Không hẹn trước, Janice xuất hiện tại văn phòng tôi và xin thư ký cho gặp tôi chốc lát. Tôi biết Janice mười tám năm nay. Cô ấy ba mươi sáu tuổi và chưa kết hôn. Janice từng hẹn hò với vài người đàn ông, có người đến 6 năm, có người 3 năm, còn những người khác thì trong khoảng thời gian ngắn hơn. Cứ mỗi lần như thế, cô ấy lại đến gặp tôi để được tư vấn. Janice vốn là một cô gái nguyên tắc, lý trí, chu đáo, ngăn nắp, và biết quan tâm đến mọi người. Rõ ràng, việc cô ấy đến gặp tôi mà không báo trước không giống với tính cách của cô ấy. "Hẳn đã có chuyện gì không bình thường xảy ra với Janice"- Tôi thầm nghĩ. Tôi bảo thư ký mời Janice vào, trong lòng chắc mẩm sẽ nhìn thấy một gương mặt đầy nước mắt và nghe một câu chuyện tình bi đát của cô ấy. Nhưng không, Janice ào vào phòng tôi với nét mặt rạng ngời, đầy phấn khích.
- Hôm nay cô thế nào, Janice? – Tôi hỏi.
- Tuyệt lắm thưa giáo sư. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc đời đẹp thế. Tôi sắp lấy chồng rồi!
- Thật sao? – Tôi thật sự ngạc nhiên. – Lấy ai? Mà khi nào kia chứ?
- David Gallespie, tháng Chín tới. – Janice hào hứng đáp.
- Tuyệt quá! Thế cô quen anh ta bao lâu rồi?
- Ba tuần. Tôi biết chuyện này có vẻ khá bất ngờ, nhất là sau khi tôi đã quen không biết bao nhiêu người và suýt cưới không biết bao lần. Bản thân tôi dường như cũng không thể tin vào chuyện này nữa; nhưng tôi cảm thấy David mới chính là nửa còn lại của mình giáo sư Chapman ạ. Ngay từ lần hẹn hò đầu tiên, chúng tôi đã biết như thế. Dĩ nhiên chúng tôi không bàn đến chuyện cưới xin ngay tối hôm đầu tiên. Nhưng một tuần sau đó, anh ấy đã cầu hôn tôi. Tôi biết anh ấy sẽ làm thế, cũng như tôi biết mình sẽ nhận lời. Chưa bao giờ tôi cảm thấy như thế này cả, thưa giáo sư. Hơn ai hết, ông là người biết rất rõ những mối quan hệ trước kia của tôi cũng như những khó khăn tôi từng gặp phải trong tình cảm. Mối tình nào của tôi cũng có vấn đề. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thanh thản khi nghĩ đến chuyện cưới hỏi với họ, nhưng với David thì khác.
Vừa nói, Janice vừa đung đưa chiếc ghế và cười khúc khích:
- Tôi biết, chuyện này nghe thật điên, nhưng tôi hạnh phúc lắm. Chưa bao giờ tôi hạnh phúc đến thế.
Chuyện gì đã xảy ra với Janice? Đúng là cô ấy đang yêu. Trong tâm trí của Janice, David là người đàn ông tuyệt vời nhất mà cô từng gặp. Anh ta hoàn hảo về mọi phương diện và hứa hẹn sẽ là một người chồng lý tưởng. Janice không ngừng nghĩ về anh ta. Thực tế là David từng lập gia đình hai lần, có ba con và chuyển việc ba lần trong năm qua, nhưng điều đó chẳng hề khiến Janice bận tâm. Cô ấy hạnh phúc và tin rằng mình sẽ hạnh phúc mãi mãi bên David. Janice đang sống trong "tiếng sét ái tình".
