nghĩ tích cực và cười nói luôn miệng. Lúc nào tôi cũng thấy niềm vui hiển hiện trong đôi mắt cô ấy. Doris cảm ơn về những việc tôi đã làm trong nhà. Và nhất là vợ tôi không còn chê bai nữa. Vâng, ngôn ngữ tình yêu cơ bản của tôi chính là lời khen ngợi. Suốt nhiều năm qua, cả hai chúng tôi đều chưa từng cảm thấy hạnh phúc đến thế. Điều duy nhất chúng tôi hối tiếc là đã không phát hiện ra ngôn ngữ tình yêu cơ bản của nhau sớm hơn”.
Hàng ngàn cặp đôi khác cũng trải qua những điều tương tự như những gì Doris và Jim đã trải qua khi họ phát hiện ra ngôn ngữ tình yêu cơ bản của nhau. Giống như Jim, chúng ta phải học ngôn ngữ tình yêu cơ bản của vợ/chồng mình và thường xuyên sử dụng loại ngôn ngữ đó. Khi bạn làm được điều này, bốn ngôn ngữ tình yêu còn lại cũng sẽ trở nên ý nghĩa hơn và khi đó, “khoang tình cảm” của vợ/chồng bạn sẽ được giữ đầy.
Quà tặng
Tất cả các nền văn hóa, cả phương Đông lẫn phương Tây, đều thừa nhận rằng việc tặng quà là một cách thể hiện tình yêu giữa vợ chồng nói riêng và con người nói chung. Đàn ông thường là người tặng quà nhiều hơn nhưng đôi lúc, ngôn ngữ tình yêu cơ bản của họ cũng chính là quà tặng. Nhiều ông chồng thừa nhận rằng khi vợ khoe với họ những bộ quần áo mới, họ thầm nghĩ: “Mình tự hỏi có bao giờ cô ấy nghĩ đến việc mua cho mình một chiếc áo sơ mi, cà vạt hay đôi vớ không nhỉ? Cô ấy có nghĩ đến mình khi đi mua sắm không?”.
Đối với những người có ngôn ngữ tình yêu cơ bản là quà tặng thì một món quà sẽ chuyển tải đến họ thông điệp rằng: “Người ấy đang nghĩ đến mình” hoặc “Xem người ấy đã mua cho mình cái gì kìa”}. Người tặng quà thường phải suy nghĩ rất kỹ lưỡng về món quà họ định tặng cho người bạn đời để người ấy cảm nhận được tình yêu của họ. Thậm chí nhiều người còn nói: “Chính việc suy nghĩ chọn quà gì mới quan trọng”. Tuy nhiên, chỉ là suy nghĩ không thôi thì chưa đủ - quà tặng phải được trao đi thì nó mới chuyển tải được thông điệp của bạn.
Nếu bạn không biết nên tặng quà gì cho vợ/chồng mình thì hãy nhờ những người xung quanh giúp đỡ. Khi Bob phát hiện ra ngôn ngữ tình yêu cơ bản của vợ anh là quà tặng, anh thực sự chẳng biết nên mua quà gì cho vợ. Cuối cùng, anh đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của cô em gái của mình. Sau ba tháng, anh đã có thể tự mình chọn quà cho vợ.
Bill - chồng của Marie - rất thích chơi golf và Marie biết rằng chồng mình sẽ thích món quà gì đó liên quan đến niềm đam mê này. Nhưng đó là món gì? Chị chưa biết gì về môn thể thao này. Vì vậy thỉnh thoảng, chị lại nhờ một người bạn cùng chơi golf với chồng tư vấn để mua một món quà ý nghĩa với Bill. Và chồng chị vô cùng hạnh phúc khi biết vợ hiểu rõ niềm đam mê của mình.
Mỗi ngày đi làm, Bart đều ăn mặc chỉnh tề với áo sơ mi thắt cà vạt. Mỗi tháng, Debbie - vợ anh - đều đến cửa hiệu mà Bart thường ghé mua áo sơ mi và nhờ nhân viên bán hàng ở đây lựa cho chị một chiếc cà vạt phù hợp với chồng mình nhất. Nhân viên ở đây lưu lại danh sách những chiếc áo sơ mi mà Bart đã mua để đảm bảo những chiếc cà vạt mà Debbie tặng anh luôn tương hợp. Và Bart tự hào khoe với mọi người về người vợ đảm đang và hết mực thương yêu chồng của mình.
