Trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử (2014), giải phóng Điện Biên, chúng tôi về thăm lại chiến trường xưa. Đêm cuối xuân về khuya, trời Điện Biên vẫn còn lạnh giá. Nhà khách Lữ đoàn 82, Quân khu 2, thành phố Điện Biên đầy đủ chăn đệm ấm áp và yên tĩnh lạ thường mà sao tôi vẫn thao thức không ngủ. Tiếng nhạc hiệu “Giải phóng Điện Biên” và tiếng hát “Hò kéo pháo” vang lên trong không trung núi rừng Tây Bắc, đưa tôi về với những kỷ niệm sâu sắc, những ký ức không bao giờ quên về đơn vị với Điện Biên Phủ những ngày này 60 năm về trước.
Hình ảnh về một Trung đoàn “Vệ quốc quân” ra đời ở Thành Nam trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sinh ra từ “cái nôi” của nhân dân ba tỉnh Hà-Nam-Ninh miền đông nam hữu ngạn sông Hồng, vùng đất mang khí thiêng sông núi, nơi đã từng chôn vùi mộng xâm lăng của bao kẻ thù xâm lược. Đó là Trung đoàn 34 Tất Thắng và cũng là Trung đoàn 45 Pháo binh cơ giới đầu tiên, một đơn vị có bề dày lịch sử, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, nhiều ấn tượng sâu sắc về những chiến tích hào hùng trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Trung đoàn Tất Thắng”.
Hình ảnh Trung đoàn 45 gắn liền với hình ảnh Điện Biên Phủ 60 năm về trước, với huyền thoại “Tháo pháo xuôi bè”, với kỳ tích “Mở đường kéo pháo”, “Kéo pháo vào, kéo pháo ra”, với chiến công oanh liệt, bắn mở màn chiến dịch, thực hiện xuất sắc mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Đã bắn là phải bắn thật trúng làm cho địch phải khiếp sợ Pháo binh Việt Nam”, lập nên chiến công vang dội, góp phần cùng Mặt trận tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm 1954.
Tuy nhiên, không thể viết lịch sử Trung đoàn trong phạm vi bài viết này mà chỉ viết về những chiến tích lừng danh của Trung đoàn đã được lịch sử ghi nhận trong chiến tranh giải phóng dân tộc từ Điện Biên đến Sài Gòn để minh chứng rằng chiến thắng Điện Biên, tinh thần và khí phách Điện Biên, đã ngấm sâu vào máu xương của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn. Đó cũng là cơ sở, là hành trang, là bệ phóng cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh ác liệt để bước tiếp cùng đồng đội, cùng dân tộc, đi suốt cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, chống Mỹ xâm lược, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc cho đến hôm nay.
Với tầm nhìn chiến lược, từ những năm 1950-1951, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã chủ trương chọn xây dựng Trung đoàn 34 Tất Thắng thành Trung đoàn Pháo binh cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau những ngày tháng khổ luyện chuyển binh chủng ở nước bạn, Trung đoàn bí mật cơ động về nước, đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 45 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên quân đội ta có loại súng pháo cỡ lớn và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ pháo binh có bản lĩnh và trình độ đảm nhiệm quản lý, sử dụng loại vũ khí hiện đại này vào trận.
Pháo binh cơ giới của ta lần đầu tiên xuất hiện và lập chiến công vang dội ở Điện Biên Phủ như là huyền thoại về nghệ thuật tác chiến Việt Nam “Bí mật bất ngờ - Ẩn lặng như tờ - Đánh mạnh như sét”. Ngày 13-3-1954, quân ta mở đợt tiến công thứ nhất vào Điện Biên Phủ. Đại đoàn công pháo 351 có nhiệm vụ chính là yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích hoả lực vào sân bay, sở chỉ huy và các căn cứ hậu cần, kho tàng dự trữ của tập đoàn cứ điểm.
Trung đoàn Pháo binh 45 được giao nhiệm vụ bắn những phát đạn pháo đầu tiên phát lệnh mở màn chiến dịch lúc 13 giờ 10 phút ngày 13-3-1954, trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam - cửa ngõ thép của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại đội 806 của Trung đoàn có vinh dự lớn được nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Đúng ra, ta định giữ bí mật hỏa lực pháo 105 ly đến giờ nổ súng vào 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, nhưng trưa hôm đó, quân Pháp cho bộ binh và xe tăng ra đánh vào vị trí xuất phát xung phong của bộ đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trực tiếp ra lệnh cho pháo binh bắn phát đạn pháo 105 ly vào Him Lam sớm hơn dự kiến và Đại đội 806 đã thực hiện bắn 20 phát đạn vào trung tâm đề kháng Him Lam. Trừ hai phát bắn thử kiểm tra pháo và hiệu chỉnh phần tử bắn, còn tất cả đều trúng mục tiêu, trúng hầm chỉ huy, tiêu diệt tên tiểu đoàn trưởngPê-gô, và tiểu đoàn phó Pác-đi cùng ba sĩ quan địch trong hầm, trúng đội hình đại đội lính lê dương cùng hai xe tăng địch đi lùng sục theo lệnh Đờ Cát, đang đánh vào trung tâm tuyến tập kết xuất phát tiến công của ta, làm chúng bất ngờ, hoảng sợ, quay đầu tháo chạy về Mường Thanh.
