Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta không chỉ có những chiến sĩ cảm tử mà còn có cả đơn vị cảm tử, “trận địa” cảm tử, ví như những trận địa Pháo binh của Đại đội 1 ở ngã ba Ba Gơ (gọi chung là “trận địa Ba Gơ”) trên đất lửa Quảng Trị anh hùng.
Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971) thắng lợi, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, của Mỹ - ngụy, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Nắm vững thời cơ, đẩy mạnh tiến công, làm chuyển biến cục diện chiến tranh giành thắng lợi lớn nhất cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ngày 30-3-1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam đồng loạt diễn ra, Đại đội 1 pháo 130 ly (thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45) được lệnh cùng các đơn vị của Trung đoàn vào tham gia Chiến dịch Quảng Trị, mang mật danh là “Bông lau 2”. Cuộc chiến ở Quảng Trị vốn đã căng thẳng ác liệt ngay từ những ngày đầu tiến công giải phóng Quảng Trị, nay càng ác liệt hơn khi Mỹ - ngụy tiến hành phản kích hòng chiếm lại. Có thể nói Thành cổ Quảng Trị là đỉnh điểm của sự ác liệt, là biểu hiện cụ thể cuộc “đụng đầu lịch sử”, là âm mưu thâm độc, xảo quyệt của Mỹ gây sức ép trên bàn Hội nghị Pa-ri giữa ta và Mỹ. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đích thân ra tận Quảng Trị hò hét: “Tái chiếm Quảng Trị”, “phản công Bắc Việt”. Mỹ đã quay trở lại đánh phá miền Bắc, ngăn cản chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời chúng tung nhiều sư đoàn trong lực lượng tổng dự bị chiến lược cùng không quân và pháo hạm Mỹ ra phản kích hòng chiếm lại vùng giải phóng, giành giật lại “Tử huyệt Thành cổ”. Đế quốc Mỹ tuyên bố “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, chúng đánh phá hủy diệt thị xã - Thành cổ Quảng Trị. Mỹ - ngụy không thể để mất Quảng Trị, vì mất Quảng Trị là chúng sẽ thất bại, nguy cơ sụp đổ của chế độ Sài Gòn là không tránh khỏi.
Trận địa chốt của Đại đội 1, bố trí trên một dải đất hẹp phía đông bắc Ba Gơ, trận địa nằm hai bên trục đường quân sự từ Mai Lộc đi Phượng Hoàng, Ái Tử, Quảng Trị, và một hướng đi qua ngầm Phương Thúy sang động Chua Nga, động Ông Do, rồi vào Thừa Thiên. Chốt giữ trên khu vực hiểm địa này là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và vô cùng khó khăn, vì đây là vị trí rất thuận lợi để phát huy hiệu quả cho pháo chiến đấu, nhưng lại là trọng điểm, mục tiêusố 1 của địch đánh hủy diệt. Trong nhiệm vụ bắn kiềm chế, diệt pháo địch, Đại đội 1 đã dũng cảm chiến đấu, nổi tiếng về thành tích bám trụ kiên cường suốt tám tháng liền trên trận địa chốt này.
Không thể không nói đến tình hình đặc biệt lúc này là không quân địch hầu như “làm chủ” bầu trời Quảng Trị vì hệ thống phòng không tầm trung - cao và tên lửa của ta vào chiến dịch đã rút khỏi bờ bắc sông Bến Hải để ra bảo vệ Thủ đô, chuẩn bị cho trận đánh lịch sử, trận Điện Biên Phủ trên không, quyết đánh bại cuộc tập kích chiến lược của Mỹ cuối năm 1972. Do đó, lợi dụng tình hình ấy, ở Quảng Trị, Mỹ - ngụy tập trung không quân trinh sát, đánh phá nhằm tiêu diệt hoàn toàn hỏa lực pháo binh ta, nhất là các trận địa pháo tầm xa (130 ly nòng dài) chốt trên hai bờ triền sông Thạch Hãn, Ba Lòng, dốc đèo Phượng Hoàng, ở ngã ba Ba Gơ, làng Nút,... đang ngày đêm uy hiếp, giội bão lửa lên đầu bọn chúng.
