1. TƯ DUY HƯỚNG NGOẠI (EXTRAVERTED THINKING)
Như là kết quả của thái độ hướng ngoại nói chung, tư duy hướng ngoại chịu sự điều hướng của đối tượng bên ngoài và dữ kiện khách quan. Cách điều hướng này tạo ra một nét riêng đáng chú ý.
Tư duy nói chung được nuôi dưỡng bởi hai nguồn:
(i) Nguồn thứ nhất là nội tại chủ quan, suy cho cùng thì đó chính là vô thức;
(ii) Nguồn thứ hai là các dữ kiện bên ngoài được nhận thức bằng-giác-quan.
Khi nào một suy nghĩ được gọi là hướng ngoại?
Tư duy hướng ngoại hình thành bởi các yếu tố từ nguồn thứ hai - nguồn bên ngoài nhiều hơn, thay vì nguồn thứ nhất - nguồn nội tại.
Sự xét đoán luôn dựa trên tiêu chí nhất định. Đối với xét đoán mang tính hướng ngoại, tiêu chí quyết định và hợp lệ là tiêu chuẩn lấy từ các hoàn cảnh bên ngoài, bất kể tiêu chuẩn đó nằm ở một thực tế có thể nhận biết khách quan, hay được biểu lộ trong một ý tưởng khách quan. Vì một ý tưởng khách quan, ngay cả khi được thừa nhận ở bên trong, vẫn có nguồn gốc từ bên ngoài.
Do vậy, tư duy hướng ngoại không nhất thiết là một suy nghĩ vật chất cụ thể. Nó cũng có thể là một suy nghĩ kiểu lí tưởng, với điều kiện: Các ý tưởng đấy vay mượn từ bên ngoài ở một mức độ lớn, chẳng hạn như được truyền vào qua truyền thống, định kiến xã hội và giáo dục.
Do đó để xem liệu một suy nghĩ có hướng ngoại hay không, tùy thuộc vào câu hỏi:
(i) Xét đoán đó dựa trên tiêu chí nào? Tiêu chí đó là từ bên ngoài hay bên trong?
(ii) Hướng kết luận của suy nghĩ là gì? Liệu họ có hướng suy nghĩ ra bên ngoài hay không?
Tâm trí bận rộn nghĩ về các đối tượng vật chất cụ thể, không có nghĩa là nó đang suy nghĩ hướng ngoại.
Ví dụ, tôi có thể đang suy tư về một đối tượng vật chất cụ thể thì (i) hoặc là tôi đang tách suy nghĩ của tôi khỏi nó; (ii) hoặc là tôi đang dùng đối tượng đó để cụ thể hóa suy nghĩ của mình.
Ngay cả khi tôi đang để suy nghĩ của mình dính líu đến một đối tượng vật chất cụ thể bên ngoài, đến một mức có thể gọi là hướng ngoại, thì hướng suy nghĩ của tôi là hướng nào cũng rất đáng ngờ và thuộc về tính tình riêng. Nghĩa là, khi nghĩ xa hơn, hướng suy nghĩ của tôi có quay trở lại với dữ kiện khách quan, thực tế bên ngoài và những ý tưởng được số đông chấp nhận hay không.
Làm thế nào để nhận ra một tư duy là hướng ngoại?
Trong tư duy của nhà buôn, kĩ sư, hay nhà khoa học tự nhiên, suy nghĩ hướng ngoại ngay lập tức thể hiện. Nhưng với nhà triết học, vẫn không thể chắc chắn lối suy nghĩ của ông ta có phải là hướng ngoại hay không.
Trong trường hợp như thế, trước khi quyết định, chúng ta phải tìm hiểu thêm xem:
(i) Các suy nghĩ của ông ta có đơn thuần chỉ là ý niệm trừu tượng đúc rút từ trải nghiệm khách quan? Nếu vậy, chúng sẽ chỉ đơn thuần là tập hợp những khái niệm cao cấp hơn, bao hàm trong đó một tệp các dữ kiện thực tế khách quan.
(ii) Hay chúng được đúc rút từ truyền thống hoặc vay mượn từ môi trường trí thức vào thời đó? Nếu vậy thì những ý niệm đó nhất định cũng thuộc về hạng mục các dữ liệu khách quan. Lối tư duy này có thể gọi là hướng ngoại.
Mặc dù tôi không định trình bày bản chất của tư duy hướng nội ở điểm này (mà để dành cho một phần sau), tuy vậy tôi thấy cần đưa ra một vài lời về kiểu suy nghĩ này trước khi đi xa hơn.
Nếu xem xét nghiêm túc những gì tôi vừa nói về tư duy hướng ngoại, có lẽ sẽ dễ dàng đi đến kết luận rằng: Những điều tôi nói ở trên đã bao hàm hết mọi thứ được số đông gọi là tư duy.
Quả thực có thể lí luận rằng, một lối suy nghĩ có mục đích nhưng không dính líu đến các dữ kiện thực tế khách quan, cũng không dính líu đến các ý tưởng phổ biến hiếm khi đáng được coi là “suy nghĩ”.
Tôi hoàn toàn ý thức đến thực tế rằng: Quan niệm của thời đại chúng ta, cũng như những kẻ xuất chúng nhất của chúng ta, chỉ biết đến và thừa nhận duy nhất lối tư duy hướng ngoại. Nguyên nhân một phần cũng là do thực tế: Mọi tư duy bất kể là khoa học, triết học hay ngay cả nghệ thuật đều (i) bắt nguồn trực tiếp từ các đối tượng bên ngoài, hoặc (ii) chảy qua dòng ý tưởng phổ biến của đám đông. Trên một trong hai nền tảng đó, ít nhất tư duy có thể nhận thức được bằng trí óc (dù không phải lúc nào cũng hoàn toàn rõ ràng), do vậy trở nên tương đối hợp lệ. Theo nghĩa này, có thể nói tư duy là hướng ngoại. Tư duy được dữ kiện bên ngoài điều hướng thực sự là loại tư duy duy nhất mà con người nhận ra được.
Phân biệt tư duy hướng ngoại với tư duy hướng nội
Tuy nhiên, sự thực còn có một loại tư duy hoàn toàn khác. Đây là lối tư duy không bị trải nghiệm khách quan trực tiếp điều hướng, hay không có dính líu đến các ý tưởng phổ biển lấy từ bên ngoài.
Tôi hiểu lối tư duy hướng nội này theo cách sau đây: Các ý niệm của tôi liên quan đến một đối tượng vật chất cụ thể hay ý tưởng phổ biến, sau cùng quá trình suy nghĩ của tôi lại đưa tôi quay trở lại đối tượng đó. Quy trình suy nghĩ này không phải là hoạt động tinh thần duy nhất xảy ra trong tôi ở thời điểm đó. Tôi sẽ tạm chưa nhắc đến những cảm xúc và cảm giác, đấy là những thứ kèm theo ít nhiều gây gián đoạn dòng suy nghĩ của tôi. Tôi chỉ đơn thuần nhấn mạnh thực tế rằng, bắt đầu từ một dữ liệu khách quan và hoạt động tư duy hướng trở lại đến đối tượng. Lối suy nghĩ này còn có mối liên hệ bất biến với người nghĩ. Liên hệ này là một điều kiện cốt yếu, nếu không có nó, bất kể lối suy nghĩ nào cũng không thể diễn ra.
Ngay cả khi quá trình suy nghĩ của tôi hướng ra dữ kiện khách quan, thì nó vẫn là lối suy nghĩ chủ quan bên trong của tôi. Lối suy nghĩ bị điều hướng bởi dữ kiện khách quan này không thể nào thoát khỏi sự trộn lẫn thái độ chủ quan, hay phớt lờ thái độ chủ quan đó. Dù tôi cố gắng hướng dòng ý niệm của mình ra bên ngoài, tôi cũng không thể loại bỏ suy nghĩ chủ quan bên trong đang không ngừng chảy song song và tham dự vào tất cả mọi mặt.
Ấy vậy, cái chủ quan đấy không hề dập tắt những “tia lửa đời” trong suy nghĩ của tôi.
Quá trình tư tuy nội tại song song đó có một khuynh hướng tự nhiên (chỉ có thể tránh được một cách tương đối) là chủ quan hóa các dữ kiện thực tế bên ngoài, chẳng hạn như đồng hóa chúng với chủ thể.
Bất cứ khi nào lối tư duy chủ quan này được coi trọng, nó sẽ khởi lên chống lại tư duy hướng ngoại.
Nó đơn thuần chỉ hướng suy nghĩ vào bên trong. Tôi gọi đó là hướng nội.
Đây là một lối suy nghĩ hướng vào trong, không bị các dữ kiện thực tế bên ngoài định đoạt và điều hướng. Nó xuất phát từ dữ liệu chủ quan và được điều hướng đến các ý tưởng hay dữ kiện bên trong.
Tôi tạm chưa đi sâu vào toàn bộ tư duy hướng nội ở phần này. Tôi trước tiên chỉ muốn chứng minh sự tồn tại của nó, để đưa ra một bổ sung cho lối tư duy hướng ngoại, để làm nổi bật hẳn lên bản chất của tư duy hướng ngoại.
Khi việc hướng ra bên ngoài chiếm ưu thế nhất định, tư duy sẽ là hướng ngoại.
Hướng nội hay hướng ngoại không hề làm thay đổi bản chất logic của tư duy, nó chỉ định đoạt nét khác nhau giữa mọi người. Nét khác nhau này được William James cho là tính cách.
Việc hướng đến đối tượng bên ngoài, như đã giải thích, không hề tạo ra thay đổi bản chất nào trong hoạt động suy nghĩ, mà chỉ thay đổi vẻ ngoài của nó. Vì suy nghĩ chịu tác động của dữ kiện bên ngoài, nên nom có vẻ như nó bị đối tượng bên ngoài hấp dẫn, thu hút, như thể nếu không hướng ra bên ngoài thì nó không thể tồn tại. Suy nghĩ đó dường như là tập hợp một chuỗi các dữ kiện bên ngoài, hoặc nó dường như chỉ có thể đạt đến đỉnh cao duy nhất khi tương thích với ý tưởng mang giá trị phổ biến.
Đặc tính của lối tư duy hướng ngoại
Tư duy hướng ngoại dường như liên tục chịu tác động của dữ kiện khách quan, nó chỉ rút ra được những kết luận về căn bản hợp với các dữ kiện đó. Lối tư duy hướng ngoại do vậy tạo nên ấn tượng về sự mất tự do nhất định, đôi khi được đánh giá là thiển cận, bất kể chủ thể có tài giỏi và nhanh nhẹn trong lĩnh vực chuyên môn ra sao. Vì họ chỉ tập trung vào dữ kiện bị giới hạn trong lĩnh vực của đối tượng khách quan kia.
Đấy là tôi đang mô tả cái ấn tượng đơn thuần của người quan sát đối với loại tư duy hướng ngoại. Bản thân anh ta phải có một góc nhìn khác, nếu không anh ta sẽ không thể nào hiểu được hiện tượng tư duy hướng ngoại này. Anh ta chỉ thấy được bề ngoài, chứ không thấy bản chất của nó. Trong khi bản thân người mang lối suy nghĩ hướng ngoại có thể hiểu được bản chất của lối suy nghĩ này, nhưng lại không thấy được bề ngoài của nó. Tất nhiên, xét đoán dựa trên bề ngoài trong bất kì trường hợp nào cũng không thể đúng với bản chất của sự vật. Thế nên, không thể xem nhẹ những kết luận của lối tư duy hướng ngoại.
Về bản chất, tư duy hướng ngoại không hề kém phần hiệu quả và sáng tạo so với tư duy hướng nội. Chỉ là sức mạnh của chúng phục vụ cho mục đích khác nhau.
Nét khác nhau rõ nhất là, tư duy hướng ngoại có nền tảng vật chất, mà vật chất cụ thể này lại là một đối tượng bên ngoài của tư duy hướng nội. Chẳng hạn trường hợp như, một niềm tin chủ quan được (i) phân tích, diễn giải bằng những dữ kiện thực tế bên ngoài, hoặc (ii) là kết quả được dẫn xuất từ các ý tưởng khách quan.
Nhưng đối với ý thức theo lối “khoa học” của chúng ta, nét khác nhau giữa hai phương thức tư duy còn trở nên rõ ràng hơn. Chẳng hạn, khi suy nghĩ theo hướng chủ quan nỗ lực đưa dữ kiện khách quan vào việc kết nối với cái chủ quan đấy, làm cho dữ kiện khách quan phụ thuộc vào một ý tưởng chủ quan.
Cả hai lối tư duy đều thấy lối tư duy còn lại là xâm phạm, gây nên một dạng hiệu ứng đổ bóng. Nghĩa là, trong cái nhìn lối tư duy này, lối tư duy còn lại luôn phô bày ra mặt khó chịu nhất của nó:
(i) Ở góc nhìn hướng ngoại thì tư duy hướng nội có vẻ chuyên quyền, độc đoán;
(ii) Còn từ con mắt hướng nội, thì tư duy hướng ngoại chán ngắt và tầm thường, không thể nào sánh được với mình.
Hai lối tư duy do vậy không ngừng cạnh tranh, “gây hấn” với nhau.
Chúng ta có lẽ nghĩ, một xung đột như thế có thể dễ dàng được điều chỉnh nếu phân biệt rõ ràng các đối tượng có bản chất chủ quan với các đối tượng có bản chất khách quan. Tuy nhiên, không may là không thể nào phân biệt được, mặc dù không ít người đã từng thử. Ngay cả nếu phân biệt được, đó sẽ là một hành động tai hại. Vì cả hai hướng tư duy đều có tính phiến diện nên tính hiệu quả bị hạn chế. Do đó mỗi lối tư duy cần hiệu chỉnh cho nhau.
Tư duy sẽ ngay lập tức bị “tiêu trừ” khi nó chịu ảnh hưởng thái quá của dữ liệu khách quan. Nếu quá hướng ngoại, tư duy sẽ thoái hóa thành một thứ phụ thuộc đơn thuần vào các dữ kiện thực tế khách quan. Như thế, tư duy sẽ không thể thoát khỏi dữ liệu khách quan để hình thành một ý tưởng trừu tượng nữa.
