Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hòa mới lên chín tuổi. Thời ấy trường học hiếm lắm do chính sách ngu dân của thực dân Pháp hạn chế, cấm đoán mở trường học cho dân bản xứ. Vì vậy, lớp tuổi Hòa hầu hết phải đi học với các thầy dạy tư tại nhà (gia sư). Ban đầu học cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, sau dần bỏ chữ Nho chuyên chữ Quốc ngữ. Học với các thầy dạy tư là học chữ, tập đọc, viết chính tả, học toán, đến khi có đủ trình độ, mới được thi vào học ở trường tiểu học (trường của huyện). Nhưng khi Hòa học hết lớp ba, thì trường này giải tán, thay vào đó là trường cấp hai Vĩnh Lộc ra đời đặt tại làng Bồng Trung. Trường tổ chức theo hệ thống giáo dục mới của Nha Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cấp hai có ba lớp, thời kỳ đầu gọi là lớp đệ ngũ, lớp đệ lục và lớp đệ thất, về sau gọi là lớp 5, lớp 6 và lớp 7. Hết lớp 7 thì tốt nghiệp cấp hai lấy bằng Trung học (thời trước gọi là bằng thành chung, tiếng Pháp gọi là đíp-lôm). Sau cấp hai là cấp ba chỉ có hai lớp: lớp 8 và lớp 9. Như vậy hệ thống giáo dục phổ thông trung học thời kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng tự do Thanh Hoá lúc này chỉ có chín năm (sau này đổi là mười năm, rồi mười hai năm như hiện nay).
Với Hòa, ba năm học cấp hai là những năm sôi động nhất của đời học sinh, có tiếng được khen là học sinh hiền lành, học giỏi, nhất là các môn xã hội: Văn, lịch sử, địa dư, chính trị, đạo đức…, mê đọc sách, ham học hỏi, được thầy giáo, cô giáo cùng bạn bè học sinh tin yêu, quý mến, tôn trọng bầu làm Hiệu đoàn trưởng Hiệu đoàn học sinh nhà trường ba năm liền, từ lớp năm đến lớp bảy trong tổ chức học sinh, sinh viên Thanh Hóa thời bấy giờ. Do thi tốt nghiệp và tổng kết cuối cấp Hòa đạt điểm giỏi, lại được bình bầu là học sinh xuất sắc, cán bộ Hiệu đoàn gương mẫu, có thành tích (như đã tổ chức vận động cho học sinh về địa phương tham gia dạy bình dân học vụ, tổ chức cho học sinh toàn trường tranh thủ nghỉ hè tham gia các đợt dân công vận chuyển lương thực đi chiến dịch ở các cung đoạn gần, thời gian ngắn, hợp với sức khoẻ của học sinh, tích cực tham gia phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm…) nên Hòa được Hội đồng giáo viên nhà trường xét công nhận và đề nghị với Ty Giáo dục đủ tiêu chuẩn đặc cách vào thẳng cấp ba không phải thi tuyển.
Tuy vậy, Hòa chỉ học được ba, bốn tháng đầu năm học lớp 8 cấp ba thì phải bỏ học vì gặp rất nhiều khó khăn: Một là huyện Vĩnh Lộc không có trường cấp ba, trường được vào học là một trường lớn ở ngoài Bắc (Liên khu 3) tản cư vào đóng tại thị trấn Neo, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, cách nhà Hòa hơn 40 cây số. Hằng tuần, cậu học sinh bé nhỏ phải vác bao ruột tượng gạo nặng và đeo bên hông một túi vải to đựng quần áo, đồ dùng, sách vở, trong đó không thể không đem theo chiếc đèn dầu hoả để đi học ban đêm, để tránh máy bay địch oanh tạc. Đi bộ qua đò Hoành (sông Mã), ngược lên phà Kiểu, theo đường đê sông Đào về phía tây lên cầu Vàng, qua đập Neo vào thị trấn Thọ Xuân để về nhà trọ. Đi nhanh cũng mất tám giờ, nếu mệt mỏi nghỉ nhiều phải hơn mười tiếng. Cuối tuần hết gạo, thứ bảy về nhà, chủ nhật lại lên trường, lặp lại hành trình như trên với chặng đường đi về hơn 80 cây số. Hai là kinh tế khó khăn, gia đình chỉ chu cấp cho đủ gạo ăn và ít tiền tối thiểu để chi tiêu ăn uống và đóng góp học phí cho nhà trường nhưng không đủ, bạn học cùng cảnh, rủ nhau cùng ở trọ, góp nhau cùng ăn chung lọ muối vừng, muối lạc, còn chủ yếu là ăn cơm với rau muống chấm nước mắm loãng, có khi chỉ là nước muối. Để đỡ khó khăn cho gia đình và bản thân, anh em bàn nhau làm “kinh tế” để đi học: kèm dạy học thêm cho các em lớp dưới, cho con nhà chủ ở trọ; dạy nhau “nghề” cắt tóc để giờ trưa, ngày nghỉ cắp tráp đi cắt tóc dạo; nghỉ hè tranh thủ đi làm thuê, để có tiền đi học tiếp,v.v…
