Đ
ể có một trình bày toàn diện và dễ hiểu khi mô tả các mẫu hình tâm lí phổ biến, trước hết chúng ta cần phân biệt kiểu ý thức và cả vô thức điển hình của hai mẫu hướng nội và hướng ngoại này. Trước hết ta hãy để tâm vào các hiện tượng ý thức của kiểu người hướng ngoại.
Phải nói rằng, tất cả mọi người đều chịu sự điều hướng của thông tin từ thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, điều đó chỉ tương đối đúng mà thôi.
Chẳng hạn, khi trời lạnh, một người thấy cần mặc áo khoác. Người kia muốn trở nên rắn rỏi, thấy mặc áo là không cần thiết.
Một người ngưỡng mộ nam ca sĩ nọ vì cả thế giới ngưỡng mộ anh ta. Một người khác không hưởng ứng, không phải vì anh không thích ca sĩ kia, mà bởi anh ta cho rằng nam ca sĩ không có gì đáng ngưỡng mộ đến thế.
Một người không phản kháng trước một tình huống, vì kinh nghiệm của anh nói rằng chẳng thể làm gì được nữa. Nhưng một người khác lại tin chắc rằng, dù tình huống đó tái diễn cả nghìn lần theo cùng một cách, thì vào lần thứ một nghìn lẻ một nó cũng sẽ khác.
Những ví dụ trên cho thấy:
(i) Người thứ nhất chịu sự điều hướng của những dữ kiện khách quan;
(ii) Người thứ hai duy trì một quan điểm, quan điểm này xen vào giữa anh ta và thực tế khách quan kia.
Nếu đối tượng và thực tế khách quan chiếm được ưu thế, đến mức mối liên hệ giữa chủ thể và đối tượng – chứ không phải giá trị hay chuẩn mực chủ quan – chi phối những quyết định, những hành động thường xuyên và quan trọng nhất của con người, thì thái độ đấy gọi là thái độ hướng ngoại.
Khi phản ứng này trở thành thói quen, con người đấy trở thành mẫu người hướng ngoại.
Nếu một người suy nghĩ, cảm nhận và hành động - nói tóm lại là sống - bằng cách phản ứng/hồi đáp trực tiếp các hoàn cảnh và đòi hỏi khách quan, bất kể đòi hỏi và hoàn cảnh khách quan đó là tốt hay xấu, thì đấy đích thị là người hướng ngoại
NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH VÀ HÀNH ĐỘNG DỰA TRÊN DỮ KIỆN KHÁCH QUAN
Cách mẫu người hướng ngoại sống đã cho thấy rõ ràng rằng: Giá trị khách quan mới là yếu tố có vai trò quyết định lớn hơn trong ý thức của anh ta, chứ không phải giá trị chủ quan.
Người hướng ngoại tất nhiên cũng có các giá trị chủ quan, nhưng sức mạnh quyết định của chúng yếu hơn các yếu tố khách quan bên ngoài. Họ do vậy không bao giờ cho là mình sẽ tìm ra bất kì yếu tố xác quyết tuyệt đối nào trong đời sống nội tâm của mình. Họ thường chỉ biết đến những yếu tố nằm bên ngoài mình.
Giống Epimetheus3, đời sống nội tại của người hướng ngoại chịu thua trước áp lực, đòi hỏi từ bên ngoài. Tất nhiên trong con người ấy, giữa nội tâm và ngoại giới không phải là không có đấu tranh, giằng xé, nhưng phần thắng quyết định luôn thuộc về yếu tố khách quan.
3 Trong thần thoại Hi Lạp, Epimetheus (có nghĩa là “afterthinker”- nhận thức muộn màng), là anh trai của Prometheus (hiểu là “forethinker”- tầm nhìn xa). Đây là một cặp Titan “đóng vai trò là đại diện của nhân loại”. Trong khi Prometheus được mô tả là khéo léo và thông minh, Epimetheus được mô tả là ngu ngốc. Trong cuốn sách Psychological Types (Các mẫu hình tâm lí, Chương X- “Mô tả chung về các mẫu hình tâm lí”), Carl G. Jung sử dụng hình ảnh Epimetheus (tham chiếu trực tiếp đến Epimetheus của Carl Spitteler) để chỉ các chức năng tâm thần sai lệch, trái ngược với sự lành mạnh và sáng tạo.
