Không có sự ưu tú đích thực nào mà lại không gắn với một cách sống đúng đắn
David Starr Jordan
Không có sự ưu tú đích thực nào mà lại không gắn với một cách sống đúng đắn
David Starr Jordan
Hơn 25 năm làm việc với mọi người trong nhiều môi trường khác nhau: kinh doanh, giáo dục, hôn nhân và cả trong gia đình, tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều người vô cùng thành công về vật chất; nhưng trong họ luôn giằng xé một nỗi niềm khao khát, một ước muốn sâu kín. Họ muốn có sự bình tâm, tính hiệu quả cũng như cải thiện mối quan hệ với người khác.
Những vấn đề họ chia sẻ với tôi có lẽ phần nào tương tự trăn trở của bạn bây giờ:
Tôi đã đặt ra và gặt hái được những thành công nghề nghiệp vô cùng to lớn. Nhưng điều này lại khiến tôi đánh đổi đời sống cá nhân và gia đình tôi. Tôi không còn thời giờ để quan tâm đến vợ con nữa. Thậm chí, tôi còn không hiểu được chính mình, xem điều gì mới thực sự là quan trọng với tôi bây giờ. Nhiều khi tự vấn lương tâm - tôi không biết có đáng để mình phải đánh đổi như vậy không?
Tôi vừa bắt đầu chương trình ăn kiêng lần nữa - đây đã là lần thứ năm trong năm nay rồi. Tôi biết mình béo phì và thực sự muốn thay đổi điều đó. Tôi dành thời giờ đọc tất cả mọi thông tin về sức khỏe, đặt ra mục tiêu và khích lệ mình với một tinh thần lạc quan, tự động viên rằng mình có thể làm được. Nhưng kết quả chẳng có gì thay đổi. Chỉ sau vài tuần là tôi mất nhiệt huyết. Dường như tôi không thể giữ lời hứa với chính mình thì phải?
Tôi tham dự hết khóa học này đến khóa huấn luyện khác về quản trị tính hiệu quả. Tôi kì vọng nhiều ở nhân viên của mình, cố gắng thân thiện và cư xử hòa nhã với họ. Nhưng kết quả là họ vẫn không trung thành với tôi. Tôi đoán nếu tôi nghỉ bệnh ở nhà một ngày, chắc chắn họ sẽ tán gẫu suốt cả ngày hôm ấy. Vì sao tôi không thể huấn luyện cho họ biết tự giác làm việc và có tinh thần trách nhiệm - hay tìm được những nhân viên như thế?
Đứa con trai của tôi không những quậy phá mà còn nghiện ngập. Tôi đã thử hết cách mà nó vẫn không chịu nghe lời. Tôi phải làm gì bây giờ đây?
Có quá nhiều việc cần làm mà thời gian thì không bao giờ đủ. Tôi cảm thấy áp lực và bức bối cả ngày, thậm chí suốt tuần. Tôi dự các hội thảo về quản lý thời gian, thử áp dụng vài phương pháp lập kế hoạch. Chúng cũng có chút hữu ích, nhưng nhìn chung tôi không cảm thấy mình đang sống một cuộc đời ý nghĩa, không thấy mình thực sự hạnh phúc, hiệu quả và bình an.
Tôi muốn dạy các con tôi hiểu về giá trị của lao động. Nhưng mỗi khi làm bất kỳ việc gì thì tôi đều phải kè kè theo sát chúng; chưa kể là phải chịu đựng những lời kêu ca than vãn. Nếu tôi tự làm chắc chắn mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Tại sao bọn trẻ con không thể vui vẻ và tự giác làm việc mà không cần nhắc nhở nhỉ?
Tôi bận, thật sự rất bận. Nhưng đôi lúc tôi cũng tự hỏi mình rằng liệu những gì mình đang làm có tạo ra khác biệt về lâu về dài không. Tôi rất muốn tin là có một ý nghĩa nào đó trong cuộc đời mình; rằng mọi thứ sẽ khác hơn nhờ có sự hiện diện của tôi.
Khi thấy bạn bè hay người thân đạt được một số thành quả hoặc được công nhận trong cuộc sống, tôi mỉm cười chúc mừng họ. Nhưng trong lòng, tôi thấy mình đang ganh tị với họ. Tại sao tôi lại có cảm giác ấy chứ?
Tôi là người cá tính khá mạnh. Tôi biết mình có thể kiểm soát kết quả trong hầu hết các cuộc trò chuyện. Tôi có khả năng gây ảnh hưởng lên người khác để họ nghe theo ý mình. Trong mỗi tình huống giao tiếp, tôi nhìn thấu câu chuyện, vì vậy mà những ý tưởng tôi nêu lên thường sẽ là tốt nhất. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy có gì đó không thoải mái và luôn tự hỏi liệu người khác nghĩ gì về mình, và về những ý tưởng của mình nữa.
Đời sống hôn nhân của tôi đang lạnh nhạt đi. Chúng tôi không lục đục gì cả, chỉ là không còn yêu nhau nữa thôi. Chúng tôi có nhờ đến dịch vụ tư vấn và cũng nỗ lực làm theo, nhưng kết quả là chúng tôi vẫn không thể nhóm lại cảm xúc tình yêu ngày nào mà chúng tôi đã từng có với nhau.
Những câu chuyện trên đều là những vấn đề sâu sắc và đầy khó khăn. Chúng không thể được giải quyết bằng những biện pháp tức thì.
Vài năm trước đây, vợ tôi - Sandra và tôi cũng rơi vào một hoàn cảnh khó khăn tương tự. Cậu con trai của chúng tôi trải qua một giai đoạn khủng hoảng ở trường học của nó. Nó học rất tệ, thậm chí còn không biết làm theo một số chỉ dẫn trong các bài kiểm tra, huống chi là làm bài tốt. Về mặt giao tiếp xã hội, thằng bé còn thiếu trưởng thành lắm, thường ngại ngùng ngay cả với người thân quen. Trong các hoạt động thể chất, nó là người nhỏ con, ốm yếu và vụng về. Ví dụ khi chơi bóng chày, quả bóng chưa được ném mà nó đã vung gậy rồi. Vì vậy mà bọn trẻ khác rất hay cười nhạo nó.
Sandra và tôi nôn nóng muốn giúp con trai mình. Chúng tôi quan niệm rằng, nếu “thành công” là hai chữ ai cũng muốn trong mọi lĩnh vực, thì trong vai trò làm cha mẹ của chúng tôi, chúng lại càng trở nên vô cùng quan trọng. Vì vậy, chúng tôi cố gắng điều chỉnh thái độ và hành vi của mình, cũng như của thằng bé. Chúng tôi tác động vào tinh thần và dùng một số biện pháp tâm lý tích cực, khích lệ cậu bé: “Cố lên con trai. Cha mẹ biết là con có thể làm được. Đặt tay xích lên một chút nào, mắt tập trung vào quả bóng. Đừng vụt gậy cho đến khi quả bóng gần tới con nhé!”. Nếu thằng bé có chút tiến bộ, chúng tôi động viên ngay: “Tốt lắm con trai, cứ tiếp tục nhé”.
Khi bọn trẻ cười nhạo thằng bé, chúng tôi mắng ngay: “Lùi ra. Để nó yên. Nó đang học cách chơi mà”. Khi đó, cậu chỉ biết khóc và khăng khăng tin rằng mình sẽ không bao giờ có thể chơi bóng chày được, rồi dần không còn thích môn này nữa.
Mọi cố gắng của chúng tôi đều vô hiệu, chúng tôi rất lo lắng. Chắc chắn việc này sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của thằng bé. Vợ chồng tôi vẫn tiếp tục động viên, hỗ trợ và tỏ ra lạc quan, nhưng sau biết bao thất bại, chúng tôi đành lùi bước và thay đổi cách nhìn vấn đề theo một cấp độ khác.
Vào thời điểm đó, tôi đang tham gia giảng dạy về phát triển năng lực lãnh đạo cho nhiều công ty trên khắp nước Mỹ. Tôi thiết kế các chương trình đào tạo cách mỗi hai tháng về chuyên đề “Kỹ năng giao tiếp và cách nhìn nhận” nằm trong khuôn khổ chương trình Phát Triển Lãnh Đạo Cấp Cao dành cho tập đoàn IBM.
Trong quá trình nghiên cứu giảng dạy, tôi đặc biệt hứng thú với nội dung nói về việc các góc nhìn của chúng ta được hình thành ra sao, cách chúng chi phối chúng ta đánh giá vấn đề, và rồi cách đánh giá đó tác động đến hành vi của chúng ta ra sao. Từ đó, tôi tiếp tục nghiên cứu về lý thuyết kỳ vọng và hiện tượng “lời tiên đoán tự trở thành hiện thực” - hay còn gọi là “Hiệu Ứng Pygmalion”, và rồi nhận ra góc nhìn của chúng ta có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc như thế nào. Nó khiến tôi hiểu rằng chúng ta phải rất lưu tâm đến những lăng kính mà mình đang sử dụng, vì ta nhìn thế giới này thông qua những lăng kính ấy; cũng như thế giới mà chúng ta đang nhìn thấy đây, chính lăng kính đó sẽ định hình cách chúng ta lý giải nó.
Sandra và tôi thảo luận với nhau về những khái niệm mà tôi giảng dạy cho IBM và ánh xạ vào trường hợp con trai mình. Chúng tôi bắt đầu nhận ra những gì chúng tôi làm để giúp con trai mình trước đây không hề đúng với cách mà chúng tôi thực sự nhìn nhận nó. Khi thành thật nhìn lại cảm xúc bên trong mình, chúng tôi nhận ra mình vẫn cho rằng nó là đứa chậm tiến, tụt hậu so với bạn bè. Vì vậy, cho dù chúng tôi cố gắng thay đổi thái độ và hành vi nhiều đến đâu, mọi nỗ lực cũng không hiệu quả. Cho dù nói gì hay làm gì, thì thông điệp thực sự mà chúng tôi đang gửi đến thằng bé vẫn là: “Con không có khả năng. Con cần được che chở”.
Chúng tôi hiểu ra rằng: nếu muốn thay đổi tình hình, trước tiên phải thay đổi chính mình. Và để thay đổi mình hiệu quả, cần thay đổi nhận thức.
ĐẠO ĐỨC PHẨM GIÁ VÀ ĐẠO ĐỨC TÍNH CÁCH
Cùng lúc đó, bên cạnh nghiên cứu về nhận thức, tôi đắm mình vào những nghiên cứu sâu các tài liệu nói về thành công được xuất bản tại Mỹ từ năm 1776 đến nay. Tôi đã đọc và rà soát hàng trăm quyển sách, bài báo và các tiểu luận trong lĩnh vực phát triển bản thân, tâm lý học phổ thông, sống đẹp. Tôi có trong tay một bộ sưu tập về những gì mà những người có tư tưởng tự do và dân chủ đều cho là chìa khóa của thành công.
Việc nghiên cứu cho tôi cơ hội nhìn lại suốt 200 năm đối với các tác phẩm viết về thành công, và tôi để ý thấy có một mô thức tư duy nổi lên ở công trình nghiên cứu này. Bởi vì tôi đã trải qua những trăn trở đó, cũng như chứng kiến nó xảy ra trong cuộc sống và mối quan hệ của nhiều người mà tôi làm việc trong suốt đời mình, tôi bắt đầu càng lúc càng thấy rõ các tác phẩm viết về thành công trong vòng 50 năm gần đây đều rất hời hợt. Chúng toàn là về chuyện trau chuốt hình ảnh xã hội, các kỹ thuật và biện pháp xử lý chóng vánh - như chiếc băng dán vết thương hay liều aspirin để xoa dịu cơn đau hay đôi lúc cũng có thể tạm thời giải quyết được tình hình nhưng căn bệnh kinh niên thì vẫn âm thầm ủ dưới bề mặt và tái phát hết lần này đến khác.
