-Có điều rất lạ, trận đánh đã hơn 30 năm về trước, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy nó hiện lên như mới hôm nào. - Đại đội trưởng Bùi Huấn thong thả kể lại.
Chúng tôi lại về với Vĩnh Linh, lòng bồi hồi xúc động khi xe từ ngã ba Cổ Kiềng đang bon trên đường Tân Định về Chấp Bắc, nơi đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm không quên của những năm 1967, 1968, những năm chiến đấu trên mảnh đất “Tọa độ lửa”, mục tiêu hủy diệt số một của đế quốc Mỹ.
Vĩnh Nam đây rồi, con đường Cạp Lài trơn như đổ mỡ, xe pháo chật đường, dân công hỏa tuyến, bộ đội hành quân, mưa trời vần vũ, xe quay ngang bánh mấy lần, nhưng rồi sau hai đêm mưa rét, lầy lội, chúng tôi cũng về đến Vĩnh Kim, tìm được người anh em “pháo đất”. Lúc này Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã tuyên bố đánh phá lại miền Bắc, Đại đội pháo cao xạ Trung đoàn 45 chúng tôi nhận nhiệm vụ về Vĩnh Linh, bảo vệ pháo đất chiến đấu, trước mắt đưa một bộ phận ra sát mép biển tổ chức đánh máy bay trinh sát OV-10 của địch, để giữ bí mật trận địa pháo đất, cho pháo đất chiến đấu tham gia chiến dịch tổng tiến công. Địa bàn hoạt động từ Cửa Tùng lên đến Vĩnh Thủy, thời cơ nổ súng và cơ động chiến đấu, do đại đội tự chọn. Lật mở bản đồ, chúng tôi quyết định về Vĩnh Thạch tìm đặt trận địa, về với bà con thân thiết đã từng cưu mang giúp đỡ chúng tôi. Khi nghe trao đổi vị trí trận địa và phương án hiệp đồng chiến đấu, anh Trung - Bí thư chi bộ địa phương ngạc nhiên hỏi lại: “Tại sao lại đặt trận địa gần mép nước, trống trải quá, nguy hiểm lắm, rất dễ lộ và hơi gần địa đạo Mũi Si? Nhưng nếu cần ta cứ làm vì tôi không rành quân sự lắm”, mặc dù anh đã từng lãnh đạo nhân dân chiến đấu và hiệp đồng giúp đỡ bộ đội chiến đấu, một người từng trải và có nhiều kinh nghiệm. Nhìn ra biển trời bao la, xa xa kia là Cồn Cỏ - “Chiến hạm nổi”, sừng sững hiên ngang, giáp mặt kẻ thù, phía xa khơi Cửa Việt, những chiếc tàu giặc nhả khói đen đặc mặt biển, chốc chốc lại nã pháo vào Cửa Việt và Vĩnh Linh. Trận địa ở đây tạo được thế bất ngờ, tuy có nhược điểm là dễ lộ, nhưng nếu đơn vị tổ chức tốt, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu với máy bay địch, thì sẽ đánh thắng, bảo vệ được nhân dân và trận địa bạn. Thống nhất như vậy, chúng tôi bắt tay thực hiện.
