Những ngày diễn ra sự kiện lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” ở Thủ đô Hà Nội tháng 12 năm 1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45 pháo binh chúng tôi đang tham gia chiến đấu ở thị xã - Thành cổ Quảng Trị.
Được tin đế quốc Mỹ dùng máy bay B-52 thực hiện cuộc tập kích đường không chiến lược đánh phá hủy diệt Hà Nội, chúng tôi thực sự lo lắng, ngày đêm hướng về Thủ đô, mong tin chiến sự, sục sôi căm thù khi nghe tin chúng đánh phá ác liệt từ ngoại thành đến trung tâm Hà Nội, pháo đài bay B-52 ném bom rải thảm tàn phá thảm khốc phố Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai… Quan sát bầu trời Quảng Trị trong những ngày này, “Pháo đài bay” B-52 thưa hẳn, ban đêm hầu như vắng bóng, và cũng phán đoán được rằng, chúng phải tập trung B-52 đánh Hà Nội, dùng con át chủ bài cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, trận quyết định thắng bại của cuộc chiến tranh.
Một “phản ứng” tự nhiên của người lính chiến, chúng tôi đều có chung suy nghĩ: Phải đánh “chia lửa” cùng Hà Nội, “chia lửa” cùng quân và dân miền Bắc, phải trả thù. Nhưng không phải chờ đợi, chúng tôi nhận được mệnh lệnh khẩn cấp: “Để phối hợp với Mặt trận Hà Nội, Ban Tham mưu Trung đoàn đã có kế hoạch tác chiến…, riêng Đại đội 1 tổ chức lực lượng, chuẩn bị kế hoạch, khôi phục kỳ được khẩu pháo K1 trong ngày ngừng bắn nhân dịp lễ Nô-en, để tăng đầu pháo chiến đấu”.
Số là khẩu trọng pháo tầm xa 130 ly nòng dài của Đại đội 1 chúng tôi đã bám trụ chiến đấu từ đầu chiến dịch đến giờ, tại trận địa Ba Gơ, nơi mà địch xác định là mục tiêu số 1 chúng phải huỷ diệt. Trong một trận đánh kéo dài chi viện cho Bộ binh bảo vệ Thành cổ, số lượng đạn bắn quá nhiều, lại bị trúng đạn phản pháo của địch, làm cho bộ phận hãm lùi bị hỏng.
Hình ảnh trận địa pháo lúc này so với ngày đầu chiến dịch đã biến dạng hoàn toàn, một bãi hố bom chồng hố bom quanh trận địa pháo rộng hàng trăm mét, đất chết sạm đen, cành lá nguỵ trang khô cháy, rừng Ba Gơ bị phát quang, trận địa thành lộ thiên, địch không ngừng bắn phá ác liệt, cho nên không thể trục nòng pháo lên sửa chữa ngay được.
Thật ra trước đây, nhận thức được tình thế khó khăn về bổ sung tăng viện súng pháo cho chiến trường trong giai đoạn này bởi quan hệ quốc tế phức tạp, đại đội đã nhiều lần tổ chức trục kéo nòng pháo K1 nhưng không kết quả, bởi sức nặng của khối trọng pháo quá lớn đã cắm sâu vào đất tới nửa mét. Chúng tôi phải lên kế hoạch cứu pháo cụ thể, chi tiết, được Trung đoàn phê duyệt và trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ nhân lực, vật lực thực hiện.
Kế hoạch tổ chức gồm ba bộ phận: Tổ làm đường, san lấp những hố bom trước và sau pháo để xe xích hoặc tời có đường vào tiếp cận pháo, tổ xe và tổ kỹ thuật (quân khí, pháo thủ). Tất cả hiệp đồng thực hiện dưới sự chỉ huy của Tham mưu trưởng Trung đoàn, trực tiếp là Ban chỉ huy đại đội và đồng chí Tiểu đoàn phó tăng cường cho đại đội.
Biết là đến sau 0 giờ ngày 25 lệnh ngừng bắn trong ngày Lễ Nô-en mới có hiệu lực, các bộ phận đã bí mật khẩn trương tổ chức thực hiện xong công việc chuẩn bị từ nhiều đêm trước.