Ngược lại, hầu hết các tác phẩm viết về thành công trong giai đoạn trước (150 năm đầu tiên) đều tập trung vào một thứ gọi là Đạo đức phẩm giá, xem đó là nền tảng của thành công - gồm tính chính trực, đức khiêm nhường, lòng trung thành, sự chừng mực, can đảm, công bằng, nhẫn nại, cần cù, giản dị, và Quy tắc vàng trong ứng xử. Quyển “Tự truyện của Benjamin Franklin” là minh họa tiêu biểu cho trường phái này. Quyển sách nói về một con người vĩ đại đã nỗ lực tích hợp các nguyên lý bất biến vào các thói quen gắn chặt với bản tính của người này.
Quan điểm Đạo đức phẩm giá cho rằng có tồn tại một số nguyên lý cơ bản để sống hiệu quả, và con người chỉ đạt được thành công đích thực và hạnh phúc vĩnh cửu nếu họ chịu học hỏi cách để đưa những nguyên lý này thành bản tính của mình.
Nhưng sau Thế chiến thứ nhất, tư tưởng chủ đạo về thành công đã chuyển từ Đạo đức phẩm giá sang Đạo đức tính cách. Thành công chủ yếu được nhìn nhận dưới giác độ tính cách, hình ảnh xã hội, thái độ và hành vi, kỹ năng và chiêu thức để “lấy lòng” trong các giao tiếp giữa người với người. Quan điểm Đạo đức tính cách gồm hai xu hướng: một là những kỹ thuật giao tiếp xã hội giữa người với người, hai là thái độ sống tích cực (PMA - Positive Mental Attitude). Một số nội dung của triết lý này được diễn đạt thành những câu châm ngôn nghe thuyết phục và đầy cảm hứng, chẳng hạn như: “Thái độ quyết định tầm vóc của bạn”, “Nụ cười có sức hấp dẫn và khả năng chinh phục hơn là vẻ mặt nghiêm nghị”, hoặc “Con người nhận thức và tin tưởng điều gì, họ sẽ đạt được điều ấy”.
Phương diện khác của quan điểm Đạo đức tính cách là việc sử dụng các kỹ thuật thu phục lòng người, thao túng thậm chí lừa dối đối phương, giả vờ quan tâm đến sở thích của người khác để được phần lợi cho mình, hoặc sử dụng “sức mạnh ngoại hình”, hoặc áp đặt một cách thức nào đó lên người khác.
Một số sách theo quan điểm Đạo đức tính cách cũng thừa nhận Phẩm giá là một yếu tố quan trọng, nhưng chỉ xem nhẹ chứ không coi đó là nền tảng của thành công. Nhắc đến Đạo đức phẩm giá tức là nói đến những lời nói suông; còn giải pháp phải là những kỹ thuật gây ảnh hưởng tức thì, cách thức tạo dựng uy quyền, kỹ năng giao tiếp và thái độ sống tích cực.
Tôi bắt đầu nhận ra, quan điểm Đạo đức tính cách đang là giải pháp trong tiềm thức mà Sandra và tôi đã áp dụng để giúp con trai mình. Khi tìm hiểu sâu hơn về sự khác biệt giữa quan điểm Đạo đức phẩm giá so với Đạo đức tính cách, tôi nhận thấy chúng tôi đang coi trọng hình ảnh của mình trong mắt xã hội hơn là hành vi tích cực của con trai, và trong con mắt của chúng tôi thì thằng bé là đứa không đủ khả năng. Hình ảnh của chúng tôi về vai trò làm cha mẹ, biết quan tâm con cái đang được đặt cao hơn bản thân thằng bé, đã khiến chúng tôi hành xử như vậy. Suy cho cùng thì chúng tôi quan tâm về cách mình nhìn nhận và xử lý tình huống hơn việc quan tâm đến hạnh phúc thực sự của con trai (chúng tôi thật ích kỷ).
Khi trao đổi với nhau, Sandra và tôi đau xót nhận ra rằng tính cách, động cơ, và cả nhận thức chủ quan của mình về thằng bé có ảnh hưởng ra sao. Chúng tôi biết rằng động cơ làm sao cho “bằng nhà người ta” không tương hợp với những giá trị sâu thẳm bên trong chúng tôi, dẫn đến việc tình yêu chúng tôi dành cho con là tình yêu có điều kiện, điều này làm giảm lòng tự trọng của thằng bé. Do đó, chúng tôi quyết định tập trung nỗ lực thay đổi chính bản thân mình - không phải là thay đổi hành vi, mà thay vào đó là thay đổi những động cơ sâu thẳm nhất và cách mình nhìn nhận về con trai. Thay vì tìm cách “uốn nắn” thằng bé, chúng tôi tách mình ra, không đánh đồng chúng tôi với con nữa, để cảm nhận về cá tính, nét riêng, và giá trị của nó.
Bằng một nhận thức sâu sắc, lòng tin và lời cầu nguyện, chúng tôi bắt đầu khám phá được những nét đặc sắc của cậu bé. Chúng tôi thấy bên trong con có rất nhiều tiềm năng có thể được khơi dậy theo tốc độ, nhịp điệu phù hợp với con. Chúng tôi quyết định không lo lắng nữa, bước dần ra xa, cho phép con mình được bộc lộ hết bản tính. Chúng tôi nhận ra vai trò tự nhiên của mình trong tư cách làm cha mẹ là tin tưởng, tận hưởng và nhìn nhận giá trị của con. Chúng tôi cố gắng điều chỉnh động cơ, tự gieo cho mình sự an nhiên trong tâm hồn để cho những cảm nhận của chúng tôi về giá trị bản thân không bị phụ thuộc vào những hành vi được xem là “phù hợp” của con cái.
Khi chúng tôi bớt khắt khe trong cách nhìn nhận về con trai và vun đắp cho những động cơ dựa trên giá trị của mình, những cảm xúc mới bắt đầu xuất hiện. Chúng tôi nhận ra mình đang “tận hưởng” thằng bé hơn là cứ so sánh hay xét đoán nó với người khác. Chúng tôi không còn “đúc khuôn” thằng bé theo ý mình nữa, hoặc đặt nó trong thước đo kỳ vọng của xã hội. Chúng tôi không cần cố gắng khéo léo ảnh hưởng để lái con trai mình hướng theo những hình mẫu của xã hội. Bởi vì về cơ bản, chúng tôi thấy thằng bé đủ khả năng đương đầu với cuộc sống, chúng tôi không cần che chở, hay cố tránh cho thằng bé khỏi việc bị bạn bè trêu chọc như trước nữa.
Vốn đã quen được cha mẹ che chở, thằng bé cảm thấy hụt hẫng, nó bày tỏ ra và chúng tôi cũng biết, nhưng chúng tôi thấy rằng mình không cần phản ứng. Thông điệp ngầm chúng tôi gửi đi là: “Cha mẹ không cần bảo vệ con. Con hoàn toàn ổn mà”.
Nhiều tuần, rồi nhiều tháng trôi qua, thằng bé dần hình thành sự tự tin bên trong, dám nhìn nhận bản thân. Nó tỏ ra phấn chấn hơn, theo diễn tiến riêng của nó. Rồi cậu bé dần tỏa sáng, xét theo các tiêu chuẩn xã hội là về kết quả học tập, kỹ năng xã hội, thể chất. Thằng bé tiến bộ nhanh hơn mức bình thường của quá trình phát triển. Nhiều năm sau, nó được bầu làm lãnh đạo của nhiều tổ chức sinh viên, trở thành vận động viên thể thao cấp bang, gặt hái nhiều kết quả học tập điểm A. Nó trở thành một con người có tính cách lôi cuốn và chân thành, giúp nó hình thành những mối quan hệ lành mạnh, có nhiều bạn tử tế.
Vợ chồng chúng tôi tin rằng kết quả “ấn tượng về mặt xã hội” ấy của con trai chính là biểu hiện của những giá trị mà thằng bé nhận ra ở bản thân nó, hơn là chỉ làm thế để nhận phần thưởng của xã hội.
Đó là một trải nghiệm tuyệt vời của Sandra và tôi. Nó trở thành “cẩm nang hướng dẫn” cho chúng tôi trong vai trò cha mẹ, cũng như nhiều vai trò khác trong cuộc sống. Nó thật sự ảnh hưởng đến chúng tôi, nhất là việc nhận ra khác biệt căn bản giữa quan điểm Đạo đức phẩm giá và Đạo đức tính cách về thành công. Kinh Thánh có lời chép rằng: “Hãy gắng tìm nơi trái tim con người, trong đó chứa đựng câu trả lời cho mọi vấn đề của cuộc sống”.
THÀNH CÔNG CHÍNH YẾU VÀ THÀNH CÔNG THỨ YẾU
Kinh nghiệm của tôi với cậu con trai, cộng thêm quá trình nghiên cứu về nhận thức và đọc các tác phẩm về thành công mang đến cho tôi những khoảnh khắc “À há” thú vị, khi mà mọi thứ trở nên rõ ràng và tôi có thể lý giải được. Tôi đột nhiên nhận ra ảnh hưởng mạnh mẽ của Đạo đức tính cách, nhìn thấy sự khác biệt rất mỏng manh, khó nhận thấy giữa những gì tôi biết là đúng (những điều được dạy thuở nhỏ và những gì nằm sâu trong cảm nhận của tôi về giá trị) với triết lý “giải pháp mì ăn liền” đang hiện hữu hàng ngày. Tôi hiểu được ở tầm sâu hơn nguyên do vì sao trong quá trình làm việc với nhiều người ở mọi tầng lớp, những điều tôi giảng dạy và cho là hiệu quả thì thường không ăn khớp với suy nghĩ của xã hội.
Tôi không có ý nói rằng những yếu tố của Đạo đức tính cách - như là sự phát triển tính cách, trau dồi kỹ năng giao tiếp, các phương pháp tạo ảnh hưởng hay tư duy tích cực - là không hữu ích; thực sự đôi lúc những yếu tố này không thể thiếu nếu muốn thành công, tôi tin như vậy, nhưng chúng chỉ là thứ yếu, không phải chính yếu. Có lẽ trong quá trình mỗi người sử dụng khả năng hiện có của mình để góp phần xây nên thế giới này dựa trên nền tảng mà thế hệ trước để lại, chúng ta đã quá chú trọng vào việc xây những gì mình muốn mà bỏ quên chính nền tảng ấy. Hay nói cách khác, chúng ta đã gặt quá lâu tại nơi mà ta không gieo, hoặc thậm chí không nghĩ đến chuyện cần phải gieo.
Nếu tôi chỉ cố gắng sử dụng nhiều cách thức hay kỹ thuật để tạo ảnh hưởng, khiến người khác làm theo ý mình, cho công việc tốt hơn, để tôi có nhiều cảm hứng hơn, hoặc để họ yêu thích tôi hơn, trong khi điều căn bản ở đây là bản tính của tôi thì què quặt, được xây dựng trên nền tảng của việc sống hai mặt, thiếu chân thành, thì về lâu dài tôi không thể thành công.
Tính giả dối sẽ sinh ra thiếu tin cậy, từ đó mọi thứ tôi làm dù có vận dụng bao nhiêu kỹ thuật thu phục lòng người chăng nữa cũng bị xem như đang thao túng người khác mà thôi. Sẽ chẳng có khác biệt thực sự nào xảy ra cho dù bạn có tài ăn nói khéo đến đâu hay thậm chí là có thiện chí ra sao; nếu thiếu đi sự tin cậy, sẽ không thể có cơ sở để thành công bền vững. Chỉ duy nhất sự tử tế, trên nền tảng đó thì kỹ thuật mới phát huy mà thôi.
