Cuộc sống không chỉ để sống mà là để sống có hạnh phúc
- Cổ ngữ La Mã
Yêu là để sống cuộc sống của người mình yêu - Tolstoi
Ở độ cao 9.000 mét, trên chuyến bay giữa Buffalo và Dallas, một người đàn ông đặt tờ báo vào trong ngăn đựng đồ phía sau lưng ghế ngồi trước mặt và quay sang hỏi tôi.
- Xin lỗi, anh làm nghề gì vậy?
- Tôi tư vấn hôn nhân và tổ chức các buổi hội thảo giúp hạnh phúc gia đình bền vững. – Tôi trả lời đơn giản.
- Thế à? Tôi vốn thắc mắc mãi điều này mà không biết hỏi ai. Theo anh, sau ngày cưới, tình yêu sẽ đi về đâu?
Hết hy vọng được chợp mắt đôi chút, tôi bèn hỏi lại anh ta:
- Ý anh là sao? Tôi không hiểu lắm.
Anh ta giải thích:
- À, tôi từng kết hôn ba lần và lần nào cũng thế cả, hôn nhân của chúng tôi đều tan vỡ. Với những người phụ nữ từng đi qua đời tôi, tất cả tình yêu mà tôi nghĩ mình đã có đối với họ cũng như tình cảm mà họ dành cho tôi đều dần tan biến. Tôi cũng là người hiểu biết, thậm chí tôi còn điều hành cả một doanh nghiệp thành công, thế nhưng tôi lại không thể nào hiểu nổi điều này.
- Anh đã lập gia đình bao lâu rồi? – Tôi hỏi.
- Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi kéo dài khoảng mười năm. Lần thứ hai khoảng ba năm. Còn lần cuối cùng là gần sáu năm.
- Vậy với anh, tình yêu kết thúc ngay sau khi kết hôn hay phai nhạt dần theo thời gian? – Tôi hỏi.
- Cuộc hôn nhân thứ hai của tôi gặp vấn đề ngay từ những ngày đầu tiên. Thật tình tôi cũng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra nữa. Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi thực sự yêu nhau; thế nhưng tuần trăng mật lại như một cơn ác mộng, và chẳng bao giờ chúng tôi có thể hàn gắn được vết rạn nứt đó. Chúng tôi bị cuốn vào nhau tựa một cơn lốc và chỉ sau sáu tháng quen biết, cả hai quyết định kết hôn. Một tình yêu cuồng nhiệt! Nhưng ngay sau đám cưới, tình yêu đó đã nhanh chóng biến thành một cuộc chiến.
Còn với cuộc hôn nhân đầu tiên, ít ra chúng tôi cũng từng có ba bốn năm hạnh phúc bên nhau trước khi đứa con đầu lòng ra đời. Sinh con xong, vợ tôi dường như chỉ còn biết đến mỗi đứa bé. Tôi cảm thấy mình bị bỏ quên. Cứ như thể mục tiêu duy nhất trên đời của cô ấy là có một đứa con, và chấm hết. Cô ấy chẳng còn thiết tha gì đến tôi nữa.
- Thế anh có nói cho cô ấy biết điều đó không? – Tôi hỏi.
- Ồ, có chứ. Nhưng cô ấy bảo tôi khùng. Cô ấy còn cho rằng, tôi chẳng hề thông cảm đến nỗi khổ của người vú nuôi 24/24 như cô ấy. Cô ấy nói tôi cần phải quan tâm, giúp đỡ cô ấy nhiều hơn mới phải. Tôi cũng đã cố, nhưng dường như cũng chẳng ích gì. Càng ngày, chúng tôi càng thêm xa cách. Và sau một thời gian thì tình yêu chết thật. Và cả hai chúng tôi đều đồng ý chia tay.
