“Aimer, c’est agir (Yêu thương là hành động)” là dòng nhật ký cuối cùng mà đại văn hào Victor Hugo gửi cho hậu thế.
Mình đột nhiên nhớ lại câu này trong khoảnh khắc chị gái gọi điện từ miền Nam ra thông báo ngập ngừng: “Em ơi, dạo này mắt chị luôn đau nhức và mờ lắm, chẳng nhìn được gì rõ cả!”... Có giọt nước mắt nóng hổi từ từ chảy ngược vào thẳm sâu lòng mình buốt nhói. Mình run run: “Chị đừng lo nhiều chị nhé, em sẽ tìm cách giúp chị!”.
Và rồi là một loạt những “hành động” trong nỗ lực.
Trong khi chưa thể thu xếp để vào được với chị, mình gọi điện nhờ những người được coi là “gần cận” của chị. Đáp lại là sự vô vọng. Dường như đã trở thành mặc định, mọi thứ tình cảm cũ, mới trong chốn riêng của chị đều bị khuất lấp dưới tảng băng chìm như nó vốn diễn ra nhiều chục năm qua. Lạnh lẽo, vô cảm, ngột ngạt!
Mình nhờ cậy chú út và xấp ngửa mua vé cho chú bay vào. Từng trang bệnh án được gửi ra. Mình cảm thấy cứ như có người đuổi sau lưng, chỉ sợ chậm thêm, mắt chị khó có cơ hội trở lại bình thường.
Trong nỗi thắt lo, run rẩy, mình hồi hộp chờ thông tin! Như đã từng thương lo khắc khoải cho chị như thế suốt hai chục năm có lẻ.
Vì đây không phải là lần mổ đầu tiên của chị. Đã gần chục các cuộc mổ khác nhau, trên thân thể yếu ớt, hanh hao, gầy mòn đến độ không thể héo hắt hơn được nữa!
Từ những năm còn trai trẻ, phần nhiều các “hành động” của mình là để dành cho chị, để hướng về chị.
Bao đêm khắc khoải bên giường bệnh, bao ngày ngược xuôi tất tả chạy thầy chạy thuốc chữa trọng bệnh cho chị, chị vẫn vậy, mong manh như chiếc lá trước gió giông nghiệt ngã. Duy chỉ có đôi mắt luôn sáng lên âu yếm, dõi theo mình tin cậy. Đối với chị, mình không chỉ là đứa em trai. Mình là người bạn chung thủy, là ân nhân, là tri âm tri kỷ. Mỗi lần tỉnh dậy trên giường bệnh, chị khẽ khàng nắm lấy tay mình. Những giọt nước mắt chắt ra, chầm chậm lăn trên khuôn mặt xanh xao.
Thi thoảng, chị ngồi trên giường bệnh, xõa tóc ra chải. Kì lạ là sau bao yếu đau, bệnh tật hành hạ, tóc chị vẫn đen dài sóng sánh. Chị chuốt từng sợi như níu giữ phần tuổi trẻ, như níu giữ nhan sắc một thời chị đã từng được xem là hoa hậu của làng. Chị nâng mớ tóc lên tay, xót xa chát đắng. Những lúc như thế, mình chỉ muốn sà xuống, áp mặt vào suối tóc ấy. Như cách mình đã làm thuở nhỏ. Như gói trong lòng những ngậm ngùi!
Ở cạnh chị, chăm bẵm và nâng giấc, mình thuộc cả tiếng thở dài của chị trong đêm. Nó xao động mơ hồ như tan như lắng vào trong cô tịch. Phải chăng mình mắc chứng mất ngủ bắt đầu từ những đêm dài triền miên ngồi đếm tiếng thở dài hay chong mắt thức canh chai nước truyền rí rách tựa tiếng sương buông như thế!