Việc tập trung vào kỹ thuật, giống như đi học bằng cách nhồi nhét kiến thức. Đôi lúc bạn sẽ vượt qua các kỳ thi, thậm chí điểm cao, nhưng nếu bạn không trả giá cho sự khổ luyện, thì không thể thông thạo các môn học hay phát triển được trí tuệ của mình.
Hãy tưởng tượng xem, sẽ thật nực cười nếu chúng ta cũng “nhồi nhét” như vậy trên một cánh đồng? Vào mùa xuân, chúng ta quên không gieo hạt, mùa hè thì ngồi chơi, và ra sức làm trối chết trong mùa thu để thu hoạch? Rõ ràng, cánh đồng là một hệ thống tuân theo quy luật tự nhiên. Phải trả giá trước rồi mọi quá trình khác mới theo sau. Bạn chỉ có thể gặt những gì đã gieo; chắc chắn không có lối đi tắt.
Nguyên lý trên luôn đúng. Nó đúng cho hành vi và cả những mối quan hệ giữa người với người. Tất cả đều là những hệ thống tự nhiên, tuân theo nguyên tắc của Luật gieo - gặt. Trong ngắn hạn, và trong một hệ thống xã hội giả lập như trường học, một hệ thống chạy đua và có khuynh hướng giả tạo như trường học hiện nay, bạn hoàn toàn có thể thành công nếu biết cách thao túng những luật lệ do con người đặt ra, hay biết “điều khiển cuộc chơi”. Cũng vậy, trong điều kiện tương tác chóng vánh giữa người với người như hiện nay, bạn dễ chọn Đạo đức tính cách để chinh phục người khác và tạo ấn tượng nhờ sự duyên dáng, khéo léo và làm ra vẻ thích thú với những mối quan tâm của người khác. Bạn có thể dùng những thủ thuật tức thì, hữu ích trong một số tình huống ngắn hạn. Nhưng chỉ với thứ yếu này sẽ không bao giờ tạo được giá trị đích thực cho các mối quan hệ lâu bền. Cuối cùng, nếu không trung thực và thiếu đi phẩm giá, những thử thách trong cuộc sống sẽ khiến động cơ bên trong của bạn lộ rõ, thì thành công tạm thời vừa đạt được đó sẽ bị đánh đổi bởi chính sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa bạn và người đó.
Nhiều người đạt được thành công thứ yếu - ví dụ như việc được xã hội thừa nhận - nhưng vẫn thiếu đi thành công chính yếu, hay những giá trị tử tế trong con người họ. Không sớm thì muộn, bạn sẽ thấy họ bộc lộ điều này trong các mối quan hệ họ có, bất kể là với đối tác kinh doanh, vợ chồng, bạn bè, hay con cái. Chính phẩm giá của họ là thứ phát ngôn mạnh mẽ nhất. Như Emerson đã nói rằng: “Con người bạn sẽ là những gì vang vọng trong tai tôi đến mức tôi không còn nghe được những lời bạn nói nữa”.
Tất nhiên, trong một số tình huống, những người có phẩm giá mạnh mẽ nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp, điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ. Nhưng ảnh hưởng này chỉ là thứ yếu.
Tóm lại, “chúng ta là ai” có sức thuyết phục và mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm. Có những người chúng ta tin tưởng tuyện đối chỉ vì phẩm giá của họ. Dù họ có tài ăn nói khéo léo hay không, có sử dụng kỹ thuật tương tác hay không, chúng ta vẫn tin tưởng họ, và hợp tác thành công với họ. Như lời của William George Jordan, “Ẩn chứa trong mỗi người là nguồn sức mạnh phi thường của cái thiện, hay cái ác, đó là thứ có ảnh hưởng sâu thẳm và vô hình lên cuộc đời của họ. Sức mạnh rung động ấy toát ra từ Phẩm giá của người này, không phải từ những gì người đó làm ra vẻ.”
SỨC MẠNH CỦA MÔ THỨC
Tác phẩm “7 Thói quen hiệu quả” chứa đựng nhiều nguyên lý nền tảng của tính hiệu quả. Những thói quen này rất căn bản và chính yếu. Chúng đại diện cho sự chuyển hóa của các nguyên lý đúng đắn, mà dựa trên đó sẽ có thành công và hạnh phúc đích thực.
Nhưng để thực sự hiểu được 7 Thói quen, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về Mô Thức của chính mình và cách làm thế nào để tạo ra “Sự Chuyển đổi mô thức”.
Quan niệm Đạo đức phẩm giá và Đạo đức tính cách là hai ví dụ của những mô thức xã hội. Từ mô thức (nếp nghĩ/ quan niệm/ não trạng) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Nó nguyên thủy là một thuật ngữ khoa học, và ngày nay được sử dụng rộng rãi với các nghĩa là “hình mẫu”, “lý thuyết”, “góc nhìn”, “giả định”, hoặc “khung tham chiếu”. Hiểu một cách tổng quát, mô thức là cách chúng ta nhìn nhận sự việc - không phải theo nghĩa chức năng thị giác, mà liên quan đến nhận thức, sự thấu hiểu và diễn giải sự thấu hiểu đó.
Theo chủ ý của chúng tôi, cách đơn giản để hiểu mô thức là xem nó như một tấm bản đồ. Chúng ta đều biết “bản đồ không phải là lãnh thổ thực tế”. Tấm bản đồ là sự diễn giải số khía cạnh nhất định nào đó của lãnh thổ. Đó chính xác là cách hiểu về mô thức. Nó là lý thuyết, một sự diễn giải, hay mẫu hình về một điều gì đó.
Giả sử bạn muốn đi đến một điểm nào đó ở Chicago. Tấm bản đồ thành phố này sẽ là công cụ tuyệt vời cho bạn, nhưng ngờ đâu người ta đưa nhầm. Do lỗi in ấn, tấm bản đồ dán nhãn “Chicago” thật ra là tấm bản đồ của thành phố Detroit. Trong trường hợp này, chắc bạn cũng hình dung được sự thất vọng và kém hiệu quả thế nào trong nỗ lực tìm đường đến đích chứ?
Bạn có thể cố điều chỉnh hành vi của mình - nỗ lực hơn, chăm chỉ hơn, tăng tốc hơn. Nhưng mọi nỗ lực của bạn chỉ thành công trong chuyện đưa bạn đến nhầm địa chỉ.
Bạn cũng có thể cố gắng điều chỉnh thái độ của mình - suy nghĩ tích cực hơn chẳng hạn. Ừ thì có thể bạn vẫn không đến được nơi cần đến đấy, nhưng bạn cũng chẳng mấy quan tâm. Thái độ của bạn rất tích cực, nên dù đi được đến đâu thì bạn cũng sẽ vui.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là: bạn vẫn đang bị lạc. Vấn đề mấu chốt ở đây không nằm ở hành vi hay thái độ của bạn, mà là việc bạn đang giữ tấm bản đồ sai.
Ngược lại, nếu bạn cầm đúng tấm bản đồ thành phố Chicago, thì hành vi nỗ lực tìm kiếm của bạn lại trở nên quan trọng. Và khi gặp trở ngại, thái độ tích cực thật sự mang lại ý nghĩa lớn cho bạn. Nhưng yêu cầu trước hết và quan trọng nhất vẫn là tính chính xác của tấm bản đồ.
Mỗi người chúng ta có rất nhiều tấm bản đồ như thế trong đầu, có thể chia ra thành hai loại chính: bản đồ về những thứ đang là, còn gọi là bản đồ thực tại; và bản đồ về những thứ nên là; còn gọi là bản đồ giá trị. Chúng ta lý giải mọi điều chúng ta trải nghiệm thông qua hai loại bản đồ này. Tuy nhiên, chúng ta ít khi nào hoài nghi về tính đúng đắn của chúng, thậm chí còn không để ý đến việc mình đang nắm giữ chúng. Chúng ta mặc nhiên giả định những gì chúng ta thấy ở sự việc cũng chính là bản thân sự việc ấy đang là, hoặc nên là.
Rồi thái độ và hành vi của chúng ta định hình và tiến triển dần theo những giả định đó. Cách chúng ta nhìn nhận sự việc chính là nguồn gốc sinh ra cách chúng ta suy nghĩ và cách chúng ta hành động.
Trước khi tiếp tục đi sâu vào, tôi muốn mời bạn tham gia một trải nghiệm nhỏ mang tính trí tuệ và cảm xúc. Bạn hãy dành vài giây quan sát tấm hình thứ nhất ở trang tiếp theo.
Bây giờ, bạn nhìn tiếp tấm hình thứ hai này và hãy mô tả cặn kẽ những gì bạn thấy được.
Hình thứ nhất:
Hình thứ hai:
Có phải bạn nhìn thấy một người phụ nữ? Bạn đoán cô ấy bao nhiêu tuổi? Cô ấy trông như thế nào? Cô ấy mặc trang phục gì? Bạn đoán thử xem với diện mạo như thế thì cô ấy có vai trò gì trong xã hội?
Có thể bạn sẽ miêu tả người phụ nữ trong tấm hình thứ hai khoảng 25 tuổi - trông dễ thương, ăn mặc đúng mốt, mũi cô ấy thật xinh với dáng vẻ có chút e lệ. Nếu bạn là một anh chàng còn độc thân, chắc hẳn bạn muốn mời cô ấy đi ăn tối. Hoặc nếu bạn làm trong lĩnh vực thời trang, chắc bạn sẽ mời cô ấy về làm người mẫu.
Nhưng nếu ngay lúc này tôi nói bạn đã nhầm thì sao. Nếu tôi mô tả về bức tranh này là một người phụ nữ tầm 60 hoặc 70 tuổi, trông có nét mặt buồn, mũi to, và chắc chắn không phải là người mẫu. Bà cụ là người mà bạn đang muốn giúp băng qua đường đấy.
Tôi với bạn, ai đúng? Nhìn tấm hình lần nữa xem nào. Bạn có thấy một bà lão không? Nếu chưa nhìn ra, hãy nỗ lực thêm chút nữa. Bạn có thấy cái mũi thật to, hay cái khăn choàng của bà cụ?
Nếu có dịp trò chuyện trực tiếp, chúng ta sẽ trao đổi về tấm hình này. Bạn kể cho tôi nghe bạn thấy gì, và tôi cũng sẽ thuật lại cho bạn những gì tôi nhìn thấy. Chúng ta sẽ thảo luận cho tới khi nào bạn mô tả thật rõ cho tôi, và tôi cũng giải thích thật chi tiết cho bạn.
Nhưng vì chúng ta không có cơ hội làm điều đó, nên tôi mời bạn lật đến trang cuối cùng của phần này, quan sát thật kỹ tấm hình đó, rồi nhìn lại tấm hình này một lần nữa. Bây giờ bạn nhận ra bà lão chưa? Trải nghiệm này rất quan trọng, đòi hỏi bạn phải thấy được hình bà lão trước khi đọc tiếp nhé.
Tôi trải qua bài tập này lần đầu tiên ở Trường Kinh doanh Harvard cách đây đã lâu. Vị giáo sư dạy chúng tôi lúc ấy sử dụng nó để minh chứng một cách thuyết phục về việc hai người cùng nhìn một sự việc, họ bất đồng nhau, nhưng cả hai đều đúng. Vấn đề này không thuộc về lo-gic, nó là vấn đề tâm lý.
Ông mang vào lớp chúng tôi một xấp hình, một nửa trong số đó là tấm hình cô gái trẻ mà bạn thấy ở hình thứ nhất, và nửa còn lại là tấm hình bà lão mà bạn thấy ở hình thứ ba (trang 65).