Phương án chỉ là phương án nếu không có người thực hiện. Chúng tôi rất tin ở chiến sĩ của mình, tuy có một số tân binh mới bổ sung, nhưng đã được huấn luyện và qua thực tế rèn luyện, anh em rất nhiệt tình, hăng hái, có kỷ luật. Có chiến sĩ mới còn chưa hiểu từ “phương án” là thế nào? Tôi phổ biến rất ngắn gọn, dễ hiểu để anh em ai cũng quán triệt và có quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ: “Trung đội 2 là trung đội cơ động đánh lẻ do đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy tác chiến, các mặt khác do đồng chí trung đội trưởng quản lý và sắp xếp. Nhiệm vụ của trung đội ta là đánh các loại máy bay trinh sát thấp, cho pháo đất làm việc, bảo vệ nhân dân địa phương sản xuất, chủ yếu là tiêu diệt, khống chế OV-10, dọc bờ biển từ Cửa Tùng đến Vĩnh Thủy. Đại đội 8 cao xạ đơn vị bạn ở hướng số 2 cách ta 1.000 mét sẽ chi viện và đánh máy bay bổ nhào khi ta bị lộ; pháo đất Đại đội 2 sẽ kiềm chế pháo biển của địch để ta cơ động, hướng cơ bản số 4, tốc độ 35, cự ly 3.500 mét, trận địa ta có lực lượng dân quân địa phương chi viện khi cần”. Phổ biến xong nhiệm vụ, tôi động viên anh em hãy phát huy truyền thống Đại đội 7, quyết tâm đánh thắng và hỏi: “Còn ai có ý kiến gì chưa rõ?”. Mọi người đồng loạt trả lời: “Rõ!”. Nhìn các chiến sĩ của mình tôi rất phấn khởi, tin tưởng, nhưng tôi cũng biết cái trận địa sát mép nước này nếu lộ có thể bị hất xuống biển, hoặc bị pháo biển của địch dập vào vô cùng ác liệt. Nhưng tôi tin ở mình, ở đồng đội, tôi trực tiếp chỉ huy và cùng anh em chiến đấu, lại được các đơn vị bạn Đại đội 8 cao xạ, Đại đội 2 pháo đất hiệp đồng chiến đấu và nhân dân Vĩnh Thạch giúp đỡ chúng tôi sẽ thực hiện được quyết tâm đánh thắng.
Sau khi phân công cho các khẩu đội về trận địa, về hướng quan sát, hướng đánh cường kích Trung đội trưởng Tuấn cùng tôi về hầm chỉ huy sở, ở đây có thể thấy Cồn Cỏ và quan sát được cả cảng Cửa Việt, chúng tôi đang trao đổi về cách đánh và những tình huống có thể xảy ra thì thấy bác Mậu, nhà ở gần trận địa bê một rổ khoai ra trận địa.
- Chào các chú, răng không vô trong nhà mà nghỉ?
Vừa chào bác tôi vừa đi xuống chiến hào về hầm chỉ huy:
- Chào bác Mậu, chúng cháu đang bận, để trưa anh em vào chơi, ở đây xem tàu bọn địch nó hoạt độngthế nào?
- Chả mấy khi các chú về, không có chi cả, các chú ăn ít khoai cho vui. - Vừa nói bác vừa để rổ khoai lên thành hào.
- Dạ, cảm ơn bác, chúng cháu vừa ăn sáng xong. - Trung đội trưởng Tuấn xúc động trả lời.
Không phải chúng tôi không biết tấm lòng và tập quán của bà con Vĩnh Linh; đến nhà nếu chưa ăn thì nói chưa, đói thì nói đói, mời thì phải ăn, nhưng đây lại là chuyện khác. Có lẽ vì hôm qua đến nhà anh Trung - Bí thư, thấy tổ nấu ăn tập trung của dân quân độn nhiều khoai quá, tôi đã khéo léo đòi đổi gạo lấy khoai cho đơn vị ăn phụ, nhưng anh Trung vội gạt đi và nói: “Nếu các anh thích ăn khoai thì chúng tôi cho, còn mần rứa là không được, các anh cần phải có sức chiến đấu mà đó là trách nhiệm chúng tôi phải lo; chừ các anh thấy vườn mô có rau chi ăn được thì cứ hái mà ăn, không để bom, pháo nó cũng phá hết”.