Bạn có thể học thêm nhiều cách khác để sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của chồng/vợ mình một cách nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải bắt chước người khác. Hãy sáng tạo đôi chút để tạo nên sự khác biệt cho mình. Những món quà của bạn cần phải phù hợp với sở thích của vợ/chồng bạn hay một số mối quan tâm mới của người ấy. Hai vợ chồng bạn cũng có thể cùng đi mua quà tặng cho nhau. Bạn cũng có thể mua một phiếu ăn nhà hàng mà cả hai cùng thích hoặc mua vé xem kịch hay hòa nhạc.
Hành động tận tụy
Roger tỏ ra hết sức bức xúc khi nói chuyện với chuyên gia tư vấn: “Tôi thật sự không hiểu được Marsha nữa. Cô ấy muốn ở nhà chăm con và tôi chỉ cần đi làm để trang trải cho cả gia đình là được rồi. Nhưng tôi thật sự không hiểu được vì sao cô ấy lại không thể giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp được. Khi tô}i về nhà vào buổi tối, tôi có cảm tưởng mình bước vào một bãi chiến trường. Giường chiếu bừa bộn, quần áo bẩn thì vất lung tung trong khi quần áo sạch thì lại nằm một đống trong máy sấy. Đồ chơi của con thì lăn lóc khắp nhà. Nếu hôm nào cô ấy đi siêu thị mua đồ, thể nào hàng hóa mua về vẫn còn trong giỏ xách. Và tệ hơn nữa là nhiều hôm, cô ấy thản nhiên ngồi xem ti vi mà chẳng đoái hoài đến việc cả nhà sẽ dùng gì trong bữa tối”.
Anh bực mình nói tiếp: “Tôi đã quá mệt mỏi khi phải sống trong một ngôi nhà mà nhìn chẳng khác gì cái chuồng lợn như thế này rồi. Tôi chỉ cần Marsha giữ nhà cửa tương đối gọn gàng là được. Cô ấy cũng không cần thiết phải chuẩn bị bữa tối hằng ngày vì chúng tôi có thể ra ngoài ăn tối vài lần mỗi tuần”.
Rõ ràng, ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Roger là sự tận tụy. Lúc này, “khoang tình cảm” trong anh đang trống rỗng. Anh chẳng quan tâm việc Marsha ở nhà lo nội trợ hay ra ngoài làm việc. Tất cả những gì anh muốn là được sống trong một ngôi nhà ngăn nắp hơn. Roger cảm thấy nếu vợ quan tâm đến anh, cô sẽ thể hiện điều đó bằng cách giữ cho nhà cửa sạch sẽ hơn và chuẩn bị vài bữa cơm gia đình mỗi tuần.
Marsha vốn không phải là người ngăn nắp. Chị thích tạo ra những trò thú vị với con. Chị ưu tiên cho việc chăm sóc, chơi đùa với các con hơn việc giữ nhà cửa sạch sẽ. Do đó, việc thể hiện tình yêu đối với chồng bằng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của anh - sự tận tụy - gần như là việc chị không thể thực hiện được.
Câu chuyện này có thể giúp bạn hiểu vì sao chúng ta lại sử dụng ẩn dụ “ngôn ngữ”. Nếu bạn lớn lên trong môi trường nói tiếng mẹ đẻ thì có thể việc học một ngôn ngữ thứ hai là một thử thách đối với bạn. Tương tự, việc học cách sử dụng một ngôn ngữ yêu thương khác với ngôn ngữ tình cảm của bản thân mình có thể cũng gây ít nhiều khó khăn đối với nhiều người. Nhưng khi bạn hiểu rằng sự tận tụy là ngôn ngữ tình yêu cơ bản của vợ/chồng mình, bạn sẽ có động lực để tìm kiếm cách thức thể hiện ngôn ngữ này thuyết phục nhất.
Giải pháp mà Marsha chọn là rủ một cô/cậu bé hàng xóm đến chơi với các con mình vào buổi chiều để chị có thời gian dọn dẹp nhà cửa đón chồng về. Đổi lại, Marsha nhận dạy kèm môn toán cho em nhỏ này. Ngoài ra, Marsha cũng bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị ba bữa ăn tối cho cả gia đình mỗi tuần. Chị quyết định chuẩn bị từ sáng để đến phần việc buổi chiều nhẹ nhàng hơn.
