Nhà mình lúc nào cũng tấp nập náo nức vì luôn có các cháu, các em đến ở cùng: “Rộng bụng hơn rộng nhà” mà! Đứa cháu nào ở cùng, mình cũng thấy yêu thương, quý mến. Nhìn chúng cứ thấy hình ảnh con trai trong đó.
Tuy nhiên, mấy năm có hai đứa cháu gái ở cùng là có “nhiều chuyện” hay ho, dễ thương nhất. Đứa chị thì mình đã viết trong bài Tồ ơi là tồ. Mỗi lần đọc bài xong nó lại cười toe: “Bác viết cháu thấy hay lắm í. Cháu thích lắm í. Nhưng sao bác cứ gọi cháu là tồ, cháu tẹt chứ có tồ chút nào đâu”.
Còn đứa em, mình thường “dọa”: “Cháu không cẩn thận, bác sẽ viết bài về mày với tựa đề Hâm ơi là hâm cho coi”. Nó túm chặt tay mình lắc lắc: “Bác đừng, viết thế là hỏng hết xôi chè”. Rồi cười rinh rích.
Mà xem chừng nó “hâm” thật.
Những ngày đầu học đại học xa ông bà, bố mẹ, nó nhớ nhà khóc tu tu. Mình toan nạt: “Từ đây đến Phủ Lý có bao xa mà khóc nỗi gì”. Nhưng thấy cái mặt nó tèm lem nước mắt nước mũi, thương quá nên lại thôi.
Nó được cái khéo léo hơn đứa chị, biết thêm vài “chiêu” nấu nướng. Có đợt vợ mình đi công tác, nó trổ tài xào rau rồi rán cá, mình nắc nỏm khen ngon. Thế là nó nấu liền trong một tuần chỉ rau xào và cá rán. Cứ đến bữa nhìn thấy ngồn ngộn rau xào, cá rán là đã thấy ngán. Nhưng nó thì luôn nhìn mình bằng ánh mắt sáng rỡ: “Bác ăn đi, đúng món bác thích, bác ăn nhiều thật nhiều vào nhé”. Thế là mình lại cắm cúi ăn, không ý kiến ý cò gì...
Nó học thông minh sáng dạ chỉ tội lười. Mình luôn mồm nhắc về cái tội hay “thoái chí nản lòng”, thanh niên gì mà sách vở không chịu đọc, học hành trần xì mấy quyển giáo trình chẳng chịu mở mang, thêm nếm gì, kể cả cái việc cho đi học thêm tiếng Anh mình cũng phải đăng kí đến năm lần bảy lượt... Rồi mình lấy dẫn chứng hùng hồn: “Bác đây này, hồi trẻ thèm sách, mơ sách, suốt ngày đi bộ mấy cây số để mượn sách về đọc. Trong khi đó mày sống trong nhà bác giữa một rừng sách mà chẳng thấy đọc là sao”. Sau mấy hôm mắng, thấy nó mê mải đọc sách, mình “ưng cái bụng” lắm. Vậy mà cắm cúi được mấy hồi, rồi một lần nó hào hứng: Bác ơi, đọc cuốn này cháu mới thấy bác đúng là một “soái ca” của u Điệp (chị em nó yêu quý “cô dâu 8 tuổi” nhà mình nên luôn gọi bằng U). Ối giời, thì ra nó đọc truyện ngôn tình!
Nó gầy nhẳng nhưng ăn uống lúc nào cũng sợ béo. Mỗi bữa vừa ăn vừa lo: “Ôi! Ăn cái món này béo lắm u à”. Đấy là nó tâm sự với vợ mình, chứ biết mình phản đối nên nó chẳng dám ho he. Có lần mình tủm tỉm trêu: Thôi cứ ăn đi cháu, mày xấu có phải vì béo đâu. Cứ ăn nhiều vào, béo càng xinh, như con Tồ ấy! Mà bác kể chuyện này cho nghe nhé: Có dịp Tồ sợ béo quá, nó leo lên cân điện tử. Vừa đặt hai chân lên bàn cân thì cân phát ra thông báo: Đề nghị quý khách xếp hàng lần lượt khi lên cân! Vui đáo để. Đấy, cháu thấy không, có ai mà lại có “sức nặng” với cái cân đến thế đâu. Nó nghe xong cười rũ rượi rồi vùng vằng: “Ứ, bác trêu cháu”. Mình thong thả bồi thêm: Nếu câu “hồng nhan bạc mệnh” là có thật thì hai u con nhà cháu cứ yên tâm sẽ “trường sinh bất lão” hoặc chí ít cũng xứng vào hàng “thần tiên tỉ tỉ”. Ối giời! Sau câu nói đó, giông bão nổi ầm ầm...
Nó thì “gọn gàng” hết chỗ nói! Vài hôm lại thấy mặt méo xệch, lôi u ra một góc thì thầm: “U có thấy cái quần/ cái áo của con đâu không?”. Phải cái “u” cũng tâm hồn treo ngược cành cây nên mặt cũng ngác ngơ ngơ ngác không kém. Mình thường tủm tỉm cười chỉ ra hàng bán quần áo đầu ngõ, ý là ra đấy mua cho nhanh, khỏi cần tìm.
