1.Khi con vừa chào đời, người đầu tiên đón con từ tay bác sĩ là bà ngoại của con. Lúc ấy con còn nhỏ xíu như cái kẹo, con thiêm thiếp ngủ trong mớ tã lót thơm ngạt ngào mùi sữa mẹ. Bà ngoại nâng niu con như nâng niu báu vật. Nhìn cái cách bà nựng nịu ấp iu con mà lòng bố rưng rưng. Con không thể hình dung được là bố đã xúc động và mừng vui đến thế nào đâu. Rồi cả bà và bố đều lần tìm ve vuốt những ngón tay, ngón chân con bé xíu, mở to mắt nhìn xem chúng có bị sứt sẹo thiếu hụt gì không. Lòng bà cũng mênh mông như lòng bố mẹ, thương yêu con chỉ bởi con sinh ra khỏe mạnh, đủ đầy.
2. Rồi con cũng có những ngày tháng trứng nước khóc cười trong căn nhà của ông bà ngoại. Căn nhà ấy có cái ngõ vào nhỏ xíu nhưng mở ra cả một không gian yên lành, thư thái. Bà ngoại rất khéo trồng cây nên mùa nào khoảng sân hẹp trước nhà cũng náo nức hoa tươi. Bà ưu tiên trồng nhiều hoa lan hồ điệp, loại hoa trùng tên với mẹ con. Vậy nên mỗi khi ở trong căn nhà ấy, bố thấy lòng dịu dàng. Bố như tưởng tượng ra hình ảnh mẹ con lúc bé xíu, tóc để mái ngang, răng khấp khểnh, cười lỏn lẻn cả ngày. Bố cũng thích ngủ trong nhà bà ngoại, sáng sớm dậy nghe tiếng bà và mẹ thầm thì nhỏ to trong bếp, tiếng ông giục bà bỏ dép ra, đi thật nhẹ cho khỏi ồn để bố con mình ngủ thêm chút nữa. Lạ một điều là khi nào ngủ ở nhà ông bà ngoại, lúc tỉnh giấc, bố cũng có cảm giác đó là những ngày giáp Tết. Bố như cảm nhận rất rõ tiếng cựa mình của đất trời trong làn mưa bụi bay miên man giăng trắng đất trời thoang thoảng mùi hương trầm thơm ngái. Rồi lặng nghe ngoài ngõ tiếng người í ới gọi nhau đi chợ, tiếng cằn nhằn của ông lão hàng xóm khó tính, nhắc mọi người tắt máy khi vào ngõ... Những âm thanh giản dị và hồn hậu khiến lòng bố thật an yên. Những giây phút ấy, bố thường quay sang, ôm siết con vào lòng, thơm mãi lên mái tóc, lên hai cái má con tươi hồng như hai trái dâu tây.
Căn nhà ấy còn là “nơi bà ngoại treo cuống rốn trước đèn mong con học hành đỗ đạt” như lời thơ con trong trẻo. Vì thế, khi con du học xa, mỗi lần về thăm ông bà ngoại, bố lại đưa mắt tìm nơi bà ngoại đã treo sợi dây cuống rốn của con. Và dù sợi dây cuống rốn đã cắt nhưng bố tin luôn có những sợi dây vô hình khác, níu con với bố mẹ, với ông bà, với dòng tộc, làng mạc, với quê hương xứ sở. Những sợi ấy luôn bền chắc, nhắc con đi đâu rồi cũng biết trở về NHÀ...
3. Con à! Bố ấn tượng với căn nhà bà ngoại từ ngày đầu tiên bố đặt chân đến. Khi ấy, bố chỉ có nhiệm vụ làm “chân gỗ” cho một cậu học trò muốn tìm đến nhà ông bà ngoại để rủ mẹ con đi chơi vào sáng hôm sau. Sợ ông bà khó tính, cậu ấy “mượn” bố đi cùng để “thị uy”. Hai thầy trò bị lạc đường nên đến được nhà thì đã hơn 11 giờ khuya. Sau phút ngại ngùng, bố bước vào. Mẹ con ngái ngủ tỉnh dậy, mảnh dẻ và ngơ ngác. Nhưng cả nhà đều ân cần. Bố không thể quên được nụ cười hồn hậu của bà. Giây phút ấy, bố nào biết được, ngôi nhà này rồi sau sẽ gắn bó thân thuộc với mình. Nhưng ngay từ buổi đầu ấy bố đã thấy yêu nó. Bố đứng nán lại dưới giàn hoa thiên lý, nghe hương đêm thơm mượt mà quyến thuộc như góc làng quê của bố. Bố thích những gì giản dị, chân thực, lặng lẽ. Bố ghét những gì ồn ào, rườm rà, khuôn sáo. Bởi vậy, Bố yêu lắm những nếp nhà bình yên. Đó chính là con người của bố.