Tổng kết chiến tranh, các báo chí, truyền thông đưa tin, số bom đạn Mỹ đánh hủy diệt Thành cổ Quảng Trị gấp tám lần bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hirosima Nhật Bản. Chúng tôi không làm được con số so sánh, nhưng là người trong cuộc, vừa là đơn vị bị địch đánh phá vừa là nhân chứng ngày ấy, xin được kể lại bằng so sánh hình ảnh những gì Đại đội 1 chúng tôi đã phải trải qua, phải chịu đựng sự khốc liệt của bom đạn địch đánh phá trận địa chốt và khu vực các trận địa trên một dải đất hẹp dưới chân đèo Phượng Hoàng ngã ba Ba Gơ, nơi mà địch xác định là mục tiêu trọng điểm số 1 đánh phá hủy diệt của chúng.
Ngày mới vào chiến dịch, Ba Gơ rừng già, cây lớn rậm rạp, hoang sơ ngút ngàn, giấu quân cho cả một bệnh viện dã chiến và một số đơn vị Hậu cần chiến dịch đang đóng quân tại chỗ, và còn là nơi trú quân bí mật của các đơn vị pháo binh, xe tăng hành quân đi qua. Bây giờ thì không thể nhận ra địa hình cũ, các trận địa pháo của Đại đội 1 đã thành bãi bom B-52, bom tọa độ, mục tiêu pháo kích của tất cả các loại pháo trên bộ, trên biển của địch. Ba Gơ không còn rừng, màu xanh biến mất, toàn màu đỏ lở loét, nham nhở hố bom, hố đạn, cây khô bom phạt đổ gục ngổn ngang, thân cháy rụi nằm rải rác, đây đó nhiều cây vẫn âm ỉ bốc khói, đất tơi vụn, màu đỏ quạch xen lẫn màu đen sạm sặc mùi khét của thuốc súng và bom đạn. Trận địa pháo trống trơn, hố bom, hố đạn dày đặc, không còn đường nào cho xe pháo cơ động, trừ khi có trực thăng cần cẩu. Không còn một cành lá để ngụy trang, mà lúc này có đi xa lấy lá cây xanh về ngụy trang trận địa thì có khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Và chỉ còn cách tốt nhất là dùng ngay cành cây khô ngụy trang thật “khéo” cho trận địa, hầm hào công sự chiến đấu với yêu cầu vẫn giữ được bí mật trận địa, có nghĩa là phải giữ nguyên “hiện trường”, tuyệt đối không được sai sót để có một dấu vết thay đổi nhỏ trên trận địa so với ngày hôm trước, trận chiến đấu trước. Không thể thống kê được số lượng bom đạn địch đánh vào trận địa, chỉ xem Nhật ký chiến đấu đã ghi trong 81 ngày đêm chi viện cho bộ binh chiến đấu hiệp đồng binh chủng hay đánh độc lập để bảo vệ Thành cổ. Có ngày (một ngày đêm), địch đã sử dụng tới 23 đợt phản lực bổ nhào tọa độ và B-52 rải thảm liên tục xuống trận địa và khu vực trận địa chốt của Đại đội 1 (mỗi “Pháo đài bay” B-52 có trọng tải hơn 30 tấn bom), đồng thời sử dụng hơn 30 tàu chiến (mỗi tàu có sáu khẩu pháo) của Hải quân từ biển bắn vào và trên trời hơn chục chiếc trực thăng bay thấp vừa trinh sát vừa bắn phá chà đi xát lại vô cùng ác liệt, cùng với bom đạn không hạn chế địch đánh vào thị xã - Thành cổ làm cho không chỉ trận địa pháo Đại đội 1, mà cả thị xã - Thành cổ Quảng Trị như sôi lên trong bom đạn của kẻ thù.
