N
hư đã chỉ ra ở trên, tôi cho rằng vô thức có mối liên hệ theo kiểu bù trừ cho ý thức. Theo quan điểm này, thể vô thức cũng có quyền đòi hỏi có một thái độ như thể ý thức.
Ở phần trước, tôi đã nhấn mạnh khuynh hướng một chiều phiến diện của thái độ hướng ngoại, do sự kiểm soát của yếu tố khách quan trong quá trình diễn biến các sự kiện tinh thần. Mẫu người hướng ngoại liên tục (i) bị cám dỗ trao đi chính mình cho đối tượng khách quan, và (ii) đồng hóa cái bên trong mình với đối tượng bên ngoài. Tôi đã đề cập chi tiết những hậu quả tối hậu mà thói cường điệu của thái độ hướng ngoại gây ra, cụ thể là sự dồn nén có hại cho những yếu tố nội tại.
Do vậy chỉ có thể trông mong rằng, yếu tố nội tại sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bù trừ tinh thần cho thái độ hướng ngoại có ý thức kia. Cụ thể là, chúng ta sẽ cho thấy khuynh hướng tự kỉ trung tâm mạnh mẽ (tự coi mình là trung tâm) trong vô thức của người hướng ngoại. Kinh nghiệm thực tế thực ra có chứng minh điều này. Tôi sẽ không đi vào điều tra đúng sai ở điểm này. Trong các phần kế tiếp, tôi sẽ trình bày thái độ đặc trưng của thể vô thức từ góc độ của những mẫu hình tâm lí tiêu biểu (function-types).
Trong phần này, chúng ta chỉ quan tâm đến cách bù trừ cho thái độ hướng ngoại nói chung, do đó tôi sẽ giới hạn mình chỉ mô tả thái độ chung của vô thức.
Trong vai trò là một phản ứng bù trừ hiệu quả cho thái độ hướng ngoại của ý thức, vô thức ở người hướng ngoại có đặc tính hướng nội rõ ràng. Vô thức dồn tụ dục năng libido vào sâu bên trong. Cụ thể là, mọi nhu cầu và đòi hỏi sẽ bị kiềm chế hay dồn nén do thái độ hướng ngoại thái quá của ý thức.
TÍNH VỊ KỈ CỦA NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI
Thái độ hướng ngoại có ý thức hoàn toàn gây tổn hại cho những cảm xúc, ý định, nhu cầu và khao khát nội tại, nó cướp mất năng lượng khỏi chúng. Trong khi năng lượng này lại là quyền rất đỗi tự nhiên.
Con người không phải một cái máy có thể chế tạo lại theo yêu cầu của hoàn cảnh, với cách hoạt động và mục đích hoàn toàn khác, và rồi hi vọng cái máy đó vẫn sẽ tiếp tục hoạt động bình thường như trước, nhưng theo một cách khác. Con người mang trong mình một lịch sử lâu đời, trong kết cấu của chúng ta đã ghi khắc lịch sử của loài người.
Yếu tố quá khứ, lịch sử đại diện cho một nhu cầu sống còn mà một hệ thống quản lí nguồn lực khôn ngoan phải đáp ứng. Bằng cách này hay cách khác, quá khứ buộc phải cất tiếng và dự phần vào hiện tại. Khi hoàn toàn hòa nhập vào đối tượng bên ngoài, cá nhân phải chạm trán với sự phản đối của những yếu tố thiểu số bị kìm nén từ quá khứ và đã tồn tại ngay từ ban đầu. Vì vậy, có thể hiểu tại sao các đòi hỏi vô thức của mẫu người hướng ngoại lại có tính nguyên thủy, trẻ con và vị kỉ.
Khi Freud nói, vô thức “chỉ có khả năng ước muốn”, điều đó thực sự ứng với vô thức của mẫu người hướng ngoại.
Việc điều chỉnh và hòa nhập với hoàn cảnh bên ngoài sẽ ngăn cản các xung lực thôi đẩy nội tại chưa đủ mạnh để vươn đến thể ý thức. Các khuynh hướng (ý niệm, ước nguyện, xúc động, nhu cầu, cảm giác, v.v.) thoái lùi về quá khứ (các tầng vô thức) tương ứng với mức độ mà chúng bị dồn nén. Nghĩa là, những thứ càng có tính thơ ấu và cổ xưa thì càng ít được nhận thấy rõ ràng.