Quá trình tư duy lúc đó sẽ suy biến thành một “phản ánh” đơn thuần, không còn theo nghĩa “trầm tư mặc tưởng” mà chỉ là bắt chước. Sự bắt chước này không đem đến lời khẳng định thiết yếu nào ngoài cái vốn sẵn có trong dữ liệu khách quan. Một lối suy nghĩ quá hướng ngoại kiểu này sau cùng lại quay ngược về dữ kiện thực tế khách quan, không bao giờ vượt được khỏi được nó. Do vậy, nó không thể dẫn đến sự kết nối giữa trải nghiệm chủ quan với một ý tưởng khách quan. Và ngược lại, khi tư duy hướng ngoại lấy một ý tưởng khách quan làm đối tượng, thì nó hoàn toàn “phớt lờ” trải nghiệm cá nhân, mà ít nhiều cố thủ với một thái độ đã định sẵn. Tinh thần duy vật là một ví dụ điển hình trong trường hợp này.
Vì quyết định hướng ngoại được củng cố, nên khi tư duy hướng ngoại bị hạ tầng xuống thấp hơn hay phải phụ thuộc vào dữ liệu khách quan. Ở một khía cạnh nào đó, nó hoàn toàn đánh mất chính mình trong kinh nghiệm cá nhân, và bắt đầu tích lũy những kinh nghiệm chưa được kiểm chứng. Chúng trở thành một đống những kinh nghiệm hay trải nghiệm cá nhân nặng nề ít nhiều bị mất kết nối, gây ra một tình trạng phân li trí óc.
Tình trạng phân li này thường cần đến một bù trừ tâm lí. Bù trừ đó phải là một ý tưởng đơn giản phổ quát, mang đến sự liền lạc cố kết cho cái toàn thể dồn đống nhưng bị mất kết nối ở bản chất, hoặc ít nhất nó gợi ý về một gắn kết như thế. Những ý tưởng như “vật chất” hay “năng lượng” là phù hợp cho mục đích này.
Nhưng bất cứ khi nào tư duy không chủ yếu dựa vào dữ kiện thực tế bên ngoài, mà dựa vào một ý tưởng được chấp nhận hay trung gian (từ người khác, không phải trực tiếp từ trải nghiệm của mình), thì tình trạng túng thiếu ý tưởng gây ra một bù trừ ở dạng tích lũy dữ kiện thực tế thậm chí còn lớn hơn. Các dữ kiện thực tế này tập hợp thành một nhóm phiến diện, với góc nhìn tương đối hạn chế và khô khan. Thế là nhiều khía cạnh có giá trị và hợp lí của sự vật hiện tượng tự động bị phớt lờ.
Cái gọi là tài liệu khoa học phong phú đến chóng mặt ngày nay, một tỉ lệ lớn không thể chấp nhận được trong số chúng tồn tại là do khuynh hướng tư duy hướng ngoại thái quá này.
MẪU NGƯỜI TƯ DUY HƯỚNG NGOẠI (EXTRAVERTED THINKING TYPE)
Theo kinh nghiệm, trong mỗi cá nhân, các chức năng tâm lí cơ bản hiếm khi, hoặc không bao giờ có cùng một sức mạnh hay cấp độ phát triển. Thường thì chức năng này sẽ chiếm ưu thế hơn chức năng kia về cả mức độ lẫn tốc độ phát triển. Khi quyền tối cao được trao cho chức năng tư duy (trong số các chức năng tâm lí), tức là khi cuộc sống của một cá nhân chủ yếu do suy nghĩ thống trị, đến mức mọi hành động quan trọng đều xuất phát từ các lực thôi đẩy của trí óc, hoặc ít nhất chủ thể có khuynh hướng làm theo các động lực thôi đẩy đó, thì chúng ta có thể gọi đây là mẫu người Tư duy.
Như chúng ta đã biết, tư duy có thể là hướng nội hoặc hướng ngoại. Song trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về mẫu người Tư duy hướng ngoại này.
Giới luật đạo đức - phẩm hạnh
Hãy tưởng tượng, một người (tất nhiên ở đây được giả định là mẫu người tư duy thuần hướng ngoại) có mục đích bất biến là đưa ra kết luận trí óc cho toàn bộ hoạt động sống của mình. Những kết luận này rốt cuộc luôn chịu sự điều hướng của dữ liệu khách quan, bất kể dữ liệu đó là các dữ kiện thực tế bên ngoài hay ý tưởng phổ biến.
Mẫu người này trao tiếng nói quyết định cho thực tại khách quan, hoặc cho những mẫu thức tinh thần mang tính khách quan, không chỉ đơn thuần vì chính họ, mà còn nhân danh đám đông xung quanh họ.
Dựa vào công thức hướng ngoại này, họ đo lường cái thiện cái ác, định đoạt cái đẹp cái xấu. Mọi thứ nếu tương ứng với công thức đều đúng, còn ngược lại là sai. Những thứ trung lập đơn thuần đều chỉ là ngẫu nhiên. Vì dường như tương ứng với ý nghĩa của thế giới, công thức này đối với người Tư duy hướng ngoại cũng trở thành luật-thế-gian, phải được cả cá nhân lẫn tập thể tuân theo mọi lúc mọi nơi.
Cũng bởi người Tư duy hướng ngoại hạ mình lệ thuộc vào công thức hướng ngoại, nên những người xung quanh cũng phải tuân theo nó. Đối với họ, kẻ nào làm trái công thức là kẻ sai, kẻ đó đang chống lại luật-thế-gian, do vậy là vô lí, vô đạo đức và không có lương tâm.
Giới luật đạo đức - phẩm hạnh của họ không cho phép họ dung chứa bất kì ngoại lệ nào. Trong mọi trường hợp, lí tưởng của họ nhất định phải được hiện thực hóa. Trong mắt họ, lí tưởng đó là thực tại khách quan được công thức hóa đến mức có thể hoàn toàn nhận thức được, do đó phải là chân lí chung, tuyệt đối cần thiết để cứu rỗi loài ngoài. Cứu rỗi không xuất phát từ tình yêu vĩ đại nào dành cho con người, mà là từ góc nhìn cao hơn của họ về công bằng và chân lí. Trong bản chất của họ, điều gì làm mất tác dụng của công thức thì đấy là một khiếm khuyết, một thứ bệnh tật cần phải loại bỏ.
Nếu công thức hướng ngoại này dung chứa cả người bệnh, người đau khổ, hay người loạn trí thì bệnh viện, nhà tù, thuộc địa, v.v. sẽ được cung cấp những nhu yếu phẩm đặc biệt, hay ít nhất sẽ có những kế hoạch quy mô rộng cho dự án đó. Động cơ công lí và chân lí thông thường là không đủ để thúc đẩy việc thực hiện những kế hoạch này. Nhiệm vụ thực hiện vẫn được trao cho các tổ chức từ thiện Cơ-đốc, mà theo tôi liên quan nhiều đến cảm xúc hơn là lí trí kiểu “một người thực sự nên làm” hay “một người buộc phải làm”. Nếu công thức của tư duy hướng ngoại đủ bao trùm, nó có thể đóng một vai trò rất có ích trong đời sống xã hội. Đó sẽ là một nhà cải cách hay nhà khai sáng, đó sẽ là một công cụ thanh lọc lương tâm quần chúng, hay là công cụ truyền bá các cải tiến quan trọng. Nhưng công thức càng cứng nhắc, cá nhân lại càng biến thành một người lí sự xảo trá, một người hay cằn nhằn, một nhà phê bình tự cao tự đại, chỉ muốn đẩy chính mình và người khác vào một cái khung.
Cơ chế tâm lí của mẫu người Tư duy hướng ngoại
Chúng tôi đã phác thảo hai hình thái cực đoan (cảm xúc và lí trí), số đông các mẫu người kể trên được phân chia cấp độ trong khoảng hai giới hạn này.
Theo bản chất của thái độ hướng ngoại, khi một người càng rời xa dần khỏi vùng trung tâm tính cách, thì các hoạt động và ảnh hưởng của tính cách đó thậm chí càng có lợi và hữu ích. Khía cạnh tốt nhất của tính hướng ngoại sẽ thể hiện ở rìa phạm vi ảnh hưởng của chúng. Có những lựa chọn sống vẫn dao động ở vùng rìa của thái độ hướng ngoại, tại đó chủ thể không sử dụng công thức hướng ngoại quá cực đoan, họ không nhất nhất dùng nó làm tiêu chuẩn để đánh giá mọi thứ.
Trong khi càng thâm nhập sâu vào lãnh địa riêng của tính hướng ngoại, sự chuyên chế của chúng càng lớn và áp đặt càng mạnh mẽ. Càng thăm dò sâu hơn vào phạm vi đặc biệt mà ở đó công thức hướng ngoại hoạt động, chúng ta lại càng thấy cuộc sống yếu dần và rút ra khỏi mọi thứ không làm theo mệnh lệnh của nó. Thường thì, những họ hàng gần nhất sẽ là người phải nếm những hậu quả khó chịu nhất của một người theo công thức hướng ngoại cực đoan, vì họ là phải chịu đầu tiên. Nhưng sau tất cả, chủ thể là người phải chịu đựng nhiều nhất.
Thực tế, công thức trí óc (bao hàm nhiều tiềm năng phong phú của cuộc sống được biểu lộ thành một biểu thức phù hợp) sẽ không bao giờ dẫn tới một ước chế hay hoàn toàn loại bỏ các dạng thức và hoạt động sống quan trọng khác.
Lúc đầu, tất cả những sinh hoạt đời sống quan trọng phụ thuộc vào cảm nhận như các hoạt động thẩm mĩ, khẩu vị, cảm quan nghệ thuật, mối quan hệ bạn bè, v.v. sẽ bị dồn nén trong mẫu người Tư duy hướng ngoại này. Còn các dạng phi lí trí như trải nghiệm tôn giáo, ái tình, đam mê, ham muốn, hưng phấn và những thứ tương tự, thường bị phủ nhận toàn triệt. Những dạng thức này là cần thiết, vì chúng hỗ trợ cho một sự tồn tại – phần lớn thuộc về vô thức.
Chắc chắn có những người ngoại lệ có thể hi sinh toàn bộ cuộc sống của họ cho một công thức nhất định. Nhưng với phần lớn chúng ta, một cuộc sống vĩnh cửu thuần nhất là không thể có. Sớm hay muộn, các dạng sống bị dồn nén vào vô thức cũng có ngày trồi lên bề mặt, gián tiếp thông báo sự hiện diện của chúng qua một rối loạn trong hành vi sống có ý thức. Đến một mức độ nhất định, chúng trở thành rối loạn thần kinh chức năng. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, theo bản năng, cá nhân cho phép chính mình giảm nhẹ công thức hướng ngoại theo một cách phù hợp và hợp lí, để phòng ngừa rối loạn trở nên tệ đi, biến thành bệnh lí. Như thế, một cái van an toàn được tạo ra.
Khi những khuynh hướng hay chức năng đó hoàn toàn hoặc ít nhiều bị ngăn cản tham dự vào thái độ ý thức, chúng được giữ trong vô thức ở một trạng thái tương đối kém phát triển. Khi so sánh với chức năng ý thức, chúng thuộc tầng thấp hơn. Trong kho vô thức, chúng hòa vào với các nội dung còn lại của vô thức, từ đó mang một đặc tính kì lạ. Còn với ý thức, chúng chỉ đóng vai phụ. Mặc dù trong toàn bộ bức tranh tâm lí, chúng đóng vai trò quan trọng đáng kể.
Cảm xúc của mẫu người Tư duy hướng ngoại
Vì cảm xúc là yếu tố đầu tiên phản đối và phủ nhận công thức tư duy hướng ngoại cứng nhắc, chúng sẽ chịu tác động của ý thức trước tiên, sẽ bị dồn nén dữ dội nhất. Về mặt tâm lí, không chức năng nào có thể bị loại trừ hoàn toàn, chúng chỉ bị bóp méo, trở nên sai lệch. Khi bị tùy tiện định hình và hạ tầm quan trọng, các cảm xúc phải hỗ trợ thái độ ý thức và tự điều chỉnh để phù hợp với mục đích của thái độ này.
Có một tình trạng đó là, một phần cảm xúc vẫn ở trạng thái không chịu phục tùng, vì thế chúng bị dồn nén. Nếu dồn nén thành công, phần cảm xúc đó sẽ biến mất khỏi ý thức và bắt đầu mở ra hoạt động trong tiềm thức. Hoạt động này đi ngược lại các mục đích ý thức, thậm chí gây ra các tác động mà cá nhân hoàn toàn không lường trước được hậu quả.
Lấy ví dụ, lòng vị tha có ý thức thường thuộc phẩm chất cực cao, có thể bị gây trở ngại bởi tính vị tư tiềm ẩn mà cá nhân không hề hay biết. Tính vị tư đó đóng con dấu mang tên ích kỉ lên những hành động bề ngoài tưởng chừng vô tư.
Các mục đích đạo đức - xử thế đơn thuần có thể dẫn cá nhân vào những tình huống nguy cấp, đôi khi giống như là được quyết định hoàn toàn bởi người khác, chứ không phải do các động lực thôi đẩy nội tại. Có những người bảo vệ đạo đức - phẩm hạnh cho quần chúng hay những tình nguyện viên giải cứu đột nhiên thấy chính mình đang ở trong tình huống thỏa hiệp đáng chê trách hay cần được giải cứu vô cùng. Quyết tâm cứu rỗi của họ thường khiến họ sử dụng những cách mà họ muốn tránh nhất – chúng có khuynh hướng tích tụ trong họ. Có những nhà lí tưởng hướng ngoại khao khát thúc đẩy công cuộc cứu rỗi nhân loại đến nỗi không e ngại dùng đến các phương cách gian trá để theo đuổi lí tưởng của mình.
Có một vài tấm gương đau khổ trong khoa học, họ là những nghiên cứu viên được tôn trọng, họ hết sức tin vào chân lí và giá trị chung của công thức hướng ngoại, họ không ngại ngần giả mạo bằng chứng để phục vụ cho lí tưởng của mình. Hành động này được công thức tư duy hướng ngoại “bao che”, thừa nhận, lấy mục đích biện minh cho cách thức. Chỉ có một chức năng cảm nhận kém nhạy bén, bị dồn nén, hoạt động theo lối làm mê muội và vô thức mới có thể gây ra những lầm lạc như vậy ở những người đáng nhẽ rất uy tín.
Sự thiếu nhạy bén trong cảm nhận của mẫu người này còn thể hiện ra theo nhiều cách khác. Chừng nào công thức tư duy hướng ngoại tích cực còn chiếm ưu thế, chừng đó thái độ ý thức ít nhiều không bị ảnh hưởng bởi cảm tính, thường đến một mức độ như làm một việc trái với các sở thích hay hứng thú cá nhân.