Ông đặt những tấm hình cô gái về một phía bên này căn phòng, và những tấm hình bà lão ở phía bên kia. Sau đó, ông đề nghị chúng tôi quan sát thật kỹ những tấm hình này trong khoảng 10 giây, rồi úp xuống. Kế đến, ông dùng máy chiếu để phóng to lên màn hình tấm hình thứ hai mà bạn nhìn thấy, và yêu cầu cả lớp mô tả những gì chúng tôi nhìn thấy. Kết quả là, hầu hết những ai đã nhìn tấm hình cô gái lúc đầu thì cũng thấy cô gái trên màn hình. Và ngược lại, với những người quan sát tấm hình bã lão ban đầu, cũng chỉ thấy bà lão thôi.
Rồi cuối cùng, vị giáo sư đề nghị một sinh viên trong lớp giải thích những gì anh ấy nhìn thấy cho phía bên kia. Và họ trao đổi qua lại với nhau, cuộc tranh luận dần trở nên nảy lửa.
“Ý anh là sao? Một ‘bà lão’ ư? Cô ta không thể quá 20, hoặc 22 tuổi được!”
“Ô trời ơi, bạn đùa đấy à?! Bà lão cũng khoảng 70, thậm chí 80 tuổi rồi đấy.”
“Bạn có ổn không vậy? Hay bạn bị mù? Cô gái này còn rất trẻ, nhìn rất đáng yêu. Tôi chỉ muốn rủ cô ấy đi chơi thôi. Thật là dễ thương!”
“Dễ thương? Đó là một bà già cơ mà.”
Cuộc tranh luận cứ thế diễn ra, mỗi bên đều tỏ ra cứng rắn và quả quyết trên góc nhìn của họ. Cuộc đấu khẩu diễn ra bất chấp một lợi thế quan trọng đáng kể mà các sinh viên có là ngay từ đầu cuộc thử nghiệm, hầu hết họ đều biết góc nhìn của phía bên kia có tồn tại, nhưng thừa nhận nó lại là việc không mấy người làm được. Tuy vậy, thoạt đầu, cũng có một số ít sinh viên cố gắng nhìn tấm hình theo khung tham chiếu của phía bên kia.
Sau một hồi tranh luận không dẫn đến kết quả, một sinh viên bước đến trước màn hình, dùng tia sáng đèn để chỉ theo từng nét của tấm hình. “Đây chính là chuỗi hạt đeo của cô gái”. Sinh viên phía còn lại phản đối: “Không phải, đó là cái miệng của bà cụ”. Dần dần, họ bình tĩnh hơn và bắt đầu thảo luận về sự khác nhau theo từng đường nét chi tiết của tấm hình. Cuối cùng, một bạn, rồi thêm một bạn nữa bất chợt nhận ra tấm hình ấy chính là sự lồng ghép khéo léo của cô gái và bà lão. Và bằng sự trao đổi bình tĩnh, tôn trọng lẫn nhau, phân tích sâu vào chi tiết, từng thành viên trong lớp đã nhìn ra và chấp nhận quan điểm khác với mình. Khi hồi tưởng lại, chúng tôi đã nhận ra việc mình thấy tấm hình là cô gái hay bà lão là do bị ảnh hưởng bởi quãng thời gian 10 giây khi quan sát tấm hình đầu tiên mà vị giáo sư đưa cho chúng tôi.
Tôi thường xuyên dùng phương pháp chứng minh về nhận thức này trong quá trình làm việc với người khác, hay với các tổ chức, bởi vì nó nói lên được nhiều ý nghĩa sâu sắc trên khía cạnh hiệu quả cá nhân lẫn tập thể. Điều đầu tiên nó chỉ ra, đó là ảnh hưởng của điều kiện sẽ tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hoặc mô thức của chúng ta. Nếu điều kiện chỉ kéo dài 10 giây đã ảnh hưởng đến cách nhìn sự việc như thế rồi, sẽ ra sao với những điều kiện kéo dài cả đời? Chúng ta bị tác động bởi rất nhiều thứ trong cuộc sống - gia đình, trường học, nhà thờ, môi trường làm việc, bạn bè, cộng sự, và cả mô thức xã hội hiện hữu nữa (ví dụ: mô thức Đạo đức tính cách) - tất cả tạo nên sự ảnh hưởng trong vô thức, định hình nên một khung tham chiếu, mô thức, hay bản đồ nhận thức nơi mỗi người.
Nó cũng chỉ ra những mô thức là cội nguồn của thái độ và hành vi của chúng ta. Chúng ta không thể hành xử vượt ra ngoài khuôn khổ của mô thức. Chúng ta cũng không thể duy trì tính nhất quán nếu những gì chúng ta nói và làm khác với điều ta nhận thấy. Nếu bạn thuộc 90% những người nhìn tấm hình ghép ra cô gái trẻ đẹp, thì cũng rất khó để nghĩ rằng bạn cần phải giúp cô ấy băng qua đường. Thái độ mà bạn dành cho cô gái này, lẫn hành vi bạn tỏ ra phải tương thích với cách bạn đang nhìn cô ta.
Trải nghiệm này cho thấy sai lầm căn bản của mô thức Đạo đức tính cách. Việc cố gắng thay đổi thái độ và hành vi bên ngoài chỉ mang đến tác động rất nhỏ về lâu dài nếu chúng ta không chịu xem xét lại các mô thức cơ bản của chúng ta. Chính nó đã hình thành nên những thái độ và hành vi ấy.
Luận chứng về nhận thức cũng cho thấy sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ của mô thức lên cách chúng ta tương tác với người khác. Chúng ta nghĩ rằng mình rất khách quan và rõ ràng khi nhìn sự việc, thì chúng ta cũng cần thừa nhận rằng người khác cũng khách quan và sáng tỏ nhìn sự việc theo lăng kính quan điểm của họ. “Nơi chúng ta đứng tùy thuộc vào vị trí chúng ta ngồi”.
Ai trong chúng ta cũng đều có xu hướng cho rằng mình nhìn sự việc như đúng bản chất vốn có của nó, nhưng thật ra không phải vậy. Chúng ta nhìn sự việc, không như cách nó vốn có mà như cách chúng ta vốn là, hoặc như chúng ta bị điều kiện hóa trở nên như vậy. Mỗi khi mô tả bằng lời những gì chúng ta thấy, thật ra chúng ta đang mô tả chính nhận thức, hay mô thức của mình. Và nếu người khác phản đối chúng ta, ngay lập tức chúng ta cho rằng họ sai. Tuy nhiên, như đã chứng minh ở trên, những người chân thành và sáng suốt luôn nhìn sự việc theo nhiều góc cạnh khác nhau, mỗi góc nhìn đó dựa trên những lăng kính kinh nghiệm riêng biệt.
Như thế không có nghĩa là chân lý không tồn tại. Trong bài tập trên, hai nhóm người ở hai phía bị ảnh hưởng bởi tấm hình ban đầu họ xem, nhưng khi nhìn vào tấm hình thứ ba trên màn hình, họ đều nhận thấy có một dữ kiện đồng nhất - đó là các đường vẽ màu đen và các mảng trắng - họ thừa nhận điều đó. Và mỗi phía sẽ diễn giải các dữ kiện này ra sao là phụ thuộc vào chính kinh nghiệm trước đó của họ, còn bản thân dữ kiện không còn nhiều ý nghĩa nữa ngoài việc phục vụ cho chuyện diễn giải.
Tóm lại, khi càng hiểu rõ về những mô thức cơ bản, các “tấm bản đồ”, hoặc những giả định của chúng ta, cùng mức độ ảnh hưởng của những kinh nghiệm chúng ta có, thì chúng ta mới lãnh nhận trách nhiệm về mình nhiều hơn, để xem xét chúng, kiểm nghiệm chúng, đối chiếu với thực tế, lắng nghe ý kiến người khác, và cởi mở với góc nhìn của họ. Như thế, chúng ta mới có được một bức tranh toàn diện và khách quan hơn khi nhìn nhận sự việc.
SỨC MẠNH CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI MÔ THỨC
Có lẽ bài học quan trọng nhất rút ra được từ bài tập thay đổi góc nhìn nêu trên chính là khái niệm Chuyển đổi mô thức, cái mà chúng ta gọi là trải nghiệm “À há” khi rốt cuộc ta cũng “nhìn ra” được bức tranh toàn cục theo một cách khác. Một người càng dính mắc vào một nhận thức ban đầu chặt bao nhiêu thì trải nghiệm “À há” ấy càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Điều này cũng giống như có một ngọn đèn đột nhiên bừng sáng bên trong người ấy vậy.
Thuật ngữ Chuyển đổi mô thức được Thomas Kuhn giới thiệu trong quyển sách kinh điển giàu sức ảnh hưởng, The Structure of Scientific Revolutions. Kuhn cho thấy hầu như mọi đột phá to lớn trong lĩnh vực khoa học đều bắt đầu từ việc phá vỡ truyền thống, thoát ra khỏi những lối tư duy cũ, những mô thức cũ.
Với Ptolemy, nhà thiên văn học vĩ đại người Ai Cập, trái đất là trung tâm của vũ trụ. Nhưng Copernicus đã tạo ra một sự Chuyển đổi mô thức khi cho rằng mặt trời mới ở trung tâm. Dù vấp phải nhiều xung đột và phản kháng nhưng đột nhiên, nhờ Copernicus mà mọi thứ được lý giải theo một cách hoàn toàn khác.
Mô hình vật lý theo Newton là một mô thức phổ biến và vẫn là nền tảng của nền kỹ nghệ hiện đại. Tuy nhiên, nó phiến diện và không hoàn chỉnh. Đến Einstein, mô thức về tính tương đối đã cách mạng hóa thế giới khoa học, bởi nó có giá trị diễn giải và dự báo cao hơn.
Trước khi người ta xây dựng lý thuyết về vi trùng học, tỷ lệ tử vong hậu sản ở sản phụ và trẻ sơ sinh là rất cao mà không ai lý giải được. Sau những cuộc đụng độ quân sự, tỷ lệ quân nhân tử vong vì những vết thương, căn bệnh ít nghiêm trọng lại cao hơn vì những trọng thương nơi tiền tuyến. Sau khi lý thuyết vi trùng học ra đời, con người có một mô thức hoàn toàn mới và tiến bộ hơn để lý giải vấn đề và tạo ra những cải tiến trọng đại và rực rỡ cho nền y học.
Nước Mỹ ngày nay cũng chính là thành quả của sự Chuyển đổi mô thức. Trong nhiều thế kỷ, theo quan niệm truyền thống, chính quyền phải được tổ chức theo hình thức quân chủ, với quyền hành tập trung tuyệt đối trong tay vua chúa. Và đột nhiên, người Mỹ xây nên một mô thức hoàn toàn khác biệt về chính quyền của dân, do dân và vì dân. Một thể chế dân chủ ra đời, giải phóng nguồn năng lượng và tài năng vô tận từ nhân dân, xác lập một chuẩn mực quyền sống, quyền tự do và tự chủ, một chuẩn mực quyền ảnh hưởng và hy vọng mà vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thế giới.
Không phải sự Chuyển đổi mô thức nào cũng theo hướng tích cực. Theo quan sát của chúng tôi, nếu một người chuyển đổi từ nền Đạo đức phẩm giá sang Đạo đức tính cách thì họ càng xa rời cái nguồn cội của thành công và hạnh phúc đích thực.
Dù diễn ra theo hướng tích cực hay tiêu cực, một cách tức thời hay có quá trình thì sự Chuyển đổi mô thức cũng giúp ta thay đổi cách nhìn nhận về thế giới. Và chính những sự chuyển đổi bên trong này lại tạo ra những thay đổi mạnh mẽ ở bên ngoài. Dù đúng hay sai thì mô thức của ta chính là khởi nguồn của thái độ và hành vi ta thể hiện, và suy cho cùng là của mối quan hệ giữa ta với người khác.