Trong bối cảnh ấy, Đại đội 1 với “trận địa cảm tử” đã cùng các đơn vị bạn kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu liên tục suốt tám tháng trên chiến trường Quảng Trị với 81 ngày đêm tham gia bảo vệ Thành cổ. Bằng tinh thần, ý chí quyết tâm, qua rèn luyện thử thách, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 không những được giáo dục quán triệt mà thực tế đã nhận thức được sâu sắc rằng: Để không thể bị địch hủy diệt, chỉ có cách duy nhất là mình phải chiến đấu tiêu diệt được chúng, không chỉ dũng cảm, quyết tâm mà phải mưu trí sáng tạo trong chiến đấu, trong khắc phục mọi gian khổ hy sinh nhất là những lúc đơn vị bị tổn thất thương vong, khó khăn chồng chất. Minh chứng cho những điều nói trên, xin được ghi lại một số gương của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 đã anh dũng chiến đấu trên đất lửa Quảng Trị năm 1972:
Chính trị viên trưởng Đại đội Mai Sĩ Dụ tận tụy, gương mẫu, nói đi đôi với làm, sâu sát chiến sĩ, hiểu rõ tâm tư hoàn cảnh gia đình, đặc điểm cá tính mỗi người, quan tâm, chăm lo, giúp đỡ, hướng dẫn, động viên lớp chiến sĩ mới, lớp sinh viên mới nhập ngũ, kiên định, vững vàng trước mọi tình huống khó khăn gian khổ ác liệt, được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tin tưởng... Song rất tiếc và đau xót, giữa chiến dịch anh và bốn chiến sĩ đã hy sinh do loạt bom tọa độ của địch đánh vào trận địa khi đang quán triệt nhiệm vụ chiến đấu cho đơn vị trước giờ nổ súng.
Chiến sĩ pháo thủ Nguyễn Văn Giám, chiến đấu liên tục, vững vàng trước mọi tình huống khó khăn phức tạp, khi máy bay trinh sát OV-10 đánh xuống trận địa dựng cột khói hình nấm để chỉ thị mục tiêu, khi các máy bay cường kích bâu đến như “ruồi” đánh phá, anh vẫn bình tĩnh bám pháo chiến đấu chi viện đánh địch kịp thời, khi hết đạn, vừa đánh vừa vác đạn, có lúc vác hai trái phá hoặc hai ống phóng một lúc; có lúc anh em trong khẩu đội hy sinh và bị thương, thiếu người, anh đã chiến đấu ba đêm liền; có lúc đã chiến đấu kíp mình còn tham gia kíp bạn cũng vì kíp bạn thiếu người. Luôn có ý thức tiết kiệm, cảnh giác bảo vệ an toàn trong chiến đấu. Học và làm cả lái xe kéo pháo, khi bị bom từ trường hút nổ hất tung khỏi xe, tỉnh dậy vẫn tiếp tục nhiệm vụ, vừa lái xe hành quân vừa giúp pháo thủ, ngày nghỉ lại giúp anh nuôi nấu cơm gánh nước ra trận địa, tìm rau cải thiện cho đơn vị.
Pháo thủ số 3 Bùi Biên Thùy, tám tháng bám trụ chiến đấu, đã nạp tới 1.400 viên đạn (đầu đạn nặng 36 ki-lô-gam, ống pháo 21 ki-lô-gam), nhiều trận đánh yêu cầu bắn cấp tập liên tục, Thùy phải dùng nắm tay tống đạn đến trầy xước rớm máu đầu xương các đốt ngón tay, khi chiến đấu đường dây thông tin bị đứt, thông tin chưa làm kịp, đã chủ động đi nối dây, kịp thời cho pháo chiến đấu, khi tiếp đạn luôn vác hai trái phá hoặc hai ống phóng, thương yêu anh em đồng đội, luôn nhận công việc nặng nhọc về mình.
Chiến sĩ kế toán Vũ Đức Thắng, sinh viên đạihọc năm thứ tư, xông pha chiến đấu từ Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), được anh em sinh viên lính mới tin theo, đơn vị tín nhiệm, bởi anh vững vàng kiên định, tính toán phần tử nhanh, chính xác, ngoài nhiệm vụ kế toán, anh tự học trong chiến đấu, trở thành “pháo thủ toàn năng”, có đêm một mình chuyển hơn hai tấn gạo vào hậu cứ, là một trong số không nhiều đồng chí tình nguyện nhận nhiệm vụ vào Đoàn 559 đi B sâu và hoàn thành tốt nhiệm vụ trước khi về đơn vị. Vũ Đức Thắng đã được kết nạp vào Đảng tại trận địa.
