Chiều phủ bóng hai bờ và trên cả mặt kênh. Cũng như buổi sáng, đây là lúc dòng kênh Vĩnh Tế nhộn nhịp nhất. Dưới nước thuyền ghe xuôi ngược đan nhau, trên bờ khách bộ hành người lên kẻ xuống với đủ loại phương tiện thô sơ, cơ giới. Hàng hóa, sản vật các miệt vườn, thôn ấp giao thương trao đổi. Trái cây, gạo thơm, tôm cá, gà vịt… rồi cả những thứ sản phẩm từ phố thị đưa về: Đồ dùng gia đình, áo quần may sẵn, đồ điện, điện tử, v.v.. Nhưng có lẽ vào mùa thu hoạch lúa, dòng kênh mới thực sự bận rộn, sự nhộn nhịp kéo dài từ sáng sớm tới chiều tối. Ghe lớn, ghe nhỏ chở đầy thóc lúa từ các cánh đồng bên tả bên hữu theo kênh nhỏ đổ ra cập bờ san sát chờ bốc lúa lên. Người ta làm quên ăn, quên nghỉ. Những người nông dân không nghĩ đến vất vả mà coi đó là niềm vui, hạnh phúc và sự may mắn thiên nhiên ban tặng.
Giữa đồng đất Nam Bộ, Vĩnh Tế được ví như dòng kênh mẹ, một con sông đào, luôn đem lại nguồn lợi lớn cho người dân từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Nhưng đâu chỉ có những xóm ấp sống dọc theo bờ, Vĩnh Tế từ khi khai mở đã gắn liền với buồn vui, ấm lạnh và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc mưu sinh của người dân cả vùng Đồng bằng châu thổ Cửu Long, và một yếu tố không thể tách rời với những xóm làng: Vĩnh Tế, Vĩnh Bảo, Vĩnh Gia, những thị trấn Xuân Tô, Tri Tôn, Hà Tiên…
Từ đỉnh núi Sam (Châu Đốc), hay từ Ngọa Long Sơn thuộc huyện Tri Tôn phóng tầm nhìn ra xa, trong nắng trưa, con kênh Vĩnh Tế như một phi đạo dài hút tầm mắt, mà những ghe thuyền xuôi ngược là những chiếc máy bay đang cất, hạ cánh. Quả vậy, về nghĩa bóng và nghĩa đen, kênh Vĩnh Tế như một đường băng cho vùng đất châu thổ tứ giác Long Xuyên đã, đang vươn mình cất cánh. Ý nghĩa kinh tế này có lẽ đã có trong tầm nhìn của người hoạch định. Tôi đoán chắc rằng, khi vua Gia Long xuống lệnh cho danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy hàng vạn dân binh, công binh đào kênh Vĩnh Tế (năm 1819) không chỉ hướng tới mục đích duy nhất là an ninh quốc phòng; bởi vùng đất Tây Nam của Đại Việt có đường biên giới chạy dài với Chân Lạp (Cam-pu-chia ngày nay), mà còn muốn biến nơi này thành miền đất trù phú, phát triển rực rỡ về kinh tế. Đó là tầm nhìn không phải của kẻ tầm thường, mà là bậc quân vương đích thực. Thực tế đã chứng minh, khi thả thuyền dọc kênh, ta sẽ thấy hiện lên trong tầm mắt những xóm làng đông đúc, vườn tược cây trái xum xuê, những cánh đồng màu mỡ trải vàng màu lúa chín. Thử đặt câu hỏi: Không có kênh Vĩnh Tế vùng đất nay sẽ ra sao? Câu trả lời thật đơn giản, quanh năm ngập lụt, chua phèn, cỏ lác, rắn rết. Một vùng tài nguyên không thể khai thác, bỏ hoang, có đấy mà như không đấy. Thông điệp của người xưa cho chúng ta hôm nay thật rõ ràng, muốn phát triển kinh tế, trước hết phải giữ yên bờ cõi, phải biết dựa vào sức dân. Có lòng dân sẽ có tất cả. Mà việc đào kênh Vĩnh Tế là một ví dụ.