Đến 17 giờ cùng ngày, quân ta mở trận tập kích mở màn chiến dịch. Pháo binh ta tập trung hoả lực giáng đòn cấp tập, mãnh liệt, liên tục giội bão lửa xuống tập đoàn cứ điểm suốt gần hai tiếng đồng hồ, cả Him Lam và Mường Thanh rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập của đạn pháo. Hầm hào, công sự sụp đổ, kho xăng bốc cháy, máy bay trên sân bay Mường Thanh nổ tung, các trận địa pháo ở khu trung tâm hoàn toàn tê liệt, 12 khẩu pháo cối bị hỏng. Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị trúng đạn, sở chỉ huy phân khu Bắc bị băm nát. Trung tá Gô-sê cùng một số sĩ quan tham mưu của phân khu Bắc tử trận… Như rắn mất đầu, phân khu Bắc và cụm cứ điểm Him Lam rơi vào hoảng loạn, dù ngoan cố chống đỡ kể cả Đờ Cát đưa quân phản kích cứu viện vẫn bị bộ binh ta tiến công tiêu diệt.
Địch rất bất ngờ trước sự xuất hiện và sức mạnh của pháo binh ta. Mới trận tập kích đầu tiên, pháo binh ta đã tiêu hao lực lượng của tên quan năm pháo binh Pi-rốt tới 6.000 viên đạn đại bác, bằng một phần tư số đạn pháo của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và đau hơn nữa là 12 khẩu pháo lớn của chúng ở Mường Thanh đã bị pháo binh ta quật cho tan nát… không dễ gì bổ sung ngay được số lượng lớn đạn và pháo đã mất, cho nên chỉ sau ba ngày mở màn chiến dịch, bất ngờ trước đòn phủ đầu hoả lực mãnh liệt của pháo binh ta, Pi-rốt - phó chỉ huy kiêm tư lệnh pháo binh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã cùng đường phải tự sát thảm hại.
Chiến thắng lớn Him Lam, Độc Lập, chiến thắng oanh liệt của đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ, đập tan cánh cửa phòng ngự kiên cố phía bắc, đường chiến thắng tập đoàn cứ điểm đã mở. Trận mởmàn thắng lợi đã làm nức lòng quân và dân Điện Biên, phấn khởi tin tưởng pháo binh, tin tưởng thắng lợi và đơn vị đầu tiên được trao cờ “Quyết chiến quyết thắng”, phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chính là Đại đội 806 Trung đoàn trọng pháo Tất Thắng, đơn vị bắn mở màn chiến dịch.
Suốt 55 ngày đêm liên tục tiến công, chi viện chính xác kịp thời cho các đại đoàn chiến đấu, dũng cảm kiên cường, mưu trí và sáng tạo, đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng, nhiều đòn đánh hiểm, đánh bất ngờ, bắn gián tiếp, bắn trực tiếp, đánh liên tục cả ngày lẫn đêm, dùng pháo bắn tỉa, bắn mục tiêu đơn lẻ, mục tiêu cố định và di động, dùng đạn ngòi nổ trên không bắn máy bay địch khi chúng thả quân nhảy dù trong đêm hoặc thả dù tiếp tế hậu cần, dùng đạn pháo địch đánh địch… Trung đoàn lập nhiều chiến công, trong đó có những trận chiến quyết định ở các đồi A1, C1, góp phần cùng với toàn Mặt trận đập tan tập đoàn cứ điểm, tướng Đờ Cát đầu hàng, bộ tham mưu và 16.000 sĩ quan binh lính Pháp bị tiêu diệt và bắt sống, làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp dẫn đến buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngừng bắn ở Việt Nam. Miền Bắc được giải phóng.
