Chúng ta đã cùng nhau đi một đoạn đường dài. Trong quyển sách này, tôi đã chia sẻ một bữa tiệc ý tưởng với bạn – những chiến lược chắc chắn làm thỏa mãn “khẩu vị” của bạn cho một cuộc sống sung túc và hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi cũng phải chia sẻ với bạn một âu lo.
Bạn thấy đó, nếu đã thấm nhuần mọi thông tin trong quyển sách này, bạn có thể tự gọi mình là một chuyên gia về các nguyên tắc để trở nên sung túc và hạnh phúc. Bạn thậm chí có thể đứng ra thuyết giảng một cách toàn diện những triết lý của sự thành công.
Nhưng bạn phải làm nhiều hơn trong cuộc sống chứ không chỉ biết mọi thứ sẽ vận hành như thế nào theo lý thuyết. Trong thế giới kinh doanh tự do, bạn phải hành động để khiến mọi việc xảy ra. Kiến thức được ứng dụng mới thật sự có ý nghĩa.
Vậy bạn sẽ làm thế nào để bắc chiếc cầu nối liền khoảng cách giữa kiến thức và hành động? Liệu có một thành tố thứ ba đóng vai trò như một chất xúc tác không? Thật may là có. Đó là cảm xúc của chúng ta.
CẢM XÚC
Cảm xúc là những động lực mạnh mẽ nhất bên trong chúng ta. Dưới sức mạnh của cảm xúc, con người có thể thực hiện những hành động anh hùng nhất (cũng như những hành vi thiếu văn minh nhất). Ở một mức độ phát triển nhất định, sự văn minh có thể là một kênh điều hướng xúc cảm thông minh của con người. Cảm xúc là nhiên liệu và trí não là hoa tiêu, phối hợp với nhau để đẩy con tàu tiến bộ văn minh về phía trước.
Những cảm xúc nào khiến con người hành động? Có bốn cảm xúc căn bản; mỗi cảm xúc hay sự kết hợp của một số cảm xúc có thể kích hoạt hành động khó tin nhất. Cái ngày mà bạn cho phép những cảm xúc tiếp nhiên liệu cho ước muốn của bạn thì đó chính là ngày bạn sẽ xoay chuyển cuộc đời mình.
Chán ghét
Thường thì ít ai liên tưởng từ “chán ghét” với một hành động tích cực. Nhưng nếu được điều hướng một cách đúng đắn, sự chán ghét có thể thay đổi cuộc đời của một con người.
Người cảm thấy chán ghét đã đạt đến ngưỡng không thể quay lại. Người đó đã sẵn sàng thách đấu với chính cuộc sống khi nói rằng: “Ta chịu đựng như thế đủ rồi!”.
Đó là điều tôi đã nói sau kinh nghiệm ê chề của mình với cô bé hướng đạo sinh và gói bánh quy giá 2 đô-la của cô bé. “Mình chịu đựng như thế đủ rồi!”, tôi nói. “Mình không muốn sống như thế này thêm một phút nào nữa. Mình không chịu đựng thêm được nữa tình trạng rỗng túi. Mình không chịu đựng thêm được nữa cảnh túng bấn và việc phải dối quanh.”
Đúng vậy, những cảm xúc chán ghét có lợi nảy sinh khi một người nói: “Vậy là quá đủ”. Vậy là đủ.
Anh chàng đó của chúng ta cuối cùng cũng không chịu đựng được nữa việc mình là một kẻ thất bại. Anh ta không thể chịu đựng thêm được nữa sự tầm thường. Anh ta không thể chịu đựng thêm được nữa những cảm xúc đáng ghét như sợ hãi, đau đớn và tủi nhục. Anh ta thấy vợ mình một lần nữa đi qua đi lại trước những kệ hàng trưng bày thức ăn đóng hộp của siêu thị để mua một hộp đậu và anh ta biết điều gì sẽ xảy ra. Anh ta biết rằng cô ấy sẽ nhìn vào nhãn hàng có giá 69 xu và nhãn hàng có giá 67 xu. Anh ta biết rằng mặc dù thích loại có giá 69 xu hơn nhưng cô ấy sẽ mua loại 67 xu. Và anh ta cũng biết rõ lý do cô ấy mua loại rẻ hơn – để tiết kiệm 2 xu. Hai xu! Anh chàng đó của chúng ta buồn bã nói: “Tôi đã chán ngấy việc phải quỳ xuống sát đất để tìm những đồng xu bị rơi. Chúng tôi sẽ không tiếp tục sống như thế này một-phút-nào-nữa”.
