Trong “lịch sử” các mối tình của mình có bao nhiêu “E.X” thì có bấy nhiêu lần gặp mặt với bố mẹ của các nàng. Nhiều chuyện vui, cảm động, ngậm ngùi mà nhiều chuyện cũng “a cay” ra phết.
1. Hồi sinh viên, mình có yêu một nàng học cùng trường, khác khoa, dưới mình một khóa. Mình gọi đó là “tình yêu cua cáy” vì nàng cảm mến mình trước hết bởi biệt tài... bắt cua. Ngày ấy, quanh trường Sư phạm, đồng ruộng, cỏ lác um tùm. Trên đường 32, từ đầu Cầu Giấy về trường Sư phạm chỉ thấy một vùng mênh mông đồng nước không phải ràn rạt, lóc nhóc những nhà là nhà như bây giờ. Sinh viên thì lúc nào chả đói, thời bao cấp lại còn đói dữ dội hơn nhiều. Vậy nên cứ thi thoảng, mình lại lùng sục quanh các cánh đồng hiện giờ là khu vực Nghĩa Tân, Trần Quốc Hoàn... để tát cá, bắt cua. Chiến lợi phẩm bao giờ cũng là giỏ cua, chậu cá to đùng. Những con to, tươi tỉnh mình cùng cô em họ (ở cùng phòng nàng) mang ra chợ Xanh bán. Số còn lại mang về nấu nướng xì xụp chan húp thỏa thuê. Và mỗi lần như thế, nàng ngồi ở góc phòng, ngước nhìn mình với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Dần dần rồi... yêu, hehe.
Nàng hiền lành, ít nói nên “trị” được cái tính nóng nảy của mình. Yêu nàng, mình thấy tim luôn dịu dàng, ấm áp. Và không có gì vui sướng là thỉnh thoảng vào thứ Bảy, Chủ nhật, hai đứa lại khi thì đạp xe, khi thì nhảy xe buýt về nhà nàng chơi.
Nhà nàng thuộc vùng “oai oái như phủ Khoái xin tương”. Vượt sông Hồng trên con đê bời bời gió, qua những thửa ruộng miên man xanh, tóc nàng bay vấn vít, nón lá che nghiêng e ấp. Nàng ngả đầu vào lưng mình, ôi chao đời cứ đẹp như mơ và mộng như thơ...
Nhưng thú thật, hồi đó mình thích về nhà nàng một phần vì cảnh đẹp, người xinh, tình thì chứa chan chan chứa, phần vì cứ về nhà nàng, là mình được... ăn no.
Bố mẹ nàng cởi mở, chân tình và cực kì đôn hậu. Bác gái lão nông tri điền hiền lành chân chất hệt mẹ mình còn bác trai làm cán bộ nhà nước. Ngày ấy “cán bộ” là một mỹ từ đẹp lóng lánh hơn cả danh hiệu nghệ sỹ nhân dân bây giờ, he he. Đẹp đến nỗi ở làng mình, bọn trẻ con còn kháo nhau, hễ đứa nào có bố mẹ làm cán bộ, nước bọt của chúng luôn trắng và thơm tho chứ không hôi như lũ trẻ quê vì... chúng được ăn gạo tem phiếu. Mình tin sái cổ. Chuyện! “Cán bộ” mà lị.
Bố mẹ nàng đón tiếp mình nồng hậu. yêu thương như con trai và luôn gọi mình là “cậu cả”. Về đến nhà nàng là hai đứa xách gầu, xách cuốc ra đồng. Tất nhiên, làm ruộng thì ít mà tán tỉnh nhau thì nhiều. Thế mà bố mẹ nàng vẫn vui như Tết. Hai Bác lôi những gì ngon nhất trong nhà ra thết đãi, lạc rang muối, cá kho tương, khoai lang luộc, ngô nướng... hỉ hỉ hả hả.
Chỉ có điều, cứ đêm xuống là mình phải vác gối ra ngủ với... bác trai. Bác có tật đi ngủ sớm. Thành thử có khi đang rửa bát cùng nàng đã nghe tiếng bác réo rắt giục... ta đi ngủ thôi cháu!
Ai dám cãi lời, mình lón thón vác gối theo bác, ánh mắt nhìn nàng tiếc rẻ, đầy tội nghiệp.
Mà bác thì tỉnh ngủ vô cùng. Rõ ràng đang ngáy o o, nhưng hễ mình cựa quậy định dậy là đã thấy cất giọng: “Đi vệ sinh hả cháu, để bác dậy đi cùng cho đỡ sợ”. Mình lại miễn cưỡng nằm xuống im khe: “Dạ thôi cháu không đi đâu ạ”.