Ghé căn nhà bên vàm kênh, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Văn Hiệp, một cao niên của làng Vĩnh Tế, một nông dân Nam Bộ thực thụ, nghe cụ kể:
“Ông cố của cụ xưa vốn người Gia Định, tuân lệnh tổng trấn Lê Văn Duyệt cùng với hàng trăm thanh niên trai tráng đến vùng Châu Đốc đào kênh Vĩnh Tế. Suốt trong 5 năm hơn 80.000 người đã lao động không biết mệt mỏi, để hoàn thành công trình dẫn nước dài 91 cây số, rộng 35 mét, sâu 3,5 mét, xuyên qua địa bàn hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Khi công việc xong xuôi, nhận thấy đây là vùng đất tốt tươi, không ai trở về quê cũ, họ ở lại sinh cơ lập nghiệp. Và hình thành nên các làng Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo, Vĩnh Tế bây giờ. Nghe kể lại, ngày đó dân cư nơi này còn thưa thớt, đồng ruộng mênh mông, thả hạt thóc xuống, quay đi quay lại đã thành bụi lớn, đến mùa bông sai trĩu trịt, cá tôm đặc ngầu kinh rạch. Ngày đó giữa ta và Chân Lạp chưa có chuyện gì, vùng này vẫn là nơi ma thiêng chướng độc, nhưng không vì thế mà vua Gia Long thấy yên lòng nên Ngài đã nhìn xa trông rộng mà cho đào con kinh này”.
Theo chân cụ Hiệp, chúng tôi đến thắp nén hương tưởng nhớ Thoại Ngọc Hầu, Tổng công trình sư đào con kênh có một không hai ở dải đất cuối trời Nam Tổ quốc. Lăng ông tọa lạc dưới chân núi Sam (Châu Đốc). Yên nghỉ cạnh ông là bà Châu Thị Tế, người vợ đảm đang và tháo vát, đã từng giúp ông rất nhiều trong công cuộc khai mở công trình. Từ huy động lương thảo, hô hào động viên dân công, binh lính, đến việc trực tiếp tham gia vào triển khai kế hoạch. Sự thành công của công trình, không thể không nhắc tới đóng góp của bà. Để ghi nhận công lao của người phụ nữ ấy, sau này vua Minh Mạng đã lấy tên bà đặt tên cho dòng kênh. Vĩnh Tế - Con kênh đã làm nên sự phì nhiêu màu mỡ của bao cánh đồng và sức sống của những vùng quê Nam Bộ. Con kênh có thể coi là một kỳ tích của lòng dân khi đã thuận. Với chiến lược biên giới hòa bình hữu nghị, giao thương phồn thịnh của Đảng ta ngày nay, dòng kênh này đã và đang góp phần đem lại sự bình yên cho dải đất tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc.
Trong các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như bảo vệ biên giới Tây Nam, kênh Vĩnh Tế trở thành phòng tuyến cực kỳ lợi hại, một chiến địa khốc liệt của quân dân Nam Bộ, trong công cuộc giải phóng, và xây dựng vùng đất châu thổ. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, một người trưởng thành từ đời lính nói rằng, thời đánh Mỹ, bộ đội ta gọi kênh Vĩnh Tế là kênh Vĩnh Biệt, quả không sai tí nào. Con kênh vừa dài vừa rộng, giang thuyền địch tuần tra suốt ngày đêm. Lớp dưới kênh, lớp mật phục trên bờ, chỉ cần nghi ngờ là chúng xả súng không tiếc đạn. Năm khó khăn, quân ta phải tạm dạt sang đất Cam-pu-chia, mỗi lần vượt kênh trở về chiến đấu là một lần không tránh khỏi thương vong. Quần áo, cơm nắm bỏ vào cái bồng bằng vải mưa Mỹ, súng đạn gác lên trên, thế là bơi, người này cách người kia một quãng. Nhiều khi ra tới giữa dòng, tàu tuần tra địch xuất hiện, đèn pha quét sáng như ban ngày, chúng cứ nhằm những chấm đen lập lờ trên mặt nước mà xả đạn. Có đêm một đại đội qua được kênh mất gần tiểu đội. Nhưng không vì thế mà anh em mình chùn bước, hay nao núng. Ai cũng sẵn sàng, xung phong khi biết cuộc chiến sắp diễn ra. Ông không còn nhớ bao nhiêu lần vượt kênh. Nhưng có một điều không người lính nào có thể quên, đó là tầm quan trọng mang tính yết hầu của phòng tuyến này. Ngày xưa Triều đình nhà Nguyễn và Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) đã nhận ra điểm xung yếu đó, và tư tưởng chiến lược cần phải trấn giữ một vùng bờ cõi suốt chiều dài từ Châu Đốc (An Giang) đến Hà Tiên (Kiên Giang) đã cho ra đời con kênh dài gần trăm cây số này.
