"Yêu" là một phạm trù tình cảm có ý nghĩa quan trọng và phức tạp nhất đối với con người. Theo các nhà tâm lý học, nhu cầu được yêu chính là nhu cầu tình cảm cơ bản nhất của con người. Với tình yêu, chúng ta có thể trèo đèo lội suối, vượt qua những gian khó tưởng chừng không gì có thể khắc phục.
Trong cuộc sống, từ "yêu" được sử dụng theo hàng trăm cách khác nhau. Yêu đất nước, yêu mẹ cha, yêu anh em; yêu công việc, yêu muông thú, yêu cây cảnh… Không những thế, chúng ta còn dùng từ "yêu" để lý giải rất nhiều hành vi của mình. Chẳng hạn, nhiều bậc cha mẹ cho rằng chiều theo sở thích của con chính là biểu hiện của tình yêu, nhưng ngược lại, nhiều người lại cho hành vi ấy là việc làm hư con cái. Thế thì hành vi yêu thương là gì?
Cuốn sách này được viết ra không nhằm cắt nghĩa sự phức tạp của từ "yêu" mà là để tập trung làm rõ vai trò thiết yếu của tình yêu đối với đời sống tình cảm của con người. Các chuyên gia tâm lý về trẻ em khẳng định rằng để đời sống tình cảm của một đứa trẻ phát triển ổn định, cần đáp ứng tốt những nhu cầu tình cảm cơ bản nhất của bé. Trong số những nhu cầu tình cảm đó, không có nhu cầu nào quan trọng bằng nhu cầu được yêu thương và được mọi người trân trọng. Khi lớn lên trong tình thương, đứa trẻ sẽ trở thành một công dân có trách nhiệm; ngược lại, đứa trẻ ấy sẽ bị khiếm khuyết trong đời sống tình cảm và giao tiếp xã hội nếu nó phải sống trong sự ghẻ lạnh, thiếu thốn tình thương.
Ngay từ lần đầu tiên được nghe bài giảng của giáo sư Ross Campbell, một chuyên gia tâm thần học chuyên điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên, tôi đã rất thích cách ví von của bà rằng: "Trong mỗi đứa trẻ luôn có một "khoang tình yêu" cần được đong đầy. Khi một đứa trẻ thật sự cảm thấy được yêu thương, nó sẽ phát triển bình thường. Ngược lại, khi "khoang tình yêu" bị rỗng, đứa trẻ ấy sẽ có những hành vi sai lệch. Phần lớn những hành vi sai lệch của trẻ đều là do chúng cảm thấy sự trống rỗng trong "khoang tình yêu" của mình". Lời nói của bà làm tôi nhớ đến hàng trăm bậc phụ huynh từng than phiền với tôi về những hành vi kỳ quặc của con họ. Tôi chưa từng hình dung xem cái "khoang tình yêu" trong mỗi đứa trẻ ấy ra sao, nhưng tôi biết rất rõ một điều rằng những hành vi sai lệch của trẻ chính là một hình thức tự tìm kiếm tình yêu thương mà chúng thiếu thốn nhưng lại không được chỉ dẫn đúng đắn.
Tôi còn nhớ trường hợp của cô bé Ashley, mới mười ba tuổi cô bé đã bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bố mẹ của Ashley hụt hẫng và tức giận. Thậm chí, họ còn đổ lỗi cho việc dạy dỗ của nhà trường. "Tại sao nó lại làm như thế kia chứ?"
– Họ không ngừng thắc mắc.
Khi trò chuyện với tôi, Ashley đã kể về cuộc ly hôn của bố mẹ khi em lên sáu. Cô bé nói: "Cháu nghĩ bố cháu bỏ đi vì ông ấy không yêu cháu. Khi cháu lên mười thì mẹ cháu tái hôn. Lúc đó, cháu cảm thấy mẹ đã có một người yêu thương mẹ, trong khi cháu chẳng có ai yêu thương cả. Cháu khát khao được yêu thương. Cháu đã gặp anh ấy trong trường. Anh ấy lớn hơn cháu vài tuổi và thích cháu. Cháu không thể nào tin được điều đó. Anh ấy rất tử tế với cháu, chẳng mấy chốc cháu cảm thấy anh ấy yêu mình thực sự. Cháu không muốn quan hệ với anh ấy, nhưng cháu muốn được yêu thương".
Có thể nói, "khoang tình yêu" của Ashley đã bị rỗng trong nhiều năm. Mẹ và bố dượng chỉ chăm sóc cô bé về thể chất mà quên mất đời sống tâm hồn của em. Dĩ nhiên họ yêu quý Ashley và nghĩ rằng cô bé cảm nhận được tình thương đó. Mãi cho đến lúc này, họ mới chợt nhận ra rằng họ không hề sử dụng đúng thứ ngôn ngữ tình yêu mà Ashley có thể hiểu.
