-Sao anh thấy cuộc sống quá nhiều mệt mỏi. Sức ép công việc, gánh nặng cơm áo gạo tiền. Mỗi ngày thức dậy, anh luôn tự hỏi: Có điều gì không vui sẽ đến với mình đây. Chuyện sức khỏe của bố mẹ, chuyện sức khỏe của bản thân, chuyện con cái, chuyện chi tiêu, chuyện ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn... Ngày nào cứ 7 giờ lại nghe láo nháo tiếng loa phường: “Đây là chương trình truyền thanh phường...”, là anh đã muốn xỉu rồi. Rồi lo tắc đường, kẹt xe, khói bụi, lo an toàn thực phẩm cho mình và mọi người. Cứ là quay cuồng, mệt nhoài, bải hoải. Mà sao những lúc đó em ở đâu? Em cứ lẳng lặng, em cứ thờ ơ như đứng ngoài mọi nỗi chán chường, nỗi lo lắng, nỗi buồn khổ của anh. Nhiều lúc anh cứ tưởng mình là người đạp xe lên dốc chở em ngồi đằng sau. Dốc cao, mồ hôi anh tứa ra đầm đìa, em nhẹ thế mà sao anh thấy cực nhọc quá chừng chừng. Em cứ thản nhiên ngồi, đung đưa chân, em thơ thới với hoa với bướm, với trời xanh, với nắng vàng. Em cũng không hỏi rằng: Anh có mệt không? Để anh có cơ hội như bao anh chàng galant khác mà trả lời rằng: Anh phình phường. Anh cứ một mình đánh vật với dốc cao, phì phò, phì phò, lo so, buồn nản...
- Sao anh cứ phải suy nghĩ nhiều như thế? Cuộc sống là chuỗi những thử thách, những vận động. Buồn, chán, lo! Chính những cảm xúc tiêu cực ấy làm anh mệt. Anh hãy xếp chúng vào một “kho bí mật” đi anh. Khi nào có em ngồi cạnh, anh hãy lấy ra để ta cùng nhấm nháp, cùng “ăn” trọn chúng, cho chúng bay vèo đi như chưa từng tồn tại. Anh đừng nghĩ em im lặng là em không chia sẻ với anh. Em có cách của riêng em. Em còn dành thời gian để trò chuyện với con, để nghe nó kể về cái vũ trụ tươi non với những phát kiến độc đáo của nó. Nếu anh đạp xe lên dốc, em và con sẽ là người đạp xe bên cạnh. Thi thoảng dừng xe, lau cho anh những giọt mồ hôi, quay đều, quay đều, sẻ chia, thấu hiểu...
- Nói đến con, anh mới nhớ. Sao nó chỉ quấn quýt với em mà ít khi nói chuyện với anh. Hay cái vẻ cằn nhằn, cái khó tính của anh làm nó sợ? Không biết sau này con lớn, nó có còn thì thầm, quấn quýt với anh, có còn chơi vật tay, chạy đuổi nhau quanh nhà với anh như bây giờ không? Anh sợ con sẽ rút về thế giới riêng tư của nó, một mình một phòng như cách bọn trẻ con bây giờ thường làm. Và nữa, nó có sà vào lòng anh âu yếm mỗi khi đi học về hay lại chạy ùa đến bên mẹ, líu lo, hớn hở: “Hê nhô bây bi!” Anh lo lắm, anh đạp xe lên dốc đây, phì phò, phì phò, lọ mọ, lọc cọc, bở hơi tai...
- Anh ơi, anh hỏi gì mà lạ quá. Con cái bao giờ cũng có xu hướng gần mẹ hơn. Dễ hiểu thôi, bởi con có thời gian 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, vũ trụ của con khi ấy chỉ có mẹ thôi. Đến khi con ra đời, con mới “làm quen” với bố. Vậy nên, trong tình yêu đặc biệt đó, bố dẫu sao “cũng chỉ là người đến sau”. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp, cành gần cho trái non xúm xít. Bố như cây cổ thụ, bóng tròn dài rộng, ủ ấp, nâng đỡ. Con và bố gần mà xa, xa mà gần thật gần. Anh hãy tận dụng từng giây phút, từng tích tắc khi mà cả nhà ta bên nhau, thong dong, an tĩnh. Nhìn sang bên đi, em và con đang đạp xe cùng anh lên dốc này, quay đều, quay đều, thương yêu, thương yêu!
