Năm 2010, Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Tham gia hoạt động kỷ niệm, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh Lữ đoàn 45 pháo binh tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa với nội dung, chương trình, thời gian tham quan, trong đó chủ yếu là thăm lại Thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9..., những địa danh đã từng vang tiếng một thời, gắn bó với đơn vị những ngày chiến đấu ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thăm viếng thắp hương tưởng niệm các Liệt sĩ Thành cổ, ở Nghĩa trang Đường 9... để tri ân đồng đội, nhớ lại quá khứ lịch sử, truyền thống vẻ vang của đơn vị trong sự nghiệp giải phóng miền Nam - thống nhất Tổ quốc.
Sau 38 năm, kể từ năm 1972, năm tiến công chiến lược trên Mặt trận Quảng Trị, chúng tôi ngày ấy là những chiến binh trẻ trung, dũng mãnh, thế mà nayđã là những cựu chiến binh với tuổi đời trên dưới 60, thời gian và cuộc sống đã nhuộm bạc nhiều mái đầu, song trí tuệ vẫn còn minh mẫn, có người còn công tác.
Qua nhiều năm, đất nước đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển, một số ít đồng chí có điều kiện đã cùng cơ quan, đơn vị hoặc gia đình đi tham quan, du lịch nhiều nơi, nhưng chủ yếu là đến những trung tâm thành phố đô thị hiện đại, những bãi biển nghỉ mát, những khu du lịch sinh thái, những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử nổi tiếng..., còn đi thăm lại chiến trường xưa (tất nhiên có kết hợp tham quan nếu còn thời gian), thăm lại đồng đội đã nằm lại chiến trường theo ước vọng tâm linh thì phần lớn chúng tôi đây là lần đầu, và có thể cũng là lần cuối như một đồng chí đã nói bởi còn tùy thuộc vào sức khỏe và tuổi tác.
Vì vậy ra đi với niềm vui phấn khởi trong cảm xúc thiêng liêng mong đợi, mặc dù không khí hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tràn ngập Thủ đô, nhưng khi lên xe, mọi người như một, chỉ tâm niệm hướng về Nam, hướng tới đích của chặng đường là Đông Hà - Quảng Trị. Từ đây mặc nhiên hình thành “đơn vị” do Thiếu tướng Lê Xuân Thu chỉ huy, thực hiện cuộc hành trình trên xe ô tô với vận tốc quân bình từ 40 đến 45km/giờ, ngày đi đêm nghỉ, không có nghỉ trưa, trừ hai bữa ăn và thời gian tham quan. Đây cũng là thời cơ hiếm có để chúngtôi được sống bên nhau như 40 năm về trước trên chiến trường gian khổ ác liệt, sống chết có nhau. Có lẽ vì vậy mà trong những ngày này, chúng tôi hầu như quên hết hiện thực cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội, mọi tâm tư tình cảm chỉ tập trung sôi nổi, kể lại, nhắc lại với nhau những chuyện chiến đấu, những mất mát đau buồn, những gương hy sinh dũng cảm oanh liệt của đồng đội v.v... Hình ảnh đất nước đổi mới bắt gặp trên dọc đường đi, đôi lúc cũng xen vào, nhưng chỉ thoáng qua, mọi chuyện lại trở về với ngày xưa ấy. Có lẽ không có kỷ niệm nào sâu sắc và khó quên bằng những kỷ niệm trong chiến đấu, trên chiến trường, bởi đó là sự cận kề giữa sống và chết, giữa mất còn, cống hiến và hy sinh. Điều kỳ lạ là mọi người kể về đồng đội, về trận chiến, về tình hình, sự kiện... của mấy chục năm về trước mà rất tự nhiên, rành rẽ, chính xác, không có một giấy tờ ghi chép nào. Có lẽ, lại có lẽ, họ là người trong cuộc, họ không ghi nhật ký, nhưng họ lại có cuốn nhật ký “Trái tim khối óc” đã khắc ghi kỷ niệm cuộc đời và cho dù muốn quên, muốn xóa, cũng không thể nào quên, không có gì xóa được.
Đêm trước ngày lên đường, đã hẹn trước, Nguyễn Hữu Học ra Hà Nội lại nhà tôi ngủ để sáng cùng đi, vì nhà anh ở mãi tận Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) mà xe đón lại quy định 4 giờ 30 phút xuất phát từ cổng Bộ Tư lệnh Pháo binh ở dốc Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Đêm nay đã dặn nhau, kiểm tra lần cuối công việc chuẩn bị cá nhân, nhất là thuốc dự phòng đối với từng người, quân tư trang, điện thoại di động để liên lạc... rồi đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày mai. Nhưng nằm đã lâu mà không sao ngủ được, hai người cứ trằn trọc trở lưng trong đêm, cuối cùng Học lên tiếng trước:
- Sao Phúc Lợi, Xuân Phong không đi? Không đi dịp này biết đến bao giờ?
- Phúc Lợi từ khi lên ông, lại bận với các cháu, nhất là vất vả, tốn kém chạy chữa cho cháu bị dị tật bẩm sinh. Xuân Phong thì dạo này sức khỏe xuống lắm, vả lại đang bận lo làm thủ tục để hưởng chế độ “bị nhiễm chất độc da cam”!
- Được chưa?
- Chưa!
- Xuân Phong chiến đấu ở chiến trường nhiều năm, ở những vùng Mỹ thả chất độc hóa học nhiều nhất, lại là thương binh, sao lại chưa làm được chế độ?
- Xuân Phong nói bệnh tật của Xuân Phong, bệnh viện đã xác nhận có đủ tiêu chuẩn để xét làm chế độ, nhưng không hiểu vì sao, đã gần năm nay Hội đồng giám định Y khoa vẫn im lặng chưa công bố kết quả giám định? Lần này, Xuân Phong phải đi làm cho rõ.
- Trong Thanh, hình như anh cũng gần quê với Bào, Bào hy sinh ở trận địa An Du Đông, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Linh ấy, gia đình Bào hiện nay thế nào hở anh? - Học lại hỏi.
- À! Mai Xuân Bào, chiến sĩ thông tin liên lạc ở C bộ, người Đông Phú, xã Nga Nhân, Nga Sơn, Thanh Hóa, hy sinh tháng 8 năm 1972. Sau giải phóng miền Nam, mình tìm về quê Bào, thăm hỏi, chia buồn và động viên gia đình bố mẹ và vợ Bào vượt qua nỗi đau, chăm sóc cháu bé, con của Bào lúc này mới năm tuổi; vui chung niềm vui chiến thắng của dân tộc, trong đó có phần đóng góp xương máu của Bào, nhân dân, Tổ quốc đời đời ghi công gia đình và liệt sĩ. Ba năm sau khi có giấy báo tử, vợ Bào đi bước nữa, lấy một người làm công tác bảo vệ ở Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn. Một hôm vợ Bào đến nhà tôi đề nghị giúp đỡ, chỉ nơi mai táng và làm thủ tục xin hỗ trợ kinh phí để vào Vĩnh Linh cất bốc hài cốt Bào về quê cho tiện việc thờ cúng, nhưng gia đình Bào không nhất trí, với lý do cô đã đi ở với người khác, con Bào vẫn ở với ông bà nội, vả lại lúc này đơn vị đã thông báo hài cốt Liệt sĩ Bào đã được quy tập về Nghĩa trang Đông Hà. Nghe nói vợ Bào cùng người chồng kế đã đem con trai của Bào vào nhận mộ và thắp hương viếng chồng cùng liệt sĩ đồng đội ở Nghĩa trang Đông Hà.
Đêm đã khuya, tâm sự đã nhiều, không ai bảo ai, hai người im lặng và ngủ thiếp đi. Chuông báo thức hẹn giờ của điện thoại di động vang lên, chúng tôibật dậy, đánh răng rửa mặt, khoác ba lô, nhẹ nhàng bước ra khỏi nhà, quay lại bấm khóa cửa bên trong, để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người trong nhà. Ra đến điểm hẹn dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở đúng 4 giờ 30 phút, cũng là giờ “G”, lập tức điện thoại của đoàn trưởng Thu thông báo xe bắt đầu xuất phát, hãy chờ dưới chân cột đèn thứ nhất bên phải đường tính từ cầu vượt theo hướng đi về Ngã Tư Vọng.