Khi thái độ hướng ngoại của ý thức trở nên cực đoan, mọi cân nhắc cá nhân sẽ lu mờ, thậm chí cả những điều liên quan đến chính bản thân chủ thể. Họ xao lãng sức khỏe của mình, tự hạ thấp mình, xâm phạm những lợi ích sống còn của gia đình và người thân, chẳng hạn như đối xử bất công về mặt đạo đức - phẩm hạnh và tài chính, thậm chí chịu khổ về sức khỏe, thân thể. Tất cả nhằm phục vụ cho lí tưởng của cá nhân hướng ngoại thái quá. Họ thường rất ít khi dành lòng thương cảm cho người khác, trừ phi bọn họ tình cờ cùng hướng đến một công thức hướng ngoại.
Thế nên, thường có chuyện gia đình ruột thịt của mẫu người Tư duy hướng ngoại, chẳng hạn như con họ, chỉ biết đến một người cha “bạo chúa” độc đoán, trong khi thế giới bên ngoài hô vang lòng nhân đạo của họ.
Mặc dù thái độ của ý thức thì lạnh lùng, nhưng cảm xúc bị dồn nén trong vô thức lại mang tính vị kỉ mạnh mẽ và nhạy cảm quá mức, tạo ra những định kiến tiềm ẩn trong họ. Chẳng hạn, nếu ai đó phản đối cách nhìn nhận của họ, họ sẵn sàng diễn giải sai lệch phản đối đó thành ác ý cá nhân, hoặc luôn giả định những người khác là xấu nhằm làm các lập luận của người đấy mất hiệu lực. Lẽ tất nhiên, tất cả để bảo vệ tính nhạy cảm, dễ tự ái của riêng họ.
Hậu quả của sự nhạy cảm trong vô thức này là biểu lộ và tông giọng của mẫu người Tư duy hướng ngoại thường sắc nhọn, châm chọc, gây hấn, thích nói bóng nói gió. Những cảm xúc đó thường xuất hiện không đúng lúc và đột ngột, đấy luôn là biểu hiện của một chức năng bị đè nén.
Do đó, mẫu người này có khuynh hướng hay oán giận. Dù cá nhân có hi sinh nhiều chừng nào cho mục tiêu lí trí của mình, họ vẫn sẽ nhỏ mọn, hoài nghi, khó tính và bảo thủ. Mọi thứ mới mẻ nhưng không thuộc về công thức hướng ngoại của họ đều bị nhìn nhận qua tấm màn vô thức và được phán xét dựa trên đó.
Có một câu chuyện nhỏ thế này. Giữa thế kỉ trước, một nhà trị liệu nổi tiếng có lòng nhân đạo đã dọa đuổi một trợ tá vì dám sử dụng một nhiệt kế. Đối với ông ấy, nguyên nhân gây ra cơn ốm bệnh đó phải được dò tìm qua bắt mạch. Đương nhiên trong cuộc sống, chúng ta thấy có rất nhiều ví dụ tương tự.
Tính giáo điều của tư duy hướng ngoại
Tư duy càng tinh nhanh và nhiều định kiến thì cảm xúc càng bị dồn nén. Quan điểm trí óc do giá trị thực chất của mình nên nó có thể đòi hỏi được công nhận chính đáng. Tuy nhiên nó phải trải qua một quá trình điều chỉnh đặc tính thông qua ảnh hưởng của tính nhạy cảm trong vô thức cá nhân, rồi trở nên giáo điều, cứng nhắc. Sự tự khẳng định mình giờ được chuyển thành quan điểm trí óc. Chân lí không còn phát huy tác dụng tự nhiên. Thông qua một quá trình đồng hóa với chủ thể, chân lí bị đối xử như một người yêu nhạy cảm bị một nhà phê bình độc ác phụ bạc. Chỉ những công kích dữ dội, những lí lẽ trắng trợn mới có thể đánh đổ nhà phê bình đấy. Còn chân lí được phô ra, đến khi rốt cuộc vấn đề không còn là bản thân chân lí nữa, mà là người đã tạo ra nó.
Tính giáo điều của quan điểm trí óc đôi khi thậm chí còn trở nên kì lạ hơn bởi trộn lẫn hỗn hợp những cảm nhận từ vô thức cá nhân. Không chỉ thuần túy là cảm xúc, mà là các yếu tố vô thức khác hòa với cảm xúc bị dồn nén trong vô thức đã xâm nhiễm làm biến dạng, làm sai lệch tư duy.
Bản thân lí lẽ cho thấy rằng, mọi công thức tư duy chỉ là một phần chân lí, vậy nên không có quyền độc trị. Trên thực tế, một công thức tư duy có uy lực lớn đến nỗi ngoài nó ra, những quan điểm và khả năng khác đành chào thua. Công thức đấy thay thế mọi góc nhìn cuộc sống, thậm chí còn thế chỗ quan điểm phổ biến mà ta gọi là tôn giáo, trong khi đáng lẽ ra nó nên khiêm tốn và chân thật hơn. Từ đó một công thức tư duy trở thành một loại hình tôn giáo, dù về bản chất nó chẳng có bất cứ liên hệ nào mang tính tôn giáo, nhưng lại có quyền năng tuyệt đối như tôn giáo. Nó trở thành một thứ “mê tín dị đoan” với chính người sùng bái nó.
Vô thức và cơ chế tự vệ tâm lí
Phải chịu đựng sự dồn nén của công thức tư duy, mọi khuynh hướng tâm lí bị nhóm vào với nhau trong vô thức và hình thành một thế đối chọi, gây ra nghi ngờ. Như một cơ chế tự vệ trước tâm hoài nghi, thái độ ý thức trở nên cuồng tín. Vì rốt cuộc, cuồng tín chỉ đơn thuần là một tâm nghi ngờ được bù đắp quá đáng.
Sau cùng, sự bù đắp này dẫn đến một hành động tự vệ thái quá từ ý thức, và dần hình thành một góc nhìn vô thức hoàn toàn đối lập. Chẳng hạn, đối ngược với chủ nghĩa duy lí của ý thức, một tình trạng phi lí trí cực đoan sẽ phát triển. Hoặc ngược lại với một quan điểm ý thức thấm đẫm tinh thần khoa học hiện đại, vô thức trở nên rất cổ hủ và mê tín. Đối nghịch tai hại này là nguồn cơn của những nhìn nhận thiển cận và lố bịch mà nhiều nhà tiên phong đáng ca tụng rốt cuộc sơ suất mắc phải.
Vô thức của một người đàn ông thuộc mẫu người này có tính đàn bà. Theo kinh nghiệm của tôi, mẫu người này chủ yếu là đàn ông, vì tư duy là chức năng có khuynh hướng chiếm ưu thế ở đàn ông hơn là ở phụ nữ. Thường thì, khi tư duy chiếm ưu thế ở phụ nữ, theo kinh nghiệm của tôi, đó là một kiểu tư duy được tạo ra từ hoạt động trực giác thịnh hành trong tâm trí.
Quá trình và đặc tính tư duy
Quá trình tư duy của mẫu người tư duy hướng ngoại là tích cực, vì nó mang tính sáng tạo, sản sinh. Nó dẫn đến những dữ kiện thực tế mới hoặc những quan niệm chung về những trải nghiệm khác loại. Xét đoán của nó thường có tính tổng hợp. Thậm chí khi suy nghĩ để phân tích, nó xây dựng nên một quan niệm sâu hơn. Quan niệm này hợp nhất các nguyên liệu vừa được phân tích theo một cách mới, hoặc thêm vào nguyên liệu đó một số thứ khác. Bởi vì quá trình suy nghĩ luôn phát triển vượt ra khỏi phân tích đơn thuần để đi đến một kết hợp mới. Trong bất kì trường hợp nào, xét đoán không bao giờ có mục đích tuyệt đối chê bai và hủy diệt, nó luôn thay thế giá trị cũ đã bị đánh đổ bằng một giá trị mới.
Tính chất này của xét đoán là do thực tế: Kênh chính mà năng lượng của mẫu người Tư duy hướng ngoại chảy vào là kênh Suy nghĩ.
Sự tiến bộ liên tục của cuộc sống thể hiện ra ở suy nghĩ của họ. Thế nên những ý tưởng của họ duy trì một đặc tính sáng tạo, tiến về phía trước. Suy nghĩ của họ không bị trì trệ mụ mẫm, cũng không một chút bàn lùi.
Sự trì trệ chỉ thuộc về một kiểu suy nghĩ không được ý thức ưu tiên. Trong tình huống này, suy nghĩ thiếu mất đặc tính của một hoạt động sống còn tích cực. Nó theo gót các chức năng khác, trở nên có tính Epimetheus - nhận thức muộn màng. Nó đối đáp hay vặn lại một lập luận quá muộn. Nó tạm bằng lòng với những suy nghĩ trầm tư liên tục về những thứ đã qua, trong nỗ lực phân tích và tiêu hóa chúng. Nếu yếu tố sáng tạo được dùng vào một chức năng tâm trí khác, thì tư duy không còn tiến triển nữa mà trở nên trì trệ. Xét đoán của tư duy khi đó sẽ mang đặc tính bảo thủ, cố hữu. Nó hoàn toàn giới hạn mình trong phạm vi các nguyên liệu trải nghiệm sẵn có, không thể vượt lên chúng. Nó hài lòng với một tuyên bố ít nhiều trừu tượng và không thể truyền bất kì giá trị nào vào nguyên liệu thực nghiệm, mà những nguyên liệu này không phải lúc nào vốn cũng sẵn có.
Xét đoán là đặc tính cố hữu của mẫu người Tư duy hướng ngoại. Họ thường hướng ra ngoài, cụ thể là kết luận của họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng khách quan của kinh nghiệm. Thế nên, xét đoán của mẫu người Tư duy hướng ngoại không chỉ chịu ảnh hưởng, kiểm soát của dữ liệu khách quan, mà thực sự bị phong bế bởi kinh nghiệm cá nhân. Nó không khẳng định bất cứ điều gì ngoài những gì có sẵn.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy kiểu suy nghĩ này ở những người không thể kìm nén việc đưa ra một vài nhận xét lí trí và chắc chắn rất hợp lệ về một ấn tượng hay trải nghiệm. Nhưng nhận xét này không bao giờ vượt quá quỹ đạo vốn có của kinh nghiệm. Về bản chất, họ đơn thuần chỉ có ý là “Tôi đã hiểu được nó, tôi có thể phục dựng lại nó.” Vấn đề cũng đến đó là hết. Ở mức cao nhất, một xét đoán như thế đơn thuần chỉ có nghĩa là đặt một kinh nghiệm vào một bối cách khách quan, nhờ đó kinh nghiệm kia ngay lập tức được công nhận là thuộc về bối cảnh.
Nhưng khi một chức năng không phải chức năng tư duy chiếm được ưu thế rõ rệt trong ý thức, ở chừng mực suy nghĩ vẫn hoàn toàn được ý thức và không phụ thuộc trực tiếp vào chức năng chiếm ưu thế kia, suy nghĩ sẽ mang tính tiêu cực. Chừng nào tư duy phục tùng chức năng chiếm ưu thế, thực ra nó có thể mang một diện mạo tích cực. Nhưng nếu xem xét kĩ lưỡng hơn sẽ thấy rằng, nó đơn thuần chỉ bắt chước chức năng chiếm ưu thế, hỗ trợ chức năng đó bằng những
lập luận phủ nhận các quy luật logic vốn phù hợp với chức năng tư duy. Lối suy nghĩ này, do vậy, không liên quan gì đến cuộc bàn luận hiện giờ của chúng ta. Đúng hơn, chúng ta quan tâm tới kết cấu hay sự hình thành của lối suy nghĩ không bị phụ thuộc vào chức năng (chiếm ưu thế) nào khác, mà hoạt động đúng theo các nguyên tắc của nó.
Quan sát và tìm hiểu lối tư duy này thật không dễ, vì trong trường hợp cụ thể, nó ít nhiều bị dồn nén bởi thái độ ý thức. Thế nên, ở đa phần các trường hợp, trước tiên phải khôi phục lại nó từ hậu trường ý thức. Trừ phi vào một khoảnh khắc không đề phòng nào đó, nó tình cờ hiện lên trên bề mặt. Thông thường, nó phải được dẫn dụ xuất hiện qua một số câu hỏi như: “Bạn đang thực sự nghĩ gì?” hay “Quan điểm cá nhân bạn về vấn đề này là gì?” Hoặc có lẽ nhà trị liệu có thể mưu mẹo một chút, đặt câu hỏi thế này: “Vậy thì bạn hình dung tôi thực sự nghĩ gì về vấn đề?” Dạng câu hỏi này chỉ nên đưa ra khi nào suy nghĩ thực sự nằm ở vô thức và vì thế được phóng chiếu ra bên ngoài. Lối suy nghĩ bị dẫn dụ trồi lên bề mặt như thế có những phẩm chất điển hình mà tôi mô tả là tiêu cực.
Kiểu suy nghĩ đó có một lối mòn, được mô tả rõ nhất bằng cụm từ “không là gì ngoài...” Goethe đã nhân cách hóa lối suy nghĩ này qua hình tượng nhân vật Mephistopheles8. Khuynh hướng đặc biệt nhất của nó là lần ngược trở lại đối tượng mà nó phán định, đến tận bản chất tầm thường của đối tượng đó, do đó tước bỏ ý nghĩa độc lập của đối tượng. Bởi lối suy nghĩ này được mô tả là sa đà vào một số chi tiết tủn mủn, vụn vặt khác.
8 Là một ác quỷ đặc trưng trong văn hóa dân gian Đức, ban đầu xuất hiện trong Faust - một truyện dân gian Đức, sau này xuất hiện trong một số tác phẩm văn học, tiêu biểu nhất là Faust của Goethe. Mephistopheles là con quỷ của sự dối trá, xảo quyệt, hay lừa con người bằng cách cho họ cuộc sống họ mơ ước.
Chẳng hạn, khi một mâu thuẫn có vẻ lớn phát sinh giữa hai người đàn ông, suy nghĩ tiêu cực sẽ lẩm bẩm “Cherchez la femme” – Tìm người phụ nữ đấy xem.
Khi một người đàn ông bênh vực hay ủng hộ một động cơ, mục đích nào đó, suy nghĩ tiêu cực sẽ không tìm hiểu ý nghĩa hay tầm quan trọng của động cơ hay mục đích, mà chỉ hỏi “Anh ta kiếm được bao nhiêu từ nó?”