Đang phân vân về cái rổ khoai trên thành hào thì nghe tiếng pháo nổ ngoài tàu biển, bác Mậu quay lại nói: “Mấy cái tàu nớ là hắn bắn hướng Cửa Việt, còn hắn bắn vô đây là hắn ở chếch hướng Cồn Cỏ bắn vô tê, mà hắn phải đợi cái thằng “tàu càng” (OV) chỉ điểm mới bắn được. Pháo và máy bay bà con không lo mô, nhưng cái thằng tàu càng là phải coi chừng đó, hắn chỉ vô mô là ở đó tan nát liền à! Các chú mà bắn trúng hắn thì bà con mừng lắm, hắn hay bay sát mặt biển từ Cửa Việt đến Mũi Láy rồi quay lại. Thôi, chừ tôi về đi mần, các chú ăn khoai đi, đêm vào trong làng mà ngủ, hầm hố chắc chắn, các chú nghe!”.
Bồi hồi nhìn theo bóng bác Mậu đi khuất bãi Gianh, tôi mới sực tỉnh và rất mừng như trút được gánh nặng, đó là vấn đề tôi đang áy náy chưa biết hỏi ai, giờ đã được giải quyết qua ý kiến bác Mậu, đã chỉ cho đường bay của thằng OV và hướng tàu địch kích, để bố trí cửa hầm công sự. Lập tức tôi bổ sung vào phương án, vẽ đường bay dự kiến và hướng công kích của địch khi chúng phát hiện trận địa.
Biển vẫn dạt dào êm ả, sóng như vỗ về mặt đất. Tôi đứng dậy ra khỏi hầm, vươn vai khoan khoái, đưa ống nhòm nhìn ra xa khơi, thấy rõ cả cây to ở Cồn Cỏ, phía Cửa Việt rặng phi lao còn xanh, chạy dài ra xa ngoài biển, từ Cửa Tùng chạy ngược ra phía Bắc, hàng phi lao vẫn hiên ngang đứng thẳng sau những đợt bão táp của bom đạn, thỉnh thoảng có cây bị tiện đứt đi quá nửa, con đường dọc theo biển giờ đây xe không chạy được nữa vì chiếc cầu Đúc bắc từ Vĩnh Thạch ra Vĩnh Quang đã bị bom phá sập hai đầu mố.
- Báo cáo Đại đội trưởng, hướng số 4 có ô-vê1 bay vào - Tiếng trinh sát Tiến báo cáo.
1 OV-10: Tên loại máy bay của Mỹ.
- Tất cả cấp 1 - Vào đài chỉ huy tôi ra lệnh và đưa ống nhòm lên quan sát, tôi thầm mừng vì nhận rõ quyết tâm của các khẩu đội qua tiếng hô: “Xong” - dứt khoát, chắc chắn của khẩu đội trưởng Sơn và Lợi.
- Số 4 (hướng số 4) góc độ 30, ô-vê bay vào.
- Tiêu... tiêu.
Hóa ra các pháo thủ đã theo dõi nó từ khi chưa cấp 1 nên mới bắt mục tiêu nhanh thế!
Phương pháp đánh OV phải đánh hết sức linh hoạt, đường bay của nó cơ động, nhanh, vòng hẹp, dễ phát hiện ra trận địa của ta nếu ta đánh vỗ mặt, nhưng giải quyết tư tưởng đánh vỗ mặt không phải dễ, thực tế qua Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào ta đã có bài học thiết thực là chỉ có đánh vỗ mặt mới tiêu diệt được OV, song đánh ở góc độ nào, thời cơ nào thì đó lại là nghệ thuật của người chỉ huy trực tiếp. Chiếc OV bay vào phía Cửa Tùng, rồi tạt ra ngoài khơi, sau đó vòng lên Mũi Si, cự ly 6.000, 5.000, 450...
- Chú ý kiểm tra tốc độ và nghe lệnh! - Tôi nhắc các khẩu đội.
- Độ cao không tốt (tức độ cao chưa bắn được). - Tôi nhắc lại.