Tuy nhiên, được vào thẳng lớp 8 cấp ba lúc này là sự kiện, là mong ước hiếm có, thế mà Hòa lại bỏ học? Bên ngoài ai cũng tưởng rằng vì trường học ở quá xa Hòa không theo nổi chứ không hẳn vì khó khăn kinh tế hay bất cứ một lý do nào khác. Ít ai biết rằng tuy chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng Hòa cũng đã có đủ tư duy nhạy cảm, sớm nhận ra tình cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp nhiều mặt đối với gia đình và bản thân để có sự lựa chọn thực tế cho đường đi của mình, con đường duy nhất lúc này là xung phong tòng quân tham gia kháng chiến như lớp các anh đi trước.
Đêm đêm, nơi trọ học xa, một mình với bao trăn trở suy tư về tương lai của gia đình, bản thân cứ triền miên vô định vì hiện thực trước mắt, hoàn cảnh gia đình đang lâm vào tình trạng bế tắc, khó khăn, sa sút mọi bề. Bố Hòa suy sụp cả về sức khỏe và tinh thần, luôn ốm đau không làm được gì, cuộc sống gia đình chỉ còn trông vào mấy sào ruộng. Nhưng còn sức lao động? Chị gái đã đi lấy chồng, em nhỏ đang học cấp một, mẹ không chỉ tuổi đã nhiều mà sau những tháng năm tần tảo lận đận vì chồng con và sau những “cú sốc” của gia đình vừa qua, bà cũng đã kiệt sức. Bà ốm đau luôn, song bà vẫn âm thầm chịu đựng, nhưng rồi bà sẽ gắng gượng chống đỡ được bao lâu? Bây giờ, lao động chính chỉ còn trông chờ vào Hòa. Là con trai, lại đang đi học, được mẹ ưu ái chỉ bắt làm những việc nhẹ ở nhà nhưng thương mẹ và chị, từ nhỏ Hòa đã chịu khó lao động giúp đỡ gia đình, mặt khác sinh ra ở môi trường làng quê nghèo, thuần nông, một cách tự nhiên Hòa chăm chỉ lao động thành quen. Là một học sinh nhỏ tuổi, không chỉ công việc ở nhà mà Hòa còn rất thành thạo công việc đồng áng nặng nhọc kể cả cày, bừa, gặt hái… như một nông dân thực thụ.
Sau một đêm thức trắng trăn trở, suy tính nhiều bề, Hòa dậy sớm, đến nhà thầy Hiệu trưởng để xin thôi học. Sau một phút bất ngờ, thầy thân tình hỏi:
- Anh đã nghĩ kỹ chưa?
- Thưa thầy, em suy tính kỹ rồi ạ, không phải em không cố gắng mà vì hoàn cảnh gia đình!
- Nếu cần lời khuyên, thầy thấy em học được, em nên cố, chỉ hơn một năm nữa, nếu không phí mất bảy, tám năm học trước, em về tính lại với gia đình, thầy chẳng giúp em được gì hơn, hãy về nói lại ý kiến thầy với bố mẹ.
Về nhà trọ, Hòa thu dọn đồ đạc, thanh toán và “tâm sự” với ông bà chủ nhà. Ông bà tỏ ra thương cảm và quyến luyến rồi nhất định không nhận tiền thuê trọ ba tháng của Hòa. Để Hòa yên tâm, ông nói nếu Hòa tính tiền kèm dạy học thêm cho con ông để con ông chăm học và học khá như hôm nay thì ông còn nợ Hòa là khác, và ông còn nói: “Hay là cậu cứ ở lại đi học, vợ chồng tôi coi cậu như người nhà, cơm canh rau muối cùng gia đình, không lấy tiền ăn ở của cậu, nếu cậu không chê”. Cảm động trước tấm lòng nhân hậu của ông bà chủ, Hòa xin cảm tạ nhưng phải từ chối vì ông bà chưa thể hiểu được việc Hòa đành phải bỏ học không phải chỉ vì thiếu tiền ăn học. Sáng hôm sau, Hòa chào ông bà, gia đình và chia tay với các em mà Hòa kèm học thêm rồi lên đường về quê, chấm dứt thời học sinh sôi động, thời niên thiếu đầy ắp những kỷ niệm vui buồn, những trải nghiệm nhiều sóng gió.
