“Tôi đã thấy bàn thắng trong trận chung kết World Cup nhưng tôi không nhận ra đó là bàn thắng của con trai tôi. Bố nó đã không được chứng kiến bàn thắng đó. Ông ấy đã tắt ti vi đi.”
- Mari, mẹ của Andrés
“Chỉ gần đây mọi người mới nhận ra tôi là ai.” Mari như là hóa thân của sự thận trọng vậy. Bà cố để không thu hút sự chú ý của người khác, nhưng một khi đã gặp thì sẽ không ai quên được bà - một người mẹ đã vực dậy tinh thần cho đứa con trai đã từ bỏ cả tuổi thơ vì bóng đá. “Chúng tôi đã sống trong ngôi nhà này được mười sáu năm rồi và hàng xóm không nhận ra chúng tôi mãi cho đến gần đây”, Mari nói. “Chúng tôi không bao giờ muốn nổi bật. Để làm gì chứ? Làm thế thì được gì? Tôi không là ai cả. Tôi chỉ là một người mẹ như bao người mẹ khác. Tôi là mẹ của Andrés và mẹ của Maribel, thế thôi.”
Mari không tán chuyện chỉ để cho vui; thực ra bà không hay nói nhiều. Hơi giống với Andrés. Tất cả mọi thứ về Mari đều có cảm giác hao hao Andrés. Đôi khi bà có vẻ xa cách, khó gần, khó tiếp cận. Nhưng lại có lúc, bà rất gần gũi, nhẹ nhàng, và thân mật.
“Tôi nhớ một ngày, khi gia đình chuyển đến Barcelona, tôi đã tới gặp bác sĩ”, Mari nói. “Tôi từng nói chuyện với bác sĩ María Ángeles và tôi cũng đã từng xử lý các vấn đề của Andrés. Tôi lên lịch cho các cuộc hẹn. Một buổi sáng nọ, khi bác sĩ lấy tên của tôi để kê đơn thuốc, bà ấy nói:
- Chị biết đấy, Mari, tôi đang có một bệnh nhân rất nổi tiếng.
- Ồ vậy sao?
- Vâng, vâng, cậu ấy rất nổi tiếng, một cầu thủ của Barcelona. Andrés Iniesta. Họ thứ hai của cậu ấy là Luján giống chị. Chị có biết cậu ấy không?
- Có, biết một chút. - Tôi nói, cảm thấy hơi ngại ngần.
- Cậu ấy không phải là con trai của chị chứ? - Bác sĩ nói, vô cùng ngạc nhiên.
- Ừm, vâng, thằng bé là con trai của tôi.
Vị bác sĩ đó là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Barcelona và chị ấy không thể hiểu được chuyện gì vừa xảy ra.
- Tại sao chị không nói với tôi chị là mẹ của cậu ấy?
- Tại sao chứ?
Tôi việc gì phải đi khắp nơi rêu rao với mọi người rằng tôi là mẹ của Andrés Iniesta. Tôi không muốn mọi người biết tôi là ai. Như vậy sẽ tốt hơn cho bản thân tôi, cho Andrés, và cho tất cả mọi người. Chúng tôi cũng chỉ là những người bình thường. Nó là cầu thủ bóng đá, không phải tôi. Không phải tôi, không phải cha nó, không phải em gái nó, chỉ có nó thôi.”
Mari thích nói về con trai của mình chứ không phải cầu thủ Andrés Iniesta, cầu thủ của Barcelona và Tây Ban Nha ai ai cũng biết, con người đã trở thành người của công chúng, mặc dù chính bà mới là người đưa Andrés đến được với họ. “Tìm được thời gian để có thể ở bên cạnh con trai tôi đã khó rồi”, bà nói. “Đôi khi tôi còn cảm thấy như mình không có đứa con trai nào vậy. Tôi biết điều đó có vẻ khó nghe, nhưng đó lại là sự thật.” Rồi bà nói thêm về cảm giác của một người mẹ không được ở bên con trai mình. “Chúng tôi đã rất hạnh phúc ở thị trấn nhỏ của mình, với cuộc sống của chúng tôi và những con người thân thuộc. Và rồi nó muốn tới Barcelona. Rất nhiều người nghĩ chúng tôi đã bắt nó phải làm thế, nhưng đó không phải sự thật. Andrés chính là người quyết định tạo dựng sự nghiệp bóng đá ở đó. Tôi biết rằng lúc đầu nó đã phải chịu đựng nhiều, và nó đã có một khoảng thời gian tồi tệ. Cả gia đình đều đã phải trải qua một khoảng thời gian tồi tệ. Tôi cũng biết rằng, khi giờ nó đã trở thành một người cha, Andrés đã hiểu được cảm giác của chúng tôi khi không có nó ở đó. Có những ngày nó là người đau khổ nhất, có những ngày là cha nó và những ngày khác thì là tôi. Tất cả chúng tôi đều đã phải vật lộn với cuộc sống và tất cả chúng tôi đều đã vượt qua theo cách riêng của mình.”
