Đại đa số các tôn giáo chính thống đều cực kỳ bài xích “dục” - ham muốn. Thậm chí, nhiều tôn giáo còn cho rằng, ngũ dục gồm: tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ là “năm thứ đưa con người đi xuống địa ngục”. Có thể nói, những tôn giáo này đã bài xích “dục” đến cực điểm.
Thật ra, Phật giáo không hoàn toàn cho “dục” là những điều sai trái, bởi vì, bên cạnh các dục ô nhiễm, bao giờ cũng có các dục thiện lành. Chúng ta vẫn thường có nhiều ham muốn, chẳng hạn như: nỗ lực học hành, ham muốn tìm cầu tri thức; ham muốn được làm lãnh đạo để vì nước vì dân, hy sinh tận hiến. Thậm chí, có người còn lập chí phát nguyện “trên tìm cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh”, v.v. Nếu như không có các ham muốn thiện pháp này, thì làm sao hoàn thiện nhân sinh, viên mãn một kiếp người?
Trên thế gian, bất kể việc gì cũng đều có hai mặt: phải - trái, đúng - sai. Chẳng hạn, tuy bố thí là việc lành, nhưng nếu chúng ta bố thí có mục đích thì cũng hóa thành sai trái. Việc tụng kinh cầu nguyện cũng vậy, nếu như chúng ta tụng kinh chỉ để mong cầu chuyển dời tai ương, hoạn nạn sang cho kẻ khác, thì đó cũng là những ham muốn đớn hèn, là mong cầu xấu ác vậy.
Những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống thường ngày như ăn, mặc, ở, đi lại, hay nhu cầu nam nữ chính đáng, v.v. đều không thể xem là ô nhiễm hay xấu ác. Bởi, cùng là một lời nói, nhưng khi nói ra, có người ưa thích, lại có người cảm thấy phản cảm. Cũng cùng một câu nói ấy, nhưng cảm nhận của từng người nghe lại chẳng hề giống nhau. Như khi Đức Thế Tôn thuyết pháp, tuy Ngài chỉ dùng một âm thanh để thuyết giảng, diễn giải, nhưng mỗi chúng sinh lại hiểu và thấm nhuần giáo pháp ở từng mức độ khác nhau. Sở dĩ có việc này là vì căn cơ mỗi cá nhân không đồng đều, nên sự lãnh thọ pháp Phật cũng từ đó mà có sự khác biệt.
Lại như, cũng đều là một nắm đấm, thế nhưng nếu dùng nắm đấm để đánh người thì có tội, ngược lại, dùng nắm đấm đấm vào lưng người khác để massage, trị liệu thì đối phương sẽ vô cùng cảm kích. Nên nói: “Pháp không thiện ác, thiện ác là do tâm người sử dụng” tức là chỉ ý nghĩa này vậy. Hy vọng, trong xã hội ngày nay, chúng ta hãy cố gắng phát huy lòng ham muốn thiện pháp, trừ bỏ các ham muốn xấu ác, ô nhiễm.
Ham muốn thiện pháp là gì?
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường tâm niệm báo bốn ân lớn (ân quốc gia, ân sư trưởng, ân cha mẹ, ân chúng sinh), suy nghĩ cứu giúp nỗi khổ trong ba đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh); luôn muốn chia sẻ tất cả những gì mình có được cho người khác, nhiệt tình giúp ích cho người khác một cách vô tư, không toan tính. Công nhân gia tăng sản xuất để góp phần cải thiện đời sống, báo đáp nước nhà. Quân nhân ra sức chiến đấu, bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Các thương nhân thúc đẩy kinh tế, chân thành giúp đỡ mọi người. Các thầy cô giáo truyền đạt tri thức không biết mệt mỏi. Đài phát thanh, truyền hình giới thiệu, quảng bá những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng. Các nghệ sĩ lan tỏa những điều thiện lành, tốt đẹp, v.v.
Tóm lại, tất cả những gì giúp cải thiện cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, hay trau dồi sự thanh tịnh, thuần khiết cho thân tâm mình, thì đó đều là những ham muốn thiện pháp.
Ham muốn bất thiện pháp (ô nhiễm, xấu ác) là gì?
Có thể kể ra như: Mỗi ngày đều thèm khát sở hữu tất cả những thứ phi pháp, lúc nào cũng muốn “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhìn người khác thất bại, lòng liền vui vẻ, khoái chí. Thấy người khác thành công, tâm liền sinh đố kỵ, chán ghét. Thậm chí dối đời, gạt người lấy danh tiếng tốt, đổi trắng thay đen, hãm hại người khác làm niềm vui, làm tổn thương người khác để bản thân được lợi, v.v.
Tất cả những điều này đều là những ham muốn xấu xa, nhơ bẩn, là các ham muốn bất thiện pháp.
Đời người luôn sống với sự ham muốn, khát khao thỏa mãn không ngơi nghỉ. Khát vọng rộng lớn như trời biển cũng không đáng sợ, đáng sợ là cứ mãi đắm chìm trong biển cả ham muốn ấy, không bao giờ biết ngừng nghỉ. Đây mới chính là nỗi bi ai lớn nhất của kiếp người.