Chiếc OV nghiêng ngó rồi lảng ra và bay về phía Cửa Việt, lâu sau vẫn không thấy nó xuất hiện.
- Các khẩu đội, cấp 2 tại pháo, chú ý công tác ngụy trang.
Lệnh xong, tôi xuống với các khẩu đội và kiểm tra công tác chuẩn bị.
Đến gần trưa bỗng thấy một máy bay F-4 bị ta bắn rơi phía Cửa Việt, tên giặc lái nhảy dù xuống biển, chiếc OV đang định bay về phía Vĩnh Linh thì đột ngột bay ngoặt ra biển, chỉ một loáng sau máy bay địch bâu đến cứu giặc lái; các đơn vị pháo của ta ở dọc bờ biển nổ súng làm dựng lên những cột nước sát tên giặc lái; bọn máy bay AD-6, trực thăng hoảng sợ cuống cuồng cất độ cao lên, cuộc đấu pháo diễn ra quyết liệt nhiều giờ; mãi sau chúng tập trung đến ba thằng OV phóng khói mù xuống để che mắt pháo ta, rồi vội vàng cứu được một tên chắc đã no nước, còn một tên bị tan xác do đạn pháo của ta. Đúng là thằng OV lợi hại thật.
Ngày hôm sau từ sáng đến trưa, trận địa đã mấy lần cấp 1, nhưng thằng OV cứ lảng vảng vào, ra như làm động tác giả, khiêu khích để nếu ta bắn sẽ tự lộ mục tiêu, mãi đến 13 giờ chiếc OV bay dọc theo bờ biển phía Cửa Tùng lên đến Vĩnh Quang, đột ngột phóng liên tiếp hai phát pháo khói vào trận địa pháo đất bên kia cầu Đúc, rồi cất độ cao ra biển, lập tức bốn thằng máy bay A7 lao vào đánh phá, bom nổ xé nước khu trận địa đại đội pháo đất. Đại đội 8 pháo cao xạ đã nổ súng, hai máy bay A6 của địch kéo tiếp đến đánh phá, bom nổ liên tiếp phía trận địa Đại đội 1 pháo đất và Đại đội 8 pháo cao xạ. Một cái gì nhói lên trong tôi, mặt nóng bừng, không thể để địch đánh đồng chí, đồng đội của mình ngay trước mặt mình! Phải đánh! Mặc dù như vậy là không đúng phương án quy định nhưng ngập ngừng lúc này là tổn thất xương máu đồng đội! Không chần chừ, tôi quyết định phải đánh, kéo địch về phía mình, chia lửa với Đại đội 1 và Đại đội 8 và đánh thằng OV là chủ yếu vì mất thằng này thì bọn kia mù cả. Tôi hô lệnh gần như hét lên:
- Số 4, ô-vê, tốc độ 35. Chú ý bám sát mục tiêu, trinh sát theo dõi phản lực!
Bỗng tôi giật nảy người lên khi thấy ai đứng dưới mép nước. Thôi chết! Bác Thưởng rồi.
- Về địa đạo đi bác Thưởng ơi! - Tôi gào lên. Nghe tiếng gọi gay gắt, bác khoát tay ra hiệu và chỉ lên trời ý bảo: “Không việc gì, cứ bắn đi!”. Lại một thằng A6 cắt một chùm bom dài nhằng nhằng dọc theo dãy phi lao có trận địa pháo đất; thằng OV thấy ném bom chệch mục tiêu, định bổ nhào phóng khói tiếp thì tôi đã hô bắn trước lúc quả đạn khói rời khỏi máy bay; hai khẩu pháo của ta chồm lên quật một điểm xạ vừa, đan thành một màn lửa trước đầu thằng OV. Bị đánh bất ngờ nó hoảng quá, bỏ đường bổ nhào, ngoặt vội về phía Cửa Tùng, hậm hực tăng độ cao, vòng lại phía trận địa cao xạ. Bọn máy bay A6, A7 vẫn bay vòng trong, vòng ngoài để chờ thằng OV chỉ thị mục tiêu. Chiếc OV nghiêng nghiêng tìm kiếm, xác định khu vực trận địa cao xạ, thu vòng tròn xiết lấy hai khẩu cao xạ của ta với vẻ tức tối rõ rệt. Một loạt đạn Đại đội 8 cao xạ hiệp đồng quật lên, nó lảng ra, rồi lại lập tức quay lại.
