Như một kết quả tất yếu của việc thiếu khả năng nhận thức và quản lý cảm xúc, chúng ta đã biến tình yêu thương thành một cuộc ngã giá kinh doanh (Tôi yêu em nếu em yêu tôi), biến hạnh phúc thành cái đạt được, giành được (Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi có…) và biến nước mắt u buồn thành trải nghiệm loại bỏ cảm giác tổn thương ẩn sâu trong tiềm thức mà chúng ta thường lầm lẫn với niềm vui (cảm động đến phát khóc vì phim). Sau đó, chúng ta khai sinh ra nỗi giận dữ và nỗi sợ hãi khi a) tình yêu không được đền đáp lại; b) khi những gì ta kỳ vọng và mong muốn lại không xuất hiện; hoặc c) khi bộ phim thật chán. Và rồi ta tự hỏi tại sao mình đớn đau!
Đúng là TẤT CẢ chúng ta đều “kém cỏi” khi hàng ngày chúng ta kế thừa và hấp thu, chuyển giao và khẳng định cùng một chuyện hoang đường, ảo tưởng. Nếu không phản ứng một cách giận dữ, không tranh luận với cái vẻ lấm lét, lo sợ và phản ứng đầy đau khổ, mọi người bắt đầu nhìn vào ta như thể ta từ một hành tinh xa lạ nào đó đến.
Việc nhìn ra sự thật ẩn sau ảo tưởng có thể dẫn đến khoảnh khắc AhA! - khoảnh khắc Eureka, một sự chuyển biến trong nhận thức. Sự chuyển biến này làm xáo trộn những niềm tin tiếp nhận từ bên ngoài, mở lối cho phép sự thật định hình nên cách bạn nhận thức/nhìn/cảm nhận, như câu nói bất hủ “Sự thật sẽ đưa ta đến tự do”.
Mong bạn sẽ nhìn ra điều gì ẩn chứa sau tấm màn ảo tưởng, thấy được sự thật giúp xua tan những ảo giác mê mờ, và làm biến mất tất cả những mối hoang mang, lầm tưởng.
1. Đau đớn bị lầm tưởng là sự Thú vị
Mặc dù thật khó tin, nhưng thực tế mọi người tin rằng đau đớn là điều thú vị, hoặc đau đớn là một sự thỏa mãn, nếu không muốn nói đó là điều tuyệt vời. hầu hết chúng ta đã được dạy và tin rằng những cảm xúc - như giận dữ, sợ hãi và nỗi buồn - là lành mạnh và bình thường, rằng ta có thể đưa ra lý do chính đáng cho cơn giận của mình. Khi chúng ta tạo ra những cảm xúc này để ứng phó với các sự kiện, tình huống hoặc con người, chúng kích thích việc sản sinh những hợp chất hóa học “làm phấn chấn, hưng phấn” trong cơ thể, gieo “ảo tưởng” về sự tỉnh táo, nhạy bén và theo đó là khả năng sáng tạo hơn và sức mạnh gia tăng. Có vẻ như những hợp chất làm phấn chấn này mang lại cảm giác thú vị, tuyệt vời.
Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Những xúc cảm này là dấu hiệu thể hiện sự yếu đuối. Như khoa học đã nghiên cứu và chứng minh, nếu vẫn tiếp tục được tạo ra, chúng sẽ hủy hoại cơ thể ta. Chúng ta gọi đây là yếu tố gây căng thẳng thần kinh, mà căng thẳng và lo lắng được chứng minh là sẽ dẫn đến chứng đau đầu, lở loét, ung nhọt; sợ hãi và giận dữ góp phần gia tăng cơn đau tim và bệnh cao huyết áp. Đó chỉ là một vài hậu quả của “căng thẳng thần kinh” xuất phát từ những cảm xúc của chúng ta.
Chúng ta được sinh ra trong một thế giới mà mọi người đều chấp nhận và dạy ta rằng sợ hãi và giận dữ là những trải nghiệm tự nhiên, cần thiết trong tất cả các mối quan hệ. Chính niềm tin phổ biến cho rằng “cảm xúc” là lành mạnh đã cho ta một lý do thật tiện lợi để không tìm hiểu và thay đổi điều này. Chúng ta biện hộ là do được những bậc tiền nhân đi trước chỉ dạy lại. Chúng ta bắt chước theo họ, trước hết là nếp nghĩ trong đầu, rồi sau đó thể hiện qua hành động của mình.
Nhưng những cảm xúc này hiển nhiên không thoải mái chút nào. Sau khi chúng qua đi, ta có cảm giác được giải thoát như thể hạnh phúc đang quay về. Nhưng niềm hạnh phúc ấy không thật, chỉ là sự giải thoát khỏi cơn stress do chính mình tạo ra. Mà stress (cảm xúc sợ hãi, giận dữ và buồn chán) chỉ đơn giản là bức thông điệp cảnh báo rằng có điều gì đó bạn cần thay đổi, có điều gì đó mất cân bằng, không hài hòa trong bạn. Vì vậy, điều đầu tiên cần thay đổi là niềm tin rằng người khác khiến cho bạn tức giận hay khiếp sợ, rằng họ đang làm bạn bị stress. Không, không phải do họ! Đây là tin tức tốt lành, nghĩa là bạn có thể thay đổi cái điều mà nhiều người tin là nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Điều thứ hai cần được thay đổi là niềm tin có thể kiểm soát thế giới và con người ngoài kia. Đó là điều không thể làm được! Điều thứ ba cần được thay đổi là niềm tin rằng người khác chịu trách nhiệm cho niềm hạnh phúc của bạn. Sự thật không phải như vậy. Sự thật là: Tất cả những điều đó là công việc của nội tâm mỗi chúng ta!
NIỀM VUI THÍCH hiện diện khi bạn biết mình là ai và bạn chấp nhận cuộc sống như nó vốn hiện hữu. Khi đó, bạn không còn cần phải giả vờ là người nào đó vốn không phải là bạn, bạn không còn cố kiểm soát bất kỳ ai hoặc cố đạt được điều gì đó để có được cái bạn vốn dĩ đã có rồi!
Tôi quá xúc động!
Đó là câu chúng ta thường nói khi có điều gì đó hoặc ai đó làm ta xúc động. “Thật cảm động!” là câu nói ta thường được nghe sau lễ tang, sau bộ phim, sau những lời thú nhận với nhau hoặc khi đứng trước cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Dường như chúng có thể khiến ta rơi nước mắt hoặc bật cười vì vui sướng, dẫn dắt ta vào tình trạng bị “cảm xúc” lấn lướt. Nhìn từ khía cạnh tâm linh thì bạn chính là tâm hồn, còn tất cả chỉ là sự đam mê về cảm xúc. Đó là dấu hiệu của sự yếu đuối trong nội tâm ta. Tại sao? Bởi vì hiện giờ “bạn” không đang tự “lay động”, mà bạn đang cho phép điều gì đó hay ai đó bên ngoài “lay động” bạn. Bạn rước “họ” vào, đặt “họ” lên màn hình tâm trí, đồng hóa mình với “họ” và đánh mất bản thân. Vì vậy, đây không phải là một trải nghiệm tiếp thêm sức mạnh nội tâm cho bạn. Trái lại, đó là dấu hiệu cho biết bạn vẫn đang lệ thuộc. Giờ có lẽ bạn đang nghĩ “Ôi, chẳng điều gì ngoài kia có thể lay động được tôi sao? Không gì lay động được tôi, sống vậy có cô lập, khắc nghiệt, lạnh lùng quá không?”. Không, thật ra bạn vẫn quan sát, vẫn xem xét, vẫn quý trọng cái hay, cái đẹp, nhưng thay vì dễ xúc động - nghĩa là tiếp nhận sự tác động từ nó - thì bạn hãy trao đi sự trân trọng của bạn. Khi trân trọng điều bạn nhìn thấy, bạn đang trải rộng năng lượng yêu thương, chúc phúc, hoan nghênh “chúng”. Đây là biểu hiện của tình thương trong hành động. Bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh của tình yêu thương, sức mạnh của bạn, đang lay động bạn. Một lần nữa, bạn lại làm chủ cuộc đời mình bởi vì bạn là yêu thương. Vậy, bạn được lay động hay bạn là người lay động?
2. Sự Kích thích bị lầm tưởng với Thư giãn
Kết thúc một ngày làm việc bận rộn, bạn về đến nhà và cảm thấy đến lúc thư giãn. Sau khi thở một hơi dài tống khứ ra ngoài mọi mệt mỏi, bạn gác chân lên chiếc bàn đặt trước ti-vi, và chuyển động duy nhất trong suốt mấy tiếng đồng hồ sau sẽ là trò “múa” ngón trỏ trên chiếc điều khiển ti-vi. Đêm ấy có trình chiếu bộ phim Rambo iii với 90 phút nghẹt thở, căng thẳng, cảnh tượng kinh hoàng, khiếp sợ, đầy lòng thù hận, bạo lực và đôi khi máu văng tung tóe. Thế bạn có đang thật sự thư giãn không? hay đang bị kích động? Vậy đó là thư giãn hay kích động?
Chúng ta tin rằng trải qua thời gian trước màn hình vô tuyến hoặc đi xem phim là cách tốt để thư giãn. Song đó không phải là thư giãn, đó là sự kích thích. Khi sử dụng năng lượng tâm trí để xử lý năng lượng đến qua mắt và tai, bạn đang làm cạn kiệt sức mạnh của mình. Những nhân vật, tình tiết cảm động “trên màn ảnh” xuất hiện, cuốn lấy sự chú ý của bạn, lôi bạn vào cuộc và bạn bắt đầu tạo ra trạng thái cảm xúc y như họ, mặc dù cường độ có kém hơn.
Hãy quan sát tâm trạng của bạn khi đó. Bạn thấy mình đang bị “mắc kẹt” vào vở kịch, bộ phim, và bắt đầu sống theo nhân vật ấy. họ hào hứng, bạn cũng hào hứng. họ buồn bã, bạn cũng chán chường. Ngành công nghiệp giải trí tồn tại dựa trên việc bạn “đầu hàng” ý thức và theo đó là cuộc đời mình (ít nhất vài tiếng) trước những nhân vật họ tạo ra. họ thao túng bạn thông qua tâm trí, như thể bạn cho phép họ suy nghĩ và cảm nhận thay cho bạn. Thậm chí bạn còn trả tiền cho họ vì điều đó!
Bạn tạo ra và lấp đầy ý thức cũng như tiềm thức của mình bằng năng lượng tiêu cực, không lành mạnh (thể hiện qua lời nói và hình ảnh); rồi khi trở lại hiện thực, bạn tự hỏi tại sao bạn không thể lạc quan, tích cực hơn. Dù bạn đang ngồi với đôi mắt mở to, nhưng “con mắt phân định” của ý thức - “con mắt trí tuệ” trong bạn - vẫn khép hờ.
Sự thư giãn đúng nghĩa chính là việc thoát khỏi mọi kích thích giác quan. Với tâm trí, đó là sự tĩnh lặng; đối với cảm xúc, đó là sự tĩnh tại, bình yên; đối với cơ thể, đó là nghỉ ngơi, không vận động, không có dấu vết của sự căng thẳng, hay căng cứng các bắp cơ. Thư giãn là giải tỏa mọi căng thẳng. Nhưng sẽ không dễ nếu bạn “nghiện” quan sát và hấp thu những căng thẳng, những cảm xúc của các nhân vật trong phim ảnh - những điều không có thực.
Thư giãn vừa là nghệ thuật, vừa là một lĩnh vực khoa học. Các chuyên viên marketing quá tài tình trong việc thuyết phục bạn rằng kích thích giác quan là thư giãn. Đó là mánh khóe khéo léo để giữ cho túi tiền của họ được “rủng rỉnh”. Song họ không biết mình đang làm gì.
THƯ GIÃN là sự vắng bóng mọi căng thẳng trong cơ thể, không còn lo lắng về tinh thần cũng như sự u mê về tâm linh. Thư giãn đúng nghĩa sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo và minh mẫn, hạnh phúc.
Khả năng sáng tạo
Xin đừng hiểu sai ý tôi! Tôi không nói là hãy vứt bỏ chiếc ti-vi của bạn đi, mà tôi khuyên bạn hãy cẩn trọng với công nghệ. Về cơ bản, công nghệ được thiết kế để mô phỏng và sao chép chức năng của ý thức, như: tạo ra hình ảnh, phóng chiếu hình ảnh, sao chép hình ảnh, diễn lại hình ảnh, biên tập hình ảnh, khơi dậy hình ảnh và tái diễn hình ảnh theo nhiều cách thức đa dạng. Đây là khả năng sáng tạo của con người. Nhưng khi để công nghệ làm thay việc cho mình, khả năng sáng tạo bị “cùn mòn” và ta đâm ra lười biếng. Đây là nguyên nhân vì sao phương tiện truyền thông có thể dễ dàng ảnh hưởng đến hàng triệu tâm trí thông qua việc thao túng cảm xúc con người. Nhưng đó không phải là một âm mưu, chỉ là cách thức diễn tiến của trò chơi cuộc đời - không phải là sự diễn tiến theo ý nghĩa “tiến bộ, đi lên”, đó là “sự thoái lui, thụt lùi”. Nếu thế, ta vẫn chưa được thức tỉnh để trở nên thuần khiết hơn, tự do hơn, thông thái hơn và mạnh mẽ hơn.
3. Sự Trả thù bị lầm tưởng với Niềm vui
Vui mừng trước nỗi đau của người khác tất nhiên là không đúng đắn, nhưng lại là điều cốt yếu trong một câu chuyện hoặc một bộ phim được xem là có hậu. Cảm giác sung sướng trước sự trừng phạt thích đáng dành cho “kẻ xấu” là một trong những lầm tưởng về cảm xúc phổ biến nhất. Đôi khi nó trở thành “niềm vui báo thù” khi khán giả thấy “công lý” được thực thi! Các tác giả kịch bản, tiểu thuyết gia và nhà báo đều tận dụng sự lầm tưởng này để lôi cuốn mọi người vào câu chuyện của họ.
