Không phải tất cả những người lính, ai cũng có điều kiện để ghi nhật ký, nhất là ghi nhật ký trong chiến đấu, trên chiến trường. Nhưng cũng không ít cán bộ, chiến sĩ xuất phát từ trái tim và tình cảm, từ ý chí và tinh thần lạc quan cách mạng, cho dù hoàn cảnh như thế nào và khó khăn đến mấy, bằng nghị lực và sự kiên trì họ vẫn cố gắng, tranh thủ để ghi nhật ký. Do đó nhật ký của họ tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng chân thực dung dị, tự nhiênvà trong sáng, phản ánh sâu sắc bản chất “Bộ độiCụ Hồ”.
Vì vậy, được sự đồng ý của các tác giả nhật ký, xin chép lại nguyên văn một số đoạn trong nhật ký “Trên đường đánh giặc” của con nhà lính pháo.
Hành quân qua Khe Dinh
Ngày 17-6-1967
Khe Dinh
Đây Khe Dinh những dốc cùng đèo
Những “cua”, cua gấp dốc cheo leo
Gian lao chi bằng người lính pháo
Suốt đêm thức trắng mắt trong veo.
Khe Tang
Khe Tang mỗi mét một hố bom
Cỏ cây hoa lá tưởng chẳng còn
Ngờ đâu trên đường gian khổ ấy
Pháo xe ra trận ngày đông hơn
Nông trường Phú Quý
Ngày 23-6-1967
Thật là bất ngờ khi thấy những cô gái đi xeđạp trên đường, nơi đầy bom đạn và sự chết chóc này và những bà những chị ríu rít gánh mạ đi cấy, không thèm để ý đến tiếng gầm gào man rợ của máy bay địch? Hóa ra sắt thép và sự chết chóc không ngăn cản được cuộc sống vẫn sinh sôi nảy nở. Và khi gặp cảnh này người lính thấy yên tâm và tin tưởng hơn!
Ngày 26-6-1967
Nắng như thiêu đốt, người tưởng như bị rang khô trên chảo, hơi nóng bốc lên từ mâm pháo, mũ sắt trông cứ như lò lửa vậy. Đang lúc khát cháy cổ thì các mẹ, các chị và mấy cô gái gánh nước chè xanh đến. Thật là mát lòng những người lính khi có một miền quê như vậy.
Ngày 1-7-1967
Bốn đêm mới vượt được Long Đại, cái nútngăn chặn cuối cùng cho đến sông Bến Hải. Đứng trên phà mà cứ như đứng ở miệng tử thần vậy, chỉ có điều là sự đánh phá ác liệt của địch không thểngăn chặn được những đoàn xe pháo và những sư đoàn tiến về phía Nam. Dù sao thì cũng phải bái phục các đồng chí công binh anh hùng, lúc nào cũng đứng kề cái chết, nhưng đường vẫn thông và phà vẫn tốt. Khi con người ý thức được nhiệm vụ thì họ có sức mạnh vô biên, mà chắc không có thước nàođo được lòng dũng cảm của họ. Nếu có thể, mình muốn phong cho tất cả số họ có mặt nơi đây là những anh hùng!
Đến Vĩnh Linh
Ngày 10-7-1967
Cái cảm giác về Vĩnh Linh trong mình không sao tả được, bom đạn ác liệt là thế mà cuộc sống vẫn vui, phải chăng niềm tin đã cho họ sức mạnh? Và mình cảm thấy 45 ngày đêm hành quân vất vả của đơn vị chưa thấm vào đâu so với sức chịu đựng của đồng bào Vĩnh Linh. Nhân dân Vĩnh Linh đã sống trong địa đạo và nhà hầm từ khi có chiến tranh phá hoại. Ở đây dân là quân, sinh hoạt gần như “lính” cả. Các cháu nhỏ và người già cả phải đi sơ tán ra phía Bắc hết. Đi từ làng này sang làng khác bằng hào giao thông, mỗi đoạn hào “nguy hiểm” đều có dân quân gác và “cưỡng bức” đến nghiêm ngặt người đi trên mặt đất: “Đồng chí bộ đội, yêu cầu gương mẫu đi trong đường hào”, các cô gái lại còn nói: “Đồng chí bộ đội thân mến” nữa chứ, thật là nhộn...
Ngày 14-8-1967
Hai trưa nay mình ngủ mê mệt, sức khỏe sa sút quá. Trưa nào cũng nằm mê thấy được về nhà. Trong lúc đạn bom ào ạt này mà lại mơ thấy cảnh gia đình ấm cúng và gặp vợ...