Trời Hà Nội, đêm về sáng, mặc dù đã cuối xuân đầu hè, nhưng thời tiết vẫn còn se lạnh. Lúc này bầu trời Thủ đô cho ta cảm giác thanh bình yên ả, không khí trong lành, đường phố thông thoáng, đối nghịch hẳn với cảnh người xe đông đúc, ồn ào náo nhiệt quá mức lúc ban ngày.
Sau điểm đón cuối cùng, xe chúng tôi lao nhanh ra đường giải phóng, tới ngã ba Pháp Vân, rẽ vào đường cao tốc lướt đi trên quốc lộ 1A, bỏ lại phía sau thành phố nguy nga hiện đại, một vùng trời sáng rực đèn sao, đó là Thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị đón mừng nghìn năm tuổi.
Trời sáng rõ, đèn đường vụt tắt, đúng sáu giờ, theo lịch trình, xe ngoặt vào dãy quán đầu phố ở phía bắc thành phố Phủ Lý để ăn sáng, nơi đây có món ăn đặc sản có tiếng món “canh cá rô”, vả lại đây còn là điểm hẹn tập kết với bộ phận Hà Đông đi xe con của anh Nguyễn Thạch Lợi. Anh Thạch Lợi, một cán bộ mà cuộc đời quân ngũ, hầu hết thời gian công tác và chiến đấu đều gắn liền với Lữ đoàn, đặc biệt từ ngày nghỉ hưu, anh là tấm gương của một cựu chiến binh đầy nhiệt huyết, tận tâm kiên trì xây dựng và duy trì phong trào hội bạn chiến đấu khu vực Hà Tây cũ, luôn quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là với các gia đình và thân nhân gia đình liệt sĩ. Hiện anh là Trưởng ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Lữ đoàn 45 khu vực Hà Đông - Sơn Tây.
Với lương hưu, anh Thạch Lợi chẳng giàu có gì, song nhờ có người con trai và con rể kinh doanh thành đạt, chung nhau mua chiếc xe ô tô bảy chỗ để đi lại phục vụ kinh doanh và sinh hoạt gia đình, và hôm nay anh Thạch Lợi mượn xe của con đưa đồng đội đi thăm lại chiến trường xưa.
Từ đây xe anh Thạch Lợi đi trước dẫn đường và làm nhiệm vụ “tiền trạm”, liên lạc giữa hai xe bằng điện thoại di động, thống nhất ăn trưa và nghỉ tại chỗ là thành phố Vinh - Nghệ An. Chiếc xe con tăng ga vọt lên trước, lao vút trên đường, khuất dần trong dòng xe cộ tấp nập ra Bắc vào Nam.
12 giờ trưa xe ca mới đến thành phố Vinh, xe “tiền trạm” đến trước từ lâu, anh Thạch Lợi đặt cơm tại một nhà hàng trên đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh và liên tục điện thoại dẫn đường cho xe ca vào vị trí nhà hàng. Anh đã đón được năm đồng chí cán bộ Lữ đoàn nghỉ hưu quê ở nghệ An, hẹn đón xin được nhập đoàn tại Vinh. Xa nhau đã lâu, mỗi người một cảnh, gương mặt có già đi nhưng vẫn nhận ra ngay, ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Có đồng chí đã không cầm được nước mắt, xúc động khi được tin những đồng đội vừa mất vì bị bệnh hiểm nghèo, trong đó có người ra đi trong hoàn cảnh thiếu thốn, con cháu vướng vào tệ nạn xã hội, khó khăn, bế tắc. Đó là những đồng chí đã chiến đấu dũng cảm ngay trên quê hương mình, đã mưu trí, táo bạo tổ chức nhiều đợt hành quân cho đơn vị và xe - pháo vượt phà Bến Thủy hay ngầm Linh Cảm an toàn qua sông Lam, những trọng điểm đánh phá ác liệt, đánh phá hủy diệt của không quân Mỹ, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Miền Trung, xế chiều mặt trời như đổ lửa, vặn hết cỡ điều hòa nhiệt độ trên xe, vẫn nóng, mãi đến chiều tà, dừng nghỉ, thắp hương tưởng niệm bên tượng đài Mẹ Suốt anh hùng trên bờ sông Nhật Lệ lộng gió, bầu trời mới dịu mát. Lòng bâng khuâng nhớ lại quang cảnh một thời chiến đấu nơi đây, ngập ngừng không nỡ đi ngay, nhưng hành trình đã định, Đông Hà còn xa.
Kia rồi, sông Bến Hải đã ở phía trước, cầu Hiền Lương, bên cạnh cây cầu mới hiện đại, cây cầu cũ vẫn còn, được bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn, đó là chứng tích lịch sử tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ - ngụy, chia cắt và đánh phá dã man đối với nhân dân hai đầu Bắc - Nam vĩ tuyến 17 trong thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX. Nhìn chếch về hướng Đông, Nguyễn Hữu Học thốt lên:
- Vĩnh Linh đó ư?
- Không Vĩnh Linh thì còn đâu nữa! - Tôi nói.
- Khác gì những khu đô thị hiện đại của thành phố - Học nói - Chỉ khác là “độ cao”, không có những tòa nhà chọc trời như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và khác nữa là rất nhiều cây xanh xen lẫn mái ngói trải dài mênh mông, bức tranh “thành phố” hòa quyện “nông thôn” trông thật mát mắt, “bức tranh” gợi nhớ muốn níu giữ hình ảnh quê hương truyền thống Việt Nam.
- Ấy là ngồi trên xe, nhìn ngắm từ xa mà đã thấy như thế, chứ nếu đến được tận nơi, mới thấy được sự đổi thay nhanh chóng của Vĩnh Linh. - Tôi nói.
- Nhưng lấy gì so sánh mà nói rằng đó là sự đổi thay nhanh chóng? - Hữu Học căn vặn lại tôi.
- Thì cứ tính từ ngày đất nước thực hiện chủ trương đổi mới đến nay là hơn 20 năm, nhưng cái chính là so sánh từ cái “mốc” của Vĩnh Linh ngày ấy - Tôi nói - Ngày ấy Vĩnh Linh còn là một vùng “đất chết” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ xác định Vĩnh Linh là “tọa độ lửa”, là mục tiêu hủy diệtsố một của chúng. Trên mảnh đất thép anh hùng này hoàn toàn không còn nhà cửa, làng mạc, tất cả cuộc sống của những người dân bám trụ chiến đấu, sống chết với kẻ thù, chìm sâu dưới địa đạo hoặc “nhà hầm kèo” dưới đất... thế mà nay vùng “đất chết” ấy đã thành vùng đô thị sầm uất, cuộc sống không những đã hồi sinh mà đang phát triển, nỗ lực vươn tới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trời tối dần, xa xa về phía bờ biển Vĩnh Linh, những chiếc tàu biển đã lên đèn, ánh sáng của muôn bóng đèn trên cột ăng-ten trên tháp tàu, nhấp nháy như sao sa, soi tỏ cả thân tàu. Nhìn ra biển, chúng tôi không ai là không nhớ về những ngày bám trụ kiên cường chiến đấu trên đất lửa Vĩnh Linh vô cùng gian khổ ác liệt trong những năm sáu bảy (1967), sáu tám (1968) và bảy hai (1972). Ký ức hiện về, mọi người lại sôi nổi kể chuyện bám dân, bám đất, chuyện tình cảm sâu nặng của bà con cô bác đã từng cưu mang giúp đỡ và hiệp đồng chiến đấu, sẵn sàng “dành cơm nhường hầm” cho bộ đội. Chuyện về những trận đánh diễn ra trên vùng biển cả hai bờ Bắc và Nam sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 giới tuyến tạm thời. Lúc này Mỹ đang tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cùng với việc thiết lập vành đai trắng (hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra), chúng tập trung đánh phá hủy diệt Vĩnh Linh nhằm chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam...