Thái độ ý thức lấy mất nguồn năng lượng sẵn có của những khuynh hướng vô thức này, chỉ để lại những năng lượng bản nguyên không thể bị lấy đi. Năng lượng bản nguyên còn lại đó sở hữu uy lực không thể xem thường. Đấy có thể được gọi là những bản năng ban sơ. Không bao giờ có thể nhổ bỏ bản năng đấy khỏi cá nhân một cách tùy tiện. Để thay đổi triệt để từ gốc rễ, đòi hỏi một quá trình chuyển hóa hữu cơ chậm chạp qua nhiều thế hệ. Vì bản năng là biểu hiện năng lượng của một nền tảng hữu cơ nhất định.
Vậy là với mỗi khuynh hướng bị dồn nén, sau cùng vẫn còn lại một năng lượng đáng kể. Năng lượng còn lại này tương ứng với uy lực của bản năng và bảo vệ hiệu quả hoạt động của nó, cho dù quá trình tước đoạt năng lượng của thái độ ý thức khiến cho bản năng trở thành vô thức. Mức độ hướng ngoại trong ý thức gây ra tính trẻ con và vị kỉ trong vô thức ở mức tương đương.
Tính vị kỉ thường là đặc tính vô thức của người hướng ngoại. Kiểu vị kỉ này vượt xa khỏi tính ích kỉ trẻ con đơn thuần. Nó thậm chí gần như độc ác và tàn bạo. Ở đây, chúng ta tìm thấy cái mà Freud mô tả là “mong muốn loạn luân đang trong thời kì nảy nở”.
Hiển nhiên, những đặc tính, bản năng hay tính cách này là hoàn toàn vô thức, nằm khuất khỏi con mắt của một nhà quan sát không tinh tường. Chừng nào tính hướng ngoại của ý thức vẫn chưa đạt đến cực độ, thì bản tính nguyên sơ đấy vẫn còn ẩn sâu trong vô thức của chủ thể. Nhưng bất cứ khi nào quan điểm ý thức bị cường điệu hóa, thì vô thức cũng đồng thời xuất hiện dưới dạng những triệu chứng. Cụ thể là, tính vị kỉ, tính trẻ con và cổ xưa trong vô thức đánh mất đi chức năng bù trừ của mình, chúng ít nhiều công khai chống đối thái độ của ý thức.
SỰ HỦY DIỆT CỦA NHỮNG YẾU TỐ VÔ THỨC BỊ DỒN NÉN
Quá trình chống đối này của vô thức bắt đầu khi quan điểm ý thức bị cường điệu đến một mức vô lí, nhằm dồn nén sâu hơn thể vô thức. Nhưng lại thường kết thúc với thái độ ý thức bị bác bỏ bằng phương pháp reductio ad absurdum. Phương pháp này chứng minh một luận điểm là sai bằng cách cho thấy những hệ quả ngớ ngẩn không thể tránh khỏi của nó, cụ thể là khiến thái độ ý thức sụp đổ.
Thảm họa này có lẽ là một thảm họa ở bên ngoài, vì các mục đích khách quan dần bị chứng minh là vô lí bởi mục đích chủ quan.
Tôi nhớ ra trường hợp một thợ in, bắt đầu chỉ là nhân viên, nỗ lực vất vả xây dựng cơ đồ trong hai mươi năm, cuối cùng trở thành chủ sở hữu một doanh nghiệp rất lớn. Doanh nghiệp càng mở rộng, lại càng “tóm” chặt lấy anh, đến khi mọi sự tập trung, quan tâm khác đều dồn vào nó. Rốt cuộc, anh hoàn toàn bị mắc vào cái bẫy của nó. Ta sẽ sớm thấy thôi, việc anh đầu hàng sau cùng chứng tỏ là anh đã sụp đổ.
Như một kiểu bù trừ cho việc anh chỉ quan tâm đến kinh doanh, những mảnh vụn kí ức thơ ấu trong anh sống dậy. Khi còn bé, anh rất thích thú vẽ vời. Nhưng thay vì quay trở lại với nó như một sở thích ngoài lề giúp cân bằng tâm trí và cuộc sống, anh lại biến nó thành công việc kinh doanh và bắt đầu tưởng tượng cách trau chuốt các bức tranh của mình.