Ngày 16-8-1967
Hôm qua một cô gái Vĩnh Tú (mình không biết tên) khi đi qua thấy cánh pháo thủ tụi mình vá áo bằng chỉ dù và kim bằng kim băng tự làm lấy. Chiều cô gái đem tặng khẩu đội 2 ba cuộn chỉ và ba tá kim. Cô gái thật thấu hiểu cánh lính pháo và cô đã ngồi hàng giờ khâu áo cho cánh pháo thủ. Mình thì khoác mảnh dù ngồi thu lu bên hòm đạn chả dám động đậy vì mình mặc có mỗi chiếc quần “xà lỏn”, mai kia về miền Tây chắc còn nhiều khó khăn hơn.
Miền Tây Vĩnh Linh
Ngày 25-8-1967
Những ngày đào công sự thật là vất vả, hôm qua địch nã pháo vào khu vực đào công sự. Đại đội 7 hy sinh một đồng chí, tình hình khá căng, cái đất miền Tây này sao mà toàn đá là đá, những nhát cuốc nảy lửa đến kinh người. Thế nào cũng phải làm xong để kịp tham gia chiến dịch.
Ngày 8-9-1967
Hôm qua địch lại dùng B-52 rải thảm từ khu vực ngã ba Đầu Y đến tây đường 42, một loạt vào đúng trận địa dự bị mình đang đào. May mình vừa ra khỏi độ năm phút thì loạt bom cày tung trận địa lên. Chỉ chậm lại một phút là mình đã xanh cỏ rồi, kể cũng lạ thật! Chết một con người đâu phải dễ...?
Miền Tây, ngày 19-9-1967
Trời vẫn mưa, công sự sụt lở nhiều, hầm đạn, hầm người đầy ắp nước, đêm qua ngập đến tận bếp hậu cần, nồi niêu, xoong chảo trôi tứ tung, dạo này độc món mắm kem, cái cây vông ở giữa trận địa đã vặt trụi lá rồi, thèm rau vô kể.
Ngày 27-9-1967
B-52 địch đánh suốt ngày. Trận địa chỉ còn màu đất vàng, đen trông đến phát hoảng lên. Chỉ có điều là anh em pháo thủ vẫn vững vàng bám trụ trong những chiếc hầm không lấy gì là chắc chắn lắm, sức mạnh nào đã giúp họ trở nên “sắt thép” như vậy? Nhưng ở đây cái sợ của mọi người là cái con “dĩn” khỉ gió, nhỏ như hạt cám, chui khắp người, bôi xăng, ma-dút cũng không làm chúng giảm bớt đi, ngứa kinh người.
Ngày 2-11-1967
Thế mà đã hơn 7 tháng nay chả thư từ gì, đôi lúc không có thời gian để mà nghĩ đến gia đình và bạn bè nữa.
Hậu cứ “Khe Sanh”
Ngày 22-11-1967
Học chính trị cho cán bộ trung sơ cấp. Tình hình sẽ gay go và phức tạp hơn. Trên lại nhắc: Hãy nói và làm theo nghị quyết và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Với cán bộ, đảng viên còn dễ thuyết phục, nhưng máy bay địch cứ như thế này, nói với anh em có dễ dàng gì để họ tin ngay!
Hậu cứ “Khe Sanh”
Tết Mậu Thân 1968
Thế là đã qua một cái tết, nghĩ mà thương anh em, mỗi người được hai cái kẹo và một điếu thuốc. Thấy anh em vui vẻ quá, mình cũng vui, cái vui của đời lính, nơi mà sống chết như trở bàn tay. Nhìn các khẩu đội cử đại diện đi chúc tết nhau và ngồi vào hầm pháo có mâm “ngũ quả” bằng đất mà nước mắt mình cứ muốn trào ra!
Ngày 26-10-1968
Sau những hy sinh mất mát, trái tim người lính dường như rắn lại. Cái chính là cần phải sống và chiến thắng kẻ thù, mình vẫn tâm sự với anh em như vậy. K2 vừa bắn rơi một thằng OV-10 và B2 cũng bắn rơi một chiếc và bắn bị thương một chiếc khác. Chỉ có điều là các pháo thủ gầy tọp lại, mặc dù dạo này bộ phận hậu cần đã dùng mũ sắt giã được bột làm bánh cuốn, bánh đa, nấu canh và làm nem ăn, có lẽ không có cuộc sống nào mạnh mẽ như cuộc sống người lính!
Những đoạn nhật ký trên đây, với ý định chép lại từ nguyên văn, nguyên bản của nhật ký, cho dù nó có lủng củng, vụng về nhưng nó chân thực, trong sáng như đúng bản chất nó có, bản chất Bộ đội Cụ Hồ.