Toàn bộ ý thức của người hướng ngoại hướng ra thế giới bên ngoài. Bởi quyết tâm dứt khoát và quyết định quan trọng luôn đến với họ từ bên ngoài, đó là nơi duy nhất mà họ trông đợi. Mọi đặc điểm tâm lí nổi bật của mẫu người này, nếu không xuất phát từ sự ưu tiên của một chức năng tâm lí nhất định nào đó, hay từ đặc thù cá nhân, thì đều bắt nguồn từ thái độ hướng ngoại như đã nêu trên.
Sự quan tâm chú ý và sự tập trung của mẫu người này đổ dồn vào các sự việc xảy ra bên ngoài, chủ yếu trong môi trường họ tiếp xúc trực tiếp và gần gũi. Không chỉ con người mà sự vật, sự việc cũng thu hút hứng thú của họ. Những hành động của họ do vậy cũng bị ngoại vật, ngoại cảnh chi phối. Chúng ta hoàn toàn có thể giải thích thấu đáo các quyết định và hành động của họ dựa trên mối liên hệ trực tiếp với dữ kiện khách quan này.
Dễ dàng nhận thấy là, hành động của người hướng ngoại có liên hệ với các điều kiện, hoàn cảnh khách quan. Hành động này chừng nào không chỉ đơn thuần là phản ứng trước kích thích môi trường, thì nó vẫn sẽ phù hợp với các tình huống thực tế, và có thể phát huy đầy đủ thích đáng trong phạm vi tình huống khách quan. Hành động của người hướng ngoại không có khuynh hướng vượt quá những ranh giới tình huống khách quan.
Điều này cũng đúng với niềm hứng thú:
Các sự việc khách quan có một sức hấp dẫn gần như vô tận, nên trong điều kiện bình thường, niềm hứng thú của một người hướng ngoại cũng không vượt quá sự việc khách quan
NỖ LỰC THÍCH ỨNG CỦA NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI
Các quy tắc đạo đức chi phối hành động của người hướng ngoại tương ứng với những đòi hỏi của xã hội, nghĩa là: quan điểm đạo đức - phẩm hạnh đó phải được hầu hết mọi người chấp nhận.
Nếu quan điểm đạo đức - phẩm hạnh phổ biến này khác đi, thì kim chỉ nan đạo đức - phẩm hạnh bên trong chủ thể cũng khác theo. Nhưng tâm lí điển hình của họ không hề thay đổi.
Có vẻ như sự định đoạt cứng nhắc của các yếu tố bên ngoài liên quan đến sự thích nghi lí tưởng và trọn vẹn của chủ thể với các hoàn cảnh phổ biến của cuộc sống. Tuy nhiên không hẳn như vậy.
Theo góc nhìn hướng ngoại, tất nhiên, điều chỉnh theo dữ kiện khách quan có vẻ là sự thích nghi trọn vẹn. Vì theo góc nhìn này, chẳng có tiêu chuẩn nào khác tồn tại cả.
Nhưng nhìn từ một góc độ cao hơn, các sự kiện khách quan không phải là cách nhìn chuẩn trong mọi hoàn cảnh. Mỗi hoàn cảnh có thể chỉ là tạm thời, hoặc mang tính cục bộ địa phương. Cá nhân nào đã thích ứng với hoàn cảnh bất thường đó, chắc chắn sẽ phù hợp với kiểu bất thường (nhưng vẫn tuân theo các quy luật phổ quát) của môi trường xung quanh. Giống như hoàn cảnh hay môi trường của mình, họ có một quan điểm bất thường.
Tuy vậy, cá nhân này chỉ có thể nỗ lực trong hoàn cảnh đấy cho đến khi họ cùng với toàn bộ môi trường của mình bị hủy diệt, vì vi phạm các quy luật phổ quát của cuộc sống. Họ bị cuốn trọn vẹn vào vòng xoáy của sự sụp đổ kia, cũng giống như khi họ điều chỉnh bản thân triệt để để phù hợp với tình huống khách quan. Đấy chỉ là điều chỉnh để phù hợp, chứ không phải thích nghi.
Để thích nghi, chủ thể không chỉ tham dự trơn tru, mà còn tạo ra “lực ma sát” với các hoàn cảnh nhất thời của môi trường mà họ tiếp xúc trực tiếp.
Một lần nữa, tôi lại nhắc đến câu chuyện Epimetheus của Spitteler.