Về nhà lần này, tỏ ra đã khôn lớn trưởng thành, Hòa giấu kín không nói lời khuyên của thầy Hiệu trưởng và quyết định thôi học cho bố mẹ biết, chỉ “bịa” như là thật rằng theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Tất cả cho tiền tuyến” nên nhà trường cho nghỉ hè sớm để về giúp gia đình tăng gia sản xuất chống đói và tham gia công tác ở địa phương. Thật ra tình hình thực tế lúc này cũng đúng như vậy, ở Thanh Hoá đang sôi nổi dấy lên các phong trào, lớn nhất là phong trào tòng quân, phong trào đi dân công, phong trào làm đường và đóng thuế nông nghiệp, đồng thời với phong trào đẩy mạnh tăng gia sản xuất cứu đói… Tất cả lương thực, nguồn lực dồn sức cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính từ cảm nhận tình hình nói trên và qua thực tế thấy các lớp đàn anh học trước, dù tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp cấp ba, trừ một số rất ít được đi học tiếp ở Quế Lâm, Trung Quốc, còn hầu hết lên đường nhập ngũ, tòng quân đánh giặc cứu nước. Hòa quyết định thôi học với ý định, trước mắt về nhà lao động, ổn định gia đình, đồng thời xin được tham gia bất cứ công việc gì ở quê, quyết tâm phấn đấu để được đi thoát ly khỏi địa phương, để được hoạt động công tác cách mạng, để được thử thách, tiến bộ.
Cho đến bây giờ, Hòa vẫn thấy quyết định thôi học của mình ngày ấy là chính xác, đúng cả thời điểm, thời cơ, bởi vì nếu không thôi học thì làm sao mà đi thoát ly được, còn việc về lao động giúp bố mẹ ổn định gia đình cũng là cơ sở để yên tâm thoát ly. Thật ra lúc này, nếu Hòa đi thoát ly, gia đình chỉ còn ba nhân khẩu, bố mẹ và cậu em út, nhu cầu cuộc sống đơn giản thời chiến ở làng quê rất đạm bạc. Hòavẫn nói với bố mẹ rằng tuổi đã nhiều, không nên tham làm nữa, nhỡ ốm đau, tiền thuốc tốn kém, khó khăn rất nhiều, lại còn lo cho em ăn học nữa. Hòa tâm sự với chị gái và anh rể lý do Hòa bỏ học và nhất quyết sẽ đi thoát ly. Nếu Hòa đi vắng, gánh nặng gia đình anh chị lo giúp.
Hòa nói hết những điều tâm sự trong lòng với chị gái. Hòa biết chị là dâu cả nhà người ta, lo gánh vác việc nhà chồng đã quá vất vả rồi, sức khoẻ lại bị suy sụp, bị tâm lý sau vụ chị và chị Thân (con bác ruột) đi dân công hoả tuyến về đến bến đò Thuý Đại qua sông Mã từ bên Yên Định sang thị trấn Vĩnh Lộc, bị máy bay địch oanh tạc trên dọc sông phát hiện bắn trúng, đò ngang vỡ tan nhiều mảnh giữa sông. Chị Thân có thể đã bị trúng đạn, hoặc chết đuối chìm dưới đáy sông, gặp lúc nước lớn cuốn trôi ra biển, vì sau khi xã đội tổ chức huy động dân quân cùng đội thuyền rà quét hàng tuần trên bến sông vẫn không tìm thấy thi thể. Hòa và anh con bà dì, anh cò Bình vác gạo ăn đường đi dọc bờ sông Mã từ bến Bồng xuôi dòng đến các bến bãi, các vũng xoáy: Ba Bông, Đền Hàn, Đò Lèn, Gũ (Nga Sơn)… ra tới biển, đồng thời đi đến đâu hỏi thăm dân làng địa phương hai bên bờ sông nơi đó, ròng rã hơn tháng trời vẫn không tìm thấy xác chị. Cuối cùng gia đình đau buồn, làm tang lễ, ông bác thuê thầy cúng, nhờ nhà chùa lập đàn giải hạn, giải nạn, giải thoát cho chị và sau kháng chiến chị Thân được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Còn chị ruột Hòa có may mắn hơn, khi đang vùng vẫy, bị sặc no nước, đã tuyệt vọng, chơi vơi sắp chìm, chị đụng phải một mảnh ván đò vỡ và cố bám chặt lấy nó, lập lờ trôi trên sông, may mắn được phát hiện vớt lên bờ, dốc nước, hô hấp đưa vào trạm xá cứu sống, nhưng từ đó chị cứ ốm đau luôn. Hòa rất thương chị nhưng không nhờ chị, còn biết nhờ ai. Ngược lại, cũng vì rất thương Hòa và hoàn cảnh gia đình, chị bảo: “Cậu cứ quá nghĩ làm gì, nếu cậu quyết ra đi, cậu chả bảo, việc nhà chị vẫn phải lo…”.