Đúng giờ G, Tham mưu trưởng Trung đoàn phát lệnh, xe xích do chiến sĩ lái xe Triệu Quang Tích lái, được lệnh nổ máy, móc cáp từ nòng pháo vào xe kéo theo hiệu lệnh của Đại đội phó Phạm Đức Lương. Toàn khẩu đội K1 cùng thợ súng pháo hiệp đồng hỗ trợ tại pháo. Dây cáp từ từ căng, rồi rung lên bần bật, xe xích bỗng chững lại và cứ rùng rùng tại chỗ. Lái xe Tích nhảy xuống quan sát từ xe đến pháo rồi quay lại vọt lên xe tăng ga. Chiếc xe có dấu hiệu chuyển động, nhưng cứ giật cục, giật cục, rồi đột ngột tắt máy. Tiếp tục khởi động - tắt máy; khởi động - tắt máy; khởi động..., lái xe Tích kiên trì không biết bao lần, máy gầm rú, đất rung chuyển cả trận địa, nhưng bánh xích vẫn đứng nguyên tại chỗ.
Tạm dừng cho máy nổ bớt nóng, anh em pháo thủ dùng xẻng, cuốc đào bới, moi gạt đất quanh nòng pháo và dưới chân càng pháo, để hỗ trợ cho xe kéo, nhưng khi kéo tiếp, nòng pháo vẫn không hề di chuyển, chỉ có đoạn cắm vào đất do xe kéo rung lắc nhiều lần, lỗ đất có giãn rộng ra.
Tham mưu trưởng Trung đoàn ra lệnh tạm dừng và mời Ban chỉ huy đại đội, cùng cán bộ cơ quan, trợ lý quân khí và thợ súng pháo Trung đoàn hội ý đi đến thống nhất: “Nguyên nhân chủ yếu thì đã rõ, chính là do bộ phận hãm lùi của pháo bị hỏng, nòng pháo bị tụt cắm sâu vào đất, nhưng nôn nóng và cách làm tắt như vừa rồi là không được, ít nhất là phải làm theo hai bước. Một là tập trung kích tăng lực, vừa nâng pháo, vừa kéo để đưa được nòng pháo lên khỏi mặt đất; sau đó là ghìm pháo, ghìm càng để kéo nòng pháo về phía trước, về vị trí vốn có của nó”.
Đêm đã về khuya, nét mặt ai cũng căng thẳng,lo âu, đêm cuối năm giá lạnh mà quần áo ướt đẫmmồ hôi, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng đặt quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trước khi trời sáng.
Tập trung bàn kích có sức nâng lớn, kết hợp với kéo, từng bước nâng, kích rồi kéo, kéo rồi kích,… Cuối cùng chúng tôi đã kéo được nòng pháo lên khỏi mặt đất. Công việc còn lại là của thợ súng pháo và pháo thủ.
Xa xa phía địch, tiếng súng phản bội lệnh ngừng bắn của chúng đã nổ, Khẩu đội 1 tranh thủ đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa mới. Cùng với hai khẩu K2 và K3 của đại đội chiến đấu từ ngày 26-12 đến ngày 31-12 đã chi viện cho bộ binh đánh tiêu diệt hơn 200 địch, riêng pháo binh đánh tiêu diệt 64 tên, 9 pháo địch, trong đó có một trận địa bốn khẩu 105 ly và một khẩu 175 ly (vua chiến trường) của chúng.
Hoàn thành nhiệm vụ “cứu pháo” trong một đêm trắng và lập được thành tích những ngày cuối năm 1972, chúng tôi tự hào đã góp phần nhỏ của mình thực hiện tâm nguyện được “chia lửa” cùng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt không có niềm vui to lớn nào đối với chúng tôi bằng niềm vui khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo: “Cùng với chiến thắng Quảng Trị, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộcđế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứtchiến tranh, lập lại hoà bình, đơn phương rút quânvề nước…”.