Trong chiến đấu, tôi gặp không ít tình huống gay go ác liệt, những đau khổ khi phải vĩnh biệt đồng đội nhưng chưa bao giờ tôi gặp phải cảnh đau lòng, lúng túng và khó xử như trận chiến đấu đêm hôm ấy...! Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng mỗi khi hình ảnh ấy hiện về trong những giấc mơ chập chờn, những đêm khó ngủ.
Ngày ấy, khi quân ta rút khỏi Thành cổ Quảng Trị, trận địa pháo tầm xa của Đại đội 3 (đoàn Chi Lăng) và Đại đội 7 (đoàn Bông Lau) pháo cao xạ bảo vệ pháo đất, lui về bờ bắc sông Bến Hải. Pháo đất bố trí dọc theo rặng phi lao trên bãi cát, dưới chân đồi xóm An Du Đông sát bờ bắc sông Cửa Tùng, hướng nòng pháo về phía Nam để đánh địch ở Cửa Việt, Đông Hà. Pháo cao xạ cơ động và có đội hình trú quân trải dài trên hai xã Vĩnh Tân và Vĩnh Giang, Vĩnh Linh.
Địch theo dõi, tung trinh sát lần tìm và lồng lộn đánh phá dữ dội. Không những thế, Vĩnh Linh “tọa độ lửa” còn là mục tiêu hủy diệt số một của đế quốc Mỹ trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Trên mảnh đất thép anh hùng này hoàn toàn không còn nhà cửa, làng mạc, tất cả cuộc sống của những người dân bám trụ chiến đấu, sống chết với kẻ thù, chìm sâu dưới địa đạo hoặc “nhà hầm kèo” dưới đất. Nhờ đó chúng tôi có nguồn sức mạnh cả về vật chất và nhân lực để chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách để chiến thắng.
Đã ba ngày đêm chiến đấu chi viện cho bộ binh đánh địch phản kích lấn chiếm, đạn pháo đã hết, cơ số dự bị được lệnh đem sử dụng cũng gần hết. Tôi lo đêm nay liệu “xe hàng vào để liên hoan” (mật danh gọi xe chở đạn pháo) có trót lọt hay không? Chúng tôi huy động đội nữ thanh niên xung phong phối thuộc với đơn vị và tất cả anh em hậu cần đi bốc đạn chuyển thẳng ra trận địa và đưa vào “kho” cơ số dự bị.
Không hiểu địch có phát hiện được hay không mà tối nay chúng giăng pháo sáng sớm hơn mọi ngày, không những chỉ thả dọc theo quốc lộ 1 ở hai bên Bắc, Nam cầu Hiền Lương dài hàng chục cây số mà còn thả dọc theo đoạn sông Cửa Tùng từ cầu ra tới biển. Khu vực trận địa như được thắp sáng. Thỉnh thoảng, thằng phản lực F-4 rẹt qua phóng rốc két hoặc bom kết hợp với pháo hạm ngoài biển. Chúng kích cầm canh suốt đoạn đường Hồ Xá - Cạp Lài, ngã ba đường 1 ngoặt vào Vĩnh Tân, Vĩnh Giang, ngã ba An Du Đông, điểm rẽ vào các trận địa.
Máy bay OV-10 trinh sát không ngớt quần đảo trên bầu trời. Bỗng nó nhào xuống phóng pháo khói chỉ thị mục tiêu ngay chỗ xe “hàng”. Hàng loạt máy bay phản lực F-4, A-6, A-7 kéo đến đánh phá. Những ánh chớp giật, những tiếng nổ đinh tai nhức óc và những đám cháy bùng lên do bom phá, bom phạt và bom na-pan, chúng thi nhau trút xuống.
Để bảo vệ các xe đạn và anh chị em đang vận chuyển đạn dưới đường hào, đại đội cao xạ được lệnh nổ súng chiến đấu và cũng là để bịt mắt và “kéo” chúng về phía cao xạ để bảo vệ bí mật cho pháo đất chiến đấu.