Có thể nói, tình yêu là động lực chính khiến phần lớn chúng ta quyết định đi đến hôn nhân. Tình cờ, bạn gặp một người cực kỳ hấp dẫn, cả về ngoại hình lẫn tính cách, thế là hệ thống tình cảm trong bạn bắt đầu phát tín hiệu. Bạn bắt đầu mong muốn được biết nhiều hơn về người đó. Đầu tiên có thể dừng lại ở việc cùng chia nhau cái bánh, mời nhau ly kem… mặc cho chiếc bánh hay ly kem đó ngon hay dở. Đây là giai đoạn bắt đầu hành trình khám phá tình yêu. Tâm trí bạn sẽ tràn ngập những câu hỏi đại loại như "Liệu cảm giác ấm áp, rộn ràng mà mình đang cảm nhận này có thật hay không?".
Sau lần hẹn hò đầu tiên, đôi khi cảm giác rộn ràng ấy chợt tan biến, bạn nhận ra rằng người ấy chẳng có gì thú vị cả. Nhưng cũng có khi, cảm giác ấy lại trở nên mãnh liệt hơn, bạn tha thiết được gặp lại người ấy. Và chẳng mấy chốc, mức độ say đắm của tình cảm gia tăng đến một điểm mà bạn bắt đầu cảm thấy "hình như mình đang yêu". Cuối cùng, bạn tin đó là sự thật và bắt đầu thổ lộ điều ấp ủ của bản thân với đối tượng, hy vọng tìm được sự hưởng ứng. Nếu đối tượng không có được những rung động như bạn, cảm xúc trong bạn sẽ nguội đi đôi chút, và bạn sẽ phải nỗ lực hơn nữa để có thể chiếm được tình yêu của đối phương. Ngược lại, nếu đối tượng cũng có những rung động tương tự như bạn, cả hai sẽ tiến tới và bắt đầu nghĩ đến hôn nhân.
Tại đỉnh cao tình cảm, trải nghiệm cảm xúc của người đang yêu thường mơ màng, lãng đãng. Họ chiếm ngự tình cảm của nhau. Họ nghĩ đến nhau trong từng miếng ăn, giấc ngủ. Lúc nào họ cũng chỉ nghĩ về nhau và luôn mong ngóng được gần bên nhau. Khi bên nhau, cuộc sống của họ bỗng hóa thiên đường, đất trời như hòa quyện làm một. Họ có thể hôn nhau hàng giờ nếu không phải đến trường hay đi làm. Những vòng tay âu yếm đưa họ đến với giấc mơ hôn nhân ngọt ngào và một hạnh phúc tròn đầy, viên mãn.
Những người đang yêu thường có ảo tưởng rằng người mình yêu thật hoàn hảo. Trong khi bạn bè, người thân có thể nhìn thấy rất rõ khuyết điểm ở người ấy thì chỉ có họ là người duy nhất không nhìn thấy. Với họ, "người ấy" là biểu tượng của sự hoàn hảo; còn việc người khác nghĩ gì là điều không quan trọng.
Những ước mơ tiền hôn nhân bao giờ cũng ngập tràn hạnh phúc. "Chúng tôi thực sự yêu nhau và muốn đem lại hạnh phúc cho nhau. Những cặp vợ chồng khác có thể bất đồng, xung đột, nhưng chúng tôi thì không". Phải, đó chính là điều mà bất kỳ cặp uyên ương nào cũng tự tin khẳng định. Họ cho rằng cả hai sẽ cùng nhau trao đổi những khác biệt, sẽ nhường nhịn nhau và sẽ đạt được thỏa thuận chung. Thật khó mà nghĩ khác đi được khi cả hai đang yêu!
Khi yêu, người ta còn tin chắc chắn một điều rằng, tình yêu ấy sẽ sống mãi nếu đó là tình yêu chân chính; rằng những cảm xúc tuyệt vời của hiện tại sẽ không bao giờ phai nhạt, không gì có thể chia cắt lứa đôi. Họ say mê vẻ đẹp và sự quyến rũ của người yêu. Mặc cho sự đổ vỡ của rất nhiều cặp vợ chồng khác, họ vẫn vững tin vào tình yêu và cho rằng mình là một ngoại lệ.