Là người lính, từng tham gia nhiều trận đánh thời kháng chiến chống Mỹ, không ít lần vượt kênh Vĩnh Tế, có phen chết hụt, ông Nhị nhớ lại:
“Để ngăn chặn quân ta từ các khu tập kết trên đất Cam-pu-chia mở những cuộc tấn công vào các căn cứ trên địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, địch lập chốt dày đặc dọc hai bên bờ, dưới nước, tàu lớn, tàu nhỏ rập rình, giang thuyền tuần tra suốt ngày đêm, đèn pha quét sáng. Nhưng những đòn chí mạng vẫn cứ nổ ra, làm cho địch hoang mang không tìm ra cách đối phó. Không chỉ đánh địch ngay trên tuyến phòng thủ kênh Vĩnh Tế, mà còn vào sâu trong địa bàn. Địch dùng kênh trong âm mưu ngăn chặn những cuộc tiến công của quân dân ta, nhưng chính dòng kênh ấy lại trở thành nỗi ám ảnh đối với chúng. Bất cứ nơi nào trên dọc tuyến dài từ Châu Đốc đến Hà Tiên, bờ kênh cũng là điểm xuất phát của những trận phục kích, tấn công, hàng chục tàu giặc đủ các cỡ lớn nhỏ, bán hiện đại và hiện đại bị vùi xác dưới dòng kênh. Trong đó phải kể tới trận phục kích hiệu quả rạng sáng ngày 21 tháng 3 năm 1969, trên đoạn kênh thuộc xã Vĩnh Bảo, chiến sĩ Nguyễn Thị Bê thuộc trung đội nữ pháo binh huyện Thới Bình, bằng bốn quả đạn B-40 đã bắn chìm bốn tàu giặc. Từ các trận địa quanh vùng, địch phản pháo dữ dội, Nguyễn Thị Bê cùng hai chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh. Trận đánh đó đã làm cho giặc hoang mang lo sợ suốt thời gian dài, không dám tung quân đi lùng sục”.
Đứng nhìn dòng nước lặng trôi, giọng ông Nhị bỗng chùng xuống. Và ông bồi hồi kể tiếp:
“Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng gặp thuận lợi. Nhớ một đêm tháng 10 năm 1969, tôi và tổ giao bưu An Giang được lệnh vượt kênh chuyển một số tài liệu, mật lệnh vào cơ sở nằm sâu trong địa bàn. Dù có đặc công đi trước bảo vệ, dẫn đường, nhưng tàu giặc tuần tra quét đèn pha sáng như ban ngày, đến nỗi một con chó cũng khó lòng bơi qua mà không bị lộ. Mãi đến lần thứ bảy anh em mới dùng phương pháp lặn qua mắt được bọn chúng. Khi vào tới bờ bên kia thì bị địch phát hiện. Đèn pha trên bờ rọi xuống, dưới tàu quét lên. Các cỡ súng của chúng thi nhau xối đạn. Ba đồng chí hy sinh tại chỗ trong đó có Đại đội trưởng Dân, Trung đội trưởng Hai Hùng và Tiểu đội trưởng Vân. Tôi và hai đồng chí rành địa bàn nên thoát được. Lần khác, tôi và hai chiến sĩ đang đội những cụm lục bình qua sông thì một chiếc bo bo tuần tra địch lao tới. Tôi nhanh chóng rời cụm lục bình lặn một hơi vào bờ, hai đồng chí đi sau chưa kịp hành động thì đạn địch đã nổ xối xả. Biết đồng đội hy sinh mà không có cách nào tìm để đưa các anh về mai táng. Ngày ấy cứ mỗi lần vượt kênh là đồng đội lại nắm tay nhau, người đi kẻ ở nói lời chào vĩnh biệt. Kênh Vĩnh Tế không chỉ là nỗi ám ảnh với giặc mà cũng là thử thách lòng quả cảm của bộ đội ta…”.