Để bổ sung cho “hành trang” từ Điện Biên Phủ đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn 45 đã nỗ lực khẩn trương rèn luyện trở thành quê hương của phong trào “Pháo thủ toàn năng” của lực lượng vũ trang nhân dân, đi đầu trong việc rèn luyện tổ chức chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hướng tới nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc kháng chiến trường kỳ nhất, gian khổ nhất và cũng khốc liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Vì Mỹ là một đế quốc giàu có, tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới, đóng vai trò sen đầm quốc tế, với tham vọng cái gì Pháp không làm được ở Việt Nam thì Mỹ sẽ làm. Vì vậy sau khi phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chúng tiến hành một loạt chiến lược chống Việt Nam, từ chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới đến chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, nhưng liên tiếp bị thất bại. Cuối năm 1965 đầu năm 1966, Mỹ ồ ạt đưa quân và các phương tiện chiến tranh kéo theo nhiều nước chư hầu đổ bộ vào miền Nam Việt Nam cùng nguỵ quyền, tay sai tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” quy mô lớn, đặt Việt Nam đứng trước cuộc đối đầu lịch sử lớn nhất trong công cuộc chống xâm lược của dân tộc.
Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân cả nước ta bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần quyết đánh và quyết thắng Mỹ. Miền Bắc “hậu phương lớn” với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”, học sinh, sinh viên cùng với các nhà giáo tạm xếp bút nghiên lên đường ra trận.
Trên chiến trường miền Nam, Mặt trận B5 (Đường 9 - Bắc Quảng Trị) đã trở thành nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa một bên là đế quốc Mỹ - một hung nô thời đại cùng các nước chư hầu và nguỵ quyền tay sai, một bên là dân tộc Việt Nam bất khuất, với ý chí cả nước lên đường, toàn dân ratrận. Các binh đoàn chủ lực lần lượt vào tham chiến, trong đó có Trung đoàn 45 Pháo binh là cụm pháo chủ lực của Mặt trận, tham gia liên tiếp các chiến dịch lớn. Đoàn 5 Pháo binh Quân giải phóngBắc Quảng Trị (phiên hiệu của Trung đoàn 45) đã thành tên gọi thân thương, tin yêu của nhân dân và là nỗi khiếp sợ của Mỹ - ngụy, với những chiến công nổi bật:
Chiến dịch hè thu 1967: Trung đoàn làm lễ xuất quân trên đất Tổ Hùng Vương, cán bộ, chiến sĩ cùng nhau hứa với Bác Hồ kính yêu, quyết tâm phát huy truyền thống “Tất Thắng”, truyền thống “Điện Biên” vào Nam chiến đấu, Trung đoàn 45 mở đầu đánh Mỹ bằng hoả tiễn mang vác ĐKB (Ca-chiu-sa), vừa đánh độc lập, vừa chi viện trực tiếp cho Sư đoàn 324. Đánh tiêu diệt và tiêu hao nhiều tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ, biệt động nguỵ, làm nên những chiến thắng vang dội ở Gio Linh, Cam Lộ, Cồn Tiên, miếu Bái Sơn và Hồ Khê. Đánh bại cuộc càn quét của quân Mỹ, tiêu diệt và bắt sống một số xe tăng của chúng… thêm minh chứng là ta dám đánh Mỹ và có thể đánh thắng quân Mỹ, tạo bàn đạp để các lực lượng bám trụ và phát triển phong trào chiến tranh nhân dân Đường 9 - Bắc Quảng Trị.
Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Khe Sanh - Hướng Hoá: Cùng quân và dân miền Nam Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, suốt hơn 100 ngày đêm cùng các binh đoàn chủ lực và bộ đội địa phương thực hiện chiến dịch nghi binh chiến lược. Đã hiệp đồng tổ chức những trận đánh lừng danh, chi viện cho các Sư đoàn 304, 325 và Sư đoàn 308 bao vây tiêu hao và tiêu diệt sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ tại lòng chảo Khe Sanh; tiêu diệt tiểu đoàn lính nguỵ tại cứ điểm Làng Vây, bắt sống nhiều tù binh, có cả trung đội cố vấn Mỹ, độc lập tập kích và chi viện bộ binh đánh bại sư đoàn kỵ binh bay ra ứng cứu. Liên tục đánh độc lập, mở đầu là những trận đánh tập kích pháo mãnh liệt vào sân bay Tà Cơn - nơi có sở chỉ huy hành quân, trung tâm thông tin, kho vũ khí và nhiên liệu, tiêu diệt nhiều sinh lực cao cấp, phá huỷ, phá hoại nhiều máy bay và phương tiện chiến tranh mấy ngày trước Tết Mậu Thân, thu hút nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, tạo thuận lợi để cả đô thị toàn miền nổi dậy, làm tốt chức năng nghi binh của chiến dịch nghi binh.