“Đó là lý do tại sao tôi thuyết phục chồng tôi vào đêm đầu tiên đến Barcelona đó. Sau bao nhiêu công sức để đưa con trai tôi đến được đó, José Antonio lại muốn đưa nó trở về. ‘Tôi sẽ mang thằng bé về nhà!’ Tôi hiểu tại sao ông ấy làm thế, tất nhiên rồi, sâu thẳm trong tim tôi cũng muốn như vậy. Sao mà tôi lại không hiểu điều đó được? Thằng bé còn quá nhỏ. Và khi chúng tôi để nó lại La Masia, mọi chuyện diễn ra không như những gì chúng tôi mong đợi; chúng tôi tưởng nó có thể ở lại cùng chúng tôi đêm đó tại khách sạn Rallye để chúng tôi đưa nó tới trường vào ngày hôm sau. Nhưng ông Farrés, giám đốc La Masia, nói với chúng tôi rằng nó sẽ ở đó luôn. José Antonio, tôi, bố tôi… chúng tôi đã đi về mà không có thằng bé. Tôi không biết mình đã vượt qua đêm đó như thế nào nữa. Thật dễ dàng để quyết định rút lui và đưa thằng bé về. Tôi không biết chúng tôi đã tìm được động lực gì để không làm như thế nhưng chúng tôi biết rằng sau tất cả những nỗ lực để nó có thể tới đó, chúng tôi phải kiên định, ít nhất hãy để nó được thử sức. Chúng tôi không thể quay đầu và trở về như thể chưa có gì xảy ra. Tôi muốn đưa nó về nhưng tôi đã không làm thế. Tôi vẫn không biết tại sao nữa. Có lẽ là do trực giác của người mẹ. Tôi hiểu được cảm giác của José Antonio, bởi vì anh ấy đã sắp mất con trai của mình, cầu thủ tí hon mà anh ấy đã chở tới từng trận đấu; thằng bé luôn luôn ở bên cạnh và là mục đích sống của anh ấy. José Antonio đã sắp mất tất cả. Tất cả!”
Mari gần như không bao giờ xem Andrés thi đấu. “Ai đó phải ở lại và quản lý quán bar chứ? José Antonio và bố tôi là hai người xem nó thi đấu nhiều nhất. Làm sao mà tôi bảo ông ngoại nó đừng đi xem nó thi đấu được? Tôi chỉ xem trọn vẹn mỗi giải đấu Brunete và tôi cũng chỉ xem qua ti vi. Nhưng José Antonio thì vẫn luôn ở bên cạnh nó.”
José Antonio sẽ khoe với bất kỳ ai về việc con trai ông đang tập luyện để trở thành một cầu thủ như thế nào. Mari thì ngược lại, bà chả biết phải nói gì mỗi khi hàng xóm hỏi. “Mọi người biết những thị trấn nhỏ thì như thế nào rồi đó”, bà nói. “Sẽ có nhiều người dòm ngó chúng tôi.
- Họ nghĩ họ là ai chứ?
- Sao họ có thể làm điều đó với chính con mình được cơ chứ, đưa cậu bé đi xa như vậy khi nó vẫn còn quá nhỏ?
Có cả những người ủng hộ chúng tôi, tất nhiên rồi. Nhưng quyết định vẫn luôn là của Andrés.”