Tôi còn nhớ một trải nghiệm nhỏ của mình về Chuyển đổi mô thức vào một sáng Chủ nhật trên tàu điện ngầm ở New York. Mọi người ngồi yên lặng, người thì đọc sách, người thì suy tư, người thì nhắm mắt nghỉ ngơi. Đó là một khung cảnh bình an, thư thái.
Đột nhiên có một người đàn ông bước lên tàu cùng các con. Bọn trẻ ồn ào và huyên náo đến nỗi phá vỡ ngay bầu không khí êm đềm trước đó.
Người đàn ông ngồi xuống cạnh tôi và nhắm nghiền mắt, hoàn toàn không hay biết những gì đang diễn ra. Lũ trẻ vừa chạy nhảy vừa la hét, ném đồ vào nhau, thậm chí còn giật báo của hành khách khác. Cảnh tượng này rất khó chịu. Thế nhưng người đàn ông ngồi cạnh tôi chẳng buồn làm gì cả. Tôi thấy khó mà giữ được bình tĩnh. Tôi không thể tin được anh ấy lại vô cảm đến mức để cho con cái của mình chạy loạn lên như thế mà không hề làm gì hay thấy có trách nhiệm gì trong việc này. Dễ thấy là mọi người trên tàu cũng rất bực bội. Sau cùng, không thể kiềm chế và kiên nhẫn hơn nữa, tôi quay sang người đàn ông và nói, “Này anh, bọn trẻ của anh quả là đang làm phiền nhiều người đấy. Không biết anh có thể kiểm soát chúng một chút không?”
Người đàn ông đưa mắt nhìn quanh như thể anh vừa mới nhận thức được tình hình và thều thào nói, “Vâng anh nói đúng. Tôi nghĩ là lẽ ra tôi nên làm gì đó. Chúng tôi vừa rời khỏi bệnh viện. Mẹ bọn trẻ vừa qua đời cách đây một giờ. Tôi không thể nghĩ gì được nữa, và tôi đoán bọn trẻ cũng không biết đối diện điều này như thế nào.”
Bạn có hình dung lúc đó tôi cảm thấy như thế nào không? Mô thức của tôi thay đổi. Đột nhiên, tôi nhìn nhận mọi thứ khác đi. Và bởi vì tôi nhìn mọi thứ khác đi, tôi nghĩ khác đi, tôi cảm nhận khác đi, tôi hành xử cũng khác đi. Cơn giận của tôi bỗng tan biến. Tôi không còn bận tâm đến việc kiểm soát thái độ hay hành vi của mình để không phải nổi nóng nữa, trái tim tôi như cảm được nỗi đau của người đàn ông này. Những cảm xúc cảm thông và lòng trắc ẩn dâng trào. “Tôi rất buồn khi biết vợ anh vừa mất. Anh có thể tâm sự với tôi. Tôi có thể giúp gì không?” Mọi thứ thay đổi chỉ trong một khoảnh khắc.
Nhiều người cũng trải nghiệm một sự chuyển đổi nhận thức căn bản như thế khi đối diện với một khủng hoảng đe dọa tính mạng, hoặc khi họ đảm nhận một vai trò mới như chồng, vợ, cha mẹ, ông bà, nhà quản lý, nhà lãnh đạo, thì đột nhiên họ nhìn nhận lại những ưu tiên của mình qua một nhận thức khác.
Ta có thể mất nhiều tuần, nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm rèn luyện Đạo đức tính cách hòng thay đổi thái độ và hành vi của mình, nhưng lại chưa từng trải nghiệm một sự thay đổi tức thời khi ta bắt đầu nhìn nhận mọi thứ theo một cách khác.
Rõ ràng là nếu ta muốn tạo ra những thay đổi nhỏ trong cuộc sống, ta có thể hướng sự tập trung phù hợp vào thái độ và hành vi. Nhưng nếu ta mong muốn tạo nên những thay đổi lớn lao, triệt để, ta cần nhìn lại những mô thức căn bản của chính mình.
Thoreau từng nói, “Trong một ngàn nhát búa bổ vào cành lá của tội ác, chỉ có một nhát bổ vào gốc rễ.” Ta chỉ có thể đạt được những bước phát triển toàn diện trong cuộc sống khi ta thôi không bổ vào cành lá, tức thái độ và hành vi nữa, mà bắt đầu hướng vào gốc rễ, tức những mô thức hình thành nên chính thái độ và hành vi của ta.
NHÌN NHẬN VÀ HIỆN HỮU
Dĩ nhiên không phải sự Chuyển đổi mô thức nào cũng diễn ra tức thời như sự tỏ ngộ của tôi trên chuyến tàu điện ngầm nọ. Tôi và Sandra, vợ tôi, đã từng trải qua giai đoạn Chuyển đổi mô thức liên quan đến cậu con trai, quá trình này kéo dài, đầy khó khăn, và đòi hỏi chúng tôi phải luôn thận trọng. Cách tiếp cận ban đầu của chúng tôi với con chính là hệ quả của những năm tháng mà chúng tôi bị ảnh hưởng, tiếp xúc với Đạo đức tính cách. Đó cũng chính là kết quả của những mô thức sâu xa hơn của chúng tôi về thành công trong vai trò người làm cha mẹ, cũng như về thước đo thành công của con cái mình. Và chỉ đến khi chúng tôi thay đổi những mô thức nền tảng này thì chúng tôi mới thay đổi được bản thân và tình hình một cách triệt để.
Để nhìn nhận con trai mình theo một cách khác, tôi và Sandra phải hiện hữu như là những con người khác. Chúng tôi hình thành mô thức mới cho mình bằng cách đầu tư cho việc nuôi dưỡng và phát triển những giá trị riêng của bản thân.
Mô thức của chúng ta luôn gắn chặt với bản tính của chúng ta. Hiện hữu chính là việc chúng ta nhìn nhận vạn vật dưới giác độ con người. Và việc chúng ta nhìn thấy những gì lại liên quan mật thiết với việc chúng ta là như thế nào. Chúng ta không thể cố gắng thay đổi cách nhìn nhận mà không đồng thời thay đổi cách hiện hữu của bản thân, và ngược lại.
Thậm chí trong trải nghiệm thay đổi mô thức tức thời vào buổi sáng Chủ nhật trên tàu điện ngầm, sự thay đổi góc nhìn của tôi vừa là kết quả, vừa bị giới hạn bởi bản tính cốt lõi của tôi. Tôi chắc rằng sẽ có những người mà khi chợt nhận ra tình thế thực sự trong trải nghiệm trên, sẽ chỉ là cảm thấy đau nhói vì hối hận hay mang một cảm giác tội lỗi mơ hồ khi lặng lẽ ngồi bên cạnh người đàn ông đang rối bời đau khổ ấy. Mặt khác, tôi cũng tin chắc rằng có những người nhạy cảm hơn tôi mà ngay từ đầu họ đã nhận ra một nguyên nhân sâu xa trong tình huống đó để chủ động tìm hiểu và giúp đỡ trước khi tôi có cơ hội thực hiện.
Mô thức có một sức mạnh to lớn bởi nó tạo nên những lăng kính mà ta nhìn thế giới qua đó. Sức mạnh của sự Chuyển đổi mô thức là thiết yếu để tạo ra một sự thay đổi toàn triệt dù sự chuyển đổi đó là tức thời hay theo một quy trình tuần tự và thận trọng.
MÔ THỨC LẤY NGUYÊN LÝ LÀM TRỌNG TÂM
Đạo đức phẩm giá hình thành trên một ý tưởng nền tảng rằng có những nguyên lý quyết định tính hiệu quả của con người, đó chính là những quy luật tự nhiên thuộc khía cạnh con người luôn thực, luôn bất biến và được mặc nhiên công nhận, giống như luật trọng trường trong vật lý vậy.
Có thể nắm bắt thực tại và tác động của những nguyên lý này trong một trải nghiệm Chuyển đổi mô thức khác do Frank Kock thuật lại trong tờ Proceedings, tập san của Học viện Hải quân như sau.
Hai chiến hạm được điều động tham gia tập trận trên biển trong điều kiện thời tiết âm u suốt nhiều ngày. Tôi phục vụ trên chiến hạm dẫn đường, và canh gác trên đài chỉ huy khi màn đêm xuống. Sương mù dày đặc khiến tầm nhìn bị hạn chế nên thuyền trưởng vẫn ở trên đài chỉ huy giám sát mọi hoạt động.
Không lâu sau khi đêm xuống, hoa tiêu ở mạn tàu thông báo, “Có ánh sáng, hướng bên phải mũi tàu.”
“Hướng di chuyển của đốm sáng ổn định hay bất định?” thuyền trưởng hỏi.
“Ổn định, thưa thuyền trưởng, nghĩa là ta có nguy cơ va đập với tàu bạn.”
Thuyền trưởng bèn ra lệnh cho người truyền tín hiệu, “Ra hiệu cho tàu đó: Hai tàu có nguy cơ va đập, yêu cầu tàu bạn chuyển hướng 20 độ”.
Tín hiệu bên kia đáp lại, “Yêu cầu các anh chuyển hướng 20 độ.”
Thuyền trưởng ra lệnh, “Tôi là thuyền trưởng, yêu cầu các anh chuyển hướng 20 độ.”
Bên kia đáp lại, “Tôi là binh nhì. Yêu cầu các anh chuyển hướng 20 độ.”
Đến lúc này, thuyền trưởng nổi cáu. Ông thét lên, “Tôi là chiến hạm. Yêu cầu chuyển hướng 20 độ.”
Đèn hiệu bên kia nhấp nháy đáp lại, “Tôi là ngọn hải đăng”. Và chúng tôi chuyển hướng.
Sự chuyển đổi mô thức mà vị thuyền trưởng kia đã trải nghiệm, và chính chúng ta cũng đã trải nghiệm khi đọc ví dụ trên, khiến tình huống được nhìn nhận theo một cách hoàn toàn khác. Chúng ta có thể thấy rằng tầm nhìn hạn chế của vị thuyền trưởng đã che lấp thực tế, và trong cuộc sống thường nhật, việc hiểu rõ điều này cũng quan trọng với chúng ta giống như với vị thuyền trưởng kia trong quang cảnh thời tiết mù sương vậy.
Nguyên lý cũng giống như ngọn hải đăng. Chúng là những quy luật tự nhiên không thể phá vỡ. Trong bộ phim bất hủ “The Ten Commandments”, nhà làm phim Cecil B. DeMille cũng bộc bạch điều này qua lời thoại, “Ta không thể phá vỡ quy luật. Ta chỉ có thể thay đổi bản thân mình để thích ứng với quy luật mà thôi.”
Mỗi người thường nhìn cuộc đời và những tương tác trong đó thông qua các mô thức, hay nói cách khác là những tấm bản đồ hình thành từ kinh nghiệm và quy ước. Nhưng tấm bản đồ lại không phải là lãnh thổ, chúng chỉ là một “sự thật chủ quan”, là một nỗ lực để mô tả lãnh thổ mà thôi.
Trong khi đó, lãnh thổ, hay “sự thật khách quan”, lại chứa đựng những nguyên lý dẫn đường như ngọn hải đăng kia, chúng quyết định sự trưởng thành và hạnh phúc của con người, chúng là những quy luật tự nhiên thấm nhuần trong từng tế bào của mỗi xã hội văn minh, và là cội rễ của mỗi gia đình, thể chế trường tồn và thịnh vượng. Dù tấm bản đồ tâm trí của ta có mô tả chính xác vùng lãnh thổ hay không thì cũng không vì thế mà vùng lãnh thổ lại bị thay đổi.