Còn cuộc hôn nhân cuối cùng ư? Tôi đã nghĩ nó sẽ khác hai lần trước. Lúc đó, tôi đã sống một mình được ba năm. Và chúng tôi cũng đã hẹn hò gần hai năm trời. Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi hẳn phải biết mình đang làm gì, thậm chí tôi còn nghĩ đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu được ý nghĩa của việc yêu thương một ai đó. Và tôi cũng đoán chắc rằng cô ấy yêu mình. Sau khi cưới nhau, tôi vẫn trước sau như một, luôn thể hiện tình cảm của mình với vợ. Tôi khen cô ấy đẹp, dành cho cô ấy những lời yêu thương, và rằng tôi rất tự hào khi được làm chồng cô ấy… Thế nhưng chỉ vài tháng sau đó, vợ tôi bắt đầu phàn nàn. Bắt đầu từ những việc hết sức cỏn con như tôi không chịu đổ rác hoặc vứt quần áo lung tung. Sau đó, cô ấy tấn công sang tính cách của tôi, nào là chẳng thể tin tưởng tôi được, nào là tôi không chung thủy. Có thể nói là cô ấy bỗng nhiên biến thành một người hết sức tiêu cực – trái ngược hoàn toàn với những gì tôi biết về cô ấy trước đây. Khi chưa lấy nhau, chưa bao giờ cô ấy phàn nàn điều gì. Cái gì tôi làm cũng là số một. Nhưng cưới nhau rồi thì dường như trong mắt cô ấy tôi bỗng trở thành một anh chàng vô tích sự. Quả thật, tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra nữa. Cuối cùng, tình yêu tôi dành cho cô ấy cũng lụi tàn, và tôi bắt đầu cảm thấy bực bội với cô ấy. Rõ ràng, cô ấy không yêu tôi. Chúng tôi nhận thấy việc sống chung chẳng còn ý nghĩa gì, thế nên chúng tôi đã chia tay.
Tất cả những chuyện xảy ra khiến tôi luôn mang trong mình câu hỏi rằng điều gì đã xảy ra với tình yêu sau ngày cưới? Liệu mọi người có gặp phải những chuyện tương tự như tôi hay không?
Liệu đó có phải là lý do khiến rất nhiều cặp vợ chồng ly hôn? Tôi không tin nổi mình lại ly hôn đến ba lần. Còn những cặp vợ chồng bền vững thì sao? Phải chăng là nhờ họ biết chấp nhận một đời sống hôn nhân không tình yêu, hay vì tình yêu vẫn ngự trị trong họ? Nếu quả như thế thì làm thế nào họ có được may mắn đó?
Những câu hỏi mà người đàn ông ấy đưa ra cũng chính là điều mà hàng triệu cặp vợ chồng - hoặc vẫn còn chung sống, hoặc đã ly hôn - băn khoăn, tìm hiểu. Một số người tìm đến bạn bè, một số khác thì nhờ chuyên viên tư vấn hoặc quanh quẩn tự hỏi bản thân. Câu trả lời đôi khi thật khó hiểu bởi nó liên quan đến nhiều thuật ngữ tâm lý, hoặc cũng có khi nó lại được diễn giải qua các câu chuyện dân gian hay lời pha trò hóm hỉnh. Dù rằng tất cả cũng nói lên phần nào sự thật nhưng thực tế chúng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ước muốn có được một cuộc hôn nhân lãng mạn cũng như làm thế nào giữ mãi ngọn lửa tình yêu sau ngày cưới là điều hết sức chính đáng và trở thành vấn đề quan tâm của hầu hết mọi người. Ngày nay, báo chí, sách vở cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác đều tập trung khai thác mảng đề tài này.
Thế nhưng trước một lượng thông tin khổng lồ như vậy, không phải cặp vợ chồng nào cũng tìm ra được bí quyết gìn giữ tình yêu cho mình. Hàng ngày, vẫn có vô số cặp vợ chồng tham dự các buổi trò chuyện về hôn nhân gia đình, được hướng dẫn cụ thể những điều cần làm để duy trì ngọn lửa tình yêu; nhưng khi về đến nhà, họ vẫn không thể nào phát huy và ứng dụng tốt những gì đã được học. Vậy, nguyên nhân của vấn đề nằm ở đâu?
Quyển sách này chính là lời đáp cho những câu hỏi trên. Nói như vậy không có nghĩa là những gì các phương tiện thông tin đại chúng đề cập trước nay là không hữu ích. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đã bỏ sót một yếu tố sơ đẳng nhưng cực kỳ quan trọng. Đó là: Mỗi người có một cách biểu đạt tình yêu, hay còn gọi là ngôn ngữ tình yêu khác nhau.
Trong giao tiếp, bạn không thể dùng tiếng Anh để truyền thông điệp đến một người không hiểu tiếng Anh; và nói chung, việc không sử dụng cùng một ngôn ngữ sẽ làm nảy sinh vô số khó khăn trong giao tiếp. Do đó, để có thể giao tiếp hiệu quả và không gặp phải những rào cản về sự khác biệt văn hóa, chúng ta cần học ngôn ngữ của đối tượng mình muốn giao tiếp.