Nhưng thực tế cho thấy, cảm xúc đắm say khi phải lòng một ai đó chỉ có thể bất diệt trong tiểu thuyết. Giáo sư tâm lý học Dorothy Tennov đã tiến hành những cuộc nghiên cứu đa diện về hiện tượng "phải lòng" trong tình yêu. Kết quả cho thấy, tuổi thọ trung bình của sự say mê đầy lãng mạn này là hai năm. Nếu đó là một chuyện tình bí mật thì có thể kéo dài hơn đôi chút. Nhưng cuối cùng tất cả đều phải đối diện với thực tế. Họ sẽ nhận ra những khuyết điểm ở người mình yêu, thậm chí bắt đầu bực bội với những khuyết điểm ấy. Ví dụ như: "hành vi cử chỉ của cô ấy thật là khó coi"; hay "anh ta chỉ giỏi nóng tính và làm cho người khác tổn thương"… Những nhược điểm mà họ sẵn sàng bỏ qua trong thời kỳ yêu đương say đắm bỗng hiện ra sừng sững như núi. Họ bắt đầu nhớ đến những lời nhận xét của người thân, bạn bè để rồi tự trách bản thân rằng "mình dại dột".
Đó cũng là lúc những xung đột trong cuộc sống hôn nhân xuất hiện. Họ bắt đầu cãi nhau chỉ vì chiếc khăn đặt sai chỗ, âm thanh ti-vi quá lớn, sàn nhà vương vãi tàn thuốc, chồng chén bừa bộn trong bồn rửa… Cuộc sống bỗng trở nên đầy những thứ nằm sai trật tự vốn có của nó. Ngay cả một ánh mắt, một câu nói không đúng chỗ của người này cũng có thể làm người kia bị tổn thương… Tình yêu vốn có trước kia nay trở thành sự ràng buộc, còn hôn nhân chẳng khác nào địa ngục trần gian.
Vậy những ngày yêu nhau lãng mạn đã trôi tận đâu? Tình yêu giữa họ trước đó liệu có thật chăng? Câu trả lời là: tất cả đều do nhận thức sai lệch của họ về tình yêu. Cảm xúc say đắm khi yêu nhau không kéo dài mãi mãi. Một quan sát cho thấy, nếu để tâm trí cuốn theo những cảm xúc đắm say khi phải lòng một ai đó, người ta sẽ khó có thể tập trung hiệu quả vào bất cứ việc gì khác.
Khi yêu, người ta thường cảm thấy bản thân thuộc về người mình yêu. Họ có một niềm tin to lớn rằng mình có thể chế ngự được mọi khó khăn. Họ trở nên vị tha với người mình yêu. Ảo tưởng về tình yêu khiến họ sẵn sàng hy sinh tất cả miễn sao đối phương được hạnh phúc. Họ làm tất cả những điều đó đồng thời cho rằng đối phương cũng có cảm nhận tương tự về họ và sẵn sàng quên mình vì họ, không bao giờ khiến họ tổn thương.
Lối suy nghĩ ấy đầy ảo tưởng và khác xa thực tế. Sở dĩ như vậy là vì họ không nhận thức được rằng con người mang bản chất tự kỷ trung tâm, nghĩa là luôn xem mình là trung tâm của vũ trụ. Chẳng ai có thể hoàn toàn vị tha trong cuộc sống cả. Chính ảo tưởng tình yêu đã đưa lại cho họ cảm giác đó.
Khi đã tiến đến giới hạn trung bình là hai năm, người ta thường quay trở về thực tại và bắt đầu đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Chàng bắt đầu thổ lộ những mong muốn riêng của mình. Chàng đòi hỏi chuyện chăn gối trong khi nàng lại cảm thấy mệt mỏi. Chàng muốn mua một chiếc xe mới trong khi nàng lại cho là "không cần thiết". Chàng muốn tham gia giải tennis giao hữu nhưng nàng lại trách "Anh mê tennis hơn em!". Hay ngược lại, nàng muốn về thăm cha mẹ nhưng chàng lại cho đó là việc tốn thời gian… Dần dần, những ảo tưởng của họ về nhau tan biến, thay vào đó là những ước muốn, tình cảm, suy nghĩ và hành vi cá nhân của mỗi người. Chàng và nàng là hai con người khác nhau. Và giờ đây, những sóng gió thực tế bắt đầu chia cắt hai bên. Họ thôi say mê nhau, thu mình lại, chia tay nhau, ly hôn và ra đi để tìm một cảm giác yêu đương mới hoặc bắt đầu nỗ lực học cách yêu nhau mà không quá kỳ vọng về nhau.