Những ngày nghỉ, nó thường hay kiếm cớ để về nhà. Mình thương lắm nhưng sợ đi lại tàu xe không an toàn nên mỗi lần nó xin phép về mình đều làm mặt lạnh. Thế là nó sợ lắm. Sợ thì sợ nhưng vẫn muốn về. Nó tìm cách xin lén qua u nó. Hai u con thì thọt với nhau, bí bí mật mật. Mình biết thừa nhưng cứ tảng lờ. Nó sẽ chọn lúc ăn cơm, vừa gắp cho mình miếng thịt là mở lời: “Bác ơi, cháu muốn...”. Theo đúng “kịch bản”, u nó sẽ tiếp ngay: “Ừ cho nó về chơi với mẹ!”. Mình nghiêm mặt: “Về cái gì? Công to việc lớn gì mà về?”. Thế là nó im re, mắt rơm rớm. U nó thì “đi guốc trong bụng mình” nên lại cười xuê xoa: “Về chơi với mẹ 1,2 ngày rồi lên con nhé! Nhớ đi đường cẩn thận”. Ui giời! Rứa là hòa cả làng. Nói thế thì nói nhưng hầu như lần nào nó về, mình cũng dúi cho vài xèng. Nó nhận mà tay run, mắt ướt. Cái con “hâm” này.
Được cái nó rất ít đi chơi, một phần chắc do sợ bác. Nhưng nó cứ đổ tại vì bác mà cháu FA mãi. Mình nhiều lần “đe dọa”: “Học hành đi đã, chưa có yêu đương gì vội. Xinh xắn giỏi giang như mày yêu thì cũng phải chọn đứa nào tử tế không thì khổ một đời...”. Nó chớp chớp: “Bác ơi! Tìm được “soái ca” như bác có phải dễ đâu”. À, ừ, câu này nghe được. Mình bảo: “FA có sao đâu, để bác kể cho nghe chuyện này: Có một người phụ nữ sống cô đơn mãi không tìm được nửa kia của mình bèn lên núi gặp thiền sư để tìm lời khuyên. Người đó hỏi: Thưa thiền sư, con muốn tìm một người đàn ông chân thành, tốt bụng, hào hoa, lịch thiệp, giỏi giang, thành đạt mà tìm mãi không thấy. Thiền sư không đáp mà chỉ tay về ngọn núi phía trước. Người kia gật gù và nói: Dạ, con hiểu ý thiền sư rồi. Thiền sư muốn khuyên con là lòng người cao như núi, khó đoán, khó tìm phải không ạ? Thiền sư từ tốn trả lời: Không phải đâu con! Ý của ta là: Nếu con muốn tìm người có những tiêu chuẩn như thế thì còn ngọn núi trước mặt ta đấy, lên đó mà làm sư cho rồi”. Nó nghe xong cười ngất ngư: “Đấy cháu biết ngay mà, thôi cứ từ từ rồi cháu sẽ tìm đường lên núi”. Đúng là con hâm.
Hôm nó bảo vệ luận văn tốt nghiệp, cả hai vợ chồng mình cùng đến dự. Nó mặc cái áo dài, trang điểm một chút trông rõ là xinh. Mình ngồi nghe nó trình bày luận văn trôi chảy, mạch lạc mà thấy như có cơn gió lành nhè nhẹ thổi trong lòng. Thế là nó đã lớn rồi và cũng sẽ xa vòng tay của mình. Mấy năm thôi mà nó “trổ giò” nhanh quá, không còn là cái con còi đẹn ngày nào. Nó bảo vệ xong, lúc chụp ảnh cứ nắm chặt lấy tay u và bác. Có chụp cái ảnh thôi mà cứ run bắn, mắt rơm rớm. Rõ là hâm quá đi!
Giờ nó đã về quê làm việc nhưng vẫn “sợ” bác như ngày nào. Có hôm gần 5 giờ chiều, mình chợt nhớ ra là ngày mai cả hai vợ chồng và chú út đều đi vắng mà không có ai trông nom ông bà. Mình bấm điện thoại cho nó. Nó đang đi đâu đó, nói bập bà bập bõm. Mình bảo: “Cháu lên trông ông bà giúp hai bác được không?”. Chẳng nghe thấy nó trả lời lại. Mình cúp máy đi nhờ người khác. Thế mà chỉ hơn 1 tiếng sau, nó đã xuất hiện trước cửa nhà mình. Quần áo, tóc tai tơi tả vì đi vội. Nó đứng ngoài cửa bấm chuông trong ánh chiều chập choạng. Mình quay vội lên nhà để giấu nỗi rưng rưng. Cái con hâm này!
Thế đấy, có những đứa cháu vụng dại, tồ tệch đến dễ thương khiến mình thấy cuộc sống này sao nhẹ nhõm và đáng yêu đến vậy!
Có thể còn nhiều điều chúng chưa kịp trưởng thành. Nhưng có sao đâu khi tấm lòng và tình cảm của chúng cứ trong trẻo và thuần khiết thế. Rồi sẽ trưởng thành thôi mà. Rồi sẽ khôn khéo thôi mà. Như con Tồ ấy, giờ đã là bà mẹ đảm đang, thương khó của một đứa con trai kháu khỉnh ngộ nghĩnh vô chừng... Và mắt mình lại ướt!
Nghĩ đến đó, mình bất chợt nhìn ra mấy cây cau trước cửa nhà. Là cau cảnh vậy mà khi ở nhà mình cứ nói đến chuyện chồng con là cả hai chị em chúng đều đồng thanh: “Khi nào cau có buồng thì chúng cháu mới lấy chồng”. Ừ, nói thế thôi nhưng rồi chị rồi em sẽ lần lượt về với ngôi nhà khác. Mình chẳng mong ước gì hơn là cầu cho chúng được Hạnh phúc. Sinh nhật mình, có thể chúng nó lại bận chuyện chồng con chẳng còn đến xúm lại mà thổi bóng, mà làm thiệp, mà tất bật bán mua... như bây giờ chúng vẫn thường làm. Và mắt mình lại ướt!...
Mình biết, khi mình nói ra những điều này thì thế nào chúng nó cũng lại “mít ướt” giống mình cho mà xem.
Cái con hâm này!