Chiến sĩ trinh sát Nguyễn Sĩ Du (sinh viên nhập ngũ) đi chiến đấu biển (tham gia Chiến dịch tiến công chiến lược giải phóng Quảng Trị năm 1972, ban đầu Trung đoàn 45 làm nhiệm vụ thê đội hai bảo vệ hậu phương chiến dịch, đánh tàu chiến bảo vệ sườn phía đông và tuyến đường 1 vận chuyển chiến dịch), đã cùng tổ trinh sát xông pha dưới làn bom đạn địch suốt dọc bờ biển Vĩnh Linh tìm vị trí đặt Sở chỉ huy, vị trí các trận địa cho pháo cơ động triển khai chiến đấu đánh tàu chiến địch, đo đạc giao hội, tìm phần tử bắn..., có lần bị bom lấp hầm, đồng đội moi lên, bị sức ép ộc máu mũi, khi hồi tỉnh vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, không đi quân y nghỉ dưỡng. Vào chiến dịch, một mình đo đạc lấy hướng chuẩn cho pháo, đảm bảo kịp thời gian nổ súng, học cả vô tuyến, khi chiến đấu, đường dây đứt, không đủ dây nối, đã dùng hai tay nắm hai đầu dây làm thông tin truyền lệnh bắn gấp. Đi đài đầu cầu Quảng Trị, khi địch phản kích tới đài, đã cùng ba chiến sĩ bộ binh tăng cường, dũng cảm chiến đấu chặn địch, giữ đài suốt một ngày, vừa chiến đấu, vừa sửa bắn cho trận địa bắn chi viện diệt địch, cùng một lúc làm nhiều việc, lo ăn uống cho Tổ đài, trinh sát sửa bắn, làm thông tin vô tuyến..., góp phần cùng Tổ đài lập nên chiến công, Đài đầu cầu Quảng Trị và cá nhân Nguyễn Sĩ Du được tặng thưởng Huân chương Chiến công ngay sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về Đại đội.
Chiến sĩ trinh sát Hạ Văn Toàn - một chiến sĩ mới nhưng lại có đặc điểm riêng là rất nhanh chóng hòa nhập với đồng đội, trong chiến đấu, năng động, mưu trí, khi quân địch phản kích tràn đến khu vực đài, tổ đài chỉ có bốn, năm anh em, Toàn đã suốt ngày đêm bồng súng gác ở cửa hầm, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đồng đội, trên đường rút, từ cao điểm 101 vượt qua cao điểm 132 lúc 12 giờ đêm, bị địch phục kích chặn ở cao điểm 132, Toàn đã dùng súng bắn, thu hút hỏa lực địch về phía mình cho anh em Tổ đài vòng tránh rút lui, rồi lợi dụng đêm tối, đánh lạc hướng di chuyển, quần nhau với địch mãi đến ba giờ sáng Toàn mới về được đơn vị, có lần bị lạc, đã chủ động tổ chức quản lý anh em, liên hệ với bộ binh xin lương khô nước uống, tìm đường tắt vượt sông đưa anh em về đơn vị an toàn.
Chiến đấu pháo binh là chiến đấu hiệp đồng, lập công tập thể. Một viên đạn bắn trúng đích là kết quả của công sức biết bao bộ phận, ngoài chỉ huy, pháo thủ, trinh sát đo đạc, kế toán, không thể không nói đến các bộ phận khác, ví như chiến sĩ thông tin Bùi Văn Điều trong chiến đấu, thường xuyên liên tục dũng cảm bám đường dây, từ đài tới chỉ huy sở xuống trận địa, mạng thông tin dài hơn 6 ki-lô-mét, bất kỳ lúc nào pháo hạm pháo bầy, máy bay B-52 rải thảm, bom tọa độ... đánh đứt đường dây, nhiều đoạn đứt nát, Điều lao đi ngay, và đã chuẩn bị, dự kiến trước những trọng điểm địch đánh phá dây hay bị đứt nên Điều nhanh chóng sửa chữa, nối dây, không bao giờ để tắc thông tin nhất là khi chiến đấu, kể cả khi địch đang đánh phá, ngày đêm hầu như Điều phải “thoát ly” khỏi hầm dưới mưa bom bão đạn. Hay như chiến sĩ lái xe Triệu Quang Tích, trong năm 1972 đã lái 830 ki-lô-mét tổng cộng đường dài xe xích kéo pháo trên chiến trường, vượt qua không biết bao nhiêu trọng điểm, đi lại bao nhiêu cầu phà địch đánh phá ác liệt, có đêm lái xe xích có đuôi (kéo pháo), vượt chặng đường 100 ki-lô-mét. Có đợt chiến dịch thức trắng nửa tháng liền, đã sửa chữa xe hỏng trên bao địa hình địch đánh phá ác liệt, đã kéo pháo chiếm lĩnh hàng mấy chục trận địa. Không những thế anh còn là một pháo thủ, một chiến sĩ nuôi quân, một chiến sĩ vận tải, và đã hơn mười lần cứu xe pháo đạn bị máy bay địch đánh hoặc bị rệ đổ trên đường.