Bạn có thể thể hiện tình yêu của mình dành cho vợ/chồng thông qua những việc làm như rửa chén, sơn phòng ngủ, sắp xếp đồ đạc, cắt tỉa cây, sửa máy bơm nước, chà rửa nhà tắm… Bạn cũng có thể làm những việc nhỏ khác như hút bụi hay thay tã cho con. Thật sự thì việc nhận biết mong muốn của vợ/chồng không phải là việc làm quá khó khăn. Chỉ cần để tâm đến những lời than phiền của người ấy là bạn có thể nhận ra mong muốn thật sự của họ. Nếu bạn có thể tận tụy phục vụ người khác để thể hiện tình yêu với họ, bạn sẽ thấy những việc làm của mình có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Cử chỉ âu yếm
Chúng ta không nên đồng nhất cử chỉ âu yếm như một phần của tình dục trong hôn nhân. Cử chỉ âu yếm là một cách thể hiện tình yêu và nó không nên bị giới hạn ở ý nghĩa quan hệ tình dục. Đặt tay lên vai của vợ/chồng bạn, luồn tay vào tóc, xoa nhẹ cổ hoặc vai, chạm nhẹ vào cánh tay khi trao cho người ấy cốc cà phê… là những cách thể hiện tình yêu. Dĩ nhiên, tình yêu cũng có thể được thể hiện bằng việc nắm tay, nụ hôn, ôm ấp và cuối cùng là quan hệ ái ân.
Jill - một người vợ có ngôn ngữ tình yêu cơ bản là cử chỉ âu yếm đã tâm sự: “Khi chồng tôi dành thời gian để xoa lưng tôi, tôi biết rằng anh ấy rất yêu tôi. Tôi biết rằng anh ấy đang dành mọi sự quan tâm cho tôi và từng động tác của anh ấy đều chứa đựng thông điệp: “Anh yêu em”. Tôi cảm thấy gần gũi với chồng mình nhất khi anh ấy chạm vào tôi”.
Có thể Jill vẫn rất trân trọng những món quà, lời khen ngợi, thời gian chia sẻ hay sự tận tụy từ chồng nhưng rõ ràng, cử chỉ âu yếm vẫn tác động đến tình cảm của chị sâu sắc nhất. Nếu chồng chị không sử dụng ngôn ngữ yêu thương này thì những ngôn ngữ khác sẽ trở nên vô nghĩa hoặc không mấy tác dụng.
Phát hiện và nói ngôn ngữ tình yêu của vợ/chồng
Có thể bạn băn khoăn: “Liệu năm ngôn ngữ tình yêu có thực sự hiệu quả không? Nó có tạo ra sự khác biệt cho cuộc hôn nhân của chúng tôi không?”. Cách tốt nhất để giải đáp cho thắc mắc này là bạn hãy thử áp dụng chúng. Nếu bạn không biết được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của vợ/chồng mình, bạn có thể đề nghị người ấy đọc chương này và sau đó cả hai hãy thảo luận về nó. Nếu không, bạn phải tìm cách khám phá nó. Hãy nghĩ về những than phiền của vợ/chồng bạn, những yêu cầu và hành v}i cư xử của người ấy. Ngoài ra, cách thức người ấy thể hiện tình yêu với bạn và những người xung quanh cũng có thể giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Tiếp theo, bạn hãy tập trung sử dụng ngôn ngữ tình yêu của vợ/chồng bạn và quan sát điều gì sẽ xảy ra trong vài tuần lễ tiếp theo. Nếu bạn sử dụng đúng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của vợ/chồng bạn, hành vi và tinh thần của người ấy sẽ thay đổi rõ rệt. Nếu người bạn đời của bạn thắc mắc về những hành động của bạn, bạn có thể chia sẻ với người ấy cuốn Năm ngôn ngữ tình yêu hoặc cuốn sách này.
Bằng cách thường xuyên sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của chồng/vợ, bạn sẽ tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong mối quan hệ giữa vợ chồng bạn. Với “khoang tình cảm” tràn đầy, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi làm đầy “khoang tình cảm” của con cái. Khi làm được điều đó, cuộc sống gia đình bạn sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn rất nhiều.