Châm ngôn được cho là của Moleschott: “Con người là những gì họ ăn” cũng thuộc về bộ sưu tập này, cũng như nhiều cách ngôn và ý kiến khác mà tôi không liệt kê hết ra.
Cũng như tính hữu dụng thảng hoặc và giới hạn của lối tư duy hướng ngoại này, hầu như không cần lời giải thích nào thêm cho đặc tính hủy diệt của nó. Nhưng vẫn tồn tại một dạng suy nghĩ tiêu cực khác, mà khi nhìn qua lúc đầu có lẽ sẽ được nhận ra theo đúng nghĩa đen, tôi muốn nói đến lối suy nghĩ thông thiên học9 đang tản ra trong mọi ngóc ngách trên địa cầu. Đây có lẽ là một hiện tượng phản ứng trước chủ nghĩa vật chất của thời đại đang suy đồi. Thông thiên học có một kiểu suy nghĩ không đơn giản chút nào. Nó nâng mọi thứ thành các ý tưởng siêu nghiệm và bao trọn thế giới.
9 Được dịch từ chữ “Théosophie” (gốc Hi Lạp: Théosophia). Dù xuất hiện lâu ở châu Âu, nhưng danh từ “Minh Triết Thiêng Liêng” đã có từ ngàn xưa bên Ấn Độ. Trong kinh Upanishads và kinh Védas, người ta thường gặp danh từ “Brahma Vidya”. Minh Triết Thiêng Liêng còn gọi là Thuyết thần trí, hay Thông Thiên Học là một học thuyết triết học - tôn giáo đề cập khả năng trải nghiệm trực tiếp với Thượng Đế thông qua cảm giác thần bí và sự mặc khải. Cơ sở của thuyết thần trí là khái niệm phiếm thần về một đấng cao siêu, tuyệt đối và duy nhất tạo ra bản chất của mọi vật. Đại diện của thuyết này thường cố gắng chứng minh tính hợp lí quá trình trải nghiệm thần bí chủ quan của mình nhờ sự hiểu biết về Thượng Đế.
Chẳng hạn, một giấc mơ không còn là một giấc mơ tầm thường nữa, mà là một trải nghiệm trên một “tầng khác”.
Thần giao cách cảm là hiện tượng đến nay chưa ai giải thích được thấu đáo, ấy vậy thông thiên học nói đơn giản là “các rung động” truyền từ người này sang người khác.
Một cơn rối loạn thần kinh thông thường được giải thích hoàn toàn đơn giản là do cái gì đó đã va chạm với thiên thể.
Những đặc điểm nhân chủng học kì lạ của những người sống ở ven Đại Tây Dương được giải thích dễ dàng là do Đại Tây Dương bị nhấn chìm, và v.v.
Chúng ta chỉ phải mở một cuốn sách thông thiên học ra và sẽ choáng ngợp khi thấy mọi thứ đã được giải thích hết rồi. Môn “khoa học tinh thần” này chẳng bỏ ngỏ cho cuộc sống bất cứ bí ẩn nào.
Nhưng về cơ bản, suy nghĩ của phái thông thiên học cũng tiêu cực như suy nghĩ thuộc chủ nghĩa vật chất. Chủ nghĩa vật chất coi tâm lí chỉ là những thay đổi hóa học diễn ra trong hạch tế bào, vận động của những quá trình xử lí tế bào, hay một hoạt động bài tiết bên trong. Về bản chất nó cũng “mê tín” như thông thiên học. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở chỗ, trong khi chủ nghĩa vật chất biến giảm mọi hiện tượng xuống thành các quan điểm sinh lí hiện tại của chúng ta, thì thông thiên học biến mọi thứ thành khái niệm siêu hình học Ấn Độ. Khi chúng ta truy hồi một giấc mơ về tận nguyên nhân cái dạ dày quá tải, không phải vì thế mà giấc mơ được giải thích. Và khi ta bảo thần giao cách cảm là “các rung động”, chúng ta mới chỉ nói được rất ít mà thôi. Vì, cái gì là “rung động”?
Hai cách giải thích này không chỉ không hiệu quả, chúng thật ra còn có tính hủy diệt. Bởi vì khi đưa ra những lời nghe có vẻ rất giống giải thích đó, chúng làm thoái hóa sự quan tâm của cá nhân đến vấn đề. Chủ nghĩa vật chất chuyển hướng quan tâm của cá nhân sang cái dạ dày, còn thông thiên học chuyển hướng sang các rung động tưởng tượng, từ đó cản trở cá nhân tìm hiểu nghiêm túc vấn đề. Cả hai lối suy nghĩ đều không sáng tạo và triệt bỏ sáng tạo ở người khác. Tính chất tiêu cực của chúng nằm ở chỗ quá đỗi vô dụng và thật sự thiếu năng lượng sáng tạo. Đây là lối suy nghĩ bị các chức năng khác kiểm soát.
2. CẢM XÚC HƯỚNG NGOẠI (EXTRAVERTED FEELING)
Cảm xúc của người có thái độ hướng ngoại bị điều hướng bởi dữ liệu khách quan. Cụ thể là, đối tượng bên ngoài là một yếu tố bắt buộc quyết định cảm xúc của người hướng ngoại. Nó khớp với các giá trị khách quan.
Nếu chúng ta mặc định rằng, cảm xúc là một thực tế chủ quan, vậy ta sẽ không thể lập tức hiểu được bản chất của cảm xúc hướng ngoại. Cảm xúc mang tính hướng ngoại sẽ giải phóng khỏi yếu tố chủ quan, trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào đối tượng bên ngoài. Ngay cả khi cảm xúc dường như cho thấy một sự độc lập nhất định với đối tượng vật chất cụ thể, nó vẫn lệ thuộc vào các kiểu chuẩn mực truyền thống và quy ước phổ quát.
Lấy ví dụ, tôi chọn các từ “đẹp” và “tốt” (dù có thể cảm thấy hơi gượng gạo), không phải vì bên trong tôi cảm thấy đối tượng bên ngoài là “đẹp” và “tốt”, mà vì như thế phù hợp và chính thống. Nếu có một ý kiến trái chiều gây xáo trộn cảm nhận chung, ý kiến đó nhất định không đúng đắn và không phù hợp. Một xét đoán bằng-cảm-xúc như trên không phải là bắt chước hay nói dối, nó đơn thuần chỉ là một hành động điều chỉnh để thích nghi.
Lấy ví dụ, có thể nhận xét một bức tranh là “đẹp”, vì nó được treo trong phòng triển lãm và có một chữ kí nổi tiếng; hoặc bởi nếu nhận xét là “xấu” thì có thể xúc phạm đến gia đình người sở hữu bức tranh; hoặc người khách có lẽ muốn tạo ra một bầu không khí thoải mái, nên anh cố gắng nói tốt về mọi thứ. Những cảm nhận như thế bị chuẩn mực và những yếu tố bên ngoài chi phối. Theo nghĩa đen, chúng là cảm nhận thật, và đại diện cho toàn bộ chức năng cảm nhận hữu hình.
Cũng như cách tư duy hướng ngoại cố gắng loại bỏ mọi ảnh hưởng chủ quan, cảm xúc hướng ngoại cũng phải trải qua một quá trình phân biệt đâu là chủ quan, đâu là khách quan trước khi chính thức loại bỏ mọi yếu tố chủ quan. Đánh giá đưa ra sẽ xuất phát từ cảm nhận tương ứng trực tiếp với các giá trị khách quan, hay ít nhất phù hợp với các chuẩn giá trị truyền thống được biết đến rộng rãi.
Có thể lấy rất nhiều ví dụ về kiểu đánh giá bằng cảm xúc này trong đời sống xã hội. Rất nhiều người đổ đến rạp hát, rạp chiếu phim, buổi hòa nhạc, nhà thờ, nơi vui chơi giải trí, v.v. với các cảm xúc tích cực đã được điều chỉnh để phù hợp với xu thế chung. Những xu thế thời trang, những ủng hộ tích cực và rộng khắp dành cho các sự nghiệp văn hóa, xã hội, bác ái cũng tồn tại nhờ vào lối cảm xúc hướng ngoại này.
Trong các lĩnh vực vừa kể, cảm xúc hướng ngoại chứng tỏ nó là một yếu tố sáng tạo. Nếu thiếu vắng nó, bề mặt của đời sống nom sẽ thiếu tính chan hòa biết bao. Đến đây thì cảm xúc hướng ngoại cũng chứng tỏ sự hữu ích và hiệu quả giống như tư duy hướng ngoại.
Nhưng tác dụng tốt biến mất khi cảm xúc trao cho đối tượng bên ngoài một ảnh hưởng thái quá. Vì đó là lúc cảm xúc hướng ngoại giảm trừ tối đa tính cách cá nhân, thổi phồng đối tượng, đồng hóa đối tượng với cá nhân, để rồi đánh mất đặc tính cá nhân của cảm nhận. Trong khi đặc tính cá nhân vốn tạo nên vẻ hấp dẫn đặc biệt của cảm xúc, cảm nhận đấy. Thế rồi cảm xúc trở nên lạnh lẽo, vật chất hóa và không đáng tin. Nó hé lộ một mục đích bí ẩn, hay ít nhất gợi lên nỗi hoài nghi trong một người quan sát vô tư. Nó không còn tạo được ấn tượng cởi mở và khoan khoái, cùng với sự chân thành nữa. Thay vào đó, người ta đánh hơi thấy một điệu bộ giả tạo, kiểu cách, mặc dù động cơ thôi đẩy mang tính tự kỉ trung tâm có thể hoàn toàn nằm trong vô thức của chủ thể, chính chủ thể chưa chắc đã nhận biết được điều đó.
Khi cảm xúc hướng ngoại trở nên thái quá, chắc chắn những kì vọng thẩm mĩ sẽ được thỏa mãn. Nhưng lời nói thì chẳng còn chân thành, nó chỉ hấp dẫn được các giác quan, hay tệ hơn, nó mê hoặc lí trí. Chắc chắn cảm xúc hướng ngoại làm cho hoàn cảnh trở nên đẹp đẽ hơn ở cái vẻ ngoài. Nhưng thế là hết, vượt qua điều đó, nó không có tác dụng nào cả. Nó trở nên khô cằn.
Nếu đi quá xa, cảm xúc sẽ chịu cảnh phân li trái ngược đến kì lạ. Đó là khi mọi đối tượng bên ngoài đều được nắm bắt qua cảm xúc, rồi từ đó chủ thể đưa ra đánh giá và vô số liên hệ vốn chẳng tương thích nhau. Nếu hiện diện một chủ thể được coi trọng, thì sẽ không thể có những lệch lạc như thế. Nhưng nếu chút vết tích cuối cùng của quan điểm cá nhân cũng bị dồn nén, thì những cảm xúc bám chấp vào đối tượng một cách thái quá sẽ nuốt trọn lấy chủ thể. Với một nhà quan sát, khi đó dường như không còn có chủ thể cảm nhận nữa, đó chỉ còn là một quá trình cảm nhận (bị vật hóa) không hơn.
Trong điều kiện như vậy, cảm xúc hoàn toàn mất đi sự ấm áp mang tình người lúc ban đầu, chỉ còn kiểu cách giả tạo, thất thường, không đáng tin cậy. Trong trường hợp xấu nhất, cảm xúc mang tính cuồng loạn.
MẪU NGƯỜI CẢM XÚC HƯỚNG NGOẠI (EXTRAVERTED FEELING TYPE)
Phụ nữ hiển nhiên thiên về cảm xúc hơn tư duy, nên cũng là mẫu người cảm xúc mạnh mẽ nhất. Khi cảm xúc hướng ngoại chiếm ưu thế, đấy chính là mẫu người Cảm xúc hướng ngoại.
Lấy cảm xúc làm tiêu chí xét đoán
Những ví dụ mà tôi nhớ được về mẫu người này hầu hết là phụ nữ, thường ít có ngoại lệ. Họ mạnh về cảm xúc. Song do giáo dục, cảm xúc của họ đã phát triển thành một chức năng bị điều chỉnh, chịu sự kiểm soát có ý thức. Ngoại trừ những trường hợp cực đoan, cảm xúc luôn có tính chất cá nhân. Song thực tế là, yếu tố chủ quan có thể bị dồn nén cao độ. Tính cách có vẻ đã bị điều chỉnh theo các điều kiện khách quan, nên cảm xúc của họ tương ứng với tình huống bên ngoài và giá trị phổ biến.
Cái gọi là “lựa chọn tình yêu” hé lộ đặc điểm trên một cách rõ ràng nhất. Người đàn ông được tuýp phụ nữ này chọn để yêu sẽ là người đàn ông “phù hợp”, chứ không phải bất kì ai khác. Anh ta “phù hợp” không phải vì anh ta hoàn toàn hòa hợp với con người thật của cô, chính cô cũng lơ mơ về tính cách thật của mình. Tất cả chỉ bởi anh ta đáp ứng mọi chuẩn mực về địa vị xã hội, tuổi tác, năng lực, ngoại hình và thân thế.
Tất nhiên tôi thực sự tin rằng, cảm xúc yêu đương của kiểu phụ nữ này hoàn toàn khớp với tiêu chí lựa chọn của cô ấy. Về mặt nào đó, cảm xúc đấy là chân thật và không đơn thuần do trí óc tạo ra. Những cuộc hôn nhân “hợp lí” đó tồn tại vô số, và chúng không hề là những cuộc hôn nhân dở tệ. Những phụ nữ kiểu này là những người đồng chí tốt bên cạnh chồng mình, là những người mẹ xuất sắc, miễn rằng chồng và con họ cũng có suy nghĩ hay quan điểm đúng với chuẩn mực chung.
Người ta chỉ cảm thấy “đúng tốt” khi không có gì gây xáo trộn. Nhưng gây xáo trộn cho cảm xúc nhiều nhất lại chính là suy nghĩ. Mẫu phụ nữ này không phải không nghĩ gì. Họ thậm chí còn suy nghĩ nhiều và khá khéo léo. Nhưng rõ ràng, họ phải dồn nén rất nhiều suy nghĩ vào bên trong. Suy nghĩ của họ cũng không bao giờ là độc nhất, nó thực ra là một phần phụ thêm – theo kiểu Epimetheus – cho cảm xúc của họ. Điều gì họ không thể cảm nhận, thì họ cũng không thể ý thức hay nghĩ đến.
“Tôi không thể nghĩ đến cái tôi không cảm thấy.” Có người đã từng nói với tôi như vậy bằng một giọng điệu phẫn nộ.
