Đợt này hàng xóm xây nhà, mà nghe đâu nhà to lắm, cao những bảy tám tầng nên cả xóm không đêm nào được ngủ yên. Suốt đêm xe tải chạy rầm rập, bấm còi inh ỏi. Lạ thế, đêm khuya cũng cứ bấm còi như giữa chốn không người. Rồi nhào trộn xi măng, ầm ầm, ùng ục, như một công trường. Tiếng thợ gọi nhau, hú hét náo động. Xen giữa những tiếng nhào bê tông thi thoảng mấy chú còn hứng chí gào ông ổng: “Em ơi suốt đêm thao thức vì em / Vì lời giã từ trước khi ra về...”. Khổ! Rầm rập thế, không “thao thức” mới là lạ. Nhà nào nhà nấy chong đèn đến khuya. Trẻ con khó ngủ khóc ngằn ngặt. Mấy bác trung niên tìm thú vui qua việc thức đêm xem bóng đá. Ông bà già thì xoay qua xoay lại trên giường chờ trời sáng. Ai cũng thầm mong cái vụ đổ bê tông qua nhanh. Đã góp ý rồi, đã phản ánh rồi nhưng nghe nói chủ nhà “rất ngỗ ngược”, lại quen biết nhiều nên bất chấp. Thôi, cả xóm đành nằm đếm âm thanh mỗi đêm trộn bê tông để tính số tầng. Cùng lắm là chục tầng chứ gì. Thế là đêm nọ nối tiếp đêm kia trong ngao ngán những tiếng thở dài. Sáng ra cửa nhà nào nhà nấy trắng một lớp bụi. Xi măng bám trên tường nhà trắng xóa. Lại lụi hụi lấy nước đi cọ rửa, trong đầu ám ảnh hai chữ “ngỗ ngược”. Nhưng nhức. Bức bối. Bất lực. Lại đành tặc lưỡi, cho qua.
Mấy hôm nay, trời tự nhiên trở rét đậm, gió bấc mưa phùn quấn vào nhau báo Tết sắp về. Cuống cuồng trong nhịp điệu thời gian, mình nhào ra chợ mua ít hoa lay ơn, thược dược về cắm cho thỏa nỗi lòng nhớ gió thương mưa giáp Tết. Nhà đã có sẵn cây quất của một người bạn thân quý tặng, lại có cả một cành đào vợ mua với lời quảng cáo “đẹp nhất Hà Nội” mà giá chỉ có... 70 nghìn đồng. Thế là đủ lệ bộ cho một cái Tết sớm. Mình đôn đả cắm hoa vào lọ, bày biện, trang trí, đặt thêm cả tập báo Tết bên cạnh, chờ... không khí Tết ùa vào lòng. Mà lạ quá, chẳng thấy Tết đâu. Cái không khí bảng lảng mơn man nôn nao ngày giáp Tết dường như đang lẫn vào đâu đó trong tiếng ùng ục nhào trộn bên tông, tiếng đập gõ chí chát liên hồi, tiếng loa thùng, tiếng karaoke nhức nhối. Mình bâng khuâng, hụt hẫng chơi vơi đến tận cùng. Trốn cái hỗn độn của các loại tạp âm, của nồng nặc mùi bếp than tổ ong, mình ra khép cửa. Chạm vào những hạt mưa xuân miêng mang, thấy lòng càng bơ vơ thờ thẫn.