Sự báo thù là kết quả của nỗi căm ghét, hay ít nhất là sự tức giận. Báo thù là trò chơi, còn sự hả hê, vui sướng là mục đích của cuộc chơi. Sự trả thù nói “Tôi thật sự vui sướng khi họ phải nhận “hậu quả thích đáng”… Tôi hạnh phúc khi tận mắt chứng kiến họ gánh chịu đau đớn vì những gì họ đã gây ra”. Đó là niềm vui “méo mó”, nó chỉ nuôi dưỡng thêm nỗi đau trong ta. Trừ khi ta ngừng giận dữ và ghét bỏ người khác, không thì ta chỉ mãi sống một cuộc đời khổ sở và thiếu vắng niềm vui.
Sự thôi thúc phải trả thù và mừng rỡ với thắng lợi sẽ chấm dứt khi bạn nhận ra niềm tin rằng “người kia chịu trách nhiệm cho việc bạn cảm thấy như thế nào” chỉ là một ảo tưởng. Chỉ khi hoàn toàn chịu trách nhiệm với cảm xúc của mình, bạn mới có thể chấm dứt nỗi giận dữ và sự ghét bỏ - vốn khơi nguồn cho ý định trả thù. Chỉ khi hình ảnh về bản thân dựa trên niềm tin “Tôi là nạn nhân” bị vỡ tan và được thay thế bằng sự thật “Tôi không bao giờ là nạn nhân”, bạn mới thôi chỉ tay vào người khác để quy trách nhiệm cho nỗi đau mà bạn đang chịu đựng. Chỉ khi bạn hoàn toàn nhận ra và đồng ý rằng “Không ai có thể làm tổn thương tôi… mãi mãi là như vậy” (Bạn có thể làm tổn thương cơ thể tôi, chứ không phải tôi!), cơn thịnh nộ trong bạn mới bị dập tắt và mong muốn trả thù mới trở thành dấu tích của quá khứ. Chỉ khi tình yêu thương được nhận diện và trở thành lòng trắc ẩn đối với cả nạn nhân và người gây hại, bạn có thể hoàn toàn tự do thoát khỏi thói quen phán xét, quy tội, chỉ trích, thoát khỏi bất kỳ ham muốn chứng kiến và hả hê trước “sự công bằng” được thực thi.
Chừng nào còn vương một chút cảm giác vui mừng trước nỗi đau giáng xuống người khác - kẻ được xem là “thủ phạm”, chừng nào còn thích thú với chuyện trả thù, thì không bao giờ chúng ta có thể nếm trải hoặc làm sống dậy niềm vui thật sự trong đời.
Tạo hóa trao cho ta cuộc sống để tận hưởng niềm vui được hiện hữu trên cõi đời, cho ta niềm vui bừng nở như hoa mùa xuân, cho ta niềm vui đón mừng tặng vật quý giá của cuộc đời. Sống không có niềm vui thật sự thì không phải là sống, chỉ là sự nhẫn nhục, liên tục tranh đấu cốt sao để tồn tại, là sống một cách miễn cưỡng.
NIỀM VUI là năng lượng tuôn chảy róc rách, bập bùng, sôi sục của cuộc đời vỡ òa lên trong bạn và tuôn tràn ra thế giới. Bạn chỉ cảm thấy vui vẻ khi trái tim bạn thoát khỏi mọi sợ hãi, giận dữ và đau buồn.
Bộc lộ, ngăn chặn hay kìm nén?
Khi bạn nhận ra nỗi sợ và sự giận dữ là điều không lành mạnh, hãy đừng làm điều mà nhiều người đang cố làm là đè nén những cảm xúc ấy. Cảm xúc sẽ đến. Cảm xúc là cái giá bạn phải trả hôm nay cho sự gắn kết/lệ thuộc ngày hôm qua của bạn. Bạn đã dành cả đời để tạo ra những điều gắn kết - vốn luôn là cội nguồn sinh ra cảm xúc - vì vậy sẽ mất một chút thời gian để xóa bỏ thói quen gắn kết và theo đó là ngừng sinh ra những cảm xúc này. Bước đầu tiên chỉ đơn giản là bạn thừa nhận nó hoàn toàn không lành mạnh, bạn không mong muốn và không cần thiết có nó. Nhưng đừng chống cự khi những cảm xúc ấy đến. Chống cự, nghĩa là bạn đang cưỡng lại nó; càng liên tục cưỡng lại nó, bạn sẽ rơi vào tình trạng “bị kìm nén”. Đồng thời, bạn cũng không nên để mình bị cuốn trôi theo những cảm xúc đó mà bộc lộ nó ra ngoài; nếu không, có thể bạn sẽ làm điều gì đó khiến mình sau này phải hối tiếc. Đơn giản bạn chỉ cần quan sát nó. Rồi nó sẽ qua đi vì nó phải như vậy. Mọi cảm xúc chết đi dưới sự quan sát. Bạn càng tài tình trong việc quan sát nó từ bên trong thì nó càng yếu đi, cho đến khi nó không còn xuất hiện nữa. Sau đó, bạn sẽ được an trú trong bản chất thật của mình, tự do thoát khỏi mọi cảm xúc.
4. Lo lắng bị lầm tưởng với sự Quan tâm
Khi ở tuổi thiếu niên, có lẽ chỉ cần bạn về nhà trễ 10 phút thôi là mẹ bạn sẽ không ngại ngần bộc lộ cho bạn biết trạng thái cảm xúc của bà: “Con đã ở đâu? Mẹ rất lo cho con, tại sao con không gọi điện về để báo rằng con sẽ về nhà trễ? Con biết mẹ hay lo mà!”. Có thể bạn sẽ đáp lời: “Mẹ đừng lo cho con nữa. Con ỔN mà. Sao mẹ cứ LUÔN lo lắng hoài vậy?”.
Và mẹ của bạn tiếp lời “Nhưng con biết mẹ LO là vì mẹ QUAN TÂM đến con mà!”. Qua hai từ ấy (LO và QuAN TâM), bạn học được hai bài học tai hại gần như sẽ theo bạn trong suốt quãng đời trở về sau. Bài học đầu tiên là lo lắng đồng nghĩa với quan tâm. Không, không phải vậy đâu! Lo lắng là sợ hãi, còn quan tâm là yêu thương, hai điều này không bao giờ giống nhau bởi lẽ nỗi sợ hãi luôn xua đuổi tình yêu đi.
Bài học tai hại thứ hai là ý tưởng lo lắng là tốt! Khoảnh khắc bạn tiếp nhận niềm tin rằng lo lắng là một biểu hiện tốt chính là lúc bạn tự đưa mình vào một sự mê hoặc, rằng việc thể hiện sự quan tâm đến người khác hay quan tâm đến thế giới nói chung là một việc quan trọng. Nếu không, người ta có thể nghĩ là bạn thờ ơ, lãnh đạm, vô tâm. Do vậy, bạn phải tìm kiếm điều gì đó để lo, nhưng khi không thể tìm ra cái để lo, bạn lại đâm ra lo hơn vì chẳng còn gì để lo nữa! Thật lạ lùng và vô lý: chúng ta cảm thấy bất an khi thấy mình thoải mái.
Vậy, nếu là bậc phụ huynh trong trường hợp này, bạn nên chọn cách hành xử nào? Có bao giờ bạn gặp những trường hợp sau đây: khi bạn bắt máy điện thoại lên thì gặp đúng ngay người mà bạn đang nghĩ là sẽ gọi cho họ? hay khi bạn vừa nói ra một điều gì đó thì người đang trò chuyện với bạn cũng thốt lên là họ cũng vừa nghĩ vậy? Những điều đó cho thấy chúng ta đều có mối liên kết với nhau ở cấp độ tinh tế bằng khả năng kết nối và giao tiếp một cách vô hình. Chúng ta có khả năng “bắt lấy” năng lượng từ người khác tỏa ra, đặc biệt là với những người thân quen.
Trở lại tình huống đứa con đang ở tuổi thiếu niên của bạn về nhà trễ mà không gọi điện thông báo. Nó sẽ bắt được sóng năng lượng tinh tế của bạn. Bạn không biết nó đang rơi vào tình huống nào. Mọi suy đoán là vô ích, chỉ gây tổn phí năng lượng của bạn. Nếu bạn lo, bạn đang gửi cho con bạn những làn sóng sợ hãi, năng lượng tiêu cực, không củng cố thêm sức mạnh mà còn làm cho nó thêm phân tâm, rối trí. Có lẽ nó đang ở trong một tình huống khó khăn mà chỉ có bản thân nó mới giải quyết được. Điều gì sẽ giúp được cho con bạn lúc này? Điều gì sẽ hỗ trợ và củng cố sức mạnh cho nó nhiều nhất? Có phải từ làn sóng năng lượng tức giận của bạn do không nhận được cuộc điện báo? hay là từ làn sóng sợ hãi của bạn vì bạn hình dung ra điều gì đó tồi tệ xảy ra? hoặc từ làn sóng yêu thương vô điều kiện và lời chúc lành của bạn?
Bạn sẽ trao gửi điều gì? Làn sóng lo lắng hay làn sóng yêu thương dưới dạng những lời cầu chúc tốt lành? Vậy thì, khi bạn lo cho người khác, ai mới thật sự đáng để lo nhất?
QUAN TÂM là mở rộng lòng mình để nối kết và ôm ấp người khác bằng ánh sáng nội tâm của bạn. Bạn chỉ có thể quan tâm trọn vẹn khi bạn không mang mối bận tâm nào.
Đáng lo làm sao!
Chúng ta không chỉ lo cho đường hướng của mình trong cuộc sống, mà ta còn nghiện ngập nỗi căng thẳng và lo âu phát nguồn từ sự lo lắng. Thay vì trân trọng những lời chúc lành mỗi ngày, một số người lại nâng niu mối lo hàng ngày của họ! Khi được gợi ý rằng có thể đấy không phải là cách sử dụng thời gian và năng lượng một cách tích cực, người nghiện lo lắng sẽ nói
“Nhưng lo là tốt. Lo là cần thiết, để chúng ta có thể chuẩn bị trước cho điều tệ hại nhất”. Họ chưa thể nhìn ra niềm tin của họ đang khiến họ mù quáng trước sự thật rằng mọi lo lắng chỉ là sản phẩm bị lỗi của ý thức. Đó là sự lạm dụng khả năng sáng tạo. Lo lắng cho những điều tưởng tượng viển vông. Chúng ta tạo ra hình ảnh về kết quả tệ nhất có thể xảy ra, đưa nó lên màn hình tâm trí, rồi sử dụng hình ảnh đó để làm người khác hoảng sợ. Bên cạnh đó, khi bạn lo lắng, ai thật sự là người cần được lo nhất? Chính là bạn. Bạn lo bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu điều tệ hại thật sự xảy ra. Thật ra, lo lắng là ích kỷ nhưng ta biện minh bằng cách gọi đó là “quan tâm”. Thậm chí một số người còn thiết lập nhân dạng bản thân dựa trên “tiểu sử lo lắng”: “Vâng, tôi là một người hay lo lắng. Tôi luôn cảm thấy lo lắng. Tôi đoán là mình đã thừa hưởng tính hay lo này từ bố mẹ của tôi. Có lẽ nó có sẵn trong gen di truyền của tôi rồi”. Sự thật không phải như vậy. Lo lắng chỉ là một thói quen khác thuộc về tinh thần do chúng ta học hỏi, tiếp thu mà có. Bạn có thể chọn cách không học nó. “Mặt kia” của lo lắng là bình an.
5. Tức giận bị lầm tưởng với sự Quả quyết
Có thể bố mẹ bạn thường hay nóng giận, họ sử dụng cơn giận để kiểm soát và thúc ép bạn làm điều họ mong muốn. Có thể thầy cô giáo của bạn đã dùng “đòn” tức giận để kiểm soát lớp học, hoặc ít nhất cũng thể hiện ra như thế. Có thể bạn có một ông sếp ưa cáu giận, cơn thịnh nộ của ông lan ra khắp văn phòng, dường như là để khiến mọi người phải chuyên tâm làm việc. hoặc bạn thấy các chính trị gia hoặc phương tiện truyền thông nổi giận để đạt được sự thay đổi tích cực nào đó.
Trong mỗi trường hợp trên, chúng ta học thêm một bài học tai hại khác, vốn chỉ gia tăng sự lầm tưởng cảm xúc cho mình: “Nổi giận là cách để khẳng định bản thân, để thúc đẩy người khác và để tạo ra sự thay đổi tốt đẹp hơn”. Trong một thế giới đầy rẫy những con người đã học cách trở nên bướng bỉnh, phòng thủ và cứng nhắc, đôi khi dường như tức giận là cách duy nhất để thúc đẩy họ hành động, thách thức họ thay đổi và vì thế nó bị lầm lẫn với sự quả quyết, khẳng định mình. Nhưng sự giận dữ không bao giờ mang tính quả quyết vì nó ngập tràn lòng oán giận, và oán giận chỉ sinh ra sự đối đầu, do đó về lâu về dài sẽ làm mất khả năng tạo ra sự ảnh hưởng cho những thay đổi tích cực.
Sử dụng tức giận ở nơi làm việc là một cách làm lười biếng để quản lý người khác. Đó là dạng “thư nặc danh cảm xúc” mang thông điệp “Tôi sẽ tức giận với bạn nếu bạn không…”. Đó là một cố gắng gia tăng nỗi sợ trong lòng người khác với hy vọng sẽ thúc đẩy được họ. hầu hết các bậc cha mẹ sẽ thấy khó khăn trong việc kiềm lại sự cám dỗ sử dụng “chiêu” giận dữ hòng kiểm soát hành vi của con trẻ. Bên cạnh đó, giận dữ là loại cảm xúc có tính hủy hoại nhất, thường gây nhiều tổn hại cho người tạo ra nó. Vì vậy, nếu bạn có nhận thức về bản thân một chút khi bạn giận dữ, bạn sẽ thấy bạn là người phải gánh chịu trước tiên và nhiều nhất.
Ngoài ra, một số người lại biện minh cho cảm xúc tức giận trước những bất công. họ gọi đây là sự tức giận “chính đáng”, song nó chỉ gây trì hoãn sự xuất hiện của lẽ công bằng tự nhiên - sự công bằng sẽ đến với tốc độ của riêng nó và thường chúng ta không nhận biết được cho đến lúc nó xuất hiện. Thịnh nộ trước sự bất công chính là quên rằng mọi thứ diễn ra đều có lý do, mỗi tác động đều có nguyên nhân và bất cứ điều gì xảy ra đều mang ý nghĩa nào đó.