- Địch đã nghi ngờ khu vực trận địa của ta, các khẩu đội bình tĩnh chiến đấu - Tôi vừa hạ lệnh, vừa nhắc nhở động viên nhưng bây giờ tôi mới thấytác hại của tiếng ồn sóng biển, các khẩu đội không nghe rõ được khẩu lệnh. Tôi phải lấy hết sức cố hét thật to.
- 14, ô-vê.
- Tiêu... Tiêu...
- Bám sát mục tiêu! Chú ý! Bắn!
Đạn lại trùm qua máy bay, chiếc OV lồng lên, bay vội ra khỏi tầm hỏa lực, cất độ cao vòng ngoặt lại, lao vào phóng pháo khói.
- Số 4, bổ nhào, tốc độ 40.
- Tiêu... Tiêu... Các khẩu đội bám sát tốt!
- Bắn...! Bắn... - Tôi hô bắn quật hai điểm xạliền, nhưng pháo khói cũng đã phụt khỏi máy bay và rơi chếch hướng 12 phía nhà bác Mậu cách trận địa 200 mét.
- Địch đã phát hiện trận địa, các khẩu đội bình tĩnh, bám sát mục tiêu.
- Số..., bổ nhào, tốc độ...
- Tiêu... Tiêu... Bắn...! Bắn...!
Thằng OV không dám hạ độ cao, nó đã phát hiện ra trận địa. Tiếp theo là những tiếng pháo, tiếng hô gọn, sắc, tiếng nổ đì đẹt của bom bi, cùng tiếng sóng biển ầm ào. Chỉ thấy khẩu 5 nổ súng, tôi lo quá, chạy ngay xuống khẩu 4.
- Sao thế? - Tôi hỏi.
- Báo cáo, không nghe thấy gì cả!
- Khẩu 4. Đánh mạnh ô-vê!
- Rõ!
- 12, A7 bổ nhào...
Một loạt đạn bên Đại đội 8 đã ghìm đầu thằng A7 xuống nên bom rơi phía trước trận địa.
- Số 4, ô-vê bổ nhào. Bắn!
Loạt đạn rất căng của cả hai khẩu (đánh vỗ mặt) làm thằng OV chững lại, nhưng phát pháo khói vẫn bay về phía trận địa. Nó trúng đạn bay về phía Cửa Việt, phóng nốt mấy chùm pháo khói xuống biển để may ra thoát chết. Lợi dụng lúc sơ hở tập trung theo dõi thằng OV thì một thằng A7 đã từ trong mặt trời lao xuống trận địa.
- 12, A7 bổ nhào... - Không kịp nữa rồi, bom đã xòe lửa nổ bùm bụp trên đầu - Bom bi! - Tôi hét lên để anh em tránh nhưng sóng biển át đi, không khẩu đội nào nghe được cả. Thấy ta không nổ súng, bọn địch tới tấp lao vào đánh phá, định tiêu diệt cái trận địa cao xạ táo bạo và lợi hại này đối với chúng. Cho khẩu 5 tạm ẩn nấp tránh bom bi xong, tôi chạy về khẩu 4 thì hai pháo thủ Viễn và Thiện đã bị thương, Thiện bị thương máu chảy ướt ống quẩn nhưng không nói cho ai biết, vẫn bắt đường bay cho khẩu đội nhả đạn. Tôi phải nhắc khẩu 4 tránh bom bi sát thương như khẩu 5 nên các loạt bom bi địch đánh tiếp sau trùm vào trận địa, các khẩu đội đều tránh kịp. Anh em pháo thủ rất cảm động khi thấy đồng chí Hồi, tiểu đoàn phó xuống đơn vị trực tiếp chỉ đạo trung đội đánh lẻ đã vào thay pháo thủ số 2 và Trung đội trưởng Tuấn thay pháo thủ số 1 bị thương.