Chừng nào cảm xúc cho phép, mẫu người Cảm xúc hướng ngoại còn có thể suy nghĩ rất tốt, rất trơn tru. Tuy nhiên, mọi kết luận có nguy cơ gây ảnh hưởng, làm xáo trộn cảm xúc của họ, thì dù hợp lí ra sao cũng đều bị họ khước từ ngay từ đầu.
Thế nên, cái gì phù hợp với các đánh giá khách quan thì được cảm xúc nhận định là tốt. Những thứ này được yêu thương và trân trọng. Còn lại dường như không tồn tại ở trong thế giới của người Cảm xúc hướng ngoại.
Cảm xúc hướng ngoại đồng hóa chủ thể với đối tượng bên ngoài
Một thay đổi xảy đến khi tầm quan trọng của đối tượng bên ngoài đạt tới mức còn cao hơn nữa.
Như đã giải thích ở trên, một sự đồng hóa của chủ thể với đối tượng bên ngoài sẽ xảy ra sau đó, nhằm gần như nhấn chìm hoàn toàn chủ thể cảm xúc. Cảm xúc mất đi tính chất cá nhân, tự nó trở thành một thực thể. Dường như, tính cá nhân hoàn toàn bị phân hủy trong cảm xúc mãnh liệt tức thời của khoảnh khắc hiện tại.
Hiện tại, các tình huống đời thực liên tục và liên tiếp diễn ra luân phiên phau. Trong những tình huống đó, các mức độ cảm xúc không những khác biệt mà thực ra còn trái ngược nhau. Tính cách sẽ không tránh khỏi bị hao mòn, tiêu tan trong rất nhiều cũng bậc cảm xúc biến thiên đó. Chủ thể rõ ràng như thế này vào khoảnh khắc này, lại như thế khác vào một lúc khác. Một người bình thường sẽ chỉ được coi là thất thường và bất ổn về mặt cảm xúc, trừ phi thành bệnh lí.
Nền tảng của bản ngã luôn đồng nhất với chính nó. Nó ổn định, bền vững và hoàn toàn trái ngược với các trạng thái cảm xúc luôn biến đổi. Do đó, sự thể hiện cảm xúc không hẳn là một biểu lộ tính cách cá nhân của chủ thể cảm xúc, mà giống như hành động điều chỉnh bản ngã, nói cách khác, điều chỉnh tâm trạng cho phù hợp với hoàn cảnh hiện thời.
Tương ứng với mức độ phân li giữa bản ngã và trạng thái cảm xúc nhất thời, các dấu hiệu mất kết nối, bất hòa với bản thân sẽ trở nên ít nhiều rõ rệt. Cụ thể là, thái độ bù trừ ban đầu của vô thức giờ đây bày tỏ sự phản đối rõ ràng. Cá nhân tự mình có phần hoài nghi các biểu hiện thái quá, phô trương và ồn ào của cảm xúc, bởi chúng dường như không chân thật. Chúng không có sức thuyết phục. Chúng cũng lập tức khiến người quan sát lờ mờ nghĩ về một phản kháng đang được bù trừ quá mức. Và người ta bắt đầu băn khoăn, liệu có thể điều chỉnh một xét đoán bằng-cảm-xúc như thế hay không?
Trên thực tế, xét đoán đó có thể thực sự khác đi trong chốc lát. Chỉ cần một điều chỉnh nhỏ để tức khắc gợi ra, hay ám thị một đánh giá trái ngược hoàn toàn về cùng một đối tượng. Khi đó, người quan sát không thể coi cả hai phán định của người Cảm xúc hướng ngoại là nghiêm túc và bắt đầu bảo lưu ý kiến riêng của mình. Nhưng với mẫu người Cảm xúc hướng ngoại này, điều quan trọng nhất ngay lúc đấy là tạo dựng mối quan hệ cảm xúc sâu sắc với môi trường, hoàn cảnh xung quanh. Họ ra sức đánh bại tình trạng bảo lưu ý kiến của người kia. Như một vòng luẩn quẩn, tình huống ngày càng tệ đi. Mối liên hệ cảm xúc với đối tượng bên ngoài càng được thắt chặt, thì các yếu tố vô thức càng muốn trồi lên bề mặt và “lớn tiếng” phản đối.
Suy nghĩ của người Cảm xúc hướng ngoại
Như một quy luật đã thấy, mẫu người Cảm xúc hướng ngoại dồn nén suy nghĩ của mình, vì suy nghĩ rất có thể làm xáo trộn cảm xúc. Tương tự, khi cần đưa ra một kết luận nào đó, hành động trước tiên của suy nghĩ là loại trừ cảm xúc, vì không gì quấy rầy và bóp méo suy nghĩ nhiều như cảm xúc. Do vậy, ở mẫu người Cảm xúc hướng ngoại, trong chừng mực là một chức năng độc lập, suy nghĩ thường bị dồn nén.
Như tôi quan sát, suy nghĩ chỉ bị dồn nén triệt để khi nào logic không thể lay chuyển của nó đẩy các kết luận tới chỗ không tương thích với cảm xúc của chủ thể. Nó phải “chịu đựng” để phục tùng cho cảm xúc. Tinh thần của nó bị vỡ nát. Nó không thể hoạt động vì chính nó, làm theo luật lệ của riêng nó. Giờ đây, nó phải theo một logic phi-lí trí với những kết luận không thể giải thích được, diễn ra ở đâu đó ngoài ranh giới của ý thức, cụ thể là trong vô thức. Vô thức của mẫu người Cảm xúc hướng ngoại này chủ yếu là một dạng suy nghĩ mang đặc tính trẻ thơ, cổ sơ và tiêu cực.
Chừng nào chủ thể Cảm xúc hướng ngoại còn có ý thức bảo tồn đặc tính cá nhân, hay nói cách khác, chừng nào tính cách không bị các trạng thái cảm xúc thất thường, bất ổn của chủ thể nuốt chửng, chừng đó chức năng tư duy trong vô thức vẫn sẽ có tính bù trừ.
Nhưng ngay khi tính cách bị phân li trong các trạng thái cảm xúc đối nghịch nhau, bản sắc của bản ngã sẽ biến mất, chủ thể mất đi ý thức, chìm sâu vào các tầng vô thức. Nhưng mặt khác, vì sa vào vô thức, chủ thể lại vô tình kết nối được với chức năng suy nghĩ đang bị dồn nén trong đó. Chức năng này từ đó hỗ trợ đưa ý niệm vô thức thỉnh thoảng đi vào ý thức.
Cảm xúc ở phần ý thức càng mạnh thì nhân tính chủ thể càng bị tước mất, phản đối vô thức cũng càng trở nên dữ dội hơn. Thực tế cho thấy, những ý niệm vô thức sẽ tập trung xung quanh các đối tượng được cảm xúc coi trọng, và tước đi giá trị của những đối tượng đó một cách không thương tiếc. Lối suy nghĩ bất cần theo kiểu “Chẳng là gì ngoài...” luôn tiềm ẩn sẵn đó, hòng phá hủy mối ràng buộc giữa cảm xúc và đối tượng.
Ý niệm vô thức vươn đến bề mặt ý thức theo kiểu đột ngột tiến vào, thường có tính ám ảnh, đặc tính chung của nó luôn tiêu cực và thích hạ thấp.
Phụ nữ thuộc mẫu Cảm xúc hướng ngoại này có những lúc phóng chiếu những suy nghĩ gớm ghiếc lên các đối tượng mà cảm xúc của họ hướng đến.
Suy nghĩ tiêu cực của họ viện đến mọi định kiến từ thời thơ ấu hoặc những thứ tiêu cực tương tự, hòng gây ra hoài nghi cho giá trị cảm xúc. Nó kéo theo những bản năng rất nguyên thủy, nhằm cố diễn giải cảm xúc theo kiểu “chẳng là gì ngoài...” Vô thức tập thể, cụ thể là toàn bộ các hình ảnh thuở ban sơ, cũng được tận dụng theo cùng một kiểu.
Chứng cuồng loạn (hysteria) – cái thế giới tập hợp các ý tưởng vô thức với đặc điểm tính dục trẻ nhỏ đặc trưng – là dạng rối loạn thần kinh chức năng chủ yếu mà mẫu người Cảm xúc hướng ngoại này mắc phải.
TÓM LƯỢC CÁC MẪU NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI LÍ TRÍ
Tôi gọi hai mẫu người Tư duy hướng ngoại và Cảm xúc hướng ngoại là mẫu người Hướng ngoại lí trí, vì ở họ các chức năng xét đoán và lí luận nắm ưu thế.
Dấu hiệu phân biệt chung của hai mẫu là:
Cuộc sống của họ phụ thuộc vào xét đoán lí trí ở một mức độ lớn
Nhưng chúng ta không được bỏ qua điểm này: Liệu khi nói đến “xét đoán”, chúng ta đang ám chỉ quan điểm thuộc tâm lí nội tại của chủ thể, hay quan điểm của một người quan sát từ bên ngoài? Vì người quan sát rất dễ có một xét đoán ngược lại, đặc biệt nếu họ chỉ đơn thuần nắm bắt hành vi của người được quan sát theo cảm tính và dựa vào đó để xét đoán.
Trong suốt cuộc đời, mẫu người hướng ngoại lí trí này không bao giờ chỉ dựa vào duy nhất xét đoán lí trí. Họ còn bị ảnh hưởng bởi sự không lí trí trong vô thức ở một mức độ gần như ngang bằng. Nếu quan sát bị giới hạn trong hành vi, không đoái hoài gì đến phần bên trong ý thức của chủ thể, người quan sát sẽ còn có ấn tượng mạnh hơn nữa về tính không lí trí và ngẫu nhiên của các biểu hiện vô thức nhất định trong hành vi của chủ thể, bên cạnh tính hợp lí trong các mục đích và động lực thôi đẩy thuộc về ý thức của họ.
Do vậy, xét đoán dựa trên những gì mà chủ thể cảm thấy là chức năng tâm lí có ý thức của họ. Nhưng chúng ta cũng có thể đang ấp ủ một quan niệm trái ngược hoàn toàn với tâm lí đó, và trình bày về nó theo quan niệm đấy. Nếu nhìn các mẫu người lí trí theo cách đảo ngược, từ góc nhìn của vô thức thì mô tả dành cho họ là “phi lí trí”. Tình huống này khiến việc có một trình bày minh bạch về các vấn đề tâm lí đến một mức độ chuẩn trở nên khó khăn hơn, và làm tăng khả năng hiểu lầm.
Các bàn luận xuất phát từ những hiểu lầm hoàn toàn chẳng dẫn đến đâu, vì vấn đề thực sự không bao giờ được nói tới. Mỗi bên dường như nói bằng một ngôn ngữ khác nhau. Kinh nghiệm này là một lí do nữa để tôi thiết đặt cơ sở cho trình bày của mình trên tâm lí nội tại được ý thức của cá nhân, vì ở đó bệnh nhân ít nhất cũng có một nền tảng khách quan rõ ràng. Điều này sẽ hoàn toàn làm trôi đi cái ý tưởng cố đặt các nguyên lí tâm lí trên cơ sở vô thức. Trong trường hợp này, người được quan sát không thể hợp tác, vì họ chẳng biết gì về vô thức của mình. Xét đoán hay phán định có thể được chuyển giao hoàn toàn cho người quan sát, và không thể xảy ra sai sót nếu cơ sở của xét đoán là tâm lí của người được quan sát. Đối với tôi, đây là ca tâm lí thuộc cả trường phải Freud lẫn Adler. Cá nhân hoàn toàn phó mặc để nhà phê bình đang quan sát mình tùy hứng quyết định. Điều này vốn không thể nào làm được nếu lấy tâm lí ý thức của người được quan sát làm cơ điểm. Rốt cuộc, họ là thẩm phán duy nhất có thẩm quyền, vì chỉ mình họ biết các động lực thôi đẩy của riêng mình.
Tính hợp lí là đặc điểm của hoạt động quản lí cuộc sống có ý thức trong cả hai mẫu người này
Bao hàm sự loại trừ một cách có ý thức cái ngẫu nhiên và không hợp lí. Với một tâm lí như thế, xét đoán lí trí đại diện cho một sức mạnh đưa những thứ tình cờ ngẫu nhiên và lộn xộn thành những hình thái rõ ràng. Đấy ít nhất là mục đích của lí trí.
Như vậy một mặt, giữa những khả năng hay triển vọng của cuộc sống, một lựa chọn dứt khoát rõ ràng đã được đưa ra: Chỉ chọn lựa có lí trí mới được ý thức chấp nhận.
Mặt khác, những chức năng tâm lí còn lại sẽ chịu ảnh hưởng của chức năng lí trí đó, chúng về cơ bản bị hạn chế. Sự hạn chế chức năng cảm giác bằng-giác-quan (sensation) và trực giác (intuition) tất nhiên là không tuyệt đối. Các chức năng cảm giác và trực giác tồn tại vì chúng mang tính phổ quát, nhưng sản phẩm của chúng là do xét đoán lí trí chọn lựa. Chẳng hạn, cảm giác không phải là động lực tuyệt đối thôi đẩy đưa đến quyết định hành động, mà chính là xét đoán.
Cho nên, theo một nghĩa nhất định, các chức năng nhận thức có cùng một định mệnh như cảm xúc trong trường hợp mẫu người Tư duy hướng ngoại, hay suy nghĩ trong mẫu người Cảm xúc hướng ngoại. Chúng tương đối bị dồn nén, và do vậy bị cho là thấp kém so với những chức năng chủ đạo. Vô thức của cả hai mẫu người này vì thế đều đóng “một con dấu” đặc biệt: Những gì họ làm một cách có ý thức và chủ tâm là phù hợp với lí trí (tất nhiên là lí trí của họ). Nhưng trong vô thức của họ lại mang những cảm xúc nguyên thủy, ấu thơ, với những trực giác cổ xưa.
Tôi sẽ làm rõ hơn ý trên bằng những khái niệm trong các phần sắp tới. Với mẫu hướng ngoại lí trí này, lúc nào điều xảy ra với họ cũng là không hợp lí (tất nhiên từ góc nhìn của họ). Trong khi có rất nhiều người sống cốt ở điều xảy ra với họ, hơn là ở hành động bắt nguồn từ ý định lí trí. Một người như thế, sau khi phân tích cẩn thận, rất có thể sẽ mô tả cả hai mẫu người hướng ngoại lí trí của chúng ta là phi-lí-trí.