Rồi ngày nối ngày “thu ha hà vén” lo chữa bệnh cho chị, cho anh, mồ hôi quyện nước mắt mặn mòi. Mỗi đồng tiền kiếm được thấm nỗi lo âu, thấm niềm đau nhức. Nhiều lúc đóng tiền viện phí, thấy như có cả cái bóng khắc khoải đơn côi của mình trên từng chặng đường xa tảo tần thương khó...
Chị cùng mình đi qua trập trùng gian khó bão giông. Chị lần hồi gắng gượng vượt qua bạo bệnh nhờ níu nương vào những “hành động” yêu thương của mình chi chút...
Đến giờ khi đã ngoài sáu mươi, chị lại phải đối mặt với phẫu thuật. Chị khao khát có mình ở bên không chỉ để lo lắng đỡ đần mà còn là chỗ để chị tựa nương. Và mình luôn tự nhủ sẽ không bao giờ cho phép mình ngừng “hành động” vì những thương yêu...
Trên sân thượng nhà mình có một giàn hoa tường vi, vài ba cây hoa hồng, dăm cây húng quế. Chỉ thế thôi mà cũng là nơi để chim về họp bạn. Mỗi buổi sáng, chúng lích chích gọi nhau, hót lên lảnh lót. Lạc giữa tiếng chim là chí chát tiếng khoan bê tông, ồn ã tiếng loa phường và lóe xóe tiếng cãi cọ. Mình nhẩn nha tự nghĩ, trong cuộc đời này, lòng tốt và sự tử tế hệt như những tiếng chim. Nó làm “mềm” đi những bề bộn xô bồ. Nó khiến lòng ta chùng xuống để gọi về miết mải những yêu thương. Nó làm ta không thôi mơ về khu vườn trắng mướt những cánh cò trong hoàng hôn tím thẫm. Và “Yêu thương là hành động” cũng chính là những âm thanh trong trẻo tựa tiếng chim như thế.
Thành phố sẽ hoang hoải, trống rỗng nếu thiếu vắng tiếng chim. Như khi ta rời trang sách khô khan chỉ bắt gặp những bức tường bê tông, những ô cửa lạnh lùng. Như khi ta lướt qua từng gương mặt người chỉ bắt gặp sự nhạt nhẽo thờ ơ. Như khi ai đó bàng quan, vô cảm trước nỗi đau của người thân, đồng loại. Như khi ta gặp trời mưa trên phố mà không tìm nổi một mái hiên che. Như tiếng lòng tắt lịm khi đáng phải rung ngân. Bởi thế, “tiếng chim” của những hành động yêu thương như âm thanh trong trẻo luôn gieo vào lòng người những giai điệu ân tình, những dịu dàng quen thuộc.
Những nỗi nhớ có tan đi như khói?
Những niềm đau có chìm vào miền kí ức thẳm xa?
Những ân tình có như bọt bèo ngày biển động?
Mình không ngồi đợi những câu trả lời. Mình chỉ luôn thôi thúc phải hành động vì yêu thương luôn tiếp nối những thương yêu. Gánh nặng cuộc đời mình tự đặt lên vai và luôn gắng gỏi gồng mình băng qua lớp lớp mây mù những ngày trời âm u giông gió. Bởi mình luôn tin, phía trước là con đường có rực rỡ hoa hồng và líu lo chim hót những ban mai.
Mình nhất định sẽ tiếp tục hành động để một mai nào đó, lại được nhìn thấy chị ngồi trước hiên nhà thong thả đọc những bài viết của mình. Rồi sẽ lại được nghe giọng chị khẽ khàng: “Em ơi! Chị như được nghe lại tiếng chim sâu ríu ran trên cành vối, gặp lại giàn trầu xanh mướt trước sân và thoang thoảng hương cau bên bể nước... Thấy gần gụi mẹ cha, được quây quần quanh các em như thuở nào xa lắc! Và lòng chị ấm áp lắm em à!”.
Chỉ cần thế thôi là đủ cho hạnh phúc sau những nhọc nhằn...