Giữa lúc cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đang trong giai đoạn quyết liệt thì Đại đội trưởng Bùi Xuân Phong có một chuyện đau lòng, diễn ra cuộc đấu tranh âm thầm quyết liệt trong anh, không kém gì cuộc chiến đấu anh đang phải đối mặt với kẻ thù. Đó là thư nhà báo tin vợ anh lầm lỡ, đã có con với người khác. Người đó là một cán bộ chính sách của huyện, hắn lợi dụng đi làm chính sách để qua lại gia đình, loan tin dữ: Anh đã bị thương nặng, đã hy sinh để lừa gạt vợ anh (thực ra anh có bị thương, có lần phải cấp cứu, nhưng ở chiến trường Quảng Trị lúc này những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, thì chuyện bị thương cũng là chuyện khó tránh).
Vừa chỉ huy chiến đấu căng thẳng, vừa suy nghĩ về chuyện gia đình, Bùi Xuân Phong suy sụp trông thấy. Đêm về khuya, anh “bí mật” ra khỏi hầm chỉ huy, xách thêm khẩu AK, đi dọc bờ sông Mỹ Chánh ngược lên thượng nguồn, không biết đi đâu, làm gì, nếu có phát hiện ngăn anh, anh bảo không thể ngủ được. Để tránh những chuyện tiêu cực có thể xảy ra, tôi giao “nhiệm vụ” cho chiến sĩ liên lạc luôn đi theo anh, đồng thời theo gợi ý của Chính ủy Trung đoàn, tôi bàn với cấp ủy thống nhất cử đồng chí đại đội phó tạm thay anh chỉ huy chiến đấu, để anh vào hậu cứ nghỉ ngơi một thời gian, và cái chính là để anh nguôi ngoai dần, tĩnh tâm lại để tôi có điều kiện trao đổi, chia sẻ cùng anh, tham gia góp ý phần nào cách giải quyết, chủ yếu là với bản thân anh, sao cho yên được việc nhà mà vẫn vẹn toàn việc nước.
Tôi không thể nào quên buổi trao đổi tuy có lúc căng thẳng, nhưng rất trung thực thẳng thắn, thấm đẫm nghĩa tình đồng chí, đồng đội giữa tôi và Bùi Xuân Phong, ngay trước chiến hào chiến đấu, trước mặt kẻ thù hung bạo, đang đánh hủy diệt chúng tôi, hủy diệt đất nước chúng ta.
Có lúc căng thẳng bởi vì ban đầu Bùi Xuân Phong cứ khăng khăng cho rằng đó là việc riêng của anh, anh không làm gì ảnh hưởng đến đơn vị, đến nhiệm vụ chiến đấu, anh khắc biết giải quyết. Tôi kiên trì thuyết phục, vừa “nịnh”, vừa “trách khéo”, vừa “khích bác”, nhưng kiên quyết, phân tích “hết tình cạn nhẽ”, rằng sao lại là việc riêng? Nếu anh không là đại đội trưởng? Các chiến sĩ có thể chưa biết chuyện của anh, nhưng cấp ủy, cán bộ khẩu đội, trung đội và đại đội đều đã biết, đau nỗi đau của anh, muốn chia sẻ, không để anh cô đơn, Chính trị viên phó Hữu Hùng từng phải thức đêm theo anh, chính tôi bảo đấy, vì anh cứ lang thang trong đêm, một mình trên thượng nguồn rừng rậm và sông nước, nhỡ gặp bọn thám báo địch đang cài khắp quanh đây? Và đừng chủ quan, người ta khi bấn loạn, nghĩ quẩn mà không làm điều tiêu cực?... Hay là anh định trốn tránh trách nhiệm, chuyển “gánh nặng” đầy khó khăn gian khổ này cho “thằng lính mới”, thằng lính ít từng trải chiến trường như tôi?... Anh nói, anh khắc có cách giải quyết, với dự định sau chiến dịch, nếu còn sống, anh sẽ xin “tranh thủ”, cùng lắm là xin ra quân xuất ngũ, về tìm xử lý bằng được tay cán bộ chính sách và dạy cô vợ hư hỏng của mình!
Thấy anh xúc động và chịu lắng nghe, tôi tiếp tục: “Anh đã suy nghĩ kỹ chưa? Đây, tôi trả lại anh thư cô ấy gửi cho anh, tôi đọc kỹ rồi. Chính chúng ta phải xem lại chúng ta, xem lại bản thân mình. Năm năm qua, anh đã gửi cho cô ấy mấy lá thư? Một lá, không hơn, khi cô ấy sinh thằng cu Huấn. Dù bất cứ lý do gì cũng là không đúng, để cô ấy tần tảo một mình vò võ nuôi con, mế và chú của anh thì ít ra cũng cần có lời động viên. Mà cô ấy cũng đã nhận “tội” là do không vững vàng, yếu đuối, cả tin nên bị lừa gạt, và không còn xứng đáng với anh nữa, nên sẵn sàng chịu mọi sự phán xét của anh. Trong thư, cô ấy cũng nói rất thật lòng, là tội mình làm ra thì mình phải chịu, mà phong tục Mường ta như anh đã biết, tuyệt đối cấm kỵ việc nạo phá thai, coi đó là thất đức, là tội lỗi, và nếu không được anh tha thứ, sau này khi về già còn có chỗ nương tựa”.