Mari chấp nhận tất cả, những lời chỉ trích, những lúc khó khăn, những cảm xúc khi biết rằng bà đã gần như mất con trai. Bà nhớ Andrés. Bà biết rằng anh sẽ không bao giờ có được một cuộc sống như những đứa trẻ bình thường khác ở Fuentealbilla. Nhưng đó là quyết định của anh và bà biết rằng một khi Andrés đã quyết định thì không gì có thể thay đổi được. “Tôi sẽ không bao giờ quên được một chuyện đã xảy ra khi nó còn rất nhỏ”, bà nói. “Bà nội và bà ngoại của thằng bé muốn nó chơi trong ban nhạc của thị trấn, họ thậm chí đã cùng nhau gây áp lực với tôi. Mỗi lần thấy tôi, họ lại nói:
- Andrés phải tham gia vào ban nhạc Fuentealbilla đấy nhé.
Thế nên tôi đã chở nó tới ban nhạc. Chắc chỉ được hai hoặc ba lần. Lúc đó nó đã bắt đầu chơi bóng cho Albacete, thế là tôi đã lợi dụng điều đó.
- Nghe này, Andrés, nếu con không chơi cho ban nhạc, thì con cũng sẽ không được đá bóng.
Nhưng nó lại phản đòn lời dọa của tôi.
- Được thôi, vậy con sẽ không đá bóng nữa… nhưng con cũng không tham gia vào ban nhạc đâu ạ.
Lúc đó nó chỉ mới 10, 11 tuổi.”
Mọi thứ diễn ra quá nhanh từ khi Andrés đến La Masia, ít nhất thì đó là cảm giác của bà Mari. “Có vẻ như chúng tôi vẫn không thực sự cảm thấy vui vì những gì đã xảy ra”, bà nói. “Và ngay cả bây giờ, tôi vẫn không thực sự vui được. Mỗi khi Barcelona thua, nghĩa là con trai của tôi đã thua.”
Mari luôn chịu đựng mọi nỗi đau, bà là người như vậy. Cuộc sống của bà diễn biến như một bộ phim truyền hình dài tập. “Chúng tôi đã trải qua những chuyện không phải ai cũng từng trải qua: những danh hiệu, những thành công. Nhưng thể thao cũng có cả thất bại. Bạn cảm thấy lúc nào cũng phải thắng vì mọi người luôn mong chờ bạn chiến thắng mọi lúc và bất cứ khi nào bạn không làm được điều đó, nó sẽ trở thành thảm họa. Đôi khi điều đó đã gây áp lực cho bạn. Andrés là người rất khó chấp nhận thất bại. Thật tốt là nó có Anna và bọn trẻ bên cạnh, nếu không thì…”
Mari vẫn nhớ ánh mắt của con trai mình vào cái ngày anh đá trượt quả penalty ở Terrassa. “Nó 18 tuổi và đang chơi trận chung kết đầu tiên giữa Barcelona và Copa Catalunya. Nó đã bị suy sụp, nó không nói hoặc ăn uống gì… Lúc đó Andrés không giống con người bình thường của nó. Nó coi chuyện đó là rất nghiêm trọng. Nó gánh vác tất cả mọi thứ, mọi trách nhiệm, nó cần phải giành chiến thắng, điều đó dần dần tích tụ và nó không thể quay đầu lại được nữa.”
Mari nhớ lại những gì con trai mình đã phải chịu đựng trước World Cup năm 2010. “Nó đã suy nghĩ quá nhiều về tất cả mọi thứ và sau đó, những gì phải xảy ra đã xảy ra. Nó giống tôi. Trầm tính ư? Điềm tĩnh ư? Kiểm soát được tình hình ư? Trông ở ngoài thì như vậy đấy. Nhưng bên trong, tôi và nó đều như núi lửa. Nó sẽ suy đi nghĩ lại về một việc, thậm chí đó có thể là những thứ không quan trọng. Nó nhồi nhét đầy những suy nghĩ ấy vào trong đầu mình để rồi đến một lúc, mọi thứ tràn ra.”