Khi cơ thể bị bệnh, mọi biện pháp chữa trị không thể phát huy tác dụng cho đến khi ta hoàn toàn nhận biết và chữa đúng nguyên nhân. Tiếc thay, giận dữ không cho ta đủ thời gian để hiểu và chữa lành. Bằng cách đồng hóa mình với nỗi đau hoặc cảnh ngộ của người khác, hoặc phật lòng trước lời phỉ báng đối với bản thân, giận dữ chỉ nuôi thêm nỗi đau dưới lớp ảo tưởng rằng chúng ta có tính quả quyết, khẳng định, rằng chúng ta đang làm điều gì đó để xử lý tình huống này, rằng chúng ta đang phản ứng theo cách đúng.
Sự sốt sắng, nhiệt tâm cũng bị phủ màu u tối và tiêu cực khi sự tức giận xen vào. Đôi khi chúng ta nói “Tôi rất sốt sắng về chuyện này vì tôi quá giận”. Nhưng giận không bao giờ có thể là sự sốt sắng, nhiệt tâm. Nồng nhiệt thật sự là lòng hăng hái, nhiệt tình. Sự khác biệt giữa giận dữ và lòng hăng hái, nhiệt tình là giận dữ luôn bòn rút năng lượng của bạn, trong khi lòng nhiệt tình tiếp thêm năng lượng cho bạn. Một bên khiến bạn mù quáng để có thể thực hiện hành động tích cực, trong khi bên kia trao cho bạn sự rõ ràng, thấu suốt để nhìn ra hướng đúng. Một bên là thiếu kiên nhẫn, mất cân bằng, trong khi bên kia là kiên nhẫn, tập trung.
Cũng có những người chỉ tức giận trước cơn giận của người khác, xem đó là cách duy nhất để giữ công bằng và tạo ra một trật tự đúng. Điều này đôi khi dẫn đến chiến tranh. Mọi chuyện là do họ bị phủ chụp bởi ảo tưởng “phủ định của phủ định là khẳng định”, nghĩa là 2 điều tiêu cực (phủ định) tạo thành một điều tích cực (khẳng định).
Vậy thì giờ đây, chúng ta có thể rút ra được điều gì?
Bạn chỉ có thể QUẢ QUYẾT khi bạn dừng phản ứng đầy cảm xúc trước những hành động của người khác, khi bạn ngừng gây tổn hại cho bản thân theo bất cứ cách nào, khi bạn không còn mang nỗi ác cảm về ai và chấm dứt mọi lời kết tội, khiển trách.
Giấc mơ Hòa bình
Mọi giận dữ đều bắt nguồn từ những sự kiện, tình huống trong quá khứ. Đó là một cố gắng vô ích để thay đổi những gì vốn đã diễn ra rồi. Nhưng không may là nó phủ mờ khả năng hành xử một cách sáng tạo với khoảnh khắc hiện tại để tương lai có thể tích cực hơn. Thậm chí nhiều người sẽ bắt đầu nổi giận với ý tưởng giận dữ là vô ích và không có chỗ cho tức giận trong thế giới này. Họ vẫn khẳng định bình an là tốt, bình an là điều họ tìm kiếm. Nhưng họ không nhận ra niềm tin xưa cũ về giận dữ luôn là trở ngại chính để đạt được bình an trong đời. Đó là lý do vì sao “đấu tranh cho hòa bình” là một phép nghịch hợp.
6. Nỗi sợ bị lầm tưởng với sự Tôn trọng
Thường thì sự lầm tưởng về cảm xúc bắt nguồn từ việc dùng sai ngôn ngữ. Kẻ bắt nạt người khác thường được bắt gặp ở trường và ở nơi làm việc. Kẻ bắt nạt muốn người ta sợ mình, họ gọi đó là sự tôn trọng. họ đòi hỏi người khác phải tôn trọng họ; tuy nhiên, họ chỉ làm tăng thêm nỗi sợ. Từ lâu, chúng ta vẫn thường lẫn lộn nỗi sợ với lòng tôn trọng.
Tuy nhiên, không thể trao lòng tôn trọng cho ai nếu chúng ta, trong tâm trí mình, đang sợ họ. Nếu bạn sợ ai đó hay điều gì đó, nghĩa là có sự thiếu vắng lòng tự trọng. Không biết tôn trọng bản thân, bạn không thể thật sự tôn trọng người khác. Chỉ khi bạn an toàn trong “áo giáp tự trọng”, bạn không sợ người khác và có khả năng thể hiện lòng tôn trọng chân thành đối với họ.
Bằng cách nào đó, xuất phát từ đâu đó, ngôn ngữ của con người đã làm xáo trộn ý nghĩa của sợ hãi và tôn trọng. Đôi khi, ta trở nên sợ hãi khi thấy điều khiếp sợ, vì vậy ta cố tránh thừa nhận là ta sợ ai đó bằng cách nói rằng ta tôn trọng họ, thế là ý nghĩa thật sự của lòng tôn trọng bị mất đi. Không khó để nhận thấy rằng sự giáo dục quan trọng nhất trong đời là phục hồi lại và duy trì lòng tôn trọng bản thân. Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà hầu hết những biểu hiện của hành vi lạm dụng, tội ác và hủy hoại đều có xuất phát từ việc thiếu tự trọng. Nếu không tôn trọng bản thân, chúng ta sẽ cố tìm kiếm nó từ người khác, cuối cùng là đòi hỏi nó từ người khác. Chỉ đơn giản là nhận được sự chú ý của ai đó thôi cũng bị nhầm lẫn với việc được tôn trọng; bằng không, chúng ta sẽ cố tìm kiếm bằng cách sử dụng những phương pháp công khai và cả tinh vi, tế nhị. Vô tình, chính ta trở thành kẻ bắt nạt.
Một khi nhận ra có sự thiếu vắng lòng tự trọng - một trong những yếu tố chính khơi dậy sự gắt gỏng ở người khác - bạn bắt đầu chuyển hướng chịu trách nhiệm nhiều hơn cho năng lượng bạn phát tỏa ra. Nhưng thật khó để hiểu chính ta nên tự thay đổi và không có kẻ bắt nạt nào cần được sửa đổi. Về cơ bản, đây là sự giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ trước người khác. Điều đó chỉ có thể thực hiện khi bạn tìm ra giá trị nội tâm của mình và bắt đầu quý trọng bản thân. Để làm được như vậy, bạn cần chỉnh sửa lại hình ảnh về bản thân, ngưng đồng hóa mình với hình ảnh tiêu cực. Trước hết, hãy nhận ra bạn thật sự là ai, bạn là gì và không phải là gì. Không ai có thể chỉ dạy ta về điều này. Nhìn chung, giá trị bản thân và lòng tự trọng không có trong chương trình giảng dạy chính quy.
Có thể quốc gia này sẽ gây chiến với quốc gia khác vì một hay hai nhà lãnh đạo thiếu tôn trọng đối với bản thân. họ tài tình trong việc giả trang, là bậc thầy trong việc đeo lên “những chiếc mặt nạ” tự tin và giá trị bản thân. Nếu lòng tự trọng của họ là chân chính, họ sẽ không sợ mình hay sợ người khác, họ sẽ có lòng can đảm, kiên nhẫn để làm việc, nói chuyện, tham gia, lắng nghe và góp sức với mọi người, bao gồm cả những người bị xem là đối thủ. Nhưng khi họ không có sức mạnh của lòng tự trọng và khi họ không nhận ra họ đang thiếu tôn trọng bản thân, nỗi sợ sẽ có cơ hội trỗi dậy. Đó là lý do vì sao việc phục hồi lại lòng tự trọng chỉ có thể diễn ra sau khi ta đã nhận diện cái tôi giả tạo và không còn nuôi dưỡng nó nữa. Như đã khám phá từ trước, vì nỗi sợ luôn xuất phát từ cái tôi giả tạo (cao ngạo hoặc tự ti) hay còn gọi là sự nhận dạng sai lầm về bản thân.
TÔN TRỌNG người khác là thừa nhận, khẳng định mặt tốt và giá trị vốn có ở họ bất kể hành động của họ trong hiện tại hay trong quá khứ.
Không TỆ chút nào!
Thật dễ có ấn tượng rằng cách tiếp cận này về cảm xúc hàm ý cảm xúc là điều xấu, tệ và không nên có. Nếu suy nghĩ theo hướng đó, nó sẽ dẫn đến sự chỉ trích, kết tội bản thân và xa hơn là sự đè nén. Cảm xúc chỉ là một dấu hiệu cho biết bạn không còn sống với bản chất thật. Đó là thói quen cố hữu hằn sâu trong tiềm thức. Vì vậy, sẽ không có chuyện một ngày nọ bạn thức dậy và bất chợt không mang chút cảm xúc nào, chỉ hoàn toàn là yêu thương, vui vẻ, hài lòng. Nếu được như vậy, xin hãy cho tôi biết. Tôi muốn biết bạn đã làm như thế nào!
7. Nỗi buồn bị lầm tưởng với tình Yêu thương
hãy hình dung bạn đang ở trong một cửa hàng bán băng đĩa. Bạn đang xem lướt qua các CD. Bạn phát hiện ra một CD mới gồm tuyển tập những bài hát bất hủ về tình yêu với giá giảm đặc biệt không thể nào không mua. Về đến nhà, đã đến lúc cho khúc “yêu thương” cất lên. Bạn cẩn thận bài trí lại căn phòng. Vài ngọn nến được thắp ở góc phòng, một hộp sô-cô-la đặt ngay bên cạnh chỗ bạn ngồi và hộp khăn giấy đặt phía bên kia. Bạn tắt bớt đèn và mở nhạc lên.
Không lâu sau, đôi mắt bạn ngân ngấn nước, những giọt nước mắt lăn dài xuống gò má khi bạn đắm chìm trong bài hát buồn đến nao lòng, tin rằng đó là những bài hát trữ tình, đầy yêu thương.
Suốt một tiếng đồng hồ chìm trong thứ âm nhạc ủy mị, gieo sầu cảm, bạn suy nghĩ và hy vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ tìm được một tình yêu như thế, một mối quan hệ hết sức đặc biệt và đầy nước mắt với ai đó trong thế giới này, hoặc tự hỏi tại sao bạn lại chưa có một cuộc tình như vậy!
Rồi bạn chuyển sang xem phim. Đó là một câu chuyện tình tấu lên những nhịp làm thổn thức cung đàn trái tim bạn. Vị anh hùng và mỹ nhân cùng trải qua một hành trình theo một công thức cũ rích. Trước hết là cuộc gặp gỡ qua ánh mắt, rồi đến nụ hôn đầu, cuộc hẹn đầu tiên, lần trang điểm đầu tiên, lỗi lầm đầu tiên, sự tha thứ đầu tiên. Chỉ trong vòng một giờ, bạn cùng họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Một phút sau, bạn rơi nước mắt, phút kế tiếp bạn vỗ tay, rồi cơn thịnh nộ bùng lên trước sự kém may mắn của đôi lứa và cuối cùng là chúc mừng họ chiến thắng trước nghịch cảnh. “Trông người lại ngẫm đến ta”! Bạn chợt nghĩ giá mà BẠN có thể trải nghiệm được nhiều yêu thương chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thôi thì hay biết mấy, rồi bạn cảm thấy cuộc đời của mình sao mà thật bình thường, nhàm chán. Cuối phim là cảnh cái ôm thắm thiết, nụ hôn, hoàng hôn, tiếng nhạc réo rắt, bóng của hai nhân vật đổ dài; trong khi đó, nước mắt tuôn trào trên gương mặt bạn, còn mũi thì cứ sụt sùi!
Trong khoảnh khắc như thế, nếu bạn hỏi ý kiến của chuyên gia tâm thần học, bạn sẽ được xác định là đang mắc chứng trầm cảm lâm sàng. Nhưng đây là tình yêu cơ mà? Dù tôi có cường điệu một chút nhưng chắc bạn cũng hình dung ra được nền công nghiệp âm nhạc và giải trí đã khéo léo khiến ta hoang mang, lẫn lộn giữa nỗi buồn với tình yêu thương, như thể lẫn lộn đen với trắng như thế nào. Chúng ta đồng hóa sai lầm yêu thương - viên ngọc trên chiếc vương miện tâm hồn - với bản tình ca và câu chuyện tình đượm màu đau khổ kia. Có lẽ không ảo tưởng nào lớn hơn việc xem nỗi buồn là tình yêu! Có lẽ không chứng nghiện cảm xúc nào lớn hơn nỗi buồn biểu hiện cho biết chúng ta đang cảm thấy tiếc nuối cho bản thân. Nó trở thành chiếc “chăn bông” thoải mái để ta mang đi khắp nơi, từ chối chia cách khỏi nó. Đáng thương thay! Dù người ta đang nói cười thật vui vẻ, hạnh phúc, nhưng nếu nghe rõ hơn, đằng sau tiếng cười, bên dưới vẻ hạnh phúc hiển hiện rõ ràng kia là tiếng buồn của họ.
YÊU THƯƠNG là con người bạn, là bản chất của mọi người, bất kể suy nghĩ và cảm xúc của bạn hiện giờ hay trong quá khứ là gì. Chỉ có thể biết đến yêu thương khi không còn sự chia cách và khi mọi ý thức “của tôi” ra đi.
Chứng nghiện cảm xúc
Cứ cho là nỗi buồn của chúng ta trước lời nói và hành động của người khác là nền tảng xây dựng nên ngành công nghiệp giải trí, song nhờ vậy mà những khoảnh khắc buồn tích tụ, đè nén tăng dần lên theo thời gian ở nhà hay ở nơi làm việc có cơ hội “lộ diện”. Phim ảnh và truyền hình là những phương tiện khơi gợi, giải tỏa ký ức tổn thương trong tiềm thức. Sự giải thoát này được cảm nhận khi gánh nặng của sự trầm cảm được giải tỏa, nhưng nó bị lầm lẫn với hạnh phúc và dẫn đến nghiện ngập. “Nghiện đau khổ và nỗi buồn” nghekhổ” để có thể đắm chìm trong cơn hờn dỗi mỗi khi cảm thấy hối tiếc cho bản thân, hoặc để chiếc hồ cảm xúc chảy tràn nước mắt. Nhưng đó chỉ là trò chơi cảm xúc của cái tôi giả tạo, là sự nhận dạng sai lầm. Nếu không gắn kết, sẽ không có ý thức mất mát và theo đó không có nỗi buồn, nỗi đau khổ nào, vì vậy niềm hạnh phúc đích thực liên tục hiện hữu. Bạn không cần tìm kiếm hạnh phúc, chỉ cần thả rơi đau khổ và nỗi buồn. Dễ dàng… phải không?