Để thật sự thích nghi, cần phải nắm bắt và tuân theo những quy luật phổ quát của cuộc sống, chứ không phải là chỉ thích ứng với các hoàn cảnh hay điều kiện cục bộ, tạm thời. chỉ thuần túy điều chỉnh bản thân theo hoàn cảnh bên ngoài là hạn chế của mẫu người hướng ngoại thông thường
NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI CÓ KHUYNH HƯỚNG COI NHẸ THÂN THỂ MÌNH
Một đằng, người hướng ngoại được coi là bình thường hay hợp tiêu chuẩn xã hội là nhờ vào khả năng hòa nhập dễ dàng vào các hoàn cảnh đang diễn ra. Họ chẳng đòi hỏi gì ngoài đáp ứng những khả năng khách quan sẵn có, chẳng hạn như chuyên tâm vào nhiệm vụ mang đến những triển vọng tốt đẹp trong tình huống thực tế. Họ cố gắng làm hay tạo ra những gì mà môi trường xung quanh họ nhất thời cần và trông đợi từ họ. Họ tránh mọi thay đổi không rõ ràng hoặc không nằm trong mong đợi của những gì quanh mình.
Mặt khác, họ chỉ “bình thường” khi những người khác để ý đến nhu cầu và đòi hỏi chủ quan từ phía họ. Đây là điểm yếu của mẫu người hướng ngoại.
Mẫu người này có khuynh hướng hướng ngoại mạnh mẽ, ngay cả trước thực tế rõ ràng là tình trạng cơ thể của họ không được để tâm đầy đủ. Vì cơ thể không đủ “khách quan”, nó cũng không hoàn toàn thuộc về “bên ngoài”, nên việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản của thân thể là tuyệt đối cần thiết để có thể trạng khỏe mạnh. Nhưng người hướng ngoại lại không coi trọng việc này. Vì thế trước tiên thân thể họ phải chịu khổ theo tâm ý của họ, chứ chưa nói đến phần linh hồn.
Quả thực người hướng ngoại thường rất ít để tâm đến thân mình. Những người thân trong gia đình thậm chí còn quan tâm tới họ hơn chính họ. Họ chỉ cảm thấy mất cân bằng khi những biểu hiện bất thường trên cơ thể hiển lộ rõ rệt. Khi đó, họ không thể nào phớt lờ thực tế hữu hình này nữa. Đối với họ, chỉ khi tất cả biểu hiện ra ở dạng tồn tại vật chất và khách quan, thì họ mới thừa nhận, vì đó là thứ duy nhất tồn tại trong đầu họ. Trước thứ gì đó không phải vật chất khách quan, họ sẽ lập tức cho đấy là “tưởng tượng”.
Một thái độ hướng ngoại cực đoan là bản thân chủ thể có thể chẳng đếm xỉa gì đến thân mình, đến mức hoàn toàn hiến dâng mình cho những đòi hỏi khách quan. Chẳng hạn như nhu cầu liên tục mở rộng kinh doanh, các đơn hàng nằm đó thu hút sự chú ý của họ. Hay trước cơ hội lợi nhuận liên tục xuất hiện, họ phải nắm bắt ngay tức khắc.
Đây là mối nguy hại đến thân mà người hướng ngoại phải đối mặt.
người hướng ngoại bị mắc kẹt trong các đối tượng và sự vật, hoàn toàn đánh mất chính mình trong cái bẫy mà chúng giăng ra
RỐI LOẠN THẦN KINH Ở NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI
Phát sinh từ tình trạng mắc kẹt trong đối tượng vật chất vừa kể trên, rối loạn thần kinh chức năng hay rối loạn thể chất ở người hướng ngoại có tác dụng bù trừ. Chúng buộc chủ thể vô thức tự ước chế mình khỏi tình trạng hướng ngoại thái quá. Sự hình thành của các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng có thể cho thấy tình trạng tâm lí của chủ thể.
Lấy ví dụ, một ca sĩ rất nổi tiếng, anh ta tiêu hao quá mức năng lượng của mình. Đột nhiên anh ta bị mất giọng hát cao do bệnh ức chế thần kinh (nervous inhibition).
Một người đàn ông với khởi đầu khiêm tốn nhanh chóng đạt đến một địa vị xã hội có tầm ảnh hưởng lớn và tiền đồ rộng mở. Đột nhiên anh ta mắc phải một tình trạng tâm thần với các triệu chứng của bệnh say độ cao4.