Hãy chú ý! Đây có thể là ngày xoay chuyển một đời người đấy. Gọi nó bằng tên gì tùy ý bạn – ngày “tôi không chịu đựng thêm nữa”, ngày “không bao giờ lặp lại nữa”, ngày “như vậy là quá đủ”. Dù bạn gọi nó là ngày gì, hãy gọi tên nó thật mạnh mẽ! Không gì có thể làm thay đổi cuộc đời tốt hơn sự chán ghét cùng cực.
Ngược lại, không có gì đáng thương hơn sự chán ghét vừa phải. Ai đó nói: “Tôi cảm thấy hơi chán...”. Như thế là an phận, là nhu nhược. Chừng đó cảm xúc thậm chí không đủ để tiếp nhiên liệu cho một chiếc tàu đồ chơi trong bồn tắm!
Quyết định
Hầu hết chúng ta cần phải bị đẩy đến chân tường mới ra quyết định. Và một khi đã đến điểm đó, chúng ta phải đối mặt với những cảm xúc đối lập nhau thường nảy sinh do việc phải ra quyết định. Chúng ta đã đến ngả rẽ của con đường.
Bây giờ, ngả rẽ này có thể có hai lối, ba lối hay thậm chí bốn lối. Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc ra quyết định có thể gây ra những cơn quặn thắt trong dạ dày chúng ta, khiến chúng ta thức giấc giữa đêm hay đột nhiên toát mồ hôi lạnh.
Việc đưa ra những quyết định làm thay đổi cuộc đời có thể được ví như một cuộc nội chiến bên trong bạn. Những đội quân cảm xúc đối nghịch nhau, mỗi bên một kho vũ khí đầy những lý do, đấu với nhau để xem ai chiếm lĩnh được tâm trí bạn. Và quyết định cuối cùng sau cuộc giao tranh này, dù mạnh mẽ hay yếu ớt, được cân nhắc một cách kỹ lưỡng hay bốc đồng, có thể hoặc đưa đến hành động, hoặc ngăn bạn nhìn thấy lối đi.
Tôi không có nhiều lời khuyên cho bạn về việc ra quyết định, ngoại trừ điều này: bất kể bạn làm gì, đừng cắm trại ở ngả rẽ của con đường. Hãy đưa ra quyết định. Ra quyết định sai vẫn tốt hơn nhiều so với không ra quyết định nào cả. Mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với sự xáo trộn về mặt cảm xúc và tìm cách xử lý ổn thỏa các trạng thái cảm xúc của mình.
Như một doanh nhân trẻ đã nói với tôi sau khi quyết định mạo hiểm mọi thứ mình đang có và khởi sự một công việc kinh doanh: “Tôi đã không còn đeo đuổi ý tưởng rằng phải loại bỏ những cảm xúc, suy nghĩ làm náo loạn tâm trí tôi. Nhưng hiện giờ, ít nhất là tôi có thể làm cho chúng luôn có trật tự, ‘đâu vào đó’ hầu như trong mọi tình huống”.
Bạn có một công cụ mạnh mẽ để ra quyết định, dĩ nhiên rồi, đúng chứ? Nếu bạn đã vài lần luyện tập việc thiết lập mục tiêu (Nếu chưa, cũng chưa quá trễ để bạn bắt đầu luyện tập kỹ năng đó ngay bây giờ), bạn đã có kế hoạch dài hạn và kế hoạch ngắn hạn cho cuộc đời mình.
Tất cả những gì bạn phải làm bây giờ là quyết định hành động bằng cách thể hiện ra ước muốn chính đáng của mình.