Được chị đồng cảm, động viên, việc nhà tạm ổn, Hòa “lăn” vào xin việc ở địa phương. Trừ việc được “mời” tham gia tổ tính thuế, lập sổ thuế nông nghiệp cho xã, vì tính thuế cần người cẩn thận, có văn hoá, tính toán không được sai sót, sử dụng thành thạo bàn tính (bàn gẩy theo hệ số thập phân thường dùng tính tiền ở các hiệu thuốc bắc), còn tất cả các việc khác Hòa đều tự nguyện xin tham gia như dạy bình dân học vụ cho bà con và cán bộ xã, hoạt động thanh thiếu niên, tuyên truyền, động viên phong trào ủng hộ kháng chiến, phong trào đi dân công, phong trào tòng quân v.v…
Cuối năm 1953, xã thông báo có hai đợt tuyển quân, vào tháng 9 và tháng 11, bổ sung cho các đơn vị chủ lực. Lập tức, Hòa xin đăng ký khám tuyển, mặc dù chưa từng biết người lính chiến đấu sẽ gian khổ như thế nào, nhưng bao năm nay anh đã chứng kiến tận mắt hình ảnh anh bộ đội về làng đóng quân, ăn ở tại nhà, khó khăn, thiếu thốn, gian khổ hy sinh. Bên cạnh đó, qua hình ảnh và chuyện kể, cảm nhận mà không thể nói thành lời, Hòa đã quyết ra đi không đắn đo suy tính. Nhưng cả hai đợt khám tuyển, Hòa đều không trúng, lý do đợt tháng 9 là chưa đủ tuổi, đợt tháng 11 khai tăng tuổi lại chưa đủ cân! Hòa năn nỉ xin Huyện đội và Ban Tuyển quân nhưng không được.
Sau khám tuyển không trúng, Hòa có phần chán nản rồi lại tìm cách đi khác cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Hòa xin đi thanh niên xung phong, hoặc được đi học một ngành nghề chuyên môn nào cũng được, miễn là được đi công tác thoát ly tham gia cách mạng. Trong khi chờ đợi có dịp để thực hiện ước nguyện, một người bạn thân ở trường cũ mách bảo, nhà trường được Ty Giáo dục thông báo cho chỉ tiêu xét tuyển học sinh đi du học ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Hòa xin, nhà trường đồng ý cho làm đơn để xét, nhưng chính quyền địa phương không nhất trí.
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, không khí kháng chiến của nhân dân vùng tự do, hậu phương lớn Thanh Hoá sôi động khác thường, nhất là khi Bộ Chính trị Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quyết tâm tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, cho chiến dịch chắc thắng. Ngày ấy dù đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bà con nhân dân vẫn rất lạc quan tin tưởng vào ngày chiến thắng. Hướng lên Điện Biên, động viên nhau dốc hết lương thực, nhân lực cho tiền tuyến. Nạn đói chưa qua, bà con vẫn ăn khoai, sắn, rau má, và thu gom lương thực thóc gạo, tổ chức liên tiếp các đợt tòng quân, các đợt dân công hoả tuyến để tiếp tế bổ sung cho chiến dịch.