Những tưởng tượng của anh “không may” đã thành thật: Anh thực sự bắt đầu sản xuất tranh theo thị hiếu thơ ấu và ban sơ của mình. Kết quả là sau một vài năm, việc kinh doanh của anh sụp đổ.
Anh đã làm theo một trong những “lí tưởng văn minh” của chúng ta, lí tưởng đó bắt buộc con người đầy năng lượng phải dồn tụ hết mọi thứ vào một mục đích hay kế hoạch có sẵn trong đầu. Nhưng anh đã đi quá xa. Rốt cuộc, anh trở thành nạn nhân của chính những ham muốn thơ ấu bên trong mình.
Cách giải quyết gây thảm họa đó cũng do nguyên nhân chủ quan là suy nhược thần kinh. Cách giải quyết kiểu như thế luôn xuất hiện do ảnh hưởng “chống đối” của vô thức đối với thái độ thái quá của ý thức, cuối cùng nó làm tê liệt hành động ý thức. Trong trường hợp này, vô thức áp đặt dứt khoát tiếng nói của nó lên ý thức, từ đó tạo nên một phân tách tai hại, biểu hiện ra theo hai hướng:
(i) Hoặc chủ thể không còn biết mình muốn gì và chẳng còn gì hứng thú gì;
(ii) Hoặc muốn quá nhiều cùng một lúc và ham mê những thứ bất khả thi.
Sự kìm nén các ham muốn trẻ con và ban sơ thường cần thiết khi sống trong xã hội văn minh. Nhưng cũng rất dễ gây rối loạn thần kinh chức năng, cũng khiến con người dễ lạm dụng chất kích thích, chẳng hạn như: rượu, morphine, cocain, v.v. Ở những trường hợp cực đoan hơn, sự phân li giữa ý thức và vô thức kia dẫn đến tự tử – chủ thể phủ nhận toàn triệt bản thân mình.
Những khuynh hướng vô thức có một nét kì lạ nổi bật, đó là:
Chừng nào năng lượng của chúng bị tước mất do ý thức không chịu thừa nhận chúng, chừng đó chúng mang một đặc tính hủy diệt tương ứng. ngay khi đặc tính này nổi lên, chức năng bù trừ của vô thức ngừng hoạt động
Vô thức ngừng bù trừ cho thái độ của ý thức ngay khi đạt tới một tầng sâu7 không tương thích chút nào với tầng văn hóa của chúng ta. Từ thời khắc này, các khuynh hướng vô thức tạo nên một bức tường chắn, chống đối thái độ ý thức trên mọi phương diện. Bức tường chắn đó nhất định dẫn đến những mâu thuẫn tiềm ẩn, chờ ngày trỗi dậy.
7 Tham khảo thêm về các địa tầng của vô thức trong Những cảm xúc bị dồn nén của Isador Henry Coriat, iBooks, 2019.
QUÁ TRÌNH CÂN BẰNG TINH THẦN
Nói chung, thái độ bù trừ của vô thức thể hiện ra trong quá trình cân bằng tinh thần. Tất nhiên, ở thái độ hướng ngoại thông thường, cá nhân không phải lúc nào cũng cư xử theo một kiểu mẫu hướng ngoại.
Trong cùng một cá nhân, có rất nhiều diễn biến tâm lí, bao gồm cả cơ chế hướng nội. Một thái độ có thể bị gọi là hướng ngoại chỉ khi nào cơ chế hướng ngoại chiếm ưu thế trong cá nhân đó. Trong trường hợp đấy, chức năng tâm lí nổi trội nhất liên tục được dùng cho mục đích hướng ngoại. Trong khi các chức năng khác phục vụ cho việc hướng nội. Cụ thể là, chức năng càng thuộc về tầm kiểm soát của ý thức và phục vụ cho mục đích có ý thức lại càng được đánh giá cao (được ý thức nhiều hơn). Trong khi, các chức năng ít được ý thức hơn, nói cách khác, các chức năng nằm sâu hơn trong các tầng vô thức sẽ ít phải phục tùng lựa chọn tùy tiện của ý thức.