Tuy vậy thực tế là, vô thức của một người thường xuyên ảnh hưởng đến người đó mạnh mẽ hơn rất nhiều so với ý thức. Và rằng, những hành động của họ thường quan trọng và ý nghĩa hơn các động lực thôi đẩy lí trí của họ.
Lí trí của mẫu người Tư duy hướng ngoại và Cảm xúc hướng ngoại đều hướng ra bên ngoài và phụ thuộc vào các dữ liệu khách quan
Họ chỉ thấy một chuyện hợp lí khi tập thể thấy là hợp lí. Họ coi điều gì là không hợp lí khi hầu hết mọi người cũng coi là vậy. Nhưng lí trí cũng rất chủ quan và có tính cá nhân rất cao. Thực ra, càng ca tụng tầm quan trọng của đối tượng bên ngoài, thì cả chủ thể lẫn lí trí chủ quan càng có nguy cơ bị dồn nén. Khi dồn nén bất ngờ xảy ra, chủ thể và lí trí chủ quan phải chịu đựng tính chuyên chế của vô thức. Vô thức trong trường hợp này sở hữu những phẩm chất khó chịu nhất.
Chúng ta đã nói về cách mà vô thức suy nghĩ. Nhưng ngoài ra, còn có những cảm giác nguyên thủy hiển lộ ra dưới các áp lực cưỡng bách. Chẳng hạn như một khoái lạc cưỡng bách bất thường kiếm tìm mọi cách để thoát ra. Còn có những trực giác nguyên thủy có thể trở thành một sự tra tấn hết sức kinh khủng đối với cá nhân chủ thể, chưa kể những người xung quanh họ. Mọi thứ khó chịu và đau đớn, mọi thứ kinh tởm, xấu xí và độc ác được đánh hơi ra hoặc bị nghi ngờ. Và những thứ này như thường lệ chỉ tương ứng với những tường thuật đúng nửa vời vốn gây nên các hiểu lầm độc hại nhất. Ảnh hưởng to lớn của các nội dung vô thức đối chọi là thường xuyên gây gián đoạn hoạt động lí trí có ý thức. Chẳng hạn, cá nhân quỵ lụy trước các yếu tố may rủi. Các sự kiện ngẫu nhiên vì thế có được một ảnh hưởng thuyết phục thông qua cảm xúc hay suy nghĩ trong vô thức của chủ thể.
3. CẢM GIÁC HƯỚNG NGOẠI (EXTRAVERTED SENSATION)
Cảm giác, trong thái độ hướng ngoại, bị tác động rõ ràng nhất bởi đối tượng bên ngoài. Trong vai trò là chức năng nhận thức bằng-giác-quan, cảm giác đương nhiên phụ thuộc vào đối tượng bên ngoài. Nhưng cũng theo lẽ tự nhiên, nó phụ thuộc vào chủ thể. Vậy nên còn có một cảm giác chủ quan hoàn toàn khác biệt với cảm giác khách quan.
Trong thái độ hướng ngoại, phần chủ quan của cảm giác, ở chừng mực liên quan đến ứng dụng có ý thức của nó, hoặc bị ức chế hoặc bị dồn nén. Trong vai trò là một chức năng không dựa trên lí trí, chức năng cảm giác cũng bị dồn nén bất cứ khi nào một chức năng lí trí, suy nghĩ hay cảm nhận được ưu tiên. Cụ thể là, cảm giác bằng-giác-quan chỉ được cho là chức năng ý thức khi nào thái độ lí trí của ý thức cho phép những nhận thức ngẫu nhiên trở thành các nội dung ý thức. Chức năng cảm giác bằng-giác-quan tất nhiên có tính tuyệt đối theo nghĩa chặt chẽ hơn.
Lấy ví dụ, trong mọi thứ được nhìn thấy, nghe thấy thì không phải thứ nào cũng đều có giá trị ngưỡng (threshold value)10 mà một nhận thức buộc phải có để được tổng giác (apperceive)11. Trong trường hợp cảm giác được ưu tiên, thay vì chỉ phụ trợ cho chức năng khác, thì các yếu tố của cảm giác khách quan không bị loại ra và không bị dồn nén (ngoại trừ phần chủ quan của cảm giác đã được đề cập tới).
10 Giá trị ngưỡng (threshold value) trong tâm lí học hay y học là một giới hạn mà nếu ở dưới nó thì một người không phản ứng với một sự kích thích.
11 Ngoài những kích thích gây ra, tri giác còn bị quy định bởi một loạt các nhân tố bên trong của bản thân chủ thể tri giác, cả một con người cụ thể sống động đang tri giác sự vật. Điều đó nói lên, tri giác của con người phụ thuộc vào nội dung đời sống tâm lí con người và đặc điểm nhân cách của họ. Sự phụ thuộc này gọi là tính tổng giác.
Cảm giác có một phán định khách quan được ưu tiên, và những đối tượng bên ngoài nào giải phóng cảm giác mãnh liệt nhất sẽ mang tính quyết định đối với tâm lí của cá nhân. Kết quả của việc này là các giác quan bám chấp mạnh mẽ vào đối tượng bên ngoài. Cảm giác bằng-giác-quan do vậy là một chức năng sống còn, được trang bị như bản năng quan trọng nhất.
Khi đối tượng bên ngoài giải phóng các cảm giác, chúng trở nên quan trọng với chủ thể. Và trong giới hạn quyền lực của cảm giác, đối tượng đó được ý thức chấp nhận trọn vẹn, bất kể có tương thích với xét đoán lí trí hay không.
Với vai trò là một chức năng, chuẩn mực duy nhất cho giá trị của nó là cường độ cảm giác khi bị tác động hay cấu thành bởi các đặc tính của đối tượng bên ngoài. Chừng nào các sự kiện khách quan còn giải phóng các cảm giác thì chừng đó nó còn được đưa vào ý thức.
Tuy nhiên, chỉ duy nhất các đối tượng bên ngoài hay sự kiện được nhận thức bằng giác quan hoặc có tính vật chất cụ thể mới kích động được các cảm giác trong người hướng ngoại. Đặc biệt là những đối tượng hay sự kiện mà trong thực tế mọi người đều cảm thấy có tính vật chất cụ thể vào bất cứ lúc nào và ở bất kì đâu.
Định hướng của một cá nhân như thế tương ứng với thực tại đơn thuần vật chất. Sự xét đoán và các chức năng lí trí khác phụ thuộc vào các dữ kiện vật chất mà cá nhân cảm giác thấy. Theo đó chúng được cho là có phẩm chất thấp kém, bị dán nhãn tiêu cực, cùng với các khuynh hướng thơ ấu và cổ xưa. Theo lẽ tự nhiên, chức năng bị dồn nén nhiều nhất là chức năng đối chọi với cảm giác, đó chính là trực giác – chức năng thuộc về vô thức.
MẪU NGƯỜI CẢM GIÁC HƯỚNG NGOẠI (EXTRAVERTED SENSATION TYPE)
Không mẫu người nào trong các mẫu còn lại có thể sánh với mẫu người Cảm giác hướng ngoại trong lĩnh vực chủ nghĩa hiện thực. Cảm giác của họ với đối tượng phát triển đến mức dị thường. Cuộc sống của họ là một sự tích lũy các trải nghiệm thực tế với các đối tượng vật chất cụ thể bên ngoài. Và càng cảm giác rõ rệt, họ càng tận dụng được ít trải nghiệm của mình.
Trong các trường hợp nhất định, các sự kiện xảy ra trong cuộc đời người Cảm giác hướng ngoại khó có thể được gọi là “trải nghiệm”. Đối với họ, trải nghiệm chẳng có công dụng nào tốt hơn ngoài biến các cảm giác thành một chỉ dẫn đến các cảm giác tươi mới khác. Bất cứ thứ gì “mới mẻ” tiến vào phạm vi quan tâm của họ ngay lập tức sẽ được diễn giải bằng cảm giác và được sử dụng để tạo ra những cảm giác khác. Mẫu người này bị cảm giác chi phối trước các sự việc tình cờ và vô lí, cũng như phụ thuộc vào hành vi lí trí.
Mẫu người Cảm giác hướng ngoại dường như chiếm số đông, và tất nhiên họ không tin mình bị lệ thuộc vào cảm giác. Họ có khuynh hướng chế giễu quan điểm này là không thuyết phục. Từ quan điểm của họ, cảm giác là một biểu hiện sống theo lối vật chất cụ thể. Với họ, đó là lối sống “thực tế”, là sống “thực sự trọn vẹn”.
Tiêu chuẩn đạo đức - phẩm hạnh
Mục tiêu của mẫu người Cảm giác hướng ngoại là hưởng thụ vật chất, hay nói đúng hơn là thỏa mãn cảm giác do đối tượng vật chất mang lại. Chuẩn mực đạo đức - phẩm hạnh của họ điều hướng theo hướng đó. Hưởng thụ đích thực có tiêu chuẩn đạo đức - phẩm hạnh đặc biệt của riêng nó, sự điều độ và hợp lí của riêng nó, tính vô tư và tận tâm của riêng nó. Nó không có nghĩa là dâm dục hay thô tục. Mẫu người này phân biệt được cảm giác của mình đến mức tinh tế, ngay cả trong những cảm giác trừu tượng nhất, theo nguyên tắc cảm giác khách quan của họ. Cuốn Der Genussmensch: Ein Cicerone im rücksichtlosen Lebensgenuss (tạm dịch “Con người khoái lạc: Kẻ dẫn đường đến cuộc sống hưởng thụ tàn nhẫn”) của Willem van Wulfen là một tự thú trần trụi về người thuộc kiểu này. Cuốn sách rất đáng đọc.
Ở những mức thấp hơn, đây là con người của thực tại hữu hình, với rất ít khuynh hướng suy ngẫm hay ra lệnh. Cảm giác thấy đối tượng bên ngoài, và (nếu có thể) hưởng thụ các cảm giác là động lực thôi đẩy bất biến của họ. Họ không hề khó ưa. Họ có năng lực hưởng thụ sôi nổi và quyến rũ. Họ đôi khi là một người vui nhộn, thường có thẩm mĩ tao nhã.
Chẳng hạn, với các mẫu người hướng ngoại lí trí, vấn đề của cuộc sống chỉ là bữa tối ngon hay dở. Còn với mẫu người Cảm giác hướng ngoại, đó là vấn đề vị thức ăn như thế nào. Chỉ cần họ phát sinh một “cảm giác” thì mọi thứ từ bản chất coi như đã hoàn tất xong xuôi. Mọi ước đoán vượt quá cái vật chất cụ thể chỉ được cho phép với điều kiện là chúng làm gia tăng cảm giác. Đây cần phải là một cảm giác rất lí thú, vì họ không phải kiểu thích khoái lạc thông thường. Họ khao khát những cảm giác mãnh liệt nhất. Và bởi bản tính của mình, họ chỉ có thể nhận được cảm giác này duy nhất từ bên ngoài, do đối tượng mang lại.
Cái đến từ bên trong với họ dường như không lành mạnh và đáng chê trách. Họ luôn thu những suy nghĩ và cảm xúc của mình lại thành các nền tảng khách quan – tức là các ảnh hưởng đến từ đối tượng bên ngoài. Những suy nghĩ và cảm xúc đó hoàn toàn không bị xáo trộn khi lìa xa khỏi logic. Thực tại hữu hình, trong bất kì điều kiện nào, đều làm họ cảm thấy an lòng. Về chuyện này, họ nhẹ dạ đến bất ngờ. Họ sẽ không ngần ngừ liên hệ một triệu chứng tâm lí trong mình với sự biến đổi của thời tiết bên ngoài. Với họ, sự tồn tại của một xung đột tinh thần là một điều thật bất thường.
Lối xử thế của người Cảm giác hướng ngoại
Tình yêu của mẫu Cảm giác hướng ngoại rõ ràng dựa trên sức hấp dẫn hiển nhiên của đối tượng bên ngoài. Trong chừng mực tâm lí bình thường, họ điều chỉnh để phù hợp tích cực với thực tại. Lí tưởng của họ là cái thuộc về thực tại. Trong chuyện này, họ tỏ ra rất chu đáo.
Người Cảm giác hướng ngoại không nuôi một ý tưởng mang tính lí tưởng nào, vì thế họ không có cơ sở để duy trì một thái độ thù địch với thực tại. Điều này thể hiện ở mọi hành động đối ngoại của họ trong cuộc sống. Họ ăn mặc đẹp thuận theo hoàn cảnh của mình. Họ giữ bàn ăn có vị trí tốt cho bạn mình, bởi ít nhất những người đấy hiểu và thuận theo khẩu vị khó chiều của họ. Họ thậm chí còn thuyết phục mọi người rằng, đó là vì phong cách nên rất đáng để hi sinh.
Cơ chế tâm lí của người Cảm giác hướng ngoại
Khi cảm giác ngày càng chiếm ưu thế, đến nỗi nuốt chửng cả chủ thể cảm giác, mẫu người này càng trở nên không thỏa mãn. Họ biến thành một kẻ tìm kiếm khoái lạc thô tục, hoặc trở thành kẻ dâm dục vô liêm sỉ, quỷ quyệt.
Dù không thể sống thiếu đối tượng bên ngoài, ấy vậy nhưng họ lại coi khinh đối tượng, phớt lờ bản chất của nó và xâm phạm nó một cách tàn nhẫn. Bởi đối với họ, đối tượng chỉ có công dụng duy nhất là kích thích cảm giác trong họ. Cùng lúc với khinh miệt, họ không ngừng bám chấp vào đối tượng bên ngoài đến mức lệ thuộc.
Theo đó, vô thức không còn giữ được nhiệm vụ “sở trường” của nó là bù đắp nữa, mà bị đẩy vào vị trí đối chọi. Trên hết, trực giác bị dồn nén khẳng định mình dưới dạng những phóng chiếu lên đối tượng bên ngoài. Những ước đoán kì lạ nhất nổi dậy. Nếu đó là một đối tượng tính dục, thì các ảo tưởng ghen tị và tâm trạng lo âu sẽ xuất hiện. Những ca cấp tính hơn gây ra các dạng ám ảnh sợ hãi, đặc biệt là các triệu chứng cưỡng bách. Các chứng bệnh có một vẻ gì đó phi thực, thường mang màu sắc tôn giáo hoặc đạo đức - phẩm hạnh.