Năm 1978, bọn Pôn Pốt phát động cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong một đêm chúng tràn sang giết hại hơn 2.000 người dân ở Ba Chúc (An Giang). Một lần nữa dòng kênh Vĩnh Tế lại cuồn cuộn nổi sóng chôn vùi bọn dã thú đội lốt người cùng với sự phản bội đê hèn của chúng. Ông Nguyễn Văn Bạt, một cựu chiến binh của Tiểu đoàn 306, Tỉnh đội An Giang. Đã ngoài tuổi 50 nhưng tác phong vẫn nhanh nhẹn, xốc vác. Người con trai quê hương Thanh Hóa năm xưa giờ đây đã là một nông dân Nam Bộ thực thụ. Đưa chúng tôi đi suốt đoạn dài kênh bằng chiếc ghe máy nhỏ, giữa bên bờ làng xóm đông vui sầm uất, ông Bạt kể, tiếng ông nhiều khi bị tiếng máy nổ át đi, nhưng nghe vẫn rõ:
“Tôi nhớ một lần tụi lính Pôn Pốt lấy hàng chục chiếc ghe lớn của dân qua kênh. Mấy trăm tên lính áo đen hò nhau tràn sang tàn sát, đốt phá, khi bị lực lượng ta vây đánh, chúng vượt kênh trở về, nhưng bị các cỡ súng trên bờ phục sẵn bắn xối xả, số chết vì trúng đạn, số chết vì chìm ghe, những tên bị thương kêu la thảm thiết. Hơn trăm tên địch phơi xác, máu loang đỏ cả một đoạn kênh dài. Sau trận đó địch không dám qua kênh nữa.
Không phải chỉ trong đánh Mỹ, Pôn Pốt, mà trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kênh Vĩnh Tế cũng đã lưu danh với những trận thắng lớn. Dòng nước trong xanh kia đâu chỉ có tôm cá mà giấu trong lòng bao chiến công hiển hách. Bao nhiêu xác giặc đã bị vùi sâu dưới bùn đất lòng kênh không ai có thể thống kê nổi, nhưng có một điều chắc chắn, Vĩnh Tế đã và sẽ là nỗi ám ảnh, kinh hoàng, mồ chôn của bất cứ kẻ thù nào muốn thôn tính mảnh đất tận cùng phía Nam Tổ quốc.
*
Buổi chiều, khi mặt trời đổ bóng. Đứng trên cầu Xuân Tô nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông mang theo phù sa, tôm cá đổ vào kênh Vĩnh Tế. Từ kênh mẹ Vĩnh Tế, dòng nước tỏa về các con kênh T4, T5, T6 mà người dân ở đây vẫn gọi một cách thân mật “kênh ông Kiệt” (Võ Văn Kiệt), làm thức dậy cả vùng đất tứ giác Long Xuyên. Đây là vùng đồng bằng rộng lớn nhiễm phèn, và úng nước bao đời chỉ có năn, lác sống nổi. Và cũng đã bao đời nơi này là một vùng đất hoang sơ không dấu chân người, rắn rết, vịt trời, le le làm chủ. Thiếu đất canh tác, nhưng người nông dân chỉ biết ao ước một ngày nào đó vùng đồng lầy kéo dài suốt mấy tỉnh ấy sẽ trở thành nơi sản xuất ra lúa gạo nuôi sống con người. Ước mơ đó sẽ vẫn chỉ là mơ ước nếu không có những lần vị đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực hiện những chuyến khảo sát thực địa. Trên cương vị Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã không dưới vài lần xắn quần lội bùn, với một mong muốn biến nơi này thành những cánh đồng phì nhiêu, để đất đai tài nguyên quốc gia không bị lãng phí. Dường như có một sự trùng hợp về tư tưởng muốn cho dân giàu, nước mạnh giữa một minh quân và một nguyên thủ quốc gia cách nhau gần 200 năm. Sau những trăn trở, và bao đêm mất ngủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề xuất một phương án táo bạo, nhưng không phiêu lưu: Phải đào các con kênh dẫn nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế vào rửa phèn, thoát lũ cho vùng đất đang chờ đợi tay người bao năm. Quyết định ấy đã gặp mơ ước nhiều đời của người nông dân trong vùng và nó nhanh chóng trở thành hiện thực.