Mải chuyện, quên đường dài, xe đã tới thành phố Đông Hà. Mười ngày nữa là ngày 30 tháng 4, kỷ niệm Đại thắng mùa Xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đường phố rực rỡ màu cờ đỏ, ánh sáng đèn đêm soi tỏ cả bầu trời thành phố, một Đông Hà từ đống tro tàn đổ nát sau chiến tranh, nay là một Đông Hà thành phố thanh bình - hiện đại.
Theo kế hoạch, thời gian thăm lại chiến trường xưa chỉ có bốn ngày: ngày đi, ngày về, hai ngày tham quan. Địa bàn chủ yếu là Thành cổ Quảng Trị và Đường 9 - Nam Lào, do đó nếu mỗi nơi rút ngắn được thời gian dự kiến, sẽ có thời gian tham quan được nhiều nơi khác. Ý thức được điều đó nên mọi người tự giác, động viên giúp đỡ nhau chấp hành đúng thời gian giờ giấc đã quy định, chủ động chuẩn bị đồ dùng cá nhân, bảo đảm sức khỏe, vui vẻ cùng nhau bước vào cuộc hành trình “Ngày thứ hai”.
Đúng bảy giờ, mọi người đã tập trung đông đủ trên xe. Đoàn du khách lữ hành hôm qua, hôm nay đã là đoàn cựu chiến binh Hội bạn chiến đấu Lữ đoàn 45 pháo binh, với trang phục nghiêm chỉnh, quân hiệu, quân hàm, huy chương, huân chương lấp lánh đỏ rực trên quân phục màu xanh, lễ phục màu trắng, nghiêm trang tiến vào Thành cổ, im lặng xúc động, bước chậm từng bước lên đài tưởng niệm, dâng vòng hoa, thắp hương, cúi đầu tưởng niệm hàng ngàn đồng đội anh hùng đã hy sinh chiến đấu giữ Thành năm 1972 lịch sử.
Vụt trôi nhanh, đã 38 năm (1972 - 2010), thời gian so với lịch sử chỉ là khoảnh khắc, song so với đời người quả là dài, tuy vậy nay trở lại Thành cổ, chúng tôi vẫn nhận ra không chỉ hình ảnh, vị trí, bóng dáng Cổ thành xưa, mà còn nhớ cả những vị trí có tọa độ đặc biệt được đánh dấu trên bản đồ tác chiến của chúng tôi như tòa nhà cao tầng đồ sộ của tỉnh trưởng thời Mỹ - Thiệu, dưới căn hầm của nhà này là sở chỉ huy của Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 linh hồn của Thành cổ. Đây cũng là nơi đặt đài của tổ đài quan sát pháo binh, tổ đài mang mật danh đài “Bản Đông” với những chiến sĩ cảm tử, anh dũng kiên cường, sẵn sàng hy sinh chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Nổi bật trong Thành cổ là “đài tưởng niệm”. Đài cao, nằm giữa trung tâm trên trục đường thẳng từ cửa tiền ra cửa hậu, trục đường xuyên qua cửa Vòm tầng dưới của đài, hai bên tả, hữu là cầu thang lên xuống, cầu thang bậc đá ngoài trời. Đứng trên đài, gió lộng bốn phương, có thể quan sát được toàn cảnh Cổ thành, cỏ cây một màu xanh mát dưới ánh nắng ban mai, từng hàng thông, hàng tùng tháp nhọn, thẳng tắp hai bên đường, những vạt cỏ xanh non, những hàng dừa cao bên tường thành, những cây phượng, cây bàng xanh biếc, những cây cảnh phù hợp quý hiếm được bà con nhân dân khắp nơi đến tham quan, trồng lưu niệm, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ Thành cổ.
Đài tưởng niệm được xây dựng dựa theo thuyết phong thủy của phương Đông và phong tục thờ cúng của nhân dân ta. Trên đài tưởng niệm, bên cạnh đỉnh hương lớn không ngớt khói hương, là một trụ ống hình ngọn đèn thờ, kiểu bóng đèn thông phong Hoa Kỳ cổ xưa, chỗ phình tạo ra hình hai bát úp vào nhau, tượng trưng cho bát cơm, quả trứng, ngọn đèn cao vút xuyên qua nóc tháp bốn mái, hướng lên trời. Phía dưới, trụ ống kéo dài xuyên tầng dưới xuống giếng nước tầng ngầm của đài, để nối thông Trời - Đất, để âm - dương giao hòa với nguyện ước tâm linh, cho mọi vong hồn liệt sĩ được siêu thoát.
Bên cạnh Đài tưởng niệm là Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, vẫn cô gái chiến sĩ “Quân giải phóng” người thấp đậm, đội mũ tai bèo, hướng dẫn viên kiêm thuyết minh của bảo tàng, cô giới thiệu lưu loát truyền cảm, hầu như thuộc lòng cả một “kho” tư liệu lịch sử chiến đấu của Thành cổ Quảng Trị 1972.
Chiến thắng của cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam mà đỉnh cao là chiến thắng Quảng Trị anh hùng và chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội năm 1972 làm rung động thế giới, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, đơn phương rút quân về nước, để chúng ta thực hiện thành công lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”...
Vừa tham quan, vừa nghe giới thiệu, nghe và nhìn hàng ngàn hiện vật và những con số, những tài liệu minh chứng lịch sử về Thành cổ một thời hoa lửa, lòng vô cùng xúc động. Linh hồn của kỷ vật và những con số lại đang “thức dậy” và hiện về dồn dập trong chúng tôi, những người lính pháo binh đã có mặt trong chiến dịch tiến công Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972. Hình ảnh về chiến trường Quảng Trị, về Thành cổ trước và sau cuộc chiến, một Quảng Trị, một Thành cổ, nơi phản chiếu cuộc “đụng đầu lịch sử” giữa Việt Nam và đế quốc Mỹ. Hình ảnh về những trận chiến gặp muôn vàn khó khăn ác liệt, những cảnh tàn phá đến hủy diệt của bom đạn, của pháo đài bay B-52, những đau thương mất mát, những gương chiến đấu hy sinh anh dũng, bi hùng của đồng đội... lần lượt hiện về đầy ắp trong tôi như cuốn phim dài bất tận, lấn át cả thông tin và âm thanh của hướng dẫn viên đang thuyết minh giới thiệu. Đã mấy chục năm trôi qua, lịch sử đã sang trang, chiến tranh đã lùi về dĩ vãng, nhưng với tôi thì tất cả còn mới như ngày hôm qua.
Đó là cảnh tàn phá khốc liệt của chiến tranh đối với Thành cổ và sự hy sinh, mất mát quá lớn mà chúng tôi là người “trong cuộc” phải chứng kiến. Trong chiến dịch 81 ngày đêm ở thị xã - Thành cổ Quảng Trị, hàng vạn chiến sĩ của ta đã hy sinh anh dũng, cả Thành cổ bị san bằng trở thành nghĩa trang không nấm mồ, hàng ngàn chiến sĩ nay chưa tìm được hài cốt hoặc chưa xác định được tên tuổi. Đó là hình ảnh những lần vượt sông ra vào Thành cổ, là những lần ra vào qua cửa tử. Đau đớn hơn nữa là sự kiện ngày 16 tháng 9 năm 1972, toàn bộ lực lượng bộ đội chốt giữ Thành cổ được lệnh rút về bờ Bắc sông Thạch Hãn, không may lúc này đang mùa mưa lũ lớn, cho nên hàng ngàn chiến sĩ cùng thương binh vượt sông không còn đủ sức chống chọi lại dòng lũ hung hãn chảy xiết, cả dòng sông đã thành dòng sông máu, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ anh hùng. Nghe nói hằng năm cứ đến những ngày giữa tháng 9, nước trên dòng sông Thạch Hãn bỗng nhiên đỏ ngầu, nhìn đau đến nhói tâm can. Chúng tôi về thăm Thành cổ lúc này không phải tháng 9, song ra bờ sông, thấy nhiều cựu chiến binh ưu tư, trầm lặng mang hoa thả xuống dòng sông, tưởng niệm các liệt sĩ đồng đội của mình, tôi bỗng nhớ tới câu thơ bất hủ của cựu chiến binh Thành cổ Lê Bá Dương:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Đó là hình tượng chiến đấu anh dũng kiên cường của những chiến sĩ cảm tử ở Đài quan sát “Bản Đông” trong Thành cổ Quản Trị của Đoàn “Bông Lau 2” (Bông Lau 2 - mật danh của Trung đoàn 45 pháo binh trong Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972). Khi bị địch áp sát vây chặt đã không ngần ngại hy sinh, dùng mình làm mục tiêu gọi pháo của mình, bắn tiêu diệt địch phá vây. Lấy tên Bản Đông đặt cho tổ đài quan sát là để nhớ đến trận đại thắng Bản Đông trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và chính là để bí mật, nghi binh che mắt địch.