Mẫu người Cảm giác hướng ngoại phát triển tính cách hay bắt bẻ vụn vặt, hoặc một kiểu đạo đức thận trọng đến lố bịch, cộng với lòng mộ đạo thô sơ, mê tín và “kì diệu”, dẫn ngược về các nghi thức khó hiểu. Tất cả là do các chức năng tâm lí khác bị dồn nén vào vô thức. Chúng đứng ở thế đối chọi khắc nghiệt với quan điểm của ý thức. Trong thực tế, chúng có vẻ còn đáng chú ý hơn bởi vì chúng dựa trên các giả định lố bịch nhất, hoàn toàn ngược lại với ý thức tỉnh táo về thực tại.
Suy nghĩ và cảm xúc bị dồn nén quá mức của mẫu người Cảm giác hướng ngoại dường như bị xoắn vặn thành một sự bệnh hoạn nguyên thủy: Lí luận trở thành thói ngụy biện chi li tiểu tiết như sợi tóc chẻ làm tư. Đạo đức - phẩm hạnh thoái hóa thành loại đạo đức giả, hay lên mặt dạy đời. Tôn giáo thì mê tín, cực đoan. Trực giác – món quà cao quý nhất dành cho con người – đơn thuần là sự xảo quyệt, đánh hơi mọi ngóc ngách. Thay vì tìm kiếm đường chân trời, nó thoái lui thành tính cách hèn hạ nhất của mẫu người này.
Để cân bằng lại với tính phóng túng của sự theo đuổi cảm giác thuần túy, vô thức lên tiếng “phản đối” bằng tính chất cưỡng bách đặc biệt của các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng.
Từ góc nhìn xét đoán lí trí, mẫu người này chấp nhận mọi thứ xảy ra mà không phân biệt đối xử. Họ không hẳn là những người vô luật lệ và thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, họ thiếu các nguyên tắc căn bản, khả năng xét đoán và kiềm chế cũng tương đối yếu.
Xét đoán lí trí là một sự ép buộc của ý thức mà mẫu người lí trí muốn áp đặt lên chính mình. Trong khi đó, đối với mẫu người cảm giác, xét đoán lí trí là sự ép buộc đột ngột của vô thức áp đặt lên chủ thể.
Kết nối của mẫu người lí trí với đối tượng bên ngoài xuất phát từ óc xét đoán. Còn kết nối của mẫu người cảm giác với đối tượng bên ngoài là một liên hệ vô điều kiện.
Khi ý thức của họ có thái độ phiến diện bất thường, khi nó càng bám chặt lấy đối tượng bên ngoài, họ càng có nguy cơ rơi sâu vào vô thức. Khi họ đã mắc các chứng rối loạn thần kinh chức năng, càng khó dùng các phương cách của lí trí để chữa cho họ. Vì các chức năng mà nhà trị liệu phải viện đến đang ở trong tình trạng “hỗn mang” không phân biệt được, bản thân chủ thể rất ít hoặc không hề có niềm tin nào vào chúng. Thường phải sử dụng những phương cách đặc biệt như khoái lạc cảm xúc nhằm đưa ý thức của họ quay về bằng mọi giá.
4. trực giác hướng ngoại (extraverted intuition)
Ở người hướng ngoại, trực giác trong vai trò là một chức năng nhận thức vô thức hoàn toàn bị điều hướng dựa trên các đối tượng bên ngoài. Nhìn chung, trực giác là một quá trình tinh thần vô thức, bản chất của nó rất khó để lĩnh hội được bằng ý thức.
Trong tình trạng ý thức, trực giác thể hiện qua một thái độ mong chờ hay kì vọng nhất định, một tầm nhìn sâu sắc và thấu đáo. Tuy nhiên, bao giờ cũng thế, chỉ kết quả sau đó mới có thể chứng minh tầm nhìn đó đã “thấu đáo” bao nhiêu, còn bao nhiêu phần nằm ở nguyên nhân khách quan bên ngoài.
Giống như cảm giác, khi được ưu tiên, trực giác không đơn thuần chỉ là một quá trình phản ứng tinh thần hời hợt với đối tượng bên ngoài, mà đấy gần như là một hành động nắm bắt và tạo hình đối tượng bên ngoài. Trực giác không chỉ là một nhận thức hay ý thức. Nó là một quá trình tinh thần sáng tạo năng động, kiến tạo bên trong đối tượng cũng nhiều như những gì nó rút ra khỏi đối tượng. Nhưng vì quá trình này trích xuất nhận thức một cách vô thức, nó cũng gây ra một hiệu ứng vô thức trong đối tượng.
Chức năng chính của trực giác là truyền đi các hình ảnh đơn thuần, hay những nhận thức về các mối liên hệ và hoàn cảnh. Các chức năng khác hoàn toàn không làm được điều này, nếu có cũng phải đi qua đường vòng.
Các hình ảnh xuất phát từ trực giác có tác dụng phân biệt rõ ràng đúng sai, tốt xấu, có một ý nghĩa mang tính quyết định với hành động. Khi trực giác được trao cho tầm quan trọng bậc nhất thì tinh thần thích nghi của chủ thể sẽ gần như chỉ dựa vào một mình trực giác. Suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác đều bị dồn nén.
Cảm giác là chức năng chủ yếu chịu ảnh hưởng của sự dồn nén này. Vì trong vai trò là một chức năng cảm nhận bằng-giác-quan một cách có ý thức, nó gây ra chướng ngại lớn nhất cho trực giác. Cảm giác làm xáo lộn nhận thức rõ ràng, không thiên vị và ngây thơ của trực giác bằng các kích thích từ giác quan. Những kích thích này hướng ánh nhìn của chủ thể vào bề mặt vật lí của sự vật, trong khi đấy vốn là những thứ mà trực giác cố gắng nhìn xuyên qua và vượt thoát.
Song ở người hướng ngoại, trực giác thường hướng ra ngoài nên thực ra nó trở nên gần với cảm giác. Quả thực, thái độ trông đợi vào đối tượng bên ngoài rất dễ có khuynh hướng sử dụng giác quan để cảm nhận. Do đó, để trực giác thực sự có quyền năng tối cao, cảm giác phải bị kìm nén cao độ.
Tôi đang nói về cảm giác như một phản ứng giác quan trực tiếp và đơn giản, một thực tế tinh thần và sinh lí nhất định đã được biết. Cảm giác phải bị dồn nén trước đó với mục đích rõ ràng, bởi vì nếu tôi hỏi mẫu người trực giác rằng họ bị điều hướng ra sao, họ sẽ nói về những thứ hoàn toàn không thể phân biệt nổi với các nhận thức bằng- cảm-giác. Họ thậm chí còn thường xuyên sử dụng thuật ngữ “cảm giác”. Họ thực ra có các cảm giác, nhưng bản chất họ không bị chúng điều khiển. Họ đơn thuần chỉ dùng chúng như các điểm hướng dẫn cho tầm nhìn sâu xa của mình. Chính kì vọng vô thức của họ chọn chúng. Theo nghĩa sinh lí, cảm giác mạnh mẽ nhất không hẳn quan trọng nhất. Cảm giác quan trọng nhất là bất kì cảm giác nào mà vô thức của mẫu người trực giác thấy có giá trị. Theo cách này, trực giác rốt cuộc sẽ chiếm ưu thế. Nhưng ý thức của mẫu người trực giác không thể phân biệt nổi trực giác với một cảm giác nguyên sơ thuần chất. Tất nhiên, chúng không phải là một.
Hệt như cảm giác hướng ngoại cố đạt tới mức độ thực nhất, vì như thế cuộc sống mới có vẻ trọn vẹn, trực giác cũng cố bao trọn những khả năng hay triển vọng lớn nhất. Vì chỉ khi nào nhận thức được các khả năng và triển vọng, trực giác mới thấy thỏa mãn. Trực giác cố tìm kiếm những khả năng ở hoàn cảnh bên ngoài. Vì thế, trong vai trò là một chức năng đơn thuần (không được ưu tiên), trực giác còn là một công cụ sẽ tự động hoạt động giải quyết vấn đề khi chủ thể rơi vào một tình huống bế tắc đến vô vọng. Không chức năng nào khác làm được điều này.
Khi trực giác nắm quyền kiểm soát, mỗi tình huống thông thường trong cuộc sống đều dường như là một căn phòng bị đóng kín mà trực giác phải mở ra. Nó liên tục tìm kiếm các lối ra và những khả năng mới trong cuộc sống bên ngoài. Mỗi tình huống thực tại lúc đó trở thành một nhà tù đối với mẫu người trực giác.
Đôi khi, các đối tượng bên ngoài dường như có một giá trị gần như bị phóng đại, nếu chúng đại diện cho ý tưởng về sự cắt đứt hay giải tỏa có thể giúp khám phá ra một khả năng mới. Tuy nhiên, khi vừa thực hiện xong nhiệm vụ làm một cái cầu nối phục vụ trực giác, đối tượng lại dường như chẳng còn giá trị nào khác nữa, chúng bị bỏ đi như một thứ phụ thuộc nặng gánh.
Một thực tế chỉ được thừa nhận chừng nào nó mở ra các khả năng mới để vượt lên thực tế đó và giải phóng chủ thể khỏi ảnh hưởng của nó. Những khả năng hay tiềm năng đang hiện ra là những động lực thôi đẩy thuyết phục mà trực giác không thể trốn khỏi, để rồi mọi thứ còn lại đều bị hiến cho chúng.
MẪU NGƯỜI TRỰC GIÁC HƯỚNG NGOẠI (EXTRAVERTED INTUITIVE TYPE)
Bất cứ khi nào trực giác chiếm ưu thế, một loại tâm lí cụ thể và không thể lầm lẫn xuất hiện. Bởi vì trực giác bị điều hướng bởi đối tượng bên ngoài, sự phụ thuộc mang tính quyết định vào hoàn cảnh bên ngoài là có thể thấy rõ. Nhưng sự phụ thuộc này có tính chất khác với sự phụ thuộc của mẫu người cảm giác.
Không thể tìm thấy mẫu người trực giác giữa những giá trị thực tại được công nhận phổ biến. Họ luôn xuất hiện ở nơi tồn tại các khả năng hay tiềm năng. Họ rất thính nhạy trong việc đánh hơi những hạt giống chứa đầy các hứa hẹn tương lai đang nảy mầm. Họ không bao giờ có thể tồn tại ở những hoàn cảnh ổn định lâu đời, mang giá trị bị giới hạn cho dù được thừa nhận. Họ liên tục tìm kiếm những tiềm năng mới. Đối với họ, những hoàn cảnh cố định mang một bầu không khí nghẹt thở treo lơ lửng trên đầu. Họ hào hứng với các đối tượng mới và cách thức mới. Đôi khi họ nhiệt tình nắm chặt chúng chỉ để bỏ rơi một cách lạnh lùng vô tâm. Ngay sau khi xác định được giới hạn của chúng, thấy chúng không còn bất kì hứa hẹn đáng kể nào về sự phát triển tương lai, họ dường như cũng chẳng buồn nhớ chúng. Chừng nào một khả năng tồn tại, mẫu người trực giác bị các sợi dây số phận ràng buộc vào nó. Toàn bộ cuộc đời họ như thể tiến vào một hoàn cảnh mới.
Người quan sát sẽ có cùng một ấn tượng như họ rằng: Họ vừa đạt tới một bước ngoặt tối hậu trong cuộc đời, và từ giờ trở đi không còn gì có thể thực sự thu hút được suy nghĩ và cảm nhận của họ nữa. Dù hợp lí và hợp thời ra sao, dù mọi lí lẽ đều ủng hộ sự ổn định, thì đến một ngày, không gì có thể cản trở họ coi cái hoàn cảnh mà trước đây họ cảm thấy hứa hẹn tự do và giải thoát là một nhà tù, và không gì ngăn được họ thoát khỏi nó. Cả lí trí lẫn cảm nhận đều không thể ngăn giữ hay làm họ nản lòng trước một khả năng mới, ngay cả nếu nó đi ngược lại với các niềm tin kiên cố. Suy nghĩ và cảm nhận đối với họ là các chức năng thấp kém, không có ý nghĩa quyết định nào. Thế nên chúng không có khả năng phản kháng lâu dài trước sức mạnh của trực giác. Ấy vậy, đây lại là những chức năng duy nhất bù đắp cho uy quyền tối cao của trực giác, vì chúng có thể cung cấp cho mẫu người trực giác óc xét đoán mà họ vốn không có.
Tiêu chuẩn đạo đức - phẩm hạnh
Tiêu chuẩn đạo đức - phẩm hạnh của mẫu người trực giác không phải do trí óc hay cảm nhận chi phối. Họ có tiêu chuẩn đạo đức - phẩm hạnh đặc trưng riêng. Tiêu chuẩn đó cốt nằm ở sự tự nguyện quy phục, ở lòng trung thành với cái nhìn và quyền lực của trực giác về các sự vật. Họ ít cân nhắc đến hạnh phúc của những người xung quanh. Không có lập luận nào đáng tin bằng lập luận của riêng họ.
Chúng ta cũng không thể tìm thấy ở họ chút lòng tôn trọng nào dành cho niềm tin và phong tục của những người xung quanh. Trong thực tế, họ không hiếm khi bị coi là một nhà thám hiểm vô đạo đức và tàn nhẫn. Vì trực giác của họ phần lớn liên quan đến các đối tượng bên ngoài, đánh hơi các khả năng ở bên ngoài, họ sẵn sàng đặt tâm sức vào những khuynh hướng hay việc làm mà ở đó họ có thể mở rộng năng lực của mình theo nhiều hướng. Nhà thương buôn, nhà thầu, người đầu cơ, điệp viên, chính trị gia, v.v. thường thuộc mẫu người này.
Có vẻ là phụ nữ thiên về mẫu người này nhiều hơn đàn ông. Tuy vậy ở phụ nữ, hoạt động trực giác hiển lộ trên phạm vi xã hội nhiều hơn trong công việc. Mẫu phụ nữ trực giác hướng ngoại nắm được cách tận dụng mọi cơ hội xã hội. Họ thiết lập các mối liên hệ xã hội đúng đắn. Họ tìm kiếm người tình, từ bỏ mọi thứ một lần nữa, rốt cục chỉ để có được tiềm năng mới.
Nếu nhìn từ góc độ nền kinh tế - chính trị và văn hóa nói chung, ta sẽ thấy rằng mẫu người Trực giác hướng ngoại quan trọng một cách kì lạ. Nếu có ý tốt, hướng đến cuộc sống chứ không đơn thuần là vị kỉ, họ có thể mang đến sự giúp đỡ hiếm có trong vai trò một người ủng hộ hay bảo trợ, chí ít cũng là người khởi xướng mọi loại kinh doanh đầy hứa hẹn. Họ ủng hộ nhóm người thiểu số nắm giữ hạt giống cho tương lai đầy hứa hẹn. Vì khi hướng nhiều hơn đến con người thay vì sự vật, họ có thể đưa ra chuẩn đoán bằng trực giác về những khả năng của họ và lĩnh vực mà họ có ích, nên họ cũng có thể “tạo ra” con người.
