Mình vào nghề dạy học đã mấp mé ba chục năm. Quãng thời gian dài bằng gần nửa đời người đó trôi qua nhanh như bóng câu qua song cửa. Nhìn lại thấy gian khổ, mồ hôi nước mắt cũng nhiều. Có thời kì khó khăn đến mức toan bỏ nghề đi xuất khẩu lao động nhưng rồi bục giảng và phấn trắng níu chân mình, những niềm vui, niềm an ủi níu chân mình. Đặc thù công việc của mình là tiếp xúc với sinh viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều vùng miền khác nhau, nhiều trình độ khác nhau. Chính vì thế mà niềm vui cứ nhân lên “bộn bề”. Dạy ngôn ngữ vốn khô khan nên mình có thói quen thường hay lấy ví dụ vui bông đùa trong giờ dạy. Học trò cười quặn ruột mà mặt thầy cứ tỉnh bơ. Chuyện! “Nghề” mà lị. Và cũng chính các thế hệ học trò cũng đem lại cho mình nhiều tiếng cười, khi thì sảng khoái, tươi trẻ, khi thì có đôi chút ngậm ngùi...
1. Mình nhớ lần ôn thi tốt nghiệp một lớp dạy ở miền Nam, để phân tích các căn cứ ngôn ngữ học của việc phân chia âm tiết tiếng Việt thành cấu trúc hai bậc (bậc lỏng là quan hệ giữa âm đầu, vần và thanh điệu, bậc chặt thuộc các yếu tố của phần vần), mình đưa dẫn chứng về cách nói lái bằng ví dụ: Ở một góc công viên nọ người ta cứ hay tè bậy nên người quản lí công viên cắm tại đó tấm biển vẽ hình quả đấm. Nhiều người nghĩ rằng tấm biển có ý thông báo “Sẽ bị ăn đấm nếu tè bậy”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: “Người cắm biển chắc là nhà ngôn ngữ học nên ông ta muốn chơi chữ: Quả đấm là “cái đấm”, “cái đấm” nói lái thành “cấm đái” theo cách nói lái tách phần vần giữa hai âm tiết hoán vị cho nhau. Đề thi tốt nghiệp lần đó có câu: Khi phân chia cấu trúc âm tiết tiếng Việt người ta thường căn cứ vào những cơ sở ngôn ngữ học nào? Vậy là khi chấm bài, cả lớp hơn trăm học viên thì có đến gần trăm bài thi phân tích căn cứ nói lái với ví dụ “cái đấm” thành “cấm đái”. Khổ thế, cứ như cả lớp thi nhau... tè ấy! Mình và giáo sư Lê Phương Nga vừa chấm bài vừa cười méo ẹo.
Cứ thế này chẳng trách khi dạy học sinh làm văn, hễ kể về việc tốt em đã làm để giúp đỡ gia đình thì chắc chắn là gấp quần áo, quét nhà, nhặt rau... Kể về việc giúp đỡ người già thì thế nào cũng sẽ là dắt cụ già qua đường, kể cả khi cụ “chống cự” vì không có nhu cầu qua đường. Tả về bà nội thì kiểu gì bà em cũng tóc trắng như cước, miệng bỏm bẻm nhai trầu dù trong thực tế bà em có thể tóc vẫn nhuộm vàng nhuộm đỏ, đi xe tay ga hay phóng ô tô vèo vèo... Mình còn biết một cháu, rõ ràng bố mẹ đã bỏ nhau, nó ở với mẹ nhưng khi kể về gia đình vẫn cứ viết: Tối nào gia đình em cũng quây quần quanh mâm cơm, bố gắp thức ăn cho mẹ và cho em trong không gian ấm áp... Hỏi nó thì nó bảo: “Cô giáo cháu hướng dẫn thế”. Đố dám làm sai. Aizza, đúng là “cười ra nước mắt”. Cứ thế này thì nói gì đến sáng tạo, đến phát triển năng lực học sinh trong đổi mới phương pháp dạy và học.
2. Để phân tích ví dụ về đặc trưng cấu trúc ngữ pháp và tu từ tiếng Việt, mình kể một câu chuyện vui với dụng ý: Đã ngữ pháp là phải chính xác còn tu từ thì “nói vậy mà không phải vậy”, phải hiểu những ý nghĩa ẩn dụ phía sau câu chữ. Chuyện như sau:
Một cô gái phàn nàn với bạn về người yêu của mình: “Anh ấy rất tốt, chỉ buồn một nỗi anh ấy là nhà ngữ pháp học”.
“Thế thì sao chứ?” Cô bạn kia hỏi.
“Cứng quá chứ sao nữa. Bảo “không” thì không ngay mà bảo “đừng” là đừng ngay, chán như con gián!”.