Trong tình yêu cũng vậy. Rất có thể, ngôn ngữ yêu thương của bạn và bạn đời là hoàn toàn khác nhau. Điều này cũng giống như người đàn ông trong câu chuyện trên, anh đã sử dụng những lời đẹp nhất để thể hiện tình yêu của mình với người vợ thứ ba nhưng kết quả nhận được lại không như anh mong muốn. Rõ ràng, tình yêu của anh ấy chân thành, nhưng có thể người vợ lại mong muốn anh phải bộc lộ tình yêu qua hành động cụ thể trong đời sống chứ không chỉ bằng những lời nói tốt đẹp. Do đó, chỉ chân thành không thôi chưa đủ. Chúng ta còn cần phải sẵn lòng học lấy ngôn ngữ tình yêu của người bạn đời nếu muốn đạt được hiệu quả mong muốn trong giao tiếp với người mình yêu.
Sau ba mươi năm làm công tác tư vấn hôn nhân, tôi đúc kết được 5 ngôn ngữ tình yêu cơ bản – đó là năm cách để biểu đạt và thấu hiểu cảm xúc trong tình yêu. Có thể, bạn sẽ bắt gặp đâu đó những bài viết kiểu như: "10 Cách để thể hiện tình yêu với vợ", "20 Bí quyết để giữ chồng ở nhà" hoặc "365 Cách thể hiện tình yêu trong hôn nhân"… Theo tôi, tất cả những cách ấy chỉ gói gọn trong 5 ngôn ngữ tình yêu cơ bản. Tuy nhiên, mức độ áp dụng của mỗi người lại khác nhau. Mọi giới hạn trong việc biểu đạt tình yêu của bạn với người bạn đời là do sự giới hạn trong sức tưởng tượng của bạn mà thôi. Điều quan trọng nhất cần nhớ là, hãy nói bằng ngôn ngữ tình yêu của người bạn đời chứ không phải của bản thân bạn.
Ngay từ khi còn nhỏ, trong mỗi đứa trẻ đã hình thành những chuẩn mực tình cảm đặc trưng. Chẳng hạn, có những đứa trẻ sớm có lòng tự trọng cao, lại có những đứa sớm có tính tự ti, một số khác lại luôn bị ám ảnh bởi cảm giác bất an, trong khi có những đứa may mắn hơn lại lớn lên trong cảm giác bình yên. Tương tự như vậy, có những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong sự yêu thương, lại có những trẻ khác lớn lên trong sự hắt hủi, ruồng bỏ và khinh thường.
Với những đứa trẻ may mắn lớn lên trong yêu thương, chúng sẽ sớm phát triển ngôn ngữ tình yêu một cách trọn vẹn. Trong khi đó, những đứa trẻ kém may mắn cũng sẽ phát triển ngôn ngữ tình yêu của riêng chúng, nhưng lại bị bóp méo, sai lệch đi giống như những đứa trẻ học kém ở trường vẫn thường dùng sai văn phạm và từ vựng. Điều đó không có nghĩa là những đứa trẻ học kém không thể giao tiếp tốt, nhưng chúng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn những đứa trẻ khác. Cũng tương tự như thế, những người có ngôn ngữ tình yêu bị bóp méo sẽ phải gắng sức nhiều hơn so với những ai may mắn được lớn lên trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương.
Hiếm khi vợ chồng có chung một ngôn ngữ tình yêu. Chúng ta thường có xu hướng sử dụng ngôn ngữ tình yêu của mình để rồi ngạc nhiên không biết vì sao đối phương không hiểu được những gì mình thể hiện. Điều này chẳng khác gì người nói một đằng, người hiểu một nẻo. Đó là lý do vì sao tôi đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để biên soạn cuốn sách này.
Hôn nhân không có nghĩa là con đường chấm dứt tình yêu, nhưng để nuôi dưỡng ngọn lửa yêu thương, mỗi người chúng ta cần phải nỗ lực tìm hiểu ngôn ngữ tình yêu của nhau. Một khi hiểu và học được cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu của bạn đời, tôi tin rằng đó cũng là lúc bạn nắm giữ trong tay chìa khóa của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền lâu.