Trên cõi đời này có biết bao điều chúng ta nên làm như: bố thí cúng dường, tuân thủ pháp luật, cống hiến phụng sự, phục vụ công ích, v.v. Trong vô vàn việc tốt ấy, có lẽ không gì quý hơn việc “trao tặng nhân duyên” đến với cuộc đời, đến với mọi người.
Nếu hoa cỏ trong vườn được tưới tẩm vài giọt mưa sương, chúng sẽ sinh trưởng mạnh mẽ và tươi tốt. Nếu chim chóc trên cành được vãi cho dăm ba hạt thóc, chúng sẽ cất lên những tiếng hót thánh thót, trong trẻo. Với các cô cậu học trò, thầy cô giáo chỉ cần nhiệt tình khích lệ đôi câu, cũng là đã trao cho họ một chút nhân duyên tốt lành.
Với các thầy cô, học sinh chỉ cần chân thành khen ngợi, tỏ lòng biết ơn, cũng là đã trao đến họ phần nhân duyên tốt đẹp.
Biết một sản phẩm chất lượng, ta nhiệt tình giới thiệu cho mọi người; thấy người tài năng đức độ, ta hết lòng tiến cử, như thế là chúng ta đã gieo chút nhân duyên tốt lành rồi.
Đôi lúc, chỉ cần một ánh mắt cổ vũ, khích lệ cũng đủ để giúp người khác trở nên tốt đẹp hơn. Thậm chí, có khi chỉ đơn giản là tùy hỷ tùy duyên, không cản trở chuyện tốt của người khác, cũng chính là gieo một nhân tốt duyên lành mà chẳng có điều gì tốt đẹp hơn thế nữa.
Thật ra, thế gian này có muôn vàn cách để bạn trao nhân duyên đến với mọi người: Giữa bố mẹ và con cái nên dành cho nhau tình cảm, yêu thương; giữa bạn bè, đồng nghiệp cũng nên bắc nhịp cầu nhân duyên để kết nối, giao hảo với nhau.
Đức Thế Tôn trước khi nhập vào vô dư Niết bàn đã từng dạy chúng đệ tử rằng: “Những chúng sinh nào có nhân duyên với ta, ta đều đã độ cho họ giải thoát. Những chúng sinh nào chưa có nhân duyên với ta, ta cũng đã tạo cho họ nhân duyên để được cứu độ”.
Trong lịch sử Phật giáo, nhờ An Đạo Thành cúng dường mười lượng bạc để hỗ trợ cho việc học đạo, mà Đại sư Huệ Năng đã trở thành vị tổ sư của muôn đời; nhờ Hoàng Bá Hy Vận khuyên đến tham vấn Cao An Đại Ngu, mà Lâm Tế Nghĩa Huyền cuối cùng đã hoát nhiên đại ngộ chỉ nhờ một câu thoại đầu, và lập nên dòng phái Lâm Tế với đông đảo đệ tử trên khắp thiên hạ.
Chị dâu của Mã Tổ Đạo Nhất được Tổ chỉ dẫn, sau nhiều năm thực hành công án “lắng nghe âm thanh từ trứng gà”, cuối cùng cũng ngộ đạo giải thoát. Bồ tát Thế Thân được anh trai là Vô Trước khai mở nên mới tiến đến lộ trình tu tập từ tự độ chuyển sang độ tha, trở thành vị luận sư trước tác hàng nghìn bộ luận.
Có người chỉ nhờ một câu nói đã có thể giúp người khác tìm ra hướng đi; có người chỉ cần viết một lá thư tiến cử cũng đủ giúp người khác nổi tiếng và được sử sách lưu danh. Đại văn hào Hàn Dũ - nhà văn thời Đường tiêu biểu trong phong trào chấn hưng cổ văn, đến tham vấn Đại sư Đại Điên, vì một câu nói: “Trước lấy định để ngăn động, sau mới dùng trí trừ bỏ động” của thị giả mà tìm được con đường đi vào cửa Phật pháp. Đại thần Ninh Thích nước Tề nhờ một lá thư tiến cử của Quản Trọng1 mà sau được Tề Hoàn Công trọng dụng, từ đó ông đã giúp Tề Hoàn Công đi du thuyết nước Tống, khiến vua nước Tống từ bỏ chiến tranh, ký kết hiệp ước hòa bình.
1 Quản Trọng: Nhà chính trị, tư tưởng nổi tiếng của nước Tề, thời Xuân Thu.
Sở dĩ, rất nhiều bậc vĩ nhân trong lịch sử trở thành lãnh tụ của quốc gia vì đã không ngần ngại gieo nhân duyên tốt đến với mọi người, nhờ đó mới đem đến thành tựu cho chính họ. Sở dĩ, giới doanh nghiệp chiêu mộ được nhân tài, cũng bởi họ đã trao đi những cơ duyên tốt đẹp, mới thu hút được các nhân viên tài năng và giúp họ phát huy sở trường.
Cho nên nói, trong trường hợp không làm tổn hại chính mình, lại có thể mang đến lợi lạc cho người, thì hãy trao nhân duyên đến với mọi người càng nhiều càng tốt. Trao cho người khác nhân tốt duyên lành, chính là lộ trình kết nối thiện duyên rộng rãi của chính mình và cũng chính là con đường đưa bản thân mình đi đến thành tựu.
Trao gửi nhân duyên tốt lành đến với mọi người, không những lợi người mà còn lợi mình. Việc làm hoan hỷ đến thế, thì cớ sao ta không thử một lần?