Ngày 22 tháng 4 năm 1997, đoạn kênh trên phần đất tỉnh An Giang gọi là T5 được động thổ. Một vùng đất tiềm năng bao đời ngủ quên đã được đánh thức. Đây có thể coi là một sự kiện lớn trong đời sống kinh tế, xã hội của bà con nông dân xứ này. Họ vui mừng đổ ra đứng chật cả khu đất, chứng kiến thời khắc bắt đầu một thay đổi lớn của vùng đất bao năm vẫn chìm trong hoang sơ. Thời xưa Thoại Ngọc Hầu huy động sức dân đào kênh Vĩnh Tế, ngày nay việc thi công công trình hoàn toàn do máy móc, xe múc, xáng cạp, tiến độ rất khẩn trương. Đại công trường trải dài đi qua hai tỉnh An Giang, Kiên Giang. Cuối tháng 8 năm 1997, tuyến kênh dài 48 ki-lô-mét rộng từ 30-36 mét, sâu 4 - 4,5 mét được hoàn thành. Ngày mở đập cho nước từ kênh Vĩnh Tế tràn vào kênh T5 có thể coi là ngày hội của những người nông dân vùng tứ giác Long Xuyên. Dù đã qua hơn 20 năm, nhưng giọng ông Nhị vẫn còn nguyên cảm xúc: “Đó là giờ phút mà không một người dân nào có mặt không khỏi xúc động và có thể quên. Nhìn dòng nước lũ đầu tiên từ kênh Vĩnh Tế mang nặng phù sa cuồn cuộn chảy vào kênh mới T5, những giọt nước mắt đã rơi. Từng đàn cá linh lấp lánh ánh bạc, vẫy vùng từ thượng nguồn sông Mê Kông theo con nước về đây như cùng vui với niềm vui con người. Và cũng từ lúc ấy, người dân An Giang, Kiên Giang hiểu rằng vùng bưng biền tứ giác Long Xuyên đã được đánh thức, sức sống mới đã tràn lên những cánh đồng. Quá khứ ngủ yên trong cỏ năn, cỏ lác đã lùi vào dĩ vãng. Kênh T5 cũng từ đó mang tên kênh Võ Văn Kiệt - cái tên do người dân yêu quý ông đặt, sau này, ngày 10 tháng 7 năm 2009, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã chính thức ra văn bản. Đó là sự tri ân của người dân An Giang và các nơi thuộc khu tứ giác Long Xuyên đối với cố Thủ tướng, người luôn đau đáu về việc đánh thức tiềm năng của vùng đất ấy. Sau kênh T5, các con kênh T4, T6 lần lượt ra đời”.
Chúng tôi đang đứng ở đầu tuyến kênh Võ Văn Kiệt, đây thuộc xã Lạc Quới, trên con đường biên giới từ Tịnh Biên về Hà Tiên. Giả dụ không có tấm bia tưởng niệm ghi tên Võ Văn Kiệt được trang trọng gắn nơi đầu nguồn này thì ai ai cũng biết công trình đặc biệt ý nghĩa đó là kết quả của bao lần ông đến với những người nông dân một nắng hai sương, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Người ta vẫn bảo Đồng bằng sông Cửu Long là vựa thóc của cả nước, nhưng không khai thác hết được tiềm năng vốn có của nó thì câu nói đó vẫn chỉ là câu nói. Phải biến nó thành hiện thực, vùng tứ giác Long Xuyên phải trở thành một địa chỉ, một nơi để các nhà khoa học nông nghiệp và những người nông dân hợp tác, làm ra sản phẩm hàng hóa không chỉ cho trong nước mà còn xuất khẩu. Tấm lòng của một vị lãnh đạo đã cộng hưởng với tâm tư những người nông dân một đời lăn lộn vật vã với đất đai cây lúa. Và cái điều ông mong ước ấy hơn chục năm sau đã thành hiện thực. Vùng Đồng bằng Nam Bộ trở thành nơi xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam.