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971:Suốt 52 ngày đêm, Trung đoàn trở lại sử dụng pháo cơ giới truyền thống (Đ74) kết hợp dùng pháo hoả tiễn, sức mạnh được nhân lên chi viện hiệu quả và kịp thời cho các đơn vị trong mặt trận 70 (B70) chủ lực của chiến dịch cùng các sư đoàn tinh nhuệ của chiến trường thực hiện chiến dịch phản công, tiêu diệt gọn, xoá sổ nhiều đơn vị chủ lực ngụy được Mỹ chi viện tối đa về phi pháo; bắt sống nhiều tù binh trong đó có đại tá Nguyễn Văn Thọ - lữ đoàn trưởng lữ đoàn dù số 3 nguỵ; thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Riêng đơn vị tiêu diệt trên 1.500 tên địch, phá huỷ 11 sở chỉ huy, 90 pháo, 94 xe quân sự, 82 lô cốt; bắn rơi và bắn cháy 50 máy bay, 82 kho xăng, thu 5 pháo. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào thắng lợi, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn - 719” của Mỹ - nguỵ, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972: Trung đoàn được giao nhiệm vụ làm thê đội hai chiến dịch và chiến đấu bảo vệ hành lang hướng biển và cuối tháng 4 vào chiến đấu trực tiếp chi viện cho bộ binh giải phóng Đông Hà, La Vang, Ái Tử, Cửa Việt, giải phóng tỉnh Quảng Trị. Trung đoàn đã chủ động mưu trí, đánh độc lập, đánh hiệp đồng binh chủng, kể cả phát huy pháo bắn tỉa như ở Điện Biên Phủ, cùng bộ binh bám trụ kiên cường đánh địch phản kích. Suốt 81 ngày đêm, các tổ đài cảm tử, các trận địa anh dũng ngoan cường chiến đấu cùng bộ binh bảo vệ Thành Cổ, bảo vệ cảng Cửa Việt và các vùng trọng yếu của tỉnh, chấp hành và thực hiện hiệu quả, kịp thời việc phối hợp, hiệp đồng đánh trừng phạt khi Mỹ - nguỵ đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, đánh Thủ đô Hà Nội ác liệt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972. Với những chiến công xuất sắc, sau chiến thắng lịch sử Quảng Trị năm 1972, Trung đoàn 45 và Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Quả thật, trong chiến tranh nếu so sánh, tỷ lệ thương vong ở Thành cổ Quảng Trị thật là quá lớn, một sự đau thương và mất mát vô hạn, đến mức một cựu chiến binh đã viết: “Nhẹ bước chân và bước khẽ thôi/ Thành cổ rộng, sao đồng đội tôi nằm chật”. Kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng, và khi người lính đã cầm súng là sẵn sàng chấp nhận hy sinh, nhưng chiến trường Thành cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972 đã vượt xa sự ác liệt, vượt quá sự hy sinh. 81 ngày đêm chiến đấu khốc liệt, với muôn vàn gian khổ hy sinh nhưng rất vẻ vang, chúng ta đã chiến thắng. Chính sự hy sinh, cống hiến của bộ đội ta tại thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã làm rạng rỡ cho Tổ quốc Việt Nam vinh quang, làm nức lòng nhân dân thế giới, buộc Mỹ - ngụy phải chấp nhận thất bại, ký vào hiệp định đình chiến ở Pa-ri, mở đường cho “Mỹ cút, ngụy nhào”. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết về Thành cổ: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải là vì chúng ta là gang thép. Vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam với truyền thống bốn nghìn năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân 1975: Trung đoàn đã chuyển thành Lữ đoàn và tham gia chiến dịch trong đội hình Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng. Lữ đoàn 45 Pháo binh đã hành quân thần tốc với chặng đường 1.700 ki-lô-mét, chạy đua với thời gian, lao nhanh tới địa bàn chiến dịch, tham gia chiến đấu, chi viện cho Sư đoàn 312, tiêu diệt sư đoàn 5 nguỵ, giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một, vượt ngầm Sông Bé tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn, chi viện cho Sư đoàn Đồng Bằng bắn những loạt đại bác cuối cùng vào Bộ Tổng tham mưu ngụy, góp phần kết thúc chiến dịch, giành thắng lợi hoàn toàn, thắng lợi oanh liệt nhất, hiển hách nhất trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ “Điện Biên” đến “Sài Gòn”, 21 năm trên đường chiến đấu, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Trung đoàn Pháo binh Tất Thắng đã xây dựng và phát huy rực rỡ truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” và truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 10 năm 1976, Đại đội 806 được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn và Lữ đoàn 45 Pháo binh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2005, thời kỳ đổi mới, Lữ đoàn 45 Anh hùng lại được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.
Năm 2014