- Nói đến thời gian anh mới nhớ, tuổi già đang sầm sập đuổi sau anh. Mỗi ngày, anh nhận ra tóc mình thêm nhiều sợi bạc. Anh càng lúc càng khó ngủ. Hôm qua, đang ngồi dưới phòng khách, có đứa con nít thò đầu qua cửa gọi lớn: “Ông ơi! Ông dắt cái xe gọn vào để mẹ cháu đi nhờ!!!”. Rồi khi tuổi già đến, anh sẽ nhớ nhớ, quên quên, sẽ làm ràm, sẽ càng thêm khó tính. Em và con cứ tha thẩn đi đâu đó, để anh ngồi một mình bên hiên nhà đầy nắng. Những sợi nắng cũng buồn hiu, liu thiu đậu trên mái tóc hoa râm. Nghĩ mà buồn. Thôi anh đạp xe lên dốc tiếp đây, phì phò, phì phò, ốm o, mệt mỏi...
- Anh ơi! Em nghĩ cuộc sống là một trường học để ta tập thương mình. Anh thương anh cũng có nghĩa là thương em và con. Hãy tập thở cho bình an, như tập viết từng con chữ. Run rẩy, mỏng manh rồi cũng hiện từng hàng, từng hàng ngay ngắn, thẳng thớm. Với cái tính hay ăn vặt của mình, em nghĩ, tuổi già như một... trái dưa. Khi kinh nghiệm sống của một người đã chín, thì dưa vàng như sáp ong mật, mùi thơm sẽ ngát cả không gian. Thật tuyệt vời! Không ai có thể giấu được mùi thơm ấy. Mùi thơm như niềm vui. Niềm vui hiện ra, ánh mắt dẫu nhăn nheo vì tuổi tác vẫn ánh lên rạng rỡ. Niềm vui hiện lên trên khóe miệng. Miệng mỉm cười. Niềm vui hiện trên gương mặt. Gương mặt hóa trẻ thơ. Niềm vui hiện trên lời nói. Lời nói thành tiếng reo ca. Niềm vui hiện trên cử chỉ. Cử chỉ ôm ấp vỗ về. Anh cứ để niềm vui đựng trong kinh nghiệm của “một quả dưa chín”, em sẽ nào đâu thấy tuổi già. Anh nhìn sang bên cạnh đi, em và con đang cùng lên dốc, lốc cốc, lốc cốc, từng vòng quay gõ nhịp an vui...
Ôi! Thật là đáng yêu. Em tuyệt thật... Cùng đạp xe lên dốc em nhé. Chà, lên đến đỉnh đồi rồi, cả một vùng non xanh mướt mát đã hiện ra trước mắt rồi kìa em...
Và choàng tỉnh cơn mơ! Đây là đoạn ĐỐI THOẠI thường nhật:
- Sao anh thấy mệt mỏi! Anh bù đầu vì công việc mà em thì cứ thờ ơ.
- Vớ vẩn! Anh không thấy em cũng một núi việc đây à! Việc nhà cửa, bếp núc, giặt giũ, chăm sóc con cái, đứt cả hơi...
- Ừ! Nói đến con anh mới nhớ, anh sợ rồi nó sẽ xa cách anh đấy.
- Anh mộng mơ thơ thẩn nhiều quá nên cứ lơ mơ. Con nào rồi chẳng sán lấy bố. Chỉ có bố con anh mới làm cho nhau hạnh phúc! Rồi lại một mình mẹ già nua, xấu xí, chẳng ma nào thèm dòm.
- Ôi! Lại nhắc đến tuổi già, hình như anh già rồi em ạ.
- Đúng quá rồi còn gì! Già thật chứ còn hình như gì nữa. Mà sao hôm nay anh lẩn thẩn thế! Đúng là già rồi có khác! Thôi anh cứ ngồi đấy mà nghĩ vẩn nghĩ vơ, em vào bếp nấu cơm đây.
Chao ôi là sự khác biệt giữa ĐỘC THOẠI và ĐỐI THOẠI.
Bảo sao mình ít lời! Hihi...
Chúc cả nhà một tháng mới với nồng nàn hoa sữa và ngập tràn niềm vui!