Đài “Bản Đông” được đặt trên tòa nhà ba tầng trong thành, cách địch chưa đầy 500 mét, với nhiệm vụ là một đài toàn cảnh chỉ huy pháo hiệp đồng cùng bộ binh chiến đấu. Nơi đây, địch đánh phá ác liệt, nhưng vị trí lại vô cùng lợi thế, nên đài quan sát “Bản Đông” đã phát huy tác dụng. Đối chiếu địa hình với bản đồ và quan sát, “Bản Đông” đã gọi bắn “thử” để tìm phần tử hiệu lực cho các mục tiêu trên các hướng và đã chi viện cho bộ binh chiến đấu đánh tan nhiều cuộc phản kích của địch ở khu Tri Bưu, ngã tư Long Hưng, Tích Tường, Như Lệ, La Vang, Ái Tử, Nhan Biều, ở phía cửa Hữu, Bích La, An Tiêm, Nại Cửu v.v...
Đài “Bản Đông” không chỉ quan sát sửa bắn cho pháo mà còn tìm và phát hiện mục tiêu, gắn bó hiệp đồng chặt chẽ cùng bộ binh chiến đấu. Chỉ trong đợt một, với “mắt pháo” tinh tường “Bản Đông” đã phát hiện 23 mục tiêu, gọi bắn hơn 80 lần đạt hiệu quả cao như những lần gọi bắn vào đoạn 211 đánh tan một tiểu đoàn địch, bắn vào đoạn 220 diệt 50 tên và địch phải cáng hàng trăm cáng thương về phía sau, tạo điều kiện cho bộ binh đón đường phục kích diệt hàng trăm tên nữa. Không chỉ có đôi mắt tinh tường mà “Bản Đông” còn gọi bắn kịp thời như trận đánh phát hiện 60 xe tăng địch cụm lại cố thủ, “Bản Đông” gọi pháo bắn cháy ngay từ loạt đạn đầu, không một chiếc nào kịp phân tán, trốn chạy. Suốt những ngày chiến đấu quyết liệt giành giật lại từng tấc đất trên Thành cổ Quảng Trị, có những trận “Bản Đông” gọi bắn chi viện cho bộ binh xuất sắc như trận đánh địch tập trung hai tiểu đoàn cùng sáu xe tăng lấn chiếm đông nam Thành cổ, tiêu diệt gần hết tiểu đoàn địch cùng xe tăng của chúng. Và liên tiếp như vậy dưới mưa bom bão đạn phủ kín trên bầu trời Quảng Trị, “Bản Đông” đã gọi và sửa bắn chính xác, chi viện cho bộ binh ta tiêu diệt, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch vào Thành cổ.
Nhưng đã đến lúc bọn địch không thể không nhổ “cái gai cắm sâu trong mắt chúng”, Thành cổ Quảng Trị là mục tiêu hủy diệt thì đài “Bản Đông” là trọng điểm hủy diệt của chúng. Ngoài việc dùng bom B-52 rải thảm, pháo bầy, pháo hạm đánh phá chà đi xát lại suốt ngày đêm trên Thành cổ, chúng còn “dành riêng” cho đài “Bản Đông” loại bom chùm do máy bay T-28 thả và mỗi ngày đêm trung bình “thêm” 4.000 viên đạn đại bác, có ngày mật độ đạn đại bác chúng trút xuống hàng vạn viên. Nhưng “Bản Đông” vẫn kiên cường bám trụ: sập tầng ba xuống tầng hai, sập tầng hai xuống tầng một, sập tầng một xuống tầng hầm âm. Thấy dùng hỏa lực không thể tiêu diệt được mục tiêu, địch lập kế hoạch dùng bộ binh đổ quân bao vây tiến công nhằm tiêu diệt bằng được tổ đài quan sát lợi hại này. Cuộc chiến đấu ác liệt càng khó khăn ác liệt hơn. Vừa quan sát sửa bắn chi viện cho bộ binh chiến đấu, vừa tự chiến đấu bảo vệ mình mỗi khi địch tiến công chiếm đài. Một đêm, đài trưởng Lê Ngọc Phượng tranh thủ hội ý tổ Đảng và quán triệt cùng anh em trong tổ đài nhất trí với quyết tâm “bộ binh còn, tổ đài còn, Thành còn” và nếu tình huống xấu nhất sẽ dùng phương án cuối cùng: “Tử thủ với địch!”.
Biết tổ đài ít người, ngoài việc dùng hỏa lực không hạn chế, địch dùng lực lượng từ đại đội đến tiểu đoàn liên tục tiến công đánh chiếm, nhưng đều bị tổ đài gọi pháo và bộ binh ta đánh từ vòng ngoài, bên trong tổ đài cũng tổ chức đánh ra, phá tan nhiều đợt tiến công của chúng. Có trận chúng bị thương vong hàng trăm tên. Binh lính địch hoảng hốt trước tổn thất nặng nề, quân số bổ sung không kịp, nhiều tên đã chán nản, khiếp sợ rủ nhau đào ngũ khi phải nhận lệnh tiến công vào đài. Ngược lại, tổ đài “Bản Đông” đã bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu. Đài trưởng Lê Ngọc Phượng chỉ huy mưu trí tài giỏi, đài phó Hùng Sơn có đôi mắt tinh tường, dự đoán không sai những âm mưu thủ đoạn của địch để đối phó, đã nhiều lần bị thương vẫn nén chịu, giấu đau để anh em yên tâm chiến đấu, vẫn lo toan nhiệm vụ đến cùng. Trinh sát viên Hưởng, các điện thanh viên Tấn, Tuy, Mùa trực máy liên tục ngày đêm, không sợ hy sinh, nối dây ăng-ten, sửa đài, giữ vững liên lạc, gọi bắn kịp thời trong mọi tình huống. Y tá Hồng xông pha trong lửa đạn vừa cứu chữa thương binh vừa tham gia chiến đấu. Những trận đánh không cân sức kéo dài giữa ta và địch. Tổ đài bị vây giữa “lòng địch”, lại xa hậu phương đơn vị, lương thực cạn dần, vũ khí đạn dược phải đổi bằng xương máu mới lấy được trong từng trận đánh. Tiếp tế vận chuyển khó khăn. Những thanh lương khô, những nắm cơm lên đài nhiều lần đã thấm máu đồng đội với đoạn đường chưa đầy 100 mét ấy.
Một ngày giữa tháng 9 năm 1972, địch sử dụng cả một trung đoàn áp sát, vây chặt tổ đài trong tòa nhà đổ nát. Qua máy điện thanh, đài trưởng báo cáo về Tư lệnh Pháo binh Mặt trận và thủ trưởng trung đoàn xin được thực hiện phương án: Nếu địch chiếm đài, khi chúng vào được đến sát chân đài (chân tường) thì cho tập trung hỏa lực, tập trung pháo bắn tiêu diệt vào tọa độ “đài” cho dù tổ đài có phải hy sinh. Tình huống thì đã dự tính, nhưng “yêu cầu” bất ngờ này buộc Tư lệnh Pháo binh và thủ trưởng trung đoàn phải cân nhắc, tính toán hết sức khó khăn trước khi đi đến một quyết định. Lệnh đến các chỉ huy sở, các trận địa: “Chuẩn bị chiến đấu - chờ lệnh”. Một cuộc trao đổi “gay gắt” giữa chỉ huy trận địa và đài trưởng, hai người bạn thân đồng hương:
- Ông Phượng, ông có “điên” không đấy, sao lại gọi bắn lên đầu mình?
