Nhà mình có 7 chị em nhưng bệnh tật yếu đau, chiến tranh, ly tán nên bây giờ chỉ còn có bốn chị em.
Sau mình có ba đứa, em kế mình mất khi chưa đầy tuổi, còn một gái một trai.
Mình nhớ hồi còn nhỏ, xa nhà đi học trường chuyên, hàng tuần đếm từng ngày chỉ mong đến thứ Bảy để được về nhà. Nỗi nhớ mong cứ cồn cào trong lồng ngực ấu thơ. Khát khao đến nỗi, xuống tàu rồi về đến nhà còn phải lội bộ vượt quãng đường hơn chục cây số mà mình cứ chạy như bay, bất kể đêm khuya đồng vắng hay trời gió giông trơn trượt.
Sợ hãi, mệt mỏi, buồn thương... những cảm xúc ấy tan biến hết nhường chỗ cho nỗi mong chờ. Đôi khi lụi cụi giữa đồng chiều mênh mông hoang vắng, nhìn làn khói bếp mỏng mảnh bay lên là cảm giác ấm áp xâm chiếm, là mênh mông nỗi yêu thương...
Mình mong về nhà không bởi về nhà sẽ được ăn no. Cũng vẫn thế thôi, bữa bữa lưng lửng bát cơm độn khoai khô sắn héo. Mình mong về nhà không bởi sẽ được chơi. Cũng vẫn thế thôi, quần quật mò cua, mót lúa, tát cá, bắt ốc... trên đồng sâu ruộng cạn. Điều mình mong chờ là được cảm nhận không khí gia đình. Chút ồn ã, chút ấm áp nhận được từ thầy, từ bu (quê mình gọi bố mẹ bằng thầy bu), từ anh chị và đặc biệt là từ đứa em trai bé bỏng.
Khi đó nó còn thò lò mũi xanh, quần áo lúc nào cũng nhem nhuốc, lăn lê từ nhà ra ngõ. “Bài thơ” nôm na mình viết tặng nó năm mình 11 nó mới lên 2, mình còn lưu giữ trong quyển sổ tay lem luốc: “Ở nhà em/Có bé Thắng/ Thật là ngoan/ Mặt rất trắng, rất xinh...”. Bốn chục năm có lẻ rồi, bao lần mưa dột nhà tốc mái mà quyển sổ có “bài thơ” ấy mình vẫn ôm ấp, mỗi lần đọc lại thấy như mới hôm nào. Trong sâu thẳm con tim, mình chưa khi nào nghĩ rằng hai đứa em đã lớn...
Hễ thấy mình thấp thoáng đầu ngõ, nó sẽ bỏ mặc đống đồ chơi toàn cào cào, châu chấu với mấy bẹ chuối chạy ù ra ngõ, hét tướng lên: “Han hô, han hô! Anh Tảo, anh Tảo đá... ề...”
Nó ngọng líu ngọng lo. Vào học cấp 1 vẫn còn nói ngọng. Vì thế, nó toàn gọi mình là anh Tảo. Mình yêu cái tiếng gọi ấy vô chừng. Hồi ấy còn nhỏ, mình chưa cảm nhận được sự gần gũi máu thịt từ tiếng gọi thân thương của đứa em trai. Vậy mà, chỉ biết rằng, cứ nghe thấy tiếng bước chân nó chạy vẹo vọ và hét gọi tên anh, là mình mừng hú.
Trẻ quê chẳng biết thể hiện tình cảm nên dù mừng vậy nhưng mình cũng chẳng mấy khi ôm hay xoa đầu nó. Chỉ lặng lẽ mỉm cười rồi lại chạy ù đi lo việc khác. Bao năm rồi cứ nghĩ, sao mình không ôm nó một cái mà thơm như kiểu bây giờ người ta vẫn thường yêu thương một đứa trẻ nhỉ!
Nó thấy mình về thì vui lắm. Mình mê phim nên cứ có phim nào về huyện chiếu thì dù xa mấy cũng lặn lội đi xem bằng được. Xem rồi về “diễn” lại. Mình ngồi trên võng bế nó, “ru em” bằng cách thuyết minh giả tiếng của các nhân vật trong phim cứ như thật. Mắt nó mở thao láo chăm chú nghe anh nói, rồi thi thoảng bi bô: “Hay tá, hay tá...”. Mỗi lúc mình đi đâu, nó lẽo đẽo theo sau. Mình vốn nghịch ngợm, hay trêu chọc đánh nhau với lũ bạn. Thấy mình bị xây xước chân tay, nó lo lắng, xoắn xuýt. Mình thì chỉ mong nó đừng kể với bu kẻo lại bị bu đánh đòn.