Bạn cảm thấy thế nào?
Chúng ta đã khám phá về cơ chế và bản chất của cái tôi giả tạo và sự gắn kết như là nguồn cơn cho những
cảm xúc trỗi dậy, còn yêu thương, hạnh phúc, bình an, niềm vui, hài lòng KhÔNg phải là cảm xúc mà là trạng thái tồn tại.
Vậy còn cảm giác là gì? Có sự khác biệt nào giữa cảm xúc và cảm giác không, tại sao chúng ta đều bị lầm lẫn về cảm giác? Khi chúng ta hỏi thăm nhau “Bạn cảm thấy thế nào?”, ngụ ý muốn hỏi là “Bạn đang có cảm giác nào ngay lúc này?”. Chính xác điều gì xảy ra khi chúng ta nói “Tôi cảm thấy…”? Chúng ta có thể lựa chọn cảm giác cho mình không? Nếu không thì tại sao? Nếu có thì bằng cách nào?
Định nghĩa cơ bản nhất:
CẢM GIÁC là:…
Sự nhận biết bằng Xúc giác
Điều này có ý nghĩa khi bạn nhận ra rằng mỗi người chúng ta có thể cảm nhận/nhận thức ở 3 cấp độ: thể lý, tinh thần/trí tuệ và tâm li
Cảm nhận thể lý
Bước vào cửa hàng bách hóa, bạn không chờ đợi chiếc váy hoặc bộ com-lê tiến đến bạn. Bạn tiến ngay đến nó, chạm vào nó và bạn có cảm giác về nó. Khi bạn chạm vào kết cấu sợi dệt, bạn có nhận thức về chất lượng vải; cầm tấm vải lên, bạn biết được chiều rộng của nó. Bạn đang sử dụng các giác quan thể chất của mình để chạm/cảm nhận/nhận biết điều gì đó, vì vậy bạn gọi đây là “cảm nhận thể lý”.
Cảm nhận tinh thần/trí tuệ
Khi bạn đọc quyển sách này, tâm trí bạn mở ra, đưa bạn vào những hiểu biết và ý tưởng thông qua cửa sổ tâm trí, làm cho những hiểu biết và ý tưởng này sống động trên màn hình tâm trí, rồi nhìn nhận chúng qua con mắt trí tuệ. Tâm trí bạn là màn chiếu và là cửa sổ - bộ phận đầu tiên của ý thức, còn trí tuệ là bộ phận thứ hai, bạn sử dụng nó để phân định chất lượng, sự thích đáng, tính đúng đắn để từ đó đưa ra quyết định. Trí tuệ là bộ phận làm cho loài người chúng ta khác biệt so với cỏ cây, động vật. Nó trao cho ta khả năng suy đoán, biết cách xử thế, suy ngẫm, đánh giá và trù tính, sau đó thực hiện những dự kiến ấy trong thực tế cuộc sống. Trí tuệ có khả năng lựa chọn bằng lối tư duy hữu lý và cả tư duy trực cảm.
Vì vậy, khi bạn nhận biết một ý tưởng nào đó, như thể bạn chạm đến được nó, bạn cảm nhận được nó bằng trí tuệ của mình. Rồi đầu của bạn gật gù và bạn tự nhủ: “Tôi hiểu rồi. Cảm thấy hợp lý đấy. Tôi thấy/hiểu tính hợp lý của nó”.
Trong trường hợp đó, như thể bạn đang sử dụng khả năng hữu lý của mình để nhận biết tính đúng đắn của ý tưởng. Đôi khi bạn không nhìn ra, song đầu vẫn gật gù “Vâng”, và tiếng nói từ bên trong là “Vâng, tôi hiểu rồi. Tôi không nhìn ra lý do cho điều đó nhưng tôi “cảm thấy đúng”. Nó đúng đấy”. Lúc ấy, bạn đang sử dụng khả năng trực giác của mình để cảm nhận tính đúng đắn của sự việc.
Bạn có nhìn ra sự khác biệt này không? Nếu lấy hình ảnh dải quang phổ để minh họa cho khả năng của trí tuệ, thì một đầu là tư duy hữu lý, còn đầu kia là cảm nhận bằng trực giác (theo nghiên cứu về não bộ con người, não trái thiên về khả năng tư duy hữu lý và não phải thiên về khả năng tư duy trực cảm), nhưng xét từ quan điểm chúng ta là những thực thể sống có ý thức, thì chúng đều ở trên cùng thanh đơn cực trong ý thức.
Bạn có thể dễ dàng phát triển khả năng “cảm nhận tri giác” của mình ở cấp độ lý trí. hãy viết ra một vấn đề rắc rối hiện tại bạn đang đối mặt. Sau đó tạo ra 7 giải pháp khả thi cho vấn đề, bất kể thoạt đầu chúng có vẻ điên rồ hay khác thường ra sao. Rồi khi đã hoàn thành xong danh sách, hãy ngẫm lại mỗi một khả năng, nhận ra bạn đang sử dụng lý trí để đánh giá, ước lượng chất lượng và tính thực tế của mỗi khả năng như thế nào. Quan sát cảm nhận của bạn về mỗi khả năng, bạn cũng có thể nhận ra những khả năng khác xuất hiện trong quá trình chiêm nghiệm này.
Việc thiếu nhận thức về chức năng, khả năng và sức mạnh của trí tuệ làm suy yếu khả năng đánh giá và đưa ra quyết định của ta. Vì lẽ đó, nhiều người trở nên căng thẳng khi phải đưa ra quyết định. Không may là không ai dạy ta cách phát triển hợp lý khả năng “cảm nhận” này ở cấp độ lý trí trong nền giáo dục chính quy. Lý do thì cũng đơn giản thôi, vì nhà trường chỉ chú trọng đến bộ phận thứ ba của ý thức, là trí nhớ của chúng ta. Chúng ta tin rằng ghi nhớ là học tập, nhưng không phải như vậy. Đó chỉ là sự ghi nhớ. Còn việc học thật sự chính là phát triển cách suy nghĩ và cảm nhận/nhận thức những kỹ năng có liên quan đến tâm trí và trí tuệ. Nhưng những người lớn kia thật sự không biết điều này, vì đâu có ai dạy họ về những chức năng thật sự của tâm trí, trí tuệ. Một lần nữa, không ai bị đổ lỗi trong chuyện này, chúng ta đều chịu trách nhiệm!
Cảm nhận tâm linh
Khả năng cảm nhận sâu sắc nhất của bạn là ở cấp độ tâm linh. Chẳng hạn khi người thân của bạn về nhà với một nỗi niềm nào đó, thì dù chưa nhìn thấy họ, bạn vẫn có thể nhận biết được họ đang ở tâm trạng nào. Thậm chí có khi họ đang ở trong tòa nhà khác mà bạn vẫn cảm nhận được trạng thái của họ lúc ấy. Bằng cách nào? Bằng những “làn sóng rung động” tỏa ra từ năng lượng ý thức của họ. Nói cách khác, bạn đã bắt được sóng năng lượng lan tỏa từ họ.
Tất cả chúng ta đều đang liên tục truyền giao năng lượng. Năng lượng ấy hoàn toàn vô hình và không thể sờ chạm.
Như thể bạn có thể cảm nhận được sự hiện diện của một người nào đó dù họ không có mặt. Những ai “tin” mình đã rơi vào tình yêu thì biết rất rõ điều này. họ tăng cường truyền giao làn sóng của họ, suy nghĩ của họ cho nhau vì họ đang suy nghĩ về nhau và “bắt” (cảm nhận) được tình cảm của người kia, ngay cả khi họ ở xa nhau.
Nhưng cảm nhận tâm linh sâu nhất thì không phải là sự đón bắt và cảm nhận làn sóng rung động (năng lượng lan tỏa) của người khác. Cho dù ở đâu và vào lúc nào, bạn cũng đều có thể thực hiện “chuyến hành trình không giới hạn về khoảng cách địa lý” - hành trình nội tâm - trong vòng một giây và tập trung sự chú ý của bạn vào bản thân. Chính ở đó, bạn sẽ nhận biết, cảm nhận và chạm đến được sự bình an của mình. Tận sâu trong nội tâm, bạn luôn là bình an.
Điều bạn cần làm là thực hành phớt lờ những âm thanh ồn ào bên ngoài (bao gồm cả những người khác, cho đến khi bạn hoàn thành chuyến hành trình nội tâm của mình), không chú ý vào bất kỳ suy nghĩ tản mạn nào hay những làn sóng cảm xúc trôi qua ý thức của bạn và đi thẳng đến trái tim ý thức - cũng chính là bạn. Trong trái tim nội tâm, bạn sẽ nhận biết, chạm đến, cảm nhận được… sự bình an của mình. Vì bình an là bản chất thật, mãi mãi tồn tại của bạn. Một lần nữa, bạn là bình an.
Có đơn giản quá không? Vâng, rất đơn giản. Nhưng tại sao chúng ta không thực hiện? Tại sao chúng ta không cảm nhận được nó? Tại sao chúng ta “tin” mình không thể? Câu trả lời nằm ở những năm tháng thơ ấu của chúng ta.
Hai bài học tai hại
Khi còn nhỏ, bạn được dạy rằng “cảm nhận” là một danh từ, nhưng không, nó là một động từ. Bạn được dạy rằng cảm nhận là cái xảy ra với bạn, thay vì là điều gì đó bạn lựa chọn/tạo ra. Bạn có nhớ lần đầu tiên được bố/mẹ dẫn đi xem xiếc, xem bóng đá, hay một sự kiện lớn nào đó không? Ngồi cạnh bạn, mẹ nói: “Không hào hứng sao? Mẹ rất vui, hạnh phúc và hào hứng. Con không thấy hào hứng và hạnh phúc à?” hoặc điều gì đó có tương tự. Dĩ nhiên bạn có hào hứng, phấn khởi, nên bạn ngước nhìn mẹ như thể muốn nói: “Vâng, con đang hào hứng và hạnh phúc”. Trong những khoảnh khắc như thế, bạn học được hai bài học tai hại. Bài học đầu tiên là sự hào hứng đồng nghĩa với hạnh phúc. Nhưng không phải vậy. Sự hào hứng tương tự như những gì xảy ra với nước trong cái ấm đang được đun sôi - các phân tử nước chuyển động hỗn loạn. Khi bạn hào hứng, bạn đang ở trong trạng thái khích động. Nhưng sự khích động không phải là biểu hiện của hạnh phúc. Đối với con người, hạnh phúc là sự hài lòng, mãn nguyện; luồng chảy tự nhiên của niềm vui tuôn chảy tự do qua “thực thể nội tâm” và tỏa ra ngoài thế giới (qua lời nói, hành động, những làn sóng rung động do suy nghĩ tạo ra).
Bài học tai hại thứ hai trong bối cảnh quen thuộc giữa cha mẹ và con cái là tình cảm của bạn phải “từ bên ngoài hướng vào trong”. Với niềm tin như vậy, bạn nghĩ mình sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đi tìm sự kích thích từ bên ngoài. Bạn đâu biết chính sự kích thích đó đang khiến con người ta trở nên lệ thuộc và cuối cùng là “nghiện ngập”. Đây là lời lý giải vì sao hầu hết mọi người đều “nghiện” cái gì đó, ai đó hay nơi chốn nào đó. Sống như vậy là “sống mòn/sống tuyệt vọng”. Bình an, yêu thương hay hạnh phúc đích thực không thể tìm thấy ở bên ngoài bản thân. Tuy nhiên, đa số niềm tin hiện tại của ta đều bị lẫn trong những ảo tưởng ấy.
Nhưng giờ bạn đã biết (ít ra về mặt lý thuyết) chúng là những trạng thái tồn tại tự nhiên của bạn. Chúng là bản chất của bạn. Chúng luôn hiện hữu chỉ trong một giây và không ở đâu xa.
Những trạng thái tồn tại
Cảm xúc luôn do cái tôi giả tạo sinh ra. Chúng gia tăng như là kết quả của sự gắn kết và đồng hóa của bạn với điều nào đó không phải là bạn. Khi có chuyện “xảy ra” với đối tượng bạn gắn kết hay đồng hóa, bạn cảm thấy như thể nó đang xảy ra với bạn. Nhưng không phải vậy. Cảm xúc là sự trả giá của ngày hôm nay cho sự gắn kết từ ngày hôm qua của bạn. Cảm xúc che mờ và gây hoang mang, nhầm lẫn. Mỗi khi bạn “phản ứng” lại trước điều gì hay với ai, nghĩa là cảm xúc đang hiện hữu. Bạn đánh mất khả năng kiểm soát, mất quyền làm chủ năng lượng của mình, còn cảm xúc (sản phẩm do bạn tạo ra) lấn lướt và đang kiểm soát bạn cho đến khi nó vơi lắng đi.
Mặt khác, yêu thương, bình an và hạnh phúc không phải là cảm xúc như theo định nghĩa ở đây. Chúng là những trạng thái tồn tại năng động và rất thật của con người. Không phải là sự khích động hay kích thích, chúng là bạn, là bản chất con người bạn. Chúng là điều bạn có thể phát tỏa sau khi bạn dứt bỏ mọi gắn kết/bấu víu. Chúng là trạng thái tự nhiên của bạn, từ đó dẫn đến ý định, suy nghĩ, hành động, nhưng chỉ khi bạn không mắc sai lầm đồng hóa bản thân với điều không phải là bạn, chỉ khi bạn thoát khỏi mong muốn được đền đáp lại.