- Không điên với khùng gì cả, khẩn cấp, địch đã cách đài 150 mét, chú ý, chuẩn bị tọa độ mục tiêu... thước tầm... độ hướng... bắn cấp tập đấy!
- Không được, ông Phượng, anh em pháo thủ phản đối, anh em... anh em không thể...!
- Mình hiểu, chúng tôi đã thống nhất thà chết chứ không để địch bắt, không để địch thoát.
Cùng lúc lệnh của Bộ Tham mưu Mặt trận đến các trận địa: “Chuẩn bị pháo, đạn, sẵn sàng chờ lệnh”.
Tất cả hồi hộp chờ đợi, bỗng từ hầm chỉ huy pháo binh Mặt trận và sở chỉ huy trung đoàn lại vang lên tiếng nói quả quyết của đài trưởng xen lẫn những âm thanh gầm rít của pháo kích, của bom giội, rung chuyển dưới chân từ trên đài vọng về báo cáo: “Tổ đài đã sẵn sàng, bộ phận phía trước của địch đã cách đài 100 mét, 80 mét, 50 mét...”.
Chuông điện thoại reo liên tiếp, các sở chỉ huy, các trận địa và đài quan sát nhận lệnh: “Tính toán phần tử chính xác, kết hợp với “Bản Đông” hiệu chỉnh bắn, bắn từ ngoài bắn vào, cách tâm đài từ 200 mét, sâu nhất cách tâm đài không quá 50 mét”.
Vừa dứt lệnh, vùng trời Thành cổ Quảng Trị rung chuyển, những trái pháo đen trũi lao vút trên không trung, bay về phía Thành cổ. Vòng vây của địch như chiếc thọng lòng chưa kịp thu nhỏ đã bị chặt ra từng khúc.
- “Bản Đông” báo cáo: “Kết quả bắn, xác định phần tử hiệu lực, chú ý giữ “độ” an toàn cho “đài”. - Chỉ huy sở trung đoàn truyền lệnh của Tư lệnh Pháo binh đang nóng lòng giục “Bản Đông” báo cáo.
- Hoan hô trận địa, trận địa bắn tốt, trận địa K2 thước tầm tăng 1. Bắn gấp! - “Bản Đông” trả lời.
Anh em pháo thủ nạp đạn mà sống mũi cay xè, tim như muốn thắt lại, cố cầm nước mắt khỏi trào ra vì chỉ sợ đạn “lạc” rơi vào tổ đài. Những chớp lửa và tiếng nổ liên hồi từ trận địa pháo ta lại ầm ầm rung chuyển tạo nên cơn bão lửa vây quanh tọa độ đài. Địch rối loạn, hoảng hốt đua nhau lao vội xuống các hố bom, hố đạn, có những quả đạn rơi trúng hố, xác địch bị xé tơi tả, bắn tung lên cao. Không chịu được cảnh khủng khiếp ấy, bọn còn lại bỏ cả vũ khí và xác đồng bọn rút chạy. Khi hoàn hồn, sau khi củng cố, bổ sung quân số, bọn chỉ huy lại thúc ép binh lính tiến công. Nhưng lần nào cũng vậy, bị thương vong nặng nề, lần sau không tiến sâu hơn được bằng lần trước, lần sau thất bại thảm hại hơn lần trước. Đặc biệt chúng càng hoang mang, khiếp sợ khi biết tổ đài “Việt Cộng” sẵn sàng hy sinh gọi pháo bắn ngay vào tọa độ đài để tiêu diệt chúng, nếu chúng liều lĩnh chiếm đài. Có lẽ vì vậy mà chúng đành phải từ bỏ ý định “bắt sống tổ đài Việt Cộng” và quay lại tăng cường bao vây, đánh phá bằng hỏa lực, phi pháo với mức độ dữ dội ác liệt hơn, với cả vũ khí hóa học dã man để hủy diệt sự sống nơi đây.
Đêm ấy, sau khi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, nhận lệnh di chuyển, được bộ binh hiệp đồng giúp đỡ, tổ đài “Bản Đông” đã đưa liệt sĩ, thương binh cùng toàn tổ đài vượt sông Thạch Hãn về bờ Bắc an toàn trong sự đón tiếp xúc động đến trào rơi nước mắt của anh em pháo thủ trận địa, của thủ trưởng chỉ huy các cấp, của anh em đồng đội bộ binh, công binh, đặc công đã cùng chia lửa trong những ngày chiến đấu ác liệt trên Thành cổ Quảng Trị.
Tổ đài “Bản Đông” được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Phần thưởng ấy không chỉ là ghi nhận chiến công mà còn là ghi nhận một tấm gương: vì độc lập tự do, vì hạnh phúccủa nhân dân, những cảm tử quân ở tổ đài “Bản Đông” đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Đó là cảnh cơ động xe pháo, di chuyển trận địa, dưới ánh pháo sáng đèn dù với mưa bom bão đạn của địch đánh phá trên địa hình rừng núi hiểm trở suốt vòng cánh cung miền Tây Quảng Trị, từ ngầm Cam Lộ, ngã ba đường 9, vượt đèo Cùa vào Mai Lộc, Trung Chỉ, lên Ba Gơ, làng Nút, vượt ngầm Thịnh Tất, thọc sâu vào Ba Đa, Trường Phước, bên ngầm Mỹ Chánh trên đất Thừa Thiên - Huế, để chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu, chặn địch “tái chiếm Quảng Trị”, phản kích chiếm lại Thành cổ.
Đó là hình ảnh về những trận chiến đấu cực kỳ gay go, khốc liệt, những trận đánh không cân sức giữa lực lượng pháo cao xạ đánh lẻ (pháo cao xạ bảo vệ pháo đất) với không quân địch trên trọng điểm giữa chiến trường. Và đó còn là những ngày bám trụ kiên cường vô cùng gian khổ ác liệt suốt mùa mưa năm 1972 trên các trận địa, thiếu gạo, thiếu đạn và thiếu thuốc để cứu chữa cho thương binh, cho đồng đội.
Rời Thành cổ, trước khi lên Nghĩa trang Đường 9, chúng tôi quay lại, ngoặt xuống biển thăm cảng Cửa Việt, thăm lại một trận đánh lớn, trận đánh giáp tết năm Quý Sửu 1973. Đó là khi Hiệp định Pa-ri còn chưa ráo mực, Mỹ - ngụy đã thực hiện âm mưu “Tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng. Ngày 27 tháng 1 năm 1973 (ngày 23 Tết), lợi dụng đêm tối và tiếng ầm ào của sóng biển, chúng dùng tàu hải quân chở lữ đoàn 147 lính thủy đành bộ cùng lữ đoàn thiết giáp trang bị hơn 200 xe chiếm cảng Cửa Việt và triển khai thành một căn cứ quân sự hoàn chỉnh tại đây.
Không để thành tiền lệ, ngay từ đầu, phải kiên quyết chặn đứng âm mưu thâm hiểm của địch, chúng ta tập trung lực lượng mạnh, tổ chức các đơn vị binh chủng hợp thành, nhanh chóng tiêu diệt quân lấn chiếm, lấy lại Cửa Việt.