Những nguyên lý hay quy luật tự nhiên này hiển hiện rõ ràng với bất kỳ ai chiêm nghiệm và nghiên cứu sâu sắc về các chu kỳ của lịch sử xã hội, chúng không ngừng xuất hiện và việc con người có thể sinh tồn và an cư hay tan rã và diệt vong tùy thuộc vào mức độ nhận thức và sống hòa nhập với những nguyên lý ấy.
Những nguyên lý mà tôi đang đề cập tuyệt nhiên không mang tính bí truyền, huyền nhiệm hay “tôn giáo”. Trong sách này không có một nguyên lý nào chỉ đúng với một đức tin hay tôn giáo riêng biệt, kể cả đức tin và tôn giáo của tôi. Trái lại, những nguyên lý này là một phần của tất cả tôn giáo lớn, cũng như nền triết học xã hội và hệ thống đạo đức nào đã trường tồn theo thời gian. Mỗi nguyên lý đều có tính hiển nhiên, và mỗi cá nhân dễ dàng chứng thực điều này, như thể những nguyên lý hay quy luật tự nhiên này là một phần của điều kiện con người, của nhận thức con người, của lương tâm con người. Chúng như tồn tại trong mỗi con người và luôn luôn ở đó dù điều kiện xã hội như thế nào, hay thậm chí dù có bị vùi dập và cô lập như thế nào đi nữa.
Chẳng hạn như trên nguyên lý về tính công bằng, người ta xây dựng nên khái niệm bình đẳng và công lý. Trẻ con dường như sở hữu một tri giác bản năng về tính công bằng cho dù điều kiện trải nghiệm của chúng đối ngược nhau. Cũng như có rất nhiều cách để lý giải hay đạt được công bằng, nhưng nhận thức về nó hầu như đều tương đồng ở khắp mọi nơi.
Với các nguyên lý về tính liêm chính và trung thực cũng vậy. Chúng hình thành nền tảng của niềm tin, nhân tố thiết yếu cho quá trình hợp tác và sự trưởng thành dài hạn của mỗi cá nhân và tập thể.
Có một nguyên lý khác là phẩm hạnh của con người. Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đã nói lên nguyên lý này. “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.”
Một nguyên lý khác là tính phụng sự, hay ý muốn cống hiến.
Hướng đến chất lượng hoặc sự ưu tú cũng là một nguyên lý.
Cũng có nguyên lý về tiềm năng, với nội dung là chúng ta chỉ mới sử dụng một phần nhỏ khả năng của mình, vì thế, luôn có thể trưởng thành, phát triển, và giải phóng tiềm năng cũng như rèn giũa tài năng của bản thân. Liên hệ mật thiết đến nguyên lý về tiềm năng là nguyên lý về trưởng thành, tức quy trình giải phóng và phát triển tài năng của mỗi người, và nguyên lý này lại liên quan đến nhiều nguyên lý khác như tính nhẫn nại, sự ân cần chăm sóc, và sự khích lệ động viên.
Nguyên lý không phải là thông lệ. Thông lệ là một hoạt động hay hành động cụ thể. Một thông lệ đúng đắn trong hoàn cảnh này có thể không phù hợp trong hoàn cảnh khác, cũng tương tự như việc cha mẹ không thể áp dụng rập khuôn cách dạy đứa con đầu lòng cho đứa con thứ được.
Nếu như thông lệ tùy thuộc vào tình huống thì các nguyên lý chính là sự thật sâu sắc và nền tảng mà có giá trị ứng dụng phổ quát. Chúng giữ nguyên tính đúng đắn dù đối tượng áp dụng là cá nhân, cặp vợ chồng, gia đình, công ty tư nhân hay công ty đại chúng.
Khi những sự thật này được chuyển hóa vào bên trong mỗi người thành các thói quen, chúng tạo nên sức mạnh để ta có thể sáng tạo vô vàn cách thức khác nhau để ứng phó mọi tình huống.
Nguyên lý không phải là giá trị. Băng đảng trộm cướp cũng chia sẻ nhiều giá trị, nhưng những giá trị đó vi phạm các nguyên lý nền tảng mà chúng ta đang đề cập. Nguyên lý chính là vùng lãnh thổ. Còn giá trị là tấm bản đồ. Khi bản đồ mô tả đúng lãnh thổ, ta nhận biết được sự thật, là kiến thức về mọi thứ như chúng đang là.
Nguyên lý đóng vai trò là kim chỉ nam cho mọi hành xử của con người, và nhờ đó, hình thành những giá trị trường tồn, bền vững. Nguyên lý có tính gốc rễ, không thể cãi bàn vì nguyên lý có tính hiển nhiên. Có một cách để nhanh chóng nắm bắt bản chất hiển nhiên của các nguyên lý là chỉ cần hình dung sự ngớ ngẩn khi ta cố sống một cuộc đời hiệu quả dựa trên những điều trái ngược với nguyên lý. Tôi không nghĩ rằng có ai đó lại xem sự bất công, giả dối, đê tiện, vô dụng, tầm thường hay suy đồi làm nền tảng vững vàng cho thành công và hạnh phúc bền vững. Dù mọi người có thể tranh cãi về cách định nghĩa hay biểu thị hay đạt được những nguyên lý này, nhưng có vẻ như ai cũng có một nhận thức và ý thức bẩm sinh rằng chúng luôn hiện hữu.
Tấm bản đồ tâm trí hay mô thức của ta càng nhất quán với các nguyên lý hay quy luật tự nhiên này thì chúng càng chuẩn xác và hiệu quả. Những tấm bản đồ chuẩn xác sẽ mang lại tác động to lớn đến tính hiệu quả của ta ở phạm vi cá nhân cũng như ở phạm vi tương thuộc với người khác mà không một nỗ lực thay đổi hành vi và thái độ nào có thể so sánh được.
NHỮNG NGUYÊN LÝ VỀ TRƯỞNG THÀNH VÀ THAY ĐỔI
Sự hấp dẫn và hào nhoáng của Đạo đức tính cách nằm ở chỗ nó hứa hẹn có một cách thức nhanh chóng và dễ dàng để đạt được chất lượng cuộc sống, tức là tính hiệu quả của cá nhân và các mối quan hệ sâu sắc, quý báu với người khác, mà không phải trải qua quá trình lao động và trưởng thành để biến những điều mong đợi ấy thành hiện thực như lẽ tự nhiên.
Đó là lối suy nghĩ bề nổi mà không có thực chất bên trong. Cách nghĩ “làm giàu nhanh” cũng đồng nghĩa với cách nghĩ “có của cải mà không cần lao động.” Thậm chí người ta còn áp dụng cùng cách nghĩ ấy khi nói đến thành công nữa.
Người ta dễ bị đánh lừa và ảo tưởng về vẻ bề ngoài của Đạo đức tính cách. Và nếu ai cố gắng đạt được hiệu quả cao chỉ bằng chiêu thức và thủ thuật tức thời thì cũng giống như tham quan Chicago bằng bản đồ Detroit vậy.
Theo lời của Erich Fromm, người đã quan sát trọn vẹn cội rễ và thành quả của Đạo đức tính cách:
Ngày nay, ta dễ bắt gặp nhiều cá nhân hành xử như robot, họ không hiểu chút gì về chính mình, và người duy nhất mà họ biết chính là con người mà họ được cho là phải trở thành, người mà chỉ biết nói năng huyên thuyên vô nghĩa chứ không biết chuyện trò cởi mở, chỉ biết nở nụ cười máy móc chứ không biết chân thật cười đùa, chỉ biết u uất tuyệt vọng chứ không cảm nhận được nỗi đau. Có thể nhận xét về cá nhân này theo hai hướng. Thứ nhất, người này bị khuyết tật nghiêm trọng về tính cá nhân và tính bộc phát mà có lẽ là không thể chữa lành. Đồng thời, người này cũng không khác biệt gì so với hàng triệu người khác đang lê bước trên thế giới này.
Cuộc đời của mỗi người đều trải qua những giai đoạn trưởng thành và phát triển tuần tự. Giống như đứa trẻ phải lật được rồi mới ngồi, bò, đi và chạy. Mỗi giai đoạn đều quan trọng và đều cần thời gian. Không thể đốt cháy một giai đoạn nào cả.
Điều này luôn đúng trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ học chơi đàn dương cầm đến giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp. Nó đúng với mỗi cá nhân và cũng đúng với các cặp vợ chồng, gia đình, tổ chức.
Chúng ta dễ nhận biết và chấp nhận sự thật hay nguyên lý về quá trình trưởng thành này đối với những thứ tồn tại hữu hình, nhưng thấu hiểu được nó ở khía cạnh cảm xúc, trong các mối quan hệ với người khác, hay thậm chí ở khía cạnh bản tính cá nhân không phải là một điều dễ dàng mà ai cũng làm được. Và cho dù ta đã thấu hiểu nó, chấp nhận nó, thì sống hòa hợp với nó còn khó hơn rất nhiều. Kết quả là ta thường tìm kiếm một lối đi tắt với hy vọng là sẽ có thể đốt cháy một số giai đoạn nào đó để tiết kiệm thời gian và công sức mà vẫn gặt hái được kết quả mong muốn.
Thế nhưng nếu biết rằng quá trình trưởng thành và phát triển phải theo quy luật tự nhiên thì điều gì sẽ xảy ra khi ta cố đốt cháy giai đoạn? Sẽ như thế nào nếu bạn chỉ là một tay chơi quần vợt nghiệp dư mà lại muốn thi đấu ở hạng chuyên nghiệp để gây ấn tượng tốt hơn với người khác? Liệu rằng chỉ mỗi tư duy tích cực là đủ để bạn thi đấu hiệu quả trước các đối thủ chuyên nghiệp?
Sẽ ra sao nếu kỹ năng chơi dương cầm của bạn chỉ là sơ cấp mà bạn lại muốn lừa phỉnh bạn bè mình rằng bạn có thể biểu diễn dương cầm tại nhà hát?
Câu trả lời quá rõ ràng. Ta không thể vi phạm, phớt lờ hay đốt cháy giai đoạn trong quá trình phát triển. Điều này trái với tự nhiên, và mọi nỗ lực đốt cháy giai đoạn chỉ mang lại sự thất vọng và tủi hổ mà thôi.
Trên thang điểm 10, nếu tôi chỉ ở mức 2 và mong muốn lên mức 5, điều đầu tiên là tôi phải qua được mức 3. “Hành trình vạn dặm luôn khởi đầu bằng bước đầu tiên”, và theo tuần tự các bước.
Nếu bạn không để người thầy biết bạn đang ở mức nào, thông qua việc đặt câu hỏi hay bộc lộ sự ngu dốt của mình, thì bạn sẽ không thể học hỏi hay trưởng thành được. Bạn không thể cứ giả bộ mãi được, “cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra”. Thú nhận sự ngu dốt của mình là bước đầu tiên trên con đường học hỏi của ta. Thoreau từng dạy, “Làm sao ta có thể nhớ đến sự ngu dốt của mình, thứ cần có để trưởng thành, khi mà lúc nào ta cũng tỏ ra là biết?”
Tôi còn nhớ có lần, hai cô bé con của bạn tôi mếu máo tìm đến để than thở rằng cha chúng khắt khe và thiếu sự thấu hiểu. Chúng ngại mở lòng tâm sự với cha mẹ chúng vì lo sợ những hậu quả không như ý mặc dù chúng cần tình thương, sự thấu hiểu và dìu dắt của cha mẹ vô cùng.