Theo một số nhà nghiên cứu, trong đó có nhà tâm thần học M. Scott Peck và chuyên gia tâm lý Dorothy Tennov cho rằng cảm xúc say mê khi phải lòng ai đó không nên xem là "tình yêu đích thực" vì ba lý do sau:
Thứ nhất, "phải lòng" là một trạng thái cảm xúc không phụ thuộc vào nguyện vọng bản thân cũng như không phải là một sự lựa chọn có ý thức. Cho dù bạn có muốn phải lòng một ai đó cách mấy chăng nữa, cũng không thể làm được điều đó theo ý muốn. Ngược lại, dù không muốn, bạn cũng không thể tránh khỏi khi cảm xúc ập đến. Thông thường, chúng ta thường phải lòng người khác vào những thời điểm ngoài dự tính và với những người mà chúng ta không hề nghĩ đến.
Thứ hai, vấn đề "phải lòng" một ai đó không được xem là tình yêu đích thực vì nó không hề đòi hỏi một nỗ lực nào cả. Mọi điều chúng ta làm trong giai đoạn say mê này gần như không có nguyên tắc hoặc nỗ lực có ý thức nào hết. Những cuộc điện thoại hàng giờ, những hành trình tốn kém để gặp được nhau, những món quà tặng… tất cả những việc lạ lùng, bất thường mà chúng ta làm chính là do bản chất của hiện tượng "phải lòng" tạo nên, điều này cũng giống như bản năng của loài chim là làm tổ.
Thứ ba, khi "phải lòng" một ai đó, thường ta không thật sự chú tâm đến việc nuôi dưỡng sự phát triển cá nhân của họ. Mục đích duy nhất ta có được lúc này là chấm dứt sự cô độc và mong ước tiến đến hôn nhân. Nó không hề nhằm vào việc hoàn thiện bản thân cũng như người mình yêu mà chỉ cho ta cảm giác đã về đích, và do đó cả hai không cần phát triển gì thêm nữa. Tất cả như thế là quá tuyệt vời rồi, không cần thay đổi gì thêm.
Vậy nếu "phải lòng" không phải là tình yêu đích thực, thế thì đó là gì? Giáo sư Peck cho rằng: "Đó là một yếu tố thuộc về bản năng kết đôi do gen di truyền quyết định. Nói một cách khác, việc phá vỡ tạm thời các giới hạn của cái tôi cá nhân giúp tạo nên hiện tượng "phải lòng" thể hiện sự hưởng ứng đã được khuôn định của con người đối với ham muốn tình dục nội tại và các tác nhân kích thích bên ngoài, nó giúp gia tăng khả năng kết đôi và quan hệ tình dục nhằm duy trì giống nòi".
Cho dù đồng tình hay không đồng tình với quan điểm trên thì một trong những điều chúng ta có thể công nhận cùng nhau là hiện tượng "phải lòng" trong tình yêu khiến người ta lao vào một quỹ đạo cảm xúc khác thường, chưa từng có. Nó khiến người ta trở nên mù quáng và sẵn sàng nói hoặc làm những việc mà họ sẽ không bao giờ làm
khi tỉnh táo. Và trong thực tế, sau đó người ta thường tự hỏi tại sao mình lại làm như vậy. Khi những cơn sóng tình cảm lắng dịu, trở về với cuộc sống thực tại, rất nhiều người trong số họ đã tự hỏi: "Tại sao mình lại lấy anh ấy/cô ấy trong khi cả hai chẳng có điểm gì chung?".
Thế thì, liệu có phải một khi đã bị ảo ảnh tình yêu đưa đẩy vào cuộc sống hôn nhân, chúng ta chỉ có hai lựa chọn: một là sống nốt cuộc đời đầy trái ngang với người bạn đời định mệnh, hai là chia tay và làm lại từ đầu?