“Người yêu tớ thì hoàn toàn ngược lại. Có lần anh ấy định hôn tớ, chợt thấy bố đứng lấp ló đằng sau, tớ bảo: Thôi mà anh. Anh ấy hiểu ngược lại, thế là bị bố phát hiện. Ôi, Sao anh ấy hay và thông minh đến vậy?”.
“Chuyện, anh ấy là nhà tu từ học mà!”.
Chuyện là thế. Vậy mà lúc giờ học kết thúc, mấy em sinh viên nữ ngồi đầu bàn hô đồng thanh: “Em chúc thầy mãi mãi luôn là nhà tu từ học nhé!” Aizza, mệt phết!
3. Để giảng về kết cấu văn bản, mình hùng hồn: Người dẫn truyện sẽ mở đầu đoạn bằng một điều A rồi dẫn dắt người đọc đến một điều B. Theo suy diễn thông thường, người ta lập tức nghĩ đến kết cục là C. Nhưng bất thình lình, người dẫn truyện đổi hướng sang C’ sao cho độc giả bất ngờ, chưng hửng và bật cười. Rồi dẫn ví dụ:
Đôi tình nhân ngồi âu yếm trên ghế đá trong công viên đông người. Cô gái liên tục nũng nịu người yêu.
- Ôi! Má em đau quá! - cô gái nũng nịu.
Chàng trai bèn hôn vào má cô gái.
- Em thấy thế nào? Còn đau không?
- Úi, hết đau rồi.
Ít phút sau...
- Ôi! Cổ em lại đau!
Chàng lại hôn vào cổ nàng.
- Còn đau không em?
Cô gái bẽn lẽn:
- Hết... rồi...
Một lúc sau, cô gái lại kêu đau ở rốn... Cụ già ngồi gần đó không chịu nổi, cáu tiết:
- Hỡi chàng trai có đôi môi thần kì, cháu có thể chữa bệnh trĩ cho bác được không?!
Cả lớp cười ngặt nghẽo. Tuy nhiên, chuyện không dừng ở đó vì đến giờ ra chơi, mình thấy cả lớp đồng loạt gọi anh lớp trưởng là: Anh C’!
Thôi xong!
4. Có lần đi dạy ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ, mình nghỉ trong một nhà trọ cũ, sơ sài. Buổi sáng còn đang mắt nhắm mắt mở thì điện thoại di động reo vang. Cầm máy lên thì thấy đầu dây bên kia là giọng con gái ngọt lịm: “Thầy ơi, bữa sáng nay có búp-phê, thầy chọn món gì!”. Mình ngạc nhiên vì học viên nghèo thế làm gì chơi sang đến mức mời thầy buffet. Nhưng đã là buffet sao lại còn hỏi thầy chọn món gì. Mình thì thào: “Không cần cầu kì thế đâu em. Thầy ăn gì cũng được”. Đầu dây bên kia lại oanh vàng lảnh lót: “Dạ em hỏi để còn chuẩn bị cho chu đáo ạ”. “Ừ, thế búp-phê của em gồm những gì?” “Dạ thưa thầy (lại lảnh lót) có củ mì, cơm tấm và khoai lang luộc hoặc khoai lang nướng ạ”.
Ờ, hẳn là búp-phê rùi!
5. Lần đi dạy ở Kiên Giang, từ sáng sớm anh lớp trưởng đã gọi điện bảo thầy xuống tầng trệt em đón đến lớp dạy. Mình tong tong tả tả vội vàng xuống sợ muộn giờ. Anh lớp trưởng gầy nhẳng phóng xe máy ào ào, mình ngồi sau xe sợ toát mồ hôi hột. Mình bấm lưng anh, nói: “Em ơi, thầy già rồi, em đi chậm thôi”. Anh lớp trưởng cười xả ga trong gió lao thao: “Thầy in tơm. Em đi chủn lung”. Trời ơi, chủn chủn cái gì mà mấy lần lao qua ổ gà tung hết cả ruột gan phèo phổi thầy. Cuối cùng cũng đến nơi. Mình bỏ cái mũ bảo hiểm ra thở hào hển. Anh lớp trưởng nhìn mình rồi hỏi: “Thầy, thầy HU chưa?”. Mình ngơ ngác không hiểu anh ấy vừa hỏi gì. Anh nhìn mình rồi lặp lại: “Thầy, thầy sắp HU chưa?”. Mình cố gắng phân tích theo khía cạnh ngôn ngữ. Đi với “sắp” trong trường hợp này chắc là động từ. Nhưng HU là động từ gì nhỉ? Hun (hôn) chăng? Chẳng có lẽ. Mình ngập ngừng: “À, à...” Anh lớp trưởng thấy mình lúng túng bèn giải thích: “Em thấy thầy có TỦI rồi nên hỏi xem thầy sắp JỀ HU chưa?” À, à là về HƯU. Hết hồn, cứ tưởng hỏi chuyện khác.