Kinh thế chứ! Ke ke.
Mấy năm đi lại như thế, cũng như rứa cơ số lần ngủ cùng bác trai. Mình kính trọng, thương yêu hai bác như bố mẹ. Cứ mỗi lần về là một lần thấy ấm áp, sum vầy.
Cơ mà rồi mình và nàng đành phải chia tay. Chẳng phải do lỗi lầm gì, chỉ là do hoàn cảnh. Ngày ấy mình còn khó khăn trăm bề muôn nỗi... mà nàng thì “gái có thì”, đành đường ai nấy đi.
Nhưng mà xót, nhưng mà nhớ. Nhưng mà đau, nhưng mà tiếc. Nhưng mà thương! Thương những tình cảm ấm nồng mà mình đã có với nàng và hai bác. Kính trọng những người mà mình đã từng chịu ơn, những người đã góp phần cưu mang mình cả một thời sinh viên khốn khổ, nhọc nhằn.
Sau này, mỗi lần qua bờ đê sông Hồng lời bời gió và mênh mang nắng, mình lại nhớ diết da mái tóc bay quấn quýt dịu dàng. Và đặc biệt nhớ ngôi nhà nhỏ bé mà quá đỗi thân thương!
Hai bác giờ đã thành người thiên cổ. Ngày nàng lấy chồng, mình cùng anh P và T. A về “dự lễ cưới”... sau khi nhà trai đã đón dâu. Anh P ẩy mình vào, mà mình thì cứ đứng chôn chân nơi đầu ngõ, nhìn về phía nhà chồng nàng mà lòng hoang hoải. Lòng mình thầm mong hạnh phúc luôn mỉm cười với nàng: “... Ngày tiễn em đi khỏi trái tim mình, anh không khóc/ Đáng lẽ phải ngẩng đầu thật cao và giả vờ lơ đãng ngắm mây bay/ Nhưng không giấu nổi lòng mình anh cúi nhìn mặt đất...” (Đỗ Bạch Mai). Mình lặng lẽ cúi đầu tạ lỗi cùng hai bác và em - những người mà mình mãi mãi trân quý... suốt cả cuộc đời này!
2. Rồi thời gian nguôi ngoai, mình quen và yêu một nàng khác.
Nàng cao ráo, xinh đẹp và yêu kiều. Nàng văn thơ và tâm hồn cũng đẹp tựa một bài thơ trữ tình duyên dáng.
Khỏi phải nói, từ ngày yêu nàng, khởi đầu bằng bài Hoa lan tiêu đăng trên báo Hoa học trò, dần dà nhà mình thành một xưởng sáng tác thơ, hihi.
Bất kể khi nào có hứng, ý thơ đều có thể trào lên đầu ngọn bút. Và nàng cũng thế, thơ đi thơ lại tri kỉ tâm giao.
Có nàng, mình dịu dàng hơn. Trừ khi giận hờn, cãi vã còn lại toàn bàn chuyện thơ văn, truyện ngắn, tiểu thuyết và... âm nhạc. Quả là “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” (vì hồi đó mình còn ở căn nhà lá lụp xụp... “lịch sự” hơn túp lều chị Dậu của cụ Ngô chút đỉnh). Vậy nên “cơm áo không đùa với khách thơ”, dù yêu nàng miết mải mình vẫn không thể quên cái trách nhiệm là trụ cột gia đình. Nhiều khi hồn thơ chưa tỉnh đã phải tính xem lên lịch “đánh cờ” thế nào để có thể đi “bán cháo phổi” được ở nhiều nơi, kiếm được nhiều xèng...
Bố mẹ nàng thì thuộc hàng “danh gia vọng tộc”, nên ngay từ buổi đầu tiên về ra mắt, bố mẹ nàng đã có vẻ... không ưa mình. Bởi vậy, nhiều lần cũng thấm vị “đắng lòng”!
Mình đến gặp nàng, ông bố vác ghế ra hè ngồi từ đầu đến cuối. Mà ác cái, ông không nói chuyện gì, cũng không ngẩng lên hỏi câu nào, ông chỉ cắm cúi đọc báo. Mình vừa nói chuyện vừa tự hỏi cái tờ báo Nhân dân có gì hay mà ông có thể đọc chăm chú đến thế cơ chứ.