Mưa này những ngày xưa thương nhớ ở quê, bố mình gọi là mưa lộc, mưa nõn. Nghe âm thanh gọi mưa đã đủ hình dung ra những hạt mưa gieo sự sống cho muôn loài. Nhưng mình, mình thích gọi mưa phùn bằng cái tên riêng do mình đặt: Mưa tơ. Bởi mưa như sợi tơ mỏng mảnh thức thao nhỏ nhẻ. Mềm như tơ, ám như tơ mà cũng giăng mắc như tơ. Mưa đấy mà tưởng như không mưa. Chỉ khi nào ngửa mặt lên trời mới biết. Chẳng có hạt mưa nào lộp độp trên áo, cũng không nặng trĩu bết tóc mai, chỉ có màn mưa che mờ mi mắt, chỉ có những hạt li ti chấp chới không gian. Mưa như điệu đàn vang lên những rung động không lời nhưng lại đầy gọi mời, thúc giục. Nên, mình cứ thong dong bước vào khung trời ảo hóa, bỏ lại sau lưng gian nhà chật hẹp, ẩm thấp mà rong chơi lang thang trên nẻo đường quê, trong khí trời êm mát, chân giẫm lên cỏ xanh ngút ngát đến tận chân trời. Mưa tung bay dường như không chạm đất hoặc vừa chạm đất đã mơ hồ bay trở lại giữa trời. Và trong mưa, các loài hoa đồng nội cũng giao hòa mở tâm rộng lượng đưa hương dịu dàng tan vào bụi mưa bay. Mùa xuân thênh thang mở niềm ân sủng cho muôn loài. Hương cau gần gụi với hương mộc. Trà mi quấn quýt bên hoa sim, hoa nhãn hòa cũng hoa sứ. Bông cải vàng gửi bướm sang nụ tầm xuân. Hoa cà mê lòng hoa thiên lý, hoa nhài. Tất cả cứ rộn ràng, cứ nồng đượm, cứ thanh tân. Cứ gọi hồn xuân dạt dào mê đắm.
Và hiển hiện trong gió bấc mưa phùn, trong náo nức ngồng cải vàng và bướm trắng nôn nao là hình mẹ dáng cha. Chiều tất niên, mẹ cha từ ngoài ruộng tất tả trở về nhà, vai khoác tấm áo tơi mỏng mảnh, dạt theo mưa, nương theo gió mà xôn xao ngất ngây lòng con trẻ.
Hình ảnh ấy gợi trong mình nhiều tâm trạng, vừa thương đến nhói lòng, lại vừa ấm áp đượm nồng. Thương là bởi, mưa lâm thâm giắc reo lộc nõn nhưng cũng buốt giá vô chừng. Lặn lội, dầm chân trong ruộng những khi trời gió bấc mưa phùn thì như có ngàn mũi kim tiêm chích vào da thịt. Tay chân bố mẹ cứ ửng đỏ rồi tím tái, bầm từng khúc. Những chiều cuối năm, bố mẹ thường về sớm hơn mọi ngày, khi chiều đang buông chầm chậm. Chưa kịp rửa đôi chân lấm lem bùn đất, bố đã hớt hải sang hàng xóm chia phần thịt lợn. Mẹ vội vã bắc nồi luộc bánh, nháo nhào sắm sanh tấm áo manh quần cho đàn con như thể Tết đã về sầm sập. Nhiều năm rồi, kí ức vẫn còn vẹn nguyên về những đứa trẻ con nông thôn cùng thời với mình hồi ấy. Tất cả đều có đôi mắt ánh lên vẻ đói khát, thân hình còi cọc, môi khô, bàn tay sần sùi, khuôn mặt xám ngắt. Suốt ngày mình với bọn trẻ cùng làng lang thang trên núi để kiếm củi khô hoặc đi dọc đường làng mót phân trâu phân bò như nhặt những phần đời bị bỏ quên và trệu trạo nhai sắn khi mặt trời tắt sớm. Với những đứa trẻ ấy, Tết là huyền diệu, Tết là thiêng liêng, Tết là sự hóa giải những cơn đói khát và Tết là dịp quên đi những phiền muộn dằng dặc tháng ngày. Cho nên cảm nhận về cái đẹp của Tết vì thế cũng rõ nét, cũng rộn ràng tươi thắm thiêng liêng đến lạ kì.