6. Thời trai trẻ, mình đi dạy học chả hiểu sao cũng được một số cô học trò mê, hiii. Đợt dạy ở Long An, có một ẻm chân dài cứ theo suốt. Mình ái ngại quá mới thẽ thọt: “Em đừng theo thầy nữa, nhà thầy xa lắm, tít tận ngoài Bắc. Mà bố mẹ thầy thì già, nếu con trai lấy vợ trong này thì cũng không đủ sức vào dự đám cưới, tội thân các cụ”. Em nghe xong, mắt chớp chớp, rõ thương. Thế rồi em tìm gặp giáo sư Lê Phương Nga vì biết chỗ cô với mình là tri âm tri kỉ. Em tha thiết: “Cô ơi, cô có thể đại diện gia đình thầy Thảo đến... hỏi em cho thầy được không?”. Cô Nga sau phút “bàng hoàng” cười nhỏ nhẻ: “Ừ, cô có thể đại diện được chứ nhưng chưa thấy thầy Thảo nhỏ to gì với cô cả. Thầy mà nhờ là cô làm ngay”. Ối trời, thế này thì khá gay go sờ ki rồi. Mình tìm gặp em, thả giọng nhẹ nhàng như gió thoảng: “Em ơi, cô Nga “Hỏi em cho thầy” còn, thầy thì biết... Hỏi ai?”. Em chớp chớp, mắt ngấn lệ. Mình bảo: “Thôi mà, em đừng buồn nữa sẽ có nhiều chàng trai xứng đáng sẽ đến với em”. Thế là em òa khóc nức nở: “Không, không ai hỏi mà em đồng ý hết. Thầy có biết răng với lưỡi không. Thầy là lưỡi, em là răng. Mà thầy biết đấy, răng cắn một cái là lưỡi chảy máu luôn...”. Ối ồi, em mà so sánh thế thì thầy đứng tim như Từ Hải bây giờ! “Mà em ơi, em biết không, “lưỡi” chỉ nói một câu không đúng thôi là có thể sẽ bay cả hai hàm 32 cái răng em à. Cho nên “lưỡi” không thể “hỏi” lung tung được đâu em”. Em nghe xong thút thít chút nữa rồi lặng im. Từ hôm ấy cho đến cuối đợt dạy chỉ thấy em buồn chứ không nói về việc... “hỏi” nữa. Hú hồn.
Còn vô số những chuyện khác nữa mà mình sẽ “cúng phây” khi có dịp. Chỉ biết mỗi lần nhớ lại, vừa tủm tỉm cười vừa thấy lòng bâng khuâng.
Chả thế mà năm nào vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mình cũng cứ muốn nghe đi nghe lại bài hát Người thầy của nhạc sỹ Nguyễn Nhất Huy và thấy tim mình yên an trong những cảm xúc dịu dàng.
Có thể còn nhiều lấn cấn, những chua xót, đắng đót, tủi buồn, nhưng có sao đâu khi nghề thầy đã cho mình bao nhiêu kỉ niệm thú vị là thế. Và cũng chỉ nghề thầy mới có hạnh phúc đi đến nơi đâu trên khắp mọi miền đất nước cũng có thể gặp được học trò cũ...
Viết đến đây mình lại nhớ đến đận đi cùng với bố vợ về nơi công tác cũ của ông cụ để xin lại cái giấy khai sinh cho “cô dâu 8 tuổi” nhà mình. Đang đi giữa đường thì mót tè quá. Đường quê thanh vắng, xung quanh toàn đồng ruộng. Thôi, hai bố con rủ nhau làm “nhất quận công” cho sảng khoái.
Hai bố con thong thả dựng xe tìm nơi kín đáo ven bờ ruộng để “bóp cổ giám đốc nhà máy nước”. Đang khoan khoái “trút nỗi buồn” thì thấy một bác lão nông tri điền hối hả chạy từ đằng xa đến. Hai bố con giật bắn cả người. Bác lao đến chỗ bố vợ mình, không giấu được niềm vui: “Thầy, thầy là thầy Cảnh ạ! Em chào thầy, thầy còn nhớ em không ạ”. Khốn khổ, thầy còn chưa “giải quyết” xong, mồm vẫn méo xệch: “Ờ! Thầy nhớ, thầy nhớ...” Chả lẽ lại bảo em khoan khoan chút cho thầy... kéo khóa quần cái đã!
Đấy, mình bảo mà, những chuyện “đặc sản” như thế chỉ có ở nghề giáo mà thôi.
Vui phết!