“Tôi không bao giờ theo dõi diễn biến các trận đấu. Tôi chỉ quan sát con trai mình thôi. Ngay khi bóng chạm chân nó lần đầu tiên, tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”, Mari nói. Bà thừa nhận rất ít khi đi xem các trận bóng - thỉnh thoảng là những trận ở sân nhà và những trận chung kết, cộng với một trận ở Mallorca vì José Antonio đã phải tới đó làm việc với anh trai của mình, và một trận ở Almería vì đó là nơi chị gái của bà sống. “Tôi không cần có mặt ở đó. Tôi có thể xem qua ti vi. Tôi có thể đoán được mọi thứ qua nét mặt nó, trong cử chỉ và theo cách nó di chuyển. Tôi không biết gì về bóng đá, không giống như José Antonio, nhưng tôi hiểu con trai tôi.”
Những gì Mari thích nhất về cách con trai bà chơi là những cú dừng đột ngột, những khoảnh khắc tạm dừng và sự bình tĩnh ở anh. Bởi vì bà biết rằng ở bên trong, tâm trí của con mình rất khác. “Tôi không biết nó thừa hưởng tính đó ở đâu nữa bởi vì tôi biết rằng nó giống cả tôi và bà của nó. Tôi biết rằng nó không được bình tĩnh như vẻ bề ngoài”, bà nói. “Khi nó đang vui thì mọi thứ sẽ rất suôn sẻ. Tất cả đều có vẻ nhẹ nhàng. Nếu nó thấy mình đang đúng, nó sẽ không bao giờ cảm thấy bị áp lực; nó sẽ kiểm soát được mọi thứ. Trách nhiệm không đè nặng lên nó mà hoàn toàn ngược lại, kể cả thậm chí bây giờ, khi nó đã là đội trưởng. Bạn sẽ thấy Andrés đối diện với trọng tài, và nói với trọng tài những gì phải nói, đó là điều mà ngày trước nó chưa từng làm. Nó thường không bao giờ nói một lời nào, nhưng bây giờ có những ngày tôi phải nhắc nó.
- Andrés, họ sẽ đưa con ra khỏi sân mất.
Thằng bé chỉ cười và không nói gì cả.”
Có những lúc mẹ của Andrés vô cùng lo lắng, còn Andrés thì chẳng mảy may quan tâm; những lúc đó bà cảm thấy như thời gian kéo dài vô tận. “Ngày nó ghi bàn ở lượt đá luân lưu cho Tây Ban Nha ở Ukraine, tôi đã ở đó với Maribel, con gái tôi. Tới lúc đá, chúng tôi đã rời khỏi chỗ ngồi của mình. Chúng tôi vẫn nán lại sân vận động nhưng chúng tôi rời khỏi chỗ ngồi và đi vào trong. Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa. Những cú sút trực tiếp thật quá sức chịu đựng của tôi”, bà nói. “Khi xem qua ti vi ở nhà cũng vậy. Tôi không thể theo dõi được. Cũng không hẳn là do Andrés không mấy khi đá phạt. Chỉ là tôi không thể tiếp tục xem được. Tôi vẫn nghe được tiếng ti vi và khi mọi chuyện đã kết thúc thì tôi mới quay lại theo dõi tiếp. Nhưng hôm đó ở Ukraine, trong trận bán kết Euro, tôi đã không thể ở lại đó.
- Maribel, hãy ra khỏi đây thôi.
- Vâng ạ. Con cũng không thể chịu được thêm nữa.
Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Đột nhiên, bạn của Maribel gửi cho con bé tin nhắn, báo rằng anh trai nó sẽ đá luân lưu. Con bé đưa cho tôi đọc và tôi nghĩ: Tại sao nó lại nhận đá? Có điều gì đó không ổn. Rồi tôi chợt nhớ ra cú đá trượt ở Terrassa. Chắc hẳn là do vụ đó rồi? Nhưng sau đó, tin nhắn tiếp theo đến: Ghi bàn rồi. Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Tạ ơn Chúa vì điều đó. Thế nhưng, mẹ của Iker Casillas lúc đó lại thấy rất tồi tệ. Bà ấy đã tự nhốt mình trong nhà vệ sinh. Hẳn là rất khủng khiếp! Bà ấy thậm chí còn lo lắng nhiều hơn tôi. Andrés thỉnh thoảng mới đá phạt nhưng Iker thì luôn ở đó, dù tình hình đang tốt hay xấu. Dù sao thì bà ấy cũng may mắn hơn tôi ở một điều: Họ để cho bà ấy trở lại ghế của mình. Còn tôi và Maribel thì không thể quay lại sân để ăn mừng nữa.”