Ước muốn
Làm thế nào chúng ta có ước muốn? Tôi không nghĩ mình có thể trả lời trực tiếp câu hỏi này vì có rất nhiều cách. Nhưng tôi biết hai điều về ước muốn:
1. Nó đến từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài.
2. Nó có thể được kích hoạt bằng những động lực bên ngoài.
Hầu như mọi thứ đều có thể trở thành tác nhân kích hoạt ước muốn. Điều mấu chốt là thời gian và sự chuẩn bị. Đó có thể là một bài hát hay bản nhạc làm lay động trái tim. Đó có thể là một buổi thuyết giảng đáng nhớ. Đó có thể là một bộ phim, một cuộc trò chuyện với một người bạn, một cuộc đối đầu với địch thủ hay một kinh nghiệm đắng cay. Ngay cả một quyển sách như quyển này cũng có thể kích hoạt cơ chế bên trong của một số người nào đó, khiến họ nói: “Tôi muốn điều đó ngay bây giờ!”.
Vì vậy, trong khi tìm kiếm “nút nóng” của bạn để khơi dậy những ước vọng tinh khiết, nguyên sơ, hãy tiếp đón từng trải nghiệm tích cực vào trong cuộc sống của mình. Đừng dựng lên một bức tường phòng vệ ngăn bạn trải nghiệm cuộc sống. Một bức tường giữ cho chúng ta không thất vọng thì cũng ngăn chúng ta không đón nhận được ánh nắng để làm giàu thêm những trải nghiệm. Vì vậy, hãy để cuộc sống chạm vào bạn. Cú chạm tiếp theo có thể là cú chạm làm xoay chuyển cuộc đời bạn.
Quyết tâm
Quyết tâm nói: “Tôi sẽ”. Hai từ này trong tiếng Anh (I will) nằm trong số những từ có tác động mạnh mẽ. Tôi sẽ.
Benjamin Disraeli, chính trị gia vĩ đại của nước Anh, từng nói: “Không gì có thể kháng cự được ý chí của con người khi ý chí đó đặt cược sự tồn tại của chính nó để đạt được mục đích”. Nói cách khác, khi ai đó có một quyết tâm sống còn thì không điều gì có thể ngăn được anh ta.
Người leo núi nói: “Tôi sẽ chinh phục ngọn núi này. Họ bảo tôi là nó quá cao, quá xa, quá dốc đứng, quá gồ ghề, quá khó. Nhưng đó là ngọn núi tôi đã chọn. Tôi sẽ leo lên đó. Bạn sẽ sớm thấy tôi vẫy tay chào bạn từ trên đỉnh núi hoặc bạn sẽ không bao giờ thấy tôi nữa, bởi vì nếu không lên được tới đỉnh, tôi sẽ không trở lại”. Ai có thể tranh cãi với một quyết tâm như vậy!
Trước một quyết tâm sắt đá như vậy, tôi có thể thấy Thời gian, Vận mệnh và Hoàn cảnh vội vã triệu tập hội nghị và ra quyết định: “Có lẽ chúng ta phải để cho cậu ấy thực hiện giấc mơ của mình thôi. Cậu ấy nói sẽ đến được nơi đó hoặc sẽ chết trong khi đang cố gắng hết sức”.
Định nghĩa hay nhất cho từ “quyết tâm” tôi từng nghe là của một nữ sinh ở thành phố Foster, bang California. Như thường lệ, khi ấy tôi đang diễn thuyết về sự thành công cho một nhóm học sinh triển vọng tại một trường trung học cơ sở. Tôi hỏi: “Ai có thể cho tôi biết ‘quyết tâm’ có nghĩa là gì?”. Một vài cánh tay giơ lên và tôi nghe một vài định nghĩa khá tốt. Nhưng định nghĩa cuối cùng là hay nhất. Một em nữ sinh ở cuối lớp ngại ngùng đứng lên và nói với giọng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Em nghĩ ‘quyết tâm’ có nghĩa là hứa với bản thân rằng sẽ không bao giờ từ bỏ”. Chính xác! Đó là định nghĩa hay nhất mà tôi từng nghe: Hứa với bản thân rằng sẽ không bao giờ từ bỏ.