Từ đây nhìn ra, chạy dài dọc theo hai bên bờ kênh là bát ngát những cánh đồng bờ xôi ruộng mật. Mỗi năm một lần, khi mùa đến, từ đỉnh Thoại Sơn phóng tầm mắt nhìn ra phía trước, chỉ thấy một màu vàng mênh mang của những thảm lúa đang chờ tay người thu hoạch. Gió từ miệt sông Hậu thổi lên, tạo nên những đợt sóng da cam dập dờn, mềm mại. Dòng kênh Vĩnh Tế lúc đó như một nét chì đậm dài hút mà những nhánh nhỏ T5, T4, T6 là các dải lụa sậm màu. Ghe thuyền ngược xuôi như những chiếc lá. Thời điểm gặt hái chỉ diễn ra trong vòng nửa tháng, ấy là khi ngoài đồng, trong ấp nhộn nhịp từ sáng đến tối. Trên bờ xe kéo, dưới kênh ghe thuyền đầy lúa. Chiếc xuôi, chiếc ngược, tiếng máy nổ xen lẫn tiếng người nói cười râm ran khắp một vùng. Đèn điện sáng trưng bến bãi. Người lớn, trẻ nhỏ tíu tít, hối hả như chạy đua với thời gian.
Nhưng cũng không thể nào không nói tới niềm vui mùa nước lên. Nước từ kênh lớn qua đập tràn đổ vào kênh nhỏ, rồi từ kênh nhỏ vào đồng, dòng nước mang nặng phù sa chảy cuồn cuộn. Đấy cũng là thời điểm cá từ Biển Hồ (Cam-pu-chia), theo dòng sông Hậu qua kênh Vĩnh Tế, tràn lên những cánh đồng làm nên cái tên “mùa nước nổi”. Với người dân Nam Bộ, mùa nước nổi là mùa cá lên, mùa làm ăn sung túc. Lưới chài là phương tiện đánh bắt chủ yếu mà ở đâu ta cũng bắt gặp, nhà nào cũng có. Cá và cá. Nhìn đâu cũng thấy cá. Cá ắp các khoang thuyền. Cá trắng những sân phơi. Anh Nguyễn Văn Thọ, còn gọi là Út Thọ, nhà ở Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, một người có thâm niên làm nghề hạ bạc (đánh bắt cá) vùng này, đang cùng mấy người bạn chài cá gần đập tràn Trà Sư. Họ đều là những nông dân, mùa khô làm ruộng, rẫy; đến mùa nước lên sắm sửa lưới, câu đánh bắt cá. Thì ra dòng kênh Vĩnh Tế hàng năm không chỉ mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng hàng ngàn héc-ta từ Châu Đốc, Tịnh Biên đến Tri Tôn, Giang Thành, Hà Tiên, mà còn đem về nguồn thực phẩm, cá tôm dồi dào nuôi sống người nông dân. Anh Út Thọ vừa kéo lên một mẻ chài đầy cá. Trong ánh nắng quá trưa, nụ cười lấp lóa hàm răng, anh hồ hởi cho biết:
“Cánh đồng Vĩnh Tế đầu nguồn này (nơi gặp gỡ kênh Vĩnh Tế và kênh Võ Văn Kiệt) như cái túi cá, nước tới đâu cá, lươn áp tới đó, tha hồ đánh bắt. Tùy theo mực nước cao thấp người ta sẽ chọn đánh bắt các loài cá khác nhau. Nhưng có một điều thú vị là đánh không bao giờ hết cá. Cá đánh được, thứ đem phơi khô bán, thứ làm mắm vừa làm thức ăn, vừa là hàng hóa khi cần tiền. Đúng ra mà nói, không có con kênh Vĩnh Tế không có mùa lúa bội thu đã đành, mà mùa cá lên cũng đừng bao giờ nghĩ tới”.