Mỗi bữa ăn, nó nhìn đĩa rau tập tàng đầy ú ụ, rồi lại nhìn nồi cơm lổn nhổn toàn khoai sắn, hối hả giục cả nhà: “Ăn bờ đi! Ăn bờ đi!”. Ý nó muốn nói “Ăn bừa đi (ăn mạnh dạn đi)”, nhưng nói ngọng thành ra thế. Mấy chục năm rồi, cứ ngồi ăn cơm cùng nó là mình lại nhớ đến câu giục giã ấy. Thốt nhiên, thấy lòng rưng rưng.
Rồi nó lớn lên. Mình cùng anh trai lo cho nó học hành đến nơi đến chốn, rồi lo công việc. Cũng tam phen tứ phen lận đận chuyện làm ăn. Mà khổ, hình như tên nó trái ngược với cuộc đời, cứ long đong tất tưởi mãi chẳng thành.
Chuyện công việc đã lận đận, chuyện gia đình nhỏ của nó cũng dở dang. Chẳng biết nói sao, chỉ nghĩ chắc do số phận nên ngậm ngùi thương thắt ruột...
Càng lớn, anh em càng mỗi người mỗi tính. Cha mẹ sinh con “giời” sinh tính mà, nên nhiều lúc chẳng hiểu nhau. Cũng có khi giận tím tái ruột gan.
Nhưng giận để mà thương!
Cứ giận đấy! Nhưng hễ nó gặp chuyện gì là mình không thể ngồi yên được. Lại gánh gồng chuyện cửa nhà cho em, dẫu chẳng cao sang nhưng cũng không thua bè kém bạn. Lại gánh gồng chuyện con cái cùng em, mong cho các cháu sau này ra đời đỡ mặc cảm thiệt thòi...
Càng lớn nó càng khác với lúc nhỏ, không hay kể chuyện, ít khi cởi mở gụi gần. Sau nhiều lận đận bão giông, nó như rút vào thế giới của riêng mình. Thế nhưng khi nhà có việc, khi bố mẹ ốm đau, nó vẫn âm thầm lo lắng.
Những lần mình ốm hay khi phải nằm viện, hễ bảo thèm ăn cái gì là nó đi tìm mua bằng được. Mang về lẳng lặng đợi anh ăn... Lần bố ốm nặng, tưởng không qua khỏi, trong lúc mình chạy đôn chạy đáo lo nhờ bác sỹ, lo thuốc men chẳng thấy nó đâu. Đến khi bình tâm lại, mình đi ra ngoài phòng bệnh, thấy nó đang đứng ở một góc hành lang, mắt nhìn xa xăm. Nó quay lại nhìn mình và đưa tay lau những giọt nước mắt mặn mòi.
Mình vội vã bước lui bởi chỉ cần nhìn vào mắt nó là mình sẽ khóc òa lên mất!
Đợt chị gái bị bệnh trọng, chưa vào lo cho chị được, mình vừa ngỏ lời, nó xăng xái vào luôn. Nó vào đến nơi, đưa chị đi khám, ngày nào cũng điện thoại ra kể tỉ mỉ tình hình. Mỗi lần nghe điện thoại, mình vẫn như cảm nhận được cái giọng ngọng líu ngọng lo của nó tự năm nảo năm nào. Thân thương và gần gũi quá!
Nó vốn cần cù và rất khéo tay. Mỗi khi nhà mình điện nước hỏng hóc nó chỉ quay quả một lúc là lại đâu ra đấy.
Giờ nó đã bốn mấy tuổi rồi. Tóc trên đầu đã lốm đốm sợi bạc, già không kém gì anh. Nhiều lúc nhìn nó mình giật mình. Thằng em trai bé bỏng ngày nào của mình đấy ư... Thời gian trôi nhanh khủng khiếp. Chẳng mấy chốc mà cả anh, cả em đều già. Thế mà nhìn lại, thấy nó vẫn cứ chơ vơ, thấy vẫn cứ chung chiêng, thấy vẫn cứ chòng chành... Hay tại mình cả lo quá nên lúc nào cũng thấy vậy... Cho nên, cứ mỗi lần vào đền chùa, mình đều chắp tay lòng thành mong cho nó tìm được bến đỗ cuộc đời bình lặng an yên, cho bếp lửa nhà nó không quạnh quẽ, cho lòng nó bớt hoang vắng, bớt cô liêu... Để mình sẽ lại thấy nó như thuở nào lon ton chân sáo chạy ra ngõ đón anh rồi thao thiết gọi: Anh Tảo, anh Tảo!
Viết đến đây lại thấy mắt cay xè... Và lại thắt lòng thương!