Bố của Andrés thậm chí còn lo lắng hơn. “Tôi không biết José Antonio ở đâu”, Mari nói. “Bố nó chắc đã đi càng xa càng tốt, đi xa đến nỗi không ai tìm thấy ông ấy. Ông ấy rất hay như thế - lên xe và lái đi đâu đó, bật nhạc rất to để không phải nghe thấy gì nữa. Maribel cũng lo lắng. Không ai có thể không lo lắng cho Andrés. Trên hết là ai cũng suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra sau đó nếu đội không thắng. Nó sẽ cảm thấy thế nào và những thứ nó sẽ phải trải qua là gì. Máu mủ ruột thịt của chúng tôi đang ở đó. Chúng tôi chia sẻ mọi cảm xúc với nó.”
Mari cũng không xem bàn thắng của con trai bà tại Stamford Bridge. Trận đó thậm chí còn khó khăn hơn cho bà. “Tôi đã ở lại đây, trong phòng khách này vì bị thương. Chân tôi bị đau sau buổi gặp gỡ người hâm mộ của câu lạc bộ. Andrés rời sự kiện với một huân chương còn tôi thì rời sự kiện với cái đầu gối băng bó vì tôi trượt chân ngã ở cầu thang. Tôi ngã, trên tay ôm đứa cháu gái của mình và đầu gối tôi gánh hết trọng lượng đó. Khi Andrés ghi bàn trên ti vi, tôi đã nhảy lên sung sướng và điều đó đã khiến đầu gối của tôi càng bị thương nặng hơn. Nhưng đó vẫn là một phép màu khi tôi đã không vô tình phá hoại thứ gì cả.”
Cả Mari lẫn José Antonio đều không tới sân xem World Cup vào năm 2010 và cũng không xem trận chung kết. “Chúng tôi ở lại trong thị trấn. Vợ của nó - Anna, và em gái Maribel của nó đi xem, có cả Juanmi - em rể của nó nữa. Tôi khi đó ở cùng với các thành viên của câu lạc bộ những người hâm mộ Iniesta ở bar Luján - quán rượu từng là của chúng tôi và đã được cha tôi biến thành một bảo tàng nhỏ, trang trí trên tường là những mẩu tin sưu tầm trên báo và hình ảnh của Andrés. Hôm đó rất đông người, căn phòng chật kín. Tôi đã rất mừng khi Tây Ban Nha ghi bàn, nhưng tôi đã không nhận ra đó là màn lập công của Andrés cho đến khi mọi người bắt đầu ôm tôi và nhảy lên.
- Gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Iniesta ghi bàn rồi, Mari!
Tôi chạy thẳng về nhà; ngôi nhà ở rất gần đó, chỉ cách khoảng 100 mét. Tôi bay tới chỗ José Antonio càng nhanh càng tốt, để nói với ông ấy. Con trai chúng tôi đã ghi bàn. Và ông ấy đang ở đó, ngồi một mình trong phòng khách, ti vi đã tắt. Ông ấy không biết chuyện gì vừa xảy ra.
- José Antonio, con chúng ta đã ghi bàn rồi! Nó đã ghi bàn! Andrés ấy!
- Gì cơ? Khi nào? Trận đấu còn bao lâu nữa?
- Em không biết… tất cả những gì em biết là Andrés đã ghi bàn rồi!
Khi trận đấu kết thúc, bữa tiệc đã nổ ra ở Fuentealbilla. Mọi người đổ ra các đường phố. Cả những người đến từ các thị trấn lân cận cũng tới để ăn mừng với chúng tôi. Và tôi vẫn cố để hiểu chuyện gì vừa xảy ra; trong đầu tôi chạy đi chạy lại những hình ảnh của trận đấu. Tôi đã không xem được bàn thắng đó nhưng tôi vẫn nhớ những chi tiết khác, bao gồm cả chiếc thẻ đỏ mà Van Bommel xứng đáng nhận lấy. Có Chúa mới biết tại sao. Cái cậu Van Bommel đó thật là…”
Đó là bản năng của người mẹ - luôn luôn bảo vệ, luôn luôn bước ra để bênh vực cho con cái, luôn luôn sợ rằng có điều gì đó xấu sẽ xảy ra với con mình. Và bản năng đó, nỗi sợ đó, đôi khi còn mạnh hơn cả những thứ tốt đẹp. Trong tâm trí của Mari, bàn thắng tuyệt phẩm đã đi qua nhưng pha phạm lỗi của Van Bommel thì mãi mãi còn đó.