Hãy suy nghĩ về điều đó! Một đứa trẻ nên cố gắng trong bao lâu để học đi? Bạn sẽ cho một em bé trung bình bao nhiêu thời gian trước khi bạn nói: “Vậy được rồi, con đã hết cơ hội”? Bất kỳ người mẹ nào trên thế giới cũng sẽ nói: “Con tôi sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi biết đi mới thôi!”. Nhờ vậy mà mọi người đều biết đi.
Có một bài học sống còn về điều này. Hãy tự hỏi mình: “Tôi sẽ làm việc trong bao lâu để biến ước mơ của tôi thành hiện thực?”. Tôi mong bạn trả lời: “Bất kể là bao lâu”. Đó là những gì được gọi là quyết tâm.
HÀNH ĐỘNG
Cũng như cảm xúc, hành động tiếp nhiên liệu cho kiến thức. Hành động là phần cuối cùng của công thức này. Nó là thành tố đảm bảo cho kết quả. Chỉ hành động mới có thể tạo ra phản ứng. Cụ thể hơn, chỉ hành động tích cực mới có thể tạo ra phản ứng tích cực.
Hành động. Cả thế giới đều thích dõi theo những người làm cho mọi chuyện xảy ra và vì vậy họ cảm thấy thật xứng đáng khi đã tạo nên một làn sóng những doanh nghiệp với nhiều thành tựu.
Tôi nhấn mạnh điều này vì tôi thấy nhiều người hiện nay thật sự tin theo những lời nói xác quyết. Tuy nhiên, có một câu nói nổi tiếng là: “Niềm tin mà không có hành động sẽ không phục vụ cho một mục đích hữu dụng nào”. Câu nói này rất đúng!
Tôi không phản đối những lời nói xác quyết khi đó là công cụ để tạo ra hành động. Lặp đi lặp lại để củng cố cho một kế hoạch có kỷ luật, những lời nói xác quyết có thể giúp tạo ra những kết quả tuyệt vời.
Nhưng cũng có một ranh giới rất mỏng manh giữa niềm tin sáng suốt và niềm tin mù quáng. Bạn thấy đó, những lời lẽ khẳng định suông mà không có hành động là khởi đầu của việc tự dối mình. Và không gì nguy hại hơn việc tự dối mình đối với hạnh phúc của chính bạn. Điều này cũng giống như một giám đốc kinh doanh vừa bước ra khỏi cuộc họp về bán hàng với ý chí “ngùn ngụt” và nói: “Mình sẽ là nhà kinh doanh giỏi nhất trong ngành này” nhưng lại không có sự tư duy hay hành động kỷ luật nào theo sau lời nói của mình. Giống như cô ấy đang đi về hướng tây để được ngắm cảnh mặt trời mọc.
BỐN CÂU HỎI
Khi chúng ta đã cùng nhau đi đến chặng cuối của hành trình, tôi có một vài câu hỏi và muốn bạn suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời. Câu hỏi thứ nhất là: Tại sao ta nên cố gắng? Trẻ em thường đặt những câu hỏi “tại sao”, và đây là một câu hỏi “tại sao” quan trọng. Ý tôi muốn nói là: Tại sao phải thức dậy sớm? Tại sao phải làm việc vất vả đến thế? Tại sao phải đọc nhiều sách như vậy? Tại sao phải kết bạn với nhiều người? Tại sao phải đi xa đến thế? Tại sao phải kiếm thật nhiều tiền? Tại sao phải cho đi nhiều như thế?
Câu trả lời hay nhất cho câu hỏi “Tại sao ta phải cố gắng?” là bằng một câu hỏi khác, câu hỏi thứ hai: Tại sao không? Bạn sẽ làm điều gì khác với cuộc đời mình? Tại sao không xem thử bạn đi được bao xa? Tại sao không xem thử bạn có thể kiếm được nhiều bao nhiêu, bạn đọc được bao nhiêu hay san sẻ được bao nhiêu? Tại sao không xem thử bạn có thể trở thành cái gì hay có thể phát triển tới mức nào? Tại sao không? Rốt cuộc, bạn sẽ tồn tại trong thế giới này cho đến khi bạn ra đi. Tại sao không tồn tại bằng một phong cách?