Chức năng vượt trội hơn luôn là chức năng dùng để biểu lộ tính cách, mục đích, ý chí và thành tựu của tính cách đó một cách có ý thức. Còn các chức năng thứ cấp thuộc về những điều đã xảy đến, những kinh nghiệm của một cá nhân, nó lẩn sâu hoặc dồn tụ sâu hơn vào vô thức. Chức năng thứ cấp không chỉ đơn thuần gây ra những lỗi ngớ ngẩn, chẳng hạn như lứu lưỡi hay viết nhịu, chúng còn có thể nuôi dưỡng một nửa hay ba phần tư quyết định của một người. Vì các chức năng thứ cấp cũng có một mức độ nhỏ ý thức.
Mẫu người Cảm xúc hướng ngoại (Extraverted Feeling Type) là một ví dụ điển hình về tình trạng nêu trên. Họ thích thú thưởng thức mối quan hệ tuyệt vời với người xung quanh, nhưng đôi khi họ lại có những ý kiến hết sức khiếm nhã. Những ý kiến này bắt nguồn từ ý niệm thứ cấp và thuộc về tiềm thức của họ. Loại ý niệm này chỉ chịu kiểm soát một phần bởi đối tượng bên ngoài và có mối liên hệ không trọn vẹn với đối tượng đó. Cho nên nó có thể hoạt động mà gần như không cần cân nhắc đến trách nhiệm với hành vi của chủ thể.
Ở thái độ hướng ngoại, các chức năng thứ cấp luôn thể hiện một quyết tâm nội tại với thói vị kỉ trung tâm mạnh mẽ và thiên vị cá nhân, từ đó cho thấy mối liên hệ chặt chẽ của chúng với vô thức. Thông qua các chức năng thứ cấp này, thể vô thức liên tục xuất hiện. Đừng bao giờ cho rằng các yếu tố vô thức sẽ mãi mãi bị chôn vùi dưới rất nhiều địa tầng và chỉ có thể hé lộ bằng công cuộc khai quật vất vả. Luôn có một dòng chảy vô thức liên tục tràn vào quá trình suy nghĩ của ý thức. Đôi khi nhiều đến mức người quan sát gặp khó khăn khi phân định đặc điểm nhân cách nào thuộc về ý thức, tính cách nào thuộc về vô thức. Vấn đề đấy xảy ra chủ yếu với những người có thói quen biểu lộ quá nhiều. Tất nhiên còn phụ thuộc nhiều vào thái độ của người quan sát, liệu anh có nắm được đặc tính vô thức hay ý thức của một cá nhân hay không.
Nói chung, một người quan sát phê phán hay xét đoán sẽ nắm lấy đặc tính có ý thức, trong khi một người quan sát tinh tế theo lối cảm thụ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi đặc tính vô thức. Vì phán xét một người chủ yếu là nhìn vào động lực ý thức của người đó. Còn nhận thức lĩnh hội có xu hướng ghi nhận diễn biến đơn thuần. Nhưng trong trường hợp chúng ta áp dụng cả phê phán lẫn nhận thức lĩnh hội ở mức độ ngang nhau, rất dễ có chuyện là: Một tính cách xuất hiện với cả hai đặc tính hướng nội và hướng ngoại, nên chúng ta không thể ngay lập tức xác định được thái độ của các chức năng này thuộc về phần ý thức hay vô thức.
Trong những trường hợp như thế, một cuộc trị liệu phân tâm triệt để các đặc tính chức năng mới có thể giúp ta có được một cái nhìn đúng đắn. Trong khi phân tâm, chúng tôi phải quan sát xem chức năng nào nằm dưới quyền kiểm soát và thôi đẩy của ý thức, còn những chức năng nào có đặc tính ngẫu nhiên. Chức năng bị ý thức kiểm soát, thôi đẩy luôn được phân cấp cao hơn các chức năng ngẫu nhiên. Các chức năng ngẫu nhiên này có nhiều phẩm chất nguyên thủy và trẻ con. Các chức năng được ý thức kiểm soát thường tạo ra một ấn tượng về sự bình thường, trong khi chức năng ngẫu nhiên cho thấy sự bất thường và bệnh hoạn.