Tôi trò chuyện với người cha và phát hiện ra rằng về mặt lý trí, ông hoàn toàn ý thức được những gì đang diễn ra. Và cho dù ông thừa nhận mình dễ nóng giận, ông vẫn từ chối chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra và rằng mức độ trưởng thành về cảm xúc của ông còn thấp. Niềm tự ái bản thân đã khiến cho việc thực hiện bước đầu tiên của quá trình thay đổi là quá khó đối với ông.
Để tương giao một cách hiệu quả với vợ, chồng, con cái, bạn bè hay đồng nghiệp, ta phải học cách lắng nghe. Và điều này đòi hỏi sức mạnh về cảm xúc. Việc lắng nghe bao gồm cả sự kiên nhẫn, cởi mở và khát khao thấu hiểu người khác, đó là những phẩm chất cao quý, biểu hiện của phẩm giá. Người ta rất dễ rơi vào tình trạng bản thân chỉ ở mức độ quản lý cảm xúc thấp nhưng lại đưa ra lời khuyên cao thâm huyền diệu.
Mức độ phát triển của chúng ta được bộc lộ khá rõ trong khi chơi quần vợt hay dương cầm, đó là những việc mà ta khó lòng “làm giả” được. Nhưng trong việc phát triển bản tính và cảm xúc thì mọi thứ không được rõ ràng như vậy. Chúng ta có thể “làm dáng” và “giả bộ” trước người lạ hay đồng nghiệp. Chúng ta có khả năng để giả dối. Và ta có thể đạt được ý đồ trước mắt, ít nhất là trong môi trường tập thể. Ta thậm chí còn có thể lừa dối chính mình. Tuy nhiên, tôi tin rằng hầu hết chúng ta đều biết được con người thật bên trong của mình là như thế nào; và tôi nghĩ rằng những người mà ta làm việc cùng hay chung sống cũng biết điều này.
Tôi đã chứng kiến việc cố gắng đốt cháy giai đoạn của quy trình tự nhiên về sự trưởng thành mang lại hậu quả như thế nào trong thế giới kinh doanh, nơi những người điều hành cố gắng “mua” từ bên ngoài một thứ văn hóa mới để áp dụng cho công ty thông qua những bài diễn văn hùng hồn, chương trình đào tạo nụ cười kỹ thuật, những biện pháp can thiệp từ bên ngoài, những thương vụ sáp nhập, mua lại công ty khác, và những cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình hay hằn học, hòng nâng cao năng suất, chất lượng, nhuệ khí và tinh thần chăm sóc khách hàng. Nhưng họ lại ngó lơ cái văn-hóa-niềm-tin-thấp, hậu quả của những kỹ thuật thao túng nói trên. Khi những cách thức này không hiệu quả, họ lại tìm kiếm những kỹ thuật khác thuộc về bề ngoài của Đạo đức tính cách mà ngó lơ hoặc vi phạm những nguyên lý và quá trình vốn hợp lẽ tự nhiên và là nền tảng của một văn-hóa-niềm-tin-cao.
Tôi còn nhớ nhiều năm trước, có một lần chính tôi đã vi phạm nguyên lý này trong vai trò người bố. Một ngày nọ, khi tôi về nhà để dự tiệc sinh nhật 3 tuổi của con gái mình. Tôi thấy con bé ở góc nhà trước, ra sức giữ chặt các món quà của nó và không cho những đứa trẻ khác chơi cùng. Điều đầu tiên tôi ghi nhận vào tâm trí mình là vài phụ huynh khác trong phòng đang chứng kiến biểu hiện của sự ích kỷ này. Tôi bối rối và lưỡng lự bởi lúc đó tôi đang dạy về mối quan hệ giữa con người tại đại học. Và tôi biết, hay ít nhất cũng cảm nhận được kỳ vọng của những phụ huynh này rằng tôi phải làm một điều gì đó trước cảnh tượng ấy.
Không khí trong phòng hơi chùng xuống, những đứa trẻ khác cứ vây quanh con bé, ngửa tay xin chơi cùng với những món quà mà chúng vừa tặng cho con bé trong khi con tôi vẫn kiên quyết từ chối. Tôi tự nhủ, “Dĩ nhiên tôi muốn dạy cho con bé biết sẻ chia. Giá trị của sự sẻ chia chính là một trong những điều căn bản nhất mà gia đình tôi tin tưởng.”
Và tôi thử bắt đầu bằng một yêu cầu đơn giản. “Này con yêu, con vui lòng chia sẻ với các bạn những món đồ chơi mà các bạn vừa tặng con nhé.”
“Không,” con bé trả lời dứt khoát.
Cách thứ hai của tôi là lý luận thêm một chút. “Con yêu, nếu con học cách chia sẻ đồ chơi với bạn ở nhà của mình thì khi con sang nhà bạn chơi, bạn sẽ chia sẻ đồ chơi của bạn cho con.”
“Không,” một lần nữa con bé trả lời ngay tức khắc.
Tôi thấy bối rối hơn, vì rõ ràng là tôi không hề có ảnh hưởng nào với con bé. Cách thứ ba tôi dùng là mua chuộc. Tôi dụ dỗ con bé thật nhẹ nhàng, “Con yêu, nếu con chia sẻ, cha có một bất ngờ đặc biệt cho con. Cha sẽ cho con một viên kẹo gôm.”
Con bé hét lên, “Con không muốn kẹo gôm!”
Tôi bắt đầu bực tức. Đến lần thứ tư, tôi đành phải hăm dọa. “Nếu con không chịu chia sẻ, con sẽ bị phạt đấy!”
Con bé khóc thét, “Con không cần biết. Đây là đồ chơi của con.
Con không muốn chia sẻ.”
Sau cùng, tôi phải dùng vũ lực. Tôi tự giành lấy các món đồ chơi và trao cho bọn trẻ. “Này các cháu, đồ chơi của tụi con đây.”
Hồi tưởng lại tình huống đó, tôi thấy mình đã đặt ý kiến của những phụ huynh khác cao hơn sự phát triển và trưởng thành của con gái mình, cũng như cao hơn mối quan hệ của chúng tôi. Lúc đó tôi chỉ đơn giản cho rằng mình đúng và con bé phải chia sẻ, con bé đã sai khi không chịu nghe lời tôi.
Có lẽ tôi đã áp đặt kỳ vọng quá lớn lên con bé, đơn giản bởi vì tôi chỉ đạt đến một mức độ trưởng thành thấp trên chính thang đo của mình. Tôi đã không thể hay không sẵn sàng để cho con bé sự nhẫn nại, thấu hiểu của mình, tôi còn kỳ vọng nó phải chia sẻ đồ chơi của nó. Để bù đắp cho sự yếu đuối của mình, tôi phải vay mượn sức mạnh từ vị thế và thẩm quyền làm bố, và ép buộc con tôi thực hiện những gì tôi muốn.
Thế nhưng, sức mạnh vay mượn chỉ tạo nên sự yếu kém mà thôi. Nó củng cố sự yếu đuối bên trong người đi vay mượn bởi nó hằn sâu sự lệ thuộc của người đó vào những yếu tố bên ngoài để thực hiện việc họ muốn. Nó củng cố sự yếu đuối bên trong người đó, buộc họ phải thỏa hiệp và đánh gục quá trình phát triển tư duy độc lập, sự trưởng thành, và khả năng tự chủ của họ. Và sau cùng, nó làm suy kiệt các mối quan hệ. Nỗi sợ thế chỗ sự hợp tác, và cả hai phía đều trở nên phòng vệ và độc đoán hơn.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như những nguồn sức mạnh có tính chất vay mượn đó - như là ngoại hình to lớn, sức mạnh thể chất, vị thế, quyền lực, danh tiếng, địa vị, ngoại hình, hay những thành tựu trong quá khứ thay đổi, hay không còn nữa?
Trong tình huống trên, nếu tôi trưởng thành hơn, tôi đã có thể dựa vào nội lực của mình, tức sự thấu hiểu về việc sẻ chia và trưởng thành, cũng như khả năng yêu thương và dưỡng dục, và cho phép con bé tự do lựa chọn việc chia sẻ hay không chia sẻ đồ chơi cho bạn. Sau khi nói lý với con bé, lẽ ra tôi đã có thể chuyển sự chú ý của những đứa trẻ khác vào một trò chơi thú vị hơn, và giải phóng con bé khỏi tất cả những áp lực cảm xúc đang đè nặng nó. Tôi học được là một khi đứa trẻ có được cảm nhận về sự sở hữu đích thực, chúng sẽ sẻ chia một cách rất tự nhiên, trong sự tự chủ, và tức thời.
Qua trải nghiệm đó, tôi nhận ra có những khi ta nên giáo huấn và có những khi ta không nên làm thế. Khi mối quan hệ đang căng thẳng, không khí nặng nề với nhiều cảm xúc, thì mọi nỗ lực giáo huấn đều bị xem là hành động đánh giá hay phủ nhận. Nhưng khi đứa trẻ chỉ ở một mình, yên lặng, khi mối quan hệ đang tốt đẹp, thì việc giáo huấn hay cử chỉ trân trọng lại mang đến một tác động to lớn hơn. Có vẻ trong trường hợp nêu trên, tôi cần có một mức độ trưởng thành về mặt cảm xúc cao hơn để có thể tự chủ và nhẫn nại với con bé.
Có lẽ cảm giác sở hữu cần có trước cảm nhận về sự sẻ chia chân thành. Nhiều người chỉ cho đi một cách máy móc hoặc không chịu sẻ chia trong mối quan hệ hôn nhân hoặc trong gia đình, có lẽ họ chưa từng được trải nghiệm cảm giác sở hữu và làm chủ chính mình, hoặc không cảm nhận được căn tính và giá trị tự thân của họ. Để thực sự giúp con cái mình trưởng thành, bạn cần đủ nhẫn nại để cho chúng cảm nhận được quyền sở hữu của chúng, cũng như cần đủ khôn ngoan để dạy chúng giá trị của sự sẻ chia, và chính bản thân bạn phải là tấm gương.
CÁCH TA NHÌN NHẬN VẤN ĐỀ CHÍNH LÀ VẤN ĐỀ
Con người thường hứng thú khi thấy những gì tốt đẹp xảy đến với cuộc đời của mỗi cá nhân, gia đình và tổ chức đều dựa trên những nguyên lý căn bản. Họ ngưỡng mộ nghị lực và sự chín chắn của cá nhân, sự gắn bó và đoàn kết của gia đình, và văn hóa thích nghi mà cộng hưởng của tổ chức.
Và câu hỏi họ đặt ra liền lúc đó bộc lộ ngay một mô thức chỉ rất phổ biến trong xã hội ngày nay. “Vì sao anh làm được? Hãy cho tôi cách làm của anh đi.” Qua câu nói ấy, điều họ thật sự muốn nói là, “Hãy cho tôi lời khuyên hay giải pháp tức thời nào mà giúp tôi nhanh chóng giải thoát khỏi nỗi khổ sở của mình.”
Họ sẽ tìm đến người nào dạy được những thứ ấy để thỏa mãn mong muốn của mình. Những kỹ năng hay thủ thuật họ học được có vẻ hiệu nghiệm trong ngắn hạn. Chúng giúp loại bỏ một số khó khăn bề nổi, cũng giống như thuốc kháng sinh và bông băng vậy.
Nhưng cái nguồn gốc mãn tính của vấn đề vẫn còn đó và sau cùng, những triệu chứng cấp tính mới lại xuất hiện. Người ta càng trông cậy vào những giải pháp tạm bợ và tập trung vào những khó khăn bề nổi thì họ càng chôn sâu cái gốc rễ thật sự của mọi vấn đề.
Cách ta nhìn nhận vấn đề mới chính là vấn đề.
Hãy xem xét lại một số ví dụ trong chương sách này về lối tư duy trên bề nổi của Đạo đức tính cách.