Một ngày đầu tháng 1 năm 1954, xã thông báo có đợt tuyển quân gấp, bổ sung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thấy có thời cơ thuận lợi, lại đã bước sang tuổi 18, Hòa xung phong khám tuyển. Nghe nói đợt tuyển quân lần này do Huyện đội chủ trì, lấy theo chỉ tiêu yêu cầu của chiến dịch. Sợ lại bị trượt như những lần trước, Hòa tìm đến người anh em bà con trong xóm nhờ giúp đỡ. Anh là Trịnh Thế Dung, y sĩ trong tổ khám tuyển, người quyết định chủ yếu về khám sức khoẻ. Ông bác ruột anh Dung là chồng bà o (bà cô) bên đằng nội Hòa, anh còn là bạn học lớp trên, lớp đàn anh hơn Hòa ba đến bốn tuổi. Trước ngày khám tuyển, Hòa tâm sự với anh, nói hết tâm tư, ước nguyện của mình. Nghe xong, nhận ra tình cảm và quyết tâm của Hòa, anh nói, anh rất thông cảm với Hòa, sẽ giúp đỡ trong khám tuyển để được nhập ngũ đợt này. Anh còn động viên là: “Sức khoẻ cậu không phải lo, cân nặng chỉ cần 45 cân trở lên là được, chỉ tiêu tuyển quân gấp lần này thì nhiều mà thanh niên xã ta cứ đến tuổi là đi hết, đợt này “vét” chưa chắc đã đủ… nhưng cậu cũng phải thông cảm, nếu có sự can thiệp của xã, tôi cũng khó giúp cậu!”.
Sau ngày khám tuyển, Hòa được lên gặp đồng chí cán bộ đại diện của Huyện đội trong Hội đồng tuyển quân. Hồi hộp, vừa mừng vừa lo không biết thế nào, thì đồng chí cán bộ đã nói:
- Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần xung phong tòng quân của anh, nhưng cán bộ và bà con nhân dân xã ta “yêu cầu” để anh ở lại làm công tác cho địa phương, bà con tín nhiệm anh, nhất là anh dạy bình dân học vụ cho bà con.
- Không đúng - Hòa nói ngay vì đã thấy nóng trong người và hỏi lại - Thế tại sao mấy anh trong đó có bạn em cũng đang dạy bình dân học vụ, thậm chí có anh đang làm những công tác quan trọng ở Ủy ban Kháng chiến xã vẫn trúng tuyển, vẫn thông báo được nhập ngũ?
- Thì làm tốt công tác ở hậu phương cũng là thiết thực tham gia kháng chiến - Đồng chí cán bộ lảng tránh không trả lời câu hỏi của Hòa!
Biết là có chuyện, và đồng chí cán bộ Huyện đội cũng không thể nói thẳng ra sự thật của vấn đề, nên Hòa kìm nén bức xúc và đề nghị xin được báo cáo trình bày những tâm tư nguyện vọng, mong muốn được nhập ngũ của mình.
- Anh nói đi, nhưng phải nhanh lên, tôi còn nhiều việc đang chờ trên huyện. - Đồng chí cán bộ giục Hòa.
Được đồng chí cán bộ Huyện đội đồng ý (sau này Hòa mới biết, đó là đồng chí Huyện đội phó trực tiếp phụ trách quân lực), lại thấy được dịp may hiếm có để phản ảnh với trên, nên Hòa nói một mạch không dừng như vừa tâm sự, vừa báo cáo, phản ảnh nỗi lòng của mình.
Hòa quyết tâm xin nhập ngũ đi chiến đấu, hơn nữa Hòa đã đến tuổi trưởng thành, được học hành chút ít, đủ suy nghĩ và nhận biết được nghĩa vụ của người thanh niên trước sắc lệnh tổng động viên và lời kêu gọi của Bác Hồ: “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để chiến thắng”. Ngoài ra, Hòa không bao giờ quên mối thù vụ tàu bay giặc Pháp oanh tạc dã man giết chết và làm bị thương chị họ và chị gái Hòa cùng bao dân công hoả tuyến tại bến đò Thuý Đại; vụ chúng ném bom bắn phá khu vực đò Báo làm chết bốn người trong đó có bà thím họ Hòa và làm nhiều người bị thương. Hòa cũng sẽ không bao giờ quên vụ máy bay giặc Pháp ném bom bắn phá chợ Kiểu (huyện Yên Định) đúng ngày phiên chợ. Vòng lượn của chúng đến sát làng Hòa, chúng ném bom bắn phá rồi ném bom cháy (bom na-pan), làm hàng trăm người chết, và bị thương, đau thương tang tóc không chỉ rung động trong nước mà cả thế giới cực lực lên án thực dân Pháp xâm lược tàn bạo. Kẻ địch vẫn ngoan cố liên tiếp gây tội ác, bằng thủ đoạn đánh phá hủy diệt như ở chợ Kiểu. Ngày 5-12-1951 chúng dùng bom tạ, kết hợp bắn đạn lửa và ném bom cháy (na-pan), đánh phá xã Vĩnh Hùng quê Hòa liên tiếp nửa ngày liền, làm 13 người chết thảm thương, toàn là người già và trẻ nhỏ (may là lúc bà con đang đi làm ngoài đồng nên đỡ thương vong); gần 500 nóc nhà cùng tài sản trong nhà cháy trụi; trâu bò, lợn chết hàng trăm con, các kho lương thực thóc gạo cháy đen, hố bom chồng chất trên đống tro tàn.