Bình an là bản chất vốn có, yêu thương là những gì lan tỏa tự nhiên từ bạn, và hạnh phúc (biểu hiện qua sự vui vẻ) là điều bạn cảm nhận khi không bị sự gắn kết cản trở hay bóp méo bản tính “trao đi/lan tỏa” của bạn. Chúng là những thành tố chủ yếu hoặc là trạng thái tồn tại của BẠN, chúng không bao giờ bị lấy mất khỏi bạn. Bạn có quyền quyết định và lựa chọn tạo ra trạng thái nào, “ở trong” trạng thái nào, nhưng bạn hủy hoại sự lựa chọn ấy bằng cách “gắn kết”, theo đó là bóp méo năng lượng nội tâm thành những cảm xúc như sợ hãi, giận dữ, buồn bã và nhiều biểu hiện khác nhau của chúng.
Đây là lý do tại sao bình an, yêu thương và hạnh phúc đôi khi còn được liên tưởng đến như là “phúc báo” của bạn. Thực ra bạn không thừa hưởng chúng vì bạn không thể thừa hưởng cái bạn đang có sẵn rồi. Chỉ cần nhớ bạn là ai và là gì, dừng đồng hóa với cái không phải là bạn, bạn có thể tạo ra và cảm nhận những trạng thái này trở lại một cách tự nhiên. Bạn sẽ hoàn toàn tự do lựa chọn cảm nhận cho riêng mình.
Khi bạn bình an, bạn không bị khích động nên không có cảm xúc. Ở trong bình an, bạn mới “cảm thấy” bình an đúng nghĩa. hãy lưu ý rằng khi bạn là yêu thương, khi bạn trao đi bản thân (bản thân chính là tình yêu thương) mà không muốn được đền đáp, sẽ không có sự khích động nào, không mang cảm xúc, chỉ có một bước chuyển nhẹ nhàng, suôn sẻ từ ý định đến hành động trao đi, thoát khỏi sự kỳ vọng (gắn kết). Trao đi với tình yêu thương, người trao sẽ cảm nhận được yêu thương. Nếu bạn hạnh phúc một cách chân thành, bạn mãn nguyện và mỉm cười với niềm vui thầm lặng. Lúc đó, năng lượng sống từ bạn tuôn chảy tự do vào thế giới xung quanh - không có sự kích thích hay khích động nào, không có cảm xúc. Khi những lời nói hài lòng và chan chứa niềm vui được thốt ra, hãy chú ý xem bạn cảm thấy như thế nào. Mãn nguyện và vui vẻ.
Đã rất lâu kể từ khi chúng ta sống không mang cảm xúc (giận dữ, lo âu…); đã quá lâu kể từ khi chúng ta trở nên nghiện ngập sự khích động/kích thích, thật khó để hình dung ra rằng sống không có cảm xúc thì tự nhiên hơn, chân thật hơn một cuộc đời cuốn theo vòng xoay cảm xúc.
Cảm nhận những cảm xúc của bạn
Bây giờ, chúng ta hãy mang cảm xúc và cảm giác lại với nhau, vì bạn đã nhận diện được cảm xúc của mình rồi (so với trước kia bạn xem mình là cảm xúc). Khi chưa đọc quyển sách này, bạn làm trầy chiếc xe của tôi, tôi nổi giận! Còn giờ, vào khoảnh khắc nào đó khi đang trong cơn giận, tôi quay sang bạn và nói “Tôi cảm thấy giận”.
Ngay giây phút ấy, tôi bắt đầu tách mình khỏi cơn giận do tôi tạo ra. Như thể tôi đang nói có “tôi” và có “cơn giận”, tôi đang cảm thấy/nhận biết cơn giận trong tôi. Kết quả là, tôi tách mình ra khỏi cảm xúc và nhận biết/cảm nhận về cơn giận. Nếu vẫn tiếp tục tách rời, không tránh né, không đè nén, mà chỉ dừng lại để nhận ra tôi và cơn giận tách biệt với nhau, thì sau đó cơn giận sẽ tan biến. Mọi cảm xúc mất hút dưới sự quan sát khách quan, bởi lẽ về cơ bản, cảm xúc chỉ là ảo tưởng, không có thật.
Làm sao cảm xúc có thể là ảo tưởng được khi nó thật đến vậy? hãy nhớ rằng cảm xúc xuất phát từ CÁi TÔi. Cái tôi là một dạng ảo tưởng không có thật. Cho nên sản phẩm của cái tôi giả tạo, là cảm xúc, dĩ nhiên cũng là không thật. Chừng nào bạn còn tiếp tục đồng hóa với cái không phải là mình, cảm xúc sẽ có vẻ như là thật. Nhưng ngay khi bạn thoát khỏi cảm xúc, chỉ nhìn vào nó, quan sát từ bên trong, thì chính là bạn đang quay lại với điều chân thực ở bên trong bạn - nguồn yêu thương, bình an, vui vẻ - nơi bạn luôn tìm thấy được bình an và sức mạnh.
Khi bạn ở đấy, nơi bạn đích thực là mình, mọi ảo tưởng bị xua tan, và cảm xúc theo đó cũng mất đi.
giống như khi bạn chạy xe trên con đường đầy sương mù, dù bạn có cố với tay ra bắt lấy sương thì cũng không thể. Cảm xúc cũng như thế. Nó như bóng ma không có sức mạnh nào trước bạn, như đám sương mờ trôi qua ý thức. Nhưng để nhìn thấy rõ bản chất của cảm xúc, thật cần thiết hãy là chính mình và chấm dứt mọi sự gắn kết hay đồng hóa sai lầm.
Cảm xúc triệt tiêu khả năng cảm nhận
Ăn quá nhiều ớt trong một khoảng thời gian dài sẽ làm tổn hại khả năng vị giác. uống quá nhiều rượu bia hay tiêm chích ma túy, về lâu dài sẽ hủy hoại khả năng kiểm soát suy nghĩ của bạn. Tương tự, khi có quá nhiều cảm xúc rối loạn, theo thời gian khả năng cảm nhận sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
hãy hình dung bạn đang ở nhà cùng với các bạn của mình, hoặc đang ngồi giữa những đồng nghiệp trong cơ quan. Trong lúc trò chuyện, ai đó thốt ra điều khơi dậy phản ứng đầy cảm xúc trong bạn. Bạn phật lòng và tạo ra cơn tức giận. Bạn bối rối, xúc động. Bạn đang trải nghiệm sự kích động từ bên trong. Bạn cảm thấy khó chịu, đau khổ.
Cuộc trò chuyện vẫn tiếp diễn, và bạn không thể lựa chọn thay đổi cảm xúc của mình. Bạn đang chìm trong cơn biến động cảm xúc. Vì vậy, khi một người bạn/đồng nghiệp chia sẻ về mất mát gần đây trong gia đình họ, bạn không thể lựa chọn để tạo ra, cảm nhận và tỏ lòng thương cảm vì bạn đang bị kìm kẹp giữa nỗi buồn, giận. Rồi khi người khác thừa nhận đã gây sai lầm lớn ảnh hưởng đến công việc của cả nhóm, bạn không thể lựa chọn để tạo ra, cảm nhận và trao đi sự tha thứ. Cơn giận vẫn hiện hữu trong ý thức, làm rối trí bạn và bóp méo năng lượng ý thức. Nó thao túng hầu hết sự chú ý của bạn. Lại có người diễn tả về cơn đau nhức sau cú ngã gần đây, nhưng bạn không thể tạo ra, cảm nhận và trao gửi lòng trắc ẩn. Đến khi có người thông báo về một đứa bé vừa được sinh ra, bạn cũng không thể tạo ra, cảm nhận và trao niềm hạnh phúc.
Tại sao? Vì bạn hoàn toàn mắc kẹt trong cơn bão cảm xúc rối loạn của nội tâm. Khi tràn đầy cảm xúc, TẤT CẢ những gì bạn có thể “cảm” được là cảm xúc ấy (buồn bã, oán giận…) mà thôi. Bạn không cố tình lựa chọn để mình “đầy cảm xúc”, chỉ đơn giản là do cảm xúc đang ngự trị trong ý thức bạn lúc đó cho đến khi nó hoàn toàn tan biến đi.
Nhưng thay vì tách rời và quan sát cảm xúc, để không truyền sức mạnh cho nó nữa; thay vì chịu trách nhiệm cho sự sáng tạo (cảm xúc) của bạn và giải quyết nó, bạn lại cố đè nén. Vì sao bạn làm vậy? Vì bạn muốn tập trung toàn bộ sự chú ý vào nhóm, tham gia vào nhóm và có thể ứng đáp một cách phù hợp. Cho nên bạn đè nén, giam giữ cảm xúc trong tiềm thức của mình.
Qua thời gian, những cảm xúc bị dồn nén theo thói quen cứ ngày một chất chồng trong những “ngăn” tiềm thức. Đến ngày nọ, cảm xúc bất chợt bùng phát, chực trào vô cớ, bạn bắt đầu tự hỏi đã có chuyện gì sai xảy ra với bản thân. Có lẽ bạn sẽ tìm đến liệu pháp chữa trị theo nhóm để chia sẻ. Trong lúc tâm sự, bạn cảm thấy cảm xúc lại dâng lên. Và bạn để cho những gì tích giữ bấy lâu tuôn trào ra ngoài. Bạn thổ lộ hết tất cả. Khi đã xong, những người trong nhóm nói “Cảm ơn bạn vì bạn đã chia sẻ, bạn đã bộc bạch bằng cả trái tim mình”, việc này dường như khẳng định thêm rằng thật tốt khi lòng đầy cảm xúc, “đa sầu đa cảm là tốt”, rồi “mang nặng nỗi niềm là điều bình thường”. Nhưng thực tế là ngược lại. Đó là dấu hiệu của điều gì đó không bình thường, không tự nhiên và không lành mạnh. Cảm xúc không xấu xa, chỉ là dấu hiệu cho biết hiện giờ bạn không suy nghĩ, cảm nhận và hành động đúng với con người thật.
Nó cảnh báo rằng cái tôi giả tạo đã tiếm quyền và đang ở trong thế kiểm soát. Vừa rồi không phải là lời trái tim nói, chính cái tôi đã đánh gục tất cả. Rời khỏi nhóm trị liệu, bạn tin mình đã làm điều đúng, bạn “cảm thấy” đã được chữa lành, nhưng thật sự đó chỉ là sự giải thoát tạm thời, vì bạn vừa “nới lỏng” áp lực tiềm thức chứa đầy những cảm xúc tích tụ lâu ngày. Quá trình này được gọi là sự giải tỏa nỗi đau chất chứa trong tiềm thức (cathartic).
Thay vì truy tìm dấu vết cảm xúc để tìm ra nguyên nhân và chuyển hóa nó, từ đó phục hồi năng lượng của bản thân để trở về trạng thái tự nhiên, chúng ta lại có xu hướng biểu lộ hoặc đè nén. Trong cả hai trường hợp, cảm xúc được ghi lại, trở thành một tập tin trong tủ hồ sơ ký ức, rồi được lôi ra trong tương lai, cảm xúc tiếp tục dâng tràn. Cứ sau mỗi lần bị kích hoạt, tập tin cảm xúc này càng “đầy thêm”.
Việc biểu lộ hoặc đè nén cảm xúc đã trở thành một thói quen, còn được biết đến như là cá tính. Bởi bạn tin bạn là cá tính của mình nên bạn bắt đầu đồng hóa nhân dạng bản thân với cảm xúc - sự sáng tạo sai lầm của bạn. Bạn bị mắc bẫy. giờ đây cái tôi đang sử dụng khả năng sáng tạo của chính nó để tìm kiếm nhân dạng giả tạo mới mẻ khác.
Khi cái tôi được nhận ra là nguồn khơi dậy cảm xúc, bạn bắt đầu nhận thức rõ cảm xúc do mình tạo ra. “Thấy” và phát triển khả năng nhận dạng cảm xúc là việc làm cần thiết để phục hồi quyền tự chủ. Qua thực hành, bạn biết cách kiểm tra bản thân trước khi trở nên gắn kết, và ý thức lựa chọn không tạo, không cảm nhận cảm xúc. Rồi bạn có thể cắt đứt cơn nghiện cảm xúc của mình.
Chu kỳ cảm xúc là chu kỳ gánh chịu đau khổ
Về cơ bản, có 3 nhóm cảm xúc, nghĩa là có 3 kiểu bối rối, xáo trộn cảm xúc mà bạn tạo ra và cảm nhận được trong ý thức của mình khi bạn nhận dạng mình với điều vốn không phải là bạn. Đó là sự buồn bã, giận dữ và nỗi sợ hãi, chúng vận hành theo trật tự hài hòa, hoàn hảo với nhau.
Tại sao bạn tạo ra và cảm nhận sự buồn bã? Lý do luôn luôn là vì bạn tin bạn đã mất đi điều gì đó. Nỗi buồn luôn tiếp nối sau cảm giác mất mát. Qua thời gian, nếu bạn “tin” bạn có quá nhiều mất mát thì sẽ có nhiều khoảnh khắc đau buồn, nỗi phiền muộn xuất hiện. Bạn đã bao giờ nhận ra mỗi khi bạn tạo ra nỗi buồn, nỗi buồn thường không kéo dài lâu hay không (trừ khi là phiền muộn)? Nó cũng qua đi, vì tất cả cảm xúc phải như thế. Tuy nhiên, nỗi buồn cứ tái đi tái lại sẽ chuyển thành giận dữ, bạn tìm cách quy tội, khiển trách ai đó hay sự vật/sự việc nào đó cho sự mất mát, cho nỗi khổ, cho cơn đau cảm xúc của bạn. Vì vậy, bạn tìm kiếm đối tượng để phóng chiếu nỗi đau trong lòng. Bạn bắt đầu chơi trò “trách tội”. (Nhưng cơn giận rồi cũng qua mau. hãy thử tức giận và ở trong tâm trạng nóng giận xem, thật không thể. Sau một lúc, hoặc là bạn sẽ cảm thấy mệt lả, hoặc là phá lên cười trước sự lố bịch này).