Mỗi lần nàng tiễn mình ra ngõ, ông lũi cũi làm như dạo bộ theo ngay sau. Cái tay vừa thò ra định nắm, đã thấy một tràng ho dài như trống ngũ liên. Thế là rụt tay, trật tự liền.
Mình định đánh bài liều, đã không ủng hộ thì “cắp” hẳn con gái ông đi xem ông làm gì được... nhưng nghĩ lại thấy không phải phép nên “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”.
Mà không chỉ bố mẹ nàng, ngay cả em trai nàng, hai chị gái nàng cũng e dè trông chừng cảnh giác với mình. Họ sợ em/chị họ rơi vào tay mình thì rồi trần ai cơ khổ...
Cái gì đến rồi cũng đến... mình và nàng chia tay... phần nhiều vì mình tự nhận thấy không phải với nàng: “Em là rượu hay em là nước mắt!”.
Nhưng những kí ức văn thơ nồng nàn, những kỉ niệm ngọt ngào thì cứ đẹp mãi.
Đẹp để mà lung linh vậy thôi, để mà nhắc mình đã có một thời tuổi trẻ lãng mạn... dù vật vã mưu sinh.
Nhiều năm sau, có lần thoáng nhìn thấy nàng về dự hội trường, mình hồi hộp toan chạy lại... nhưng rồi lặng lẽ tránh sang lối khác. Mình muốn nuôi nấng mãi những kí ức bồng bềnh, những mơ màng, những khốn khổ chung tình say đắm một thời đẹp mãi...
Mỗi lần nhớ lại, thấy rưng rưng như có đóa hoa hoàng thảo nở rực rỡ trong sâu thẳm lòng nhau...
Nhưng thú thật, mình mãi vẫn không quên “ánh mắt hình viên đạn”, những tràng ho cảnh báo và thái độ “bất hợp tác” của bố nàng năm nảo năm nào. Hihi.
3. Còn lại là ông bố của... một nàng mà ấn tượng đẹp sẽ mãi mãi bên mình!
Nhân ngày nghỉ, mình cùng cậu học trò đến rủ cô con gái rượu của ông (cũng là học trò của mình) ngày mai đi chơi. Lúc đó đã 11 giờ đêm. Nghe “thiên hạ” đồn đại, ông khó tính lắm, chẳng bao giờ cho con gái ra khỏi nhà qua 9 giờ, vậy mà thấy mình đến muộn ông vẫn tươi tỉnh, ân cần. Chắc tại cái bản mặt mình có chút “bảo hành”. Tất nhiên đêm đó vui và bâng khuâng. Ở đời là thế, với những người không ưa mình, cách cư xử không khó lắm. Còn đối với người yêu quý, trân trọng mình bao giờ cảm giác bao trùm cũng là thấm thía lòng biết ơn và... luôn khó nghĩ.
Hôm mình chính thức ra mắt, cả nhà làm cơm đãi thịnh soạn. Mình nhớ có món rau bắp cải luộc. Thực ra ăn uống lúc đó không còn quan trọng nữa nhưng cái không khí bữa ăn chân tình, ấm áp làm mình nhớ mãi. Về sau này, rau bắp cải luộc được vào list những món ăn yêu thích của mình chỉ vì cái cảm giác ấm cúng đó mang lại.
Về sau, mình tặng ông chai rượu gọi là ra mắt. Khổ, nhằm trúng ngay chai rượu giả. Thế mà ông vẫn vui vẻ như thường.
Thi thoảng mình nóng nảy với con gái ông, ông vẫn một mực nhẹ nhàng...
Mỗi lần về nhà, mình được ông hỏi han chuyện trường lớp, chuyện công việc, chuyện dạy dỗ. Rồi bàn chuyện chính sự, chuyện thời cuộc. Như hai người bạn vong niên...
Mình phục ông ở cái tính điềm đạm, lịch lãm. Cảm thấy không gì có thể khiến ông giận dữ, to tiếng. Luôn khoan hòa, nhẹ nhõm, lạc quan. Bất kể hoàn cảnh nào ông cũng có thể tìm được lý do để vượt qua một cách thư thái. Mình phục luôn!
Mà được cái, ông cũng giống mình ở cái khoản... đào hoa. Nên rất dễ thông cảm, he he.
Bây giờ ông đã ngoài tuổi 70. Thế mà hôm trước viết thư tay gửi cho con gái, nét chữ ông viết vẫn đều đặn, ngay hàng thẳng lối, trăm chữ như một, lời lẽ ân cần, dịu dàng. Mình nắc nỏm, phục luôn!
Mà phục là phải vì Ông... là Bố vợ mình. He he.