Tôi tham dự hết khóa học này đến khóa huấn luyện khác về quản trị tính hiệu quả. Tôi kì vọng nhiều ở nhân viên của mình, cố gắng thân thiện và cư xử hòa nhã với họ. Nhưng kết quả là họ vẫn không trung thành với tôi. Tôi đoán nếu tôi nghỉ bệnh ở nhà một ngày, chắc chắn họ sẽ tán gẫu suốt cả ngày hôm ấy. Vì sao tôi không thể huấn luyện cho họ biết tự giác làm việc và có tinh thần trách nhiệm - hay tìm được những nhân viên như thế?
Đạo đức tính cách mách bảo tôi có thể đóng kịch một chút, làm mọi thứ rối tung lên rồi tự lĩnh xướng vai trò dẫn dắt để nhân viên biết trân trọng những gì họ đang có. Hoặc tôi có thể tìm một khóa học truyền cảm hứng để giúp nhân viên cam kết hơn. Hoặc thậm chí tôi có thể tuyển thêm người mới mà làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, những cách làm trên liệu có ổn nếu như ẩn sau hành vi không gắn bó ấy là băn khoăn của đa số nhân viên rằng tôi có thực sự hành động vì lợi ích của họ? Liệu họ có cảm thấy tôi đối xử với họ như thể họ là máy móc cơ giới? Liệu sự thật có phải là thế không?
Ẩn sâu bên trong lòng mình, có phải đó là cách tôi đang nhìn nhận về nhân viên của mình? Liệu có khi nào cách tôi nhìn nhận về nhân viên của mình chính là một phần của vấn đề không?
Có quá nhiều việc cần làm mà thời gian thì không bao giờ đủ. Tôi cảm thấy áp lực và bức bối cả ngày, thậm chí suốt tuần. Tôi dự các hội thảo về quản lý thời gian, thử áp dụng vài phương pháp lập kế hoạch. Chúng cũng có chút hữu ích, nhưng nhìn chung tôi không cảm thấy mình đang sống một cuộc đời ý nghĩa, không thấy mình thực sự hạnh phúc, hiệu quả và bình an.
Đạo đức tính cách mách bảo tôi rằng vẫn còn có một cái gì đó ngoài kia, một công cụ hoạch định hay khóa học mới mà sẽ giúp tôi giải quyết được mọi áp lực một cách tối ưu hơn.
Nhưng có khi nào hiệu suất không phải là câu trả lời? Liệu làm được nhiều việc hơn với thời gian ít hơn thực sự tạo nên sự khác biệt, hay nó chỉ đẩy nhanh tốc độ phản ứng thụ động của tôi trước những người và những hoàn cảnh đang thực sự làm chủ tôi?
Liệu tôi cần phải chọn cách tiếp cận sâu sắc hơn, căn cơ hơn, cần phải khám phá mô thức bên trong mình mà ảnh hưởng đến cách tôi nhìn nhận về thời gian, gia đình, và bản chất con người mình?
Đời sống hôn nhân của tôi đang lạnh nhạt đi. Chúng tôi không lục đục gì cả, chỉ là không còn yêu nhau nữa thôi. Chúng tôi có nhờ đến dịch vụ tư vấn và cũng nỗ lực làm theo, nhưng kết quả là chúng tôi vẫn không thể nhóm lại cảm xúc tình yêu ngày nào mà chúng tôi đã từng có với nhau.
Đạo đức tính cách mách bảo rằng hẳn phải có một quyển sách hay khóa học mới nào mà khiến người ta bộc lộ hết cảm xúc của mình và sẽ giúp vợ tôi hiểu tôi hơn. Hoặc có thể nỗ lực hàn gắn là vô ích và chỉ có một mối quan hệ khác mới đem lại cho tôi tình yêu mà tôi cần.
Nhưng có khi nào vấn đề không phải ở vợ tôi? Có khi nào chính tôi đã tấn công vào điểm yếu của vợ mình để rồi cuộc sống hiện tại của tôi là những gì tôi xứng đáng nhận lãnh?
Liệu trong tôi có tồn tại một mô thức nào về vợ tôi, về cuộc hôn nhân của chúng tôi, về tình yêu mà đang khiến vấn đề giữa chúng tôi thêm trầm trọng không?
Bạn có thấy những mô thức của Đạo đức tính cách tác động sâu sắc và tinh tế như thế nào đến cách ta nhìn vấn đề, cũng như cách ta cố gắng giải quyết vấn đề hay không?
Dù có nhận ra hay không thì nhiều người trong chúng ta đang bị huyễn hoặc bởi lời hứa rỗng tuếch của Đạo đức tính cách. Khi tôi chu du khắp nước Mỹ và làm việc tại nhiều tổ chức, tôi nhận thấy những người giám đốc nào nhìn xa trông rộng đều tẩy chay thể loại tâm lý học huyền bí và các diễn giả “truyền cảm hứng”, thể loại người mà tất cả những gì họ biết chỉ là vài mẩu chuyện giải trí pha lẫn với sự tẻ nhạt mà thôi.
Họ khát khao những gì thực chất, họ mong muốn có được quá trình. Họ mong đợi nhiều hơn là thuốc kháng sinh và bông băng. Họ muốn giải quyết dứt điểm căn bệnh mãn tính đang bị vùi lấp bên trong và tập trung vào những nguyên lý mang lại kết quả lâu dài.
MỘT TRÌNH ĐỘ TƯ DUY MỚI
Albert Einstein từng nói, “Những vấn đề trọng yếu không thể được giải quyết bởi cùng một trình độ tư duy tại thời điểm mà ta đã gây ra chúng.”
Khi ta nhìn quanh và nhìn vào trong mình, ta nhận ra vấn đề sẽ phát sinh khi ta sống và tương tác trong phạm vi của Đạo đức tính cách, và ta bắt đầu nhận thấy có những vấn đề sâu sắc và nền tảng hơn mà ta không thể giải quyết triệt để chỉ với những cách thức nông cạn được.
Ta cần một trình độ tư duy mới sâu sắc hơn, một mô thức dựa trên những nguyên lý mà mô tả chính xác vùng hiện hữu và tương tác của những người hiệu quả, để giải quyết những mối lo toan sâu sắc này.
Trình độ nhận thức mới này chính là nội dung của “7 Thói quen hiệu quả”. Đây là một phương pháp cải biến “từ trong ra ngoài”, lấy nguyên lý làm trọng và dựa trên phẩm giá, nhằm đạt được hiệu quả ở cả mức độ cá nhân lẫn mức độ tập thể. “Từ trong ra ngoài” có nghĩa là bắt đầu từ bản thân mình trước, hay thậm chí là phải bắt đầu từ phần sâu thẳm nhất bên trong của bản thân, tức là các mô thức, bản tính và động cơ của bạn.
Phương pháp này cho biết rằng nếu bạn muốn có một hôn nhân hạnh phúc, hãy là một người tạo ra nguồn năng lượng tích cực, tránh xa nguồn năng lượng tiêu cực. Nếu bạn muốn có một đứa con gần gũi và hợp tác hơn thì hãy là một phụ huynh đầy thấu hiểu, biết cảm thông, hành xử nhất quán và giàu tình yêu thương. Nếu bạn muốn có nhiều tự do hơn trong công việc, hãy là nhân viên có trách nhiệm, hữu ích và nhiều cống hiến. Nếu bạn muốn được tin tưởng, hãy là người đáng tin. Nếu bạn muốn đạt được tầm vóc thứ yếu như là được công nhận về tài năng chẳng hạn, thì trước hết hãy tập trung vào tầm vóc chính yếu là bản tính của mình.
Phương pháp “từ trong ra ngoài” này khẳng định Thành công cá nhân phải có trước Thành công tập thể, và rằng ta phải hứa và giữ lời hứa với bản thân trước khi có thể làm điều này với người khác. Thật vô ích nếu đặt tính cách trước phẩm giá và cố gắng cải thiện mối quan hệ với người khác trước khi phát triển bản thân.
“Từ trong ra ngoài” là một quá trình, một quá trình không ngừng đổi mới dựa trên những quy luật tự nhiên mà quyết định sự trưởng thành và tiến bộ của con người. Nó là một vòng xoắn ốc trưởng thành đi lên liên tục mà tuần tự dẫn đến những hình thái cao quý hơn của đặc tính “độc lập và trách nhiệm” và “tương thuộc và hiệu quả”.
Tôi có cơ hội làm việc với nhiều người, những con người tuyệt vời, tài năng, những con người luôn khát khao đạt được thành công và hạnh phúc, những con người đang trên hành trình tìm kiếm, và những con người đang đau khổ. Tôi cũng làm việc với nhiều giám đốc, sinh viên đại học, các nhóm phụng sự nhà thờ, các gia đình và các cặp hôn nhân. Và theo kinh nghiệm của mình, tôi chưa bao giờ thấy một giải pháp bền vững nào hay một thành công, hạnh phúc lâu bền nào mà xuất phát từ bên ngoài vào trong cả.
Tôi cũng chứng kiến hậu quả của mô thức “từ ngoài vào trong” là những người không hạnh phúc, cảm thấy mình là nạn nhân và bị kiềm kẹp, những người tập trung vào điểm yếu của người khác và những hoàn cảnh mà họ cho rằng phải chịu trách nhiệm cho tình trạng trì trệ của họ. Tôi cũng gặp nhiều đôi vợ chồng mà mỗi người đều muốn thay đổi nhưng họ lại kể tội nhau trước và muốn nhào nặn người khác theo ý mình. Tôi đã chứng kiến nhiều xung đột trong quản trị lao động, trong những tình huống đó, người ta đã dành rất nhiều thời gian và công sức để tạo ra những quy định pháp chế mà buộc con người hành xử như thể niềm tin đã có sẵn ở đó.
Nhiều thành viên trong gia đình chúng tôi đã sống ở ba điểm “nóng” nhất Trái đất, là Nam Phi, Israel và Ireland, và tôi tin rằng căn nguyên của những vấn đề đang tiếp diễn tại ba nơi này chính là sự thống trị của mô thức xã hội “từ ngoài vào trong”. Mỗi nhóm liên quan đều tin rằng vấn đề đang ở “ngoài đó” và nếu “bọn họ” (tức là các nhóm khác) chịu “nhún nhường” hoặc đột nhiên “bốc hơi” thì vấn đề sẽ được giải quyết.
“Từ trong ra ngoài” chính là sự chuyển đổi mô thức sâu sắc cho hầu như tất cả mọi người, phần lớn là vì trước nay người ta đã bị kiềm kẹp trước sức mạnh to lớn của các điều kiện và mô thức xã hội theo Đạo đức tính cách. Theo kinh nghiệm của tôi, từ trải nghiệm bản thân và kinh nghiệm làm việc với hàng nghìn người khác, và theo những khảo cứu cẩn trọng trên những cá nhân và xã hội thành công trong lịch sử, tôi tin rằng nhiều nguyên lý trong 7 Thói quen này đã được chôn giấu sẵn bên trong mỗi người, trong lương tâm và trong tri giác của ta. Để nhận ra và phát triển chúng, cũng như sử dụng chúng để đáp ứng những khát khao sâu kín của ta, ta cần tư duy theo một cách khác để chuyển đổi mô thức của mình sang một cấp độ cao mới sâu sắc hơn, là cấp độ “Từ trong ra ngoài”.
Khi mỗi chúng ta thành tâm tìm cách thấu hiểu và đưa những nguyên lý này vào cuộc sống của mình, tôi tin rằng ta sẽ khám phá và tái khám phá ra sự thật mà T. S. Eliot từng chia sẻ:
“Ta không được ngừng khám phá và đích đến của hành trình khám phá là đến được nơi ta đã bắt đầu, để lần đầu tiên ta được biết nơi này”.