Một chiếc F-4 lao xuống bỗng khựng lại, bật ngửa, bốc cháy bởi đường đạn đỏ lừ, thẳng căng, trực diện xuyên thủng. Một chiếc A-7 cũng theo số phận thằng F-4, các chiếc còn lại vừa đánh vừa lảng ra rồi đột ngột mất hút ra hướng biển.
Trận địa trở lại yên tĩnh, song tôi cảm thấy sự yên tĩnh không bình thường. Linh cảm bằng kinh nghiệm chiến đấu không sai, chưa thu dọn xong đợt bom chúng vừa đánh, bỗng có tiếng gầm rít xé gió ù ù như một trận cuồng phong ập tới. Chỉ kịp ra lệnh xuống hầm tránh B-52 đã nghe tiếng lịch bịch nặng nề và những chớp lửa liên tiếp nháy sáng cửa hầm và căn hầm chữ A rung lắc như bị động đất... Bầu trời, mặt đất như bị nứt toác, tiếp theo là những trận mưa đất đá phủ kín cửa hầm. Tôi cố gạt đất, vọt lên khỏi hầm. Theo quy định và phân công, tôi lao ra ngay về phía kho đạn, nơi có tiếng súng cấp cứu. Điều tôi lo lắng đã xảy ra, một hầm đạn trúng bom. Chính lúc đạn nổ, lửa cháy đang lan sang hầm đạn bên cạnh thì đội trưởng đội thanh niên xung phong Nguyễn Thị Nga dù bị thương vẫn lao ra kêu gọi anh chị em “cứu lấy đạn” và đã dập tắt lửa, cùng đồng đội cứu được các hầm đạn còn lại. Trên những hố bom, hố đạn lửa cháy khét lẹt, chiến sĩ thông tin liên lạc Mai Xuân Bào và nữ chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh. Nga và hai chiến sĩ nữa bị thương. Vì liên tiếp bị nhiều những vết thương nên Nga ở trong tình trạng nguy cấp. Tôi không bao giờ quên được trường hợp bị thương ấy: Chân phải của Nga không tìm thấy, chân trái bị đứt đến đầu gối, tuy chưa rời hẳn nhưng chỉ còn một dúm da nối lại, một bàn tay dập nát còn một bỏng cháy, sưng vù, đỏ lựng; thế mà trên người không một vết xước mặc dù quần áo bị rách tướp.
Y tá Đính báo cáo với tôi là đã sơ cứu và tiêm thuốc giảm đau cho Nga để chuyển ra trạm phẫu tiền phương, nhưng Nga kiên quyết không chịu đi viện và nhất định yêu cầu phải chờ gặp tôi. Nga nói với mọi người rằng, nếu cứ cáng đi, Nga sẽ lăn xuống đất mà chết, vì vết thương thế này trước sau cũng chết, cho Nga được chết ở đây, ở trận địa này, có đơn vị, có chị, có em...
Theo cách nói bây giờ thì giữa tôi và Nga chưa có “tình cảm” thương yêu sâu nặng gì, nhưng nói chỉ có tình cảm đồng đội, tình cảm bình thường như với những cô gái khác thì cũng không hẳn. Tôi linh cảm thấy có điều gì đau xót nặng nề. Tôi sụp xuống, nắm lấy hai tay em khi em đang nằm trên cáng. Em nói trong hơi thở gấp nhưng rất rõ ràng: “Báo cáo... thủ trưởng... đã cứu... được đạn... nhưng em... không sống được đâu... em chỉ tiếc... là em bị thương sớm quá, lại bị... thương thế này... không còn phục vụ được nữa... Em không ân hận điều gì... chỉ có việc riêng... hay là... em xin các anh... cho em... ít “thuốc ngủ”... để em đỡ đau đớn...!”. Em oằn mình, mặt nhăn nhúm, tái nhợt. Tôi nói như gắt:
- Chỉ nói gở, đến viện cấp cứu sẽ khỏi.
- Không, em không đi - Em gắt lại - Anh không hiểu gì cả... các anh có là phụ nữ đâu..., em có sống cũng như chết... đừng... đừng cứu em nữa...
Tôi cố dỗ dành, van nài:
- Em gắng chịu chút nữa, băng cầm máu rồi đi ngay thôi.