“Khi nó còn bé, tôi không biết nó sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá. Tất cả những gì tôi biết là nó sẽ không trở thành người phục vụ trong quán bar. Nó chả giúp bán hàng gì cả, không giống như em gái nó đã giúp làm pizza và phục vụ đồ uống từ rất sớm. Andrés sẽ đến quán cùng với người anh họ Manu và chỉ ngồi đó chờ cho đến khi có người phục vụ nó. Tôi vẫn có thể hình dung lại chúng ngày đó, cả hai đứa chỉ ngồi đó, giống như hai vị vua vậy, chờ đợi để được phục vụ… chờ đợi để trở thành các cầu thủ bóng đá. Tôi thậm chí không bao giờ mơ rằng một ngày nào đó nó sẽ ghi bàn thắng trong trận chung kết World Cup. Sao tôi có thể mơ như vậy chứ?”
“Một ngày nào đó, tôi chắc chắn chúng tôi sẽ thực sự hiểu những điều nó đã làm được nhưng bây giờ mọi thứ giống như một giấc mơ vậy, tất cả những điều đã xảy ra với nó và cả chúng tôi”, Mari nói. “Tôi biết rằng sân chơi ở trường là cả cuộc sống của nó và tôi biết rằng nó sẽ chỉ làm những điều nó thực sự, thực sự muốn làm. Tôi biết đây là tất cả mọi thứ mà nó muốn. Điều đó là thật. Nó cảm thấy liên kết với Barcelona, Tây Ban Nha, và bóng đá. Tất cả mọi người đều biết như vậy. Đó là lý do tại sao mọi người rất hạnh phúc khi nó là người ghi bàn. Tuy nhiên, tôi đã tự hỏi, tại sao trông tôi lại không vui như những người khác và có lẽ bất cứ ai cũng đã thấy điều tương tự. Đó là con trai tôi mà và nó vừa ghi bàn thắng trong trận chung kết World Cup đó. Con trai của tôi! Tôi vui, tất nhiên rồi, nhưng tôi không bật khóc hay gì cả, tất cả cảm xúc đều ở bên trong. Bên ngoài trông tôi lạnh như băng, nhưng đó chỉ là bên ngoài thôi.”
“Nhìn vào Andrés xem! Tại La Masia, nó đã khóc suốt nhưng nó sẽ luôn trốn vào một góc và không để cho ai biết. Và khi nó trở lại tập luyện, không ai có thể đoán được nó vừa khóc xong. Họ không biết mọi chuyện khó khăn như thế nào đối với nó. Phải, hầu hết mọi người đều không. Và những đứa trẻ khác thì chắc chắn không. Nhưng sau đó dần dần, một số nhân viên ở đó, đầu bếp và nhân viên vệ sinh chẳng hạn, nói với chúng tôi họ đã vô cùng đau lòng khi nhìn thấy nó. Họ có thể thấy được nó đang khóc ở trong lòng bất kể nó có cố gắng giấu điều đó như thế nào. Tôi đã mất đi con trai của tôi trong sáu năm. Tất cả chúng tôi đã mất nó. Mọi thứ cuối cùng cũng diễn ra tốt đẹp. Nhưng nếu không thì sao? Rồi sao? Không ai có thể đảm bảo rằng nó sẽ làm được, rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được thấy nó thực sự chơi trên sân ở La Masia. Bây giờ tất cả những gì tôi muốn là bù lại khoảng thời gian đã mất. Tôi muốn tận hưởng cuộc sống với con trai tôi và tận hưởng tài năng của nó. Bởi vì con trai tôi có một tài năng thiên bẩm, một cái gì đó đặc biệt. Tôi không nói về bóng đá. Nó có một cái gì đó khác. Tôi không chắc chắn chính xác là gì nhưng đúng là có một cái gì đó… nó là một người tốt.”