4. Bố biết ơn bà ngoại vì bà đã: “Mẹ trao gia tài của mẹ/ Cho một chàng trai hiền lành” và: “Bà ngoại nói tôi trọng người chữ nghĩa/ Dám gả con cho cách tỉnh xa đàng”. Sâu xa hơn, bố biết ơn và kính trọng bà ngoại vì bà vẫn tiếp tục “dạy” mẹ con ngay cả khi mẹ con đã “Gánh vác giang san nhà chồng”. Khi mẹ sang Nhật cùng bố, trong hành lý bà gói ghém để mẹ mang theo có cả một cuốn sổ dạy nấu ăn do bà tự chép tay. Những nét chữ tròn trịa, rõ ràng. Bố chắc rằng, để có được cuốn sổ ấy, bà đã mất nhiều đêm thức trắng. Bìa ngoài cuốn sổ, bà viết hai câu thơ Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Nhiều năm sau này, bố vẫn luôn nhớ về những dòng chữ thân thương ấy. Nhớ để hiểu tình thương sâu sắc mà tinh tế của bà dành cho mẹ mà cũng là dành cho bố, cho con. Những cố gắng nấu nướng của mẹ để cả nhà mình có được những bữa ăn ngon lành, ấm áp, để rồi con lớn lên phổng phao, giỏi giang, khỏe mạnh, bố tin đều có “dấu ấn” từ cuốn sổ tay bà chép năm nào, một cách hữu hình hoặc vô hình... Và ngay cả bây giờ ở tuổi ngoại bẩy mươi, mỗi lần lên Hà Nội thăm con cháu, bà vẫn luôn chân luôn tay. Bà đi chợ, nấu nướng, lau chùi giặt giũ... Bà dạy mẹ con từ cách ngâm giá đỗ, đồ xôi, làm bánh mứt... đến mũi chỉ đường kim. Cái lưng bà đau, cái mắt bà mờ, thì có hề gì, miễn là các con vui...
5. Mẹ con cũng luôn mang theo những thói quen xưa cũ từ ngôi nhà bà ngoại về sưởi ấm ngôi nhà của gia đình mình. Ngày tất niên năm nào, mẹ con cũng mua lá mùi già về cho cả nhà tắm tẩy trần. Mẹ con làm công việc đó bằng tất cả sự cẩn trọng, vui sướng vì mẹ luôn ý thức rằng, nghi lễ cổ truyền thiêng liêng ấy mẹ tiếp thu được một cách tự nhiên từ bà ngoại. Cho nên bố thích được ngồi trong ngây ngất mùi lá mùi già. Bố cứ muốn hít hà làn khói mỏng mảnh nhẹ nhàng quấn quyện, mà mùi thơm chỉ có thể gọi là “mùi Tết”... Bố luôn coi những “gia tài” tinh thần mà mẹ con có được từ bà ngoại như “của hồi môn” giá trị nhất và bố mãi trân trọng... Con trai ơi! Sau này, khi yêu một người con gái nào đó, con hãy làm như bố: Lắng nghe và cảm nhận bằng tất cả tình yêu thương chân thành những điều cô ấy đã được hấp thụ, được truyền dạy từ người mẹ của mình. Rồi con nâng niu, bảo bọc những “gia tài” tinh thần ấy. Rồi con chắc chắn sẽ thấy mình “giàu có”. Rồi con chắc chắn sẽ thấy mình hạnh phúc. Và rồi con chắc chắn sẽ có đủ vị tha, yêu tin để giữ lửa cho ngôi nhà mình trước mọi giá băng, giông gió...
6. Nam ơi! Từ khi chào đời, con đã là cây cầu nối bền chặt giữa “bên nội” và “bên ngoại”. Bố vẫn thường nhắc nhủ con rằng, con có một gia đình nhỏ (bố, mẹ và con) và một gia đình lớn. Ở gia đình lớn ấy con có ông bà nội, ngoại, các bác, chú, cô và rất nhiều anh chị em. Con sẽ chỉ đủ đầy niềm vui, đủ đầy hạnh phúc nếu con biết yêu thương thành thực và hết mình cho đại gia đình mình. Con trai à! Nếu chỉ ích kỉ thu vén cho cái gia đình nhỏ của mình theo kiểu anh, chị, em (thậm chí cả bố mẹ) phận ai nấy lo thì chắc chắn bố sẽ có một đời sống vật chất giàu có. Nhưng đó không phải lựa chọn của bố... Bởi vậy, bố muốn con lớn lên thành người đàn ông bản lĩnh, hào hiệp. Con sẽ ý thức được sự giàu có về tinh thần, tình cảm để sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng san sẻ. Như thế lúc nào con cũng thấy quanh mình là “người nhà” và hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với con.
7. Nhà bà ngoại rồi sẽ dời đi nơi khác. Chia tay với giàn hoa thiên lý, với con chim cu gáy “lắm lời”, với những giò hoa lan hồ điệp, chắc bà ngoại sẽ buồn nhiều lắm. Nhưng bố luôn tin, dù ông bà sống ở đâu thì nếp nhà ông bà tạo dựng sẽ mãi còn. Và bằng những tình cảm chân thành và âu yếm mà cả nhà mình dành cho ông bà, ông bà chắc sẽ có những năm tháng tuổi già viên mãn, phải không con?
Ai rồi cũng sẽ chịu ơn những người phụ nữ trong cuộc đời mình.
Và cũng vì lẽ đó, bố luôn cất tiếng gọi bà ngoại của con bằng từ MẸ một cách thiêng liêng trang trọng mà luôn gần gụi dấu yêu, con trai à.