Ngày nay, người ta thường có xu hướng chọn giải pháp thứ hai. Đó cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ly hôn trong xã hội ngày càng gia tăng, kéo theo đó là những hệ lụy tất yếu từ sự đổ vỡ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, có một chọn lựa thứ ba tốt hơn hẳn. Đó là: nhận biết cảm xúc say đắm nhất thời trước hiện tượng "phải lòng" và tiếp tục tìm kiếm "tình yêu đích thực" với người bạn đời của mình. Đây là một kiểu tình yêu đắm say nhưng không mù quáng. Ở đó là sự kết hợp giữa lý trí và tình cảm. Nó đòi hỏi một ý chí thật sự, các chuẩn mực nhất định và nhìn nhận nhu cầu phát triển của cá nhân người bạn đời. Nhu cầu tình cảm cơ bản nhất của chúng ta không phải là rơi vào tình huống "phải lòng" với một ai đó, mà là được một ai đó yêu thương thật sự, được trải nghiệm một tình yêu xuất phát từ sự sẻ chia, và quyết định kết đôi xuất phát từ sự chọn lựa rõ rệt chứ không phải do bản năng quyết định. Nghĩa là, bạn phải được yêu vì người đó chọn yêu bạn và nhìn thấy ở bạn những giá trị xứng đáng với tình yêu đó.
Tình yêu đó đòi hỏi nhiều nỗ lực và các nguyên tắc riêng của nó. Đó là sự chọn lựa cống hiến thời gian và công sức của bạn cho một ai đó để cuộc sống của họ thêm phong phú, qua đó bản thân bạn cũng cảm thấy thỏa mãn vì đã yêu và được yêu. Tình yêu đó không nhất thiết đòi hỏi cảm giác mơ màng, đắm say. Trong thực tế, tình yêu đích thực không thể bắt đầu khi sự "phải lòng" chưa hoàn thành vòng đời của nó.
Khi chìm đắm trong cảm xúc say mê, bạn có thể rộng lượng một cách mù quáng. Nhưng một khi đã trở về với cuộc sống đời thường, nếu bạn vẫn lựa chọn lối ứng xử rộng lượng, chân thành ấy, thì đó chính là lúc bạn đã tìm thấy tình yêu đích thực của mình. Khi thật sự có thiện chí, biết vun đắp cho hạnh phúc, chắc chắn tình cảm của bạn sẽ đơm hoa kết trái. Tình yêu ấy bắt đầu từ cách suy nghĩ: "Anh lấy em và anh đã chọn cách sống luôn quan tâm đến sở thích của em". Khi có được điều đó, bạn sẽ biết phải làm gì để thể hiện tình cảm của bản thân.
Hẳn bạn sẽ hỏi ngay, thế thì những nụ hôn nồng cháy, cảm giác hồi hộp, mong chờ, những xuyến xao, sự hưng phấn của thể xác… là gì? Và cả cảm giác bình yên khi ở bên nhau nữa? Đó chính là tất cả những gì mà quyển sách này muốn đề cập đến: Làm thế nào có thể đáp ứng nhu cầu tình cảm sâu xa nhất của nhau và để cảm thấy mình luôn được yêu thương? Nếu bạn nắm vững các bí quyết và áp dụng chúng một cách nghiêm túc, chắc chắn tình yêu mà bạn có được sẽ vô cùng thú vị.
Một khi "khoang tình yêu" của đối phương được chăm chút đong đầy, họ sẽ cảm thấy bình yên khi sống trong tình yêu của bạn. Đó cũng là lúc thế giới xung quanh họ trở nên tươi sáng hơn, họ sẽ phát huy hết tiềm năng của bản thân trong cuộc sống. Ngược lại, nếu "khoang tình yêu" ấy bị bỏ quên, cuộc sống của họ sẽ trở nên đen tối, và họ sẽ chẳng bao giờ phát huy hết được tiềm năng của bản thân.
Tiếp theo, mời bạn hãy cùng tôi tìm hiểu năm ngôn ngữ trong tình yêu. Sau đó, chúng ta sẽ đi vào khám phá ngôn ngữ tình yêu mà người bạn đời của bạn đang sử dụng nhằm giúp bạn phát huy tối đa những nỗ lực trong tình yêu của mình.