Nhu cầu được yêu thương không chỉ là nhu cầu thiết yếu đối với lứa tuổi thiếu niên mà nhu cầu đó còn theo chúng ta đến suốt cuộc đời và đặc biệt trải rộng trong đời sống hôn nhân. Những cảm xúc "đang yêu" chỉ tạm thời đáp ứng được nhu cầu đó và đóng vai trò như một "giải pháp nhanh", bởi cảm xúc này là có giới hạn và dễ dàng tan biến. Sau khi đã trải qua cảm giác thăng hoa, choáng ngợp trong tình yêu, nhu cầu được yêu thương lại trỗi dậy vì đó là nhu cầu cơ bản của con người.
Mới đây, một người đàn ông chia sẻ với tôi rằng: "Thật vô vị khi tôi có nhà cao cửa rộng, có xe hạng sang, đi nước ngoài như đi chợ, nhưng trong gia đình, tôi lại chẳng thể nào có được tình yêu của vợ mình". Nói thế để thấy, rõ ràng, vật chất chẳng thể nào thay thế được tình yêu con người. Trong khi đó, một người phụ nữ khác lại bộc bạch: "Anh ta bỏ rơi tôi suốt ngày nhưng tối đến thì lại đòi hỏi này nọ… thật đáng chán!". Chẳng phải do người vợ lãnh đạm mà bởi cô tha thiết được đón nhận sự quan tâm, sẻ chia của người bạn đời mỗi ngày.
Có thể nói, trong tận sâu thẳm tâm hồn mỗi người đều mang theo khát khao yêu và được yêu. Không gì hủy hoại tinh thần một con người bằng sự cô độc. Hôn nhân được tạo nên là để gắn kết con người lại với nhau. Đó cũng là lý do vì sao người ta xem "vợ chồng tuy hai nhưng là một". Điều đó không có nghĩa rằng mỗi người phải từ bỏ cá tính của mình, mà đơn giản là giữa họ cần có sự thấu hiểu và hòa hợp để sống trong yêu thương, san sẻ.
Thế nhưng, nếu tình yêu có vai trò vô cùng quan trọng thì đồng thời cũng lại rất mong manh. Tôi từng lắng nghe nhiều cặp vợ chồng chia sẻ những nỗi đau thầm kín của họ. Có những đôi đến gặp tôi vì cảm thấy nỗi đau ấy ngày càng không thể chịu đựng được nữa. Có những đôi lại tìm đến tư vấn vì cho rằng hành vi của người bạn đời đang hủy hoại cuộc hôn nhân của họ. Cũng có những đôi đến chỉ để nói rằng họ không còn muốn sống chung với nhau nữa. Ước nguyện "trọn đời bên nhau" bỗng chốc đổ vỡ khi họ đụng phải bức tường lạnh lẽo của thực tế. Không ít lần tôi từng nghe những câu đại loại như "Tình yêu của chúng tôi khô héo thật rồi. Chúng tôi từng hết sức gắn bó với nhau, nhưng giờ đây thì hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi không còn tìm thấy niềm vui và sự thú vị khi ở bên nhau nữa. Chúng tôi cũng không còn đáp ứng được nhu cầu của nhau…". Những câu chuyện của họ cho thấy cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có những "khoang tình yêu" cần được đong đầy.
Phải chăng tận sâu trong lòng những đôi vợ chồng rạn nứt ấy luôn tồn tại một "khoang tình yêu" vô hình đang chực chờ rơi vào trống rỗng? Phải chăng, những hành vi lệch lạc, sự phai nhạt trong tình cảm, những lời chỉ trích tàn nhẫn là do tình trạng trống rỗng ấy gây ra? Liệu họ có thể chia sẻ và giải quyết mâu thuẫn khi thoát khỏi tình trạng trống rỗng ấy hay không? Và phải chăng khoảng trống cần lấp đầy ấy chính là chìa khóa gìn giữ hôn nhân hạnh phúc?
Những câu hỏi đó đã thúc giục tôi đi tìm kiếm cho mình một lời giải đáp, để từ đó khám phá ra một điều rất giản dị nhưng có giá trị tác động mạnh mẽ. Một hành trình đã đưa tôi đi không chỉ hơn ba mươi năm trong vai trò tư vấn hôn nhân mà còn đến với hàng trăm ngàn cặp vợ chồng trên khắp nước Mỹ. Những mẩu chuyện minh họa được dùng trong quyển sách này được chắt lọc từ các câu chuyện có thật mà tôi từng trực tiếp tư vấn. Chỉ có tên gọi và địa danh là được thay đổi để giữ sự riêng tư cho nhân vật.
Hy vọng những gì tôi sắp trình bày dưới đây sẽ gợi mở trong bạn những hướng đi tích cực trong việc vun đắp hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, trước khi khám phá năm ngôn ngữ tình yêu cơ bản, chúng ta cần đề cập đến một hiện tượng quan trọng, dễ gây rắc rối đối với nhiều người, đó là hiện tượng "phải lòng" một ai đó.