Mặc cho máy bay địch bắn phá ác liệt, hỏa lực pháo binh ta gồm tên lửa B-72, pháo mặt đất, pháo cao xạ, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với sư đoàn bộ binh 320, dùng hỏa lực mạnh, áp đảo, kết hợp với tiến công bao vây chia cắt, dồn xe tăng và bộ binh địch vào “điểm chết” để tiêu diệt (xe tăng chỉ có thể chạy ở mép nước, không thể lội nước chạy ra biển). Hỏa lực trút bão lửa, xe tăng T54 của ta dẫn đầu bộ binh thọc sâu từ nhiều hướng, dồn quân địch vào một khu để bắt sống. Kết quả, chiến đoàn đặc nhiệm của Mỹ - ngụy đã bị tiêu diệt, ta bắt sống 13 xe tăng, hơn 300 binh lính địch, gần 200 xe tăng địch bị bắn cháy, toàn bộ sĩ quan binh lính địch không chạy thoát một tên.
Chiến thắng Cửa Việt đã kết thúc thắng lợi giòn giã và oanh liệt cuộc tiến công chiến lược 1972 trên chiến trường Quảng Trị rực lửa anh hùng. Chiến thắng Quảng Trị 1972 đã đi vào lịch sử dân tộc, có ý nghĩa quyết định đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Ngược Đường 9, chúng tôi lên Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, vào nghĩa trang dưới ánh nắng chói chang, nhìn vút tầm mắt ra bốn phía, tôi vẫn không tìm thấy địa giới nghĩa trang, chỉ thấy hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ trắng xóa, nhô lên những cột bia mộ đứng ngang, dọc thẳng tắp, như đoàn quân đứng lặng trong thinh không sẵn sàng “đón đợi” nhân dân, người thân và đồng đội đến thăm viếng thắp hương tưởng niệm sau bao năm âm dương cách biệt.
Nghĩa trang được phân chia thành từng khu và cố gắng sắp xếp phần mộ liệt sĩ riêng cho từng tỉnh, thành phố trong cả nước, như vậy rất thuận lợi cho gia đình, thân nhân gia đình liệt sĩ hoặc cơ quan, đơn vị, đồng đội mỗi khi đến viếng thăm hoặc đi tìm phần mộ liệt sĩ.
Dù rất muốn, nhưng không thể thắp hương hết từng mộ, chúng tôi dâng hoa và thắp hương trên đài tưởng niệm từng khu, sau đó chia nhau đi tìm phần mộ liệt sĩ của đơn vị hy sinh trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, đã được cất bốc quy tập vào nghĩa trang này.
Dùng dằng, giây phút linh thiêng, hình ảnh gương mặt đồng đội liệt sĩ năm xưa hiện lên trước mắt, thắp tiếp nén hương xin các liệt sĩ yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng, cho quê hương đất nước trường tồn.
Ra khỏi nghĩa trang, mặt trời đã đứng bóng, chạy cố ra thị trấn Cam Lộ ăn trưa, rồi tiếp tục hành trình đã định. Được bà con thị trấn Cam Lộ cho biết đèo Cùa sang Mai Lộc, bây giờ cỏ cây mọc um tùm, trùm kín lối đi, bom mìn còn nhiều lắm, lại chưa được rà phá, có biển cấm “khu vực nguy hiểm”, thế là đành bỏ ý định vào thăm lại trận địa đèo Cùa, Mai Lộc.
Xe bon bon ngược Đường 9, dưới nắng chiều, con đường nhựa phẳng lỳ, tuy đôi chỗ có vết đạn bom, nhưng đã được hàn vá lại như cũ. Đường 9 do người Pháp làm từ đầu thế kỷ trước, nay vẫn vững chắc, một bên đường bám vào đồi núi, một bên là vực sâu xuống dòng sông chảy song song từ Lào qua Hướng Hóa xuôi về Cam Lộ - Đông Hà. Càng lên gần biên giới, con đường càng uốn lượn lên dốc xuống đèo liên tục trải gần trăm cây số cho đến cửa khẩu Lao Bảo nối liền hai nước Việt - Lào.
Thiếu tướng Lê Xuân Thu cho xe chạy đều đều với tốc độ trung bình, có lẽ ông muốn đảm bảo an toàn và chính là để quan sát quang cảnh Đường 9, sự thay đổi của con đường chiến lược, thông thương từ nước bạn Lào ra cảng biển miền Trung Việt Nam. Đúng 40 năm về trước, chúng ta đã đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ - ngụy trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào. Ngày ấy, nơi đây rừng rú âm u, tầm nhìn che khuất, chúng tôi cất giấu kho tàng, xe pháo, cận kề với địch mà vẫn giữ được bí mật an toàn, còn bây giờ đi trên xe chạy, không cần ống nhòm, vẫn nhìn thấy từ xa hai bên đường những dãy đồi trọc, rừng thưa xa tít tắp, hai bờ sông chạy song song với đường không một bóng cây rủ xuống nước, từng đàn em nhỏ đen trũi ngụp lặn dưới nắng chói chang, có lẽ rừng núi nơi đây đã bị con người khai thác đến cạn kiệt, cho mưu sinh cuộc sống. Bù lại, so với ngày chiến tranh, Đường 9 đã có những thay đổi lớn: Đó là đi trên Đường 9 hôm nay, ta liên tiếp gặp ngã ba, ngã tư, mọc lên những thị trấn, thị tứ khá đông vui, sầm uất, nổi bật là những thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Lao Bảo..., cư dân các nơi tụ về đông đúc, người Kinh, người các dân tộc anh em miền Tây Quảng Trị, số ít người Lào, người Hoa và không ít du khách quốc tế tạm trú theo các tour tham quan du lịch. Nhà cửa, đường phố, công sở, nhà hàng, khách sạn, bưu điện, ngân hàng quy mô không thua kém gì các đô thị hiện đại dưới thành phố miền xuôi. Đó là dòng xe cộ, mô tô xe máy, xe khách, xe ca, xe tải các loại nhộn nhịp qua lại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, ầm ầm ngược xuôi suốt ngay đêm rung chuyển Đường 9, giao lưu, buôn bán, hội nhập phát triển kinh tế, song cũng kéo theo những hệ lụy buôn bán hàng lậu, hàng cấm, ma túy, tội phạm và không ít những tiêu cực khác.
Trước khi vào thị trấn Khe Sanh, chúng tôi rẽ vào thăm lại Làng Vây và “tượng đài Xe tăng” trước Làng Vây. Bệ tượng đài được xây dựng kiên cố trên đồi cao, bên trên là chiếc xe tăng đầu tiên của quân đội ta đã vượt sông Bến Hải, vượt “hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra” vào chiến trường miền Nam, lập nên chiến công hiển hách. Di tích xe tăng để ngoài trời, hướng qua đường nhìn sang thung lũng Làng Vây, một cứ điểm của Mỹ - ngụy ngày ấy bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Sau chiến dịch, Làng Vây như bị “xóa sổ”, nay trước mắt chúng tôi màu xanh cuộc sống trỗi dậy, đã xóa hết màu đỏ, màu máu, cho ta cảm giác nơi đây chưa hề có chiến tranh.
Vào thị trấn Khe Sanh, lên Hướng Hóa, đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chúng tôi không phải làm thủ tục xuất cảnh, bởi cửa khẩu hai bên Việt - Lào đều đã được thông báo, đoàn chúng tôi là những cựu chiến binh đi thăm lại chiến trường xưa, đơn vị đã góp phần với trận đại thắng Bản Đông trên đất bạn Lào. Xe đến, ba-ri-e cất cao, xe chúng tôi lăn bánh trên đất bạn, hướng tới Bản Đông. Nhưng mùa này trời mau tối, thời gian không cho phép, nên giữa chừng chúng tôi đành quay lại. Trên đường về “cưỡi ngựa xem hoa”, ngắm phong cảnh, cuộc sống sinh hoạt của bà con nước bạn Lào ở hai bên đường hơn chục cây số. Về Cửa khẩu Lao Bảo, dừng nghỉ, tranh thủ tham quan Trung tâm thương mại Lao Bảo (chợ Lao Bảo cũ), mua sắm những gì cần thiết, đồng thời điện báo về khách sạn Khe Sanh đăng ký ăn tối và nghỉ lại.