- Không, không... em van thủ trưởng... đừng tốn công vô ích,... máy bay, chúng nó quay lại đấy, mặc em, hãy tập trung cho anh em chiến đấu.
- Không, không được... đội cáng thương đâu, khẩn trương lên... - Tôi nói cứng như thế, ra vẻ bình tĩnh, nhưng giọng cứ run run nghẹn ngào. Em nhìn tôi, mắt chớp chớp như gọi, tôi hiểu ý cúi xuống ghé tai sát vào miệng em.
- Anh... anh có... thương... yêu em không? - Em ngập ngừng nói.
- Có, anh yêu em..., anh không cho em liều chết đâu - Tôi trả lời ngay. Em lấy hai khuỷu tay như ôm vuốt nhẹ hai bên hông tôi, nét mặt em hồng tỉnh lại, quả thật lúc này thấy em càng đẹp, lòng tôi càng đau xót với nỗi sợ mất em. Em nói nhanh và vội như sợ không còn thời gian:
- Thế là em chết được rồi. Anh phải giữ gìn sức khỏe, em sẽ không giúp gì cho đơn vị, cho anh được nữa,... anh lấy quyển sổ trong ba lô em, địa chỉ bố mẹ... quê em trong đó...
Bất ngờ, em dùng cùi tay đẩy mạnh tôi ra và nóito hơn:
- Em van các anh, các anh cho em xuống hầm dưới, các anh đi chiến đấu đi, các anh về trận địa kẻo chúng đánh lại đấy...
Địch tiếp tục thay lớp pháo sáng, thằng OV-10 khép vòng lượn trên đầu, những chớp lửa nháy sáng kéo theo những tiếng nổ của bom, đạn chúng đang đánh thăm dò trên hai bờ sông Cửa Tùng liên tục rung chuyển dưới chân.
Mọi người im lặng, em mở mắt, không thấy ai nói gì, em quay lại nhìn tôi cầu cứu. Mặt em đau đớn biến dạng, tất cả băng cấp cứu vét sạch mà vẫn chưa cầm hẳn được máu, nhất là ở hai bên đùi. Bỗng em hét lên:
- Cho tôi... cho tôi... các anh... các anh về trận địa đi, về đi... về đi... i... - Tiếng thét của em yếu dần, tôi và đồng đội nhìn em không thể cầm lòng, dù đã cố kìm nén mà nước mắt vẫn cứ trào ra. Thấy vậy, tự nhiên em dịu lại, đôi mắt long lanh như có nước. Em lại chớp mắt gọi tôi - Anh... anh cho em đi viện. Mà... chỉ huy sao lại khóc, hôm nay đội thanh niên xung phong của em hy sinh một, bị thương ba. Em thì không nói, mong các anh chăm sóc cho cái Lan, cái Nụ... - Nói rồi em nhắm mắt, nước mắt trào ra ướt đẫm hai bờ mi.
“Chỉ huy sao lại khóc?” - Câu nói của em đã nhắc tôi bừng tỉnh lại, cứng rắn lên, còn anh em đồng đội, còn đơn vị, còn nhiệm vụ phía trước nặng nề gian khổ biết bao. Câu nói của em đã làm tôi yên lòng, mặc dù cáng thương chưa quá nửa đường đến trạm phẫu bệnh viện thì em đã vĩnh viễn ra đi. Tôi quay về sở chỉ huy ra lệnh đơn vị vào cấp 1, sẵn sàng chiến đấu trả thù cho em và đồng đội đã ngã xuống.
“Chỉ huy sao lại khóc?” - Câu nói của em đã để lại em trong tôi, trong suốt cuộc đời mãi mãi không quên. Em vẫn “sống” cùng tôi, giúp tôi vượt qua bao nhiêu khó khăn, sóng gió cuộc đời. Hai mươi năm sau, hài cốt em và Bào đã được quy tập tại nghĩa trang Đông Hà. Tôi ước mong sẽ có ngày đến thắp nén hương tưởng nhớ em và đồng đội. Không biết có thực hiện được hay không!