Mình tin chắc với những đứa trẻ quê ngày ấy, không gì sâu sắc bằng câu tổng kết “Vui như Tết”. Trong niềm vui xen lẫn sự ấm no. Dẫu là “no ba ngày Tết, đói ba tháng hè”, dẫu mùng 2 Tết đã lại bươn bả đồng sâu ruộng cạn nhưng cái nhộn nhịp, nỗi háo hức mong chờ Tết đã nằm sẵn trong lòng mỗi đứa trẻ từ cách đó vài ba tháng. Tết đến và Tết đi để lại nỗi nhớ Tết, mong Tết, đợi Tết đến ngậm ngùi. Nên mới là “Tết nhất”, vì đã là Tết thì mọi thứ đều là “nhất”. Dù theo cách hiểu phổ biến, từ “Tết nhất” là biến âm của từ “Tiết nhật” (ngày đầu tiên của tiết xuân) nhưng khi chuyển âm, nó đã biến ảo uyển chuyển để thành một loại nghĩa rất đúng với tâm trạng trẻ nông thôn nghĩ về Tết.
Ôi chao! Không thể có tấm vé nào để trở về tuổi thơ thêm lần nữa, để rưng rưng ngồi thềm nhà ngóng Tết nghe hồn mưa bụi giăng giăng. Kẹt cứng giữa bê tông, giữa ô nhiễm khói bụi và chao chát âm thanh, Tết sao mà cứ “rắn đanh”. Như nàng thiếu nữ đỏng đảnh tuổi xuân thì, Tết cứ dùng dằng, chẳng muốn về chạm ngõ.
Tết hình như rơi rụng trong những lần kẹt xe tắc đường không thở nổi. Đến đường hoa Hoàng Hoa Thám, hoa cỏ bày thắm thiết dọc đường xuân mà còn không có nổi chỗ lách chân. Chỉ nghe tiếng quát tháo, tiếng còi xe bực dọc, sốt ruột, inh ỏi, láo nháo.
Tết hình như lem luốc trong đám khói bụi mịt mờ. Bụi đường, bụi xây dựng, bụi khói thải khiến ai nấy trùm kín như Ninza, chỉ hở ra đôi mắt thất thần lo lạng lách. Nàng xuân nào còn đâu chỗ mà ghé xuống má hồng thiếu nữ cho hây hây tình xuân xanh lộc biếc dịu dàng.
Tết hình như vật vờ chìm nổi ở những bến xe ngập ngụa rác. Người và xe nhớp nhúa trở về nhà trong những chuyến đi dài vật vã, thất thần. Đâu còn cảnh ai đó thảnh thơi cầm cành đào khoan thai bước xuống xe trong dặt dìu tiếng nhạc: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó! Xúc động lòng ta trước cuộc đời” như hình ảnh thường thấy trong phim truyền hình.
Tết hình như bị bóp nghẹt trong tiếng loa phường réo rắt bên tai từ mờ sáng, đọc các thông tin về dịch cúm gà, cúm Ebola dù dịch đã lùi xa bảy thước. Rồi tin mừng xuân, rồi nhắc nhở lương hưu, phổ biến cách tránh thai, cách phòng chống AIDS...
Ôi chao là nhức nhối nhớ Tết khi Tết đã thực sự ở rất gần.
Thôi! Đành tự “ru lòng mình” bằng cách đóng thật chặt cửa cho vơi bớt âm thanh ồn ã gào rú bên ngoài, ngắm nhìn cành đào “đẹp nhất thành phố” mà vợ thửa về hôm trước. Cái màu hồng hồng của nụ đào phai gợi chút niềm thanh thản. Nó tẩy rửa, nó run rẩy từ những góc sâu da diết nhất và neo mình lại bên bờ trong veo của thanh tân. Sự khắc khoải, mong manh hóa ra lại bền vững nhất.
Nhủ lòng, thì ra vợ đã mang về cho mình, cả một mùa xuân.