Còn chiến sĩ quản lý - nuôi quân Ninh Thế Hộ, tám tháng ròng bám trụ chiến đấu một mình vừa nấu ăn, vừa gánh cơm nước ra trận địa, ngày hai lần phải vượt qua trọng điểm ác liệt đi về hơn hai cây số. Thương yêu chăm sóc đồng đội, cơm cháo tận tình, xông pha cùng y tá Nguyễn Đình Sùng quên mình cứu đồng đội khi bị địch đánh phá, chăm sóc thương binh, đồng đội ốm đau, bón ăn, giặt giũ tận tình, chu đáo. Nuôi quân nhưng “gốc” là pháo thủ, nhớ khi cả khẩu đội ốm, nuôi quân một mình một pháo vẫn tiến công. Hay như những chiến sĩ cảm tử ở trận địa nghi binh, những dũng sĩ mưu trí sáng tạo, anh dũng hy sinh chiến đấu ở trận địa “giả như thật” nghi binh lừa địch, thu hút hết bom đạn về mình để trận địa thật chiến đấu diệt địch. Tất cả những chiến sĩ “thiện chiến”, gang thép ấy như đã được chuẩn bị sẵn, đã được huấn luyện, tôi luyện thử thách thành những “pháo thủ toàn năng”, có thể thay thế gánh vác, kiêm nhiệm và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong mọi tình huống, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đơn vị, để vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ ác liệt, để chiến thắng kẻ thù hung bạo, đúng như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “...Sẵn sàng chiến đấu hy sinh, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Chính vì vậy, trận địa “cảm tử” của Đại đội 1 pháo binh, Trung đoàn 45 (Bông Lau 2) không bị “dập tắt” như chiếc loa tuyên truyền ầm ĩ trên chiếc trực thăng tâm lý chiến của địch cứ vè vè lượn vòng suốt ngày kêu gọi “chiến binh Việt cộng” đầu hàng. Ngược lại Đại đội 1 đã kiên cường bám trụ chiến đấu liên tục suốt tám tháng ròng trên chiến trường Quảng Trị, lập nhiều chiến công tiêu biểu xuất sắc, đó là: bắn mở màn trừng trị địch ngay trận đầu trong đánh địch phản kích; bám trụ liên tục dài nhất trên một địa hình hẹp; chịu đựng nhiều ác liệt nhất (hơn 1.000 quả bom, 10.000 quả đại bác; 48 lần máy bay B-52 ném bom rải thảm, hơn 100 lần phản lực bổ nhào tọa độ xuống trận địa); là đơn vị chiến đấu hiệu suất cao, dẫn đầu Trung đoàn về thành tích diệt pháo địch, đã bắn trúng và bắn hỏng 38 phần trăm tổng số pháo địch mà toàn Trung đoàn đã bắn trúng (theo tổng kết chiến dịch của Lữ đoàn 45 và Binh chủng Pháo binh).
Kiên trì trụ vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đại đội 1 đã được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Nhì, 19 huân chương chiến công hạng Ba cho cá nhân, 40 bằng khen, có 10 Chiến sĩ Thi đua và ba Chiến sĩ Quyết thắng. Với những chiến công xuất sắc, sau chiến thắng Quảng Trị năm 1972, Trung đoàn 45 Pháo binh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có sự đóng góp thành tích xứng đáng của Đại đội 1. Phần thưởng cao quý ấy, trước hết là phần thưởng của những liệt sĩ, những cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường dũng cảm, không sợ gian khổ, ác liệt, hy sinh, như những con người gang thép trên trận địa Cảm tử ở đất lửa Quảng Trị anh hùng - 1972.