Giữa người với người, hòa thuận là điều quan trọng nhất. Trong giao tiếp, có người dùng tình cảm để duy trì sự thuận hòa, vui vẻ. Có người lại dùng lợi ích để duy trì sự hòa hợp, êm ấm. Có người lấy việc cùng chung chí hướng để gìn giữ sự hài hòa, ăn khớp. Lại có người nhờ vào các mối quan hệ như bạn bè, đồng hương hay bạn đồng môn để duy trì, gìn giữ sự hòa thuận.
Thật vậy, trong xã hội ngày nay, có người chỉ vì bất đồng trong tư tưởng và nhận thức mà chia tách thành các đảng phái. Cũng có người vì khác biệt tín ngưỡng mà bài xích, chỉ trích lẫn nhau. Thậm chí, chỉ vì bất đồng ngôn ngữ, phong tục, thói quen, vùng miền, mà người ta đã dấy lên biết bao nhiêu cuộc tranh chấp, ngoại xâm, nội loạn? Vậy thì làm sao “đất nước hòa bình, nhân dân an lạc” được đây? Bởi vậy, trong một quốc gia, chỉ khi nào các vị lãnh đạo đồng thuận với nhau, thì nhân dân mới đoàn kết một lòng và chỉ khi nhân dân đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, đất nước mới được hòa bình, hưng vượng, nhân dân mới được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong nhà Phật có câu nói: “Tùng lâm lấy bình yên vô sự để phát triển hưng thịnh”, nghĩa là chỉ khi mọi người đoàn kết, hòa thuận với nhau thì tự viện mới bình yên vô sự được. Cuộc sống Tăng đoàn thường lấy sáu phép hòa kính để duy trì, gìn giữ sự hòa hợp, đồng thuận giữa các thành viên.
Sáu phép hòa kính ấy là:
- Thân hòa đồng trụ: Thân chung sống hòa thuận;
- Khẩu hòa vô tranh: Miệng nói lời hòa nhã, êm ái, không tranh cãi;
- Ý hòa đồng duyệt: Tâm ý hòa hợp, vui vẻ;
- Giới hòa đồng tu: Cùng nhau tuân thủ, hành trì giới luật;
- Kiến hòa đồng giải: Cùng nhau chia sẻ hiểu biết, kiến giải;
- Lợi hòa đồng quân: Cùng nhau chia sẻ lợi ích đồng đều.
Vì thế, Tăng đoàn còn được gọi là một nhóm tu sĩ cùng sống lục hòa và thanh tịnh. Tôn giả Tu Bồ Đề được tôn xưng là vị Giải Không Đệ Nhất, do thấu biết lý Không, nên “Vô tranh tam muội” mà ngài chứng đắc được xưng là đệ nhất, cho đến “bảy pháp dứt trừ tranh cãi” trong giới luật nhà Phật, đều là khuôn mẫu, mực thước để Tăng đoàn chung sống hòa thuận, vui vẻ với nhau.
Kinh A Di Đà cho biết: “Cõi Tịnh độ Cực lạc Tây phương là nơi các bậc thiện nhân cùng tụ hội, chung sống với nhau”. Sở dĩ được như thế cũng nhờ sự hòa thuận, vui vẻ. Hòa thuận, ấm êm chính là Tịnh độ. Gia đình hòa thuận thì cả nhà vui vẻ, ấm no; xã hội hòa thuận thì cộng đồng hòa bình, hạnh phúc.
Trong một tổ chức, người tài giỏi là người có thể thúc đẩy mọi người chung sống hòa thuận, vui vẻ với nhau; người yếu kém thì dễ dẫn đến ganh đua, tranh chấp. Giữa người với người, nếu ta biết chấp nhận sự khác biệt, đối lập thì tự nhiên cuộc sống sẽ hòa mục, vui vẻ; kính cẩn tôn trọng, khoan dung tha thứ sẽ khiến cuộc sống nhanh chóng có thể êm ấm, thuận hòa.
Những đóa sen tươi đẹp, yêu kiều trong hồ cũng cần có lá xanh làm nền tô điểm mới càng thanh thoát. Những cánh bướm chập chờn vờn bay trong gió, múa lượn giữa vườn hoa cũng cần có nhiều màu sắc khác nhau mới thêm phần xinh đẹp, xao xuyến lòng người. Nhờ khả năng dung nạp màu sắc đa dạng, cầu vồng sau cơn mưa mới ban tặng cho thế gian bức tranh thiên nhiên tuyệt phẩm với bảy sắc màu huy hoàng rực rỡ.
Con người luôn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ qua lại mới có thể sinh tồn và từ đó mới biết cách nâng đỡ, dìu dắt lẫn nhau. Chỉ khi nào nhận thức được tầm quan trọng của việc chung sống hòa hợp, con người mới cùng tồn tại, cùng phát triển được. Làm người nên “dĩ hòa vi quý”, vợ chồng, cha mẹ, anh em, con cái trong gia đình cần phải trên thuận dưới hòa, chung sống vui vẻ; giữa cấp trên và cấp dưới trong một đoàn thể, giữa đồng nghiệp với nhau, giữa nhà đầu tư và nhân viên lao động, hay giữa cổ đông với nhau cũng cần phải hòa mục, êm ấm. Điều này được gọi là “hòa khí sinh tài”, “gia hòa vạn sự hưng”, hay còn gọi là “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Tầm quan trọng của hòa thuận được thể hiện rõ nét qua những điều giản đơn như thế đấy.