Sau đó, khi cơn giận qua đi, nó chuyển thành nỗi sợ hãi. Bạn sợ rằng sự việc có thể tái diễn, bạn có thể trải nghiệm sự mất mát lần nữa. Thế là một mối lo mới được sinh ra. Lo lắng là một biểu hiện của sợ hãi. hãy đoán xem chuyện gì xảy ra nếu bạn cứ suy nghĩ về mất mát sẽ xảy ra? Nó sẽ đến. Bạn lại cảm thấy buồn. Nỗi buồn lại chuyển thành cơn giận và cơn giận chuyển thành nỗi sợ hãi. Chu kỳ cảm xúc cứ mãi luân chuyển như thế.
Buồn bã phiền muộn u uất
Vô vọng
Đau khổ
Chán ngán
Sợ hãi căng thẳng lo âu
Hốt hoảng
Lo lắng
Kinh hoàng/khiếp sợ
Giận dữ cáu gắt thất vọng
Nổi cơn thịnh nộ ghét
Ân hận ghen tị
Đố kỵ
Đây không chỉ là chu kỳ cảm xúc, nó còn là chu kỳ đau khổ. Tuy nhiên, chính chúng ta “đồng tâm hiệp lực” nuôi dưỡng, phụ thuộc, hưởng lợi từ nó, và đã được chỉ dạy cách sống như thế. Vâng, có thể có thời gian dừng giữa bình an, yêu thương và hạnh phúc thật sự, nhưng sẽ rất ngắn ngủi bởi vì thế giới “được lập trình” để giữ chúng ta trong vòng lẩn quẩn cảm xúc và tin rằng đó là cách sống.
Mọi “cảm xúc” sẽ tìm đường để đi vào một trong 3 nhóm cảm xúc này, có khi kết hợp với 2 hoặc cả 3. Cách duy nhất để phá bỏ vòng lẩn quẩn cảm xúc là nhận ra bạn chẳng có gì để mất mát, nghĩa là bạn không bao giờ có thể sở hữu/chiếm hữu điều gì. Niềm tin về quyền sở hữu là nguyên nhân cho nỗ lực sở hữu/thâu tóm nhiều điều, từ đó sinh ra gắn kết/nhận dạng sai lầm bản thân, cũng là nguyên nhân cho những khổ đau về tinh thần/cảm xúc!
Việc phá bỏ vòng lẩn quẩn khổ đau này sẽ không thể thực hiện cho đến khi bạn nhận ra “thật sự” bạn là gì. Chừng nào bạn còn nghĩ mình là thực thể vật chất, hữu hình, là tất cả những nhãn mác kia, thì sự thật “vật chất” - cái thế giới vật chất xoay quanh bạn - vẫn là “chân thực” nhất. Cùng với ý tưởng, niềm tin cho rằng bạn có thể sở hữu một vài thứ trong thế giới ấy.
Nền tảng của xã hội loài người được xây dựng dựa trên niềm tin về sự sở hữu và chiếm hữu. Khoảnh khắc chúng ta biết mình là một thực thể nội tâm phi vật chất, có ý thức, bạn sẽ thấy cái sự thật mang màu vật chất kia là không thật, hoặc chỉ là loại sự thật thứ cấp. Đó là ảo ảnh thấp thoáng về những sự vật, cảnh tượng, hình ảnh đang lướt trôi qua. Bạn chợt nhận ra và nhớ lại điều mình từng biết - tất cả những sự kiện, cảnh tượng và sự vật cứ đến rồi ra đi.
Trong thế giới vật chất, chẳng có gì là nguyên trạng. Mọi thứ đang thay đổi. Nhưng trong thế giới của ý thức, bạn biết BẠN là thực thể tồn tại liên tục, không bao giờ thay đổi, không thể chiếm giữ điều gì. Bàn tay có thể giữ chặt chiếc ghế, nhưng BẠN, thực thể nội tâm, thì không thể. Bạn không phải là bàn tay, giống như bạn không phải là cây búa đang nằm trong tay bạn.
Khi bạn tin tưởng sự thật “vật chất” là sự thật duy nhất, bạn sẽ tìm kiếm tình yêu thương, bình an, hạnh phúc từ bên ngoài bản thân. Nhưng bạn cũng cảm nhận được niềm bình an, hạnh phúc trong thế giới vật chất này không tồn tại bền lâu. Chúng mờ nhạt rồi tan biến, vì chúng không thật, chỉ là cảnh tượng trôi qua đi, một sự kích thích tạm thời, một cảm giác nông cạn, hời hợt. Nhưng trong “không gian nội tâm” - không nắm giữ điều gì, không gắn kết với ý tưởng, hình ảnh hay ký ức nào, bạn tìm thấy suối nguồn bình an và yêu thương (tình thương thể hiện qua ý định tự nhiên, trong sáng là trao đi, kết nối với những người khác).
Sự hài lòng, mãn nguyện chân thực luôn tồn tại khi bạn hoàn toàn hiện hữu, nghĩa là thoát khỏi giận dữ (của quá khứ) và nỗi sợ (về tương lai). Ở trong hiện tại, bạn cảm nhận “sự hiện hữu của mãn nguyện”. Nó làm biến mất nhu cầu thu vén vật chất, đập tan ý muốn chiếm hữu mãnh liệt, làm suy yếu thói quen gắn kết. Sau đó, những thói quen cảm xúc gây ra nỗi buồn, giận dữ và sợ hãi cũng tan biến.
Ngay khi nhận ra bạn không thể chiếm hữu điều gì, bạn cũng biết mình không thể mất gì, nên nỗi buồn sẽ không tồn tại. Bạn phá bỏ được vòng lẩn quẩn tai hại kia để giải thoát mình tự do. Không thể hạnh phúc nếu không có tự do. Tự do không chỉ là khả năng bay đến nơi nào bạn thích, mua hay ăn những gì bạn thích, hoặc nói bất cứ điều gì bạn thích dù ở đâu, trong lúc nào. Tự do thật sự là một trạng thái nội tâm - không có gắn kết, thèm khát hoặc phụ thuộc, nên nỗi buồn, giận dữ và nỗi sợ hãi cũng không còn. Với sự tự do ấy, bạn cảm thấy mãn nguyện từ nội tâm, có ý thức trách nhiệm giúp đỡ người khác tìm đến tự do từ bên trong.
Đồng cảm và Thấu cảm
Đồng cảm không phải là thấu cảm. Đây là một trong những nhầm lẫn thông thường nhất trong lĩnh vực Trí tuệ Cảm xúc. Đồng cảm là một cảm giác thương xót ai đó. Nó gây ra đau khổ cho bản thân khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của người khác. Đây là một kiểu trò chơi khác của cái tôi - bản thân “đồng hóa” với tình huống và cảm xúc của người khác, theo đó có cùng nỗi đau cảm xúc như nhau. Trái lại, thấu cảm là sự tinh nhạy trước cảm xúc của người khác mà không tạo ra cùng cảm xúc như thế trong bản thân. Nhiều người tin rằng phải rơi vào cùng trạng thái rối loạn cảm xúc của người khác để hiểu và giúp họ vượt qua. Nhưng cách làm này không có ý nghĩa, hoang đường, được nuôi dưỡng tốt bởi nền công nghiệp giải trí. Nói vậy cũng giống như bạn phải say để biết người khác say thế nào, bạn cần say để biết cách giúp người khác vượt qua cơn say của họ. Bạn đã bao giờ chứng kiến cảnh hai người say cố giúp nhau chưa? Thật vô nghĩa. Chỉ khi không còn chất chứa cảm xúc trong bản thân, bạn mới đủ cởi mở, rõ ràng và nhạy bén để “cảm” được những cảm xúc người kia đang tạo ra, đang cảm nhận trong chính họ. Sau đó bạn có thể mở lòng mình để hiểu, động lòng trắc ẩn và trao cho họ sự quan tâm đúng nghĩa. Lòng trắc ẩn và quan tâm đều là biểu hiện của tình yêu thương trong hành động. Bạn không thể thấu cảm với người khác nếu bản thân còn rối bời trong cảm xúc.
Xây dựng tình yêu thương đích thực
Giờ đây, bạn đã biết sự khác biệt giữa cảm xúc và cảm giác! Bạn biết rằng tình yêu thương không được khơi
nguồn từ bên ngoài bản thân. Dù bạn làm gì - trao đi hay nhận lại với tình yêu thương, bạn là người cảm nhận được tình yêu trước tiên. Nhưng bạn “yêu” bằng cách nào? Làm thế nào để xây dựng tình yêu thương đích thực và theo đó cảm nhận được “tình yêu thật sự”? Việc này đưa chúng ta đến với những giá trị của mình.
Trong những khóa học và buổi tu dưỡng tinh thần về Trí tuệ Cảm xúc và Trí tuệ Tâm hồn, tôi yêu cầu mọi người viết ra những gì họ cho rằng có giá trị nhất trong cuộc đời họ. Về phía bạn, bạn cũng hãy dành ra vài phút, lập một danh sách cho bản thân. “giá trị” là những gì bạn quan tâm nhiều nhất trong đời mình.
hầu hết mọi người thường lập một danh sách tương tự như sau:
Giá trị của bạn (những điều bạn quan tâm nhất)
Nhà cửa gia đình Sức khỏe Lòng tin cậy
Lòng chính trực
Hòa bình/Bình an
Tự do/Thanh thản
Niềm vui
Tôn trọng
Trung thực
hạnh phúc
Chó (vật nuôi)
Yêu thương
Hài lòng
Bạn bè
Lòng trắc ẩn
Nếu bạn đã lập một danh sách cho riêng mình, hãy bổ sung thêm bất cứ ý nào trên đây mà bạn đang thiếu. Sau đó dành ra một lúc chiêm nghiệm và quyết định cái nào có “giá trị sâu sắc nhất” đối với bạn. Cái nào bạn quan tâm nhiều nhất? hầu hết người ta thường lựa chọn một trong ba điều sau - gia đình, Bạn bè hoặc Sức khỏe.
Với câu hỏi “Tại sao bạn/chúng ta làm việc?”, câu trả lời là giống nhau ở mọi người: Vì chúng ta cần phải kiếm tiền. Tại sao chúng ta cần tiền? Để có thức ăn ở trên bàn, có một mái nhà và đổ đầy xăng cho xe. Nhưng tại sao bạn muốn có nhà cao cửa rộng hơn, hay muốn có kỳ nghỉ hoành tráng hơn, một chiếc xe bắt mắt hơn? Vì bạn “tin” khi đạt được những điều này, bạn sẽ hẠNh PhÚC.
Tất cả những gì con người làm đều xuất phát từ động cơ mưu cầu hạnh phúc, ngay cả khi họ biết có thể nó chỉ là tạm thời thôi. Thật ra, mọi người được thúc đẩy hành động bởi ba điều trong suốt cả cuộc đời mình. Bạn tìm kiếm tình yêu thương trong các mối quan hệ, bình an trong trái tim và hạnh phúc trong cuộc sống. Tại sao bạn muốn có một gia đình thân thương và bạn bè tốt? Bởi vì bạn sẽ nhận được nhiều tình yêu thương, bạn cảm thấy hạnh phúc. Tại sao bạn muốn có sức khỏe tốt? Bởi vì bạn sẽ cảm thấy bình an trong lòng, và theo đó là hạnh phúc. Tại sao kẻ tội phạm xấu xa nhất muốn kẻ thù của mình “biến khỏi tầm mắt”? Bởi vì kẻ ấy tin rằng như thế mình sẽ hạnh phúc. Rõ ràng đây không phải là loại hạnh phúc đúng nghĩa! Nhưng nó vẫn là động cơ thôi thúc con người hành động.
Dù đang làm gì, sắp sửa đi đâu hay đang muốn gì, bạn luôn tìm kiếm tình yêu thương, bình an và hạnh phúc bằng cách này hay cách khác. Nhưng ba “giá trị cốt lõi” này có điểm gì chung? Chúng thuộc về nội tâm, vô hình, không sờ nắm được và không thể nghe thấy. Nói cách khác, chúng “phi vật chất”. Bạn không thể cắt, ăn, đốt cháy, nhấn chìm, sờ chạm hay nhìn thấy chúng. Vậy chúng ở đâu? Chúng tồn tại bên trong mỗi người chúng ta. Bạn có thể tự chứng minh điều này. Ít nhất một lần mỗi năm, bạn sẽ mua một món quà cho bạn bè hoặc cho bố mẹ. Khi trao tặng món quà, bạn sẽ nói “Con gửi đến bố mẹ món quà này với TÌNH YÊU THƯƠNG”. Tình yêu ấy ở đâu ra? Từ cửa hàng bách hóa sao? Ở trong món quà? hay qua lớp giấy gói? Không! Tình yêu thương xuất phát từ bên trong BẠN, luôn có sẵn trong đó rồi. Vậy thì tại sao bạn bỏ ra cả đời để hướng ra “bên ngoài” bản thân, trong khi những cái cần tìm vốn dĩ đã có sẵn “bên trong”? Đây là một nghịch lý của thời kỳ hiện đại.
Cái chúng ta tìm kiếm thì đã có sẵn trong ta rồi. Nhưng có lẽ bạn đang đắn đo: “Gượm đã. Chúng ta phải thực hiện một cuộc kiểm tra thực tế ở đây. Nếu yêu thương, bình an, hạnh phúc đã và vẫn luôn ở trong tôi, tại sao tôi không liên tục cảm nhận được chúng?”. Có lẽ là do bạn tin rằng để cảm nhận những phẩm chất ấy, bạn phải đạt được điều gì đó hay trở thành cái gì đó, hoặc tìm thấy ai đó. Nhưng thực ra con đường duy nhất để cảm nhận về chúng là “trao đi”, vì khi bạn trao gởi món quà với tình thương yêu, ai là người đầu tiên cảm nhận được tình yêu thương ngay lúc trao đi? Chính là bạn! Và xin đừng hiểu lầm. Tôi không bảo bạn rằng ngày mai đi làm, hãy rảo bước một vòng và nói “Tôi yêu mến bạn” với mọi người, mà năng lượng của tình yêu thương nên được thể hiện qua hành động. Vậy, những hành vi nào được thúc đẩy, được định hình và được dẫn dắt bằng tình yêu thương? hãy dành ra một lúc để lập danh sách, bạn sẽ có một danh sách bao gồm những điều sau.
hãy nghĩ về nơi làm việc của bạn một lúc. Bỏ qua những chính sách và thủ tục, điều lệ và nội quy, sản phẩm và dịch vụ, bạn còn lại gì? Con người, mối quan hệ. Thật ra, mỗi ngày bạn không chỉ đi làm, bạn bước vào một cộng đồng bao gồm các mối quan hệ. Bạn tương tác, tiếp xúc với một nhóm người. Vì vậy, khi đến cơ quan, cảm thấy henry đang ủ rủ, bạn biết lý do tại sao; cậu ấy kể với bạn rằng một người thân trong gia đình cậu vừa qua đời vào ngày hôm qua. Thế nên bạn thấu cảm và hỗ trợ henry vượt qua nỗi buồn. Bạn định hình năng lượng yêu thương của bản thân thành sự thấu cảm và bạn ngồi xuống lắng nghe henry, tiếp tục hỗ trợ cho đến khi cậu ấy nguôi ngoai nỗi đau. Còn hilary vừa có một cuộc cãi vã với sếp, cô đang cảm thấy mình bị cô lập. Vậy bạn ứng phó thế nào trong trường hợp của hilary? Bạn động viên và làm mạnh để cô ấy phục hồi lại lòng quý trọng bản thân. Mặt khác, Madge đang trong tâm trạng hoang mang, rối bời và không thể làm rõ một số ý tưởng mà cô ấy đang thực hiện. Với Madge, bạn ngồi xuống và dành ra chút thời gian, bạn hợp tác, giúp cô sáng tạo và làm sáng tỏ ý tưởng của cô.