Theo người dân ở đây thì vào những ngày cá ra, kênh Vĩnh Tế và các nhánh nhỏ như kênh T4, T5, Trà Sư, Tha La, Võng Xá, thuyền ghe đông như trẩy hội. Xuồng chài, xuồng câu đậu san sát nhau. Ban đêm đèn điện sáng trưng, tiếng cười nói không khi nào dứt. Cá đánh về thứ ăn, thứ bán, rồi đem làm mắm để ăn dài dài mùa khô đi đồng. Đó cũng là nguyên do để vùng này trở thành “thủ phủ” của mắm cá vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để chứng minh điều này, chúng ta có thể dạo một vòng qua Châu Đốc, Tri Tôn, hay thị trấn Xuân Tô, khu vực miếu Bà Chúa Xứ… hàng trăm sạp mắm lớn nhỏ với các thương hiệu khác nhau, nói lên sự phong phú của sản vật miền Tây sông nước. Chưa cần đến tận nơi, từ khá xa, chúng ta đã nhận ra cái mùi thơm đậm đà, mặn mòi của các chum mắm. Thế giới của mắm cá miền Tây chính là đây chứ không phải đâu khác.
Trên hành trình dòng kênh Vĩnh Tế, thị trấn Xuân Tô thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đóng vai trò là một trạm trung chuyển. Đấy là nơi giao thương, buôn bán tấp nập bậc nhất của cư dân sống dọc theo con kênh này. Hàng hóa từ Châu Đốc, Hà Tiên chuyển tới được tập kết tại đây. Ngoài ra còn những mặt hàng từ nước bạn Cam-pu-chia, làm cho những phiên chợ biên giới nhộn nhịp quanh năm suốt tháng. Bên những mặt hàng thủy, hải sản, nông sản phong phú, như mọi phiên chợ trong vùng, ở đây còn có các mặt hàng độc đáo mà chỉ vùng Bảy Núi mới có như bọ rầy, bọ cạp, rết núi, hay đường, bánh thốt nốt... Sự phồn thịnh cũng như vị thế an sinh của thị trấn Xuân Tô và các vùng cư dân dọc dài hai bờ tả hữu đã nói lên tầm nhìn chiến lược của tiền nhân khi xuống lệnh đào kênh Vĩnh Tế hơn 200 năm trước. Thực tế từ khi ra đời, con kênh này đã góp phần không nhỏ làm nên sự trù phú, phồn thịnh của vùng đồng bằng miền Tây, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của người dân.
Ngày nay, trong sự phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng của vùng đồng bằng miền Tây, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài trọng trách làm nên sự thịnh vượng, nó như một “bức tường thành” che chắn phía Tây Nam, mang lại bình yên cho Tổ quốc. Biết bao xương máu người xưa để có con kênh này. Rõ ràng Thoại Ngọc Hầu đã không quên họ, những dân phu, binh lính đã bỏ mạng trong quá trình đào kênh khi ghi danh họ trong khu tưởng niệm dưới chân núi Sam.
Theo dòng Vĩnh Tế hôm nay chúng ta như đi giữa đôi bờ lịch sử. Và nhận ra cái điều cốt lõi: Vĩnh Tế - đấy là bức thông điệp của tiền nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thông điệp đó đã được kế thừa và phát triển như một tất yếu sáng tạo trong thời đại Hồ Chí Minh, để Vĩnh Tế hôm nay là niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn lời một người dân An Giang, trong câu chuyện nói về dòng Vĩnh Tế:
“Vĩnh Tế là con kênh đã góp phần không nhỏ làm nên thành quả trong quá trình đấu tranh, xây dựng phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam nói riêng và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trong từng giai đoạn, thời điểm, chiến tranh hay hòa bình, nó như một chứng nhân, là một phần lịch sử của dải đất cuối trời Tổ quốc. Thực tiễn ghi nhận, gần hai thế kỷ từ khi ra đời kênh Vĩnh Tế đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế, văn hóa xã hội không chỉ của những nơi nó đi qua như An Giang, Kiên Giang, mà toàn bộ xứ sở Nam Bộ. Kênh Vĩnh Tế không chỉ đơn thuần là con kênh dẫn nước mà nó còn là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, ý chí của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”.