Năng lực tạo cảm hứng cho mọi người trở nên can đảm, hay năng lực nhen lên nhiệt huyết cho một điều nào đó mới của họ là không có đối thủ, cho dù họ có lẽ thề từ bỏ nó vào ngày hôm sau. Trực giác của họ càng mạnh và sống động, chủ thể trong họ càng hòa chảy với khả năng thần thánh, bởi vì họ truyền sức sống vào nó, thể hiện nó trong hình thái dễ uốn nắn và bằng ngọn lửa đầy thuyết phục. Họ gần như là hiện thân của nó. Đây không chỉ đơn thuần là màn trình diễn kịch, mà là định mệnh.
Dẫu vậy vẫn có những mối nguy hiểm to lớn. Mẫu người trực giác hoang phí đời mình quá dễ dàng. Họ sử dụng chính mình tiếp sinh khí cho con người và mọi vật, cuộc sống ê hề trải quanh họ. Tuy nhiên cuộc sống đó là người khác sống, chứ không phải họ. Nếu họ có thể sống đúng như thực tế, họ sẽ thu hoạch được quả ngọt từ công sức mình bỏ ra. Nhưng họ chạy theo khả năng mới quá sớm, từ bỏ cánh đồng vừa được gieo của mình, trong khi những người khác thu hoạch mùa vụ. Cuối cùng, họ ra đi tay trắng.
Cơ chế tâm lí của người Trực giác hướng ngoại
Khi mẫu người trực giác để mọi thứ đi đến mức đó, vô thức trong họ cũng chống lại họ. Vô thức của mẫu người trực giác cũng có một nét tương tự nhất định với vô thức của mẫu người cảm giác. Suy nghĩ và cảm nhận bị dồn nén nên tạo ra các ý niệm, cảm nhận cổ xưa và trẻ thơ trong vô thức, chúng có thể được so sánh với những ý niệm và cảm nhận bị dồn nén của mẫu người cảm giác. Chúng cũng phóng chiếu mạnh mẽ lên bề mặt, và cũng lố bịch hệt như của mẫu người cảm giác. Theo tôi, chúng chỉ thiếu mất duy nhất tính chất bí ẩn của mẫu người cảm giác kia, vì chủ yếu liên quan đến những thứ gần-như-có-thực về tính dục, tài chính và các mối nguy hiểm khác, chẳng hạn như, nghi ngờ bệnh hoạn. Điểm khác nhau này có vẻ là do dồn nén các cảm giác về những thứ thực tại.
Người trực giác thường gây chú ý trong tình huống bất ngờ vướng mắc với một người phụ nữ cực không phù hợp, hoặc nếu bệnh nhân là phụ nữ thì sẽ vướng mắc với một người đàn ông hoàn toàn không xứng đôi. Đây đơn thuần là kết quả của việc họ vô tình tiếp xúc với các cảm giác cổ xưa. Nhưng hậu quả của nó là một sự ràng buộc hấp dẫn trong vô thức với một đối tượng hoàn toàn vô nghĩa. Một sự kiện như thế vốn là một triệu chứng cưỡng bách, và cũng là điển hình cho mẫu người này.
Giống như mẫu người cảm giác, họ đòi hỏi tự do và miễn trừ khỏi mọi kiềm chế, vì họ không chịu để các quyết định của mình phụ thuộc vào xét đoán lí trí, mà hoàn toàn dựa trên nhận thức về thời vận, các khả năng. Họ giũ sạch các trói buộc của lí lẽ, chỉ duy nhất chịu thua các cưỡng bách rối loạn thần kinh chức năng thuộc vô thức xuất hiện dưới dạng lập luận tinh vi tiêu cực, phép biện chứng bắt bẻ chi li và một ràng buộc với cảm giác về đối tượng.
Thái độ vô thức của họ, trước cảm giác lẫn đối tượng được cảm giác, là một thái độ coi thường và tự cho mình là vượt trội, nắm quyền tối cao. Không phải vì họ thiếu suy nghĩ hay thật sự vượt trội, mà đơn giản họ không thấy đối tượng như những người khác thấy. Tình trạng không ý thức hay để ý (oblivion)12 của anh tương tự như tình trạng của mẫu người cảm giác. Chỉ là, với mẫu người cảm giác, tâm hồn của đối tượng bị bỏ qua. Vì tình trạng không ý thức hay không để ý này, đối tượng sớm muộn cũng sẽ trả thù bằng những ý nghĩ nghi ngờ bệnh hoạn, cưỡng bách, các ám ảnh sợ hãi và mọi loại cảm giác tưởng tượng vô lí về thân thể.
12 Oblivion: Tình trạng không ý thức hay không để ý đến những thứ đang xảy ra xung quanh, chẳng hạn như vì đang ngủ hoặc trong tình trạng vô thức.
TÓM LƯỢC VỀ CÁC MẪU NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI PHI LÍ TRÍ
Tôi gọi hai mẫu người Cảm giác hướng ngoại và Trực giác hướng ngoại là mẫu phi-lí trí vì những lí do đã được nêu ra. Cụ thể là bởi vì những gì họ làm và không làm không dựa trên xét đoán lí trí, mà dựa trên cường độ của nhận thức tri giác .
Nhận thức tri giác của họ liên quan đến những sự kiện đơn giản, tại đó không có lựa chọn nào được đưa ra bằng óc xét đoán. Về khía cạnh này, cả hai mẫu người cảm giác và trực giác vượt trội đáng kể so với hai mẫu người xét đoán lí trí.
Sự kiện xảy ra bên ngoài được cho là xảy ra bởi quy luật và cũng do ngẫu nhiên. Trong chừng mực sự kiện bên ngoài do quy luật định đoạt, thì lí lẽ có thể chạm đến được. Nhưng nếu là ngẫu nhiên, thì nó không thể tiếp cận được bằng lí lẽ. Một người có thể đảo ngược lại và nói rằng chúng tôi áp dụng thuật ngữ “được định đoạt bởi quy luật” vào các sự việc xảy ra đúng với lí lẽ của mình, còn những sự việc nào bất thường chúng tôi gọi là ngẫu nhiên.
Định đề quy luật vũ trụ phổ quát vẫn là lí lẽ duy nhất. Đó nhất định không phải là một định đề thừa nhận các chức năng nhận thức tri giác của chúng ta. Vì những người này không hề lấy lí lẽ và các định đề làm cơ sở, họ từ bản chất đã là phi-lí-trí. Nên thuật ngữ “phi lí trí” của tôi tương ứng với bản chất của các mẫu người nhận thức tri giác.
Nhưng coi họ là vô lí vì họ để xét đoán của mình bên dưới nhận thức tri giác, thì hoàn toàn không đúng. Họ đơn thuần chỉ là đi theo kinh nghiệm ở mức cao. Họ lấy trải nghiệm làm cơ sở duy nhất, trong thực tế duy nhất đến mức như-một-quy-tắc, xét đoán của họ không thể bắt kịp với trải nghiệm của họ.
Các chức năng xét đoán tuy vậy lại thuộc về hiện tại, dù chúng vẫn nằm trong vô thức. Dù bị chia tách khỏi chủ thể ý thức, vô thức luôn đang xuất hiện trở lại. Thực ra những mẫu người phi lí trí vẫn có những xét đoán và lựa chọn đáng ngạc nhiên. Những xét đoán và lựa chọn này ở dưới dạng các ngụy biện, những lời phê bình lạnh lùng và một sự chọn lọc dường như có chủ ý con người và hoàn cảnh. Những đặc điểm này mang dấu ấn thời trẻ nhỏ hay thậm chí thời nguyên thủy. Đôi khi chúng ngây ngô một cách đáng kinh ngạc. Nhưng đôi khi cũng bất cẩn, thô thiển, hay xúc phạm.
Đối với đầu óc lí trí, nhân cách thật của những người phi lí trí cũng có thể mang tính duy lí và có mục đích nhưng xấu xa. Nhưng phê phán này chỉ đúng với vô thức của họ, và do vậy hoàn toàn không đúng với tâm lí ý thức bị điều hướng bởi nhận thức tri giác của họ. Và vì bản chất phi lí trí của nó nên con người xét đoán bằng lí trí hoàn toàn không thể hiểu được. Rốt cuộc, đối với người lí trí, cái lí trí dường như tập hợp các thứ ngẫu nhiên đó khó để gọi là “tâm lí”.
Mẫu người phi lí trí cũng có thái độ khinh bỉ và có một ấn tượng xấu tương đương về mẫu người lí trí. Vì họ thấy người lí trí chỉ sống nửa vời, với mục đích duy nhất trong cuộc đời là thắt chặt những gông cùm lí lẽ lên mọi sinh vật sống, siết cổ mình bằng những lời phê bình. Lẽ tự nhiên, đó là những thứ cực đoan kinh tởm, nhưng chúng vẫn cứ diễn ra.
Từ góc nhìn của mẫu người lí trí, mẫu người phi lí trí dễ bị coi là người mang phẩm chất thấp kém, khi họ được hiểu từ góc độ những gì xảy ra với họ. Vì cái xảy ra với họ không có tính ngẫu nhiên. Trong những tình huống đó, họ là người kiểm soát, nhưng thay vì kiểm soát, họ lại bị tác động bởi xét đoán và các mục đích lí trí. Người có đầu óc lí trí khó hiểu nổi thực tế này, cũng giống như người phi lí trí cảm thấy kinh ngạc khi thấy ai đó đặt suy nghĩ duy lí lên trên các sự kiện sống và thực tế. Một thứ như thế dường như không đáng tin với họ.
Như một thông lệ, hoàn toàn không có hi vọng gì để trông đợi họ sẽ công nhận những nguyên tắc lí trí. Vì một sự thấu hiểu bằng lí trí đối với họ là xa lạ, và thực tế là chán ngán. Hệt như mẫu người lí trí không thể tưởng tượng nổi việc lập một bản hợp đồng mà không có sự bàn bạc về nghĩa vụ đôi bên.
Những gì vừa đề cập đặt ra vấn đề về mối liên hệ tinh thần giữa các đại diện của những mẫu người khác nhau. Tiếp nối cách đặt thuật ngữ thuộc trường phái kiểu Pháp của các nhà thôi miên, các chuyên gia tâm thần hiện đại gọi mối liên hệ tinh thần là “sự hòa hợp”. Sự hòa hợp chủ yếu là một cảm giác chấp nhận thực sự, chấp nhận cả những khác biệt.
Trong thực tế, việc chấp nhận tồn tại các khác biệt, đến chừng mực chúng trở nên bình thường với cả hai bên, đã là một hòa hợp, một cảm giác chấp nhận thực sự. Nếu chúng ta khiến cảm nhận này được ý thức đến một mức cao trong tình huống hiện thực, chúng ta sẽ phát hiện thấy là nó không những có thể được phân tích sâu hơn, mà còn là một sự thấu hiểu hay thấu biết, thể hiện điểm đồng thuận ở dạng khái niệm. Cách mô tả và gọi tên kiểu lí trí này chỉ có hiệu lực với mẫu người lí trí, không hề áp dụng cho mẫu phi lí trí, vì sự hòa hợp của mẫu người này không dựa trên xét đoán, mà dựa trên các sự kiện thực tại diễn ra cùng lúc.
Cảm nhận chấp nhận của người phi lí trí là một nhận thức thông thường đến từ cảm giác bằng giác quan hoặc bằng trực giác. Mẫu người lí trí sẽ nói rằng sự hòa hợp của người phi lí trí hoàn toàn dựa trên vận may. Nếu một cách tình cờ, các hoàn cảnh bên ngoài trở nên đồng điệu đến chính xác, thứ gì đó như một mối quan hệ giữa người và người xảy ra, nhưng chẳng ai nói được cái gì là cơ sở để nó phát triển vững chắc hay lâu dài.
Đối với mẫu người lí trí, cái ý nghĩ “mối quan hệ chỉ kéo dài chừng nào các hoàn cảnh bên ngoài tình cờ tạo ra một sự hứng thú cho hai bên” là một ý nghĩ cay đắng. Điều này sẽ không xảy ra với họ. Nhưng mẫu người phi lí trí lại thấy ở đó nhân tính có vẻ đẹp hoàn toàn độc nhất.
Theo đó, mỗi mẫu người lại coi mẫu người còn lại là người không có các mối quan hệ, không thể tin tưởng được và người khác không bao giờ có mối quan hệ tử tế với anh ta.
Tuy nhiên, sự hòa hợp như thế chỉ đạt được duy nhất khi một người bằng ý thức cố gắng đánh giá bản chất mối quan hệ của mình với người kia. Mặc dù thành tâm của người này chẳng bình thường chút nào, ấy vậy lại thường hay có chuyện là tuy khác biệt tuyệt đối trong quan điểm, một dạng hòa hợp thực sự vẫn có thể xảy ra, theo cách sau đây: Một người giả định bằng phóng chiếu ngầm rằng người còn lại, ở tất cả các điểm quan trọng, có cùng ý kiến với mình. Trong khi người còn lại cảm thấy bằng trực giác hoặc cảm giác một tình bạn khách quan cùng chung sở thích. Nhưng người đầu tiên lại chẳng có hiểu biết ý thức nào về tình bạn khách quan chung sở thích này và họ sẽ lập tức bác bỏ sự tồn tại của sở thích chung. Cũng như sẽ không bao giờ có chuyện người thứ hai chấp nhận là mối quan hệ của mình phải dựa trên cùng một quan điểm. Kiểu hòa hợp vừa nói cho đến giờ là thường xuyên nhất, nó dựa trên phóng chiếu bản thân mình lên đối tượng. Đây là nguồn cội của rất nhiều hiều nhầm sau đó.
Mối quan hệ tinh thần trong người hướng ngoại luôn bị điều tiết bởi các yếu tố khách quan và các tác nhân bên ngoài. Con người thực sự bên trong họ không bao giờ có ý nghĩa mang tính quyết định nào cả. Vì trong nền văn hóa ngày nay của chúng ta, thái độ hướng ngoại là một nguyên lí thống trị và điều khiển mối quan hệ con người. Nguyên lí hướng nội tất nhiên vẫn diễn ra, nhưng chỉ là một ngoại lệ, và phải viện đến sự khoan dung của thời đại.