***
“Những gì mọi người thấy ở Andrés đều đúng, không có gì giả dối”, em gái Maribel nói. “Chỉ có một điều duy nhất mà bạn không thấy được: sự đau khổ. Anh ấy giữ nó ở bên trong. Anh ấy nín nhịn hết tất cả mọi thứ. Tất cả. Đó đúng là kiểu của gia đình chúng tôi, đặc biệt là bà ngoại chúng tôi.”
Maribel nhỏ hơn Andrés hai tuổi và khi anh trai cô đến Barcelona, cô vừa được tổ chức lễ xưng tội đầu tiên tại Fuentealbilla. “Tôi mới 10 tuổi và còn rất nhỏ. Thật khó cho tôi khi thiếu đi người anh lớn ở nhà. Tôi chỉ gặp anh ấy nhiều nhất một lần mỗi tháng. Đôi khi suốt năm tuần trôi qua mà chúng tôi không được ghé thăm anh ấy ở Barcelona. Khi tôi dọn đến đó để sống, chúng tôi giống như hai người xa lạ: một người 17 tuổi, người kia 15 tuổi. Khi đó, tôi đã không để anh ấy ra khỏi tầm nhìn của tôi, tôi sẽ không để anh ấy rời đi thậm chí chỉ một giây. Tôi muốn được làm mọi việc với anh ấy. Như thể tôi đang cố gắng bù đắp cho khoảng thời gian đã mất. Tôi đã thấy cha mẹ và ông bà của tôi đau khổ như thế nào, chúng tôi chỉ có thể ở bên nhau trong mùa hè và Giáng sinh. Tôi sẽ không bao giờ quên những chuyến đi về nhà ở Fuentealbilla, sau khi thăm anh ấy ở Barcelona. Cả xe im lặng, không ai nói gì. Con đường đi về cảm thấy như quá dài. Tôi lớn lên, 12 tuổi, rồi 13, 14 tuổi… và tất cả chúng tôi cứ ngủ trong cùng một phòng khách sạn ấy, trên cùng một chiếc giường khi chúng tôi có thể đến Barcelona và gặp anh ấy ở La Masia.”
“Ở Fuentealbilla, phòng ngủ của chúng tôi nằm cạnh nhau”, em gái của Andrés tiếp tục. “Vì vậy, mỗi khi đi vào phòng mình, tôi đều đi qua phòng anh ấy và nghĩ về anh ấy. Tôi càng nghĩ nhiều về anh ấy hơn khi bố có một ngày tồi tệ hoặc khi gia đình đang có vấn đề khủng hoảng - và trong 5 năm ấy, anh ấy hầu như không có ở nhà. Tôi chẳng cảm thấy có gì đặc biệt khi bạn tôi hỏi anh trai tôi có phải đang chơi cho Barça không và điều đó thú vị như thế nào. Điều đó không hề an ủi được tôi. Hồi đó chưa có điện thoại di động. Vào ban đêm, bất cứ khi nào có thể, anh ấy sẽ gọi về vào lúc 10 giờ tối. Nhưng anh không thể nói nhiều vì có một hàng dài đang xếp hàng ở La Masia, tất cả những đứa trẻ ở đó đều đang chờ để được sử dụng điện thoại.”
“Ước mơ của anh ấy luôn là được chơi bóng và vì thế anh ấy phải thử - cho chính anh và cho bố của chúng tôi”, Maribel tiếp tục. “Cả bốn người nhà tôi đều rất cứng đầu. Andrés giống bố. Họ muốn kiểm soát tất cả mọi chuyện để có thể chăm sóc được mọi người. Họ luôn sao sát mọi người và luôn ở đó vì người thân của mình.”