4 Say độ cao hay còn gọi là say núi cấp tính (tiếng Anh: acute mountain sickness - AMS) là ảnh hưởng bệnh lí của độ cao đối với con người, do tiếp xúc đột ngột với môi trường có áp suất thấp ở độ cao lớn, thường là trên 2400 mét (8000 feet). Biểu hiện của say độ cao bao gồm những triệu chứng không đặc hiệu xuất hiện khi lên đến độ cao lớn hoặc khi áp suất không khí thấp, giống như triệu chứng của cúm, ngộ độc khí các-bon mô-nô-xít, hoặc như các triệu chứng sau khi say rượu (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn). Tuy nhiên, hầu hết đều mọi người có thể lên đến độ cao 2400 mét mà không gặp trở ngại gì. Say độ cao có thể biến chứng thành phù phổi hoặc phù não do độ cao, dẫn đến tử vong.
Lại nữa, một người đàn ông sắp sửa cưới một người phụ nữ thần tượng có tính đa nghi. Ông ta đánh giá bà quá cao, đến mức vô lí. Đột nhiên ông bị co thắt thực quản, buộc phải có chế độ uống hai cốc sữa một ngày và cần săn sóc ba tiếng một lần. Do vậy, mọi cuộc thăm hỏi vị hôn thê hoàn toàn bị ngưng lại. Ông chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung chăm sóc cơ thể mình.
Một người đàn ông bằng sự nỗ lực và táo bạo của mình đã xây dựng nên một công ty lớn. Nhưng rồi gánh nặng công việc quá sức chịu đựng, ông bị các cơn khát hành hạ. Hậu quả là ông nhanh chóng trở thành nạn nhân của chứng nghiện rượu cuồng loạn5.
5 Bị nghiện rượu do nguyên nhân tâm lí: lo âu, sợ hãi, v.v.
Cuồng loạn6, theo tôi, đến tận thời điểm này là chứng rối loạn thần kinh chức năng thường hay xảy ra nhất với mẫu người hướng ngoại. Ví dụ cổ điển của chứng cuồng loạn luôn được mô tả qua mối quan hệ hòa hợp bị cường điệu với các thành viên trong vòng tròn quan hệ của bệnh nhân, và sự điều chỉnh bằng cách bắt chước của bệnh nhân để phù hợp với các hoàn cảnh xung quanh.
6 Chứng cuồng loạn (hysteria) là một trạng thái của tâm thức, có biểu hiện là sự kích động thái quá, không thể điều khiển được các cảm xúc.
Khuynh hướng liên tục khẩn nài được quan tâm chú ý và gây ấn tượng trước môi trường xung quanh là đặc điểm cơ bản của bản tính cuồng loạn.
Bên cạnh khuynh hướng trên, người bị cuồng loạn cũng dễ bị tác động bởi ám thị, dễ bị ảnh hưởng bởi một người khác. Bệnh nhân cuồng loạn biểu lộ tính hướng ngoại không thể lầm lẫn của mình ở chỗ thích tâm sự trò chuyện với người ngoài. Vì thích tâm sự trò chuyện mà đôi khi anh nói ra những nội dung hoàn toàn tưởng tượng, được gọi là nói dối cuồng loạn.
Cuồng loạn lúc đầu là thái độ bình thường bị cường điệu hóa, sau đó bị phức tạp hóa bằng những phản ứng bù đắp từ vô thức. Nghĩa là, vô thức biểu thị sự chống đối của nó dưới dạng các rối loạn cơ thể trước việc chủ thể hướng ngoại quá mức.
Lời cảnh báo của nó là: Hãy thu liễm năng lượng tinh thần của mình vào bên trong.
Qua cách phản ứng bù đắp của vô thức, một loạt các triệu chứng khác phát sinh, nhưng hướng nội hơn. Những tưởng tượng bệnh hoạn gia tăng chủ yếu thuộc các triệu chứng trên.
Sau khi đã mô tả khái quát thái độ ý thức của mẫu người hướng ngoại, giờ chúng ta chuyển sang mô tả những thay đổi hay điều chỉnh mà các chức năng tâm lí cơ bản phải trải qua như một hậu quả của thái độ này. Nó thuộc về thái độ của vô thức.