Bỗng anh bật dậy, cắt ngang lời tôi: “Tha thứ!... tha thứ!... Với cô ấy còn có thể, chứ thằng khốn nạn ấy tôi biết, những thằng như nó, chúng sợ chết, đào ngũ, trốn tránh không dám ra trận, cơ hội, tìm chỗ đứng ở địa phương, lừa lọc, bòn rút từng đồng của dân, phá hoại hậu phương, nguy hiểm khác gì quân Mỹ - ngụy kia kìa, không giết nó để làm gì? Đi chiến đấu, ngay đại đội ta, tôi, anh và nhiều chiến sĩ bị thương, chiến sĩ hy sinh, đổ xương máu... cho ai?”.
Có vẻ tức tối, anh căn vặn tôi. Biết là lòng anh đang rối, nghe thấy từ “tha thứ” lúc này là khó chấp nhận, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn phân tích, nói rõ lợi hại những dự định nguy hiểm, những suy nghĩ nông nổi của anh. Tôi nói: “Cô ấy có lỗi, nhưng anh cũng có lỗi một phần, mà ngẫm cho cùng cô ấy và anh đều không có lỗi, mà lỗi ở chiến tranh, tội của kẻ thù đang trước mặt chúng ta, kẻ buộc ta phải cầm súng, phải xa vợ con gia đình... Còn việc anh có đáng phải đánh đổi cả sự nghiệp của mình để xử lý một con sâu mọt trong xã hội hay không? Không lẽ một Phó Bí thư chi bộ, một Đại đội trưởng, một chiến sĩ đã chiến đấu hơn 10 năm gian khổ hy sinh theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác Hồ (tôi nhấn mạnh tiếng Bác Hồ) “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nay lại quên lời thề, lại “giữa đường đứt gánh”, lại “đào ngũ” ra quân. Trong chiến đấu anh sẵn sàng hy sinh, kể cả xương máu bản thân mình, thế mà bây giờ chỉ một sự mất mát trong quan hệ hạnh phúc gia đình, anh lại không dám hy sinh? Anh đã quên lời thề, lời hứa rồi ư? Đồng đội, người thân đã ngã xuống đang “hỏi” sao anh không bước tiếp, không trả thù cho họ? Thế mà anh cũng tự hào là gia đình “danh gia vọng tộc”, họ hàng Lang đạo nổi tiếng xứ Mường, là quê hương Mường Cháy, Liên Vũ rất giàu truyền thống cách mạng...”.
Nói đến đây, tôi lộ vẻ buồn giận, trách móc và đứng dậy định về hầm để ra trận địa, anh vội kéo tôi lại, nói như nghẹn lời:
- Chính trị viên, tôi... tôi... tôi có lỗi... nhưng tôi hận lắm, tôi khổ lắm! - Anh xúc động lấy tay lau nước mắt.
- Thế cho nên lúc này mới cần phải san bớt “gánh nặng” trong đầu với anh em trong đại đội, hãy quên cái chuyện “nhỏ mọn” ấy đi, lao vào công việc, rồi đâu sẽ có đấy - Tôi nói.
- Thế thì từ mai, Chính trị viên... À mà bác phải cho em ra trận địa thôi, bác tin ở em - Tôi ngạc nhiên, lần đầu tiên thấy Phong xưng em với tôi.
Tuy nhiên, phải đến một hôm, đại đội được lệnh tạm rút ra củng cố đơn vị, nhưng xe pháo không cơ động được, phần vướng hố bom, phần yêu cầu chiến đấu, địch nống ra vây quanh trận địa không xa, nên phải chia đơn vị để một bộ phận ở lại hiệp đồng với bộ binh vừa chiến đấu, vừa bảo vệ pháo. Trong phút giây gay cấn nhất, giữa “ra” và “ở” trên chiến trường ác liệt, sự mất còn chỉ trong gang tấc, thì Bùi Xuân Phong cứ một mực xin được “ở” và nhường “ra” cho tôi với lý do Bùi Xuân Phong nói cảm động đến trào nước mắt là “tôi đông con hơn Phong”. Và cái ngày không quên, ngày tôi chia tay Đại đội 7 pháo cao xạ để về Đại đội 1 pháo mặt đất, một trong những trọng điểm chiến đấu ác liệt ở Quảng Trị thay cho Chính trị viên Mai Sĩ Dụ vừa hy sinh, Phong ôm chặt tôi, xúc động đề nghị kết nghĩa anh em. Bùi Xuân Phong nói tôi hơn tuổi là anh, Phong kém tuổi (7 tuổi) là em. Từ đó, chúng tôi xưng hô với nhau là anh và chú! Về sau Bùi Xuân Phong được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh được chuyển ngành về công tác ở Ty Lao động - Thương binh và Xã hội rồi Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hòa Bình, và được nghỉ hưu tại cơ quan này.
Anh đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đồng thời giải quyết êm đẹp việc gia đình, với tình thương bao dung, tha thứ lỗi lầm, hàn gắn tình cảm, chăm lo đầy đủ cho các con, kể cả đứa con “lầm lỡ” hơn cả con đẻ của mình.