Đêm đầu hè, trên thị trấn Khe Sanh mát mẻ, ánh điện tỏa sáng một vùng rừng núi trên cao, đứng trên ban công tầng hai khách sạn, nhìn về phía Tây Nam, dưới ánh trăng trung tuần giữa tháng, trước mắt là thung lũng Khe Sanh, một cụm cứ điểm của địch mà hiện nay trong nghiên cứu lịch sử chiến tranh còn có ý kiến khác nhau. Trong chiến dịch tiến công Hè - Thu 1967, “Cụm cứ điểm Khe Sanh” của quân Mỹ là một mặt trận của chiến dịch hay là cái “bẫy” của Mỹ (như tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp), hay là ta chủ trương “nghi binh” chiến dịch có ý nghĩa chiến lược (để bí mật cho Tết Mậu Thân 1968, ta tổng tiến công trong các thành phố, đô thị miền Nam và Sài Gòn). Dù thế nào, đó là công việc của nghiên cứu, còn thực tiễn đã chứng minh rằng: chiến thắng Khe Sanh đã đánh bại một bước ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, chúng ta dám đánh, biết đánh và có khả năng đánh thắng Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn ra xa hướng lên phía đỉnh Trường Sơn, theo tay anh Lê Tiến Thoại đang chỉ, dưới ánh trăng mờ, từng dãy núi nhấp nhô lượn sóng dọc theo đường Trường Sơn huyền thoại, trong đó nhô lên một ngọn cao nhất, ngọn Một ngàn (1.000 mét).
Anh Thoại nói:
- Theo trinh sát đo đạc đúng ra là một ngàn lẻ bảy (1.007 mét). Ngày ấy Trung đoàn 45, lần đầu tiên vào Nam chiến đấu đánh Mỹ, tham gia chiến dịch Hè - Thu 1967 và Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tạm “cất” pháo xe kéo, dùng pháo hỏa tiễn ĐKB mang vác vào chiến trường “luồn sâu đánh hiểm”, “bám thắt lưng địch” mà đánh. - Anh Thoại kể - Vì vậy ngoài trang bị đi chiến trường như lính bộ binh, người lính pháo binh còn phải khiêng pháo, vác đạn, khí tài chuyên dụng, hành quân đường dài trên đường mòn Trường Sơn, vô cùng gian lao, muôn vàn khó khăn vất vả. Hôm ấy hành quân cuối ngày đã thấm mệt, lại phải vượt qua đỉnh Một ngàn, nhưng mọi người đều quyết tâm động viên, giúp dìu nhau vượt qua đèo. Tôi xúc động, tức cảnh, xuất luôn mấy câu thơ:
Vác pháo băng qua đỉnh Một ngàn
Quân đi dậy đất tiếng cười vang
Vén mây lau vạt mồ hôi trán
Đo thử mặt trời cách mấy gang.
Lê Tiến Thoại - người cán bộ chính sách của Trung đoàn, có mặt trong đoàn quân ngày ấy. Bốn câu thơ vang tiếng một thời của anh đã được đăng tải trên một số báo và đã thành câu ca đến nay không ít chiến sĩ pháo binh đều thuộc. Bốn câu thơ rung cảm lòng người, tràn đầy ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ - Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngày về, chúng tôi không hoàn toàn đi trở lại theo đường vào quốc lộ 1A. Từ thị trấn Khe Sanh, xuôi Đường 9 xuống ngã ba đường 15 (đường Hồ Chí Minh) rẽ ngược ra Bắc về tham quan động Phong Nha - Kẻ Bàng, thăm lại bến phà Xuân Sơn trên sông Gianh, Quảng Bình. Thực ra, ngày chiến tranh ở phía tây Quảng Bình, bộ đội Trường Sơn 559 đã mở nhiều con đường huyết mạch từ Bắc vào để đảm bảo vận tải thông suốt cho chiến trường: Đường 15 qua Thạch Bàn vào Làng Ho rồi đi tiếp; đường 10 qua phía đập Cẩm Ly, leo lên đỉnh cao xanh của Trường Sơn, đông nắng tây mưa ấy; và Đường 20 - Đường Quyết thắng, con đường mà thanh niên xung phong có nhiệm vụ bảo đảm thông suốt, an toàn, hằng năm phải chịu hàng trăm quả bom mỗi người, nhưng họ vẫn kiên cường bám trụ. Con đường huyền thoại ấy bắt nguồn từ phía phà Xuân Sơn.
Đường 15, đường Hồ Chí Minh ngày xưa nay là đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa trải nhựa phẳng lỳ, chỉ hơn ba tiếng đồng hồ, từ ngã ba Đường 9 chúng tôi đã có mặt tại bờ Nam bến phà Xuân Sơn. Không khỏi ngỡ ngàng khi xe dừng lại trước một thị trấn có không ít khách sạn, nhà hàng đang đua nhau niềm nở chào mời du khách, có khu phố chợ trên sông, tuy không rộng lớn, đông đúc như chợ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nhưng cũng đầy đủ, không kém các chủng loại mặt hàng đa dạng của trong nước và quốc tế. Đặc biệt nơi đây có vị trí đắc địa “trên bến dưới thuyền”, hằng ngày không dồn dập, sôi động nhưng liên tục đều đều các đoàn khách tham quan, du lịch từ thập phương đổ về, với đủ các sắc phục, các thành phần, già trẻ, Kinh, dân tộc từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ ra, miền Bắc vào, xen kẽ là các đoàn quốc tế bạn Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Nhật Bản...
Tận dụng cả ít phút nghỉ trưa, tôi và Nguyễn Hữu Học xuống bến phà chụp ảnh kỷ niệm và để được ngắm lại, nhớ lại những ngày đưa xe pháo vượt phà Xuân Sơn, một trong những bến phà trọng điểm, địch đánh phá ác liệt nhất trong chiến tranh. Cách mép nước bờ Nam chừng 50 mét, một bia tưởng niệm dựng sát đường lên xuống bến phà. Bia đá lớn khắc chữ: “Di tích lịch sử - Bến phà bị đánh phá ác liệt nhất từ năm 1965 - 1975 - xã Sơn Trạch”. Nhân dân và du khách qua lại thắp hương và dựng những bó hoa trên bệ dưới chân bia để tưởng nhớ những chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong, những người đã anh dũng hy sinh, đảm bảo cho bến phà không bao giờ “chết” trước sức mạnh bom đạn tàn bạo của kẻ thù.
Đứng ở bia tưởng niệm “Di tích lịch sử Bến phà” nhìn sang bờ Bắc rất gần bởi dòng sông hẹp. Khung cảnh, địa hình núi non và con đường đất đỏ khuất trong hẻm núi, chỉ ló ra đoạn dốc chạy quanh núi đá cao dựng đứng sát chân bến phà, tất cả vẫn còn nguyên vẹn như ngày trước, chỉ khác là thời gian đã xóa đi dấu vết tàn phá của chiến tranh, không còn cảnh hố bom chồng chất hố bom, bến phà biến dạng, núi đá cao bị bạt thấp, đất đá, cây cối đổ xuống đường chặn lấp bến phà. Thay vào đó, quy luật tự nhiên của tạo hóa đã trả lại cho bến phà Xuân Sơn một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, bức tranh sơn - thủy độc đáo riêng biệt: Trên dòng sông Son xanh biếc, êm đềm phẳng lặng, soi bóng hình lung linh ngọn núi đá phủ cây xanh, con đường đất đỏ và những ngôi nhà mới thấp thoáng trên bờ sông, dưới chân rặng núi xanh non (Xuân Sơn) trùng điệp, những áng mây trắng bồng bềnh trên nền trời trong xanh, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, khó có họa sĩ thiên tài nào sáng tạo hơn.