Do vậy, khi bạn bước vào công việc và đối diện với những người bạn đồng nghiệp khác, bạn nhận thấy họ đang cảm thấy thế nào (thường qua trạng thái cảm xúc của họ), qua đó bạn sẽ biết họ “cần” gì. Việc vận dụng năng lượng (yêu thương) sẵn có trong bạn - cũng chính là bạn - sẽ đáp ứng được nhu cầu đó. Khi làm vậy, ai là người cảm nhận năng lượng ấy trước? Bạn. Rồi họ có thể nói “Cảm ơn anh/chị”. Không hẳn là bạn muốn hay cần họ nói lời cảm ơn, nhưng nếu họ làm vậy, bạn chấp nhận lòng biết ơn của họ và trong lúc đó, bạn khẳng định/xác nhận giá trị của mình. Nếu chẳng ai cảm ơn bạn, cũng ổn thôi, vì bạn không thèm khát cái bạn đã có sẵn.
Vậy bây giờ, hãy lấy một tờ giấy trắng, vẽ hai đường từ đầu cho đến cuối tờ giấy để tạo thành ba cột. Ở cột đầu tiên, hãy viết ra tên của năm người bất kỳ mà bạn đang cùng làm việc mỗi ngày. Ở cột thứ hai là những giá trị mà bạn thấy thích hợp để đáp ứng nhu cầu của họ. Và ở cột thứ ba, bạn hình dung và mô tả kiểu hành vi nào sẽ dùng để chuyển giao giá trị ấy cho họ.
giá trị cốt lõi vẫn là Yêu thương; từ đó, những giá trị thứ cấp xuất hiện - là những gì bạn hành động để biểu hiện tình thương. Đây là những cách để trao yêu thương. Cột thứ ba là hành vi của bạn, bạn bộc lộ hoặc chuyển giao giá trị nào, bạn sẽ là hiện thân cho giá trị ấy. Bạn sẽ làm gì, giá trị nào được bạn thể hiện? Chẳng hạn như:
David
Cậu ấy đang đánh vật để hoàn thành bản báo cáo vào đúng hạn cuối là ngày thứ Sáu.
Vì vậy, giá trị ở đây là sự hỗ trợ.
Và hành vi là: Ngày mai, vào giờ ăn trưa, tôi sẽ dành ra 45 phút để xử lý “những con số thống kê khó nuốt” giúp David.
Mary
Cô ấy đang sầu não.
Vì vậy, giá trị là sự thấu cảm.
Và hành vi là: 9 giờ sáng mai, tôi sẽ rủ Mary ra ngoài uống cà phê và chỉ lắng nghe câu chuyện của cô để hiểu vì sao cô sầu não; làm vậy có thể giúp cô tìm ra lối thoát khỏi trạng thái cảm xúc hiện tại.
Đến đây, có thể bạn sẽ nói “À, tại sao tôi cứ phải là người cho đi, cho đi và cho đi nhỉ? Chắc chắn họ phải cho tôi điều gì đó để đền ơn tôi chứ? Không biết chừng họ sẽ thừa cơ hội, lợi dụng tôi nếu tôi cứ luôn cho đi như vậy? Thật mệt mỏi!”.
Khi bạn hành động dựa trên năng lượng của tình thương từ trái tim nội tâm, bạn có thể sử dụng năng lượng ấy dưới bất kỳ hình thức nào. Bạn là người đầu tiên cảm nhận nó và được truyền tiếp thêm sức mạnh. Sẽ không hiệu quả nếu a) bạn trao đi với nỗi oán giận hoặc b) bạn muốn được đền đáp lại. Tìm kiếm sự đáp trả chẳng khác nào triệt tiêu sức mạnh trong bạn. Thật ra lúc đó bạn không trao đi, bạn đang nhận lại bởi vì bạn nuôi sự kỳ vọng. Chừng nào còn muốn được trả đáp, năng lượng của bạn bị mắc kẹt, không được khơi thông để tuôn chảy tự do, nên đó là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Chính những suy nghĩ phán xét và oán giận tinh tế khi những kỳ vọng của bạn không được đáp ứng gây ra sự mệt mỏi, kiệt quệ. Rồi bạn đổ lỗi cho “họ”, làm sự việc tồi tệ thêm bằng cách sinh ra nỗi oán giận.
Bạn đã quên rằng chỉ có cái tôi giả tạo mang nỗi kỳ vọng; tình yêu thương không đòi hỏi, không kỳ vọng điều gì. Chỉ cái tôi mới đổ lỗi và bực bội, phật lòng; tình yêu thương luôn chấp nhận người khác như là chính họ, ngay cả khi họ khước từ đón nhận sự quan tâm của bạn thì cũng tốt thôi vì đó là lựa chọn của họ. Nhưng sự chối bỏ tình thương (như: quan tâm, đồng cảm, giúp đỡ) hôm nay sẽ chuyển thành sự chấp nhận vào ngày mai. Do đó có câu nói “sự kiên nhẫn vô hạn tạo ra kết quả tức thời”!
Khi bạn thoát khỏi mong muốn được trả đáp, khi bạn không còn mang kỳ vọng về người khác, nếu họ cố lợi dụng sự hào phóng của bạn, bạn sớm nhận ra điều đó mà không bực tức, phẫn nộ. Trong tình huống này, bạn cần tỏ ra quả quyết một chút và biết thế nào là đủ để họ không lệ thuộc vào bạn. Sự nhạy bén, tinh ý này là do kinh nghiệm mang lại!
Bạn có sự lựa chọn rõ ràng. Bạn có thể sống bằng những niềm tin đã học được hoặc từ những giá trị bẩm sinh vốn có. Bạn có thể để cho những suy nghĩ, thái độ và hành vi của mình được định hình bởi hệ thống niềm tin đã tiếp nhận, hoặc bạn có thể khơi dậy những điều giá trị nhất có sẵn trái tim trong nội tâm để nó định hình cách bạn ứng phó trước con người và cuộc sống. Đây là hai khả năng lựa chọn rõ ràng, nhưng dường như bạn không thể lựa chọn khi cái tôi giả tạo đang hoạt động. Tuy nhiên, sẽ không cần phải lựa chọn khi các giá trị của bạn quay trở lại cuộc sống thường ngày.
Vượt lên khỏi niềm tin cố hữu
Cái tôi giả tạo đã “ăn sâu” vào tiềm thức, làm cho sự gắn kết với những niềm tin cố hữu trở thành nhận thức hàng ngày của bạn(?). Cái tôi sẽ kháng cự mạnh mẽ với nỗ lực “vượt lên khỏi niềm tin cố hữu” và khơi gợi các giá trị tốt đẹp của bạn. Một dấu hiệu biểu hiện cho sự kháng cự ấy là ý nghĩ “Nhưng tôi không thể chỉ đi lòng vòng và thể hiện tình yêu thương đầy vị tha, không ích kỷ với mọi người, đó là điều mộng tưởng!”.
Hãy dùng những hành động trong nội tâm - “chú ý” và “nhận thức” - để giúp bạn thấy rõ những niềm tin bạn đeo đuổi đang ngấm ngầm hủy hoại bản thân bạn như thế nào. Bạn cũng bắt đầu nhận ra niềm tin ấy đã cản trở bạn phát huy những giá trị của mình và hủy hoại giá trị của người khác ra sao. Chẳng hạn như, niềm tin cho rằng cạnh tranh là tốt, là cần thiết, sẽ hủy hoại giá trị và khả năng hợp tác. Cạnh tranh làm phát sinh ra nỗi sợ hãi, trong khi hợp tác là sự biểu lộ của tình thương. Cạnh tranh bị cái tôi điều khiển, nên nó đi ngược lại bản chất thực của bản thân. Nếu bạn tin giận dữ là ỔN, đôi khi lại hữu ích, nó sẽ hủy hoại giá trị của bạn và khả năng trao đi lòng trắc ẩn, vì không thể thấu cảm người khác nếu bạn còn ôm nỗi tức giận về lỗi lầm của họ. Nếu bạn tin rằng cuộc đời này cơ bản là một nơi sống sót cho những ai biết thích nghi theo ý nghĩa “khôn sống mống chết”, niềm tin ấy sẽ hủy hoại “giá trị của sự trao đi”, cũng như khả năng phục vụ, giúp đỡ người khác.
Khi đã lên đến cao điểm của cơn khủng hoảng trong nội tâm, bạn chỉ chú tâm phục vụ cho nhu cầu của cá nhân trước khi giúp đỡ, chia sẻ với người khác. Chỉ khi bạn bắt đầu nhận thấy niềm tin kìm hãm những giá trị tốt đẹp của bạn như thế nào, bạn mới có thể sửa sai, cho qua đi, loại bỏ hoặc thay đổi niềm tin ấy. hoặc bạn có thể đi thẳng vào trái tim nội tâm, nơi hiện hữu sức mạnh của tình yêu thương để khai thông con đường băng xuyên qua “khu rừng” niềm tin, giúp bạn thoát ra ngoài, đưa tình thương vào thế giới của hành vi. Một khi tình thương tìm ra lối thoát, tự do tuôn chảy qua hành động (quan tâm, trắc ẩn và hợp tác), hàng trăm niềm tin học hỏi, góp nhặt được như “Tôi được ưu tiên trước”, “Họ sai rồi” và “Cuộc đời chỉ tồn tại kẻ chiến thắng và người thua cuộc” sẽ bắt đầu teo tóp, héo mòn đi.
Một lần nữa, thiền định và tự suy ngẫm, chiêm nghiệm là những phương pháp thực hành cần thiết. Qua đó, bạn khám phá ra mọi niềm tin đều dối trá một cách trớ trêu ngay trong tên gọi của nó: Niềm tin (BeLiEf - Be: là, LiE: dối trá) là những điều dối trá. Niềm tin là cái chúng ta tạo ra và gắn kết với nó khi chúng ta mất đi nhận thức về những điều chân thật. Về cơ bản, niềm tin là những ảo tưởng cản trở sự biểu lộ của nguồn thông thái nội tâm.
Đây là lý do tại sao “tin vào bản thân” không thật sự hữu ích về lâu về dài. “Tin vào bản thân” có thể làm tuôn trào/bộc phát “sức mạnh của lòng tự tin”; có thể tiêm cho bạn một liều “sức mạnh do thành quả mang lại”. Nhưng trong thời gian dài, sức mạnh ấy sẽ cạn kiệt, nỗi nghi ngờ phải núp bóng dưới sự gắn kết để lòng tin vào bản thân có cơ hội xuất hiện trên bề mặt (nếu không, nó sẽ cấu xé bạn từ bên trong). Tốt hơn là hãy tìm hiểu và để cho sức mạnh của sự thật trở thành nền tảng cho cuộc đời. Bạn đã BiẾT mình là gì, là suối nguồn của bình an, yêu thương, niềm vui trong sáng, thuần khiết, vì vậy bạn không cần phải tin nữa, không cần tìm kiếm những trạng thái này, hay cố công đạt được nó. Bạn không cần bắt buộc, thúc ép hay áp đặt niềm tin về bản thân bạn lên chính bản thân mình. Bạn không cần gắn kết với niềm tin dựa trên hình ảnh về con người đích thực, nếu không nó sẽ biến tướng thành dạng biểu hiện khác của cái tôi giả tạo. Khi bạn biết và sống với sự thật về bản thân, niềm tin vào bản thân không còn cần thiết. Bạn không cần lãng phí thời gian, năng lượng để khẳng định và nuôi dưỡng niềm tin về bản thân. Vì “sức mạnh của niềm tin” yếu hơn so với sức mạnh của sự thật.
Chúng ta đồng hóa và bám víu vào nhiều niềm tin mà không nhận ra chúng có thể bòn rút sức mạnh của ta như thế nào. Nghĩa là chúng ta không thường xuyên kiểm tra, thử thách niềm tin của mình. Bây giờ, hãy xem xét một số ví dụ sau.
Niềm tin phổ biến 1 - Hạnh phúc thật sự có thể mua được
Với hầu hết chúng ta, điều này hiển nhiên là không đúng. Rõ ràng, hạnh phúc do vật chất đem lại thì thường dễ mất đi. Từ đó sự ham muốn có thêm xuất hiện. Và thèm muốn, khao khát thì không phải là hạnh phúc, đó là sự không hài lòng, không thỏa mãn. Tuy nhiên, dẫu đã biết nhưng chúng ta vẫn hành động như thể chúng ta cần mua hạnh phúc cho mình. Bởi niềm tin này đã ăn sâu vào ý thức, khiến ta mù quáng trước sự thật rằng cơn thèm khát, nỗi ham muốn, sự mong chờ đối với vật mua bán, trao đổi là những triệu chứng biểu hiện cho nỗi bất hạnh.