Cả hai vụ không quân giặc Pháp oanh tạc thảm sát dã man chợ Kiểu và xã Vĩnh Hùng, Hòa đều chứng kiến tại chỗ. Những hình ảnh mất mát, đau thương khủng khiếp sau đó thoạt đầu khiến Hòa hoang mang sợ hãi, nhưng rồi cũng từ đó, lòng căm thù giặc cứ tích tụ, dồn nén, thôi thúc Hòa không thể ngồi yên. Đó cũng là lý do thúc giục Hòa nhiều lần tình nguyện xung phong nhập ngũ, đợt này nghe nói lấy quân bổ sung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hòa xin được nhập ngũ tham gia chiến dịch.
- Những điều anh nói, tôi có nghe y sĩ Dung nói, tôi sẽ báo cáo lại với Hội đồng tuyển quân, anh yên tâm. - Đồng chí cán bộ Huyện đội động viên Hòa.
- Nhưng… liệu em có được nhập ngũ đợt này không? Em rất lo, liệu có người cản trở em như những đợt trước?
- Tôi không hứa trước được, chúng tôi sẽ thẩm tra lại, nhưng nếu đúng như những điều anh vừa trình bày, tôi nghĩ anh sẽ được toại nguyện, nhưng anh phải bình tĩnh, chớ nóng vội. - Sau lời khuyên, đồng chí cán bộ bắt tay Hòa, vội vàng trở về Huyện đội.
Ba ngày sau khi gặp đồng chí cán bộ Huyện đội, Hòa nhận được giấy báo nhập ngũ, đến 9 giờ ngày 13-2-1954 có mặt tại Đình Chung để Huyện đội bàn giao quân cho đơn vị.
Hòa hồi hộp nhận quyết định với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, lúc này mới thấy thương cha mẹ, chị và em, từ mai ra đi biết bao giờ trở lại? Vì giấu bố mẹ đi tòng quân nên ngày lên đường bố mẹ không biết, vẫn đi làm đồng ở xa. Hòa xách bọc quần áo nâu đến nhà chị gái, dặn chị tìm cách nói thế nào để bố mẹ thông cảm cho Hòa. Chị ôm con nhỏ, mắt đẫm lệ, tiễn Hòa ra đầu ngõ và dúi vào túi áo Hòa tờ giấy bạc, khi hành quân lên đến phố mới (phố Giáng, huyện Vĩnh Lộc), Hòa mua được một khăn mặt và một bàn chải cùng hộp thuốc đánh răng (mua theo anh em, chứ ở nhà làm gì có đánh răng, làm gì có màn mà ngủ), rồi hối hả chạy theo đơn vị hành quân trong đêm hướng lên miền Tây Bắc.
Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc trong đời Hòa, kỷ niệm ngày nhập ngũ khá khó khăn của một thời trai trẻ, một thời sôi động. Đến nay, tuổi đời đã ngoài 80, thường hay hoài niệm về thời đã qua, trải bao kỷ niệm buồn vui xen lẫn niềm tự hào về quá khứ, để rồi trả lời câu hỏi của các cựu chiến binh đồng đội và con cháu về quyết định thôi học, quyết định tòng quân ngày ấy của ông là đúng hay không.
Ông tự trả lời: Đúng, rất đúng.
Và tự giải đáp cho mình: Không những đúng mà còn kịp thời, nếu không thôi học, quyết tâm nhập ngũ ngày ấy thì làm sao có vinh dự được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, được tham gia đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc...
Với lời suy ngẫm tâm huyết, vừa là động viên khích lệ bản thân, vừa là lời khẳng định với con cháu: “Thời nào cũng vậy, quyết định lựa chọn bước đi vào đời chỉ đúng, khi biết đặt lợi ích cá nhân xuống dưới lợi ích chung, bước theo tiếng gọi của non sông đất nước khi Tổ quốc cần” - Ông tâm sự.