Có lẽ vì đường Hồ Chí Minh hôm nay đi rẽ theo nhánh khác, hoặc vì để bảo tồn, giữ nguyên di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn nên đến nay bến phà này vẫn chưa có cầu như cầu sông Gianh dưới đường 1, và cũng chẳng thấy có phà, và đường 15 từ bờ Bắc ra Choóc, ra đèo Đá Đẽo, ra khe Tang, khe Dinh... chắc cũng chưa được trải nhựa. Nói đến cung đường ác liệt này, người lính pháo binh chúng tôi không bao giờ quên. Ngày chiến tranh, từ Bắc hành quân vào chiến trường theo đường 15 đến Can Lộc - Hà Tĩnh, vượt qua ngã ba Đồng Lộc, cánh lính vận tải bằng xe cơ giới, nhất là xe có “đuôi”: xe rơ-moóc, xe kéo tên lửa, xe kéo pháo... đều phải dừng lại, chuẩn bị, kiểm tra thật kỹ lưỡng, chắc chắn từng con ốc, móc kéo pháo, động cơ máy nổ, lượng xăng dầu, trước khi vượt khe Dinh, khe Tang, vượt trọng điểm hơn 10 cây số trên đèo Đá Đẽo xuống phà Xuân Sơn, nếu không chỉ cần xe bỏ máy, bò chậm hoặc hỏng hóc dừng lại giữa đèo là lập tức “dính” đạn bom bốc cháy! Cung đường này địch đánh phá ác liệt đến mức mỗi lần đi qua, người lính pháo đều cảm nhận sâu sắc câu thơ ghi trong nhật ký của một chiến sĩ pháo binh:
Đây khe Dinh những dốc cùng đèo
Những “cua”, cua gấp dốc cheo leo
Gian lao chi bằng người lính pháo
Suốt đêm thức trắng mắt trong veo
...
Khe Tang mỗi mét một hố bom
Cỏ cây hoa lá tưởng chẳng còn
Ngờ đâu trên đường gian khổ ấy
Pháo xe ra trận ngày đông hơn.
Đặc biệt chặng đường đèo Đá Đẽo dài hơn 10 ki-lô-mét và bến phà Xuân Sơn, không quân địch thay nhau đánh phá ngăn chặn liên tục ngày đêm 24/24 giờ (đèo Đá Đẽo còn được ví như đèo Lũng Lô của Điện Biên Phủ). Khác với kháng chiến chống thực dân Pháp “Địch đánh ta dừng, địch ngừng ta đi”, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, địch ỷ thế giàu mạnh về không quân và bom đạn, chúng đánh phá liên tục không ngừng suốt ngày đêm nhất là những nơi chúng xác định là trọng điểm hủy diệt. Vì vậy để chiến thắng kẻ thù chúng ta chỉ có thể “Địch đánh cứ đánh, ta đi cứ đi”, kết hợp với lực lượng cao xạ, phòng không đánh trả và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ những công việc cụ thể, mưu trí sáng tạo để vượt qua trọng điểm, đem lại xác suất an toàn ngày càng cao với tỷ lệ 80 - 90 phần trăm cho chiến trường đã là thắng lợi lớn.
Thế là ngày về, chặng đường Hà Tĩnh - Hà Nội chỉ dài hơn một nửa chặng đường ngày vào. Tận dụng thời gian hiếm có này, chúng tôi quyết định lên Ngã ba Đồng Lộc thắp hương tưởng niệm các nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong trước khi về Hà Nội. Từ biển “Thiên Cầm” lên đường 1, ra qua thành phố Hà Tĩnh khoảng 3 ki-lô-mét, rẽ ngược lên Ngã ba Đồng Lộc. Di tích lịch sử “Ngã ba Đồng Lộc”, địa danh Đồng Lộc, với gương hy sinh oanh liệt của 10 anh hùng liệt sĩ nữ thanh niên xung phong đã thành huyền thoại của lịch sử dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở thế kỷ XX.
Ai đã từng một lần qua ngã ba Đồng Lộc trong thời đạn bom, nay trở lại trước quang cảnh địa hình đồi núi, rừng cây, con đường “Ngã ba tọa độ” (Ngã ba Đồng Lộc) những hố bom, những quả rốc-két xòe cánh, những bom tấn, bom đào chưa nổ..., tất cả được bảo tồn gần như nguyên sơ, bên cạnh 10 “cô gái Sông La” anh hùng được quy tập xây thành lăng mộ tại chính vị trí họ đã hy sinh. Cùng với nhà Bảo tàng, nhà Bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc, các công trình tượng đài tưởng niệm được xây dựng độc đáo, uy nghiêm là chứng tích lịch sử vĩnh hằng để lại cho hậu thế mãi mãi không bao giờ quên sự hy sinh lớn lao của lớp lớp tiền bối, cái giá phải trả cho độc lập, tự do, cho cuộc sống hạnh phúc, cho phát triển và trường tồn của dân tộc, của đất nước hôm nay.
Dùng dằng, lưu luyến mãi nhưng rồi cũng phải ra về, hơn 12 giờ trưa chúng tôi mới tới thành phố Vinh ăn cơm và 8 giờ tối khi thành phố đã lên đèn, Hà Nội rực rỡ cờ hoa, trang trí lộng lẫy chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi mới về đúng vị trí xuất phát: Cổng Bộ Tư lệnh Pháo binh an toàn, phấn khởi.
Bốn ngày “thăm lại chiến trường xưa” cho dù kế hoạch dự tính khá chặt chẽ, tận dụng thời gian linh hoạt hết mức, cuộc hành trình Bắc - Nam, Đông - Tây, lên rừng xuống biển, vượt cả biên giới, đường trường đi về, tham quan... tính ra cũng gần bằng chiều dài đất nước, thế nhưng cũng không thể đến hết được các địa điểm, địa danh như đề nghị mong muốn của các thành viên trong đoàn. Có lẽ cũng đúng thôi và điều đó trong thực tế khó có thể thực hiện được bởi nghịch lý giữa thời gian và mong muốn. Tuy nhiên, hành trình tham quan, thăm lại chiến trường xưa của chúng tôi gặp nhiều thuận lợi, kết quả vượt yêu cầu so với kế hoạch dự định. Chúng tôi đã được thăm lại Đông Hà, Cửa Việt, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9, hành trình suốt dọc Đường 9, con đường cắt ngang đất nước, đến Cam Lộ, lên Khe Sanh, Làng Vây, lên Hướng Hóa, Lao Bảo, qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang Lào, trở về bến phà Xuân Sơn và Ngã ba Đồng Lộc. Mục tiêu, thời gian dành ưu tiên và tập trung cho thăm Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Đường 9, bởi đó là địa chỉ và mục đích chủ yếu của chuyến viếng thăm, là chiến trường mà đơn vị chúng tôi được tham gia trực tiếp chiến đấu suốt năm 1972 lịch sử, năm có thời điểm chiến lược đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Quảng Trị - 1972, Thành cổ Quảng Trị - 1972,đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại. Lịch sử đã chọn Quảng Trị, mảnh đất thiêng liêng khúc ruột miền Trung, gánh chịu sự hy sinh phần lớn cho Tổ quốc trường tồn, cho đất nước thoát khỏi “trở về thời kỳ đồ đá”, thoát khỏi nanh vuốt cực kỳ hiểm nguy của tên sen đầm quốc tế thế kỷ XX, giữa một thế giới đầy biến động, phức tạp. Quảng Trị - 1972 và Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không” - 1972 đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Mỹ “ra đi” tất ngụy phải “nhào”, nhưng phải hơn hai năm sau, cuộc trường chinh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta mới tới đích.
Quảng Trị anh hùng đã cùng dân tộc, đất nước kiên trung, bền bỉ chiến đấu và đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược quy mô nhất, ác liệt nhất, dài nhất trong lịch sử, do một nước đế quốc giàu mạnh nhất trái đất gây ra.
Chiến tranh đi liền với hy sinh, tổn thất, Quảng Trị - Thành cổ Quảng Trị gánh chịu sự hy sinh to lớn, song nghĩ cho cùng, có sự hy sinh ấy mới có Hiệp nghị Pa-ri, mới có Đại thắng mùa Xuân 1975..., mới có hoa Xuân “đổi mới” trên non sông gấm vóc của chúng ta hôm nay.