Niềm tin phổ biến 2 - Thành công là thành tích
Đối với nhiều người, niềm tin này vẫn rất thực, nhưng càng lúc càng có nhiều người nhận ra đó là một ảo tưởng. Nó bẫy chúng ta vào vòng vây của sự gắng sức, tranh đấu, trông chờ vào sự hoàn tất ở tương lai, do đó không bao giờ thỏa mãn với hiện tại. Nhưng thành công không phải là cuộc tranh đấu hay sự không bằng lòng, bất mãn. Đó là sự mãn nguyện liên tục từ bên trong, trong khi ta vẫn làm điều đúng theo cách đúng với ý định đúng.
Niềm tin phổ biến 3 - Người khác khiến tôi cảm thấy như vậy
Đó chỉ là ảo tưởng. hiểu như vậy sẽ giúp bạn thoát khỏi tình cảnh “nạn nhân” và nhận ra sự thật rằng chính bạn làm cho mình cảm thấy như vậy, bạn có sức mạnh để lựa chọn cảm nhận riêng cho mình trong mọi tình huống, vào mọi lúc. Chân lý ấy tiếp thêm cho bạn sức mạnh. Bạn đừng chỉ tin vào lời tôi nói mà hãy tự mình nhìn nhận, xem xét.
Rất dễ để nhận ra những niềm tin này là giả dối nhưng do bạn đã gắn kết (đồng hóa) với chúng quá sâu sắc nên cái tôi sẽ vùng lên chiến đấu chống trả nỗ lực của bạn hòng xóa bỏ chúng và sống theo cách khác, chân thật hơn. Thật ra, khi bạn thực hiện nỗ lực nội tâm này, bạn có thể cảm thấy như mình đang “chết” đi một chút đối với
cái cũ, cái tiêu cực. Cái tôi sẽ nhanh chóng bày ra những phương cách khéo léo, ma mãnh nhằm níu giữ lại cái cũ để nó còn có cơ may sống sót. Nó tuôn ra những suy nghĩ đại loại như “À, tôi cũng không chắc nữa, có lẽ có một chút cạnh tranh thì vẫn tốt… tiền bạc làm mình cảm thấy an toàn, yên tâm hơn… Chỉ con người mới biết tức giận!”.
Như đã tìm hiểu trước kia, niềm tin phổ biến nhất mà chúng ta đồng hóa với nó là “Tôi là hình hài cơ thể này”. Nó củng cố thêm cho niềm tin rằng cái chết là điều không tránh khỏi - điều con người lo sợ nhất. Nhưng bạn có chết không? Bạn sẽ đi đến kết thúc chứ? Phần đông sẽ nói “Vâng, dĩ nhiên là thế”. Rất ít người nói chỉ có cơ thể chết, bản thân bạn/tôi (tâm hồn, tinh thần) vẫn luôn sống. Những người còn lại thì ngờ vực. Có những người khẳng định họ biết họ sẽ không chết, vì họ có “trải nghiệm nội tại” về sự bất tử, sự trường tồn vĩnh hằng của họ. Nếu không có “trải nghiệm nội tâm” ấy, có lẽ câu trả lời đúng nhất là “Tôi không biết”. Không ai có thể chứng minh nó đúng đắn, và cũng không ai có thể chứng minh bản thân/ tâm hồn không còn tồn tại sau khi cơ thể kết thúc thời gian sống tự nhiên của nó.
Bằng trải nghiệm, bạn biết mọi thứ cứ đến rồi đi, chẳng gì tồn tại mãi. Càng níu giữ chúng, cuộc đời bạn càng trở nên “nghèo nàn”, khốn khổ. Có thể nghèo nàn là một từ quá mạnh. Đầu tiên là cảm giác khó chịu, thiếu thoải mái, sau đó mới là cảm giác thiếu an toàn. Rồi stress được sinh ra. Đây là lý do vì sao gắn kết/quyến luyến là nguyên nhân gốc rễ cho mọi khổ đau. Bạn như đang bóp nghẹt mình bằng những điều mình gắn kết. Stress do níu giữ và nỗi sợ mất mát dần gia tăng. Như thể bạn tự “kết liễu” mình (về mặt tinh thần) trong lúc đang còn sống, làm hoang phí cả một cuộc đời. “Chết trong khi còn sống” nghĩa là ý thức cho qua đi những điều bạn đang bám víu/lệ thuộc, là một cách để sống thật, sống đúng! Sau khi buông bỏ điều gắn kết/đồng hóa, bạn có thể lại “là” chính mình.
Từ đây, con người thật của bạn - tình yêu đích thực - được biểu lộ, vì mọi sợ hãi đã ra đi. Những gắn kết từng bủa vây và đè nén ánh sáng của trái tim nay đã ra đi. Bạn được tự do. Bạn có thể trao đi vô điều kiện. Và bạn tìm thấy niềm hạnh phúc thật sự. Nghe thì đơn giản và dễ dàng nhưng dĩ nhiên thực tế lại là chuyện khác. Vì vậy, mỗi ngày bạn hãy thực hành đi vào suy niệm hoặc thiền định.
Nhưng sẽ mất bao lâu?
Việc dịch chuyển từ cái tôi (nhân dạng sai lầm) sang nhận thức về bản thân thật sự, việc dịch chuyển từ gắn kết sang không gắn kết, từ những phản ứng “đầy cảm xúc” sang những cách ứng phó “có tình cảm”, từ niềm tin sang giá trị, là một phần của “chuyến hành trình nội tâm”.
“Chuyến hành trình” là một ý tưởng rõ ràng, ngắn gọn để mô tả về một tiến trình nhận thức hoặc thức tỉnh. Thực tế, đó là chuyến hành trình tại chỗ! Bạn đã ở đó rồi, ở ngay trong “ngôi nhà”- trái tim bạn. Bạn chưa bao giờ ra đi. Những gì bạn thấy, mọi điều bạn cảm nhận được và mọi cái bạn nghĩ mình biết hay đã biết rồi, đều hiện ra trên chuyến hành trình này.
“Mọi sự đến để rồi đi!”. Trái với sự thật vĩnh hằng về bạn (tâm hồn, thực thể nội tâm), mọi thứ khác thì tạm thời và do đó mà không thật. Bạn chỉ phạm phải một lỗi lầm tái đi tái lại, đó là nỗ lực làm cho điều vốn không thật trở nên thật: dừng lại dòng chảy và ngưng lại những gì phải qua đi! Trong khi làm vậy, bạn đánh mất bản thân trong những điều không thật. Vâng, chiếc xe ở đó, nó đang đậu trên con phố ngoài kia và bạn cầm tay lái. Nhưng chiếc xe, giống như mọi “thứ” khác, rồi cũng sẽ qua đi. Nó thật sự hiện hữu đấy, nhưng lại không thật bằng bạn. Khi bạn gắn kết và đồng hóa với nó, bạn đang đánh mất mình trong cái kém chân thật hơn, vì chiếc xe kia chỉ là một hình ảnh trong tâm trí. gắn kết khiến bạn chịu đau khổ. Nếu bạn cảm thấy đau khổ là ổn, tất nhiên đó là lựa chọn của bạn. Nhưng hãy chú ý, bạn bắt đầu tin tưởng rằng một trong những cách để xoa dịu bớt khổ đau là “tậu” được chiếc xe to hơn, đẹp hơn, tối tân hơn! Cứ như vậy, sự thật về bạn “thật sự là ai” dần chuyển thành những điều vốn không phải là bạn, giống như hình ảnh một vòng xoắn ốc tiếp tục đi xuống.
Bước khởi đầu
Câu hỏi rất thường xuyên được đưa ra là vòng xoắn này bắt đầu như thế nào. Bản thể của chúng ta(?) đã bắt đầu mất đi chính mình như thế nào trong thế giới vật chất? hãy xem bạn có thể nhớ và nhận ra tiến trình này diễn ra đối với bản thân bạn không, bạn có thể nhận thức trực cảm về tiến trình ấy không.
Nó đã bắt đầu như một trò chơi, khi bạn còn ngây ngô, hồn nhiên chẳng biết gì khác ngoài trò chơi. Thuở nhỏ, bạn chẳng biết gì về cuộc đời, tất cả những gì bạn làm chỉ là chơi đùa thỏa thích, vui vẻ. Khi bạn và tôi chơi với nhau, chúng ta đồng sáng tạo một “trò chơi”. Lớn lên, chúng ta bắt đầu làm cho “trò chơi” của mình giữ vị trí “có thật” và dần dần trở nên thật hơn cả ta, người tạo ra chúng. Cho đến một ngày nọ, chúng ta để mình bị “trò chơi” lấn lướt. Chúng ta đánh mất mình “trong” trò chơi, nét thơ ngây, hồn nhiên ban đầu không còn nữa. Tính nghiêm trọng thay thế cho sự vui đùa, khôi hài. Khi chúng ta gắn kết/đồng hóa với trò chơi và những thứ trong trò chơi (gồm cả ký ức về việc cuộc vui của những ngày trước hay hơn nhiều so với ngày hôm nay như thế nào), chúng ta khai sinh ra cái tôi giả tạo, nỗi sợ hãi - thật sự đó là những tạo vật dị hợm.
Bạn có thể phá sập những thứ ấy bất kỳ lúc nào và xem mọi thứ xung quanh bạn chỉ là “trò chơi” - trò chơi của ánh sáng và năng lượng nội tâm. Nó chẳng bao giờ tĩnh, chẳng bao giờ thật như bạn, người đang nhìn/quan sát/chứng kiến… trò chơi. Khoảnh khắc bạn giữ mình ở vị trí người quan sát, bạn nhận ra mình là người đang theo dõi, người không thay đổi, không biết đến đau khổ do mất mát, không biết đến nỗi sợ của khổ đau, bạn đang trở về “nhà”.
Đây là chuyến hành trình trong vòng một giây, không khoảng cách. Ngôn từ không thể đưa bạn đi đến nơi bạn vốn dĩ ở đó. Nhưng nếu có thể, thì sẽ như thế này:
Hãy ngồi thoải mái…
… chỉ quan sát Quan sát mọi thứ Ngồi im bất động…
… Để mình im lặng
Nhìn xem ai đang nhìn
Bạn không thể quan sát bạn…
… không thể trông thấy bạn
Mà bạn là người nhìn
Bạn là người thấy…
… Bạn thật sự không thể được nhìn thấy
Nhận ra… “Tôi là người chứng kiến” tất cả, ngoại trừ bản thân tôi
Và biết rằng chỉ có “Tôi” là thật
Còn tất cả hiện, ẩn; lên, xuống; rõ, mờ Cho đến khi “Tôi” trở nên không thật Thì mọi thứ…
… và bạn…
… đều ở đây
Tôi có thể nghe được suy nghĩ của bạn: “Vậy hóa đơn tiền điện thì sao? Giá cổ phiếu của công ty thì sao? Còn buổi tối cho mấy đứa nhỏ nữa? Rồi tình hình thế giới? Thế còn cuộc chiến ở…?”.
Toàn bộ đều là một màn kịch của ánh sáng và âm thanh, vận động và đổi thay, lên và xuống, rõ và mờ nhạt. Nếu bạn ngừng lại một lúc để quan sát bất kỳ cảnh nào trong vở kịch đời, bạn sẽ thấy cảm xúc dâng tràn định hình mỗi cảnh diễn. Đây là điều tạo dựng nên vở kịch. Bây giờ bạn đã biết nguồn cơn sinh ra cảm xúc là những ảo tưởng mê lầm. Vì vậy, những gì bạn đang nhìn thấy ở “ngoài kia” dẫu có sống động đấy, nhưng chỉ là cảnh diễn dựa trên ảo tưởng không thật. Đã là cảnh diễn, thì mọi chuyện diễn ra chính xác theo từng chi tiết của kịch bản. Khi bạn tách rời và thôi không bám víu và để mình bị phiền nhiễu nữa, bạn đã về đến “nhà” mình, nghĩa là bạn đã tìm ra chính con người đích thực của mình. Còn nếu bạn vẫn tiếp tục muốn rời khỏi “nhà”, ra “ngoài kia” can thiệp vào vở kịch, chỉnh sửa vở kịch, trừng phạt nhân vật, chấm điểm, mong muốn, đón nhận sự tán thành… từ “vở kịch” thì nghĩa là cái tôi giả tạo của bạn sống lại.
Không phải là bạn chỉ thụ động ngồi theo dõi mà chẳng làm gì. Một trong những nghệ thuật sống là biết kiên nhẫn chờ đợi. Kiên nhẫn là biểu hiện của yêu thương trong hành động. Bạn sẽ luôn nhận được lời mời tham gia đóng góp trong vở kịch đời. Nếu bạn thoát khỏi cái tôi, nếu bạn bình an, nếu bạn cởi mở và tách ra một cách tích cực, khách quan, sẽ không có cảm xúc, chỉ có ánh sáng của tình thương tuôn chảy vào bất cứ “cảnh” nào bạn tham gia. Bạn là “người đồng sáng tạo” cho vở kịch đời, chất lượng đóng góp của bạn sẽ quyết định bạn có nhận được lời mời thường xuyên trong tương lai hay không. Lòng kiên nhẫn của tình yêu thương là vô hạn, còn lòng kiên nhẫn của nỗi sợ thì rất ít!
Thật hữu ích khi giữ trong nhận thức câu hỏi tinh tế: “Sự đóng góp của tôi có xuất phát từ cái tôi giả tạo không, hay xuất phát từ con người thật sự của tôi? Nó xuất phát từ tình yêu thương hay nỗi sợ hãi?”. Khi bạn suy nghĩ và hành động từ cái tôi, bạn chỉ nuôi dưỡng thêm ảo tưởng rằng vở kịch đời này là một thương vụ kinh doanh, một vấn đề nghiêm trọng, và do vậy làm tăng thêm nỗi sợ, sự tức giận và nỗi buồn cho vở kịch. Nhưng khi bạn suy nghĩ và hành động từ con người thật của mình, bạn mang đến tình thương, ánh sáng và sức mạnh cho vở kịch. Việc làm này giúp người khác nhìn xuyên qua lớp ảo tưởng của họ trong vở kịch đời, giúp họ thoát khỏi những niềm tin cố hữu chỉ nuôi dưỡng thói quen “gắn kết”, kéo theo những hệ lụy khác là thói quen bất hạnh và stress.
Chỉ sau đó, chúng ta mới có thể đạt được hạnh phúc thật sự.