Câu hỏi thứ ba đi xa hơn một chút, có tính đòi hỏi: “Tại sao không phải là bạn?”. Một số người làm được những việc khó tin nhất với những điều kiện sẵn có hạn chế. Một số người làm tốt đến mức không có gì mà họ chưa từng trải qua. Tại sao không phải là bạn?
Tại sao không phải là bạn, đang ngắm cảnh sương mù phủ khắp quần đảo Hebrides ngoài khơi Scotland? Tại sao không phải là bạn, đang cảm thụ bầu không khí lịch sử trên tháp Luân Đôn hay khám phá những bí mật đen tối ở Tây Ban Nha? Tại sao không phải là bạn, đang dùng bữa trưa tại một trong những quán cà phê tuyệt đẹp trông ra điện Élysée nổi tiếng ở Paris? Tại sao không phải là bạn?
Tại sao không phải là bạn, người đang lái một chiếc thuyền buồm trên biển Ca-ri-bê? Bạn có biết ở đâu tại Miami có những con sò tuyệt đẹp không?
Tại sao không phải là bạn, đang thưởng thức mọi thứ mà cuộc đời luôn có thể mang lại, phần thưởng dành cho những nỗ lực kiên trì và rất có kỷ luật của bạn?
Tại sao không phải là bạn?
Và giờ đây, bạn tôi ơi, đây là câu hỏi cuối cùng dành cho bạn: Tại sao không là bây giờ? Tại sao phải trì hoãn một tương lai tốt đẹp hơn khi mà có quá nhiều điều tuyệt vời như thế đang chờ lệnh bạn? Hãy đón lấy nó ngay hôm nay. Hãy mua một vài quyển sách mới; thực hiện kế hoạch của bạn với những mục tiêu thật chi tiết; mời một triệu phú dùng bữa; tìm những phương cách mới để tăng năng suất; phát triển một phong cách sống phóng khoáng và đầy tình yêu thương; có một nỗ lực mới mẻ để tin vào bản thân. Và hãy luôn dịch chuyển.
Cuối cùng, hãy hỏi xin sự giúp đỡ của Thượng đế. Vâng, tôi tin thành công trong tương lai của chúng ta tùy thuộc vào chúng ta, nhưng tôi cũng biết rằng tất cả chúng ta đều cần sự nuôi dưỡng về mặt tâm linh, nhất là khi quyết tâm của chúng ta suy yếu do đối diện với nghịch cảnh.
Có một câu chuyện về một người đàn ông, từ một đống đá, trong hai năm đã tạo ra được một khu vườn đáng yêu nở đầy những bông hoa tuyệt đẹp. Một hôm, một vị tu sĩ đi ngang qua. Mặc dù đã nghe về khu vườn vì danh tiếng của nó đã lan xa quanh đó nhiều dặm, nhưng vị tu sĩ cũng muốn chắc chắn rằng người làm vườn không bỏ quên Đấng Sáng Tạo tối cao. Vì vậy, ông ấy nói: “Người làm vườn, Thượng đế chắc chắn đã ban phúc cho ông bằng một khu vườn xinh đẹp”. Người làm vườn hiểu ý ông ấy: “Ông nói đúng, thưa tu sĩ. Nếu không nhờ ánh nắng mặt trời, mưa, đất và phép màu của hạt giống và các mùa trong năm thì sẽ không có khu vườn nào cả. Giá mà ông đã nhìn thấy nơi này cách đây vài năm khi Thượng đế giữ nguyên nó cho mình”.
* * *
Bạn và tôi đã được ban tặng những món quà của cuộc sống, nhưng chúng ta là người quyết định liệu chúng ta có vận dụng những luật lệ của Thượng đế để sáng tạo, để sung túc và hạnh phúc không.