Vậy nếu họ giống nhau như vậy, liệu Maribel có thấy đau đớn khi xem Andrés thi đấu không? “Có chứ. Tôi thực sự cũng đã cảm thấy bất an”, cô nói. “Nhưng không giống như họ, tôi có đến xem các trận đấu ngay cả khi tôi không cảm thấy vui. Tôi chỉ muốn xem trận đấu và cố gắng để hiểu anh ấy, để đồng cảm với những gì anh ấy đang suy nghĩ và cảm nhận. Và khi bạn ở trên khán đài, đôi khi bạn nghe thấy những thứ khiến bạn nghĩ không thể giữ im lặng được nữa. Bạn sẽ cảm thấy trong lòng đang hét lên: ‘Này, mấy người đang nói xấu anh trai tôi! Đó là gia đình của tôi!’ Nhưng bạn phải phớt lờ tất cả và nuốt vào trong lòng. Bạn trai của tôi, Juanmi, là một người hâm mộ trung thành của Barcelona từ xưa và bây giờ đương nhiên là lại càng trung thành hơn nữa. Anh ấy hay phản kháng lại những lời nói đó hơn là tôi. Tôi chỉ phản ứng đúng một lần bởi vì mấy người họ cứ nói mãi không dừng. Cảm giác như ai đó đang khoan vào tai tôi vậy.”
Khi thời khắc ghi bàn đến, chính Juanmi là người đã thông báo cho Maribel. “Maribel đã không xem được bàn thắng trong trận chung kết World Cup”, Juanmi giải thích, “và mặc dù thực tế là chúng tôi đã ở trong sân vận động ở Johannesburg rồi, ngay sau băng ghế dưới phía khán đài của Tây Ban Nha, chỉ cách nơi bàn thắng được ghi một chút. Tôi đã quan sát được từng chuyển động diễn ra và chuỗi hành động đó là kiểu mà chỉ cần xem là bạn biết rằng sẽ có bàn thắng được ghi. Bạn có thể chắc chắn điều ấy.”
“Ở đó có Anna, vợ của Andrés; Joel, một trong những người bạn thân nhất của Andrés; Maribel và tôi. Lúc đó mọi người đều dần dần đứng dậy như thể ai cũng đoán được điều gì sắp xảy ra. Và bóng đến gần hơn, gần hơn với khu vực cấm địa, mọi người giờ đã đứng dựng lên cả rồi và khi quả bóng chạm tới Andrés, tôi hét lên: ‘Đá đi! Dứt điểm! Dứt điểm đi, Andrés!’ Khi bóng vào lưới, tôi đã phát điên lên vì sung sướng. Thực sự là tôi đã phát điên.”
“Tôi phấn khích quá tới mức Maribel phải can tôi lại.
- Bình tĩnh đi, lên cơn đau tim bây giờ đấy. Vẫn còn tận bốn phút nữa cơ mà.
Và tôi nói:
- Em yêu, em biết ai đã ghi bàn, phải không?
- Không. Em rất vui vì Tây Ban Nha đã ghi bàn nhưng trận đấu vẫn chưa kết thúc mà.
Thật không thể tin được. Thế là tôi hỏi lại:
- Maribel, em biết ai ghi bàn, phải không?
- Không.
- Là anh trai của em đó, Maribel. Anh trai của em đã ghi bàn.
Thế là cô ấy cũng phát điên theo. Và lần này đến lượt tôi trấn tĩnh cô ấy:
- Bình tĩnh đi, vẫn chưa kết thúc mà. Vẫn còn bốn phút nữa cơ mà.”
Đó là bốn phút dài nhất trong cuộc đời họ.
Ít nhất là không có ai chỉ trích gì anh trai của Maribel nữa. Mặc dù những lời đó không được hay ho, Andrés thực ra cũng ít khi phải nhận những lời như vậy. Mọi người đều ngưỡng mộ Andrés và người hâm mộ ở khắp mọi nơi đối xử với anh như một quý ông đích thực. Ngoại trừ San Mamés, họ vẫn cáo buộc anh đã phạm lỗi rất tồi tệ khi Fernando Amorebieta phải rời sân một vài năm trước. Và thực tế là toàn bộ người Tây Ban Nha đều đã đứng dậy để vỗ tay cho Andrés. Dù sao thì cũng không ai có thể quên được đêm đó ở Nam Phi. Vậy nên tất cả mọi người đã đứng dậy để vỗ tay cho đứa trẻ đến từ Fuentealbilla. “Don Andrés”, bình luận viên huyền thoại Joaquim Puyal đã gọi anh ấy như vậy. Puyal đã trải qua bốn mươi năm bình luận tại Camp Nou và ông, giống như tất cả mọi người ở Catalonia và Tây Ban Nha, đều ngưỡng mộ người đàn ông đến từ La Mancha. Andrés Iniesta, người con trai của xứ Fuentealbilla.