Sau khi đánh bom bi sát thương, bọn địch thay nhau giội bom đào, bom phạt xuống trận địa và trong làng, những nơi gần trận địa, nhà bác Mậu đang bốc lửa. Trong lúc mọi người lo lắng đến nín thở cho số phận 2 khẩu pháo cao xạ, không hiểu tại sao lại đột ngột lặng im! Hay là... thì đột nhiên những loạt đạn lại vọt lên từ trận địa, những loạt đạn rất căng, làm cho bọn đánh bom A6, A7 hết sức bất ngờ. Từ đó chúng không dám lao xuống thấp như trước nữa, cuối cùng để tránh đường đạn căm thù của trận địa, bọn chúng phải cắt nốt số bom cho rơi vãi lung tung rồi chuồn. Trận đánh kết thúc lúc 16 giờ 40 phút.
Tổ dân quân ở Thạch Bắc xách súng băng qua rào, vượt bãi bom bi, chạy ùa vào trận địa. Hồi hộp lo lắng nhưng rồi họ lại sửng sốt đến nghẹn ngào khi nhìn thấy các pháo thủ đang lau pháo đạn bình thản như một chuyện lạ.
- Tụi tôi cứ tưởng mấy eng răng rồi? Lo quá!
Bác Thưởng và bác Mậu thì hớt hải chạy từ ngôi nhà cháy ra, miệng lắp bắp:
- Ơi, mấy chú có mần răng không? Tui chịu mấy chú đó, cái thằng “tàu càng” nớ, chừ hết bay rồi. Tui đứng trông đạn các chú bắn mà thiệt sướng. - Bác Thưởng nói rồi cười hể hả.
- Chào các bác, các anh, các o, không ai việc gì cả, có đồng chí Thiện, đồng chí Viễn bị thương nhưng cũng bình thường thôi. Chỉ tiếc nhà bác Mậu khôngcứu được.
Tôi nói thành thật:
- Nó quây đến đông quá không thể bỏ trận địa vào cứu chữa được, các bác thông cảm! À, bà con mình có ai việc gì không?
- Ôi! Tiếc chi cái nhà tranh nớ mấy chú, mà có ở mô, đã có hầm địa đạo, còn ba sắp nhỏ với bả nhà tôi sơ tán tận ngoài Tân Kỳ tê, không ai việc chi mô, đánh trúng thằng “tàu càng” nớ là bà con mừng rồi. - Bác Mậu nói, bây giờ trông bác rất vui.
Để tránh địch đánh lại, bà con đã phân tán ra về hết, lúc này chúng tôi mới có thời gian nhìn lại trận địa của mình, những hố bom bi khoan lỗ chỗ cạnh công sự, hố bom đào, bom phạt chi chít quanh trận địa, tung lớp cát phủ lên mâm pháo, nòng pháo vàng khè, pháo bay hết áo ngụy trang, các pháo thủ mới về đơn vị đã đánh trận đọ lửa đầu tiên, mặt mũi nhọ nhem đang cười nói râm ran bên mâm pháo với các pháo thủ cũ đã dày dạn chiến trường.
Biển lại dào dạt, mênh mông nhuộm nắng chiều, những con còng chạy lăng xăng, nô đùa với làn nước mát. Chiều muộn, Vĩnh Linh - giây phút thanh bình, các pháo thủ lại thông nòng, lau đạn, chuẩn bị cho trận chiến ngày mai, trận chiến để không bao giờ có chiến trận.